Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

annie dũng cảm

(1)

Mỗi tuần đến quán một lần, tôi quen mắt nhìn Annie trong đồng phục đen sì từ đầu đến chân, dưới ánh sáng vàng rất kiệm của quán trang điểm vừa đủ cộng đôi kính đen trên mặt đem lại phong thái một quý cô công sở điển hình thay vì một nữ chạy bàn.

Giờ giữa ngày đi đón cô để cùng đi chợ Tàu, tôi thấy một cô gái Á châu trẻ trung điền hình với tee-shirt trắng bóc, denim shorts rách te tua, canvas shoes không rõ nhãn hiệu và một cái shell bag phong cách bà trung niên nhiều hơn là gái trẻ.

(2)

Tôi không nhớ là vùng nào xứ Ireland nữa, chỉ nhớ TL kể không dưới một lần chuyện có một nơi  nào đó ở đất nước này, bà con giống như "nhà mình", ngồi tàu hỏa cạnh nhau 5 phút là biết hết chuyện tám đời tổ tông kẻ xa lạ trước mặt.

Vốn dĩ coi mình kém cỏi trong khoản nói năng với người lạ, thêm nữa là chẳng có mấy hứng thú với cái món này, hôm qua tôi tự động trở thành một kẻ khác, "buôn bán" bét nhè với cô gái trẻ ngồi ghế sau trên cả đường đi lẫn đường về.

(3)

Annie, tên tiếng Anh của bà mẹ trẻ hai con chưa chạm tuổi 30, đến từ một thành phố nhỏ - so với Thượng Hải và Bắc Kinh, còn chính xác nhỏ to thế nào thì chính đương sự cũng mơ hồ vì không có bất cứ ý niệm nào về diện tích hay dân số của nó - tỉnh Phúc Kiến.

Tốt nghiệp trung học, cô theo tiếng gọi của giấc mơ kiếm được nhiều tiền ở xứ cờ hoa, một thân một mình lặn lội đường xa đến nơi có nhõn một bà dì họ và ông chồng của bà, cả hai là chủ một quán ăn Tàu ở New York.

Ngày thứ nhất đến xứ sở xa lạ, cô thấy nhà cửa phố xá xấu, không đẹp như ở quê mình.

Ngày thứ ba ở nơi đất khách, một nửa chữ tiếng Anh không rành, cô được dì họ đưa đến chợ Tàu, bỏ mặc tự thân vận động với một câu, thích làm gì thì làm.

Cô bị chê là trẻ con nên không được làm ở quán của chú dì mà lần lượt kinh qua thử thách phục vụ, chạy bàn ở một dãy dài các tiệm ăn từ Tàu qua Tàu-Nhật đến Mã-lai-Tàu ở năm tiểu bang khác nhau. Có quán làm hơn mươi ngày. Có quán làm dài dài vài năm.

Annie không than phiền chê trách chú dì, cũng chẳng mở giọng cay đắng khi nói về những đoạn thử thách này, chỉ đơn giản là tổng kết, tao đã làm việc rất vất vả, đã rất cố gắng.

(3)

Annie kể về cha mẹ, về em trai, về những ngôi nhà [của cha mẹ] ở thành phố quê nhà, về căn hộ rộng rãi ở Manhattan của bà mẹ, người yêu thích việc sống ở New York nhiều hơn là với chồng con và các cháu trong cái làng nhỏ không có gì đặc biệt.

Bỏ qua yếu tố Annie là ai và đang làm gì, người thân của cô đủ để đại diện cho hình ảnh một lớp người Trung Quốc khá giả, nếu không nói là giàu có.

Tôi hỏi, mấy cái nhà, lại là nhà to, sao cha mẹ mày không cho thuê. Không, vì như vậy phải quản lý phiền phức, lại dễ bị hỏng đồ đạc.

Tôi hỏi cha mày không buồn khi mẹ mày đi chơi suốt và sống ở New York phần nhiều thời gian vậy à. Không, vì cha sau cả một đời làm xây dựng đi tới đi lui Singapore thì giờ thích hưởng thụ cuộc sống yên tĩnh, chạy máy cắt cỏ cái vườn rộng thênh thang trước và sau nhà, trồng và chăm hoa cỏ, rau củ, hóng bọn chim chóc...; và vì mẹ là người rất năng động với phương châm phải luôn làm việc chăm chỉ, phải luôn tiến bước, giờ qua tuổi 50 chút vẫn đang quay như chong chóng với kế hoạch học bếp Đài Loan để hướng mở một quán ăn ở Trung Quốc, vả lại ở New York thì có thời gian xã hội phong phú và sôi động với các bà bạn giàu chứ không phải sống tịch mịch như ở nhà cô con gái rượu.

Annie kể em trai lấy vợ, điều kiện hàng đầu nhà bên kia đặt ra là căn hộ có căn hộ, xe có xe, lại thêm tiền nhét tài khoản mấy trăm ngàn [đô]. Kèm lời giải thích, ở Trung Quốc là thế, nếu không sao lấy được vợ. Lại kể, cậu em ông hoàng nhỏ này mỗi lần cha mẹ hay chị gái và anh rể về nước đều không quên dặn dò mua giúp vài món đồ tốp-bờ-ren mới ra lò vì ở Trung Quốc còn rất khó mua hay vì giá chênh ngất ngưởng, kiểu như thắt lưng Gucci hay giày Adidas. Kể xong không quên thè lưỡi, tao không hiểu tại sao mấy thứ đó quan trọng và tại sao ở Trung Quốc mọi người suốt ngày mải so sánh với người khác như vậy.

(4)

Tôi hỏi Annie, vợ chồng liệu đã có ý định gì trong việc sau này mở một tiệm ăn riêng của mình. Ồ, đương nhiên là rồi.

Được hồi nghe kỹ, thì ra là ý định, ý chí của Annie. Vì chồng của cô quá ưa chuộng sự ổn định, thực hài lòng với cuộc sống hiện tại, ngại va phải chướng ngại vật khi dò đường lạ.

Annie bảo, đến nhà cũng là tao giục mua. Chồng bảo ở căn hộ ổn. Lại bảo sao mình có đủ tiền. Vợ hỏi bạn mấy lượt, đi tìm ngân hàng ở New York đứng vay tiền, ngó nghiêng mấy cái nhà và thế là mau chọn trúng ngôi nhà hiện tại.

Tôi bảo, mày kể chuyện cứ như đi chợ mua rau ý nhỉ. Cô gái cười cười, ra chiều đồng ý. Mà chuyện này nếu so với ông bạn già vật vã mấy năm bán không xong một cái nhà và một căn hộ, với quá nửa số lần lý do đến từ việc ngân hàng không cho người có ý định mua nhà vay tiền, thì chẳng đúng quá còn gì nữa.

Tôi lại hỏi, thế ở tiệm hàng ngày vợ chồng mày có lưu tâm để ý cách thức quản lý, chạy một cái tiệm ăn thế nào không. Lại là câu trả lời, đương nhiên rồi.

Tiếng Anh của tôi nham nhở, cô gái trẻ sang đoạn hưng phấn của cuộc trò chuyện líu ra líu ríu, nhiều chỗ tôi nghe cứ gật gà gật gù chứ đích thực đoán nhiều hơn là hiểu trực tiếp. Đại ý, cô đang quan sát vụ nhập thực phẩm thì phải.

(5)

Chuyện sang người làm trong quán. Annie kể, ông chủ có mướn mấy người tại chỗ nhưng họ lười, trúng giờ quán bận nhất thì lẩn nên được hồi cả một danh sách part time chỉ còn đâu một vài vị thi thoảng tới giúp đứng lễ tân và nhận đơn qua điện thoại.

Quán giờ đứng bếp chính phụ tuốt tuột là người Tàu, chạy bàn nửa Tàu nửa Thái. Đa quốc tịch lao động, lại là người Á, có nhiều cái hay. Ví dụ, cái siêu thị Tàu to gần bằng Walmart này, sở dĩ cô biết là vì sau khi than phiền chuyện đi lại vất vả mỗi lần ra sao khi chạy xe tới phố Tàu ở New York mua đồ thì cô đồng nghiệp người Thái mách cho cái địa chỉ.

(6)

Annie nói cô có giấc mơ là học đại học. Nhưng làm việc rồi lấy chồng, sinh con, chăm con, phấn đấu mua nhà, rồi lại hướng tới mở quán nên trước mắt dài dài vẫn là chuyện cần phải working hard cái đã. Thêm nữa, chính cô cũng bổ sung, tao không đi trường học nhưng vẫn luôn để ý học [hỏi] [trường đời].

Mà xem ra giấc mơ học thức giờ được dồn hết cho hai bé gái, một bảy tuổi, một bốn tuổi. Bọn trẻ được học dương cầm, về quê chơi được gửi tới lớp học văn hóa và chữ dân tộc. Annie nói đã từng muốn mua nhà ở cái làng bên cạnh vì trường học nghe nói tốt hơn, song điều kiện chưa cho phép thì để tính sau.

(7)

Annie kể chuyện cậu em sính hàng hiệu, chuyện những bà bạn giàu có của mẹ cô, về những người bạn ở quê nhà có mái tóc đẹp hơn cả người mẫu quảng cáo dầu gội đầu vì được chăm dưỡng đều đặn ở spa. Giọng kể không cao chẳng thấp, chỉ thi thoảng bổ túc chút bình luận, tao không hiểu sao mọi người lại thích so bì và mua sắm hàng hiệu đến vậy.

Cô kể, có bà bạn của mẹ qua chơi 18 ngày, yêu cầu đầu tiên là được dẫn đến đại lộ số năm và kết thúc chuyến đi bà đã kịp phóng tay hơn 30 vạn đồng tiền Mỹ quốc. Đến lượt tôi hỏi, sao bà này giàu vậy. À, chồng bà ấy có mấy cái factories.

Cô lại kể, đến nhà một bà bạn khác của mẹ, có không ít món mạ vàng, vàng thật nhá, còn đèn là pha lê thủ công giá tiền cao đội trời. Tôi chẳng buồn hỏi cái câu sao bà này giàu vậy, mà hỏi thành, có lẽ bà này mua đồ không phải là vì thích mà là theo nguyên tắc phải mua đồ đắt nhất nhỉ. Trúng phóc luôn.

(8)

Đoạn cuối chuyến đi, tôi hỏi Annie, tao đoán thế này nhé, mày chịu ảnh hưởng của mẹ đúng không. Đúng, mẹ tao làm việc vất vả cả đời, giờ vẫn luôn không ngừng thử làm cái này cái khác.

Tôi lại hỏi, tao đoán nhé, mày rất may mắn khi không phải sống cảnh mẹ chồng-con dâu đúng không. Đúng. Bổ sung thêm, thi thoảng cũng có tý fights. Tôi đoán tiếp, lý do không phải vì mẹ chồng mày muốn kiếm chác từ vợ chồng mày mà là sợ con dâu đem tài vật của con trai mình cho nhà đẻ. Rất đúng. Nhưng phải thêm chú thích, đó là hình thức còn thực tâm mẹ chồng tao tốt. Nghe thêm hồi, à thì ra là mẫu hình văn hóa ăn sâu vào não trạng, là nỗi lo âu vô căn vô cớ thường trực ở lớp người cũ. Lại bổ sung thêm, đó là chưa kể thực ra thì chính mẹ tao vẫn thường cho bọn tao tiền.

Annie bảo cô có hai con gái, nên sẽ chẳng bao giờ có chuyện phải dồn tâm sức và tài lực cho con này [trai] mà ngó lơ con khác [gái]. Thêm nữa, chắc chắn cô sẽ không có cơ hội để một ngày bận tâm nghĩ ngợi đối phó, trong tưởng tượng, với nàng dâu như ở trường hợp mẹ chồng của mình.

(9)

Chúng tôi chia tay ở bãi xe ngập nắng. Cô gái trẻ Annie líu ríu vai đeo túi trữ đông đựng mấy món hải sản tươi chuẩn bị cho bữa tối hôm sau, hai tay kĩu kịt các hộp thịt vịt quay mà đồng nghiệp người Thái, người Tạng ở quán Tàu nhờ mua giúp, cười rạng rỡ nói lời tạm biệt và hẹn gặp bữa mai.

Tôi nhìn theo bóng cô, thấy mình mới méo mó, vặn vẹo làm sao trong cái hố sâu psy không đáy. Không phải là mặc cảm thấy mình kém cỏi trước cô gái trẻ. Mà là một cảm giác bất lực trước sự thật là tôi đang già đi, và thật mỉa mai cũng thật bất hạnh là tôi rất tiện lợi lấy luôn điều đó làm cái cớ bao biện cho việc ngại động đậy, ngại đi các bước đi mới.

Xỏ xiên chế giễu bản thân chán thì tôi quay lại nói với mình, nào hãy thử như Annie dũng cảm xem sao :-)

Hay như mọi khi, avanti 😄😄😄😄😄

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét