Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

both sides now

bãi cỏ - trạng thái 1
(1)

D và partner quá cố có một truyền thống đi vào rừng sống vài tuần mỗi năm. Tôi nghe hai ông anh nói về ngôi nhà nhỏ, về các cánh rừng, về các con lạch, về thú vui câu cá thì ít mà ngắm mặt nước thì nhiều, về sự giải phóng khỏi những ồn ào của thế giới con người và bê-tông đô thị, tất thảy giống như một sự xa xỉ xa lạ, mà tôi hẳn không bao giờ có cơ hội với chạm. Giờ thì theo phép sắp đặt của số phận, tôi thấy mình ở một nơi chốn có ít nhiều nét tương đồng.

bãi cỏ - trạng thái 2
Tôi kể chuyện này cho bạn đồng hành và kết luận, cuối cùng thì tôi đã biết cách yêu ngôi nhà trong rừng, cuối cùng thì tôi cũng hiểu thêm chút chút về giá trị của sự tĩnh lặng, cuối cùng thì tôi cũng có một nhận thức thế nào là sống cạnh và sống trong thiên nhiên - một cách đích thực, không phải là với rườm rà những tụng ca sặc mùi thi vị một chiều mà là có đủ hài hòa dễ chịu không thể tả bằng lời lẫn những chịu đựng các biểu tỏ bất đồng của thời tiết trong thời gian của ngày cùng vô vàn vết cắn đốt không lường trước từ đám côn trùng đủ giống loại kích cỡ.

(2)

Tôi nghe một Van Ronk đâu đó cuối những năm 60 của thế kỷ trước, vô cùng khẽ, vô cùng dịu dàng, khác xa cái ông Van Ronk giọng khàn khàn trầm đục và có chút phần thô lỗ quen tai. Joni Mitchell phiên bản gốc vốn dĩ đã đẹp. Nhưng như một cú chạm gây tỉnh thức đối với tôi, không phải ai khác mà chính là Van Ronk.

(3)

Sáng cuối tuần dậy trễ sau một đêm trằn trọc vì đau, ngó biển sóng nước xanh thẳm lóng lánh sắc vàng sắc bạc nhờ ánh mặt trời, nhâm nhi cốc cafe đầu tiên của ngày, chẳng hiểu có phải do tác động của việc đọc cuốn sách nhỏ mấy hôm rồi trong rừng hay không thì tôi nhớ tới BB và lời tâm sự kiểu thú tội về chiến tích đi nhà thổ sau thành công của một dự án nghiên cứu đa quốc gia.

Ở ngoài hiên Âu Lạc cuối bữa tối hôm đó, tôi đã sốc khi nghe chuyện. Không phải bởi câu chuyện, người kể chuyện kiêm nhân vật của chuyện kể. Mà bởi tích tắc đánh dấu sự gần gũi giữa hai con người. Rất mau tôi vứt ra sau gáy cả sự kiện nhỏ này lẫn cảm xúc về nó. Quan hệ của chúng tôi theo thời gian và theo các đứt đoạn địa lý dần dần nhạt đi. Hôm nay nhớ lại chuyện, tôi cảm nhận thêm chút về những bối rối, khó chịu, của cả đàn ông và đàn bà, khi kinh qua các trải nghiệm lớn nhỏ của yêu ghét và thân mật cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tôi không coi chủ đề này là một kiêng kị. Kiểu như vài cô trưng vẻ mặt úi em đây gái nhà lành ai lại nói cái chuyện này nhưng dối chồng đi nghỉ với giai cứ đến giờ nhất định thì lôi thêm con bạn cùng một phường vào nằm chung giường zalo/viber kể chồng nghe về chuyến đi. Hay kiểu mấy chú quan nhỏ nhưng đích thực xứng danh vua đạo đức giả, tụt quần chơi gái và ngủ rông bét nhè nhưng mở miệng thì luôn là tổ quốc lâm nguy [về mặt đạo đức xã hội] và chúng ta phải tức thì hành động. Nhưng đúng là trong một thời gian dài, cùng với chủ đề tôn giáo và giới, về căn bản tôi tránh không động chạm nó. Giờ sang tuổi của ông già Otto ranh mãnh, ừ nghĩ chút cũng chẳng sao.

(4)

Tối thứ Bảy là ngày ông lão Jimmy - tượng đài sống của Dutch Tavern đi quán nốc bia một trận bét nhè sau cả tuần kiêng khem theo lệnh của bác sĩ. Tôi ăn bậy bạ suốt đường về nhà, bụng trương phềnh nên chẳng buồn màng bữa tối nữa thì quay sang tán tỉnh bạn đường, mình đi gặp Jimmy đi.

Ông già không xuất hiện. Đứng quầy bar là một cô nghệ sĩ không ra nghệ sĩ, nói là gái hư tán trai thì xem ra hơi quá nhưng năng lực flirt đám khách đàn ông nghèo kiết xác nhưng giàu có vô nhường về sức sáng tạo nghệ thuật đang chờ được công nhận thì đúng là dư sức gây ấn tượng. Ngồi ôm quầy có ông già tôi quên tên, người gốc carribean, sau vài chục năm lịch sử sống tưng bừng phê thuốc giờ vẫn ở trong cơn high kéo dài, loay hoay mở cái túi đen to đùng chuyên đựng rác và lôi ra khoe cô bartender các họa phẩm nho nhỏ chẳng hiểu của ông hay ông vừa kiếm được. Lại có một ông lão chủ tiệm sửa và làm mới nhạc cụ ở trung tâm thành phố nửa đầu trước lơ thơ vài cọng tóc còn sau gáy lại phất phơ một lọn dài như đuôi mũ của mấy bác công công triều Thanh, một tay bia một tay vê thuốc.

Tôi rất ấn tượng về ông từ cách đây mấy tháng sau khi ngắm nhìn và nghe ông kể chuyện về cây dương cầm cổ - fortepiano nằm trong tiệm của ông chờ phục chế. Ông nhà giàu mới nổi từ New Jersey chủ nhân ông mới của cây đàn được chế tác ở London cuối thế kỷ 18 đòi ông nghệ nhân cạo sạch lớp phủ gốc cùng dấu vết của rượu và xì gà trước khi đánh lớp véc-ni mới sáng choang. Ông nghệ nhân phải ra sức giải thích cùng thuyết phục mới làm ông kia đồng ý để nguyên trạng cái sự lem nhem của cây đàn.

Chương hồi phục chế dương cầm cổ xem ra đã kết thúc. Lần này chuyện kể của ông nghệ nhân là sáu tháng thời gian thiết kế và chế tác một cây dương cầm 17 notes cho một ông nghiên cứu sinh tính tính siêu quái dị và giàu đến mức tiền đè lên người ở MIT. Ông lão bảo chuyện này vui, vì cái ông điên điên sắp trở thành học giả kia ra đầu bài, còn lại lão nghệ nhân muốn tự tác thế nào cũng được.

(5)

Từ chuyện của ông nghệ nhân chuyên nhạc cụ thì thòi ra việc vợ góa của ông tổ sư cộng đồng nghệ sĩ tự do lúc nhúc như gà con trong cái thành phố chỉ có hơn hai vạn dân này đang đi tìm người phù hợp để chuyển giao hệ thống dụng cụ chế tác đồ mộc của ông quá cố.

Nghệ sĩ mới ngày nay chuyên vẽ tranh khối to tướng hay làm mấy món sắp đặt mà kẻ phàm như tôi nhìn xong thì trăm phần trăm là tám bậy sai bét nhè cái ý tứ gốc ban đầu của người sáng tạo. Đồ làm mộc đòi hỏi nhẫn nại kiên cường lại có chút quá mốt nên bà già tìm người mãi không xong.

Nghe chuyện này lập tức có kẻ mắt sáng như đèn pha ô tô, mơ mơ màng màng tính toán, tao sẽ gọi điện cho bà ý. Nhà ở trong rừng tầng hầm rộng thênh thang tha hồ mà chế tác. Nói rồi thì lại lo lắng, chẳng biết bà ý có đồng ý cho di chuyển đồ ra khỏi thành phố không.

(6)

Rời quán rượu, bao tử réo rắt, tôi đòi đi quán của Jenny.

Ngồi bàn xong thì có màn dõng dạc với bà chủ, hôm nay tao ốm nên cần bát canh/súp thật nóng, thật nhiều rau. Bà chủ quyết định ngay tắp lự, tao làm cho mày bát vằn thắn không mỳ với phần rau bổ sung, đảm bảo mày hài lòng.

Đích thực tôi có bát vằn thắn khác thường ngon nhất trần đời với đủ cải bông, đậu dẹt, cà rốt xanh xanh đỏ đỏ ngập bát. Ăn xong tỉnh cả người thì có dư sức tám với bà chủ.

Jenny bảo thấy mắt mỏi thì đi bác sĩ, được phán phải phẫu thuật ngay chứ không chờ về Bangkok chữa trị cho rẻ theo như kế hoạch được lên lúc ban đầu được nữa. Tôi hỏi có phải dùng thêm thuốc gì không. Trả lời bác sĩ bảo có nhưng cả đời tao không bao giờ dùng thuốc. Tôi lại hỏi là do thói quen hay đức tin [tôn giáo]. Trả lời cả hai.

Tôi nghe kể không ít chuyện nho nhỏ về sự trọng hình thức của người Thái, kiểu đám cưới sẽ có màn đọc to lý lịch của cô dâu và chú rể tốt nghiệp trường [danh tiếng] nào, bằng cấp [cao] đến đâu. Ở đây tôi biết một Jenny bà chủ quán Thái làm việc cật lực từ chạy bàn tới đứng bếp song ra khỏi quán lái Maserati đi ăn sáng hay uống rượu tối ở Mohegan Sun, sở hữu thêm hai chiếc BMW cùng Mercedes phần lớn thời gian bị bỏ mốc và giờ đang mơ màng chờ Audi ra màu xe mới vàng-đỏ đặc Tạng thì sẽ tự tặng mình quà 2020.

(7)

Tôi hết tuổi phấn khích ra mặt khi nhìn và nghe người lạ chuyện lạ khác với thế giới quen thuộc của mình. Nhưng chút hiếu kỳ và thích thú thì vẫn luôn ở đâu đó. Tựa như tôi đang được xem một tấn kịch đời dài bất tận và ở trạng thái trực tiếp.

Không còn tuổi mạnh mồm lếu láo đánh giá nhận định này nọ. Đơn giản nhìn, nghe, và thích thì nghĩ chút chút.

(8)

Quá trình già-đi bên cạnh cả một mớ to tướng những khó chịu của nó thực cũng/vẫn có thể được coi là tích cực hay/và vui vẻ nếu chúng ta muốn. Kiểu như, giờ tôi có thể ngồi ngập trong một đống đồ chờ xếp mà ngâm nga, đâu có thể là khác biệt giữa đọc Detlef Pollack và Eileen Yuk-ha Tsang. Câu trả lời, cả hai đều phi thường nghiêm túc, cả hai đều [có thể] sặc mùi giải trí theo một cách rất đời!

Both Sides, Now - Tại sao không!

berry pond - trên đỉnh núi đối diện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét