Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

hà nội tháng 12 năm nay có chi đặc biệt

chú bộ đội này quê đâu đó (?)
Năm nay nhân lễ lạt kỷ niệm này kia chi nọ, đặc biệt là Điện Biên Phủ trên không, tông giọng của các loại pa-nô, áp-phích, hình cổ động cùng phướn bay lập phập trong gió khắp phố phường Hà Nội xem ra có vẻ cao hơn mọi khi. 

Tôi đặc kịt âm-mưu-thuyết trong đầu. Nào nghĩ có lẽ ông đô trưởng mới tinh muốn thể hiện thì tuyên truyền của [thành phố của] ông phải "hung hăng" hơn chút. Rồi lại rẽ ngang suy nghĩ, hậu dịch một bộ phận cơ quan tranh thủ kiếm chác, tích cực sản xuất mấy món tuyên truyền cổ động này, phố xá càng ngợp các khẩu hiệu, tiền phần trăm ắt càng nhiều. Sau một hồi, à thì ra năm nay là kỷ niệm chẵn. To là phải!

Mà nhân vụ kỷ niệm dài cả tháng này, có một chuyện làm tôi buồn cười mãi. Vô tình tôi ngó tivi, thấy nhà đài quốc doanh làm chương trình ngợi ca các tay máy ghi lại lịch sử trận không chiến năm nào. Vấn đề là các vị khen không khéo vì nhân vật mà các vị đẩy lên thành anh hùng chẳng rõ thật thà hay hồ đồ, cứ chân phương thủ thỉ rằng thì là mà lúc đó quay bừa kiểu được chăng hay chớ. Ăn may, các thước phim hoá thành lịch sử.  Cứ tưởng tượng kết quả thu được là một chuỗi đen sì sì xem sao, thế thì bữa nay mình đã chẳng được xem anh hùng.

Có những hình ảnh và lời văn hẳn trong một quá khứ nào đó rất có sức mạnh, nhưng giờ xem ra lạc lõng trong thành phố đầy các thị dân nhấp nhổm vượt đèn đỏ và nhếch nhác bụi rác. Buồn cười hơn nữa là chú bộ đội nước ta nhìn thế quái nào lại giống chú lính xô-viết. Ngày xưa kham khổ, chưa bình nét Tây nét Ta thì riêng quả mặt chú lính cứ búng căng xem ra có chút gượng. Nhưng nói gì thì nói, chi tiết này chắc chắn sẽ không gây bất bình như cái ông trận Điện Biên trên mặt đất trông như vừa chui ra từ nạn đói hồi nào bị công kích ầm ĩ - hay nói chính xác hơn là tác giả tạo hình cái ông này.

Đô trưởng tự nhận mình trong veo. Chuyện đấy đối với tôi có chút đáng ngờ, nhưng không có bằng chứng gì thì tôi chẳng dại gì mà bảo ông ấy nói điêu. Đơn giản là từ "trong veo" này chẳng ăn khớp gì với những lộn xộn, nhem nhuốc của/trong thành phố.

Như mọi khi, quanh khu phức hợp của chính phủ vẫn lác đác bà con giơ khẩu hiệu. Tôi đi ngang thấy có chữ Cần Thơ cùng đất đai gì gì đấy. Gần trụ sở cũ của bộ Ngoại giao vẫn sẵn sàng một xe bus đợi người. 

Mà hay nhá, tường rào sắt của Phủ Chủ tịch hồi đầu tháng được sơn lại. Tôi đi qua mấy bận để ý thấy các bác thợ chẳng áo quần đồng phục chi sất, nhìn như thể lao động ngoại tỉnh được một tay cai nào đó vơ thành mớ rồi giao cho chậu sơn cùng chổi quét để tác nghiệp. Lại một chút máu me xỏ xiên phát tác, có đứa dở hơi lập loè suy nghĩ hết sức dở hơi, đấy kinh tế phi chính quy muôn năm. 

Cuộc sống dù sao vẫn chạy. Ông đô trưởng kia tiếp tục trong veo. Bà con tỉnh xa tiếp tục thi thoảng xuất hiện với các khẩu hiệu chữ to. Các khẩu hiệu quốc doanh theo kỳ cuộc tiếp tục bay đầy đường. Còn thị dân Hà Nội, lầm than cứ lầm than, say sưa lọc lừa cứ say sưa lọc lừa, hay nữa là lơ ma lơ mơ seo-phì tự sướng không phân biệt tuổi tác giới tính cùng giai tầng xã hội cứ tiếp tục cái sự sung sướng của mình. 

qua số 2 Lê Thạch nhận quà Tây Nguyên
nhìn cờ này phì cười
anh chị em trông xe cuối tuần kiếm khá 
nên tính chuyện tặng nhà khách cái cờ mới hỉ

đo thời gian

sự giàu có giả tạo và sức mạnh của seo-phì

không gu-chì, chẳng cha-nèo mà vẫn cứ là thời trang a :-)

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

há cảo nhật hai bước làm món: "hấp khô" rồi chiên

Há cáo vỏ bánh Nhật, nhân làm theo công thức của một chị người Nhật bạn TL, bấy lâu nay trong bếp nhà luôn được làm chín theo hai bước: (1) làm nóng chảo với xíu dầu, cho há cảo vô rồi chờ hai mặt bánh chắc chút thì bổ túc xíu nước và đậy vung, để cho bánh trong chảo chín nhờ hơi nước; (2) há cảo chín mềm mềm rồi thì mở vung, tăng nhiệt bếp và đảm bảo mặt chảo ráo khô thì cho kha khá dầu ăn vô để chiên tạo đanh tạo giòn cho vỏ bánh.

Bánh làm như vậy có mềm có giòn.

Nói đơn giản là vậy nhưng tôi vừa vô duyên vừa hậu đậu, ở bước thứ nhất hay có tật quá tay nước hoặc quá tay điều khiển cái xẻng nấu nên khiến bánh mềm có mềm nhưng cũng rất dễ bị nát.

Giờ tôi phát hiện ra cách làm mới, tốn chút công phu đứng canh bếp, nhưng đảm bảo không nguy cơ quá tay nước, không cần hành động tách các miếng há cảo, và như vậy chẳng có chuyện bánh nát.

Tôi gọi công đoạn (1) có chút cải biên là "hấp khô". Vẫn là chảo láng xíu dầu và làm nóng, vẫn là bánh vô chảo chờ đanh mặt chút. Sau đó là kè kè tay cầm cái bình xịt nhỏ, làm ướt chảo rồi đậy vung. Sau một hai phút lại cùng một động tác. Cứ thế lặp đi lặp lại, cho tới khi bánh chín mềm. Lúc này, muốn chiên giòn rụm, chiên vàng rực rỡ các mặt bánh là do ý mỗi người mà làm. 

khư khư cái bình xịt đứng canh bếp
"tâm thần" chút nhưng lợi hại :-)

dọn máy tính: nhà mình đã từng

Nhà Hà Nội tôi quen miệng gọi "nhà cũ". Và nơi chúng tôi sống giờ được gọi "nhà căn hộ".

Thi thoảng nghĩ về sự gọi tên này, tôi phì cười. Cười xong thì gật gù, cũng là có ý tứ.

Trong các bức hình cũ, tôi nhìn ra không chỉ đồ vật, mà còn có cả các thói quen, những sự yêu thích theo thời điểm, những kết giao xã hội, những kế hoạch...

sáng uống trà - thời gian chăm chỉ làm các món vải ghép

dọn sân vườn

góc học tập xanh lè

uống trà ngoài sân - ghế YNot

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

thêm note ghi về cách trộn gỏi cải bắp

TL dạy tôi làm món. Đơn giản và mau. Nếu có chút gợn hay lấn cấn trong đầu óc thì đó hẳn là vấn đề lượng đường được sử dụng.

Cải bắp các lá được rửa sạch và làm ráo, tiếp đó được xếp khum lại với nhau và cắt/thái sợi hay lát - thanh mảnh hay rộng rãi bề ngang tuỳ ý - rồi xốc với đường và dấm. Chúng tôi dùng dấm gạo lên men Ajinomoto hàng Việt Nam yêu nước, đủ thanh đủ nhẹ và cũng đủ chua. Còn đường cũng là đường ái-quốc, bạn hạt vàng phổ thông nhãn Biên Hoà. Có chút gạch đầu dòng nhỏ ở đây liên quan kích cỡ của các sợi rau được cắt/thái. Nói chung là không nên cắt/thái rau quá mịn vì khi trộn đường dấm và để lâu sẽ [dễ] bị nát. Và thêm nữa là tính toán lượng dấm vừa đủ để ở bước sau còn dụng tới một thành phần tạo chua khác là cốt chanh. 

Rau ngấm đường và dấm, được bóp nhẹ tay để tiết bỏ phần nước. Lúc đó mới thêm thắt gọi là xíu nước cốt chanh, rồi ớt và tỏi bằm hay giã nhuyễn. Thêm màu thêm vị còn có thể là hành tím, là cà rốt, là hành xanh chẻ sợi... Quá trình trộn này phải thực nhẹ tay, sao cho món gỏi hoàn thiện không bị nát.

Gỏi ăn không vui vẻ. Làm đồng hành cho mấy món thịt nướng hay cá xông khói lại càng vui vẻ hơn. 

Tôi thích bạn rau cải bắp xắt mịn cứ thế xơi trong các set món chiên bếp Nhật. Tôi cũng thích bạn coleslaw - cải bắp xắt chua chua ngậy ngậy mayonnaise phổ biến xứ cờ-hoa. Nhưng thích nhất có lẽ là cải bắp trộn gỏi tinh thần bếp Việt này. 

cải bắp trộn gỏi có điểm cà rốt và rắc rau mùi
ăn kèm cá chẽm xông khói

cá dìa/cá nâu: món nướng nồi chiên không dầu

cá dìa hay còn gọi cá nâu
nướng nồi chiên không dầu vị tỏi và ớt
(1)

TL hay cười tôi, cười về cái phản ứng Già Lưu ra phủ quan của tôi mỗi khi khám phá một loại hải sản mới. 

Xưa nay tôi thuộc nhóm người thiếu thịt thiếu vui, còn mấy bạn tôm cua các ốc gì đó thì có cũng được, không có chẳng sao. Đó là chưa kể, với một vài loại cá, tôi ăn trong bữa thực ngon nhưng sau bữa lại mang cái cảm giác bức bức, ứ ứ nơi cuống họng, đại loại là rất khó chịu. 

Nhưng vì nhiều lý do, tôi dần dần chủ động tiếp nhận các món làm từ cá, rồi cũng từ từ mà yêu thích cái sự mới mẻ mỗi khi trong bếp nhà xuất hiện một sản phẩm biển trước nay chưa từng biết, chưa từng thấy. 

TL hay cười tôi còn vì chuyện cũ người mới ta, đó là dân vùng biển ăn quen thấy bình thường, vào mâm vào bát nhà mình thì thành quý và hiếm a :-)

Với cá nâu hay cá dìa, phản ứng của tôi và của cô em về tôi cũng là vậy.

(2)

Cá nâu/cá dìa bốn bạn nghe nói được cấp đông từ biển. Rồi cá đi thủ đô. TL nhận cá, ngắm nghía một hồi, tính toán một hồi, cá bé quá hấp chẳng bõ, thế thì nướng. 

Tỏi, ớt và muối được giã rồi xát vào cá. Ướp lâu lâu vài giờ - hai ba tiếng gì đó - rồi cho vô nồi chiên không dầu.

Thế là xong!

(3)

Cá ngon.

Thịt cá ngọt, mềm có mềm mà chắc thớ vẫn chắc thớ.

Ba kẻ háu ăn xử lý xong cá xong thòm thèm nhìn cái đĩa trơ xương. Bạn đánh chén thân mến của tôi liên hệ tức thì mấy quán Nhật quen trong thành phố những năm trước, nơi mà xong món cá sống thì ông luôn được nhà bếp tiếp thêm bộ gọng [xương cá] chiên giòn rụm.

Nồi chiên không dầu lại được phát huy tác dụng. Hiệp hai của chúng tôi là ba bộ xương cá. Đúng là giòn rụm luôn 🐟🐟🐟

tò mò ngó cá ướp - cá dìa/cá nâu

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

bắc ninh 11.12.2022

Mẹ phơi trái dành dành
để sau làm màu nhuộm thức ăn
Cây đào được tuốt lá. Hai cụ già tính toán, khả năng cao là hoa sẽ nở sớm (trước Tết). Cả dải vườn trước nhà được dọn quang quẻ, khiến sân nhà bỗng rộng thoáng hơn rất nhiều.

Mấy hôm rồi tôi run lập cập ở Hà Nội. Hôm nay về nhà quê Bắc Ninh lại được một bữa ấm áp, áo rét mang theo hoá thành thừa thãi.

Như mọi khi, chúng tôi đánh chén căng bụng các món Mẹ chiêu đãi. Như mọi khi, các túi và làn quà quê mang về thành phố trĩu nặng đồ ăn. 

Lúc ngồi ngoài sân nhổ tóc sâu cho Mẹ, con gái hỏi sao bữa nay chùa làng im ắng. Được hồi cả nhà tha hồ nghe chuông mõ. Tôi phục bà cụ già với ví von bữa trước rằng thì là mà tiếng mõ tụng bên chùa nghe như dao bằm rau nuôi heo. Tôi không liên tưởng xa đến vậy, nhưng đúng là người gõ mõ này hoặc là ẩu tả, hoặc là đầu óc đang phân tán loạn xà ngầu, hoặc nữa là đang trong đoạn chập chững học nghề. 

Anh chồng của chị họ thời gian trước bệnh nặng phải ra thủ đô thăm khám. Theo lời bác sĩ, ngoài dùng thuốc thì anh này phải kiêng rượu triệt để. Nghe nói anh phàn nàn khiếp lắm. Vì điều này đồng nghĩa bỏ qua cơ hội ăn cỗ. Chuyện nghe ai không biết tưởng người trong cuộc là kẻ tham ăn. Thực không phải vậy. Ở làng, đi ăn cỗ là dịp giao lưu, rượu thịt suy cho cùng cũng chỉ là thức đưa đẩy, nhưng ngồi mâm cỗ mà là lắc đầu từ chối món nước cay thì dứt khoát là không được. 

Qua nhà anh họ gần, chúng tôi chứng kiến cả hai vợ chồng ông anh khoái chí vụ Tết này anh được ra đình. Phải mất vài phút tôi mới hiểu, tức là ông anh đủ điều kiện tham gia một phường, một giáp, một hội nhóm ở làng. Lại thiếu chút tôi mở miệng trêu đùa, tham gia thế này mất thời gian và tốn tiền thì sao. May mà cuối cùng con giời biết đường ngậm miệng. 

Mấy tuần rồi, xung quanh chúng tôi có quá nhiều chuyện, nhiều tin tiêu cực liên quan đến sức khoẻ, đến mệnh số. Có lẽ vì thế mà bà cụ già lẩm bẩm mấy bận liền về chuyện bận tâm lớn nhất giờ đây chỉ là sao cho khỏi ốm, sao cho khỏi ngã bệnh. Tôi phì cười, có chuyện là do mình quyết định phần nào, chủ động thực hành dưỡng sinh chẳng hạn, nhưng còn lại nhiều chuyện dứt khoát nằm ngoài năng lực bản thân, tỷ như di truyền, tỷ như môi trường sống, hay có khi mê tín chút là chuyện cái số nó thế. Cuối cùng, con gái chỉ biết thì thào, thì mình cố gắng tự chăm sóc bản thân tốt nhất có thể. 

Cuộc sống ở Hà Nội với tôi gần như gói trọn trong các bức tường nhà căn hộ. Có việc ra ngoài, mỗi khi trở về nhà là tôi mệt rũ rượi. Còn được về quê nhìn hai cụ già nhà mình, trêu ông chọc bà, ăn uống một màn kễnh bụng rồi vác đồ ăn xin về thành phố, vênh cái mặt thở sâu căng phồng lồng ngực, thực là vui!

cổng nhà hoa nở

đường sang nhà anh họ - một trái na

kinh giới "cổ thụ" - hoa nhiều hơn lá

chuồng gà Việt Nam khác xa chuồng gà Mỹ :-)

cúc vàng lạc lõng ngoài ruộng rau

nụ mai này

trầu bà thành phố bé tin hin về quê
phổng phao phong cách Thánh Gióng

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

diếp romaine xào chao đỏ

 Chuyện là thế này. Hồi Hà Nội "giãn cách" vì covid, trong nhiều hoạt động nhìn ngó cái màn hình tivi của chúng tôi, có một phần đáng kể dành cho các kênh nấu nướng trên youtube. Và chính trong hoàn cảnh đó mà tôi biết đến nhà Lau - Made with Lau.

Hôm rồi, lâu lâu rờ rẫm cái điều khiển, tôi lại nhìn thấy đại gia này. Và cũng rất vô tình mà biết đến món xào rau diếp với chao, mà rau diếp được chỉ đích danh là romaine lettuce.

Có ý tưởng rồi, tôi thử làm món chơi. Diếp chọn đúng loại. Riêng chao thì tôi dùng theo kiểu nhân thể: chao đỏ laoganma.

Nhớ ghi chỉ đơn giản là trụng/chần mau rau diếp. Nhẹ tay ép cho nước rút khỏi rau đã chần. Phi thơm tỏi hoặc tỏi ớt bằm, chao đã dầm sẵn để bên, rau đảo mau tay, chao nhảy nhót liền vô chảo. Úm la thế là xong.

Bạn đánh chén khịt khịt mũi chê bôi. Kẻ khác bên bàn lại khoái chí. Tôi đùa vui, thì đậu phụ nhự với phô mai xanh mùi vị khác biệt nhưng độ đậm nào có thua kém cái này với cái kia hì. 

Rau giòn chắc và ngấm ngọt thơm bùi của chao. Món hạp với cơm trắng âm ấm. Chẳng cần thức mặn chi chi, chỉ cơm và rau xào cũng đủ no một bữa.

Tôi ẩu tả trong hành động ép nước rau nên đĩa xào thành phẩm ra, phần nước xào xem ra còn nhiều hơn phần cái rau. Không vấn đề chi, đôi ba thìa cơm trộn nước xào đó, ngon thật là ngon!

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

củ sen chiên giòn

Củ sen thái thật mỏng, ngâm tẩy qua trong nước pha với cốt chanh. Dùng khăn vải hay giấy bếp thấm thật ráo.

Chảo inox đặt lên bếp điện làm nóng, hạ dầu olive lượng vừa phải và cho các lát củ sen thái mỏng vô, dàn đều. Sau một hai phút chừng chảo và nguyên liệu trong đó nóng đều, hạ nhiệt về nhỏ nhất, cứ thế liu ra liu riu.

Tôi không đếm thời gian phút hay giờ, đại khái chừng mươi phút thì đảo mặt một lần. Vài bận như vậy đảm bảo cả hai mặt của mỗi lát củ sen đều ngả vàng. 

Gọi là chiên nhưng theo quá trình nấu này thì từ ngữ xem ra hẳn chưa chính xác đến tận li lai. Không biết gọi chi, thôi thì chiên giòn nghe cho dễ bề liên tưởng.

Các lát củ sen chiên giòn đó đảm bảo ăn giòn rụm. Và hay nhất là kẻ ăn tinh tế hay thô lỗ đều dứt khoát không tìm ra cảm giác ngậy ngán của dầu mỡ hay bơ vốn quen thuộc trong mấy món chiên ngập. 

Món này ăn chơi vui vẻ ngoài bữa, hoặc không là trong set đồ khai vị bên bàn ăn cũng rất hạp. Và đảm bảo là chay luôn, chay toàn tập :-)

củ sen thái lát mỏng, chiên bằng dầu olive với nhiều kiên nhẫn

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

cải ngọt trộn salad kiểu bếp nhật

cho quá tay vụn cá bào
(1)

Ở mấy tiệm Nhật, set khai vị mang ra bàn thường có một tô nhỏ xinh rau trộn, và thường là bina. Cũng có lần, tôi không nhớ là ở quán nào, thay vì rau chân vịt lại là cải ngọt. Tôi không mấy hứng thú với các bạn này nhưng kiểu tiện tay rờ đũa gắp thì rồi thành quen, thấy nhẹ nhàng, hay hay, ngon ngon.

Bữa rồi có cải ngọt xin từ vườn nhà Bắc Ninh, tôi làm vui vui một phần rau trộn, tên chính xác là gì chẳng rõ, cứ gọi là cải ngọt trộn salad kiểu bếp Nhật đi :-)

(2)

- Rau cải rửa sạch, chia thành mấy đoạn, cuống ra cuống, lá ra lá cố gắng rành mạch là tốt nhất. Rau đó được trụng nước sôi - nhớ cho phần cuống vào nồi/chảo nước nóng trước rồi lá thì cho chậm hơn chút - sau đó xối nước một lượt và nhẹ tay vắt ráo.
- Nhà không có ponzu sauce đóng chai, tôi đại khái là xíu dầu mè, xíu nước tương, xíu dấm gạo Nhật, xíu bột rong biển (thay cho đường) và xíu muối, nhẹ tay trộn rồi để bên cho rau ngấm gia vị.
- Chừng mươi phút thì một lượt vắt qua loa cho bớt phần nước tiết gia vị đó. Có mè trắng giã rối cho vô. Có vụn cá bào cho vô. Lần này tôi lười rang mè nên rau chỉ có thêm phần vị của cá bào.

Món khều tay ăn chơi chứ không phải để lấy no cũng như không phải làm bạn với cơm với thức mặn khác. Rau trộn này có mềm mại phần lá mà vẫn đảm bảo đanh giòn cuống cải. Vị chủ là ngọt nhờ nước tương cùng chút hỗ trợ của bột rong biển. Nhưng cũng không thể thiếu thoang thoảng đáo chua dịu dấm gạo cũng như thơm đặc trưng dầu mè. 

Với người ăn chay, chỉ cần bỏ qua cá bào tức thì chúng mình có một phần rau trộn thanh đạm.

Bên bàn cơm, mỗi người gắp một ngụm. Và ai cũng vui vẻ hài lòng!

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

chuyện tháng mười một

(1)

Đầu tiên là thời tiết. 

Tôi nhớ nửa đầu tháng tiết trời luôn luôn dịu ban ngày, còn sang tối muộn thì sẽ là se se lạnh. Năm nay thì là nắng, là nóng, là khó chịu. Không đến mức bức bối như hồi tháng bảy tháng tám lịch trên, nhưng cũng là chẳng dễ chịu gì.

(2)

Tôi ốm. 

Giống như thể ma làm khi mà cứ đúng một cữ thời gian đầu sáng thì cả người rụp xuống vì đau buốt. Sau mấy ngày nghe ngóng cơ thể thì tôi quyết định vứt bỏ sau gáy cái ý tứ tâm linh biện giải kia.

Sau ba tuần kiên trì, xem ra trị liệu đem lại kết quả không tệ. Các cơn đau vẫn còn đó, nhưng cả cường mức và thời gian của mỗi cơn xem ra đều giảm kha khá. Con giời cười hi hi ha ha, câu chuyện là thời gian, kiên nhẫn và tiền bạc.

(3)

Tháng mười một lịch trên này có rất nhiều tin tức buồn. 

Có người tôi biết sơ, có người tôi biết kỹ hơn và quý mến, tin về họ đều liên quan đến tật bệnh. 

Thời gian này, chuyện mình chuyện người sức khoẻ làm tôi có thêm cơ hội ngẫm nghĩ về cuộc đời, về món có tên duyên nghiệp, phúc phận. 

Tôi nghĩ, có thể lý giải nhiều vấn đề sức khoẻ từ phương diện duy lý và y học chính thống, tỷ như di truyền, tỷ như sinh hoạt cá nhân, tỷ như môi trường sống. Nhưng đồng thời cũng có nhiều điều mà cách nhìn hiện đại vô thần rõ ràng không thể giải thích cũng như đề xuất giải pháp. 

Câu chuyện xem ra vẫn là trải nghiệm và duyên phận của mỗi người!

áo Muji gặp rác thổ cẩm mặt trái
(4)

Tháng mười một này còn là một dịp tôi phóng túng, điên rồ trong quan hệ với đồ vật.

Vài món đồ vải được đặt mua. Lại thêm một đôi lần phóng tay mua đồ siêu hạ giá ở tiệm Nhật quen. Bình thường ở đó mỗi năm tôi chỉ tặng mình đôi ba thân áo, chủ yếu là vì chất liệu dễ chịu của chúng. Còn lần này, nhân giá hạ đến mức gần như cho không, con giời vơ vét làm bao đẫy.

Về nhà, tôi tính tính toán toán và bắt đầu một công trình cải tạo quần áo. Hắc hắc cười, chưa gọi là chạy theo trào lưu vingtage hay cải tạo đồ si [second hand], nhưng coi như là từ giờ trở đi mình đây sẽ chăm chỉ chữa đồ

Mà chẳng cứ đồ đáng tiền, hàng fast-fashion tôi cũng chơi cả mớ với tính toán thêm bớt vài chi tiết trên mỗi món đồ. Khoe áo t-shirt của Muji được vá víu một miếng thổ cẩm nhỏ với TA, tôi giải thích đây là rác thải từ Cô H, rồi lại buồn rầu nhưng giờ rác muốn có cũng chẳng còn vì Cô H thời gian rồi đã kịp phát hiện giá trị của tài nguyên rác này, bao nhiêu vụn vải trước kia bỏ đi nay cô giữ hết. TA ha ha ha, ừ, giờ rác đi Pháp hết rồi. Chuyện là bà cô sẽ sống chủ yếu ở Paris và dù chuyển nhà thì cô không bỏ nghề, vải vóc cô mang kha khá sang bên kia để tiếp tục làm hàng thổ cẩm.

thêm một bạn trầu bà - cây TL mua
(5)

Trong nhà căn hộ tháng rồi có thêm mấy gốc trầu bà. 

Về vụ cây này, cả TL và tôi đều nhất trí cao độ. Thật hiếm khi tôi mua món đồ gì đó mà không bị cô em nhà mình phàn nàn hay chỉ trích. 

Và bọn cây dù lờ và lờ vờ thì vẫn tính là sống tốt. Tôi đặc biệt thích cảm giác giữa sáng nhìn cây xanh tắm trong nắng ngoài hiên cùng với các cơn gió nhẹ quấn quít xung quanh. 

(6)

Tháng mười một cũng là tháng của sự đi lại của vài người tôi yêu quý.

Tôi có dịp để nhìn lại câu hỏi, rốt cuộc mình có phải là kẻ hảo hảo yêu thích sự du lịch không.

Và câu trả lời của tôi vẫn dứt khoát là không.

Tôi trân trọng các vùng đất và con người ở những nơi đó. Nhưng lý lẽ thuyết phục tôi thực hiện một hành trình thì xem ra phải thật chắc thật dày mới khiến tôi nhúc nhích cái thân. Tiền có thể là một chuyện. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi nghĩ vấn đề của mình là tôi lười dịch chuyển!

Thường chúng ta nhìn thấy những bức hình với cảnh quan đẹp đẽ và những khuôn mặt người tươi rói. Nhưng đến một độ, đặc biệt là liên quan đến các thân ảnh trong các khung hình hay trong chuỗi chuyển động của các đoạn clip nhan nhản cõi mạng nhện, chúng ta có thể giật mình khi thấy có tới đa phần là theo cùng một khuôn rập. Có rất nhiều nụ cười miệng rộng rất chuẩn gu thời đại nhưng đặt chúng cạnh nhau, y chang lột và cuối cùng, câu hỏi là đâu là cái duyên, đâu là rạng ngời sức sống đích thực, đâu là cá nhân tính của mỗi một khuôn mặt trong đó. Câu trả lời hầu như là không.

mừng sinh nhật kép: cô hàng xóm cũ và bạn
sóng mây chào mừng lão Tiên sinh

H. ngắm trời Sikkim

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

củ cải dầm làm món khai vị: sao cho giòn

(1)

Tôi thô kệch, với món củ cải dầm/củ cải cà la thầu, liên quan đến độ giòn từ trước đến nay bằng kinh nghiệm trực giác của mình luôn cho là chỉ do hai yếu tố quyết định: loại củ cải và muối.

Củ cải tên gọi thế nhưng có dăm bảy đường. Từ củ tháu nhỏ vị cay - tôi hay gọi là củ cải ta - đến giống củ dài to mập mạp và thường là xồm xộp - tôi hay gọi là củ cải lai, sau tôi biết thêm củ cải giống Hàn to như trái dưa gang, rất cứng rất chắc so với củ cải quen thấy ở nhà mình. 

Về muối, củ cải thái lát, bổ miếng dọc hay thái sợi, cứ xóc với muối rồi ru ngủ một giấc, sau nhẹ tay vắt kiệt nước và chế món, gần như trăm phần trăm là giòn. Tôi nói gần như vì đôi khi muối phóng quá tay thành lợi bất cập hại, món vừa mặn chát mà giòn lại chẳng thấy đâu - tai nạn này tôi đã gặp vài lần!

(2)

Tháng trước TL làm bún thang đãi khách. 

Bạn nhỏ Hồng Tâm hiếu kỳ nhìn bát nhỏ đựng củ cải khô dầm ăn kèm tô bún, tôi thấy vậy thì giải thích, đây là món nhà làm, học theo Bà Nội. Khách ăn nếm món và nói, trừ độ chua ra thì món này giống y chang món bên Trung Quốc. 

Rồi tiện trong câu chuyện, bạn nhỏ vừa là giải thích vừa là chia sẻ một mẹo nhỏ để làm món của cải dầm/củ cải cà la thầu làm mau ăn liền: chọn củ cải nhỏ và chỉ lấy phần vỏ củ cải để chế biến. Tôi nghe ú ớ, trước nay mình đều là dùng cái nạo để loại bỏ vỏ củ cải a. Sau mấy giây thì ồ à, ý tứ của ông em là bỏ đi cái phần lõi mềm của củ cải.

củ cải dầm trong set khai vị ở Jade Moon
(3)

Jade Moon trong khay bộ ba món khai vị tôi thấy có củ cải dầm.

Món làm vô cùng khéo, không mặn không ngọt không chua mà hoá ra vị gì cũng tựu thành, có chăng là thoang thoảng, là rất dịu. Thêm nữa là các miếng củ cải giòn, siêu giòn. Nhìn món có vẻ tầm thường, nhưng cho miếng nhỏ rau củ muối đó vô miệng mà xem, tinh tế ngon!

Hồng Tâm chỉ cái đĩa nhỏ bày món củ cải dầm và nói, đây, củ cải này là chỉ lấy phần vỏ! Tôi nghe vậy lần này hiểu tức thì, củ cải này chỉ lấy phần cùi/thịt bên ngoài, còn lõi trong là bỏ a :-)

Vậy là giờ tôi có hẳn 3 cái gạch đầu dòng gọi là mẹo cho món củ cải dầm: 

- loại củ cải (cố gắng tránh xa các bạn củ to xôm xốp, xồm xộp bọng nước)
- dùng muối yêm qua củ cải như là đoạn sơ chế (và nhớ sau đó vắt kiệt để loại bỏ phần nước tiết ra, chớ dùng nước rửa củ cải)
- củ cải chỉ lấy vòng thịt củ bên ngoài (bỏ cái phần lõi đi)

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

jade moon

Tôi tự hỏi mồ ma ông sử gia kinh tế viết câu chuyện về một con phố nếu sống lại và được yêu cầu bổ sung một chương cho những diện mạo mới của đường Nam Bộ thì ông sẽ tám chuyện gì. 

Đã lâu tôi không đi qua phố Lê Duẩn, bước chân vào toà nhà vàng bạc bóng loáng lại càng không. Thế nên có chuyện già Lưu ra phủ quan, tối qua con giời đi ăn quán Trung Quốc ở tầng 16 của toà nhà, chạy xe máy một vòng mới xác định được cái cửa hầm gửi xe. 

Quán đúng kiểu Tàu, cứ gọi là sáng choang, bóng loáng. Sau tôi đọc giới thiệu thấy thòi lòi ra chi tiết được quý kiến trúc sư đẳng cấp thế giới kết hợp đông tây kim cổ thì phì cười. Ai khen đẹp và sang tôi không biết, tôi đây thấy mùi tiền mới

Có hai ba món trên bàn tôi đặc biệt thích: canh bào ngư, chim câu quay và đĩa quay-nướng tổng hợp. Còn lại, thật khó nói đâu là ranh giới giữa một nhà hàng được coi là hạng sang với các tiệm quán phổ thông trong thành phố. 

Nhưng nói gì thì nói, tôi nghĩ không tệ nếu có bữa nào muốn mời ai đó tôi yêu quý cùng thưởng thức một bữa đánh chén yên tĩnh và vui vẻ, chọn một phòng riêng ở Jade Moon dứt khoát không phải là một ý tệ. Tất nhiên là cần ba cái mở ngoặc quan trọng, thứ nhất là túi tiền của tôi kêu leng keng báo hiệu sự đầy đủ, thứ hai là có sự hợp cạ giữa các bạn đánh chén với nhau, và thứ ba là khéo léo chút trong việc gọi món.

vụ này có vẻ hay: có không Chinese temple food?

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

mứt khế gừng: lần thứ hai làm món

chia quà cho cô hàng xóm cũ
Lần thứ hai tôi làm mứt khế.

Khế vẫn là khế chua, nhưng khác lần đầu tập tành làm món là các trái khế đã chín thì lần này đa phần quả khế nguyên liệu là trái xanh. 

Cũng khác lần đầu làm món, đường được dùng làm mứt lần này là đường phèn. 

Không tính chuyện tôi đong đo đại khái, hay chính xác là chẳng cân đong gì cả, thì các bước làm món đều là theo hướng dẫn của kênh youtube Bếp Việt - mứt khế dẻo chua ngọt.

Tôi không phải là kẻ hám ngọt, loằng ngoằng mấy món mứt kiểu này lại càng không ham. Nhưng hành trình nhỏ từ tham lam bê vác một túi khế chua quà của chị họ ở Bắc Ninh về Hà Nội đến lọ mọ làm món, điều này tôi hoan hỉ.

Thêm nữa, các lát mứt khế xem ra cũng không phải là quá tệ. Có đủ dẻo, dịu chua và ngọt đằm. Tôi đặc biệt thích các sợi gừng trong món mứt này, dẻo ngọt và cay thoang thoảng.





Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

tạ ơn solo

Ông lão nhà ta rất chi là vui vẻ :-)

Ông kể nhận được vài lời mời. Nhưng sau hồi tính toán thấy sự đi lại nó loằng ngoằng thì ông vui vui vẻ vẻ với một ngày nấu nướng và đánh chén solo.

Hai năm trước, nấu và ăn của chúng tôi là duo - nhật ký bếp lễ tạ ơn - joy of cooking (1) & nhật ký bếp lễ tạ ơn - joy of cooking (2). Xem ra solo chẳng thua gì duo :-)









rau muống xào chao: ghi chép nhỏ

Note ghi cho món này có trong trang blog nhà từ 2017 - rau muống xào chao. Giờ thêm vài gạch đầu dòng gọi là thêm thắt ý tứ :-)

(1) Ngâm nghê nhà muống

Rau muống lý tưởng nhất là giống muống xanh trắng cọng dài không mềm thõng thượt mà cũng chẳng chắc nịch kiểu Trương Phi. Giống muống đó gọi tên gì tôi chẳng biết, ở chợ người Hoa bên xứ cờ-hoa, tôi thấy mớ rau cứ gọi là dài hơn nửa mét; sang vườn rau nhà Bắc Ninh của Mẹ thì rau không hẳn là dài nhưng đại khái xét đường kết cấu thì đảm bảo đủ mềm, đủ chắc, đủ thanh xuân tươi mới.

Nói vậy có nghĩa là nếu tránh được thì nên bỏ qua mấy bạn muống tím, muống đỏ cọng to xồm xộp hay rau muống cạn trái vụ cứng đanh đanh. Hai bạn đầu là do sắc màu thiếu đẹp, còn bạn sau thì là do cứng quá!

chao trắng bếp Hoa
(2) Thủ thỉ nhà chao

Chợ Hà Nội tôi ngó đông ngó tây từ quầy hàng khô chợ tiểu khu sang giá kệ siêu thị, xem ra thuận tiện trong tầm mắt sản phẩm hàng Việt Nam yêu nước chỉ có nhãn Thuận Phát. Chao trắng đó ăn ngon, đậm đà. Điểm khó chịu duy nhất ở bạn này là lọ nhựa, nhìn lem nhem lếch nhếch. Lâu rồi tôi không mua, có cảm giác như hãng này đã có đổi mới bao bì, cụ thể thế nào thì thực chưa/không rõ.

Có thêm nữa là chao trắng, chao đỏ bếp Hoa, xuất xứ Trung Quốc. Tôi ngu dốt món chữ vuông, đọc trái đọc phải chẳng ra cái chữ cái nghĩa nào, đặt mua gia vị Trung, vừa sợ đồ dzỏm, vừa sợ đồ quá đát [date expiration], nên có mua thì cứ gọi là run lập cập. Lần trước mua hai hũ chao, chao trắng để lâu mà không khui, tôi sợ quá thời hạn sử dụng nên tống khứ. Còn chao đỏ Laoganma, có vẻ ngậy béo hấp dẫn hơn chao Việt Nam nhưng xét về mặt nào đó, tôi không hảo mến bạn này đến mức sống chết em phải xơi Laoganma

Thời gian trước ở Mỹ, tôi rất khoái chí bạn chao xứ Đài. Ngốc không ghi lại cái hình hay cái tên, ai hỏi chao gì, chao nào, tôi trả lời chao ôi, em quên roài.

Mới đây có bạn nhỏ Trung Quốc gửi cho một hũ nhỏ nói là chao quê em. Tôi nhìn qua chắc mẩm đây là món chao xay, tỷ như japanese doubanjiang cứ gọi là đảm bảo xay nhuyễn dạng sauce/paste chứ đâu lộc ngộc như hũ tương tự xưng Tứ Xuyên đến từ Trung Quốc. Đến khi mở lọ lấy chao ra xào rau, à thì ra vẫn là chao miếng. Món chao trắng Quế Lâm này đủ hấp dẫn xét về đường béo ngậy mà đồng thời lại có vị thanh, chứ không gắt gỏng dầu cay như các bạn trong cái hũ đỏ rực Laoganma đồng hương. 

Với chao, cho tới giờ hiểu biết và trải nghiệm của tôi là vậy!

(3) Rau muống nhặt ra sao, chần thế nào

Muống trắng xào chao trên đĩa rau kha khá đồng tiền ở quán Huế là nguyên thân. Muống trắng vườn nhà Bắc Ninh xào chao trắng Quế Lâm do một tay vị chef tay chơi người Trung Quốc qua nhà làm cho chúng tôi cũng là để nguyên thân. Riêng tôi, nếu gặp mớ muống thân béo mập mạp, dù là không cần thiết tôi vẫn cứ gọi là thích chẻ đôi cọng rau. Đừng hỏi tôi tại sao, đơn giản là cái não trạng tôi nó vận hành vậy, nhìn thân rau to thì ngứa ngáy con người và tay sờ soạng chẻ muống.

Rau muống cho món xào nên giữ nhiều hay bỏ nhiều phần lá rau cũng là một chuyện thú vị. Nếu là món nộm/gỏi rau thì đương nhiên là lá rau bị vặt trụi. Nhưng sang món xào, nói chung là tuỳ. Có người cầu kỳ đường thị giác - phải nói ngay là đẹp xấu ở đây đều là theo chủ quan tính ở mỗi người - thì sẽ vặt bỏ kha khá các lá rau. Lại có người bảo làm vậy lãng phí, rau muống trắng lá vốn lơ thơ thì cứ giữ nguyên vậy đi.

Chần qua rau trước khi xào là thao tác hầu như ai cũng biết. Vấn đề là chần lâu chần mau dư-lào. Tôi theo thói quen cho rau vào nồi nước sôi, lật/đảo mau tay để tất cả các cọng rau đều được tắm qua nước nóng thì lấy rau ra liền. Rau đó thường là được tôi dội qua nước lã rồi ngâm tiếp trong nước lạnh. Sau này tôi nhận thấy cái vụ nước đá lạnh kia là thừa thãi. Thực làm rất đơn giản, rau chần xong thì cứ dội nước từ vòi một hồi, gỡ tơi rau ra là được. Hôm trước tôi ngó trộm bạn khách-đầu bếp làm món trong bếp nhà căn hộ, anh chàng này cho rau đã chần vào chậu nước và nhấc lên nhấc xuống liền mấy hồi, tôi gọi vui thế này là giặt rau a.

(4) Rau xào ỷ đường dầu hay mỡ

Bếp người thành phố bây giờ xem ra phổ biến món dầu ăn thực vật. Có những người tôi gặp nếu nghe nói đến mỡ lợn/mỡ heo thì sẽ eo ôi, khiếp! Tôi thấy vậy chỉ cười ở trong lòng. Bạn trẻ nói câu đó, tôi không để ý. Nhưng tuổi tầm tôi hoặc lớn hơn, thực có chút ý vị giả tạo a. Cái thời chỉ có lưng âu mỡ heo trong chạn gỗ với bốn chân được đỡ bởi bốn cái bát mẻ lưng lửng dầu luyn - bảo vệ thức ăn khỏi bọn kiến - tôi luôn nhớ kỹ. Cái thời được bữa cơm rang thuần gạo với mỡ heo, sang hơn chút là điểm thêm vài bạn tóp mỡ, rồi điểm vài giọt nước mắm, tôi cũng luôn nhớ kỹ. Giờ ngoạc miệng ra eo ôi, khiếp nghe cứ như là cầm tấm mút xoá sạch chữ nghĩa trên bảng đen lịch sử một thời. 

Ở trong bếp nhà căn hộ, dầu thực vật chúng tôi có nhiều loại, từ hạt nho ép qua hạnh nhân, óc chó đến mè, đến ô-liu, chưa kể có lúc là hạt cải ép. Nhưng cũng thường xuyên, TL dùng đến bảo bối mỡ heo. Dùng cái bạn cuối cùng này cho mấy món xào, đồ ăn rõ ràng thơm hơn, dậy vị hơn, ngậy hơn. Tất nhiên là tôi không vì thế mà bỏ qua cái chi tiết, dùng bạn này nhiều không thực tốt. 

(5) Đồng hành tỏi và ớt cái chi quan trọng hơn

Ớt có thể thiếu cho món xào, nhưng tỏi dứt khoát không.

Tỏi có thể là bằm nhuyễn, mà có khi lại là thái lát mỏng, hoặc thô tháo hơn nữa là nguyên tép tỏi đã được tách bỏ phần lõi mầm cứ thế dùng phiến dao đập dập. Tuỳ cách làm mà cả vị lẫn hình của đĩa rau bày ra bàn ăn có chút khác biệt nhỏ. Tỷ như với tỏi tép đập dập, xem ra chất vị tỏi trong món xào nổi bật hơn, món ăn đậm đà hơn Tỷ như một đĩa muống xào với những vụn tỏi trắng nhìn đẹp hơn nhiều là các lát tỏi hơi nát do bức nhiệt trong quá trình chế biến. 

Tỏi ngoài phần phi tươi - tức là bóc tỏi, bằm hay thái lát rồi phi dậy thơm trước khi cho rau vào xào - còn có thể được phi khô một phần nhỏ - tức là phi lấy vụn tỏi khô để sau trang điểm cho món thành phẩm. Rau xào xong, đã được cho ra đĩa, tỏi phi khô đó cùng chút ớt tươi bằm được rắc ở giữa đĩa bày, nhìn vui con mắt lắm. Chuyện tỏi phi khô này tôi ghi lại vậy chứ thực không cho là quan trọng. Có tỏi phi khô có chăng gọi là thêm thắt cho vui, rảnh rỗi thì làm thôi.

Quay lại chuyện ớt. Ngoài tiệm, tôi hay thấy có các lát ớt sừng được đưa vô đĩa rau xào, có lẽ chủ yếu là lấy sắc. Trong bếp nhà, tôi chuộng bạn ớt cay truyền thống. Trái ớt đỏ tách bỏ hạt rồi bằm vụn, cho vô chảo xào cùng tỏi hay muộn hơn chút, cho có thể nhiều có thể ít tuỳ vào mức độ ăn cay của mọi người. Rồi cũng là ớt đó bằm vụn, lại có thể đợi rau ra đĩa thì điểm xuyết thêm chút gọi là tăng phần trang trí.

(6) Rau xào chao có cần thức chấm?

Chao thực cấp đủ đậm muối cho món xào. Nhưng với những người thiên về ăn mặn thì xem ra vẫn cần đĩa nước chấm nhỏ bày cạnh món chính muống xào.

Nhẹ nhàng thì là nước tương điểm hỗn hợp tỏi và ớt bằm. Ai nặng lòng với nước mặm đậm vị quê hương thì thay nước tương bằng nước mắm. Ở đây phải ghi thêm là nước mắm có nguy cơ phá huỷ cái vị chủ đạo và đặc trưng của chao. Không phải ngẫu nhiên mà có người nghe chuyện muống xào chao chấm mắm ớt thì phì phì cái miệng. Tôi nghĩ ý kiến này hẳn cũng là có lý. Rau muống xào tỏi không chấm mắm điểm ớt và tỏi bằm thực hạp, nhưng nếu chao đã trở thành điểm nhấn của món xào thì tốt nhất là bái-bai nhà nước mắm :-)

món rau muống xào do khách đến nhà làm
tỏi đập dập - chao Quế Lâm - muống vườn nhà Bắc Ninh
rau muống xào chao do TL làm
muống Đại Ngàn, có thêm ớt và tóp mỡ