Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

tạm biệt 2019

Moleskine năm nay là TA nhờ bạn mua. Nghe nói trúng đợt giảm giá, lại thêm vụ không mất phí vận chuyển. Sổ về cầm tay thấy nhẹ, tôi có chút mơ hồ.

Bóc lớp bọc, hóa ra bìa mềm. Lại nữa, giấy có phần khiêm tốn về độ dày so với sổ dùng bao năm qua. Thế là có màn tự dziễu, Moleskine thì vẫn là Moleskine chứng tỏ tôi chưa bỏ được cái thói chấp vào đồ vật; còn chuyện dày mỏng hẳn là điềm báo số mình mỗi ngày một "nghèo" đi. Dù thế nào, tôi vẫn vui :-)

Ngày cuối cùng của năm 2019 được trịnh trọng lên kế hoạch từ tối qua cho hoàn thiện bản thảo. Thực tế thì khác xa. Sau một đêm gần như là [thức] trắng vô duyên vô cớ, tôi chỉ chấm dứt giấc ngủ bù của mình khi nhận điện thoại của Thảo Sử. Nói chuyện xong, tôi bật đèn phòng, lọ mọ châm hương. Khi tắt đèn đêm ngoài sảnh, nghe chút chít tiếng giống của bọn chuột nhắt thì hoảng. Làm bản thảo hóa thành dọn nhà.

Nếu có ai dở hơi thuê tôi dọn nhà thì đảm bảo chẳng mấy đoạn thời gian sẽ rỗng túi, còn tôi sẽ mau thành tiểu phú bà. Người ta cần nửa giờ tôi chơi nửa ngày, rề rề kéo cái này bê cái kia, quét quét chùi chùi, đập búa chỉnh đinh treo móc rèm, chán rồi thì xoay sang kê lại kệ giày.

Trong năm tôi mua cuốn sách của Margareta Magnusson, tựa tiếng Việt là Sống thanh thản như người Thụy Điển. Nghiêm túc phi thường mà nói, nếu không vì lần dở ngó chơi nội dung bên trong và ấn tượng với tựa nhỏ chữ Anh có hai từ death cleaning thì với một cái tên sách vần vần điệu điệu thế đừng hòng tôi rút tiền ra khỏi ví. Sách có từ lâu nhưng mãi tối hôm kia ngồi nhà một mình ho sù sụ chán chẳng có gì chơi tôi mới lôi ra đọc.

Đọc qua chừng mươi chương, tôi hài lòng về chuyện cầm sách trên tay đúng thời điểm. Tôi vẫn tin mỗi người trong hoàn cảnh cụ thể của mình sẽ có một bí kíp dọn dẹp riêng. Nhưng đọc đông đọc tây, ngó phải ngó trái chút, chắc chắn sẽ tìm được nhiều chỉ dẫn và cảm hứng hữu ích. Sách của bà cụ già Bắc Âu này cũng vậy.

Năm 2019 đánh dấu một bước thụt ngoạn mục của thứ có tên sức khỏe. Tôi cảm nhận rõ rệt những thay đổi trong cơ thể. Và cả những tiết nhịp cử động, xử lý công việc nữa. Tôi không quan tâm lắm đến mấy chuyện sức ép của công nghệ, của thời gian dù vẫn giữ thói xấu thi thoảng cà ràm về chủ đề này. Chủ yếu điều làm tôi lo lắng là chưa thích nghi được cái quá trình già-đi và theo đó là chậm-đi rất tự nhiên này của bản thân. Hy vọng năm 2020 tôi sẽ sage hơn, từ trong suy nghĩ, nhận thức tới hành động tổ chức công việc và cuộc sống của mình.

Thế đấy, năm 2019 đầy những chuyện kỳ quặc cuối cùng cũng khép sổ. Và sổ bìa đỏ Moleskine 2020 đợi những dòng ghi nguệch ngoạc của ngày.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

bắc ninh 28.12.2019

Sáng sớm cụ già gọi điện uyển chuyển thông báo chút xê dịch trong kế hoạch của ngày. Đại loại là Bố Mẹ đón tiếp các con đến quá bữa trưa, sau đó thì có việc riêng của Bố Mẹ.

Con hỏi chuyện gì, hóa ra là nghĩa vụ gia đình bên Nội. Ông bố dượng của ông chú rể quá cố vừa qua đời. Cụ già lụ khụ vốn đã chuyển giao từ lâu địa vị và nghĩa vụ gia trưởng xem ra sau một hồi alô tới lui báo tin thì cuối cùng vẫn là đảm đương trách nhiệm đại diện nhà thông gia đến thành phố Bắc Giang phúng viếng. Con nghe xong quyết rất mau. Sau bữa trưa, nhờ bạn lái xe đưa hai cụ đi thực hiện nghĩa vụ, rồi quay lại đón đưa người về Hà Nội.

Chuyện của đại gia đình phố Cửa Bắc thích thông thoáng đơn giản thì thông thoáng đơn giản, thích coi là phức tạp thì cũng rất mau có thể nhận ra thoang thoảng những sân si đố kị. Tôi nghe bà cụ già kể chuyện về bà cô áp út vốn chẳng gần gũi gì bà cô là con dâu của nhà Bắc Giang kia đã không đi được nhưng vẫn sống chết tò mò ai đi thì phì cười. Cụ ông ngồi cạnh bảo, em để ý chuyện đấy làm gì. Tôi lại cười rộ một phen. Cười xong thì kết luận, việc chính là đi đám thì mình làm thôi. Hết chuyện!

ngồi bậc thềm uống trà nóng
Như mọi khi, các con được một bữa no. Ăn xong có đứa đứng phưỡn ngoài sân, xoa xoa cái rổ bụng và ngắm các chậu hoa đua sắc. Thi thoảng từ cổng vọng vào tiếng bọn trẻ con lao xao tranh luận gì gì đó, có lúc là chêm vài từ to. Tôi cười bảo TL, tiếng quê nguyên bản nghe nó bẹt bẹt, bọn trẻ con có dùng từ tục nghe căng lỗ nhĩ mới phát hiện ra thiếu cái sự thanh [nhã].

Ở Hà Nội cả tuần dài đầu óc tôi lộn xộn, chẳng việc gì làm ra hồn, người thì ù lì đầy mỏi mệt. Được ngày thả lỏng ở nhà Bắc Ninh, coi như được nạp chút năng lượng tươi mới.

Những năm trước tự tin thấy mình còn trẻ, còn khỏe, lăng xăng làm đủ trò, từ thăm viếng chợ phiên, xưởng gỗ tới mò mẫm ra sông bắt đò qua cái làng tỉnh bên. Giờ về chơi với Bố Mẹ, gần như chẳng bước ra khỏi cái cổng nhà, ngồi bậc thềm hít hà cốc trà nóng thấy đời vui và ổn.

Lần này, tôi tìm được miếng gỗ vốn là cái rui lấy từ nhà cũ trước khi sửa, hỏi xin ông cụ già miếng giấy nhám, hì hục nửa buổi đánh mịn mấy mặt gỗ với ý tưởng dùng nó làm cái chặn cửa. Xong việc, ngắm thành quả thì thấy mình đúng là già rồi, chậm chạm sống trong cái ổ của mình!

lứa bầu chờ lớn
xà lách làm bạn với bắp cải và đỗ leo
cà chua cuối cùng cũng cho quả
mang về hà nội

chả cá thu nhà làm (2)

xong công đoạn hấp - chờ rán là ta có món chả cá nhà làm
Cá thu tươi, xuất xứ Nam Định. Món do TL làm sau nhiều lần cao hứng lên kế hoạch nửa vời.

Món nguyên vị cá, không có hỗ trợ của mỡ phần nên xem ra thiếu chút độ mướt và béo. Bù lại, vì là cá tươi nên độ phết và dính đảm bảo như ý. Miếng chả hấp xong thái lát chéo hay ngang tùy ý, áp chảo chỉnh lửa tùy ý, được miếng chả cá thơm tuyệt đối vừa ý.

Gia vị cho món chả cá có tiêu, hành hương và chút xíu tỏi bằm, mắm muối lấy mặn, và đương nhiên không thể thiếu hành hoa và đặc biệt nhất là thìa là.

Cá thu tôi không mấy thích. Kiểu như có món trước mặt thì khều đũa một hai cái gọi là, từ cá rán đến rim đến sốt cà, và thường là ăn cơm ngoài hay cơm khách. Vì thế vác túi đi chợ gần như chẳng có chuyện tự mình mua cái bạn này. Còn chả cá như thế này, tôi thực thích, ai bảo mua cá về làm món thì sẵn sàng đi chợ liền.

TL làm xong món tối trước thì sáng hôm sau về nhà Bắc Ninh chơi với hai cụ già. Nó làu bàu, hóa ra làm không công cho tôi đánh chén.

Có đứa dở hơi cười ngoác miệng. Lần sau cứ thế mà phát huy, hỉ :-)

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

ngã rẽ và lằn ranh

Tôi bối rối, cáu kỉnh, và mệt mỏi nữa.

Những từ ngữ nỗi sợ, trách nhiệm, thể diện không hẳn trở nên nặng. Sức ép đến từ thứ tôi không thể sờ mó, đong đếm được: trống rỗng.

Tôi thấy mình giống như kẻ đứng giữa ngã ba đường. Rẽ bên này là hùa theo những vụn vặt vớ vẩn ông nhòm tôi, tôi dzòm ông vì vài đồng bạc lẻ và một cái danh hão nào đó. Rẽ bên kia là tự ròng mình từ từ vào cái thòng lòng của phi lý, bất kiểm soát. Tôi chẳng thích bên nào trong số đó cả. Điên điên chút hay đấy, nhưng quá đà chỉ nửa li lai thì thành làm phiền bản thân và nhất là gây phiền não cho những người tôi yêu quý. Còn sống kiểu nhấp nha nhấp nhô một bầu suy nghĩ xấu xa không phải hại người trực diện thì là đố kị âm ỉ rồi thêm thói ếch ngồi đáy giếng nghĩ ông đây bà đây là nhất, tôi yếu không chơi được kì cuộc đấy.

Đi thẳng thì phải đối mặt với câu hỏi thường trực, rốt cuộc giá trị của bản thân là gì, và cái mẩu tự trọng tự tôn bé tý xíu có nên tiếp tục giữ gìn không và nếu có thì là như thế nào.

Đó là một hành trình kỳ quặc đòi hỏi sự khéo léo, giống tay đu dây, giống ông phó bếp chỉnh lửa chảo xào và gia giảm gia vị cho món đang bốc hơi.

Tôi nhìn con đường phía trước, rục rịch tả hữu rẽ bên này bên nọ rồi cuối cùng lại tự nhủ, nào đi tiếp.

Học chung-sống, nghiêm túc hơn với các nghĩa vụ gia đình, tiếp tục điều chỉnh bản thân, chăm dưỡng cái cơ thể mỗi ngày một rệu rã, chỉnh chu hơn trong công việc, nối lại vài quan hệ. Đại loại là thế!

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

các món quà

(1) Quà cho sự kiện quan trọng của năm đối với bạn. Vừa vặn cho một cành đào hay mai nhỏ xinh xứ người.

Tôi mơ màng muốn tặng mình một cái lọ tương tự. Rồi nhớ tình trạng tài chính thảm thương của bản thân thì lặp lại công thức quen thuộc của những ngày này, dẹp!


(2) Sau 17 năm tôi gặp lại con nhóc sinh viên Việt Nam đầu tiên ở campus CC và giờ đã trở thành nữ phụ thành đạt.

Ba người ôm một nồi lẩu vừa vặn, cô phục vụ hẳn nhớ bản mặt tôi từ lần trước không chèo kéo mời mọc bất cứ món gì, gọi gì ghi nấy, thậm chí cái tiết mục vớt-vợt-múc bên bàn giúp khách cũng không phô trương như ở các bàn kế bên.

Đều đặn tôi lên cơn choáng ngợp trước sự giàu-có của người thiên hạ ở Hà Nội. Nhưng thực sự bên cái nồi bốc hơi thơm phức, tôi trở thành siêu-choáng-ngợp. Một Hà Nội new money sặc phong cách Dallas.

Điều tốt lành là chúng tôi vẫn có thể nói tiếng người-đồng-loại. Chào tạm biệt là những cái ôm ấm áp. Và cả một tầng hương ôm ấp đôi tay từ nhà hương tôi yêu thích. Tôi quen với la source chậm lì rì, giờ thử chút vị nồng ấm ngọt ngào như là một trải nghiệm vui vẻ đúng ngày đông-chí.


xoài dầm mắm và cá biển rán

Lúc đầu là một hai cái chậu và rổ nhỏ kèm một tấm bạt kê cho thớt làm cá. Cứ chiều đến thì góc tường của trạm y tế tiểu khu biến thành điểm bán hải sản di động.

Tôi nhìn bọn tôm cá, đám bọc mình trong chậu đá viên, đám chềnh ềnh khoe cơ thể trên mặt cái lồng che quạt cây, rồi lại cái miệng cống to đùng bên cạnh, chả còn chút hứng chí quan tâm nào.

Bà chủ làm ăn tốt, sau chừng nửa năm thì bán "bệt" thành bán "quầy". Quầy là cái ga-ra cũ trước có anh thuê của cơ quan làm điểm rửa xe sau chắc làm ăn không tốt thì chuyển thành điểm đặt các tủ đông hải sản của bà bán cá. Mà phải nói các bà bán cá mới đúng, hai nữ phụ, thi thoảng lại có thêm một ông ra lăng xăng phụ giúp.

Đầu chiều bán trước ga-ra, tối xuống thì lại là điểm góc của cái ngã tư trong tiểu khu, coi như là tiện lợi cho người đi kẻ lại.

Trước thi thoảng bày đặt rủ rê mọi người về làm bữa lớn, hải sản mua ở chợ Mỹ Đình, túi to túi bé sản phẩm xuất xứ Thanh Hóa, coi như bõ công chạy xe máy một chuyến. Giờ ít tụ tập, bữa tối đánh nhanh thắng gọn thì hóa ra bà bán cá cạnh trạm y tế phường lại là địa chỉ tốt.

Mấy tháng rồi, chúng tôi vui vẻ dạo chơi quầy cá: nhồng, mỡ, bơn, đù, rồi gì nữa tôi cũng chẳng nhớ.

Món cá rán có một thức kèm rất hạp và dễ làm: xoài chua dầm mắm cay kiểu Thái.

Xoài keo trái to hay nhỏ hơn và không tên không tuổi nhưng đảm bảo chua không kém, dùng cái nạo biến hóa thành các sợi đều tăm tắp. Xóc chúng với tỏi và ớt bằm, chút xíu đường, và quan trọng hơn cả là nước mắm cốt. Rau húng lá xanh vặt ngoài vườn một nắm nhỏ, rửa sạch ráo rồi thì thái rối, trộn bổ sung trước khi bày món ra mâm.

Cơm trắng, cá rán, xoài dầm. Thêm phần rau củ luộc bên cạnh. Thế là xong một bữa tối làm mau, ăn lành!

Tôi không mặn mà với hải sản vì vấn đề cơ địa của mình. Nhưng giờ chay không đặng, mà mặn thì loanh quanh nhiều khi chẳng biệt nhặt gì. Từ ngày có công thức cá-xoài này, xem ra thực đơn bữa tối có chút phần phong phú. Và giờ có đứa mơ màng, bao giờ kiếm được lọ mắm cá, mắm tôm Thái xịn, dầm một bữa xoài chua thật đã xem thể nào, nhể :-)

giá đồng

Giữa tuần trước tôi ngay ngắn ngồi hoàn thiện các đoạn dịch của một bài viết về cái đảng dân tộc to đùng hồi đầu thế kỷ trước, chợt nhận thấy đã lâu không còn cảm giác vui sướng đến run người khi có trong tay một cuốn sách hay một bài viết mất công mất của kiếm tìm trong cả một thời gian dài trước đó. Sự mệt mỏi hình lý và của cả tâm trí nữa, nó/chúng chiếm gần như trọn thời gian sống mỗi ngày của tôi.

Như là một cố gắng vớt vát bù trừ, tôi băt đầu đọc, đọc lại. Không thấy Styron yêu thích của mình thì quay sang Jamison, dày đặc hơn, dữ dội hơn. Vẫn như mọi khi, tôi đọc song song, đọc người viết và đọc chính bản thân mình. Cuộc đời của tôi nhạt hoách, những chuyện dở hơi tôi gặp phải hay tự mình là tác giả dài hàng dặm nhưng rốt cuộc có to thì chỉ là với bản thân tôi, còn lại là tầm phào trong mắt người thiên hạ. Tôi loay hoay định vị bản thân, bao biện mỗi khi hệ giá trị lỏng lẻo của mình xô lệch bên này bên nọ, tính tính toán toán mấy phần thiệt hơn khi phải đối mặt việc đưa ra một quyết định... để rồi rất dễ dàng đánh rụp một cái tự bảo, dẹp. Lần đọc này tôi không muốn làm kẻ dở dang nữa. Sẽ là một hành trình thủy chung, tôi nghĩ thế.

đá lai châu gặp đồng đại bái
Foucault cuối cùng cũng đã quay lại kệ sách. Lần này là một chuỗi bài giảng tưng bừng của năm 1979. Tôi cười hềnh hệch trước mớ thuật ngữ. Với một suy nghĩ sặc mùi xỏ xiên, cái này mà chuyển ngữ thì ra khối chuyện hay, kiểu chưa kịp thành một kẻ có vấn đề về tư tưởng [hệ] thì đã kịp mang nhãn mác bịa đặt vớ vẩn. Dù thế nào, cũng như đọc Styron, Jamison, với Foucault tôi cũng thực hiện phép đọc song song. Có chi khác thì là không phải đọc cái psy của mình, mà là hồi lại quá khứ ngồi lê mông từ phòng học này sang phòng khác ở phố Trần Xuân Soạn và sau đó là ngõ Hạ Hồi.

Và giữa các khoảng thời gian rỗng của ngày, tôi tiếp tục nghĩ về sự già-đi. Như một ám ảnh. Như một mời mọc. Như một thúc giục.

Thật kỳ lạ. Có rất nhiều điều là quan trọng trong nhiều năm trước giờ hóa ra lại gần như chẳng đáng một li lai suy nghĩ. Tôi không giống cô nghệ sĩ đóng bỉm "vứt mịa chúng sang bên" và chu du thiên hạ. Tôi cũng không "đào li" kiểu D sau khi partner qua đời.

Tôi vẫn cần phải sống cuộc sống của kẻ kiếm ăn, cần tiếp tục tiết giảm các nhu cầu và những sự chi tiêu, cần làm cho xong việc này việc khác. Rồi những bài tập của sự chung-sống cần được làm đi làm lại.

Và chút thả lỏng tâm trí, hồ đồ suy nghĩ, tại sao không :-)

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

garden state stomp

Tôi phàn nàn về việc loay hoay mãi không xong vụ sắp xếp thời gian sinh hoạt của hai người.

Bạn nghe bảo chuyện đó là bình thường. Rồi cho gợi ý. Rồi dặn dò, nhớ tối phải về "nhà [của] mình".

Tối nay về nhà, dọn tới dọn lui chút chút. À, hóa ra không tệ lắm cái sự in progress này! 




tạm biệt một món đồ

Món đồ nhỏ có một lịch sử chế tác dài lê thê.

Bác thợ già cứ dăm bữa lại có một ý tưởng mới. Đương sự thì lờ đà lờ đờ, cháu thế nào cũng được. Thêm thằng petit đều như vắt chanh cách nhật đôi ba tháng lại phọt ra trong đầu một ý tưởng điên khùng mới.

Ngày nhận đồ, tôi choáng ngợp. Và bất bình nữa, vì kích cỡ món đồ rõ ràng là dành cho kẻ khác.

Tôi có một đêm để quyết định giữ nó hay nhượng lại.

Lòng tham chiến thắng. Lại thêm bất ngờ từ người vốn luôn nhạo báng mấy thói hư vinh dzỏm dzít của tôi lần này lại không bày tỏ sự phản đối. Có chăng chỉ dặn đừng mang nó sang kia.

Tham lam giữ đồ. Rồi cũng tỉnh. Tôi thích nó, còn nó thì không thích hợp với tôi.

Có đứa dở hơi sung sướng với sự chuyển giao. Lại có đứa dở hơi rờ rờ mặt vòng bảo, tạm biệt nhé.

Như một sự an ủi rất tinh thần AQ, tôi tự nhủ, bớt đi một mẩu phù phiếm, bớt đi một mẩu tham luyến :-)

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

heureux qui comme ulysse

cafeine đầu sáng
Học chung-sống dễ nói nơi cửa miệng và/hoặc khi là chuyện của người thiên hạ. Còn học chung-sống khi là trải nghiệm trực tiếp, thường nhật, của chính bản thân như là một sự thực hành từng phút từng giây thì quả là không dễ chút nào.

Tôi thấy mình đuổi theo các dòng chảy cảm giác lẫn lộn, từ hưng phấn tới bế tắc. Cơ thể về mặt hình lý theo đó mà có phần mỏi mệt. Mỗi cuối ngày tự nhủ, mai sẽ tốt hơn. Nhưng đến cái "ngày mai" thần thánh thì hình như vẫn là bánh xe cũ đang quay.

Những ngày này, chủ đề chính của hầu hết mọi sự giao tiếp, mọi mẩu chuyện trò đều là vấn đề sức khỏe. Tôi hồi hộp với cái chân đầy lỗ thủng của mình, nhẫn nại tiết giảm cafeine, gặm cật lực bọn rau củ khi chúng ở trước mặt. Cân nặng vẫn ở nguyên đó, nhưng người xem ra có phần nhẹ nhõm thêm chút.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

bắc ninh 14.12.19

Vướng buổi trị liệu đầu sáng, quá 9 giờ chúng tôi mới trèo lên xe. Đã lường trước đường đông nhưng không ngờ cái mức độ tắc tịt ở trên đường trên cao và sau đó là trên cầu hướng ra đường 5 lại thảm đến vậy. Trên xe tất cả mặt mũi dài ngoẵng, mệt mỏi. Chỉ sang Sủi thì mới là màn thở phào nhẹ nhõm!

Tin tức về ô nhiễm ở Hà Nội hư hư thực thực, muốn nghĩ theo chiều nào cũng được. Tôi cứ nghiệm cái sự thở ra hít vào khó khăn của bản thân trên đường mà cảm nhận mức độ tệ hại của thời tiết, khí hậu. Thêm nữa, có màn tám vui trên xe là, hôm qua đến đài [truyền hình] trung ương còn phải nói về ô nhiễm thì đích thị là ô nhiễm [roài]. Chấm. Hết chuyện!

Ở nhà của Bố Mẹ trời không quá cao quá trong quá xanh. Nhưng tuyệt đối không có cái màn mờ mờ ảo ảo kiểu liêu trai chí dị như trong thành phố lúc nửa đầu buổi sáng. Và như mọi khi, chúng tôi thoải mái thở, đơn giản là thở, theo kiểu bản năng nhất, tự nhiên nhất.

Các cây đào được tuốt lá gần hai tuần trước, giờ đã chúm chím các nụ nhỏ. Ông cụ già mắt kém, cố sức tìm nụ hoa hứa hẹn bông hoa "bói" đầu tiên mà không ra. Tôi cũng ra sức nhìn ngó mà rốt cuộc chỉ thấy nụ nào cũng giống nụ nào, cành nào cũng giống cành nào, túm lại là hứa hẹn sẽ có một góc vườn tưng bừng sắc đào chào Tết.

Hoa hồng cây thấp có, cây leo dựa dẫm rào sát tường có, hoa khoe sắc phong phú đa dạng, từ có sắc vắng hương đến tươi thắm lại thoang thoảng dịu hương hồng cổ truyền cổ điển, coi như đủ cả.

Gần năm trước, có bố con ông kiếm cây cảnh qua nhà tán bà cụ già thế quái nào mà ra kết quả là được bà cụ gật đầu đánh rụp cho phép bứng cây mẫu đơn trắng to "đại cụ" đổi lấy 500 ngàn đồng tiền. Năm nay theo lời kể của Mẹ, ông bố nhà đó vẫn thi thoảng qua nhà, gạ gẫm hết mấy gốc mộc lại chuyển sang sói, ngâu, mẫu đơn đỏ. Tôi nghe chuyện cười ngất, hóa ra bọn cây cứ im ắng vậy mà lại đẻ ra đồng tiền.

Thành tích kiếm chác mang ra Hà Nội lần này rau cỏ thịt thà có, nhưng quan trọng nhất là mấy cái ghế gỗ nhà trẻ làng thanh lý. Trong đó có một cái mặt ghế dài nhỉnh nhỉnh hơn chút xin từ chị dâu họ. Chị bảo nhà có hai cái, cố tình chọn loại mặt ghế dài để bé con có thể ngồi. Con nhóc bị bệnh hiếm về xương, mấy năm trời dài đằng đẵng ở nguyên trong hình hài của đứa trẻ 5-6 tuổi, cuối cùng cũng được giải thoát. Mẹ nó bảo giữ một cái ghế làm kỷ niệm về con bé, một cái cho cô, tức là tôi.

Đường về nhà tôi nhắm tịt mắt từ đầu chí cuối. Biết là có tắc, có nghẽn nhưng chẳng mấy phiền đến thân. Bữa tối ngẫu hứng có món mực và cá mua của một cô chuyên đồ biển Nam Định. Hôm trước, tôi và TL khám phá cá mỡ, bữa nay nhân tán gẫu mấy câu với một bà mẹ trẻ mua hàng thì làm quen với bạn cá bơn. Thịt cá rán mềm, chưa quen tay dễ bị nát, không quá đậm đà vị mặn mòi của biển, thịt ngọt vui vui đầu lưỡi. Cá rán lấy hương là hành hương phi thơm. Còn thức chấm kèm là trái xoài xanh chua chun chun đầu mũi, được nạo sợi mỏng đều tăm tắp, xóc với chút mắm cốt, tý xíu tỏi và ớt bằm, sau thêm mấy lá húng xanh lấy từ vườn thái rối. Ăn vã cá chơi vậy, thích và ngon!

Ngày trước làm gì không hùng hục thì là lao xao. Giờ đi lại, ăn uống, nói năng cái gì cũng chậm. Nghĩ lại càng chậm hơn. Tôi tiếp tục nghĩ về sự già-đi và cái thách đố làm thế nào thích nghi với nó. Càng nghĩ lại càng thấy những lăng xăng từ thân tới tâm, tới trí xem ra đều là thừa thãi.



Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

đi đường ở hà nội

(1)

Mùa hè năm 1997 ở Paris, tôi trợn mắt nghe bà giáo trường Chula kể chuyện sáng sáng rời nhà sau 5 giờ chút chút cùng chồng là kỹ sư tin học để đi làm. Khi tôi hỏi tại sao [lại sớm vậy], câu trả lời nhận được là vấn đề độ chênh của hơn nửa giờ đồng hồ. Bà giáo và ông chồng chấp nhận đến sớm đến cả hai giờ còn hơn là rời nhà tầm 6 giờ để sau đó là bị kẹt cứng trên đường.

Câu chuyện đầy vẻ hoang đường đối với tôi năm đó giờ chẳng còn chút mùi vị gì của thứ có tên không-thể-tin-được. Mỗi tuần có một ngày đều như vắt chanh tôi rời nhà lúc năm rưỡi sáng để kịp bắt hai chuyến bus và có mặt vừa vặn đúng thời gian ở lớp học. Hà Nội của vài năm trước, vẫn là tuyến đường ấy, tôi thong dong chỉ mất đâu như một nửa thời gian của hành trình bây giờ.

(2)

Bữa rồi chạy xe máy từ Bưởi về nhà, đường Hoàng Quốc Việt chỗ quá tòa nhà viện hàn lâm một chút tôi thấy một ông SUV hùng hổ nhảy tót lên vỉa hè sau khi đã lê rê chừng vài chục mét từ đầu dốc ở sát mép vỉa hè, đánh bạt hết bọn xe hai bánh. Ông tưởng ông thông minh, đến quá chỗ cửa hàng bán quần áo Canifa to đùng thì ông tắc tịt. Tòa nhà đó có chỗ để xe bốn bánh phía trong vỉa hè, xe ông bên phải là xe đậu, trước mặt là cây thành phố trồng, còn mé trái lòng đường lúc này đương nhiên đặc kịt xe máy và ô tô rồi.

Mấy ngày sau kể chuyện này cho cô vợ của H., con bé tỉnh bơ, ở Hà Đông nhà em đầy, chuyện thường ngày. Ờ, hóa ra tôi ít ra ngoài tầm giờ đó nên mới ngỡ ngàng và [bị] choáng ngợp như vậy.

(3)

Mà còn nhiều chuyện nữa, lần đầu thấy lạ và phẫn nộ, lần sau thấy ngán, còn sang lần thứ ba thì thành chuyện hài nhảm trên đường kèm câu an ủi, thôi thì nhà mình nó là vậy.

Ô tô giờ có mốt vượt phải.

Ô tô ở trên cầu vượt vượt mặt xe khác ầm ầm.

Ô tô đang đi thẳng tắp đột nhiên quành đến roành một phát, và chỉ đúng vào lúc đấy mới thấy đèn báo hiệu rẽ nhấp nháy theo kiểu phải phép.

Ô tô đi từ tòa nhà chung cư cuối đường Bưởi, chỗ gần cái chợ, cứ thế nghênh ngang đi trái đường để ra đầu dốc cho mau, tạo nên cái màn ngoạn mục, thằng cha đang đi đúng chiều thì ra sức lùi, còn thằng cha con mẹ đi láo thì thản nhiên nhích tới.

Ô tô các bà mẹ trẻ thảnh thơi đứng im một chỗ xơi cả một phần ba lòng đường chờ bé con rời lớp.

(4)

Chuyện xe bốn bánh xấu xí nhiều không có nghĩa là bọn hai bánh, trong đó có tôi góp mặt, không láo toét.

Bọn nhóc cuối cấp [3], bọn sinh viên thừa năng lượng, các quý anh quý chị không xăm trổ thì thẩm mỹ công nghiệp hàng loạt, các quý bà sồn sồn trước và sau tiền mãn kinh váy xống xì-tin hơn cả bọn xì-tin, các quý ông bất lực giờ dồn chút năng lượng còn sót cho áo quần và giày nhảy để thể hiện bàn thân trong màn khiêu vũ ở quảng trường vào cuối chiều, đám bạn trẻ vừa rời trường đại học hăm hở con đường sự nghiệp nơi thành phố, các ông bà già nội và ngoại phờ phạc thực hiện nghĩa vụ đón cháu tan trường, những người đưa hàng lam lũ... tạo thành một biển người xe khổng lồ, trong đó nghiêm chỉnh xem ra khiêm tốn, còn lại là tinh thần rượt, vượt muôn năm.

(5)

Những năm trước, bạn phương xa ghé qua thành phố, tôi đóng vai xe ôm thường nghe lọt tai câu nhận xét, mày lạ, không dùng đến còi xe như những người khác.

Giờ, quan hệ xã hội của tôi thui chột, cái nhiệt tình "máu me" lang thang thui chột, hẹn hò gì thành trèo bus hay ngồi taxi đến thẳng điểm gặp mặt nên hiếm nghe câu bình nói trên.

Còn lại mình với mình trên cái xe máy của mình, phần lớn thời gian trên đường tôi hóa thành kẻ thô lỗ. Bao nhiêu hiền lành, im ắng, nho nhã tạo hình trong ngày bay biến hết.Từ lúc nào chẳng biết, tôi hóa thành chuyên gia chửi bậy, hung hăng gào thét ở trên đường.

Chuyện nực cười là đến cuối ngày, về nhà vẫn còn nguyên vẹn tấm thân, thở phào một cái "ờ mình vẫn sống sót" thì bắt đầu có màn tự vấn, tự kiểm. Long trọng hứa với bản thân, từ ngày mai sẽ an tĩnh hơn. Mà trong dạ thì biết tỏng, kiểu gì ngày mai ở trên đường sớm muộn cũng lại nhảy tưng tưng với lời tiêu cực.

Hà Nội là vậy đấy. Tôi tò mò muốn chết đi được về cái bọn người mở miệng là thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố hòa bình, thân thiện, với những người Hà Nội thanh lịch hào hoa... Thế giới đó, nó ở đâu nhỉ?

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

bắc ninh 23.11.2019

Thở sâu. Hít vào cật lực, như thể muốn làm căng và tung lá phổi.

Tựa hồ như chưa bao giờ tồn tại câu chuyện "bụi mịn" hay khói xe.

Yếu tố đô thị [hóa] và hiện đại [hóa] đương nhiên là vẫn luôn ở đó và ở đây, thậm chí có thể nói là mỗi ngày thêm đậm đà phong phú. Đường xưa hai bên trải ngút tầm mắt các mảng miếng ruộng lúa ruộng màu giờ đã nhấp nhô nhà ống với các chủ nhân ông hăm hở vai trò ông chủ bà chủ quán xá xập xình biển hiệu tên chữ nước ngoài. Ô bao tường xi măng ven đường với biển chỉ báo nơi tập kết và xử lý rác sinh hoạt phấp phới bay các túi nhựa, vỏ cốc nhựa trà sữa... Nhưng dù gì đi nữa, quê vẫn cứ là quê, chưa thành cái hộp chật hẹp đô thị nơi con người đến giờ cao điểm gần như là "giẫm đạp" lên nhau để nhích, tiến.

Tôi tiếp tục ngẫm nghĩ về sự già-đi, về các bài toán chăm sóc sức khỏe. Không phải vì sợ thứ mang tên cái-chết, mà vì muốn giảm thiểu đến mức tốt nhất có thể cái món có tên phiền nhiễu khi phải lê lết một tấm thân mỏi mệt của kẻ thị dân.

Làm nông dân nửa-vời vui vui tý ở một nơi xa xa thành phố, xem ra chẳng phải là ý tệ :-)


cà chua muộn
bưởi trái nhỏ nhưng ngon
trời quê là thế này

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

both sides now

bãi cỏ - trạng thái 1
(1)

D và partner quá cố có một truyền thống đi vào rừng sống vài tuần mỗi năm. Tôi nghe hai ông anh nói về ngôi nhà nhỏ, về các cánh rừng, về các con lạch, về thú vui câu cá thì ít mà ngắm mặt nước thì nhiều, về sự giải phóng khỏi những ồn ào của thế giới con người và bê-tông đô thị, tất thảy giống như một sự xa xỉ xa lạ, mà tôi hẳn không bao giờ có cơ hội với chạm. Giờ thì theo phép sắp đặt của số phận, tôi thấy mình ở một nơi chốn có ít nhiều nét tương đồng.

bãi cỏ - trạng thái 2
Tôi kể chuyện này cho bạn đồng hành và kết luận, cuối cùng thì tôi đã biết cách yêu ngôi nhà trong rừng, cuối cùng thì tôi cũng hiểu thêm chút chút về giá trị của sự tĩnh lặng, cuối cùng thì tôi cũng có một nhận thức thế nào là sống cạnh và sống trong thiên nhiên - một cách đích thực, không phải là với rườm rà những tụng ca sặc mùi thi vị một chiều mà là có đủ hài hòa dễ chịu không thể tả bằng lời lẫn những chịu đựng các biểu tỏ bất đồng của thời tiết trong thời gian của ngày cùng vô vàn vết cắn đốt không lường trước từ đám côn trùng đủ giống loại kích cỡ.

(2)

Tôi nghe một Van Ronk đâu đó cuối những năm 60 của thế kỷ trước, vô cùng khẽ, vô cùng dịu dàng, khác xa cái ông Van Ronk giọng khàn khàn trầm đục và có chút phần thô lỗ quen tai. Joni Mitchell phiên bản gốc vốn dĩ đã đẹp. Nhưng như một cú chạm gây tỉnh thức đối với tôi, không phải ai khác mà chính là Van Ronk.

(3)

Sáng cuối tuần dậy trễ sau một đêm trằn trọc vì đau, ngó biển sóng nước xanh thẳm lóng lánh sắc vàng sắc bạc nhờ ánh mặt trời, nhâm nhi cốc cafe đầu tiên của ngày, chẳng hiểu có phải do tác động của việc đọc cuốn sách nhỏ mấy hôm rồi trong rừng hay không thì tôi nhớ tới BB và lời tâm sự kiểu thú tội về chiến tích đi nhà thổ sau thành công của một dự án nghiên cứu đa quốc gia.

Ở ngoài hiên Âu Lạc cuối bữa tối hôm đó, tôi đã sốc khi nghe chuyện. Không phải bởi câu chuyện, người kể chuyện kiêm nhân vật của chuyện kể. Mà bởi tích tắc đánh dấu sự gần gũi giữa hai con người. Rất mau tôi vứt ra sau gáy cả sự kiện nhỏ này lẫn cảm xúc về nó. Quan hệ của chúng tôi theo thời gian và theo các đứt đoạn địa lý dần dần nhạt đi. Hôm nay nhớ lại chuyện, tôi cảm nhận thêm chút về những bối rối, khó chịu, của cả đàn ông và đàn bà, khi kinh qua các trải nghiệm lớn nhỏ của yêu ghét và thân mật cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tôi không coi chủ đề này là một kiêng kị. Kiểu như vài cô trưng vẻ mặt úi em đây gái nhà lành ai lại nói cái chuyện này nhưng dối chồng đi nghỉ với giai cứ đến giờ nhất định thì lôi thêm con bạn cùng một phường vào nằm chung giường zalo/viber kể chồng nghe về chuyến đi. Hay kiểu mấy chú quan nhỏ nhưng đích thực xứng danh vua đạo đức giả, tụt quần chơi gái và ngủ rông bét nhè nhưng mở miệng thì luôn là tổ quốc lâm nguy [về mặt đạo đức xã hội] và chúng ta phải tức thì hành động. Nhưng đúng là trong một thời gian dài, cùng với chủ đề tôn giáo và giới, về căn bản tôi tránh không động chạm nó. Giờ sang tuổi của ông già Otto ranh mãnh, ừ nghĩ chút cũng chẳng sao.

(4)

Tối thứ Bảy là ngày ông lão Jimmy - tượng đài sống của Dutch Tavern đi quán nốc bia một trận bét nhè sau cả tuần kiêng khem theo lệnh của bác sĩ. Tôi ăn bậy bạ suốt đường về nhà, bụng trương phềnh nên chẳng buồn màng bữa tối nữa thì quay sang tán tỉnh bạn đường, mình đi gặp Jimmy đi.

Ông già không xuất hiện. Đứng quầy bar là một cô nghệ sĩ không ra nghệ sĩ, nói là gái hư tán trai thì xem ra hơi quá nhưng năng lực flirt đám khách đàn ông nghèo kiết xác nhưng giàu có vô nhường về sức sáng tạo nghệ thuật đang chờ được công nhận thì đúng là dư sức gây ấn tượng. Ngồi ôm quầy có ông già tôi quên tên, người gốc carribean, sau vài chục năm lịch sử sống tưng bừng phê thuốc giờ vẫn ở trong cơn high kéo dài, loay hoay mở cái túi đen to đùng chuyên đựng rác và lôi ra khoe cô bartender các họa phẩm nho nhỏ chẳng hiểu của ông hay ông vừa kiếm được. Lại có một ông lão chủ tiệm sửa và làm mới nhạc cụ ở trung tâm thành phố nửa đầu trước lơ thơ vài cọng tóc còn sau gáy lại phất phơ một lọn dài như đuôi mũ của mấy bác công công triều Thanh, một tay bia một tay vê thuốc.

Tôi rất ấn tượng về ông từ cách đây mấy tháng sau khi ngắm nhìn và nghe ông kể chuyện về cây dương cầm cổ - fortepiano nằm trong tiệm của ông chờ phục chế. Ông nhà giàu mới nổi từ New Jersey chủ nhân ông mới của cây đàn được chế tác ở London cuối thế kỷ 18 đòi ông nghệ nhân cạo sạch lớp phủ gốc cùng dấu vết của rượu và xì gà trước khi đánh lớp véc-ni mới sáng choang. Ông nghệ nhân phải ra sức giải thích cùng thuyết phục mới làm ông kia đồng ý để nguyên trạng cái sự lem nhem của cây đàn.

Chương hồi phục chế dương cầm cổ xem ra đã kết thúc. Lần này chuyện kể của ông nghệ nhân là sáu tháng thời gian thiết kế và chế tác một cây dương cầm 17 notes cho một ông nghiên cứu sinh tính tính siêu quái dị và giàu đến mức tiền đè lên người ở MIT. Ông lão bảo chuyện này vui, vì cái ông điên điên sắp trở thành học giả kia ra đầu bài, còn lại lão nghệ nhân muốn tự tác thế nào cũng được.

(5)

Từ chuyện của ông nghệ nhân chuyên nhạc cụ thì thòi ra việc vợ góa của ông tổ sư cộng đồng nghệ sĩ tự do lúc nhúc như gà con trong cái thành phố chỉ có hơn hai vạn dân này đang đi tìm người phù hợp để chuyển giao hệ thống dụng cụ chế tác đồ mộc của ông quá cố.

Nghệ sĩ mới ngày nay chuyên vẽ tranh khối to tướng hay làm mấy món sắp đặt mà kẻ phàm như tôi nhìn xong thì trăm phần trăm là tám bậy sai bét nhè cái ý tứ gốc ban đầu của người sáng tạo. Đồ làm mộc đòi hỏi nhẫn nại kiên cường lại có chút quá mốt nên bà già tìm người mãi không xong.

Nghe chuyện này lập tức có kẻ mắt sáng như đèn pha ô tô, mơ mơ màng màng tính toán, tao sẽ gọi điện cho bà ý. Nhà ở trong rừng tầng hầm rộng thênh thang tha hồ mà chế tác. Nói rồi thì lại lo lắng, chẳng biết bà ý có đồng ý cho di chuyển đồ ra khỏi thành phố không.

(6)

Rời quán rượu, bao tử réo rắt, tôi đòi đi quán của Jenny.

Ngồi bàn xong thì có màn dõng dạc với bà chủ, hôm nay tao ốm nên cần bát canh/súp thật nóng, thật nhiều rau. Bà chủ quyết định ngay tắp lự, tao làm cho mày bát vằn thắn không mỳ với phần rau bổ sung, đảm bảo mày hài lòng.

Đích thực tôi có bát vằn thắn khác thường ngon nhất trần đời với đủ cải bông, đậu dẹt, cà rốt xanh xanh đỏ đỏ ngập bát. Ăn xong tỉnh cả người thì có dư sức tám với bà chủ.

Jenny bảo thấy mắt mỏi thì đi bác sĩ, được phán phải phẫu thuật ngay chứ không chờ về Bangkok chữa trị cho rẻ theo như kế hoạch được lên lúc ban đầu được nữa. Tôi hỏi có phải dùng thêm thuốc gì không. Trả lời bác sĩ bảo có nhưng cả đời tao không bao giờ dùng thuốc. Tôi lại hỏi là do thói quen hay đức tin [tôn giáo]. Trả lời cả hai.

Tôi nghe kể không ít chuyện nho nhỏ về sự trọng hình thức của người Thái, kiểu đám cưới sẽ có màn đọc to lý lịch của cô dâu và chú rể tốt nghiệp trường [danh tiếng] nào, bằng cấp [cao] đến đâu. Ở đây tôi biết một Jenny bà chủ quán Thái làm việc cật lực từ chạy bàn tới đứng bếp song ra khỏi quán lái Maserati đi ăn sáng hay uống rượu tối ở Mohegan Sun, sở hữu thêm hai chiếc BMW cùng Mercedes phần lớn thời gian bị bỏ mốc và giờ đang mơ màng chờ Audi ra màu xe mới vàng-đỏ đặc Tạng thì sẽ tự tặng mình quà 2020.

(7)

Tôi hết tuổi phấn khích ra mặt khi nhìn và nghe người lạ chuyện lạ khác với thế giới quen thuộc của mình. Nhưng chút hiếu kỳ và thích thú thì vẫn luôn ở đâu đó. Tựa như tôi đang được xem một tấn kịch đời dài bất tận và ở trạng thái trực tiếp.

Không còn tuổi mạnh mồm lếu láo đánh giá nhận định này nọ. Đơn giản nhìn, nghe, và thích thì nghĩ chút chút.

(8)

Quá trình già-đi bên cạnh cả một mớ to tướng những khó chịu của nó thực cũng/vẫn có thể được coi là tích cực hay/và vui vẻ nếu chúng ta muốn. Kiểu như, giờ tôi có thể ngồi ngập trong một đống đồ chờ xếp mà ngâm nga, đâu có thể là khác biệt giữa đọc Detlef Pollack và Eileen Yuk-ha Tsang. Câu trả lời, cả hai đều phi thường nghiêm túc, cả hai đều [có thể] sặc mùi giải trí theo một cách rất đời!

Both Sides, Now - Tại sao không!

berry pond - trên đỉnh núi đối diện

trang trại nhà brown

Tôi vốn ghét tiếp xúc với con người, gặp cơ hội có thể tránh chào hỏi hay tám chuyện là triệt để tận dụng. Nhưng làm vậy thực là rất ngốc. Không chỉ là thêm phần tự bế, tự khiến mình ở trong hoàn cảnh tự cô lập bản thân mà còn làm rối một cách không cần thiết cái chuẩn xã hội ở trong tiểu-thế giới hàng xóm láng giềng.

Nhà ở trong rừng sau gần một tháng giống một cái đại công trường giờ đã được lắp đặt từ rào lan can mới theo đúng luật của tiểu bang và quy định của bảo hiểm tới mấy cái ụ nóng-lạnh to đùng giúp người sống bên trong có thể sống sót qua mùa đông trong khi lò sưởi đốt gỗ vẫn ở trong tình trạng chờ ông thợ xếp được lịch trống đầu năm sau. Chủ nhà hoan hoan hỉ hỉ đi tới đi lui ngó nghiêng thành tựu chán thì xuống núi mua đồ đãi khách hàng xóm xuống thăm nhà mới.

quà nhà mới [sửa] - có hũ kem hemp 
Rượu mang từ nhà ở biển cho người lớn, nước táo ép tươi làm từ trang trại trong vùng cho trẻ con, phô-mai được gọi tên rất oách camembert và dán nhãn local produce, ăn rất được nhưng thực chẳng giống cụ tổ Pháp quốc là mấy, một hộp crackers công nghiệp để ăn kèm phô-mai và một hộp bánh quy giòn đặc sản từ nhà bánh thủ công nổi tiếng ở New York, thế là đủ đãi khách.

Cái bàn gấp truyền mấy đời cọt cà cọt kẹt, mặt bàn tùy theo lớp gỗ ghép trồi lên thụt xuống, dao dĩa cắt trạt phô-mai là đồ giữ lại của căn bếp cũ trông như thể đồ nhón trộm từ một tiệm diner xập xệ ven đường cái nào đó. Khách đến đủ cả một nhà ba thế hệ, bà nội gần 90 tuổi nhưng trẻ trung như một bà vừa đáo tuổi hưu 65, ông con kiến trúc sư lất pha lất phất như tay nghệ sĩ nửa mùa, con dâu vóc dáng scandinavian phiên bản thanh nhã tổng hợp các nét cả hippie lẫn yuppie hậu hiện đại, nhóc Roe hơn mười tuổi mũm mĩm, nhìn mãi không ra là gái hay trai. Khách lẫn chủ ngồi xung quanh cái bàn không ngừng gây ra tiếng động, uống, ăn và trò chuyện vô cùng hài hòa.

Tôi nghe kể chuyện về lịch sử mua đất dựng nhà của hàng xóm. Ông chồng quá cố của bà già sau khi rời vị trí CEO của cái tập đoàn chuyên cung cấp tên lửa cho quân đội quyết định về nông thôn sống. Ý định ban đầu là mua cái nhà có sẵn với một mảnh rừng ở xứ Berkshire vốn là nơi chôn rau cắt rốn của ông và là quê cha đất tổ của bà. Gặp đúng ngày đầu tiên miếng đất trên đỉnh núi được rao bán, ông có quyết định tức thì mua rồi tự cất nhà. Bà bảo chờ một đêm nghĩ thêm chút. Đại lý bất động sản hết choáng thì bày cách đòi hạ giá miếng đất vốn chỉ còn nền đá móng của một ngôi nhà cũ từ hơn trăm năm trước. Bà già kể lại chuyện, nói cả đời ông [chồng bà] làm ăn cân nhắc chỉn chu, chỉ có đúng một lần đi trệch khỏi đường ray lý trí của mình thì chính là trong chuyện mua đất làm nhà này.

Khế ước được lập, trở thành chủ nhân ông của miếng đất và ngôi nhà tương lai, ông ngâm cứu hồ sơ giấy tờ lịch sử bất động sản mới tậu thì phát hiện, hóa ra đây chính là trang trại nhà Brown - cụ cố tổ mà mấy chục năm nay ông vẫn không ngừng tìm kiếm định vị.

Ông Brown của hơn một thế kỷ rưỡi về trước nuôi ong, nuôi rắn, làm sáp đặc trị rồi cùng con gái rong ruổi bán khắp vùng và nổi danh với sản phẩm của mình. Giờ con cháu xa tít tắp mấy đời của ông ong có ong, không có rắn nhưng vẫn làm ra sản phẩm sáp bôi từ hemp chuyên trị đủ món đau nhức và vết côn trùng cắn.

Nhà hàng xóm kể xong câu chuyện, kết luận, chắc là có thông linh, ông cố gọi về mua giữ đất tổ. Tôi nghe chuyện nghĩ đến nhà Vương Long của Pearl Buck. Không hẳn giống nhau, nhưng cái dây nối vô hình này, từ Đông sang Tây, đố ai dám chắc không có.

Khách huyên náo nửa ngày, cái bản mặt cau có rầu rầu của tôi xem ra trở nên nhuận sắc. Tôi thấy mình giống như vừa cậy bớt thành công một viên gạch từ bức tường tự bế. Giao tiếp xã hội thay vì chỉ là một sức ép, bỗng hóa thành một kênh dẫn quan hệ người-người đảm bảo độ tương kính nhưng cũng không thiếu chút sắc màu ấm áp nồng hậu.

ba hạt cơm thừa hay chuyện sống nhạt ăn lạt

Gần đây, cái đầu nhảm của tôi thi thoảng mơ mơ hồ hồ dừng lại ở chủ đề sống nhạt ăn lạt.

Khi những tín hiệu thông báo sự bạc nhược của cơ thể không còn là thoảng qua nữa mà mỗi ngày một trở nên rõ ràng, khi những cơn đau bắt đầu đủ dài về thời gian và đủ sâu về mức [gây] tổn hại, mối quan hệ giữa bộ não và cái bao tử thay vì hời hợt kiểu mày và tao chẳng có gì liên quan [với nhau] hoặc không lại là hảo hảo bằng hữu cùng hăng say tấn công đĩa bát thức ăn trước mặt đột nhiên chuyển thành kìm chế và tranh chấp [lẫn/với nhau].

Tôi lắm lời, giỏi lảm nhảm mấy cái đích hướng sống đạm ăn thanh nhưng trước đồ ăn thì lập tức thòi ra thói giả dối của bản thân. Nói chính xác hơn, trong cùng cái tôi được giải phẫu, phần cái tôi lý trí-não bộ có tính toán cân nhắc thiệt hơn vì lý do sức khỏe và hạnh phúc của cá nhân với cái tôi-dạ dày vô kỷ luật, không kiềm chế nổi dục vọng trước những hương, sắc, vị của thứ có tên thực phẩm, trong phần lớn trường hợp cái sau luôn thắng thế cái trước.

Thêm một lý do giải thích cho sự phóng túng của tay gắp thức ăn là tính ki-bo ăn sâu trong máu. Tôi tiếc của [giời]: mấy cọng rau dư từ đĩa làm món cuốn bữa trước, mấy trái squash to đùng ngã ngửa quà của ông cha hàng xóm mà tôi không biết làm món gì, nửa trái cà chua dư từ phần ăn sáng của ai đó, một lát đầu mẩu bánh mỳ đen bị bỏ lơ trong túi... Kết quả của cái sự cố mà ăn cho hết là một màn nhồi, tọng thứ tôi vốn dĩ không mấy chuộng. Tôi thấy mình chẳng khác nào bọn gà vịt ngoài chợ đang bị hành hạ bởi ông bà chủ quầy gia cầm bất lương. Vấn đề ở đây là tự tôi hành tôi. Chẳng có nạn nhân miễn cưỡng tội nghiệp nào cả.

Tôi nhớ chuyện Bà Nội ngày trước có lần nói về đồ [ăn] thừa. Thừa ở đây chẳng mấy to tát, trong hoàn cảnh nghèo khó lịch sử kéo dài mà tôi lúc nhỏ có vinh dự thưởng thức với sự vô tư của con trẻ, đơn giản chỉ là cái nồi, thường là nồi gang hay nồi nhôm, và thường là đen đúa sứt mẻ vì ám bụi than củi và cũng vì dùng quá lâu thì đã trở nên cũ mèm, còn sót vài hạt cơm cháy dính chặt lớp đáy sau một hồi ngâm nước thì tả ra lăn lóc. Mấy hạt cơm thừa đó, theo lời của Bà, có thể được kể thành hai câu chuyện. Phiên bản thứ nhất là sự chê trách nhằm vào kẻ ngồi đầu mâm phụ trách cái nồi cơm và/hoặc kẻ ăn cuối bữa có nhiệm vụ dọn rửa mâm bát đã lãng phí lương thực. Còn phiên bản thứ hai là, ăn xong bữa để dư vài hạt cơm cho mấy con kiến chi chi - tôi quên từ chính xác Bà nói lúc đó - là một việc, một lẽ đáng làm.

Thời điểm nghe chuyện này, tôi chỉ là một con nhóc sinh viên năm nhất năm hai lông ba lông bông và nghĩ ngắn choẻn. Ăn cơm là ăn cơm. Xong bữa bê mâm bát ra sân, bắc cái ghế thấp ngồi khua khoắng rửa bát, vo đũa, cọ nồi... nhìn nước chảy qua mép cống nhỏ lâu ngày phần gạch đỏ đã bị mài trở nên láng trong khi mép vữa trên lại phủ một lớp rêu xanh rì, nhìn mấy con kiến kềnh càng mang vác chiến tích là đôi ba hạt cơm nở bung, chuyện chính xác là vậy, đâu phải nghĩ ngợi ngược xuôi gì nào là lãng phí, nào là phải đạo [con] người - vật [tự nhiên].

Tôi của ngày hôm nay tiếc của giời, cố gắng giải quyết mấy món đồ thừa trong tủ lạnh. Kết quả ôm cái bụng lâm râm đau tức. Tự trách mình ngu đến lần thứ n xong, nghĩ đến chuyện ba hạt cơm thừa của Bà Nội xong, thì đột nhiên [tỉnh] ngộ.

táo ở trên cây, táo rơi xuống đất
Phần thực phẩm tự mình mua tự mình nấu thì cũng là tự mình phải biết tiết chế, mua đúng cữ cần, nấu và ăn theo tinh thần lưng lửng, chỉ đáp ứng hai phần ba cái dạ [dày]. Mấy cọng xà lách romaine hay nửa trái cà chua cứ người này ép người kia xử lý mãi không xong thì đơn giản là cho ra thùng ủ ở vườn sau nhà. Rau củ ông cha cho, chịu khó tìm hiểu mần món mới. Còn bần cùng bất đắc dĩ, ngó nghiêng mãi không ra giải pháp thì có thể long trọng trả lại chúng cho Mẹ Thiên nhiên và sau tìm lời uyển chuyển nói với ông, nếu được thì cho cà chua hay ớt chứ đừng bí ngồi cỡ đại. Trong trường hợp tệ nhất, mạnh tay bỏ đi một lần, tự sỉ vả mình một trận ra trò cũng có thể coi là điều tốt, xét ở chỗ có một cảnh báo để lần sau không lặp lại sai lầm mua quá, nấu quá, ăn quá.

Tôi vác hai trái bí nặng trĩu tay đi xuôi xuống mép rừng bao ngôi nhà ở Massachusetts, vuốt ve lớp vỏ cứng láng mịn của chúng, thì thầm tao cám ơn chúng mày nhá, nhưng giờ để chúng mày lại đây với đất với trời. Đường quay lại nhà, hì hục leo dốc xong thì dừng lại ngó cây táo ở gần lối xe chạy vào nhà giờ quả trên cành trĩu chịt, dưới đất quả rơi rụng phủ thảm đỏ rực rõ, thấy mình như được giải phóng.

Chuyện sống nhạt ăn lạt bắt đầu mơ hồ, giờ thì rõ hơn một chút như vậy đó.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

cá sardine nướng - vị sả nghệ

Quầy đồ biển ở Good Fortune chủng loại phong phú, nhìn rất bắt mắt. Tôi thấy chậu cá ghi biển sardine lơ ma lơ mơ tưởng nhìn nhầm. Từ trước đến giờ, đối với tôi, cá sardine là cái con be bé chứ không phải là con dài già gang tay và thân ngang bằng hai hay ba ngón tay chụm lại.

sardine ướp sả nghệ - chờ nướng
Tôi tò mò kêu đóng túi hai con mang về với ý định làm món nướng. Ý tưởng chạy tới chạy lui
đủ mọi chương hồi. Nào là nướng thuần, nào là ướp tương miso, rồi loanh quanh cuối cùng là phiên bản ướp sả và nghệ giống như món cá mòi thi thoảng vẫn được Mẹ và TL cho đánh chén.

Cá làm sạch. Sả + hành hương + bột muối tỏi + ớt bột cayenne cho vào cối giã quyện, sau trộn tiếp với bột nghệ. Hỗn hợp đó ướp mặt ngoài mặt trong của cá, lần này là qua đêm. 

Cá qua lửa thịt mềm, ngọt thơm gia vị ướp. Phần xương cứng sống thân đã bị bỏ đi, chỉ còn bọn xương dăm gặp nhiệt hóa thành mềm oặt, có thể ung dung xơi cả miếng cá nướng sém vàng nâu mà chẳng sợ nhọc nhằn cái tiết mục gắp xương hóc.

Không có kẹp nướng bún chả quen thuộc nên không có tiết mục bày cả thân cá hơ lửa. Mấy cái kẹp cho kiểu bếp nướng xứ này thì quá to nên bữa Tag Sales tôi cho đi hết, giờ có muốn vời tới cũng không thể. Loanh quanh tính tính toán toán, cuối cùng là xài cái xiên nướng. Có chút bất tiện là không thể chạy qua lửa cùng lúc cả một mặt nửa con cá. Nhưng cà ràm một mình, tay kiên nhẫn xoay cái xiên giữ miếng cá nhỏ cho tới lúc cá chín được gỡ ra đĩa, thổi phù phù bớt nóng rồi cho chui tọt vào miệng, thực là khoái chí.

Bạn đánh chén nếm thử một miếng cá nướng, khen ngon rồi hỏi đây là cá gì. Nghe xong cái tên, ông phán tôi nhầm. Hóa ra chẳng phải chỉ có tôi rập khuôn trong đầu sardine là con cá nhỉnh hơn đầu ngón tay chút chút.

một công thức xào ốc hương - với tỏi tây nhỏ

Có một tình huống hài hước thường xuất hiện khi tôi cần gọi tên - chính xác, nói thế đi - một món rau củ quả nào đấy.

Tỏi tây, bình thường đi chợ tiểu khu, và cũng là bình thường từ trước đến nay với hiểu biết bếp núc của tôi, là để chỉ cái giống thân lá to chừng đốt ngón tay, dài hơn hành xanh một chút. Tỏi tây hay cặp đôi với cần tây - chuyện về cần tây cũng hay ho chẳng kém tỏi tây nhưng là để nói sau. Mỗi lần dừng xe trước sạp rau, kêu mấy cây cần tây thì gần như chắc chắn bà bán rau có cái mặt rầu rầu sẽ tự tiện với thêm vài cây tỏi tây mà phán, xào bò chứ gì, đã cần [thì ắt] phải có tỏi. Hoặc ngược lại, muốn mua tỏi tây về xay làm sauce ướp món nướng kiểu Hàn, vô duyên vô cớ lại thấy trong túi đi chợ có mấy cây cần tây.

Vài năm gần đây, ngoài chợ tiểu khu thì có thêm thói quen chạy sang siêu thị. Quầy quệ sáng choang, rau củ quả lấp lánh "sexy" mời chào, không giống thứ bày ở mấy sạp lem nhem trong chợ truyền thống. Cái nhãn tỏi tây để liền với tất nhiên là tỏi tây rồi, nhưng là cái giống to đoành, nhỉnh hơn cả bắp chân bé con vài tháng tuổi. Thi thoảng ăn món nướng ngoài, tôi thấy mấy khoanh tỏi sém, ăn vui vui, nhưng không đến nỗi thích phải đắm đuối rồi đi tìm.

Chợ tàu, cạnh nhãn leek loằng ngoằng chữ ô vuông. Tôi mù chữ nên mau bỏ qua. Quay lại leek, một bạn là leek, một bạn là chinese leek. Tôi nhớ mang máng lá hẹ cũng được gọi là chinese leek. Mà lá hẹ với tỏi tây (nhỏ) thì đâu có cùng một nhà. Giời ạ!

Tạm gọi tỏi tây trong món ốc hương xào lần này là tỏi tây nhỏ vậy :-)

- 1 cây tỏi tây nhỏ lấy phần thân trắng và lấn sang chút xíu phần lá xanh, thái khúc dài 3-4cm, chẻ bốn
- gừng một miếng nhỏ cỡ đốt trên của ngón tay út thái sợi mịn
- 2 tép tỏi bằm
- 1 củ hành hương nhỏ bằm
- ốc hương một mớ chừng đầy bát tô ăn phở truyền thống đã làm sạch
- xì dầu và dầu hào theo tỷ lệ 3-1

Nguyên liệu là vậy, đến tiết mục nấu rất mau và đơn giản. Chảo để lửa to láng chút dầu phi thơm hỗn hợp tỏi tây + gừng + tỏi + hành hương, chừng dậy thơm thì cho dầu hào vào đảo mau vài giây. Tiếp tục cho ốc vào xào, chuẩn bị bắc bếp thì rưới phần xì dầu. 

Annie hướng dẫn xào ốc chỉ cần 4-5 phút. Tôi nghĩ là tùy loại ốc, tùy lượng nhiệt và cả cái loại chảo chúng ta dùng. Lần này phóng tay thời gian 6-7 phút, xem ra có chút hơi quá. May mà cuối cùng thịt ốc vẫn chưa đến mức quá khô.

Ốc xào với hỗn hợp gia vị này đối với tôi có chút phần đậm đà thái quá, có lẽ do cái sự kết hợp gia vị gặp dầu ăn và dầu hào. Tôi vừa mút cái phần nước sauce chạy vòng quanh thân ốc vừa tự nhủ, mình đúng là ngu, ăn thế này thì béo là phải. Xong cái màn cà ràm tức thời thì thành tự dziễu, mình đúng là nhảm. Tự dưng nhớ bát ốc hấp có vị của sả, chanh, gừng, đơn thuần hơn và cũng nhẹ nhõm hơn. 

Nói là vậy. Điểm chính yếu là tôi chưa bao giờ là fan cuồng của các thể loại ốc. Thi thoảng cao hứng mần mần nghịch nghịch chút vui vui gọi là thì cũng được. Đại loại thế!

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

cơm rang leftovers - cơm gà vị cumin và pulled pork

lundberg black japonica rice - curry - olive oil - pulled pork (+)
Món cơm gà vị cumin và dầu olive nấu từ gạo Lundberg black japonica rice nấu nhiều còn dư đóng hộp cho bữa sau thì được phù phép thành món cơm rang với pulled pork dư từ bữa tối hôm trước - một trong những món tủ của ông chủ Bayou.

Điểm xuyết sắc xanh (thực ra là chìm ngỉm trong món) có cọng hành tươi xắt nhỏ.

Bạn đánh chén hạn chế chất bột, gần như là không ăn, lần này ngó phần cơm của tôi tò mò hỏi là gì. Tôi mời nếm thử, lát sau ông vui vẻ chìa cái đĩa xin thêm một sêu cơm.

Cơm nấu-hấp trộn gốc vị cumin đậm đà. Đến khi hóa thành món cơm rang leftovers, không rõ là do hành lá hay pulled pork mà cumin chỉ còn thoang thoảng. Tôi hỏi bạn ăn bình thường gạo đen này nấu cơm thế nào, ông bảo, cơm xoài. Nghe có chút ngồ ngộ, có lẽ vì tôi chỉ có duy nhất một lần chén cơm xoài của bà bác dễ mến giờ tôi quên tiệt tên - một phụ nữ Ấn đến từ Pondichéry - trong căn bếp nhỏ của cái thư viện to đùng trên đại lộ Wilson, mà hạt gạo nấu cơm này là gạo trắng và mềm hơn nhiều so với bạn gạo đen Lundberg trong bếp nhà. 

cháo thị nở - cháo xôi trắng - cháo cơm nguội basmati

* Note tháng 9/2019: note nhảm này bị để mốc trong hộp draft giờ được cho ra hít thở khí trời với thêm chút nhảm kéo dài. Cũng giờ nhìn lại kinh nghiệm nấu cháo, phát hiện hóa ra mình đã trở thành chuyên gia hóa phép từ cơm/xôi nếp thành nồi cháo trắng sánh đặc nền tảng cho các biến thể cháo này cháo nọ tiếp theo như thế nào.

Em họ LN về Bắc Ninh chơi, được chiêu đãi bữa cháo gà. Nó bảo ngon, và thắc mắc bình thường ra xứ Bắc nếu ăn cháo thấy cứ đặc đặc, sao bác gái lại nấu giống ở miền Nam. Lúc đó tôi nhớ ra vài chuyện, đúng là tùy nhà tùy người, có không phải một lần tôi qua chỗ ai đó thì được cho ăn cháo nhà nấu, đích thực là quanh quánh, sền sệt thật.

Nấu cháo tùy đích, tùy hoàn cảnh, nói chung có vô thiên lủng kiểu cách nấu và ăn. Cháo dưỡng sinh nhấn mạnh vào các loại cốc/hạt. Cháo nấu kèm thịt thà cá mú chi chi thì lại tùy cái món đi cùng mà cháo trước, thức ăn sau và ninh căn giờ, tùy chỉnh lửa to lửa nhỏ thế nào. Cháo gạo thuần có người khăng khăng phải là tám này, lài nọ, lại có kẻ xùy một cái, lắm chuyện bày đặt, cứ gạo vo một nắm, để ráo, cẩn thận rang qua rồi ninh là xong chứ gì. Rồi nữa, vẫn cháo gạo, tẻ không hay phải có chút nếp. Lại nữa là họ hàng với cháo dưỡng sinh chuẩn mực thì là đủ loại cháo rau củ quả, cứ coi như tùy vào mỗi hạng mục rau củ thì lại là một kiểu nấu và một lối ăn riêng.

Thái độ, tâm trạng, tình cảm, diễn giải xung quanh nồi cháo, bát cháo cũng vô cùng phong phú đa dạng. Cháo một nồi cả nhà đông đảo cùng xơi nóng liền một bữa khác với cháo nồi to có người trước ăn ý tứ canh phần cho kẻ về trễ chia thành bữa trước bữa sau. Cháo Thị Nở độc hành [hoa] làm cho Chí Phèo dư sức tạo nên cái màu thi vị của tam giác bộ đôi nàng-chàng cùng bát cháo và cũng gây ấn tượng chẳng kém gì ếp-phê đem lại của tam giác hình ảnh quen thuộc thời nay là thiếu nữ - đồ ăn - đồ hiệu, kiểu như một hót-gơn trên in-xờ-ta-gờ-ram môi mở hờ hững, cổ áo quên không cài cúc trên khoe ẩn ẩn hiện hiện đôi gò bồng đào, khí chất rõ ràng là nữ nhi cường hiện đại song thân người lại ngả nghiêng như thể sắp ngã theo phong cách Lâm Đại Ngọc cạnh cái bàn bày bữa sáng hay trà chiều lủng củng trên đó là thìa dĩa đặt sai phép tắc và chồm hỗm cạnh bọn bánh trái hay thức uống là một cái túi cha-nen to đoành. Trẻ nhỏ trong nhà ốm, mẹ chăm nồi cháo cả nửa ngày, dỗ con ăn hết phần cháo, bé có hờn dỗi bao nhiêu mẹ vẫn tươi tỉnh vỗ về. Nhưng ông chồng ốm, bà vợ nấu, cái kẻ lù đù đo giường bệnh kia khó ở trong người mà thờ ơ bát cháo vợ làm xem, thảo nào cũng có chút tủi thân ấp ở trong lòng kẻ đứng bếp. Kết thúc bữa nhậu tại gia của một đám quý ông, một bà vợ bê ra nồi cháo nóng đã ý tứ chuẩn bị từ trước như một thức giải rượu - điều có thể được người này xem là đáng tụng ca vì cái phẩm vợ ngoan hiền đảm song cũng có thể bị kẻ khác coi sự xúc phạm đến mấy món chuẩn nữ quyền hiện đại này nọ.

Ngày Bố Mẹ mới chuyển về Bắc Ninh sống đời nông dân tay mơ, tôi có chút lúng túng với cái bếp, về căn bản làm gì cũng máy móc, kiểu công thức nó thế thì dứt khoát phải theo thế. Sau một đoạn thời gian thì thành luyên thuyên, phóng túng, bất nguyên tắc.

Vì thế, giờ nói chuyện cháo, tôi bỏ qua hết chuyện gạo nào, ngâm vo ra sao, để ráo bao lâu, có cần rang qua, giã qua hay không, ninh mấy lượt, độ lửa to nhỏ trước sau thế nào. Thêm nữa là tôi không ngại thử theo cách người khác bày cho, hoặc tự thực hành theo một cái sáng kiến điên rồ nhất thời bật ra của chính bản thân.

Có bữa, con giời lọ mọ ra ngoài tìm mua gói cháo ăn liền, định bụng úp rụp một cái là căng bao tử. Hàng xôi đang dọn hàng cuối sáng, bảo sao phải khổ thế, rồi dứt khoát bắt tôi lấy một phần xôi trắng kèm lời dặn dò cứ cho nước vào ninh thì thành cháo. Từ lâu tôi biết hàng xôi chuyên nấu cháo kiểu này. Con bé hàng xóm cũ học ở xứ Đài mỗi lần về nước qua nhà chơi nấu cháo hải sản đãi chúng tôi, khi TL ninh cháo trắng trước đó cũng cho chút xôi, tôi biết. Nhưng xôi trắng không phù phép thành cháo thì cho tới gần đây, mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn nghe ra chút kỳ kỳ.

Ninh một hồi tôi thấy đặc và dính. Ngó tủ lạnh là hộp cơm nguội basmati. Nhớ khuôn mặt của MA ở Ren chưng hửng trước nồi cháo Nhật giống cơm nguội chan nước dùng, tôi tự bảo ừ thì mình cũng làm cháo cơm nguội xem sao. Cơm nguội được cho tiếp vào nồi cháo, sôi rồi thì tắt bếp chờ nguội. Lúc đó máy xay tay Braun phát huy tác dụng, cháo không phải là gạo nguyên hạt, cơm nguyên hình nữa, mà thành cháo gạo xay. Đến lượt lửa mới, để tạo vị có một phần tôm nõn tươi cho vào cùng bột gia vị lấy độ mặn. Sau là hành lá và mùi ta thái mịn, tiêu xay, chút xíu bột ớt, một hai giọt mắm cốt. Thế là có bát cháo "xay" không tệ chút nào, mà công thức và cách nấu nó chắc chắn sẽ làm cho bà cụ già ở Bắc Ninh nghe thấy sẽ bảo là dở hơi.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

râu mực xào cumin - xào ướt

Từ ngày phát hiện cái khay râu mực tươi ở quầy hải sản, mỗi lần qua Whole Foods là một lần có kẻ hóng hớt kêu một hộp mang về. Râu mực ướp bột cumin, bột tỏi và xì dầu trong chừng nửa giờ. Hai ba tép tỏi và một củ hành hương làm sạch, bằm vụn, phi chín vàng giòn và dậy hương thì cho mực vào xào. Bếp để lửa lớn. Tay đảo mau vá xào.

Chảo xào phần nước tiết ra kha khá, dễ gây sốt ruột. Có cơm trắng ăn cùng, lấy nước xào rưới, trộn cơm rất được. Không có cơm, mực xào vốn nhằm món ăn chơi đầu bữa tối thì tặc lưỡi thôi thì lãng phí chút, bỏ đi.

Dùng thìa lọc to lấy mực ráo nước xào ra đĩa sâu lòng. Xét về sắc món thực có chút nhạt nhòa. Còn về vị, miếng mực chắc, có thơm đặc trưng của cumin, có mặn mà là cả ngọt của xì dầu.
râu mực xào cumin

Mực cứ thế ăn chơi cũng được. Nghịch ngợm và cũng là thích ăn cay ăn mặn thì có thể bày đặt thêm phần nước chấm: xì dầu + dầu hào + nước cốt chanh vàng + bột tỏi + ớt khô xay rối + lấy sắc xanh và cũng là đá chút vị từ ớt xanh và hành tươi thái mịn, thật mịn.

Lần ăn chơi trước bữa tối này, chúng tôi có một đĩa mực xào kèm một đĩa dưa leo được xóc muối lấy giòn và đậm trước khi trộn tiếp với xì dầu, dấm gạo và nước cốt chanh vàng. Coi như vừa đủ hài hòa.

Note bổ sung 3/2020: Còn đây là cách làm râu mực xào cuin - xào khô!

hủ tiếu dai trộn ponzu sauce

Tôi luôn lúng túng và vụng về mỗi lần làm món với hủ tiếu. Luộc mấy loại sợi khô từ mỳ, miến, bún tới bánh phở, nói quá chút thì là nhắm mắt tôi cũng có thể xử lý tốt. Nhưng hủ tiếu, đặc biệt là loại sợi dai, thì tôi luôn dại. Lần sống sượng, lần chín nát, nói chung là tệ.

Lần này, mò một tay hủ tiếu, chừng nắm đấm của đứa trẻ lên mười, tôi vẫn lơ ma lơ mơ từ khâu ngâm nước làm mềm tới luộc. Kết quả, vớt ráo các sợi hủ tiếu rồi ngâm nước lạnh trước khi làm ráo lần nữa, sợi thành phẩm có chút mềm quá đà và vì thế mà hơi khập khễnh với cái bản chất chắc và dai của nó.

đĩa trộn nhạt nhòa vì thiếu sắc xanh của rau gia vị
Hồi mới nhìn thấy chai ponzu sauce đóng sẵn, tôi khinh bỉ ra mặt. Tự làm mà ăn cho tươi và lại thỏa mãn cái ý chủ quan thêm bớt chớ tội gì mà mần chai làm sẵn. Nhưng rất mau, nhất là sau khi học làm món miến trộn kiểu Hàn có vời tới bạn nước chấm này thì tôi lại phải lòng mấy cái chai. Tất nhiên là cũng có yếu tố lười cố hữu và thi thoảng là tình huống muốn tự làm sauce nhưng lại không sẵn đủ các nguyên liệu cần thiết.

Công thức hủ tiếu dai trộn ponzu sauce với thức đi kèm là gà luộc rất đơn giản:
- Hủ tiếu luộc, ngâm qua nước lạnh để các sợi ráo và liền mạch
- Ponzu sauce mà lại không phải là ponzu sauce, chính xác là phần nước sauce trộn có nền tảng là ponzu sauce đóng chai với tỷ lệ thành phần là: 2 thia súp xì dầu + 1 thìa cafe dầu hào + 3 thìa súp ponzu sauce + nước cốt chanh tùy ý (từ một phần tư đến nửa quả) + bột tỏi + ớt khô xay rối; người hảo ngọt có thể thêm chút đường
- Thịt gà luộc xé hay thái miếng to nhỏ tùy ý; tùy ý ăn lạt thì để nguyên vậy, còn thích ăn đậm thì xóc gà với chút muối
- Hai tép tỏi và một củ hành hương lột lớp vỏ làm sạch, bỏ lõi mầm, thái lát rồi phi thơm - kiên nhẫn và khéo tay canh lửa để ra món phi giòn thì tốt mà thơm mềm cũng được
- Một góc nhỏ củ hành tây trắng thái mấy lát mỏng
- Rau kèm hợp nhất là mùi, nếu đá thêm vài cọng giá đỗ cùng mấy lá mùi tàu thái rối thì càng hay, mà kể cả húng quế cũng được - lần làm này tôi thiếu tuốt, ra vườn quàng mấy cọng bạc hà rừng để kiếm chút xanh, ăn thấy cũng hạp

Nước sauce pha xong, hủ tiếu đã sẵn sàng thì cho vào trộn. Lúc nào ăn thì cho thêm thịt gà, phủ chút hành tây và đám rau gia vị, trộn thêm lần nữa là xong.

don't rock the boat

Sau hơn một ngày lao động, lối xe chạy cuối cùng cũng được làm sạch khỏi đống cành củi vụn cùng mạt cưa - sản phẩm của công cuộc giải cứu cái cây hấp hối bên nhà hàng xóm. Bà chủ nhà bên ra ngoài tìm thùng rác đã được làm rỗng, thấy tôi lui cui dọn thì chạy sang chào và tám mấy câu. Bà bảo, nhìn mày làm thế này tao cũng có hứng dọn dẹp bên vườn nhà. Dĩ nhiên là không phải bà đích thân ra tay dọn mà sẽ là ông chuyên chặt cây, tỉa cành và cắt cỏ một tuần đến làm hai lần.

Bà già rủ tôi đi dạo buổi chiều. Từ đầu đến cuối, bà nói như bắn súng liên thanh. Còn tôi, chỉ sau dăm phút đi đã kịp dựng trong đầu một khung lịch sử cuộc đời của bà tính từ thời điểm cha mẹ của bà từ Phần Lan đặt chân tới New York khi mới chỉ là những đứa trẻ. Giữa đường thấy một bà già khác đang lơ vơ làm gì đó ở vườn trước nhà, bà hàng xóm dừng lại chào hỏi, bảo kể từ lần cuối ở nhà thờ mấy năm trước giờ nới gặp lại. Hai bà, một ngoài 80 một kém vài tuổi, nói chuyện rôm rả như hai thanh mai trúc mã lâu ngày gặp lại. Đến khi chào tạm biệt để tiếp tục hành trình có tên là đi dạo, bà hàng xóm bảo, tiện thể tên tôi là... và nhà tôi là cái nhà đang thay mái ở phía cuối đường...

Người giàu có kiểu dân sống ở mấy đảo tư nhân có nhà rải rác khắp thế giới mặt mũi thế nào tôi không biết. Nhưng ở cái thành phố bị coi là kém giàu và kém sang của tiểu bang nhưng lại cũng có một lịch sử văn hóa-xã hội đặc biệt và một vị trí tương đối đắc địa này, cái sự sung túc không phô bày đủ để gây choáng ngợp. Bà già 80 có cái nhà cổ nhìn ra biển, bảo thất vọng vì thuế nhà đất - mà phần chính là do cái tầm nhìn phóng ra mặt nước - cao quá nên treo biển bán. Vấn đề là mấy năm rồi chẳng ai quan tâm vì giá nhà cao một nhẽ, nhưng thêm vào còn là hứa hẹn một khoản kha khá hàng năm phải nộp cho thành phố. Bà nản, vứt cái biển bán nhà đi, tranh thủ trời ấm thì về chơi mấy ngày. Một đoạn phố nhỏ, nhà sát mép nước cái nào cũng im ỉm. Hóa ra dân ở New York, mà có khi là tận Dallas mỗi năm về ở nhõn vài tuần. Thành phố được xem là tấp nập khi hè về, nhưng ngay cả cái khái niệm đông vui ở đây cũng đủ làm tôi phì cười không biết bao nhiêu lần. Kiểu như trong một ngày từ trong nhà nhìn thấy một ông già dắt chó đi dạo lúc đầu sáng, một đôi thanh niên đạp xe ngang qua tầm giữa trưa, mấy đứa cháu nhỏ nhà hàng xóm về thăm ông bà chạy hù nhau cả một đoạn vỉa hè lúc đầu chiều, hai bà trung niên vừa tản bộ vừa buôn dưa lê khi chiều tà, đã đủ coi là đông và vui rồi.  

chuyện của Matt Huynh ở đây
Có một chuyện thú vị, và cũng dễ gây cảm giác nhang nhác buồn, liên quan đến hai bà cụ già là khi nói đến Việt Nam thì dường như ấn tượng duy nhất hai bà có là về boat people. Bà trẻ có thợ chuyên làm móng cho mình là người đến Mỹ với tư cách thuyền nhân. Còn bà già thì kể chuyện của mấy mươi năm về trước, ở một cái sân bay nào đó trên đất Mỹ, khi chứng kiến một người chồng - người cha gần như là khóc khi bị lạc trong chốc lát vợ và con nhỏ của mình ngày đầu đặt chân đến xứ sở cờ hoa của những giấc mơ.

Lần ở nhà một mình này, tôi dành một phần kha khá thời gian dọn dẹp hai ô đất trồng cây bụi và hoa ở bãi cỏ trước nhà. Kéo cắt tỉa cây và cành to nhỏ bao nhiêu lôi ra hết, xẻng bới xúc lớn bé cũng đem ra đặt một dãy dài. Nhiệt tình cắt, nhiệt tình đào, nhiệt tình bới và nhổ. Kết quả, sau một hồi thì phát hiện là mình đã chặt tỉa gần như gọn gẽ cái cây có từ đời cụ cố. Tối nghe điện, tôi biết thân biết phận rào đón trước, thông báo hôm nay mình đã overwork nên dù kết quả có là gì thì xin hãy bình tĩnh. May mà gia chủ về nhìn thấy cái cây thì bảo, không sao.

Đi ăn tối ở Mystic, nhân một chuyện gì đó thì tôi lên cơn tủi thân. Ông nói gà bà nói vịt, rõ ràng biết là giao tiếp có vấn đề nhưng thay vì giải thích, tôi càng lên cơn cùn, cà ràm cho bõ tức và thỏa mãn cái tôi phi lý của mình. Đến lúc rời tiệm ra bãi đậu xe, mở cửa xe đặt mông vào ghế bỗng ngạc nhiên, quái sao xe hôm nay rộng, thoáng và sạch thế này. Lại quái, sao ghế sau lại có khăn choàng của bà già thế này. Và cuối cùng là quái, sao có nhiều tiền xu thế này. Giời ạ, chúng tôi trèo nhầm xe. May mà nó không rú lên ầm ĩ. Thế là được trận cười và cơn ấm ức cũng tự nhiên tan biến.

Bà hàng xóm bữa trước nói, dự báo tuần sau sẽ rất nóng. Tôi phấn chấn, thế hẳn là Indian Summer đi. Cho đến giờ tôi vẫn luôn có chút chật vật với thời tiết ở đây. Có bữa đêm lạnh tôi đội mũ len, đi găng tay len, nằm run bần bật. Ngày sáng ra trời mù nhìn không ra ranh giới trời và biển, phà đi qua trước nhà chỉ nhận ra nhờ tiếng hụ. Giữa sáng thì tưng bừng nắng, cái ipad để trên bàn sau mấy phút đã hiện lên thông báo to tướng, dừng hoạt động vì nóng. 

Tôi biết mình đang thay đổi theo một nhịp khẩn trương chưa từng có. Nhưng cụ thể cái tiến trình ấy hình hài thế nào tôi lại mù mờ. Thêm nữa là tôi thực không muốn nghĩ và cũng chẳng thể nghĩ sâu về nó. Rốt cuộc, xem ra tôi đã bị dính chặt vào công thức của/về một kẻ sống đời dang dở và lộn xộn, chân không chạm đất cật chẳng tới trời rồi. Mà kể cũng đúng, trong cái vũ trụ to đùng mang tên xã hội này, thậm chí là một phần ngàn của một hạt bụi tôi còn chưa xứng thì cứ tiếp tục học cách chung sống, từ tốn ngày qua ngày. Và thi thoảng thì cho mình chút xa xỉ là ngẫm nghĩ về cuộc đời, cuộc đời của chính mình. Hỉ!

mảng trời


con sâu

bông hoa


cốc cafe sáng

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

gà xào húng quế

Món làm bữa trước theo hướng dẫn của Mark Wiens cho Thai Basil Chicken. Giờ ghi lại để sau có thể tìm mau ra công thức.

Tôi thích công thức này vì thành phần gia vị rất đơn giản. Lại thêm nữa là hai điểm thú vị.

Thứ nhất, có vẻ như tồn tại chút sắc thái khác biệt giữa mớ lá húng Thái trong video hướng dẫn làm món của anh chàng người Mỹ hâm mộ thức ăn đường phố xứ sở Chùa Vàng với khay cành húng quế tôi mua ở Á Đông. Đều có tên là Thai Basil nhưng trong chuỗi hình chuyển động là mớ rau gia vị chủ sắc xanh lá sáng màu, còn mấy cành rau lều nghều tôi có trong tay thì y-sì-phốc húng quế thân cành ngả tía, lá sắc lục đậm đà như vẫn quen mua ở chợ tiểu khu gần nhà.

Thứ hai, bình thường tôi quen chưng phi hỗn hợp tỏi + hành hương, lần này bỏ qua cái thành phần sau mà thế vào là ớt. Mà ớt lẫn tỏi thay vì được bằm hay thái nhỏ, thái nhuyễn lại là được cho vào cối giã. Cái lý hẳn là để mở hết cái cữ cay cay nồng nồng của hai bạn gia vị này.

- Thịt lườn gà thái miếng nhỏ như ý
- Tỏi lột vỏ bỏ lõi cùng với ớt Thái cay nguyên quả cho vào cối giã
- Láng dầu vào chảo sâu lòng, để ở nhiệt lớn, phi dậy hương hỗn hợp tỏi + ớt
- Cho gà vào xào, bổ túc gia vị tạo mặn là xì dầu và dầu hào (hướng dẫn của Mark Wiens có thêm hắc xì dầu và đường - món đầu nhà không có, còn đường là tôi chủ ý bỏ qua)
- Gà chín tới thì cho húng vào xào cùng (lá già chỉ lấy đúng lá, thân ngọn cọng non nếu có hoa thì bỏ hoa, còn lại xài tất cả lá và cọng)

Hướng dẫn làm món trên mạng nhện là cơm trắng ăn kèm trứng chiên và gà xào húng. Tôi làm đĩa xào nhỏ, ngồi rung đùi ăn vã chơi gọi là. Món làm gọn, mau, lại dễ ăn, ngon và vui cái miệng, coi như là được!

lundberg black japonica rice - cơm gà vị cumin và dầu olive

Lundberg black japonica rice gạo vo nhẹ tay ra nước đỏ, cho vào nồi chẳng mấy chốc ngả màu như nước tiết ra từ cranberries ngào đường, đại khái là đỏ chứ không phải đen. Làm theo hướng dẫn 1 cup gạo 2 cup nước (1 cup dung tích 200ml), nấu rồi hấp - khi hấp ngoài vung đậy đương nhiên rồi, tôi dùng thêm drop lid - căn chuẩn thời gian như được ghi trên bao bì 40mn + 10mn mỗi công đoạn, kết quả ra món cơm chỉ mềm hơn món gạo rang tý xíu. Tự bảo, không sao đâu!

Chảo nóng phóng tay một thìa súp dầu olive, vừa kịp bắt nhiệt thì cho hỗn hợp 1 củ hành hương bằm nhỏ + một cup nhỏ hành tây trắng thái hạt lựu + vài cọng mùi băm rối + 1 thìa cafe bột tỏi (tôi lười bóc và bằm tỏi tươi) + non một thìa súp bột cumin (có thể ít hơn hay nhiều hơn tùy sở thích) đảo cho tới khi dậy hương, tiếp tục cho thịt gà thái hạt lựu vào xào chín.

Trút gà xào gia vị ra đĩa/bát để sang bên. Vẫn nguyên dấu nồi xào đặt trở lại bếp ở chế độ lửa vừa, cho vào từ 1 đến 1.5 thìa súp dầu olive, nửa phần cơm đã nấu lúc nãy, trộn đều tay. Rưới hai thìa súp nước nóng, sau đó lấy cái drop lid tự làm từ giấy thiếc lúc trước đã dùng để hấp cơm đậy lên phần cơm trộn dầu olive. Lại lấy một phần gà xào gia vị theo ý phủ mặt trên của drop lid, đậy vung nồi, lửa cho về liu riu.

Sau chừng 15 phút, tắt bếp, khéo tay nhấc drop lid trong khi gạt thịt gà vào lẫn với cơm phia dưới. Đảo trộn một lượt cơm với gà, cho ra đĩa sâu lòng là xong, có thể đánh chén.
bữa lửng cuối chiều từ phần nấu dư bữa trưa - hấp đến lần thứ n :-)

Gạo qua công đoạn nấu-hấp một lần, sau lại được hấp thêm lần nữa, hạt cơm ngoài đanh trong mềm, dù về kích cỡ có nở chút thì vẫn đảm bảo nguyên vóc dáng của hạt gạo-hạt cơm, tức là không trương phình mà cũng chẳng nát nhão. Cơm ngấm dầu olive, có vị ngọt của hành truyền sang, lại có thêm đồng hành thức ăn kèm là gà xào quyện vị cumin, dễ ăn và ăn ngon.

Bấy lâu tôi khư khư ôm cái mặc cảm tự ti, rằng thì mình không có khả năng làm món với mấy loại gạo "kỳ dị" khác gạo tám, gạo Nhật quen ăn hàng ngày. Giờ xem ra chịu khó đọc kỹ cái hướng dẫn, tham khảo tý chút kinh nghiệm bà con làm món trên mạng nhện, lại huy động mấy cái sự nhớ nhớ trong lại khi quan sát người khác làm cơm, chủ động điều chỉnh chút nếu cần, cuối cùng thể nào cũng ra món hạp ý, và tất nhiên là edible hay, như từ dùng bởi William Burroughs, eatable.

* Note ghi thêm: 
- Giống như nấu cơm với gạo basmati bằng nồi thường, trừ đoạn lúc nồi cơm sôi gần cạn thì phải mở vung để đảo mau tay một lượt và đặt drop lid cho bước vần và sau đó là bước hấp cơm thì tuyệt đối không mở [vung] nồi.
- Món gà xào cumin được hứa hẹn ngon hơn nếu có quế nhưng tôi lười tìm cả quế thanh lẫn quế bột, lại ngại nóng và nồng nên bỏ.
- Vẫn là gà xào cumin, có người thích dùng cumin seed và quế thanh, tôi thích bột hơn vì cảm thấy dễ tán lẫn đều vào cả gà lẫn cơm sau đó.
- Cumin seed gặp bơ hay ghee đặc biệt dậy mùi, nhà chỉ có Kerrygold's Garlic & Herb Butter sợ cho vào vô duyên nên tôi thay bơ bằng dầu olive, kết quả không tệ chút nào, tất nhiên là thiếu cái ngậy nồng đậm của bơ thường.
- Người chủ động ăn lạt có thể đi qua hàng muối mặt ngó lơ lên trời. Nhờ công lao của dầu olive, cái sự nhạt muối xem ra chẳng phải là vấn đề to tát vì món cơm thành phẩn lạt thì có lạt nhưng đảm bảo được bù trừ nhờ vị ngọt thoảng của gà và rau (hành) cũng như ngậy nhẹ của dầu olive. Còn ai thích đậm đà thì lúc xào gà có thể bổ túc chút muối.
- Ngoài chuyện nấu-hấp-hấp thì bí mật to nhất cho món cơm này theo tôi là cái drop lid thần thánh tự làm từ giấy thiếc. Từ ngày khám phá công dụng của nó cho mấy món Nhật, giờ tôi tùm lum tùm la áp dụng cho không ít trò nghịch trong bếp, mỗi lần lại khám phá thêm chút công dụng thú vị của nó.