Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

don't rock the boat

Sau hơn một ngày lao động, lối xe chạy cuối cùng cũng được làm sạch khỏi đống cành củi vụn cùng mạt cưa - sản phẩm của công cuộc giải cứu cái cây hấp hối bên nhà hàng xóm. Bà chủ nhà bên ra ngoài tìm thùng rác đã được làm rỗng, thấy tôi lui cui dọn thì chạy sang chào và tám mấy câu. Bà bảo, nhìn mày làm thế này tao cũng có hứng dọn dẹp bên vườn nhà. Dĩ nhiên là không phải bà đích thân ra tay dọn mà sẽ là ông chuyên chặt cây, tỉa cành và cắt cỏ một tuần đến làm hai lần.

Bà già rủ tôi đi dạo buổi chiều. Từ đầu đến cuối, bà nói như bắn súng liên thanh. Còn tôi, chỉ sau dăm phút đi đã kịp dựng trong đầu một khung lịch sử cuộc đời của bà tính từ thời điểm cha mẹ của bà từ Phần Lan đặt chân tới New York khi mới chỉ là những đứa trẻ. Giữa đường thấy một bà già khác đang lơ vơ làm gì đó ở vườn trước nhà, bà hàng xóm dừng lại chào hỏi, bảo kể từ lần cuối ở nhà thờ mấy năm trước giờ nới gặp lại. Hai bà, một ngoài 80 một kém vài tuổi, nói chuyện rôm rả như hai thanh mai trúc mã lâu ngày gặp lại. Đến khi chào tạm biệt để tiếp tục hành trình có tên là đi dạo, bà hàng xóm bảo, tiện thể tên tôi là... và nhà tôi là cái nhà đang thay mái ở phía cuối đường...

Người giàu có kiểu dân sống ở mấy đảo tư nhân có nhà rải rác khắp thế giới mặt mũi thế nào tôi không biết. Nhưng ở cái thành phố bị coi là kém giàu và kém sang của tiểu bang nhưng lại cũng có một lịch sử văn hóa-xã hội đặc biệt và một vị trí tương đối đắc địa này, cái sự sung túc không phô bày đủ để gây choáng ngợp. Bà già 80 có cái nhà cổ nhìn ra biển, bảo thất vọng vì thuế nhà đất - mà phần chính là do cái tầm nhìn phóng ra mặt nước - cao quá nên treo biển bán. Vấn đề là mấy năm rồi chẳng ai quan tâm vì giá nhà cao một nhẽ, nhưng thêm vào còn là hứa hẹn một khoản kha khá hàng năm phải nộp cho thành phố. Bà nản, vứt cái biển bán nhà đi, tranh thủ trời ấm thì về chơi mấy ngày. Một đoạn phố nhỏ, nhà sát mép nước cái nào cũng im ỉm. Hóa ra dân ở New York, mà có khi là tận Dallas mỗi năm về ở nhõn vài tuần. Thành phố được xem là tấp nập khi hè về, nhưng ngay cả cái khái niệm đông vui ở đây cũng đủ làm tôi phì cười không biết bao nhiêu lần. Kiểu như trong một ngày từ trong nhà nhìn thấy một ông già dắt chó đi dạo lúc đầu sáng, một đôi thanh niên đạp xe ngang qua tầm giữa trưa, mấy đứa cháu nhỏ nhà hàng xóm về thăm ông bà chạy hù nhau cả một đoạn vỉa hè lúc đầu chiều, hai bà trung niên vừa tản bộ vừa buôn dưa lê khi chiều tà, đã đủ coi là đông và vui rồi.  

chuyện của Matt Huynh ở đây
Có một chuyện thú vị, và cũng dễ gây cảm giác nhang nhác buồn, liên quan đến hai bà cụ già là khi nói đến Việt Nam thì dường như ấn tượng duy nhất hai bà có là về boat people. Bà trẻ có thợ chuyên làm móng cho mình là người đến Mỹ với tư cách thuyền nhân. Còn bà già thì kể chuyện của mấy mươi năm về trước, ở một cái sân bay nào đó trên đất Mỹ, khi chứng kiến một người chồng - người cha gần như là khóc khi bị lạc trong chốc lát vợ và con nhỏ của mình ngày đầu đặt chân đến xứ sở cờ hoa của những giấc mơ.

Lần ở nhà một mình này, tôi dành một phần kha khá thời gian dọn dẹp hai ô đất trồng cây bụi và hoa ở bãi cỏ trước nhà. Kéo cắt tỉa cây và cành to nhỏ bao nhiêu lôi ra hết, xẻng bới xúc lớn bé cũng đem ra đặt một dãy dài. Nhiệt tình cắt, nhiệt tình đào, nhiệt tình bới và nhổ. Kết quả, sau một hồi thì phát hiện là mình đã chặt tỉa gần như gọn gẽ cái cây có từ đời cụ cố. Tối nghe điện, tôi biết thân biết phận rào đón trước, thông báo hôm nay mình đã overwork nên dù kết quả có là gì thì xin hãy bình tĩnh. May mà gia chủ về nhìn thấy cái cây thì bảo, không sao.

Đi ăn tối ở Mystic, nhân một chuyện gì đó thì tôi lên cơn tủi thân. Ông nói gà bà nói vịt, rõ ràng biết là giao tiếp có vấn đề nhưng thay vì giải thích, tôi càng lên cơn cùn, cà ràm cho bõ tức và thỏa mãn cái tôi phi lý của mình. Đến lúc rời tiệm ra bãi đậu xe, mở cửa xe đặt mông vào ghế bỗng ngạc nhiên, quái sao xe hôm nay rộng, thoáng và sạch thế này. Lại quái, sao ghế sau lại có khăn choàng của bà già thế này. Và cuối cùng là quái, sao có nhiều tiền xu thế này. Giời ạ, chúng tôi trèo nhầm xe. May mà nó không rú lên ầm ĩ. Thế là được trận cười và cơn ấm ức cũng tự nhiên tan biến.

Bà hàng xóm bữa trước nói, dự báo tuần sau sẽ rất nóng. Tôi phấn chấn, thế hẳn là Indian Summer đi. Cho đến giờ tôi vẫn luôn có chút chật vật với thời tiết ở đây. Có bữa đêm lạnh tôi đội mũ len, đi găng tay len, nằm run bần bật. Ngày sáng ra trời mù nhìn không ra ranh giới trời và biển, phà đi qua trước nhà chỉ nhận ra nhờ tiếng hụ. Giữa sáng thì tưng bừng nắng, cái ipad để trên bàn sau mấy phút đã hiện lên thông báo to tướng, dừng hoạt động vì nóng. 

Tôi biết mình đang thay đổi theo một nhịp khẩn trương chưa từng có. Nhưng cụ thể cái tiến trình ấy hình hài thế nào tôi lại mù mờ. Thêm nữa là tôi thực không muốn nghĩ và cũng chẳng thể nghĩ sâu về nó. Rốt cuộc, xem ra tôi đã bị dính chặt vào công thức của/về một kẻ sống đời dang dở và lộn xộn, chân không chạm đất cật chẳng tới trời rồi. Mà kể cũng đúng, trong cái vũ trụ to đùng mang tên xã hội này, thậm chí là một phần ngàn của một hạt bụi tôi còn chưa xứng thì cứ tiếp tục học cách chung sống, từ tốn ngày qua ngày. Và thi thoảng thì cho mình chút xa xỉ là ngẫm nghĩ về cuộc đời, cuộc đời của chính mình. Hỉ!

mảng trời


con sâu

bông hoa


cốc cafe sáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét