Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

chuyến đi tháng 12: sapa phát triển

mình đã từng ở đây, khi Sapa còn mơ ngủ
(1)

Tôi đến Sapa lần đầu vào cái thời nhà Đặng Trung là số một và khách Pháp áp đảo trấn nhỏ mơ ngủ. Tôi quay lại vài lần, vào khoảng thời gian tiệm pizza nơi ngã rẽ trung tâm còn được coi gần như là quán Tây duy nhất ở trấn nhỏ từ tốn này; và nhà thờ khi đó hãy còn là kiến trúc nổi bật trên nền cảnh quan vườn to nhà nhỏ lác đác vài biệt thự Pháp xưa. 

Sapa lúc đó đối với tôi thật tuyệt vời. Tôi có cơ hội "bám càng" bà chị chuyên món ethnobotanique, nhìn thấy một Sapa ít nhiều khác Sapa của khách du lịch Tây Ta tràn ngập sắc màu trang phục của bà con dân tộc. Đó là Sapa của các hình thái học văn hoá-xã hội, của các loại cỏ cây, một Sapa rất đẹp, đẹp sâu. 

(2)

Sau nhiều năm, tôi quay lại. Choáng váng. Sững sờ. Khi đó, một đồng nghiệp cười nhạo thái độ của tôi, và giảng giải cho tôi một bài dài về thứ mà anh ta gọi tên "phát triển". Tôi không dại gì mà tranh luận hoá thành tranh cãi với đồng nghiệp, cười khì khì, chúng ta không chung hệ giá trị về phát triển a.

Rồi nhiều năm nữa trôi qua, tôi thi thoảng lại thấy mình dính líu Sapa. Không phải theo cách trực tiếp vì tôi từ chối mọi cơ hội đến đó. Mà là gián tiếp, khi làm việc với mấy món tài liệu nhân học phát triển. Cảm giác khi công việc kết thúc là hơi buồn. Không phải buồn vì một sự thay đổi đã rõ ràng. Mà là vì cái sự thay đổi đó hình như mỗi ngày một tệ.

(3)

Nhưng mà buồn cười lắm nhé. Cũng như tôi chán ngán Hạ Long, không phải vì cái vịnh nó xấu mà vì cách người ta làm nó xấu, nhưng vẫn thấy mình quay lại và ngồi tàu ngắm vịnh, tôi cuối cùng vẫn cứ là quay lại Sapa.

Lý do của tôi rất chín đáng: vì có talacà.

Và đương nhiên, nói đi và ở Sapa thực không phải là trên trấn. Mà là dưới bản.

Thị xã Sapa chỉ như là một nơi chốn chúng tôi đi ngang qua!

(4)

Sapa giờ đây trong mắt tôi là một bằng chứng của sự thất bại, nói nhẹ là vậy còn nghiêm túc thì là dốt nát, của/trong quản lý nhà nước. Từ cái đập vào mắt là quy hoạch kiến trúc và quản lý trật tự [đô thị]. Tới sâu xa hơn là triết lý phát triển.

Sapa lem nhem, luộm thuộm. Sapa hợm hĩnh ồn ào mùi tiền mới với những kiến trúc học mót coi chẳng ra sao. Sapa thay vì các sắc thổ cẩm rực rỡ của người địa phương thì là đen sì sì hoặc trắp lốp, của du khách thập phương nhà giàu khoác đồ hiệu phếch một phếch hai [fake]. 

Sapa chợ cũ mất tiêu được thay bằng cái chợ tự xưng bốn chấm không [4.0] chuẩn công thức mà đi tỉnh nào người ta cũng bị đập vô mắt. Lúc chúng tôi vô thăm chợ, khách chẳng có thêm ma dại nào, quầy nhiều chỗ hàng vẫn bày nhưng chủ nhân đâu không thấy. Và thú vị nhất là giữa sảnh chợ tụ tập chừng mươi đàn bà và đàn ông rôm rả gắp món trong cái chảo bự, nhìn giống thắng cố. 

Sapa qua các khẩu hiệu của nó muốn là văn minh. Bỏ qua mấy chị mấy em người Hmong mời chào khách mua thì ấn tượng xấu xí nhất tôi có về thị xã là chỗ vỉa hè vài tiệm ăn lớn, người ta cứ thế rửa đồ nướng ngoài hè và nước dầu mỡ bẩn cứ thế tràn xuống đường. 

(5)

Cảnh quan là vậy. Còn về con người, so với Hà Nội khu du lịch thì "người Sapa" vẫn còn dễ thương lắm. 

Chúng tôi hỏi đường, một anh tài chỉ dẫn xong thì bảo, lên [xe] em đi, em tiện đường.

Đến nơi, chúng tôi cám ơn rối rít sau khi đã kịp lấy số điện thoại để phòng muốn đi loanh quanh thì gọi anh bạn này luôn. 

Sau đó, chúng tôi quả là có làm một vòng đồi chè oolong - anh đào, cây cô đơn, rồi chi chi nữa. Với đồng nghiệp của anh tài tốt bụng, một người cũng dễ thương chẳng kém.

Hài lòng với chuyến la-cà xe bốn bánh ngẫu hứng, tôi cười hì hì, "người Sapa" không chỉ dễ thương mà còn khôn khéo nữa :-) 

(6)

Tôi nghĩ mình sẽ còn quay lại talacà và sẽ còn "lên" Sapa, sẽ tiếp tục lẩm bẩm tại sao, tại sao.

Nhưng dù tôi có cho rằng Sapa là một "thảm hoạ" thì cuộc sống vẫn tiếp diễn theo kiểu không chị thì chợ vẫn đông.

vườn trà oolong - anh đào

xem cây cô đơn, thấy nó đâu cô đơn :-)

một tý sắp xếp, đặt một cái tên hay, ngồi rung đùi thu tiền khách :-)

sự quan tâm dành cho nhân-tạo hơn là tự nhiên như nó là

một cái biển cũ

xe chắn mất tiêu rồi :-)

thang máy lộ thiên

hai gia đình Hmong trẻ

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

chuyến đi tháng 12: cái ăn cái uống

(1) 

Tối nay, trong bữa tối tổng kết chuyến đi, khi ông hàng xóm của lão Tiên sinh nhà ta nói lời cảm ơn, tôi chỉ sang TL nói, may là có cô em. Tôi thậm chí còn lòng thòng giải thích, tui đây ghét loài người. Trước đó, khi chúng tôi bắt đầu hành trình dài gần như trọn tuần, tôi đã kịp nói với ông đồng hành, tui không phải là người thích du lịch. Nhờ TL mà tất cả mọi chuyện hậu cần cần xử lý đều được cô em giải quyết mau lẹ và hiệu quả, trong đó có lẽ quan trọng hơn cả là liên quan đến ăn và uống :-)

Có nhiều lý do để chúng tôi thực hiện chuyến đi này. Ông lão nhà ta đã đi vòng cung Hà Giang ba bốn bận, có lần là đi với ai đó, có lần là một mình ông với một ông lái xe phang tiếng Pháp chọc tiếng Anh. Ông thích Hà Giang, thích quay trở lại. Ông nói nhiều đến mức tôi phát ngán gọi đó là lải nhải và đồng ý đi cùng. 

Lần này, quan trọng không kém là chúng tôi có bạn đồng hành ông hàng xóm đối diện ở thành phố biển. Tôi mù tịt về văn hoá Mỹ nhưng đại khái cũng ý thức dịp Giáng sinh quan trọng thế nào với người xứ sở này. Và với một người vừa mất bạn đời, hẳn là chẳng dễ dàng. Chuyến đi được lên lịch chạy qua Giáng sinh, để ông hàng xóm ở một vùng đất với cảnh quan và con người xa lạ, đủ để ông bận bịu hoặc không là bị xao lãng để bớt đi phần nào những cảm giác buồn.

(2)

Không tính sự tò mò của tôi về Hà Giang thì mối quan tâm to nhất tôi mang theo trong chuyến đi này là cái sự ăn và uống. 

Không hẳn là tìm hiểu hay khám phá chi chi đặc sản này nọ. Đơn giản là ăn ngon và lành, theo đúng ý mình.

Đại để, đúng như TL đã "cảnh báo" ngay từ đầu chuyến đi, "chất lượng" dịch vụ sẽ hạ dần đều tính từ điểm Sapa qua Hà Giang tới Bắc Kạn. Và các yêu cầu của tôi theo mỗi ngày mà trở nên khiêm tốn hơn. 

(3)

Trong chuyến đi này, tôi có ba bất ngờ.

Thứ nhất là chuyến đi chơi ngẫu hứng tới vườn trà oolong - anh đào ở Sapa, chỉ nghĩ là giết thời gian mà cuối cùng thành vui vẻ uống trà và thậm chí còn quyết định mua thêm bên cạnh túi trà - vé vào cửa trước đó đã phải mua. Tôi phục sát đất ông chủ người Đài khi thay vì bán vé thì ông mời bà con mua trà đổi lấy miếng giấy vàng đeo tay như là điều kiện vào cửa. Rồi nữa là cạnh trà ông có thêm những dãy cây cho hoa sắc hồng tím hấp dẫn nhân dân yêu thích seo-phì và chếch-kin [selfie / check-in]. Hai món kể trên tôi chẳng quan tâm, nhưng thấy trà thì mắt tôi hấp háy. Lúc ngồi ở lều trà tạm bợ lối vào vườn, tôi chỉ nghĩ làm một hớp nước ấm bụng, ai dè trà đó ngon hơn tôi có thể tưởng tượng :-)

Thứ hai là ghé thăm chợ Bắc Hà, vốn tính là chơi loanh quanh nửa giờ thì lại kéo thành hơn cả tiếng đồng hồ. Đủ để chúng tôi làm hai vốc xôi ngũ sắc to tướng rồi sau đó là món phở gà và thắng cố "mới". Xôi nóng hôi hổi chấm muối vừng lạc rất ngon, ngon gấp nhiều lần đĩa xôi nhiều màu ở mấy quán ăn tự xưng dân tộc. Và thắng cố "mới", na ná vị của bò sốt vang nhưng nhẹ và dịu hơn rất nhiều, ăn kèm rau gia vị tươi bày bên cạnh với thức chấm đậm đà nhiều tầng hương vị, cũng thực chi là ô-kê-la.

Thứ ba và cũng là cuối cùng: bữa trưa và sau-bữa trưa ở Phố Cáo. Trấn nhỏ với một con đường chính dài dằng dặc, nói đìu hiu không phải nhưng thực như một ông vừa ăn bữa trưa đẫy giờ đang gật gù chào Chu Công. Phải mất một hồi chúng tôi mới tìm được một quán ăn có vẻ ổn. Chúng tôi là những vị khách cuối cùng và món được gọi theo tinh thần thôi thì tiệm ta có gì chúng tôi ăn nấy. Cơm canh được mang ra tựa cơm nhà, ngon và tình cảm. Đầu bếp là một thầy giáo tranh thủ bữa trưa thì về hoá thân bếp trưởng. Sau bữa ăn, chúng tôi rảo bộ một chút, gặp một bữa cỗ tàn của người Hmong. Có đến cả chục cái bàn với cánh đàn ông ngồi bu bài bạc. Còn phụ nữ người thì dọn rửa nồi niêu chén bát, người thì bà tám. Đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe những tràng cười sáng khoái với những khuôn mặt cười thân thiện vô tư đến vậy. Khi xe dừng ở Phố Cáo, tôi còn lo lắng sẽ phải làm khổ cái dạ của mình. Khi xe rời Phố Cáo, tôi tiếc đã không ghi lại những tiếng cười của các cô, các chị, các bà ở bữa tiệc tàn đó. 

Phố Cáo - rủ em bé về Hà Nội, bé đồng ý liền :-)

Phố Cáo - người Hmong sau bữa cỗ

Bibi Express - Sapa: ngắm nhân dân đi lại qua lớp kính

Ẩm thực Mông 08 Hoa Viên - Sapa, Hải giới thiệu
gà đen trong bí đỏ, ai cũng thích bí hơn gà :-)

Cộng ở Sapa, bất ngờ là trà ấm ngon
khách thèm kẹo lạc, hỏi thêm bản tiệm bảo không bán :-)

về bản, ăn chơi Irish coffee do một bạn trẻ người Anh pha chế

ngạc nhiên to ở chợ Bắc Hà
món xôi đa sắc này ngon hơn nhiều
mấy đĩa xôi nhà hàng tự xưng dân tộc

vẫn chợ Bắc Hà, một bất ngờ to nữa:
món thắng cố kiểu mới này rất ngon

một bữa trưa muộn ở đâu đó trên đường đến Bắc Kạn

bữa tối ở homestay hồ Ba Bể, mệt mỏi tích tụ
bỗng ngại chạm đồ ăn đậm đà gia vị và dầu mỡ

bữa sáng hôm sau nhẹ nhàng bù đắp:
bánh cờ-rếp Việt hoá bỗng thực ngon

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

nhà là nơi ta sống: học biết hài lòng

hoa - quà từ bạn của TL, trong cái vại méo
(1)

Tối Chủ nhật, trong bữa trà muộn, M bỗng khụt khịt ngó nghiêng rồi hỏi có ai thấy mùi lạ không. Tôi cũng khụt khịt, rồi trả lời, à trở trời. TL thì giải thích chi tiết rồi thêm bình luận, đây là vấn đề nhiều nhà mắc phải

Ở nhà cũ Hà Nội, chúng tôi hứng đủ vấn đề thấm nước. Còn giờ ở nhà căn hộ, chúng tôi được thưởng thức những mùi lạ - từ hôi của hố rác góc cầu thang toà nhà khi ai đó quên không khép cửa qua mùi nước lau sàn rẻ tiền mà mấy cô lao công dùng để chà chà sàn hành lang chung mỗi sáng tới mùi ống xả bốc lên mỗi khi thay đổi thời tiết.

Hồi đầu mới chuyển lên nhà căn hộ, tôi khó chịu lắm. Lúc đó, tôi nghĩ, thà ở nhà dột còn hơn nhà hôi. Sau rồi quen tuốt. Chịu đựng. Và tự an ủi, may mà thi thoảng mới nghe hương cống.

(2)

Ở nhà cũ Hà Nội, vườn cho ti tỉ thứ rau. Cần lá chanh, ra vườn. Muốn gói chả lá lốt, ra vườn. Thiếu hẹ thả canh nấm gà, ra vườn. Kiếm trái quất, trái ớt pha nước chấm, ra vườn. Cần mấy thứ rau gia vị cho món cuốn hay ghém, tỷ như đinh lăng, diếp cá hay rau chua xứ Thanh, cũng ra vườn. Vườn nhà giải quyết không ít rắc rối, nhỡ nhàng trong nhà bếp. 

Giờ trèo lên nhà căn hộ, gọi là rau chúng tôi chỉ có chậu hẹ chuyển từ nhà cũ và một cây đinh lăng mua mới cũng như thi thoảng có cây ớt thời vụ.

Tôi đã rất khó chịu, không hẳn là vấn đề tiền mà là cái sự bất tiện. Phải lóc cóc đi chợ là một chuyện. Tệ hơn là chúng tôi không còn niềm vui ngẫu hứng mần cái này cái nọ ăn chơi nữa. Vì đâu có thể ra hiên quờ tay hái rau vặt quả nữa.

Thế rồi tôi cũng quen. Quen với việc lên kế hoạch và tự nhắc nhớ món cần mua khi đi chợ. Và không chỉ vậy, cho bếp ăn thường ngày tôi thậm chí còn quen với việc làm món với tinh thần bếp nhà có gì mình mần cái nấy chứ không chăm chăm dứt khoát phải có đủ lệ bộ thành phần nguyên liệu. 

(3)

Mấy năm nay, tôi thấy rất rõ những biến chuyển của cơ thể. Theo chiều đi xuống!

Tâm tính của tôi hẳn cũng theo đó mà thay đổi. Đỡ rườm rà. Không còn đua đòi loằng ngoằng nữa. Và nhất là, không còn mấy dục vọng, nói theo cách của bạn nhỏ Hồng Tâm khi bàn đến những ham muốn, những theo đuổi vật chất và tinh thần trong cuộc sống vội vã ngày hôm nay.

Tôi vẫn chưa quen với việc xê dịch giữa các không gian sống. Nhưng tôi biết, giờ đối với tôi, nhà là nơi ta sống. Và vì thế, dù thiếu thốn, dù chật hẹp, dù khiếm khuyết, tôi tự nhắc mình, thật là tốt những gì mình đang có!

Long Tỉnh pha ẩu tả, một sự xúc phạm đối với người yêu trà,
chặc lưỡi mình không sao

con thỏ đất nung được vẽ lại mắt
không mang cây mà đỡ nụ ngọc am, thơm khẽ một góc nhà

Tao Creative - không chỉ để đo thời gian
tôi đã chuẩn bị cuốn lịch 2024

một hai ba, mình ăn bánh nếp này mẹ gói

Theo lời của Bố, đi chợ quê luôn gặp hàng quà bán bánh nếp. Vẫn theo lời của Bố, nhưng bánh đó không ngon bằng bánh Mẹ con làm.

Tôi không hảo thích đồ nếp. Về bánh nếp, kiểu gặp dịp ăn chơi thì vui vẻ, nhưng nếu được hỏi có nhớ, có thèm thì tôi trả lời ngay tắp lự, ấy không.

Nhưng mà, bánh Mẹ làm ngon thực là ngon! Mẹ chê bột bánh lần này không được như ý. Con gái thì hoan hỉ, ngon mà.

Tôi thích bánh nếp Mẹ làm. Với lớp bột áo mỏng. Nhân đỗ bùi cộng thịt mỡ beo béo. Trời mát, bánh có để quá ngày ăn vẫn cứ gọi là mềm mướt. Khác bánh hàng quán, món nhà làm gặp kẻ tục ăn chỉ cắn hai miếng là xong cái bánh. 

Tôi bắt đầu tính, hôm nào hỏi bà cụ công thức làm bánh nếp :-)

(1) bánh nếp Mẹ gói - xét về độ dày chỉ bằng một góc tư bánh chợ

(2) gặp tay thô lậu, gặm một miếng là xong đời cái bánh :-)

(3) bột bánh mềm, dính, dẻo bao đậu đỗ thơm ngậy cùng thịt mỡ

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

chủ tịch và cây mía

cây mía-chủ tịch
Chuyện bên bàn trà sau một bữa tối ngon, với Long Tỉnh từ Tây Hồ hương dịu khẽ và đằm thuỷ trong khoang miệng.

Chủ tịch trở về nước sau chuyến công du nước đàn em thì thị sát một cái tỉnh to ngay biên giới. Chủ tịch thăm một nông trường trồng mía. Trong quá trình nghe báo cáo và trao đổi, có một khoảnh khắc chủ tịch chạm tay vào một bụi mía, hay nói chính xác là một cây trong bụi mía.

Ngay sau "sự kiện" đó, cây mía, bụi mía và nông trường trồng mía trở thành "điểm đến". Nhân dân của chủ tịch cả ngày lẫn đêm xếp hàng chờ được chạm vào cây mía-chủ tịch. Chạm nhiều, sờ nhiều đến mức bụi phấn trắng phủ thân mía tím mất sạch sành sanh.

Tôi nghe chuyện thì phì cười. Cười xong hỏi người kể chuyện, thế sờ, thế chạm đây là do sùng bái lãnh tụ à. Nghe câu trả lời, hoá ra lý do chính là nhiều nhân dân tin sờ vào, chạm vào cây mía-chủ tịch sẽ khiến họ phát tài, phát lộc. Vì đó là cây mía [mà] chủ tịch đã sờ, đã chạm mà.

Có một đám xỏ xiên nhân chuyện cây mía-chủ tịch thì quay sáng tám nhảm bậy bạ. Tỷ như có đứa hỏi, thế cái tay già lụ khụ đi đứng chẳng ra hồn thờ viên quan hoạn mà sờ hay chạm một cái cây thì có ai quan tâm không nhể. Lại có đứa lẩm bẩm, lão ấy ý mà, có mà tui đây tè vào. 

Ơ, thế thì chuyện cây mía và các liên hệ xung quanh nó đâu chỉ là sùng bái hay mê tín. Đó còn có thể phản ánh các tình cảm và thái độ chính trị a :-)

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

hà nội trở mình, mình chế cà-phê muối

để làm cà-phê muối ở nhà
(1)

Theo thói quen, tôi đi cùng bạn đời hoặc hẹn họ bạn bè đều cùng hướng một điểm cafe: Chị Lan Hai Bà Trưng. Chị mở quán 26 năm thì em đây ngồi quán chị cũng tính ra ngần ấy năm. Thằng nhóc thứ hai nhà chị giờ sắp tốt nghiệp đại học, tôi đã chứng kiến mẹ nó bầu bí khệ nệ và bố nó mặt dài ngoẵng khi vợ lâm bồn. Giờ chị chuyển quán cho người khác vì bận chăm anh đau ốm, tôi vẫn theo thói đến đó ngồi, dù từ tương tác xã hội tới nội dung và chất lượng của các món uống thực đã khác.

Kỳ này tôi bắt đầu với thức uống yêu thích: chanh tuyết. Nếu là thời Chị Lan, cốc đá tuyết trắng được mang ra với rất nhiều sắc xanh của các vụn vỏ chanh, ngập tràn sự chú tâm của người pha chế. Còn giờ, tựa như là đá xay với nước cốt và vỏ quả của một phần tư trái chanh. Nhưng lạ lắm nhá, theo thói quen tôi vẫn đến, vẫn xê cái ghế đặt phịch cái mông, và vẫn gào lên cho em chanh tuyết.

Hôm trước tôi đi cùng cô em đồng nghiệp ăn trưa trên phố, sau bữa còn dư thời gian thì rủ nhau, mình đi quán Chị Lan. Cô em nói về cà-phê muối, nó tò mò, tôi cũng tò mò. Thế là gọi.

Tôi chưa từng dùng thức uống này, đi cafe thì chỉ có đúng một địa chỉ. Thế nên so sánh là không thể. Chủ quan cảm nhận là vui và lạ thì vui và lạ đấy. Nhưng xét đến chuyện ngon hay không thì thật khó nói. Chẳng rõ tại sao nhưng nói về chất lượng món uống nước nâu béo ngậy và có chút mặn này, tôi tức thì liên tưởng liền đến cốc chanh tuyết của cùng bản tiệm :-)

(2)

Trước vụ khám phá này ở quán Chị Lan, tôi đã uống một ly cà-phê muối ở nhà chị họ. Gọi tên đồng dạng nhưng thức uống khác nhiều.

Cafe đặt riêng được pha phin, đậm đà ngon. Sau đó thêm đôi ba hạt muối hồng xuất xứ Đức. Muối đó giống fleur de sel thượng hạng và thoang thoảng sắc hồng, khác xa với thứ muối hồng bày bán phổ thông ở xứ ta sắc đậm và nhìn giống muối tinh. 

Tôi uống. Vừa ngon vừa lạ. 

Chị họ nói chưa thử cà-phê muối ngoài tiệm nhưng biết là họ dùng kem mặn. Tôi nghe mơ mơ hồ hồ, gật đầu ra chiều đã hiểu. Lúc rời nhà chị ra về, tôi được cho một hũ muối hồng chị mua ngay ngoài siêu thị, thứ muối mịn đậm màu.

(3)

Có một kênh nấu ăn TL rất thích là Mạc Lâm Kitchen. Tôi hóng hớt ngó nghiêng, đến đoạn cafe thì hết trứng tôi nhòm sang muối - Cafe muối, độc lạ và... ngon!

Ái chà, thế này thì mình cũng làm được.

ly cà-phê muối nhà làm đầu tiên
(4)

Hôm nay ngày cuối tuần, thong thả thời gian cho bà con dậy trễ, Hà Nội trở mình đầu tiên là xám xịt sau đó là gió tấp. Không hẳn lạnh nhưng kiểu như hai luồng khí nóng lạnh và đập loảng choảng và thị dân bé nhỏ chịu khổ. 

Nhà có đủ sữa từ tươi qua đặc, lại thêm whipping cream. Thong thả mình làm cà-phê muối a :-)

Tôi không tìm ra được cái phới đánh kem, dùng máy xay tay Braun roèn roẹt, quá tay ra một lớp kem đặc. Tặc lưỡi bảo không sao. Rờ tay sang máy ép cafe, lại roèn roẹt.

Đáy cốc có sữa đặc, một chút kem, tiếp đến là cafe, rồi lại đưa đẩy xíu kem nữa. Thế là xong.

Tôi rất hài lòng với món đồ uống được làm có phần ẩu tả này. TL cũng uống và khen ngon.

Thế là tôi biết làm cà-phê muối rồi :-)

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

thực vi thiên

(1)

Khám phá ẩm thực Chiết Giang ở một phòng bao của một quán ăn trên lầu cao lóng la lóng lánh vàng bạc kim cương trên con đường Nam tiến ngày xưa, thích thì thích thật nhưng cái ví nó xẹp trong một tích tắc thì chỉ có thể cười hì hì, thử một lần cho biết.

Lại có quán kiểu cách công-nghiệp hoá và kha khá rập khuôn về đương trang trí, bắt mắt thị dân tiền mới, từ chỗ cái hồ trong trung tâm thành phố tới toà nhà to đùng ở đầu Hai Bà Trưng, ăn một hai bận vui vui bạn bè thì được, chứ hơn nữa thì sao mà quá-tải các loại gia vị. 

Ngày cuối cùng của tuần làm việc trước, chúng tôi được mời "ăn sinh nhật" ở một quán Trung Quốc được đánh giá là rất Trung Quốc. 

Chưa biết đồ ăn dọn ra bàn hình dạng mùi vị ra sao thì lao xao tiếng người đúng là rất chi là Trung Quốc.

(2)

Món ăn giàu dầu mỡ, sắc màu lóng lánh. Gia vị đậm đà đối với cái dạ của kẻ ăn chay hay người ăn thanh. Nhưng đúng là ngon! Ngon với tôi, với điều kiện một năm đến đó một hai lần :-)

Tôi nghĩ, ngon dở tốt xấu có nhiều tiêu chí để căn ke. Lần này và ở đây, đối với tôi đây thực là vấn đề truyền thống ẩm thực của cộng đồng người và thói quen ăn uống của các cá nhân ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. 

cô em hàng xóm gọi là trứng "thúi" :-)
rất ngon, món trứng "thúi" này :-)))

thích bánh hơn nhân 

ngon đậm đà nhưng quá rộng rãi đường dầu mỡ

xách bò / lá sách bò: cái này gọi là ăn một lần cho biết 

nhắc bếp nhật: ngao hoa hấp rượu sake

ngao hấp kiểu bếp Nhật: sake, mirin, nước tương,
hành lá, gừng (và ớt)
(1)

Rất nhiều năm trước, ở bên hồ Trúc Bạch, một tiểu đội hàng xóm người Nhật của lão Tiên sinh ngồi rung đùi chén đồ biển nấu liền tay ăn liền miệng. Tôi tưởng là gọi nhà hàng mang đến, hoá ra không.

Họ mượn bàn ghế quán cafe, rồi mang bếp ga cá nhân, lò nướng than cùng nồi và vỉ xuống đường. Có mực khô nướng. Và có ngao hấp.

Chúng tôi đi qua thì dừng lại chào hỏi. Được rủ rê, nhón chơi một miếng mực gọi là. Tôi thấy nồi sứ hấp ngao thì hỏi, có gì trong đó. Sake, mirin và nước tương, không dính xíu nước nào. Đó là chưa kể thêm gừng và hành lá xanh được xắt thành các đoạn dài. 

(2)

Hôm qua nhân vụ mua ngao hoa cho bữa tối, tôi lần hồi nhớ chuyện cũ, thế là lấy một nửa chỗ ngao hấp nương theo bếp Nhật.

Có một vài công thức nhắc dầu mè nhưng tôi bỏ qua. 

Hành lá xanh rải một lượt đáy nồi sứ, xếp ngao lẫn mấy lát gừng. Rồi sake và mirin mỗi thứ 3-4 thìa súp. Nước tương lạt đá qua gọi là, non một thìa súp. Thêm lượt hành lá phủ ngao. Tôi thêm một trái ớt cay cắt lát nữa. 

Đậy nắp nồi. Đun lửa lớn. Canh thấy ngao mở thì coi như xong.

(3)

Tôi vớt ngao ra khay.

Bạn đánh chén khen ngon. Nhưng sau khi nếm bát canh ngao củ cải với ngao nguyên vỏ trong bát thì ông lão nhà ta thòng thêm nhận xét, rằng vớt ngao ra thế này thì cho cảm giác khô.

Tôi nghĩ, nếu bữa nào làm lại món, tôi có thể bớt sake và mirin và bù vào đó là chút nước. Nước tương cũng có thể được giảm bớt. Như thế, nước hấp không cho cảm giác mặn, và cứ thế mang nồi ngao hấp ra mà vớt từng con đánh chén. Đảm bảo ngao tha hồ mọng mị :-)

(4)

Bình thường TL hấp ngao dùng sả là chủ vị, đôi khi có thêm lát dứa. Món cả cái lẫn nước cho cảm giác đậm đà vị biển của ngao cùng thanh mát của gia vị hấp. Tôi ăn quen miệng và thấy thế rất ổn.

Ngao hấp theo lối bếp Nhật thì khác, mặn mòi biển cả gần như không tồn tại. Khêu thịt ngao cho vô miệng, tràn ngập một cảm giác ngọt đậm, ngọt sâu. Cũng rất là thú vị!

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

tạm biệt, chủ tịch xi

(1)

Cuối chiều hôm trước, tôi đang dọn dẹp bàn bếp thì vô tình nhìn qua cửa sổ. Tức thì tôi nghĩ mình nhìn nhầm. Lại ngó thật kỹ. À, mình không nhầm.

Một đoạn đường Bưởi nhìn từ cửa sổ bếp nhà căn hộ trống rỗng, hiểu theo đúng nghĩa đen của từ. Tôi rùng mình, nhớ lại những ngày Hà Nội giãn cách vì cúm Tàu.

Sau chừng mươi phút, tôi nghe tiếng còi hụ. Phải sau dăm bảy phút, tôi mới thấy đoàn xe dài tưởng như là bất tận với đầy đủ các lượt mô-tô, xe bốn chỗ nhỏ to, xe cứu thương, xe cảnh sát...

Đoàn xe biến mất khỏi tầm mắt, tôi chỉ thấy dòng người xe thị dân xuôi ngược bình thường trở lại chừng dăm bảy phút sau đó. 

(2)

TL đi làm về muộn, kể chuyện về gần đến nhà thì đường tắc tịt. Có một đoàn xe được hộ tống rất ra dáng vẻ với còi hú ầm ĩ nhưng cũng là tắc tịt. 

Cô em có vẻ rất khoái chí về chuyện này, kiểu đáng đời "ông quan", cho ông biết thế nào là nỗi khổ của nhân dân. Còn tôi thì cười phì vì thái độ của nó.

(3)

Hôm trước, chúng tôi ngồi taxi về nhà. Bác tài ngồi ghế lái mà thái độ chẳng khác nào một anh chồm hỗm bên xới gà chọi. 

Anh này tính toán "lượn" sao cho khéo kẻo bị chặn vì "lão Tập". Tôi cười khơ khơ thì được nghe lời giải thích, nếu tắc có thể là vài giờ, khách còn chui ra khỏi xe rảo bộ chứ ông lái thì cứ ngồi tịt một chỗ mà ôm vô-lăng.

Giữa đi thẳng hướng Trần Phú và vòng vo qua Cao Bá Quát, anh chọn phương án sau. Kết quả là xe kẹt cứng gần nửa giờ ở ngã tư Hoàng Diệu-Trần Phú. Bác tài nhà ta nhìn dòng xe xuôi trước mắt cứ gọi là tiếc cho cái quyết định sai của mình.    

(4)

Những ngày này, chẳng cần ngài chủ tịch Xi thì xem ra có khối yếu nhân đi lại trong thành phố. Xe biển xanh, có. Mà xe biển đỏ, cũng có.

Nhân dân chạy xe bốn bánh biển trắng hay vàng, đi lại ẩu tả và hung hăng không hiếm. Nhưng chẳng cứ nhân dân, cánh công quyền cũng khiếp. Cuối đường Trần Phú đi sang hướng Ngọc Hà, chúng tôi bị một ngài biển công an hú còi giục đi ầm ĩ, dù trước mặt chúng tôi là một dãy xe dài. Tôi không rõ cái còi dùng để làm gì. Chỉ biết là lúc đó, tôi đã nghĩ cái thói hung hăng mà ăn vào máu công quyền thì thực xã hội khó lòng có thể được tổ chức và điều tiết trong trật tự. 

Và hài hước nhất đối với tôi những ngày này là trong thành phố có quá nhiều tiếng còi hú. Nhiều đến mức có khi tôi lẫn lộn tùm lum, không rõ xe cấp cứu hay xe ông quan. 

(5)

đợi
Đón tiếp một ngài chủ tịch, phố phường Hà Nội không thiếu các dải dây vàng trắng căng dọc theo các mép hè, với rất nhiều công an và dân phòng bộ dạng lơ pha lơ phơ, ngồi ghế hay có khi là ngồi xổm bà tám ở góc mấy góc ngã tư đường. 

Nhân dân xem ra ai cũng biết về chuyến thăm này. Rất nhiều người trong đó phàn nàn, đường đã tắc lại càng tắc hơn.

Ông lão nhà ta đứng bên cửa sổ nhà căn hộ nhìn đoàn xe chạy dọc theo đường Bưởi với ầm ĩ còi hụ thì tay vẫy miệng gào, Tạm biệt, Chủ tịch Xi. Với một bộ dạng hoan hỉ kiểu cuối cùng, thì [...]

Nhưng chẳng có cái cuối cùng, thì [,,.] nào cả. Vì hôm sau, đường Hà Nội vẫn đầy cảnh không nhúc chẳng nhích, xe yếu nhân vẫn hụ còi ầm ĩ với đoàn hộ tống hai bánh, xe biển từ trắng qua vàng tới xanh và đỏ vẫn cứ hung hăng. 

Hà Nội tiếp tục cuộc sống của nó. Trong một sự lộn xộn, vô pháp vô thiên của các hành xử trên đường. Và trong một bầu không khí đặc quánh mùi vị của ô nhiễm.

Hà Nội mình căng dây

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

bắc ninh 10.12.2023

Tôi vừa về đến Hà Nội đã hăng hái lên kế hoạch tự đi bus về Bắc Ninh và ở chơi với hai cụ già mấy ngày. Mẹ gạt đi ý tưởng đó vì sợ con gái mệt. Ngày hôm sau thì tôi lừ khừ thật. Thế là sau gần hai tuần, tôi mới về thăm Bố Mẹ.

Đường đi và đường về lần này tôi không có tiết mục gật gù hay ngủ rũ. Tỉnh queo từ đầu tới cuối đồng nghĩa với việc tôi liên tục trong trạng thái giật [mình] và sốc. Có anh chạy xe đạp điện để thằng cu con/cháu chừng 4-5 tuổi cầm tay lái. Hai ông lớn và nhỏ coi rất phỉnh. Họ chạy xe trên con đường thôn/xóm song song với đường lộ quốc gia, nhưng ngay cả vậy thì đối với tôi vẫn thực là nguy hiểm.

Ở quê, chị dâu họ than phiền con trai mấy bữa nữa lên cấp 3 đi học xa vất vả. Tôi nói, có xe điện mà. Liền nghe giải thích, giờ có quy định tuổi. Thằng bé phải đợi đủ 16. Trong lúc đó, cháu chịu khó đạp xe không điện. Thế là tôi lại nhớ tới hình ảnh hai ông lớn nhỏ trên đường.

Tôi và TL xuống nhà anh họ để thắp hương cho Bá - chị ruột của Mẹ. Bá hiền lành, nhẫn nhịn trước bác trai vừa gia trưởng vừa "khó" ở chung hàng chục năm trời. Rồi một ngày bác trai ốm yếu thì Bá nổi khùng, hành động đúng kiểu "trả thù đời" - trả thù chồng bằng cách từ chối chăm sóc. Bác trai đi rồi, rồi Bá ốm liệt giường. May mà các con của Bá không tính "trả thù đời", Bá cứ thế mà ra đi nhẹ nhàng. Tôi nhớ nhiều chuyện về Bá, trong đó có chuyện ngày chiến tranh chưa kết thúc, Bá lên Hà Nội thăm Ông Ngoại, đi bộ chỗ Hồ Gươm thì thốt lên, đại ý là "người đông thế này mà Mỹ nó thả cho quả bom nhể". Rồi một chuyện nữa là lần đầu ăn ở căng-tin cơ quan, Bá dõng dạc mời cơm cả phòng ăn. 

Các con của Bá đi Nam làm giàu, phần lớn là khệnh khạng ông kễnh, nhất là anh cả. Hôm nay, Mẹ kể chị dâu họ giờ rất chịu khó qua chơi. Có bữa chị nói, chồng cháu dặn tiện đường đi chợ thì nhớ qua thăm, xem Dì có bị đau chân không. Với Mẹ chuyện này giống như trò đùa. Còn tôi thì nghĩ đơn giản, thời gian trôi qua, con người nhiều khi chẳng còn quan tâm hùng hổ giành giật với đời, với người. Và khi ấy thì họ hoá thành tốt bụng và dễ thương :-) 

Chúng tôi đạp xe xuống nhà anh họ ở cuối làng, đi qua nhiều con ngõ nhỏ cái này nối thông cái kia. Có hai ngõ liền nhau, một đám cưới và một đám ma. Có vẻ như cả hỉ lẫn hiếu đều vời chung một dịch vụ cỗ bàn vì tôi nhìn hai biển chỉ dẫn gửi xe giống y chang, kèm thông tin của nhà cung cấp dịch vụ. Chị dâu họ đón đồ thắp hương chúng tôi mang tới, bà chị đúng theo nghĩa đen của lời trèo lên bàn thờ to gần bằng cái giường Queen size để sắp xếp. 

Khi chúng tôi ra bàn nước ngồi tám chuyện, chị kể vừa đi một đám về. Tôi thiếu chút thì hỏi, thế còn đám kia. Câu hỏi đó cuối cùng vẫn chui ra khỏi miệng tôi, nhưng là sau bữa trưa, khi chị họ khác qua nhà mang cho hai túi rau bự gồm hành xanh và đậu đũa. Chị bảo, sáng đi một đám rồi, chiều đi đám còn lại. 

vườn nhà Bắc Ninh tháng 12/2023
Chúng tôi đứng ngoài vườn rau, nghe nhạc vọng í ới qua cái ao làng. Tôi hỏi, thế đây là cưới hay ma. Liền bị cười vào mặt vì kém hiểu biết. Nhân thể TL kể chuyện hôm làm đám cho Bá, có hẳn hai dàn nhạc, một truyền thống một hiện đại. Thế là có cảnh đang tò te tí thanh la sáo nhị bỗng nổi lên kèn đồng với hai ông mặc đồng phục trắng phau vai gắn gù bước đều ra đón khách vào phúng viếng. Truyền thống va đập hiện đại nhưng vẫn đảm bảo hài hoà. 

TL chê bếp của Mẹ bẩn. Tôi đồng ý với nó rằng thì bẩn thật, nhưng thay vì chê thì tôi cười khà khà. Có một lý thuyết tôi học được chừng 20 năm nay, từ nhiều người khác nhau, rằng đối với người có tuổi, tốt nhất là tôn trọng cái không gian sống - bao dung thể của họ. Rằng chớ có can thiệp. Vì chúng ta - đám con cháu - chỉ bất chợt xuất hiện trong tầm mắt các cụ trước khi quay lại với đời vật lộn cơm áo gạo tiền, và trong chốc lát đấy dù chúng ta hỉ hả về thành tích dọn dẹp cho các cụ thì ngay sau đó chỉ còn các cụ với một thế giới thể lý bị đảo lộn. Cái ta đây đắc thắng và tự cho là hữu lý của chúng ta được thoả mãn, còn các cụ già thì ngơ ngác, ơ kìa cái này vốn chỗ này giờ đâu ta. Tôi tin cái lý thuyết đấy, nên sau bữa trưa ngon, con gái chủ động rửa bát và chỉ lau chùi sạch sẽ đúng khu vực bồn rửa. Mẹ nói chỗ bếp ga để mẹ dọn, con nhìn mấy vệt lem nhem vâng dạ liền. 

Như mọi khi, "con gái chấy rận" ngồi bậc hiên nhổ tóc sâu cho Mẹ, nghe bà cụ già ề à chuyện trong nhà ngoài xóm. Như mọi khi, bà chê ông là già rồi thì "ngang" lắm. Như mọi khi, con chọc ghẹo bà cụ già, hai ông bà phải thế mới vui.

Trước giờ về, Bố gọi tôi ra nói chuyện. Tôi nghĩ, con cái đúng là "cục nợ" của cha mẹ, đến giờ vẫn là hai cụ già lo và tương trợ cho tôi chứ không phải là chiều ngược lại. Bố giải thích, giờ tai kém, lại cộng với nhiều lúc nghĩ không theo mạch nên mỗi lần con gọi điện về thì chủ yếu là Mẹ nói chuyện. Những lời dặn dò và chia sẻ của người lớn trong nhà nghe thì nhẹ bẫng nhưng theo thời gian mấy năm nay, với nhiều thay đổi và cả "biến cố" đã đến với tôi, tôi ý thức được sức mạnh của chúng. 

rau răm cảnh :-)

rau nhà ăn không hết, "béo" các chị họ

bưởi - quả không đẹp nhưng ăn ngon

em đây là ngâu - hoa ngâu

giải cứu cây trúc cảnh

với tay ngắt một cái rồi ăn chơi

nghe nói năm nay mất mùa hành nhưng vườn nhà ta vẫn ổn

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

có gì trong chén: ngao đỏ xào

Món do Hồng Tâm làm.

Với vị của xì dầu, gừng, tỏi và ớt.

Ăn vã chơi thuận miệng. Mà ngon và kiệm hơn là ăn kèm cơm trắng.

ngao đỏ xào - món của Hồng Tâm

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

nhà rừng: khi mùa đông tới

cây - điểm dừng yêu thích của lũ chim
Vườn Nhật Bản trừ một bụi cây vẫn xanh xanh thì còn lại ủ rũ, chuẩn bị bước vô trạng thái ngủ đông để đợi sang năm vươn mình cho lá, cho hoa. Vườn rau còn tiêu điều hơn nữa, với mấy trái bí ngồi to hơn bắp đùi một anh nghiện thể hình nằm kềnh càng trên nền đất, và rất nhiều cà chua bị đông giá lủng lẳng nương tấm rào. 

Nhiều họ nhà chim đã rời đi tìm miền ấm áp. Nhưng rất lạ là giờ lại có rất nhiều bạn sắc xanh lượn lờ ở mấy khóm cây cụt. Tôi rất tò mò là bao giờ chúng mới bắt đầu hành trình di cư, còn nếu không thì chúng sống sót sao qua mùa đông này. 

Ngoài rừng, ngoài vườn là vậy. Còn vô nhà, ở chỗ mái hiên, bạt cũng đã được phủ kín bàn ghế cùng lò nướng để tránh tuyết táp vô. Trong bếp và nhà tắm, bất cứ món gì có chứa chất lỏng đều được hoặc cho vô tủ lạnh, hoặc chuyển xuống tầng hầm.

Củi để sưởi ấm giờ không phải là điều khiến ông chủ nhà lo lắng. Hơn thế, ông lão nhà ta rất chi là hài lòng với các kệ chất chạy dài hai bên hông nhà để xe cũng như ngay trước cửa nhà, đảm bảo đủ cho vụ nấu mật phong mùa xuân tới.

Với đám thị dân giàu có vốn có nhà nghỉ ở xứ Berkshire và luôn có người giúp việc coi nhà hay đơn giản là khách du lịch tới đây quẹt thẻ trả tiền phòng, kỳ nghỉ của họ ở trong rừng hay trên núi chỉ đơn giản là một sự thụ hưởng. Nhưng nếu sống, dù lâu hay ngắn, và phải tự chăm sóc cho ngôi nhà của mình thì các công việc, từ việc rừng đến việc nhà, không phải lúc nào cũng đơn giản và dễ dàng.

che đậy thật kỹ, đợi xuân sang

nhìn vui mắt vậy nhưng cần rất nhiều công sức

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

món gà tây cho lễ tạ ơn: bữa tối lúc 4 giờ

Ba ngày chuẩn bị làm món, đánh chén trong chưa đến một giờ đồng hồ :-)

Thịt gà tây rất ngấm gia vị, đủ chắc mà lại không thiếu mềm, rất ngon. Tôi ưa các món mặn nên với bạn gà tây đi kèm cranberry sauce ngọt vị, tôi phải vời chút muối. 

Bếp trưởng nhà ta hỏi, ngon không. Tôi trả lời, dạ ngon lắm. Rồi thì thầm trong dạ mình với mình, đấy là nếu mỗi năm chỉ một lần xơi. 

Cũng may là mỗi năm chỉ có một lễ Tạ ơn a :-) 

đùi gà tây, khoai lang, đậu đỗ

sauce chế từ nước nấu món còn dư + cranberry sauce 

tráng miệng bánh táo và bánh bí ngô cay
quà từ cô hàng xóm trên đỉnh núi