(1)
Hẹn 9h.
Sáng con được Mẹ gọi lúc thiếu mấy phút là 8h. Thong dong làm sạch cái mặt, đặt bình cafe đủ uống một cốc ở nhà và rót đầy cái bình mang theo, xong thì thừ người nghĩ, đi bệnh viện bằng phương tiện gì.
Trời mưa lất phất. Con phẩy tay, bất chấp bà già tiếc tiền, gọi taxi.
Xe gọi một hồi, tổng đài điện lại khẳng định phố là ở Cầu Giấy hay Hà Đông, trả lời Cầu Giấy nhá. Được hồi, có xe ngang qua, màu xanh là lạ, đến lúc nhìn số bên hông xe thì ra là chính xe mình gọi. Hãng chuyển ngang chuyển dọc sở hữu cổ phần chi chi, cái màu giờ nó thành đậm nhạt tứ tung, nhức mắt và khó nhận biết. Cậu bé lái xe bảo, em trả khách được hơn năm phút mà cứ lòng vòng tìm số nhà. Ờ, mà đã bảo là nhà tập thể, cứ đi tìm số bên nhà tư thì tìm sao ra được cơ chứ.
TL nhắn tin dặn đừng đi Hoàng Quốc Việt, tắc lắm. Trèo lên xe, tôi bảo cậu tài, đi hướng Kim Mã nhé. Qua chỗ tòa nhà của Liên hiệp quốc, trèo lên Kim Mã thì bắt đầu nếm mùi đông và chật chen chúc. Tôi choáng ngợp!
Giờ giấc đi lại của tôi bằng bus, trừ sáng thứ Ba quái dị ra, còn lại về căn bản là lôm côm, thường là tránh giờ bà con đi làm hay tan sở, nên được hôm nay nếm mùi tắc đường thì có chút kinh hãi. Mà lạ là gần sang 9h vẫn vậy thì đúng thật là!
Cậu tài thông thái đến gần số 1 Kim Mã thì vọt sang lối Lê Trực. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Tắc tiếp.
Tôi ngồi xe chẳng có sức mà lo hay cáu vì còn mải úy lạo sư phụ Mẹ đang lo đến hẹn muộn và động viên cậu tài áy náy cái chuyện đâm quàng vào bụi rậm. Tay rờ rẫm điện thoại gửi tin nhắn xin lỗi người hẹn, mồm bô lô ba la, lái xe ở Hà Nội phải đảm bảo có đủ 3 trong 1: óc hài hước, máu lạnh và thẻ mặt trơ.
(2)
9h40
Ở cổng bệnh viện tôi chờ người hẹn ra đón.
Có một xe đẩy đưa một ông cụ già độ tuổi 80 mặt mày đầy vẻ đăm chiêu, nghiêm túc phi thường. Đẩy xe áng chừng là con trai và cháu trai, có tướng mạo giống ông cụ. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu chỉ là một hai bà phụ nữ đứng ở cổng chờ người bên cạnh là một đoàn ba người đàn ông ba thế hệ.
Nhưng ở chỗ cái cổng khép hờ bỗng xuất hiện cái ống điếu ai đó tuồn vào. Người đàn ông tuổi con đột nhiên biến mất, chỉ còn cậu bé con đỡ cái điếu cày, tôn kính dâng lên cho ông lão. Rít một hơi khoan khoái. Cái ống điếu hoàn thành nhiệm vụ, được tuồn lại ra ngoài đường. Lần này, hàng chuyển vào là cốc trà nóng nghi ngút hơi nước. Ông lão vẫn đăm chiêu, nhẩn nha thưởng trà trên cái ghế lăn.
Tôi và Mẹ chẳng hẹn cùng phá lên cười. Cậu bé vui vẻ nhìn chúng tôi giải thích, ông cháu nghiện thuốc lào từ nhỏ, không bỏ được.
(3)
Tôi ghét bệnh viện.
Đó là nơi tôi khóc nhìn Nam Thắng lần cuối, nằm im, da mặt trắng như thân bạch đàn thay vỏ.
Đó là nơi Ông Ngoại được tiêm morphine chống chọi những cơn đau.
Đó là nơi chúng tôi vĩnh biệt Bà Nội.
Đó là nơi gia đình tôi đã cùng nhau qua một đoạn biến cố trước khi tôi rơi vào cơn trầm cảm nhẹ kéo dài.
Đó là nơi tôi luôn ngập ngừng trước các vấn đề của mình.
Ở nơi tôi đến hôm nay, đây là một lần quay lại. Lần đầu là khi tôi thăm chị gái của Bà Nội, khoảng đâu đó đầu những năm 80, nằm giường bệnh trong tòa nhà rộng do người Pháp xây. Tôi chẳng giữ chút ấn tượng gì về người ốm, nhưng nhớ rõ phòng bệnh thênh thang, lối đi mái vòm đẹp và chị họ vô cùng rực rỡ ở tuổi thiếu nữ trưởng thành của mình.
(4)
Chuyện ở phòng chụp tia X
Tôi ngồi chờ kết quả của bà cụ. Có cô gái trẻ đến chụp, mặt mày nhăn nhó. Hỏi đi hỏi lại mấy câu, cô gái dân văn phòng, có biểu hiện gai cột sống. Cô bảo, em tập gym chăm chỉ nhưng không ăn thua, đợt tới sẽ chuyển sang yoga.
Hồi nữa có em bé gái áng chừng mười tuổi, trông bộ dạng giản dị và là cô bé ngoan, nhìn kỹ thì đồ trên người toàn hàng khủng. Ngó sang ông bố, mẫu người thành đạt ăn to nói lớn, còn khủng hơn. Khách chụp thuộc dạng có "bảo đảm" được người quen ân cần tháp tùng đến tận cửa phòng chụp.
Ông bác chụp 1 thò mặt ra, nhìn cô bé cười cười, lưng cháu thẳng gớm nhỉ. Phiến dịch là vấn đề rất nghiêm trọng. Bố cô bé kể với cậu bác sĩ trẻ tháp tùng, đặt mua ở Nhật mười mấy triệu đồng cái túi kéo thay cặp đeo vai cho con bé, nhưng xem chừng quá muộn. Anh bạn bác sĩ gật gù về chuyện cái cặp kéo, bảo em cũng nhờ mua bên đó, nhưng loại rẻ hơn, chỉ có gần năm triệu.
Cả một đám người cùng chờ kết quả. Được hồi là ông bác chụp 2. Giống ông bác chụp 1, người rất có khí phách, kiểu dáng tay chơi giàu có rảnh rang ngồi chơi ở phòng chụp chứ không giống những khuôn dạng người gầy gò cau có mà tôi đã từng tiếp xúc ở mấy chỗ khám trước. Ông bác này bước ra cửa, điềm nhiên rút bao thuốc ra châm một điếu và tám chuyện với bố con cô bé. Chẳng có gì hài hước hơn cái cảnh người đàn ông phì phèo dưới tấm biển cấm hút thuốc.
(5)
Chuyện ở phòng siêu âm
Có một đám người mặt mày thẫn thờ chen chúc chỗ cái hành lang hẹp dẫn vào phòng siêu âm. Ai đó chỉ cho tôi chỗ xếp giấy, sau nữa là chỗ ngồi đợi, dưới một cái chân cầu thang hẹp.
Người đến, người đi. Tôi thấy mình trong một thế giới-ngoài-thế giới, kỳ lạ hết sức.
Có hai vợ chồng nhà nọ đi xe giường nằm từ Lai Châu tỉnh tới khám. Cô vợ nhăn nhó, đã uống hai chai nước căng hết bụng rồi mà sao chưa tới lượt. Nhăn nhó chán thì bảo chồng, hay anh cũng siêu âm vì đang có vấn đề là đi tiểu lắt nhắt. Vấn đề là anh giai đã trót làm một bịch sữa, giờ tiến lùi thế nào cũng khó. Một cô tháp tùng ông bố nhanh nhảu, đơn giản lắm, cứ nước lá sen tươi giã nhuyễn ra uống, khỏi liền. Thế là có chuyện rôm rả về công dụng của lá sen, tươi và khô. Anh giai bị vợ giục có phần bực, gắt lên, "đéo chụp". Thế là hết chuyện. Chị vợ tiếp tục chờ.
Lại có một ông chú, có khuôn mặt chữ điền giống Ông Ngoại, làm tôi cứ nhìn chằm chằm mãi không thôi. Ông chú vui tính, đặt mông xuống ghế chờ ngay lập tức làm cả góc chân cầu thang ầm ĩ những tràng cười không dứt. Đại thể là ông chú đi coi người nhà là nghệ sĩ biểu diễn bị gẫy cái phần khuỷu tay, tiện thể thì đi khám chơi một cái, để so trình độ bác sĩ Hà Nội với bác sĩ bệnh viện tỉnh. Ông chú ví von một câu gì đó rất hay mà giờ tôi quên tịt, đại ý là tiện việc này ta làm việc khác.
Ông chú bảo, theo lời bác sĩ tỉnh thì ông chú ở đỉnh của mọi ngưỡng bao dung, cho nên giờ kết quả có tệ cũng chẳng ngạc nhiên. Sau nữa là, con người ai mà chả đi đến cái "chỗ đấy", rằng thì là mà cho lần khám này nếu có vấn đề gì mà sự ăn uống có thể điều chỉnh thì điều chỉnh, còn chẳng may bệnh nan y thì phải bình tĩnh mà sống cùng thôi.
Ông chú có dáng vừa của trưởng thôn vừa của phú nông kiêm chủ buôn thành đạt ở địa phương, nói đến đâu gây cười đến đấy. Nghe thành tích mỗi tuần góp nhặt ít nhất hai bữa thịt chó của ông chú xong, tôi phì cười, nghĩ thầm bác này không bị gút thì quả là lạ.
Chúng tôi chờ lâu một cách bất thường. Được một đoạn thời gian thì xác định nguyên cớ, người ta thay máy soi. Tôi thản nhiên bảo, mẹ cháu được làm chuột bạch rồi, máy chạy rô-đa thế này kết quả chẳng rõ đúng sai ra sao. Ông chú vui tính biết tôi đùa, nhưng có mấy người mới vào xem chừng coi nặng nhẹ chuyện cái máy mới, cứ băn khoăn thế đến lượt mình thì thế nào.
Bà cụ già cuối cùng cũng "soi" xong, khi ra có chút mệt vì phải chờ đợi, thông báo cái máy mới vẫn chưa được dùng. Lý do, người ta tiết kiệm mua máy mà không mua cái máy in đồng bộ, đến lúc máy soi mới ghép với máy in cũ thì không khớp. Thế là cả một nhóm người chẳng có ai phải làm chuột bạch cả, chỉ phải tội chờ lâu.
(6)
Ơn Trời cho lần khám này chúng tôi không phải lo lắng nhiều. Tinh thần là bình tĩnh tiếp tục sống và nhớ cái nguyên tắc tầm soát, tức là đến hẹn thì quay lại kiểm tra tiếp.
Tối về tôi trịnh trọng bảo TL, dứt khoát phải kiếm được một người thân là bác sĩ. Nó nghe kể hành trình khám bệnh hồi sáng, cười sằng sặc xong thì bảo tưởng kiếm mà dễ à.
Đến lượt tôi tự thấy mình buồn cười. Trước nay vì thói tham ăn tôi chỉ muốn có người thân là đầu bếp. Giờ cơ thể sang hồi lọc xọc thì mơ màng ông có cái ống nghe. Đợt tới chẳng biết còn mơ đến ai nữa :-/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét