Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

trang trại nhà brown

Tôi vốn ghét tiếp xúc với con người, gặp cơ hội có thể tránh chào hỏi hay tám chuyện là triệt để tận dụng. Nhưng làm vậy thực là rất ngốc. Không chỉ là thêm phần tự bế, tự khiến mình ở trong hoàn cảnh tự cô lập bản thân mà còn làm rối một cách không cần thiết cái chuẩn xã hội ở trong tiểu-thế giới hàng xóm láng giềng.

Nhà ở trong rừng sau gần một tháng giống một cái đại công trường giờ đã được lắp đặt từ rào lan can mới theo đúng luật của tiểu bang và quy định của bảo hiểm tới mấy cái ụ nóng-lạnh to đùng giúp người sống bên trong có thể sống sót qua mùa đông trong khi lò sưởi đốt gỗ vẫn ở trong tình trạng chờ ông thợ xếp được lịch trống đầu năm sau. Chủ nhà hoan hoan hỉ hỉ đi tới đi lui ngó nghiêng thành tựu chán thì xuống núi mua đồ đãi khách hàng xóm xuống thăm nhà mới.

quà nhà mới [sửa] - có hũ kem hemp 
Rượu mang từ nhà ở biển cho người lớn, nước táo ép tươi làm từ trang trại trong vùng cho trẻ con, phô-mai được gọi tên rất oách camembert và dán nhãn local produce, ăn rất được nhưng thực chẳng giống cụ tổ Pháp quốc là mấy, một hộp crackers công nghiệp để ăn kèm phô-mai và một hộp bánh quy giòn đặc sản từ nhà bánh thủ công nổi tiếng ở New York, thế là đủ đãi khách.

Cái bàn gấp truyền mấy đời cọt cà cọt kẹt, mặt bàn tùy theo lớp gỗ ghép trồi lên thụt xuống, dao dĩa cắt trạt phô-mai là đồ giữ lại của căn bếp cũ trông như thể đồ nhón trộm từ một tiệm diner xập xệ ven đường cái nào đó. Khách đến đủ cả một nhà ba thế hệ, bà nội gần 90 tuổi nhưng trẻ trung như một bà vừa đáo tuổi hưu 65, ông con kiến trúc sư lất pha lất phất như tay nghệ sĩ nửa mùa, con dâu vóc dáng scandinavian phiên bản thanh nhã tổng hợp các nét cả hippie lẫn yuppie hậu hiện đại, nhóc Roe hơn mười tuổi mũm mĩm, nhìn mãi không ra là gái hay trai. Khách lẫn chủ ngồi xung quanh cái bàn không ngừng gây ra tiếng động, uống, ăn và trò chuyện vô cùng hài hòa.

Tôi nghe kể chuyện về lịch sử mua đất dựng nhà của hàng xóm. Ông chồng quá cố của bà già sau khi rời vị trí CEO của cái tập đoàn chuyên cung cấp tên lửa cho quân đội quyết định về nông thôn sống. Ý định ban đầu là mua cái nhà có sẵn với một mảnh rừng ở xứ Berkshire vốn là nơi chôn rau cắt rốn của ông và là quê cha đất tổ của bà. Gặp đúng ngày đầu tiên miếng đất trên đỉnh núi được rao bán, ông có quyết định tức thì mua rồi tự cất nhà. Bà bảo chờ một đêm nghĩ thêm chút. Đại lý bất động sản hết choáng thì bày cách đòi hạ giá miếng đất vốn chỉ còn nền đá móng của một ngôi nhà cũ từ hơn trăm năm trước. Bà già kể lại chuyện, nói cả đời ông [chồng bà] làm ăn cân nhắc chỉn chu, chỉ có đúng một lần đi trệch khỏi đường ray lý trí của mình thì chính là trong chuyện mua đất làm nhà này.

Khế ước được lập, trở thành chủ nhân ông của miếng đất và ngôi nhà tương lai, ông ngâm cứu hồ sơ giấy tờ lịch sử bất động sản mới tậu thì phát hiện, hóa ra đây chính là trang trại nhà Brown - cụ cố tổ mà mấy chục năm nay ông vẫn không ngừng tìm kiếm định vị.

Ông Brown của hơn một thế kỷ rưỡi về trước nuôi ong, nuôi rắn, làm sáp đặc trị rồi cùng con gái rong ruổi bán khắp vùng và nổi danh với sản phẩm của mình. Giờ con cháu xa tít tắp mấy đời của ông ong có ong, không có rắn nhưng vẫn làm ra sản phẩm sáp bôi từ hemp chuyên trị đủ món đau nhức và vết côn trùng cắn.

Nhà hàng xóm kể xong câu chuyện, kết luận, chắc là có thông linh, ông cố gọi về mua giữ đất tổ. Tôi nghe chuyện nghĩ đến nhà Vương Long của Pearl Buck. Không hẳn giống nhau, nhưng cái dây nối vô hình này, từ Đông sang Tây, đố ai dám chắc không có.

Khách huyên náo nửa ngày, cái bản mặt cau có rầu rầu của tôi xem ra trở nên nhuận sắc. Tôi thấy mình giống như vừa cậy bớt thành công một viên gạch từ bức tường tự bế. Giao tiếp xã hội thay vì chỉ là một sức ép, bỗng hóa thành một kênh dẫn quan hệ người-người đảm bảo độ tương kính nhưng cũng không thiếu chút sắc màu ấm áp nồng hậu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét