Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

bắc ninh 20.11.22

một thông báo nộp tiền - sống ở quê thì rẻ
(1)

Từ giữa tuần, tôi được báo hai cái hẹn. Một là mít-tinh lễ lạt theo kỳ cuộc ở trường đại học, mà việc vắng mặt sẽ bị ghi sổ đen để sau tính điểm trừ thi đua và như vậy ảnh hưởng đến phần thưởng cuối năm kêu ting-ting trong tài khoản. Một nữa là hẹn hò của các bạn cấp I trường Nguyễn Phong Sắc để thăm và chúc mừng các cô giáo cũ.

Tôi đỗi hẹn vì có gặp mặt gia đình ở Bắc Ninh. Khánh Ly nghe vậy hỏi sao không dời ngày lên 19. Ừ thì chính ngày là 19 nhưng rồi vì lý do khách quan nhà tớ phải dời lịch sang 20. Tôi xin đóng góp phần quà thăm cô giáo thì bạn gạt đi. Sau Giang Móm, bạn chí cốt của tôi ở khu tập thể trường Kinh tế ngày xưa, giải thích, hội chúng mình là gặp lần nào đóng góp lần nấy, chứ không có quỹ lớp chi chi. Tôi đã từng tham gia hội nhóm trường cấp I đôi ba bận, gặp lại các cô giáo cũ và các bạn, mà đến quá nửa tôi không nhận ra hoặc không nhớ nổi tên, cảm giác vui và dễ chịu. Khác chúng bạn đại học thường có chút ganh đua về công danh sự nghiệp, tôi nghĩ bạn cũ từ cấp I trèo lên tận trung học nếu có dịp tụ lại với nhau thì tình cảm về căn bản là vô tư và chân thành. Tất nhiên là không tránh chuyện trong hội nhóm đột nhiên xuất hiện một vài câu mời chào thực phẩm chức năng làm từ đậu nành :-)

(2)

Cuộc gặp mặt gia đình ở Bắc Ninh là một sự kiện to nhưng không được tổ chức theo kiểu long trọng. Một sinh hoạt vui vẻ, ấm cúng giữa các thành viên trong nhà cùng hai vị khách từ Hà Nội.

Cả nhà cười nhiều, với đủ kiểu chuyện trên trời dưới bể, từ đông qua tây.

Ông con rể chuẩn bị cả tuần, đến khi bắt điện thoại có hình thì như một con vẹt, Chúc mừng, Chúc mừng.

Thực là oan cho ông. Bạn đời đã cẩn thận hỏi tôi cách nói tiếng Việt lời chúc trọn vẹn, nhưng rất mau bị TL gạt đi vì câu đó quá dài và quá khó trong việc phát âm.

Tôi an ủi, ghi nhận tấm lòng là được a.

(3)

Ở thành phố, tôi nghe sục sôi chuyện trái phiếu, bất động sản. Có trong không khí một bầu ảm đạm mơ hồ. Rất nhiều người nói đến lừa đảo, vô trách nhiệm, câu rút thông đồng... nhưng xem như toàn bộ những câu chuyện này đều có một mẫu số chung là tính không-minh-bạch, và như vậy thì sự thật là gì chẳng ai dám chắc.

Ở nhà quê, tôi lại nhìn thấy một tông màu ảm đạm khác. 

Tỷ như anh họ gần gũi do Covid mà quyết định bỏ giấc mơ định cư Châu Âu, trở lại Việt Nam tái hoà nhập thật mau xét về đường sinh hoạt, nhưng sang đường sinh kế thì ông anh cho tới giờ xem ra vẫn còn đang bế tắc. Câu nói "miệng ăn núi lở" của các cụ xưa xem ra chẳng sai. Anh họ không phải là người tiêu tùng hoang phí, nhưng có những khoản chi tiêu xã-hội "núi lở" đủ làm số tiền giắt lưng quần vài tỷ đồng tiền Việt Nam của ông anh cứ mỗi ngày một co rút lại. 

Nhà quê mới nhưng nếp nghĩ cũ, chuyện đi ăn giỗ - ăn cỗ chỉ vậy thôi cũng đã đủ tốn kém. Lại thêm cái món hội đồng niên, bữa trước tôi hiểu là chỉ dính líu cái vòng "tứ thân phụ mẫu", bữa nay nghe kỹ thì hoá ra một anh em cọc chèo của một đồng niên có sự cũng đủ là lý do để mời mọc đánh chén. Tôi lặp lại câu hỏi, thì giờ mình rút ra hoặc một vài trường hợp cứ mạnh dạn từ chối. Anh họ lặp lại câu trả lời đầy bất lực, đại ý vào rồi thì không ra được, và thêm câu, ở quê nó thế

Lại tỷ như chị họ xa mà gần do Covid và do cả hai thằng con trai không mấy ngoan của mình mà bỏ nghề hàng rong ở Sài Gòn để về quê làm nông. Có hơn tỷ đồng tiết kiệm, chị đưa cho em gái đâu như tám phần trong đó để em gái cho vay nặng lãi, đối tượng là đám cò đất đồng hương, tất cả đều sống ở tỉnh Nam không xa Sài Gòn. Nhà tôi ai cũng nhát, nghe vụ cho vay nặng lãi đó thì đều có ý khuyên chị họ cân nhắc thật kỹ phòng tránh xảy ra sự đáng tiếc mất tiền mất của, sau gần năm thấy chị mặt mày hớn hở nhận lãi thì cũng buông cái lo lắng này. Nhưng giờ, nghe nói đám đồng hương kia, mà trong đó có cả vài ông anh họ khác của TL và tôi, đã mấy tháng trời chẳng bán nổi một vuông đất thì lại hình thành một nỗi lo khác. Lần này không phải là số tiền gốc kia, mà là đoạn thời gian này chị họ coi như mất đi một nguồn thu nhập. 

(4)

Từ mấy năm nay, tôi nghĩ mình đã đổi khác nhiều trong cách nhìn về các sự vật cùng những quan tâm, mong cầu.

Tôi không nghĩ mình sẽ có ngày theo đạo Bụt, nhưng bên cạnh món triết lý nhà Đạo giờ thêm nhà Phật nữa, tôi thấy mỗi ngày một có lý, một gần gũi.

Cuộc sống này, người ta gán cho nó đủ mọi líu lo lý lý luận luận. Nhưng mà rốt cuộc, câu chuyện xem ra vẫn giản dị là biết mình là ai, hoàn cảnh của mình là gì, mình muốn gì và mình có thể hành tác đến đâu. Có rất nhiều chuyện, nhiều thứ nằm ngoài năng lực phán đoán, can thiệp của mình thì mình tốt nhất là đứng ở bên, vui thì ngó một cái, không rảnh thì quay lại chuyên tâm chuyện đời mình. Sống sao cho có chất lượng và an nhiên cái đời sống của mình trong khả năng của mình, thế đã là đủ rồi!

(5)

Ghi lại hai chuyện hài trong chuyến về quê thăm Bố Mẹ.

Ông cụ già hỏi bà cụ già, hình mẫu người chồng lý tưởng của Em là gì (?). Bà cụ già lấy tay che miệng cười, một ông mặc quần bò áo phông cắm thùng. Chuyện này chỉ ai trong ngữ cảnh này mới hiểu. Ông cụ già từ thời trai trẻ đã bị gán cái nhãn "ếch buộc" do cái tạng người gày guộc, chân dài thân ngắn lại cộng cái lưng hơi gù. Người vậy mà mặc quần jean thì rõ là làm mất đi giá trị của cái quần, lại thêm áo t-shirt cắm thùng nữa thì là phơi bày hết nhược điểm hình thể rồi còn gì. Nghe chuyện này, ông cụ già cười sảng khoái, như vậy thì anh yên tâm là Em không phàn nàn gì về [con người] anh. Còn các con gái thì trêu đùa, câu này Bố phải hỏi Mẹ từ hơn 50 năm trước cơ. 

Bạn nhỏ Hồng Tâm người Quế Lâm về góc nhà quê này của tỉnh Bắc Ninh chơi được chúng tôi dẫn đi một đoạn sang nhà anh họ uống nước trà. Trên đường, tôi chỉ trỏ và hỏi, ở nhà quê Trung Quốc nhà xây một hay hai tầng. Bạn này bảo, quê em đều là biệt thự. Choáng!

giàn cà chua mới

em là đậu đỗ

cải ngọt cải cay

một trong các món đá sưu tầm của tôi
giờ lăn lóc góc sân vườn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét