Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

chính thức cai cafe

Tuần rồi tôi mụ mị, liền tù tì hai ba ngày mỗi ngày xơi đều đều năm cốc bự cafe. Lý do? Cái chân đau làm cho tôi rối [trí], mà khi đã rối thì cứ có cái gì chảy tọt vào cổ họng là tốt nhất, như một kiểu chỉnh dòng nước, để nó chảy từ lạch này [cơn đau] sang lạch khác [vui thú nghiện ngập]. Tôi có thể uống nước lọc, nhưng nó nhạt. Tôi có thể uống trà, nhưng mất công gỡ túi, mở hộp, tìm bình hay ấm. Còn cafe, thật là tiện. Đứng chờ nước sôi, múc hai muỗng bột ra cái vợt lọc, đo đúng 350ml nước đổ vô, gật gù một cái, xong.

Cuộc đời rất kỳ. Ít nhất là ở trường hợp của tôi, trong quan hệ với thực phẩm. Rõ ràng biết là điều này, cái nọ không tốt cho cơ thể, không tốt cho sức khỏe nhưng ta vẫn cứ duy trì cái nhịp tiêu thụ một vài món không tốt đó, vẫn cứ để mình lún sâu trong cái sự nghiện ngập nguy hại đó.

Tôi bắt đầu với cafe đen, đen thuần, không hương vị pha trộn, không đường sữa. Sau đó, khi cả thành phố tràn ngập biển Trung Nguyên, thì có tý đoạn thời gian cũng thử số này số nọ, nhưng mau chóng, em xin đầu hàng. Nhiều người thích, vì chính cafe, và cũng có thể vì cái biểu tỏ xã hội mà nó đem lại cho kẻ ngồi tiệm. Tôi chẳng thấy phiền nếu hẹn hò với bạn ở một tiệm nhượng quyền nào đó, song tôi đến là vì bạn, vì cuộc trò chuyện, còn thứ nước nâu sánh đặc và thơm lừng có phần thái quá, đó không bao giờ là lý do.

Ở quán Chị Lan, thi thoảng tôi nghe mùi từ bàn thằng cha bên cạnh, thường là một đen không đường hoặc sữa đá, thì bốc đồng, em cũng thế. Lần nào cũng như lần nào, chưa được một phần ba cốc đồ uống tôi đã chuẩn bị say lướt khướt. Thề đây là lần cuối, nhưng một thời gian sau thảo nào cũng lại có cái màn lặp lại này, rất ngộ.

Rất hiếm nhưng không phải là không bao giờ, tôi theo chân ai đó ngồi ở một vài địa điểm yêu thích của đại chúng, thấy vui vui, hay hay. Nhưng đến mức quyến luyến để có ngày tự mình quay lại thì không. Vì tôi đủ hài lòng với cữ cafe sáng sáng tự đun bình moka ở nhà. Vì tôi hài lòng với màn cuốc bộ băng qua con đường to sang tiệm quen để gật đầu ám hiệu một cái là các cô đứng quầy đã có thể phiên dịch một nước và một latte.

kì môn gặp trà vải thế chân cho nước nâu :-) 
Suy nghĩ về tiết giảm cafe tôi có từ lâu. Nhưng tôi giỏi nghiêm túc với các suy nghĩ nhất thời, mảnh đoạn chứ chưa bao giờ nghiêm túc chuyển địa bàn từ nghĩ sang làm cả. Vì thế, giảm cafe, cai cafe rốt cuộc chỉ là một câu cửa miệng, được tôi chăm chỉ lặp đi lặp lại.

Giờ có lẽ cái kết giao tầm thường của tôi với bạn nước nâu này cần sang một tiết nhịp mới. Tôi không bao giờ chán hít hà mùi bột cafe vương vãi trên mặt bàn bếp, thưởng thức hương cafe thơm lừng từ cái bình moka hay phễu lọc, sung sướng nuốt một ngụm lớn cafe đầu ngày theo một cách chẳng nhã tẹo nào. Nhưng mấy sự sung sướng, mấy cái khoái cảm bé nhỏ đó, chúng hủy hoại tôi. Hay chính xác hơn, tôi tự để mình bị hủy hoại, để cái bao tử bị tàn phá, để cho hệ thống kỳ diệu trong cơ thể của mình phải gồng mình đối phó với lượng cafeine không nhỏ mỗi ngày.

Vì thế, tôi giảm tốc độ. Tìm lại chút bình an cho cái cơ thể hình lý, và cũng là hướng tới một cái đầu bớt nhộn nhạo trong suốt thời gian của ngày.

Tôi biết là khó. Song đã đến lúc rồi 😂😂😂😂😂

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

một công thức ốc xào

món ốc xào của annie
Chúng tôi mời khách ăn tối, ở trong bếp hoán đổi vị trí khách-chủ khi Annie thành chef, thoăn thoắt với một cái chảo làm đủ món. Kết quả, chúng tôi được bữa chén ra trò, nhiều món vốn nghe tên chẳng gợi mấy quan tâm giờ thành tạo hứng thú.

Ốc mua ở chợ Tàu, tên gọi gì tôi chịu, rửa kỹ tránh sạn.

Bắc chảo để lửa lớn đun dầu phi hỗn hợp tỏi + gừng + tiêu rừng (wild pepper) và nếu thích thêm cả ớt Mễ (chimayo pepper) cho đến khi gặp được vị thơm của gia vị. Cho ốc vào xào mau tay và bổ túc sauce là hỗn hợp đường + xì dầu.

Tôi hỏi về thời gian. Câu trả lời là tùy. Thường là 4-5 phút, song quan trọng hơn cả là cảm nhận của người đứng bếp và tốt nhất là thử một cái xem sao. Quan trọng hơn nữa là lửa để thật to, rất to.

Ai muốn nhã có lẽ nên tránh xa món ốc này. Đưa con ốc vô miệng, mút chụt một cái, lim dim mắt hưởng vị nước xốt thơm và đậm đà từ thân ốc chảy ra, sau dùng tăm khều thịt ốc, mềm và ngọt.

salad thịt lườn gà rau răm mau mau

Thịt lườn gà luộc, xé rối theo ý, trộn bột muối-tỏi và tiêu xay. Rau răm chủ đạo cộng với mùi, mùi tàu thái rối. Hành xanh chẻ cọng trộn với chút dấm gạo vừa để tẩy hăng vừa để lấy vị chua.

Nếu dấm cho quá tay và không ngấm hết vào hành thì trước khi trộn chú ý chắt bỏ phần nước dấm. Trộn các bạn này với nhau, thích chí thì điểm xuyết vài lát ớt. Thế là được món salad thịt lườn gà rau răm.

Gọi là salad mau mau vì thời gian xé (thịt gà), thái (rau) không tốn mấy. Không tính hai mươi phút đun cái nồi luộc lườn gà thì vỏn vẹn chỉ cần 5-7 phút là xong một đĩa salad cho bữa trưa của kẻ tập tành ăn kiêng.

Quen miệng ăn thịt gà chạy bộ, phần thịt sậm màu và chắc, lại không thiếu phần da láng bóng và beo béo, rau kèm là hoa chuối giờ chuyển sang chế độ thịt mềm, hoa chuối không, hành tây điểm xuyết không, té ra mọi chuyện vẫn là ổn. Lại thêm an ủi, không mất thời gian xử lý bạn hoa chuối, làm món thật là mau. Và cuối cùng, vẫn là bài học to: có gì mần lấy, hài lòng với thứ mình có :-)

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

annie dũng cảm

(1)

Mỗi tuần đến quán một lần, tôi quen mắt nhìn Annie trong đồng phục đen sì từ đầu đến chân, dưới ánh sáng vàng rất kiệm của quán trang điểm vừa đủ cộng đôi kính đen trên mặt đem lại phong thái một quý cô công sở điển hình thay vì một nữ chạy bàn.

Giờ giữa ngày đi đón cô để cùng đi chợ Tàu, tôi thấy một cô gái Á châu trẻ trung điền hình với tee-shirt trắng bóc, denim shorts rách te tua, canvas shoes không rõ nhãn hiệu và một cái shell bag phong cách bà trung niên nhiều hơn là gái trẻ.

(2)

Tôi không nhớ là vùng nào xứ Ireland nữa, chỉ nhớ TL kể không dưới một lần chuyện có một nơi  nào đó ở đất nước này, bà con giống như "nhà mình", ngồi tàu hỏa cạnh nhau 5 phút là biết hết chuyện tám đời tổ tông kẻ xa lạ trước mặt.

Vốn dĩ coi mình kém cỏi trong khoản nói năng với người lạ, thêm nữa là chẳng có mấy hứng thú với cái món này, hôm qua tôi tự động trở thành một kẻ khác, "buôn bán" bét nhè với cô gái trẻ ngồi ghế sau trên cả đường đi lẫn đường về.

(3)

Annie, tên tiếng Anh của bà mẹ trẻ hai con chưa chạm tuổi 30, đến từ một thành phố nhỏ - so với Thượng Hải và Bắc Kinh, còn chính xác nhỏ to thế nào thì chính đương sự cũng mơ hồ vì không có bất cứ ý niệm nào về diện tích hay dân số của nó - tỉnh Phúc Kiến.

Tốt nghiệp trung học, cô theo tiếng gọi của giấc mơ kiếm được nhiều tiền ở xứ cờ hoa, một thân một mình lặn lội đường xa đến nơi có nhõn một bà dì họ và ông chồng của bà, cả hai là chủ một quán ăn Tàu ở New York.

Ngày thứ nhất đến xứ sở xa lạ, cô thấy nhà cửa phố xá xấu, không đẹp như ở quê mình.

Ngày thứ ba ở nơi đất khách, một nửa chữ tiếng Anh không rành, cô được dì họ đưa đến chợ Tàu, bỏ mặc tự thân vận động với một câu, thích làm gì thì làm.

Cô bị chê là trẻ con nên không được làm ở quán của chú dì mà lần lượt kinh qua thử thách phục vụ, chạy bàn ở một dãy dài các tiệm ăn từ Tàu qua Tàu-Nhật đến Mã-lai-Tàu ở năm tiểu bang khác nhau. Có quán làm hơn mươi ngày. Có quán làm dài dài vài năm.

Annie không than phiền chê trách chú dì, cũng chẳng mở giọng cay đắng khi nói về những đoạn thử thách này, chỉ đơn giản là tổng kết, tao đã làm việc rất vất vả, đã rất cố gắng.

(3)

Annie kể về cha mẹ, về em trai, về những ngôi nhà [của cha mẹ] ở thành phố quê nhà, về căn hộ rộng rãi ở Manhattan của bà mẹ, người yêu thích việc sống ở New York nhiều hơn là với chồng con và các cháu trong cái làng nhỏ không có gì đặc biệt.

Bỏ qua yếu tố Annie là ai và đang làm gì, người thân của cô đủ để đại diện cho hình ảnh một lớp người Trung Quốc khá giả, nếu không nói là giàu có.

Tôi hỏi, mấy cái nhà, lại là nhà to, sao cha mẹ mày không cho thuê. Không, vì như vậy phải quản lý phiền phức, lại dễ bị hỏng đồ đạc.

Tôi hỏi cha mày không buồn khi mẹ mày đi chơi suốt và sống ở New York phần nhiều thời gian vậy à. Không, vì cha sau cả một đời làm xây dựng đi tới đi lui Singapore thì giờ thích hưởng thụ cuộc sống yên tĩnh, chạy máy cắt cỏ cái vườn rộng thênh thang trước và sau nhà, trồng và chăm hoa cỏ, rau củ, hóng bọn chim chóc...; và vì mẹ là người rất năng động với phương châm phải luôn làm việc chăm chỉ, phải luôn tiến bước, giờ qua tuổi 50 chút vẫn đang quay như chong chóng với kế hoạch học bếp Đài Loan để hướng mở một quán ăn ở Trung Quốc, vả lại ở New York thì có thời gian xã hội phong phú và sôi động với các bà bạn giàu chứ không phải sống tịch mịch như ở nhà cô con gái rượu.

Annie kể em trai lấy vợ, điều kiện hàng đầu nhà bên kia đặt ra là căn hộ có căn hộ, xe có xe, lại thêm tiền nhét tài khoản mấy trăm ngàn [đô]. Kèm lời giải thích, ở Trung Quốc là thế, nếu không sao lấy được vợ. Lại kể, cậu em ông hoàng nhỏ này mỗi lần cha mẹ hay chị gái và anh rể về nước đều không quên dặn dò mua giúp vài món đồ tốp-bờ-ren mới ra lò vì ở Trung Quốc còn rất khó mua hay vì giá chênh ngất ngưởng, kiểu như thắt lưng Gucci hay giày Adidas. Kể xong không quên thè lưỡi, tao không hiểu tại sao mấy thứ đó quan trọng và tại sao ở Trung Quốc mọi người suốt ngày mải so sánh với người khác như vậy.

(4)

Tôi hỏi Annie, vợ chồng liệu đã có ý định gì trong việc sau này mở một tiệm ăn riêng của mình. Ồ, đương nhiên là rồi.

Được hồi nghe kỹ, thì ra là ý định, ý chí của Annie. Vì chồng của cô quá ưa chuộng sự ổn định, thực hài lòng với cuộc sống hiện tại, ngại va phải chướng ngại vật khi dò đường lạ.

Annie bảo, đến nhà cũng là tao giục mua. Chồng bảo ở căn hộ ổn. Lại bảo sao mình có đủ tiền. Vợ hỏi bạn mấy lượt, đi tìm ngân hàng ở New York đứng vay tiền, ngó nghiêng mấy cái nhà và thế là mau chọn trúng ngôi nhà hiện tại.

Tôi bảo, mày kể chuyện cứ như đi chợ mua rau ý nhỉ. Cô gái cười cười, ra chiều đồng ý. Mà chuyện này nếu so với ông bạn già vật vã mấy năm bán không xong một cái nhà và một căn hộ, với quá nửa số lần lý do đến từ việc ngân hàng không cho người có ý định mua nhà vay tiền, thì chẳng đúng quá còn gì nữa.

Tôi lại hỏi, thế ở tiệm hàng ngày vợ chồng mày có lưu tâm để ý cách thức quản lý, chạy một cái tiệm ăn thế nào không. Lại là câu trả lời, đương nhiên rồi.

Tiếng Anh của tôi nham nhở, cô gái trẻ sang đoạn hưng phấn của cuộc trò chuyện líu ra líu ríu, nhiều chỗ tôi nghe cứ gật gà gật gù chứ đích thực đoán nhiều hơn là hiểu trực tiếp. Đại ý, cô đang quan sát vụ nhập thực phẩm thì phải.

(5)

Chuyện sang người làm trong quán. Annie kể, ông chủ có mướn mấy người tại chỗ nhưng họ lười, trúng giờ quán bận nhất thì lẩn nên được hồi cả một danh sách part time chỉ còn đâu một vài vị thi thoảng tới giúp đứng lễ tân và nhận đơn qua điện thoại.

Quán giờ đứng bếp chính phụ tuốt tuột là người Tàu, chạy bàn nửa Tàu nửa Thái. Đa quốc tịch lao động, lại là người Á, có nhiều cái hay. Ví dụ, cái siêu thị Tàu to gần bằng Walmart này, sở dĩ cô biết là vì sau khi than phiền chuyện đi lại vất vả mỗi lần ra sao khi chạy xe tới phố Tàu ở New York mua đồ thì cô đồng nghiệp người Thái mách cho cái địa chỉ.

(6)

Annie nói cô có giấc mơ là học đại học. Nhưng làm việc rồi lấy chồng, sinh con, chăm con, phấn đấu mua nhà, rồi lại hướng tới mở quán nên trước mắt dài dài vẫn là chuyện cần phải working hard cái đã. Thêm nữa, chính cô cũng bổ sung, tao không đi trường học nhưng vẫn luôn để ý học [hỏi] [trường đời].

Mà xem ra giấc mơ học thức giờ được dồn hết cho hai bé gái, một bảy tuổi, một bốn tuổi. Bọn trẻ được học dương cầm, về quê chơi được gửi tới lớp học văn hóa và chữ dân tộc. Annie nói đã từng muốn mua nhà ở cái làng bên cạnh vì trường học nghe nói tốt hơn, song điều kiện chưa cho phép thì để tính sau.

(7)

Annie kể chuyện cậu em sính hàng hiệu, chuyện những bà bạn giàu có của mẹ cô, về những người bạn ở quê nhà có mái tóc đẹp hơn cả người mẫu quảng cáo dầu gội đầu vì được chăm dưỡng đều đặn ở spa. Giọng kể không cao chẳng thấp, chỉ thi thoảng bổ túc chút bình luận, tao không hiểu sao mọi người lại thích so bì và mua sắm hàng hiệu đến vậy.

Cô kể, có bà bạn của mẹ qua chơi 18 ngày, yêu cầu đầu tiên là được dẫn đến đại lộ số năm và kết thúc chuyến đi bà đã kịp phóng tay hơn 30 vạn đồng tiền Mỹ quốc. Đến lượt tôi hỏi, sao bà này giàu vậy. À, chồng bà ấy có mấy cái factories.

Cô lại kể, đến nhà một bà bạn khác của mẹ, có không ít món mạ vàng, vàng thật nhá, còn đèn là pha lê thủ công giá tiền cao đội trời. Tôi chẳng buồn hỏi cái câu sao bà này giàu vậy, mà hỏi thành, có lẽ bà này mua đồ không phải là vì thích mà là theo nguyên tắc phải mua đồ đắt nhất nhỉ. Trúng phóc luôn.

(8)

Đoạn cuối chuyến đi, tôi hỏi Annie, tao đoán thế này nhé, mày chịu ảnh hưởng của mẹ đúng không. Đúng, mẹ tao làm việc vất vả cả đời, giờ vẫn luôn không ngừng thử làm cái này cái khác.

Tôi lại hỏi, tao đoán nhé, mày rất may mắn khi không phải sống cảnh mẹ chồng-con dâu đúng không. Đúng. Bổ sung thêm, thi thoảng cũng có tý fights. Tôi đoán tiếp, lý do không phải vì mẹ chồng mày muốn kiếm chác từ vợ chồng mày mà là sợ con dâu đem tài vật của con trai mình cho nhà đẻ. Rất đúng. Nhưng phải thêm chú thích, đó là hình thức còn thực tâm mẹ chồng tao tốt. Nghe thêm hồi, à thì ra là mẫu hình văn hóa ăn sâu vào não trạng, là nỗi lo âu vô căn vô cớ thường trực ở lớp người cũ. Lại bổ sung thêm, đó là chưa kể thực ra thì chính mẹ tao vẫn thường cho bọn tao tiền.

Annie bảo cô có hai con gái, nên sẽ chẳng bao giờ có chuyện phải dồn tâm sức và tài lực cho con này [trai] mà ngó lơ con khác [gái]. Thêm nữa, chắc chắn cô sẽ không có cơ hội để một ngày bận tâm nghĩ ngợi đối phó, trong tưởng tượng, với nàng dâu như ở trường hợp mẹ chồng của mình.

(9)

Chúng tôi chia tay ở bãi xe ngập nắng. Cô gái trẻ Annie líu ríu vai đeo túi trữ đông đựng mấy món hải sản tươi chuẩn bị cho bữa tối hôm sau, hai tay kĩu kịt các hộp thịt vịt quay mà đồng nghiệp người Thái, người Tạng ở quán Tàu nhờ mua giúp, cười rạng rỡ nói lời tạm biệt và hẹn gặp bữa mai.

Tôi nhìn theo bóng cô, thấy mình mới méo mó, vặn vẹo làm sao trong cái hố sâu psy không đáy. Không phải là mặc cảm thấy mình kém cỏi trước cô gái trẻ. Mà là một cảm giác bất lực trước sự thật là tôi đang già đi, và thật mỉa mai cũng thật bất hạnh là tôi rất tiện lợi lấy luôn điều đó làm cái cớ bao biện cho việc ngại động đậy, ngại đi các bước đi mới.

Xỏ xiên chế giễu bản thân chán thì tôi quay lại nói với mình, nào hãy thử như Annie dũng cảm xem sao :-)

Hay như mọi khi, avanti 😄😄😄😄😄

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

chào mùa hè

(1)

Ngày đầu tiên của mùa hè theo lịch được bắt đầu với mưa lạnh và sương mù vương khắp. Tôi căng mắt nhìn không ra mặt nước biển. Cách một chặp thời gian của ngày âm thanh nổi bật là tiếng phà hụ vội vàng và ầm ĩ.

Ngày xưa nghe chuyện các quý phu nhân ngoại giao Anh quốc đứng đầu bảng về tỷ lệ hôn nhân tan vỡ và cái diễn giải có tính gợi ý sặc mùi chủ quan dựa trên mối liên hệ não trạng [dân tộc] và thời tiết [quốc gia] như là cái đà phóng cho những sự kém thích nghi khi phải dịch chuyển, tôi cười lăn lóc bảo, vớ vẩn. 

Càng lún sâu trong cái sự già đi, cả về hình lý và trí não, tôi càng thấm thía mối liên hệ thời tiết với tâm trạng, ít nhất là ở chính mình. Trong cái lạnh và mù mờ của tiết trời, tôi thấy mình như bị rút cạn sinh lực.

Ơn Trời, cuối tuần cuối cùng cũng mang lại ánh sáng, ánh nắng. Tôi gom đủ những suy nghĩ và lo lắng, thường là không đầu không cuối và sặc mùi vớ vẩn cùng phi lý, đến cuộc nói chuyện với hai cụ già ở Bắc Ninh thì như được giải thoát khỏi chúng. Không rõ là do thời tiết hay do được chiều chuộng chút chút qua điện thoại. Hẳn là cả hai đi.

(2) 

Hôm nay tôi quay lại với các notes nhỏ của mình. Viết ra, dù là những điều ngu xuẩn và nhảm nhí nhất, luôn là một phương thức hữu hiệu, ít nhất là đối với riêng tôi, để có thể tường minh hơn hoàn cảnh của bản thân và từ đó mà bình tĩnh tiếp tục chặng đường mới này.

(3)

Mùa hè đến, đám cây nhỏ xem ra cũng phấn chấn như con người.

rau răm - từ good fortune
ớt thái - nhõng nhẽo, khó chiều


hành, mùi tím và  húng

sả

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

hancock five

Tôi nhìn thấy tận mắt các bà các cô Shakers với mũ trùm đặc trưng làm việc ở cửa hàng tiện lợi khi vào tìm mua bình nước. Anh thanh niên đứng quầy, chẳng có gì trên đầu, chỉ dẫn nhiệt tình, lúc tính tiền hỏi tôi có nói tiếng phổ thông không. Tôi cười hì hì, tôi không phải là người Trung Quốc. Thanh toán xong xuôi là câu hỏi [vậy] cô đến từ đâu :-)

Ở nhà rừng, tôi có dịp ngẫm nghĩ thêm chút chút, hiểu thêm chút chút về cái gọi là sự thinh lặng, cô liêu, không-có-người-ở-bên, hay gì gì đi nữa mà chúng ta dùng từ ngữ để gán định cho một môi trường trọn vẹn trong-thiên-nhiên.

Âm thanh bao trùm thời gian của ngày là tiếng chim hót líu lo đủ cung bậc. Thảng hoặc, âm thanh của con người, ngàn vạn lầm ầm ĩ hơn bọn chim, là tiếng rì rì của xe nhà hàng xóm phía trên đồi và cũng là cul-de-sac của con đường đất, tiếng máy cắt cỏ hay máy cưa cây vọng đến từ nhà nào đó dưới đồi.

đường ra tỉnh - trở về thế giới loài người :-)

trước giờ chạy máy cắt cỏ


dâu tây dại - bé mà ngon

Ngoài các cơn đau hình lý, tôi không thể phủ nhận sự tồn tại của bạn đồng hành khác, thi thoảng xuất hiện, là những hố rỗng học đòi tinh thần triết học mang tên psy. Chúng đáng sợ, có sức hủy diệt rợn người. Ơn Trời, tôi nghĩ đã qua được thời kỳ chực bị cuốn theo chúng và thay vào đó là nhẫn nại chịu đựng chúng lởn vởn xung quanh một hồi đến chán thì tự bỏ đi. Chìa tay cứu rỗi tôi lần này một phần là khung cảnh tự nhiên, phần nữa là cuốn sách nhỏ của Dominique Loreau với vô số đoạn được gạch chân và ghi notes lộn xộn.

Dù thế nào, tôi sống tiếp :-)
Avanti!

một công thức ghi lại cho carrot salad dressing

carrot salad dressing - 9/2020
Ren thi thoảng tôi để ý đến món dressing màu ngả cam óng ảnh phủ trên các lá rau trong bát salad. Có thú vị, nhưng không nhiều đến mức nhập tâm. Cho tới khi nghe bạn đánh chén lải nhải mãi về hành trình tìm công thức cho carrot salad dressing thì mới uh ah, chờ tui về nghiên cứu đống sách dạy nấu ăn món Nhật nhá.

Lẽ tất nhiên là chẳng có sự tìm kiếm tử tế nào. Vì một cái lý do rất hiển nhiên và cũng rất đúng kiểu của tôi, bọn sách bị nhét vào cái hộp nhựa to đùng, và vì cái hộp nhựa đó to đùng nên nó nằm ở dưới đáy của một chồng hộp đựng đồ. Ai có thể có dũng cảm để gỡ đống hộp đấy tôi không biết, còn tôi thì biết chắc là không rồi.

La cà tiệm Trung-Nhật ở Mystic, tôi mới thực sự chú ý đến bạn dressing này. Rất ấn tượng.

Gõ bác gúc-gù, có đến cả tá công thức, vài cái là nhắc lại từ một nguồn, vài cái khác thì có xê dịch chút chút, kiểu như bác dùng đường, còn em dùng mật [ong].

Tôi ngắm mấy cái công thức chán thì quay sang nhìn lại note ghi công thức theo tinh thần nhớ-quên của Annie, cô chạy bàn ở Peking-Tokyo. Kết quả không phải là tệ, và đương nhiên là sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, tới khi nào thì tôi cũng không chắc lắm :-)

* Những món ta bằm - với cà rốt chủ đạo
- cà rốt
- gừng
- hành hương (tôi dùng hành tím theo tinh thần có gì xài nấy)
- táo

* Những món lỏng bổ túc
- xì dầu
- dầu mè (cả loại dầu trong và dầu đặc sậm màu)
- dầu olive
- nước cốt chanh (cả lemon và lime)
- dấm gạo
- và đây là cái thay thế cho ngọt đường/mật ong: mirin
- cộng một chút nước bổ túc dần dần trong quá trình xay và theo mức độ đặc/loãng của dressing

Kiếm cái máy xay tốt, cho nguyên liệu vào và cứ thế chạy bạn ý tít thò lò. Việc đơn giản nhưng cần chút kiên nhẫn vì khả năng cao là lúc ban đầu kết quả cho một thứ xốt sền sệt và thiếu độ mịn tinh tế. Trong trường hợp này, chỉ cần phát huy tinh thần kiên nhẫn và đặc biệt là bổ túc nước. Đảm bảo cuối cùng ta sẽ có một bạn dressing bóng mịn, nuột nà :-)

Bà con ở đây nói lười cũng phải, mà tinh thần chu đáo cũng đúng, có thể thay vì chọn các loại rau củ khác nhau để làm thành món salad thì chỉ cần  nhón tay nhặt một hộp tổng hợp chuẩn bị sẵn. Có cải rocket, có bina non, rồi củ tỉ củ ti những gì nữa tôi không biết tên. Rau là vậy, có thể thêm vài lát dưa chuột thái mỏng, vài lát củ cải đỏ thái móng, đôi ba trái cà chua bi, vài sợi cà rốt. Và đặc biệt, cái này tôi thấy cực hạp với carrot salad dressing, là bạn xà lách iceberg lettuce. Bạn này hay bị chê là vô duyên, nhạt nhẽo, không có chất... nhưng có một điểm cộng là bạn ý giòn. Thêm nữa có diếp romaine, vị có chút phấn chấn đậm đà hơn, cũng rất được.

Rau củ salad trước khi trộn với dressing có chút thời gian được nghỉ ngơi trong tủ lạnh. Ếp-phê của cái sự làm mát này rất đáng kể. Một cậng bina hay cải rocket có chút vị hăng đặc trưng, một lát iceberg lettuce vừa giòn vừa xốp, dưa chuột giòn và ngọt, cà chua bi căng mọng, củ cải đỏ thái lát siêu mỏng gần như mất hết vị cay hăng, mấy sợi cà rốt giòn giòn, tất cả quyện hài hòa với thứ nước trộn chua chua, ngòn ngọt và thơm thoảng vị dầu mè cùng dầu olive.

Vị là vậy. Hiệu ứng thị giác thú vị không kém khi bạn  ngồi ở sushi bar, dưới vầng sáng vàng giản kiệm, thưởng thức một tô sắc màu của rau củ được phủ hững hờ lớp nước trộn mượt và mịn ở đâu đó giữa các sắc cam và đỏ của bảng màu.

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

gà om măng chua nương vị hạt dổi

Bình măng chua nhìn rất bắt mắt, ghi chú rõ ràng măng trồng và chế biến tại Thái Lan nhưng nửa ký tự Thái cũng không có, nhõn tên và thông tin tiếng Anh cộng với nắn nót hai chữ to tướng Măng chua tiếng Việt.

Hạt dổi chủ nhà sưu tầm từ đời tám hoánh nào chẳng rõ, chừng hơn chục hạt, để trong cái lọ vốn đựng thuốc viên.

một phép an ủi: nhạt [màu] mà đậm [vị] :-)))
Thịt lườn gà được mua cho mục đích chính là nấu cháo gà, nhưng chẳng ai bán một cái lườn cho nồi cháo nhỏ cả, vậy dư thì tính chuyện làm gà om măng chua.

Một lườn gà xắt miếng chừng nửa bao diêm Thống Nhất, ướp với muối + tiêu xay + tiêu trắng giã rối + nước mắm + hạt dổi giã rối + [cái này là tôi luyên thuyên cao hứng cho thêm vào] bột hành và bột muối tỏi, để im chừng nửa giờ. Tạo cay còn có hai trái ớt thái miếng nhỏ. Và vẫn là tính điên khùng kèm ngẫu hứng quyết định, tôi thêm mấy đoạn hành lá vặt ngoài vườn thế chỗ cho hành hương vốn quên không mua.

Măng chua chừng vừa một bát ăn cơm nhỏ, xả nước lạnh để ráo.

uhmmmmm bếp này tươi hơn :-)))))
Bắc chảo láng xíu dầu rồi alê hấp xào lửa lớn măng với gà đã ướp gia vị. Đảo mau tay chừng đôi phút thì cho nước chừng một bát ăn cơm nhỏ vào, chờ sôi thì hạ lửa, đậy vung, đun tới gần cạn. Quay trở lại lửa lớn chút, chờ phần nước sánh lại là xong.

Thịt lườn gà mềm, thấm vị đậm đà của mắm muối, cay của ớt, tiêu và hăng hăng thơm thơm đặc trưng của hạt dổi. Măng có chua, có cay, lại quyện vị thơm ngọt của gà. Khuyết điểm to nhất là màu sắc. Có người ngó một cái, rồi xui, mày ra vườn hái mấy cái lá mùi rắc vào chứ để thế này "nhạt" [mắt] quá.

Kể ra câu nhận xét cũng là có lý, nhất là từ tác giả của cái đoạn sườn cừu xinh xắn phong phú màu sắc của gia vị tẩm ướp đang chờ được đưa vào lò nướng kia :-)

"prefer not to"

(1)

Tôi hẳn không thể nào lại có thể hình dung mình một ngày uể oải ngập người trong cái sofa to đùng  trong salon chính gần như chẳng có ma nào bén mảng, nghe Moustaki và Piaf. Từ lúc bặp bẹ mấy từ tiếng Pháp đến giờ, hai người tôi chăm chỉ nghe và yêu thích nghe luôn là Brassens và Barbara. Trong đống đĩa khổng lồ tôi khám phá ở đây chỉ có hai ông bà đầu tiên. Vậy là tôi nghe. Vui vẻ!

Trong các ngăn đựng đĩa, tôi thấy một kho báu khổng lồ. Có vài lần, tôi khật khờ sau một giấc ngủ ngắn, nông choèn, nhọc nhằn, mở cửa salon nhìn ra vườn, đặt phịch cái kệ tre với cốc hoa cắm một nén trầm để hương chạy ra chạy vào khắp sảnh, nghe từ Horowitz đến Van Ronk, và ngắm các sắc thái của mặt nước biển sớm mai. Cảm giác vừa thanh bình vừa kỳ quặc, nhất là khi tôi vẫn giữ nguyên cái tính khí xỏ xiên nhảm vừa nốc cafe vừa tính toán sẽ làm gì với một ngày dài trước mặt.

(2)

Các vấn đề giấc ngủ và chân đau tiếp tục là bạn đồng hành thân thiết của tôi. Tôi cố gắng nhưng không thể tránh khỏi vài khoảnh khắc "lên cơn", "phát rồ", đặc biệt là với các cơn đau. Song nhìn tổng thể, Ơn Trời, tôi tiếp tục nhẫn nại học cách chịu đựng và thích nghi.
hancock-decluttering trạng thái 1

Thi thoảng, để an ủi cho những khó chịu và đau đớn, tôi cười khà khà, sau này nhất định phải ghi trên bia mộ của mình, phòng trường hợp không chọn hỏa táng và tung tro ở cửa sông như đã có lúc tôi đã cao hứng lên kế hoạch, rằng thì là mà bà này trong đời chí ít cũng có một chút kiên nhẫn với cái chân đau của mình 😜

(3)

Mấy năm lại đây, tôi từ từ kéo dài các mẩu suy nghĩ của mình về đồ-vật, về sự thừa-thãi và lãng-phí, về thứ tạm gọi là đạo-đức-với-đồ-vật hay như M hay ngâm nga [thái độ và hành động] thiện-với-đồ-vật.

Tiến độ nghĩ là vậy, còn thực hành thì ở tốc độ rùa bò. Dù thế nào, có một sự thật là tôi vẫn tiếp tục nhúc nhích, cả trong suy nghĩ và hành vi.

Trong hành trình lần này, nhịp nghĩ và làm của tôi bất ngờ tăng tốc, do hoàn cảnh mới, trong đó tôi thấy mình ở giao điểm của một mớ hỗn độn các cảm xúc, từ choáng ngợp qua phẫn nộ đến an tĩnh trở lại.

Ở thời điểm hiện tại, tôi để đầu óc của mình ở trạng thái "ô trống", thong thả thực hành nguyên tắc bỏ ngay lập tức thứ mới xuất hiện và dần dần loại bỏ những món lưu cữu. Xét từ khía cạnh tâm lý, đây là một hành trình nhọc nhằn, song xác thực là có kết quả :-)

hancock-decluttering trạng thái 2
(4)

Tôi nghe chuyện một ông hàng xóm bị kẻ say đi ngược chiều đâm xe, sau nhiều tháng chịu đau đớn đã tự chọn cho mình một sự cáo chung.

Buổi chiều đang lui cui nhổ cỏ ngoài vườn thì nghe tiếng gọi. Có người hí ha hí hửng, ra đây xem này. Một chiếc xe đạp. Miếng bìa cạnh chữ free còn có chú thích cho cái bánh xe kẹp lép.

Ông hàng xóm đặc biệt người-biết-tuốt chỉ trong tích tắc đã biết chuyện và kịp thông báo, đây là từ ông hàng xóm đã qua đời.

Tôi hỏi chủ nhân mới của cái xe, có mê tín sợ đồ của người chết không. Không là câu trả lời chắc nịch.

(5)

Máy cắt cỏ cũ được để xuống mép hè trước nhà để cho đi. Sau một ngày một đêm cái máy biến mất. Chủ nhân của nó hí hửng, thật tốt.

Sáng hôm sau rời nhà, xe chạy qua nhà hàng xóm cách hai nhà đột nhiên thấy cái máy lù lù trên đường hè đi bộ.

Chủ [cũ] của cái máy áy náy, phải hỏi ông chủ nhà xem có phải ông lấy cái máy này hay có nhóc con nào nghịch ngợm vác đến đó.

Tôi cười ha ha, có hai khả năng. Một ông lão lấy cái máy rồi đẩy được một đoạn thì mệt quá bỏ lại; hoặc không thì là một ông trung niên kéo máy được đoạn thì mất sạch tự tin vào tay nghề sửa chữa của mình nên bỏ máy lại.

Nhà đó đi chơi, phải chờ mấy ngày mới có màn chào và hỏi thăm. Ông chủ nhà bảo không biết vụ cái máy. Còn bà chủ nhà chỉ vào bãi cỏ đã lâu không được cắt bảo có thể tay nào xỏ lá cố tình chuyển cái máy đến đó để nhắc nhở chủ nhà thực hiện nghĩa vụ làm đẹp đường phố.

Giờ cái máy cắt cỏ lại được về vị trí ban đầu của nó, và không còn dính cải mẩu bìa nguệch ngoạc free nữa.

free chờ đi
một phần tư tổng số hũ/hộp/lọ gia vị đã được tống-tiễn
free đến

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

set hộp đựng đồ của cô marie kondo

Cô Marie Kondo lừng danh toàn cầu. Ông giáo sư ngồi trước mặt, tôi vốn tưởng liên quan đến đời sống thường ngày chỉ giỏi giang về chuyện các dòng xe, thế quái nào tôi vừa mở miệng nói tên cô , ông bảo tao biết, tao biết. Bạn của ông thì chẳng biết quái gì, và cũng cóc quan tâm mấy cái triết lý dọn dẹp đang à la mode.

Chuyện là có nhiều người đồng hương của hai ông này hăm hở theo cô thánh nữ dọn đồ, bỏ đồ, xếp [lại] đồ. Kết quả có nhiều phần khả quan, cũng lại có đôi chỗ khúc mắc. Trong đám các vấn đề phát sinh, có chuyện bọn giỏ/hộp chứa đồ.

Chuyện cụ thể là có ông bà fan cứng của cô thánh nữ dọn đồ khi thấy cô bán set hộp xếp quần áo, được xem là đặc biệt chi chi là với mức giá cao ngất, thì phát cáu. Lý lẽ đưa ra là, tao vừa nghe theo bỏ đi đồ chứa thì giờ lại phải mua đồ chứa mới [à?]. 

Tôi nghe chuyện này, cười khì khì chán thì kể lại cho vị không biết Marie Kondo là ai kia. Bất ngờ là người nghe nghe xong thì lại gật gù, ông bà fan kia có cái lý của ông bà ý; nhưng mà nếu mày có món đồ chứa đẹp đẽ cho quần áo của mày thì cũng không phải là quá tệ mà. Rồi ông bồi thêm câu, mà người Nhật thì thích mấy thứ đẹp và nhã nên làm ra cái set hộp đó cũng là chuyện dễ hiểu mà.

Tôi máu xỏ xiên phát tác, ngồi im nghĩ nghĩ một lúc thì ề à, thế này nhá, nếu dùng set hộp này thì nên có quần áo đẹp cho xứng đáng với cái hộp. Vì thế, kết luận tạm thời tiếp theo của tôi là, tối giản tốn kém ra phết :-)

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

món đuôi bò hầm kiểu ngũ vị +

Gõ bác gúc-gù đuôi bò hầm ngũ vị [hương], kết quả đầu bảng là công thức và hướng dẫn vô cùng chi tiết của cô chủ blog Savoury Days. Tôi mắt nhắm mắt mở tóm lấy ý chính rồi tự biên tự diễn vừa là với những gì thấy trong tủ bếp, vừa là theo cảm hứng nhất thời. Đến lần thứ ba làm món kể từ ngày đến NL, tạm coi có thể chốt một ý tưởng-công thức của riêng mình.

- Đuôi bò - mua theo khay ở siêu thị, đã được làm sạch sẽ, chỉ chờ bà con mua về cho món oxtail soup :-)
- Thành phần "ngũ vị" quen thuộc: hồi, thảo quả, quế chi, tiêu nguyên hạt (tôi không dùng đinh hương vì e đậm vị quá)
- Gia vị bạn bè của "ngũ vị": gừng, tỏi, hành hương và hành tây, ớt tươi
- Tạo mặn: muối, nước mắm và xì dầu
- Khác: dầu mè, mirin, rượu nấu, lá rong biển và bay leaves, tôm khô hoặc mực khô

* Ghi thêm (1) về các nguyên liệu:
- Gừng cạo vỏ, để nguyên củ lớn thái các lát mỏng
- Tỏi bóc nguyên tép
- Hành hương cắt đôi ngang củ
- Hành tây tùy củ to hay nhỏ bổ miếng lớn 4 hoặc hơn
- Ớt quả tươi bỏ đầu và cuối, khứa dọc thân loại hết hạt
- Trong ba thứ tạo mặn, xì dầu chỉ gọi là thoảng qua, mắm để lấy vị đậm đà đặc trưng
- Mấy thành phần tạm gọi là "khác" tôi cho vào theo thói quen, ai hỏi tại sao hẳn sẽ nhệch mồm ra bảo tự nhiên nó thế. Trong đó dầu mè chỉ gọi là chạy qua cửa tiệm, mirin và rượu nấu cho vào cũng có chừng mực. Với hai bạn lá rong biển và bay leaves, khi nồi hầm sôi chừng dăm bảy phút tôi vớt ra liền vì để lâu bị nồng. Tôm khô hoặc mực khô cho vào cũng rất ít, vài con tôm khô hoặc một lát nhỏ mực khô; và giống rong biển cùng bay leaves, chỉ cần nồi hầm sôi chút là bỏ ra để các bạn ý không át vị những bạn khác.

* Ghi thêm (2) về nước, thời gian và lửa:
- Mới bắc nồi ninh nước cho xâm xấp và để lửa lớn, bắt đầu sôi có thể bổ túc nước tùy ý chờ tới lúc nước sôi trở lại thì chuyển sang chế độ lửa liu riu, ninh tới khi nước quay trở lại trạng thái xâm xấp ban đầu, sánh quyện là được
- Lần thứ hai làm món, tôi lơ ma lơ mơ bỏ quên cái nồi liu riu đi ra ngoài lêu lổng cả nửa ngày. Về tới nhà nhìn thấy cái nồi trong tình trạng nước ninh vừa vặn chuyển sang sánh đặc thì nhẹ cả người. Kết quả bất ngờ là món hầm siêu mềm mại, dẻo, quánh, sánh... Nhưng phải mở ngoặc ngay là tốn tiền củi lửa và thử thách độ kiên nhẫn, hai món tôi vốn vừa thiếu vừa yếu. Thế nên chỉ có thể coi là một lần "chó ngáp phải ruồi" ăn may vậy thôi :-)

Tôi ôm cái nồi hầm một mình đánh chén vì bạn đồng hành tự đặt mình ở chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Ăn món này có nhiều kiểu, rung đùi ăn vã chơi cũng được, trụng bánh phở khô làm món trộn cũng ngon. Tôi kiếm được hộp bánh ướt Thanh Trì, hì hục luộc một nắm bánh khô, sau làm món bánh ướt trộn, trên có rắc rau mùi xắt khúc và rưới chút dấm ngâm dấm tỏi, úi chà ngon!

Người ngồi đối diện cả đời chẳng bao giờ động tới oxtails, choáng ngợp. Tôi cười hỉ hả, cái này cấp collagen đấy, rồi tiện nghều ngào thêm câu, có biết collagen là gì không (?!)