Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

chuyện nhảm về sự ăn, về sự chăm sóc, về sự luyện tập

(1)

Gặp bạn lớp 1 trường Nguyễn Phong Sắc sau gần 40 năm. Bạn có chút vấn đề về chân, trong trí nhớ đứt quãng của tôi về những ngày sống ở khu tập thể trường đại học dưới phố Đại La, bạn đi lại có phần chật vật nhưng mặt mũi lúc nào cũng hớn ha hớn hở. Giờ bạn vẫn là người cởi mở, cái chân hình như không gây ra nhiều phiền toái trong đi lại và giao tiếp, ít nhất là tôi nghĩ thế.

Chúng tôi ăn liên hoan ở nhà cô giáo chủ nhiệm lớp 2-3, bữa trưa do các cô chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 4 tổ chức. Bạn ngồi cạnh, tôi biết trước chuyện bạn giữ chân tổ chức sự kiện và chạy việc cho một chùa to ở Hà Nội, ề à hỏi han này nọ. Bạn làm một lèo về cái sự trở thành như ngày hôm nay. Tốt nghiệp kinh tế, đi làm makerting hay bán hàng chi chi cho một hãng viễn thông to đùng, rồi đã kinh qua cán bộ phường, ngày đẹp giời thì thành người nửa dân gian nửa tu tập. Chuyện xảy ra sau khi em gái nhỏ trong nhà ôm cái án mấy năm tù vì tội danh lừa đảo. Bạn bảo, ai tìm tới đạo Phật cũng phải có lý do hết cậu ạ. Ý chừng, không có biến cố thì sẽ chẳng bén ra cái sự gặp gỡ này.

Chúng tôi nói chuyện nhiều, sau nhiều chủ đề thì quay sang chuyện ăn uống. Giữa chừng của mạch trò chuyện ấy, bạn bảo, các vị to trong chùa được cúng giàng đồ chay ngon và tinh nên ăn cái thứ đó thì người khỏe, da dẻ hồng hào; còn cái bọn như tớ ý à, toàn rau với đậu phụ thì mặt mày có mà tối om, xám nghoét. Kết luận đi kèm với hành động tay gắp một miếng tướng tiêu biểu cho protein thần thánh vào bát của tôi là [cậu] không việc gì phải ngại ăn thịt.

(2)

Tự dưng tôi nhớ chuyện MA kể, từ mấy năm trước, rằng anh sếp nói thích nhất là được ăn ở chỗ các Cha. Đồ ngon, tươi, sạch, thứ nhất luôn. Chuyện này hồi mồ ma partner của D còn tại vị trên đời, có lần tôi vui miệng kể lại. Hai ông anh cười ngất nhìn nhau rồi quay sang nghiêm túc phi thường nói với tôi, cái người đó nói đúng. Sau hồi tôi mới nhớ ra cái hoàn cảnh dây mơ rễ má chằng chịt đủ đường tâm linh của gia đình bên đó, cười khì khì ra chiều hiểu chuyện.

(3)

Mà chẳng phải nói chuyện người tu hay chuyện kính lão trong gia đình được trọng vọng cái đường ăn uống, dưỡng sinh. Là quan và làm quan, thời cũ hay thời mới, cũng là một địa vị để nhận lộc thuận cho cái đường bao tử. Cô học trò nhỏ của ông cụ già trong nhà có niên đại từ cái đời tám hoánh nào đến giờ vẫn thân thiết điện thoại qua lại hỏi thăm Bố Mẹ từ xứ Điện Biên, có lần kể với Mẹ về chuyện trên tỉnh đó, người ta tìm tam thất tự nhiên để bán cho bọn biếu sếp, giá đôi chục triệu đồng một kí lô. Con gái cười khướt trêu bà cụ già, mình mua hỉ. Bà già siêu ki-bo thì đừng hòng có chuyện đó. Nhưng phản ứng tức thời hóa ra không phải là tiền, làm sao chắc được là người ta không trộn tam thất thường vào. Úi dza, chuyện ăn biến thành chuyện vốn tin cậy trong giao tiếp xã hội.

(4)

Nhiều năm trước, tôi "đú đởn" chay chay theo mốt. Lúc đó bị BJ chê cười, mày thích làm phiên bản New Age kiểu của riêng mình à (?) Còn D và partner thì cảnh báo, chuyện này nghiêm túc chứ không phải là phóng túng nhất thời đâu. Được hồi, tôi bỏ. Vì nhai rau, hạt và củ mau thấy mồm miệng nhạt thếch. Thêm nữa, cái sự chế biến bếp chay đôi khi hóa lại phức tạp hơn bếp thường (!)

Giờ thì chuyện gì xảy ra với tôi, với chúng tôi? Tôi phát hiện bản thân không còn bài xích bọn đậu phụ và rau củ đủ loại nữa. Thậm chí, có lúc nghĩ mà còn "thèm" chúng. Xem ra là dấu hiệu tốt. Rồi nữa, kẻ ăn tạp là tôi bắt đầu bài xích với mấy món mắm xưa nay tôi luôn ngợi ca "quốc hồn quốc túy". Tôi để ý mấy lần dù chỉ là ăn chơi chót vót đầu lưỡi mấy món mắm quà từ Huế, Đà Nẵng và xứ Thanh, lần nào cũng như lần nào, cái bụng sau đó cọt kẹt giận hờn. Còn bữa qua, nồi cà bung TL nấu tuyệt hảo, lúc đánh chén chẳng sao, nhưng tối muộn thì xem chừng thành phần mẻ chua trong đó không phải là bạn tốt của bọn lòng ruột nhà mình.

Tôi từng cười cợt đám người kiêng tanh, kiêng cay, kiêng chua. Giờ với đống lổn nhổn trong người, xem ra tôi bắt đầu thò chân vào hàng ngũ những kẻ kiêng khem đích thực! Chuyện hay là không còn à la mode như ngày trước, mà là do chính phải ứng của cái thân này của mình. Rất tự nhiên mà vậy!

(5)

Tôi đọc cuốn sách của một cô người Nhật nói về mấy chuyện phục trang và chăm sóc hình dạng bản thân. Chưa biết ngộ ra cái gì nhưng điều đầu tiên đến trong trí là bộ tóc xác xơ và màu mè kiểu con bé ngoại ô mất dạy cuối thập niên [19]90 của bản thân xem ra đúng là không ổn.

Thế là có quyết định to, đi ra tiệm tóc cắt xén chút.

Thằng bé thợ phụ trong tiệm, tôi chẳng buồn quan tâm địa vị của nó, tiện thấy mặt thì ngoắc tay chỉ, mày làm cho tao, thế nào cũng được, chỉ cần vẫn đảm bảo vẫn còn đủ dài để buộc.

Gần một giờ đồng hồ cắt tỉa, tôi ngồi im trên ghế, thi thoảng bị tay kéo ấn cái đầu, lúc thì chúi về phía trước, lúc thì ngả nghiêng sang phải rồi sang trái.

Quãng thời gian đó, ngoài một quý bà vào phòng trong gội đầu, tôi đếm có tất thảy 5 gã thanh niên chạy vào tiệm ngắm mình trong gương và bắt đầu chải chuốt đầu tóc; đám này nếu không phải là bọn bán hàng ở mấy tiệm bên cạnh thì là khách chơi điện tử kiêm khách cắt tóc gội đầu quen của tiệm. Có một gã trai trẻ gồng mình "anh chị" cổ đeo thòng lọng vàng chắc cỡ gần chục "cây" tính cả dây lẫn mặt chạy vào yêu cầu chủ tiệm kiêm thợ chính vuốt keo chuẩn bị cho lễ sinh nhật của bản thân buổi tối. Anh chàng kết thúc màn làm đẹp quay sang nhắc thằng cu chủ tiệm, mày nhớ qua 1946, mình ăn uống bét nhè ở đó rồi tối đi bar nhảy nhót. Đời nghe vui lạ! Sau là một gã khác, tay xăm kín đặc, phớ lớ ngồi vào ghế kêu tạo hình để chuẩn bị đi gặp "phụ huynh". Lúc đầu định cắt tỉa đơn thuần, hồi sau thành nhuộm, phải là "khói" cho ngầu.

Chuyện nhìn là một chuyện. Chuyện nghe lại là một chuyện khác. Thế giới [kinh tế] phi chính quy quả là phi thường. Lời tuôn ra từ cậu chàng có ngày sinh nhật kia nếu ghi lại chuyển cho quan tòa, chắc xét xử được vài chục vụ cưỡng bức. Còn anh bạn xăm trổ, tôi nghe mãi mà không đoán ra được ông con giời rốt cuộc làm nghề gì, chủ tiệm cầm đồ, tay đại lý đề đóm cấp 2, hay đơn thuần chỉ là ông chủ một shop quần áo dành cho các quý ông theo đuổi phong cách Galliano và Versace phiên bản Tàu.

(6)

Tôi quay lại phòng tập sau hơn tuần đứt quãng vì ốm. Thân thể như không phải của mình, lờ phà lờ phờ cố căng, cố dãn.

Lúc ngồi im, thay vì đếm cừu, thay vì để tâm trí chạy theo thứ nhạc ồn ã của phòng tập cơ, tôi bắt đầu tưởng tượng, chuyện gì xảy ra nếu quý Đạt Ma hát jazz, quý Di Lặc chơi rock, còn quý Quan Âm trẻ trung tưng bừng hip-hop. Cái hình dung láo toét đấy xem chừng có tác dụng. Con giời ít nhất cũng là đảm bảo cữ thời gian không nhúc nhích, duy trì nhịp thở đều và nhẹ như mong muốn :-)

Lúc chuẩn bị rời phòng thay đồ, tôi thấy một cô nàng gần như là khỏa thân, õng ẽo rón chân thả nước tưng tưng xuống nền gạch và phàn nàn chất lượng gạch không tốt, có thể làm cô ta ngã và nếu ngã thì sẽ đi tong cái răng mới làm giá năm chục triệu đồng tiền. Chuyện này tối kể cho một người, người đó cười ngất làm một câu chẳng ra câu hỏi chẳng ra lời bình, chắc cô này muốn khoe giá cái răng. Sau lại bồi thêm, mà thế hẳn chưa hay bằng liên hệ chuyện nếu ngã thì sẽ vỡ tan bộ ngực giá mấy ngàn đồng mỹ kim.

(6)

Cuộc đời kỳ lạ thế đấy!

Tôi đã từng cố gắng làm người nghiêm túc, ngay ngắn. Nhưng xem ra thế gian đủ người nghiêm túc và ngay ngắn rồi, chẳng cần tôi phải cố chen lấn xếp vào cái hàng dài bất tận ấy.

Thế nên, cứ vui vui mà sống những ngày nhỏ của mình, chú ý cái sự ăn uống, chăm sóc cơ thể cho nó lành, nó an.

Và thi thoảng thì phân thân, bỏ rơi cái "một chỗ trong đời" mang tính gán định bên cạnh đám thầy bà phần đông là kiêu ngạo và vĩ cuồng với tư tưởng bố mày là nhất vì có chữ, mà để chân chạm đất trên cái nền trần trụi của phố nhỏ ngày thường đủ tạp vị hèn mọn mưu sinh, lừa lọc, hưởng lạc và phù phiếm.

Nhể!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét