Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

ba hạt cơm thừa hay chuyện sống nhạt ăn lạt

Gần đây, cái đầu nhảm của tôi thi thoảng mơ mơ hồ hồ dừng lại ở chủ đề sống nhạt ăn lạt.

Khi những tín hiệu thông báo sự bạc nhược của cơ thể không còn là thoảng qua nữa mà mỗi ngày một trở nên rõ ràng, khi những cơn đau bắt đầu đủ dài về thời gian và đủ sâu về mức [gây] tổn hại, mối quan hệ giữa bộ não và cái bao tử thay vì hời hợt kiểu mày và tao chẳng có gì liên quan [với nhau] hoặc không lại là hảo hảo bằng hữu cùng hăng say tấn công đĩa bát thức ăn trước mặt đột nhiên chuyển thành kìm chế và tranh chấp [lẫn/với nhau].

Tôi lắm lời, giỏi lảm nhảm mấy cái đích hướng sống đạm ăn thanh nhưng trước đồ ăn thì lập tức thòi ra thói giả dối của bản thân. Nói chính xác hơn, trong cùng cái tôi được giải phẫu, phần cái tôi lý trí-não bộ có tính toán cân nhắc thiệt hơn vì lý do sức khỏe và hạnh phúc của cá nhân với cái tôi-dạ dày vô kỷ luật, không kiềm chế nổi dục vọng trước những hương, sắc, vị của thứ có tên thực phẩm, trong phần lớn trường hợp cái sau luôn thắng thế cái trước.

Thêm một lý do giải thích cho sự phóng túng của tay gắp thức ăn là tính ki-bo ăn sâu trong máu. Tôi tiếc của [giời]: mấy cọng rau dư từ đĩa làm món cuốn bữa trước, mấy trái squash to đùng ngã ngửa quà của ông cha hàng xóm mà tôi không biết làm món gì, nửa trái cà chua dư từ phần ăn sáng của ai đó, một lát đầu mẩu bánh mỳ đen bị bỏ lơ trong túi... Kết quả của cái sự cố mà ăn cho hết là một màn nhồi, tọng thứ tôi vốn dĩ không mấy chuộng. Tôi thấy mình chẳng khác nào bọn gà vịt ngoài chợ đang bị hành hạ bởi ông bà chủ quầy gia cầm bất lương. Vấn đề ở đây là tự tôi hành tôi. Chẳng có nạn nhân miễn cưỡng tội nghiệp nào cả.

Tôi nhớ chuyện Bà Nội ngày trước có lần nói về đồ [ăn] thừa. Thừa ở đây chẳng mấy to tát, trong hoàn cảnh nghèo khó lịch sử kéo dài mà tôi lúc nhỏ có vinh dự thưởng thức với sự vô tư của con trẻ, đơn giản chỉ là cái nồi, thường là nồi gang hay nồi nhôm, và thường là đen đúa sứt mẻ vì ám bụi than củi và cũng vì dùng quá lâu thì đã trở nên cũ mèm, còn sót vài hạt cơm cháy dính chặt lớp đáy sau một hồi ngâm nước thì tả ra lăn lóc. Mấy hạt cơm thừa đó, theo lời của Bà, có thể được kể thành hai câu chuyện. Phiên bản thứ nhất là sự chê trách nhằm vào kẻ ngồi đầu mâm phụ trách cái nồi cơm và/hoặc kẻ ăn cuối bữa có nhiệm vụ dọn rửa mâm bát đã lãng phí lương thực. Còn phiên bản thứ hai là, ăn xong bữa để dư vài hạt cơm cho mấy con kiến chi chi - tôi quên từ chính xác Bà nói lúc đó - là một việc, một lẽ đáng làm.

Thời điểm nghe chuyện này, tôi chỉ là một con nhóc sinh viên năm nhất năm hai lông ba lông bông và nghĩ ngắn choẻn. Ăn cơm là ăn cơm. Xong bữa bê mâm bát ra sân, bắc cái ghế thấp ngồi khua khoắng rửa bát, vo đũa, cọ nồi... nhìn nước chảy qua mép cống nhỏ lâu ngày phần gạch đỏ đã bị mài trở nên láng trong khi mép vữa trên lại phủ một lớp rêu xanh rì, nhìn mấy con kiến kềnh càng mang vác chiến tích là đôi ba hạt cơm nở bung, chuyện chính xác là vậy, đâu phải nghĩ ngợi ngược xuôi gì nào là lãng phí, nào là phải đạo [con] người - vật [tự nhiên].

Tôi của ngày hôm nay tiếc của giời, cố gắng giải quyết mấy món đồ thừa trong tủ lạnh. Kết quả ôm cái bụng lâm râm đau tức. Tự trách mình ngu đến lần thứ n xong, nghĩ đến chuyện ba hạt cơm thừa của Bà Nội xong, thì đột nhiên [tỉnh] ngộ.

táo ở trên cây, táo rơi xuống đất
Phần thực phẩm tự mình mua tự mình nấu thì cũng là tự mình phải biết tiết chế, mua đúng cữ cần, nấu và ăn theo tinh thần lưng lửng, chỉ đáp ứng hai phần ba cái dạ [dày]. Mấy cọng xà lách romaine hay nửa trái cà chua cứ người này ép người kia xử lý mãi không xong thì đơn giản là cho ra thùng ủ ở vườn sau nhà. Rau củ ông cha cho, chịu khó tìm hiểu mần món mới. Còn bần cùng bất đắc dĩ, ngó nghiêng mãi không ra giải pháp thì có thể long trọng trả lại chúng cho Mẹ Thiên nhiên và sau tìm lời uyển chuyển nói với ông, nếu được thì cho cà chua hay ớt chứ đừng bí ngồi cỡ đại. Trong trường hợp tệ nhất, mạnh tay bỏ đi một lần, tự sỉ vả mình một trận ra trò cũng có thể coi là điều tốt, xét ở chỗ có một cảnh báo để lần sau không lặp lại sai lầm mua quá, nấu quá, ăn quá.

Tôi vác hai trái bí nặng trĩu tay đi xuôi xuống mép rừng bao ngôi nhà ở Massachusetts, vuốt ve lớp vỏ cứng láng mịn của chúng, thì thầm tao cám ơn chúng mày nhá, nhưng giờ để chúng mày lại đây với đất với trời. Đường quay lại nhà, hì hục leo dốc xong thì dừng lại ngó cây táo ở gần lối xe chạy vào nhà giờ quả trên cành trĩu chịt, dưới đất quả rơi rụng phủ thảm đỏ rực rõ, thấy mình như được giải phóng.

Chuyện sống nhạt ăn lạt bắt đầu mơ hồ, giờ thì rõ hơn một chút như vậy đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét