Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

chuyến đi tháng 12: sapa phát triển

mình đã từng ở đây, khi Sapa còn mơ ngủ
(1)

Tôi đến Sapa lần đầu vào cái thời nhà Đặng Trung là số một và khách Pháp áp đảo trấn nhỏ mơ ngủ. Tôi quay lại vài lần, vào khoảng thời gian tiệm pizza nơi ngã rẽ trung tâm còn được coi gần như là quán Tây duy nhất ở trấn nhỏ từ tốn này; và nhà thờ khi đó hãy còn là kiến trúc nổi bật trên nền cảnh quan vườn to nhà nhỏ lác đác vài biệt thự Pháp xưa. 

Sapa lúc đó đối với tôi thật tuyệt vời. Tôi có cơ hội "bám càng" bà chị chuyên món ethnobotanique, nhìn thấy một Sapa ít nhiều khác Sapa của khách du lịch Tây Ta tràn ngập sắc màu trang phục của bà con dân tộc. Đó là Sapa của các hình thái học văn hoá-xã hội, của các loại cỏ cây, một Sapa rất đẹp, đẹp sâu. 

(2)

Sau nhiều năm, tôi quay lại. Choáng váng. Sững sờ. Khi đó, một đồng nghiệp cười nhạo thái độ của tôi, và giảng giải cho tôi một bài dài về thứ mà anh ta gọi tên "phát triển". Tôi không dại gì mà tranh luận hoá thành tranh cãi với đồng nghiệp, cười khì khì, chúng ta không chung hệ giá trị về phát triển a.

Rồi nhiều năm nữa trôi qua, tôi thi thoảng lại thấy mình dính líu Sapa. Không phải theo cách trực tiếp vì tôi từ chối mọi cơ hội đến đó. Mà là gián tiếp, khi làm việc với mấy món tài liệu nhân học phát triển. Cảm giác khi công việc kết thúc là hơi buồn. Không phải buồn vì một sự thay đổi đã rõ ràng. Mà là vì cái sự thay đổi đó hình như mỗi ngày một tệ.

(3)

Nhưng mà buồn cười lắm nhé. Cũng như tôi chán ngán Hạ Long, không phải vì cái vịnh nó xấu mà vì cách người ta làm nó xấu, nhưng vẫn thấy mình quay lại và ngồi tàu ngắm vịnh, tôi cuối cùng vẫn cứ là quay lại Sapa.

Lý do của tôi rất chín đáng: vì có talacà.

Và đương nhiên, nói đi và ở Sapa thực không phải là trên trấn. Mà là dưới bản.

Thị xã Sapa chỉ như là một nơi chốn chúng tôi đi ngang qua!

(4)

Sapa giờ đây trong mắt tôi là một bằng chứng của sự thất bại, nói nhẹ là vậy còn nghiêm túc thì là dốt nát, của/trong quản lý nhà nước. Từ cái đập vào mắt là quy hoạch kiến trúc và quản lý trật tự [đô thị]. Tới sâu xa hơn là triết lý phát triển.

Sapa lem nhem, luộm thuộm. Sapa hợm hĩnh ồn ào mùi tiền mới với những kiến trúc học mót coi chẳng ra sao. Sapa thay vì các sắc thổ cẩm rực rỡ của người địa phương thì là đen sì sì hoặc trắp lốp, của du khách thập phương nhà giàu khoác đồ hiệu phếch một phếch hai [fake]. 

Sapa chợ cũ mất tiêu được thay bằng cái chợ tự xưng bốn chấm không [4.0] chuẩn công thức mà đi tỉnh nào người ta cũng bị đập vô mắt. Lúc chúng tôi vô thăm chợ, khách chẳng có thêm ma dại nào, quầy nhiều chỗ hàng vẫn bày nhưng chủ nhân đâu không thấy. Và thú vị nhất là giữa sảnh chợ tụ tập chừng mươi đàn bà và đàn ông rôm rả gắp món trong cái chảo bự, nhìn giống thắng cố. 

Sapa qua các khẩu hiệu của nó muốn là văn minh. Bỏ qua mấy chị mấy em người Hmong mời chào khách mua thì ấn tượng xấu xí nhất tôi có về thị xã là chỗ vỉa hè vài tiệm ăn lớn, người ta cứ thế rửa đồ nướng ngoài hè và nước dầu mỡ bẩn cứ thế tràn xuống đường. 

(5)

Cảnh quan là vậy. Còn về con người, so với Hà Nội khu du lịch thì "người Sapa" vẫn còn dễ thương lắm. 

Chúng tôi hỏi đường, một anh tài chỉ dẫn xong thì bảo, lên [xe] em đi, em tiện đường.

Đến nơi, chúng tôi cám ơn rối rít sau khi đã kịp lấy số điện thoại để phòng muốn đi loanh quanh thì gọi anh bạn này luôn. 

Sau đó, chúng tôi quả là có làm một vòng đồi chè oolong - anh đào, cây cô đơn, rồi chi chi nữa. Với đồng nghiệp của anh tài tốt bụng, một người cũng dễ thương chẳng kém.

Hài lòng với chuyến la-cà xe bốn bánh ngẫu hứng, tôi cười hì hì, "người Sapa" không chỉ dễ thương mà còn khôn khéo nữa :-) 

(6)

Tôi nghĩ mình sẽ còn quay lại talacà và sẽ còn "lên" Sapa, sẽ tiếp tục lẩm bẩm tại sao, tại sao.

Nhưng dù tôi có cho rằng Sapa là một "thảm hoạ" thì cuộc sống vẫn tiếp diễn theo kiểu không chị thì chợ vẫn đông.

vườn trà oolong - anh đào

xem cây cô đơn, thấy nó đâu cô đơn :-)

một tý sắp xếp, đặt một cái tên hay, ngồi rung đùi thu tiền khách :-)

sự quan tâm dành cho nhân-tạo hơn là tự nhiên như nó là

một cái biển cũ

xe chắn mất tiêu rồi :-)

thang máy lộ thiên

hai gia đình Hmong trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét