Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

bắc ninh 5.11.22

cái vợt tự chế dùng để bắt bướm trong vườn rau
chứ không phải là vợt châu chấu ngoài đê a
(1)

Trong chuyến đi về quê Ngoại lần này có bà cô bên Nội. 

Mà mục đích chính của chuyến đi là các cháu qua thắp hương nhân ngày giỗ bà bá thân thiết bên Ngoại.

Dù bà cô bên Nội biết bà bá bên Ngoại và dù chị họ của chúng tôi - con gái bà bá - hết mực mời bà cô bên Nội ăn cỗ thì cuối cùng trong nhà vẫn cứ là phân công nhiệm vụ, người ở lại đãi khách người đi ăn cỗ.

(2)

Bữa cơm nhà ba người, hai anh em là Bố và bà cô cùng với tôi, rất mực hài hước.

Bình thường ông cụ già tai kém mắt kém được bà cụ già phục vụ. Con về nhà chơi với Bố Mẹ, ngồi bàn cơm không đến nỗi vục mặt vào ăn nhưng về căn bản là coi như đương nhiên chuyện Bố được Mẹ hỗ trợ. Lần này, tôi mất mấy phút lóng ngóng mới hiểu ra cách thức phối hợp hành động bên bàn ăn.

Tôi nghe Mẹ phàn nàn rằng không ít lần "bắt quả tang" Bố đang rờ rẫm trong bóng tối làm gì đó mà dứt khoát không bật đèn và khi được hỏi tại sao thì ông cụ giải thích, đây là tập cho quen, để đến khi mắt mũi tệ hơn thì không bị bỡ ngỡ. Chuyện nghe vừa có chút buồn lẫn buồn cười. Con gái an ủi Mẹ, thôi thì cứ để Bố thoải mái. Quan trọng là đồ đạc đảm bảo đặt để đúng trật tự quen thuộc là được.

(3)

Chuyến đi này, tôi và TL tranh thủ thời gian các ông bà già lai rai tám chuyện từ chủ đề thành phố tới nhà quê thì rủ nhau đạp xe men theo một đoạn đường dưới đê. 

Quê mình phát triển, mấy năm trước có mốt xây nhà hai ba tầng có tum, có mái tròn kiểu đền thờ Islam giáo thì giờ đã chuyển thành nhà mái Thái một tầng rưỡi với mái ngói xếp lớp. 

Đi lòng vòng một hồi trong làng trước khi ra đường ven đê, tôi phát hiện giờ có thêm mốt mới là cổng vào nhà, cứ phải là hoành tráng với mái ngói che điệu đà. 

Có những góc trong làng đem lại cho tôi ấn tượng đang ở một khu nào đó của Hà Nội, không hẳn giống nhà giàu mới phô trương nhưng đảm bảo là đủ nhà vườn cùng cổng đẹp phủ cây leo hai bên tường hông, sân nhà không thiếu cây cảnh đa dạng và phong phú này nọ. 

Nếu có điểm đáng tiếc theo chủ quan mắt nhìn của tôi thì đó là nhà với nhà chưa đến độ san sát tường chạm tường và rặt sân bê-tông không một bóng cây xanh như cảnh vài làng nghề ở Hà Tây cũ nhưng đã kịp bắt nhịp xu hướng đất chật người đông phân lô bán nền nhà giống nhà, phong cách giống phong cách. 

(4)

Tôi hỏi thăm tình hình chùa và ao chùa, hay chính xác hơn là ao làng đang được ngấp nghé hoá phép thành ao chùa. Mẹ nhận xét, các già giờ gõ mõ đã chuẩn chỉnh hơn nhiều, không còn giống tiếng băm rau lợn nữa. Còn anh họ có nhà nhìn ra ao thì phấn chấn, tương lai tươi sáng ở ngay trước mắt, chẳng mấy chốc ao làng sẽ hoá ao chùa và nhà chùa sẽ thả sen, và thế là anh họ tha hồ ngó sen. Hy vọng là tương lai này ở không quá xa, và nhất là chuyện ao làng-ao chùa không trở thành một phiên bản của đếm thúng vỏ chai.

(5)

Nhà anh họ đang ở vốn là của Ông Bà Ngoại. Về nguyên tắc, bà cụ già nhà chúng tôi cùng bà bá đang ốm nặng ở một tỉnh xứ Nam có phần thừa kế. Chuyện ở quê là con gái đi lấy chồng tầm tuổi Mẹ và Bá chẳng ai nghĩ đến cái món này. Còn mồ ma Ông Ngoại, một người siêu trọng nam khinh nữ, thì lại càng chẳng phải bàn tính chuyện này.

Anh họ có hai người em gái, đều lấy chồng ở trấn huyện cách nhà không xa. Ở tuổi của họ, vấn đề thừa kế đương nhiên là đương nhiên. Được cái hai chị họ cùng chồng của họ nhất trí cao độ rằng thì là mà họ không tơ tưởng phần nhà của ông bà cha mẹ. Hai chị họ như vậy là ký xoẹt miếng giấy, 

Còn lại một mối phải giải quyết là mẹ đẻ của hai chị họ, tức kế mẫu của anh họ, dù qua đời cách đây đã nhiều năm thì theo luật bà cụ thân sinh là bác gái có quyền hưởng một phần nhà đất. Một bà cụ già tám chín chục tuổi sống ở Hưng Yên có món thừa kế ở một xó nhà quê tỉnh Bắc Ninh vì con gái gả xa quá cố của mình. Chuyện nghe lạ nhưng mà đúng vậy. May là nhà ngoại-kế-mẫu rất chi là thân thích, giấy tờ cũng được ký xoẹt.

Tưởng chuyện đã xong, anh họ lên xã làm giấy tờ nhà đất để chân chính đứng tên thì cán bộ xã bảo, chỉ được sổ đỏ sổ hồng cho diện tích nhà ba trăm mét vuông, còn mấy trăm mét vườn thì gọi là đất 50 năm. 

Ơ kìa, nhà bên này của cô chú tui - tức hai cụ già nhà chúng tôi - vừa mới làm lại giấy tờ cả nhà và vườn đều ô-kê-la hết mà. Đem cái sự so sánh đó ra để thắc mắc thì anh họ được giải thích, chuyện này liên quan đến cách làm giấy tờ từ/của ông chủ nhà cũ - người đã bán lại nhà đất cho hai cụ già nhà chúng tôi. Ông này có hai nhiệm kỳ làm ông nghị quốc gia, tinh khôn thượng thừa nên chuyện giấy tờ chặt chẽ hẳn cũng không đáng ngạc nhiên đi. Còn nhà của Ông Ngoại, tức Ông Nội của anh họ, thì cứ tự nhiên đê vỡ thì thuận theo phân chia của hợp tác xã mà vào ở, nào ai có để ý săm xoi giấy tờ từ cái đời thưở nào a.

Nghe nói anh họ đang "đấu tranh". Nghe nói cán bộ xã đang "lừng khừng" vì ở đây mấy chuyện đúng sai có không dứt khoát không phải là rõ ràng, ông bà xã sợ trách nhiệm sau này nên cứ chọn hướng giải quyết an toàn nhất cho họ. Giờ họ lại phải bòng thêm một nỗi lo là nhân dân cáu đi tìm thầy kiện thì không khéo hoá thành cán bộ dốt, cán bộ nhũng nhiễu. Làm cán bộ kể ra khó a.

(6)

Chuyện về các anh chị họ gần gần của chúng tôi nghe kể cả năm cũng chẳng thiếu. Và chuyện nào cũng dư dả tiếng cười.

Cháu giúp cô chú giải quyết việc nhà. Hai ông bà già đi lại không thuận tiện, ỷ được vào cháu mà xong việc thì có phần quà cám ơn cháu. Vòng vo đi tới đi lui, cháu cuối cùng cũng nhận cái phong bì. Tưởng chuyện thế là xong, đến ngày có tiệc giỗ được tổ chức ở nhà một cháu khác gọi Bố Mẹ chúng tôi là chú dì thì cháu họ nhận quà khoe loạn với cháu họ chủ nhà. Chị họ tức thì, thế dì cho bao nhiêu. TL kể chuyện này cho tôi với nhận xét, buồn cười nhỉ. Tôi nghĩ nếu là mình vài năm trước, hẳn sẽ có chút bực, hẳn sẽ bảo anh họ sao mà thô tháo. Nhưng giờ thì tôi cũng hì hì, anh chị họ mình vui tính thế, thực bụng dạ cũng chẳng có ý tứ xa xôi gì đâu. 

Lại có anh họ khác nhìn thấy bà cụ già nhà chúng tôi sang nhà anh họ thân cận nhờ làm khung cho cái vợt thì hỏi dì làm để làm gì. Bà dì vui tính, để tao ra đê bắt châu chấu về rang ăn chơi. Tôi nghe chuyện đến đoạn này đã lăn nửa người khỏi ghế, Mẹ lại trêu đùa anh họ rồi. Đấy là tôi biết tính bà cụ già, còn anh họ kia không biết thì hoá thành phi thường nghiêm túc "mắng" bà dì một chặp. Đại ý rằng thì là mà già rồi còn dại, đi loạng quạng ra đê ngã ra thì sao, làm con cái khổ. Bà dì bị cháu giáo huấn vậy thì vội giải thích, tao đùa mày thôi, làm vợt là để bắt bướm trong vườn rau. Ông cháu tức thì dừng lời, bảo dì làm cháu sợ hết vía. 

Chuyện anh chị họ nói với nhau hay dì cháu đối thoại nghe thô thô tháo tháo vậy nhưng chân thật cái tình người. Còn hơn khối người thành phố mặt hoa da phấn lễ nghĩa chỉn chu đầy mình nhưng lời là lời, chỉ được cái lấp lánh bề mặt chứ ý tứ quan tâm thực thế nào nào có ai dò ra được. Tôi nghĩ mình đã dần dần quen cái sự thô tháo quê mình như vậy. 

(7)

Sau bữa giỗ-cỗ trưa, vợ chồng chị họ qua nhà chúng tôi chơi. Chị họ giày cao gót đỏ chót, nguyên một cây trắng phau áo vét quần tây ống rộng làm tôi liên hệ đến nhân vật cô hầu phòng khách sạn mượn tạm đồ bà khách giàu do cô đào Jennifer Lopez thủ vai.

Chị họ kể đầu tư cho con trai hơn trăm triệu đồng tiền để luyện thi ai-eo, giờ bài làm thử tính ra mới được cỡ 5.5 điểm. Vì thế mà giờ anh chị tiếp tục kiên trì đầu tư, với hy vọng thằng bé mau khá khẩm. Anh chị hy vọng một lộ trình cho thằng bé là học tốt cái đại học trong nước rồi sau đó ra nước ngoài cho biết đó biết đây và trở về với cái bằng mát-xờ-tơ. Thằng cháu này chầm chậm nhưng xem ra còn đỡ đáng  lo hơn con bé em gái. 

TL có ấn tượng không mấy tốt về con nhóc này, kiểu như nghĩ nó ỷ bố mẹ giàu mà kiêu. Nhưng bữa rồi nghe chị họ kể về đứa cháu gái thì TL đã có kết luận mới, rằng thì là mà cháu gái này hẳn là đã tu-đắc-đạo.

Chuyện là con nhóc học không dốt không giỏi, thờ ơ với tất cả mọi thứ, bảo làm nó làm, nhưng hỏi nó có thích có ham mê không thì nó dứt khoát nói không. Buổi sáng bố mẹ quên cho tiền ăn sáng thì nó nhịn, không nhắc cũng chẳng kêu gào trách cứ. Nó đi học đúng lớp mẹ nó dạy, mẹ nó thấy nó bò ra bàn, hỏi ra thì chẳng phải buồn ngủ chẳng phải buồn chán mà nó vốn là thế. Mẹ nó lại hỏi có hiểu bài không, nó bảo tức thì không hiểu nhưng từ từ thì hiểu ra. 

Tôi tò mò, thế nó có chơi tíc-tốc, có thích thần tượng Trung-Hàn chi chi không. Chị họ bảo không. 

Đơn giản, theo lời chị họ, là nó tưng tửng, là nó lười, là nó nhạt nhẽo không mùi không vị, thờ ơ với hết thảy mọi thứ trên đời. 

Với mô tả thế thì rõ ràng là nó tu tiên tu đạo ngay trong cõi thế tục này rồi còn gì. Mà đứa cháu gái này nếu là ở tuổi 20 thì hẳn TL và tôi sẽ nhất trí cao độ, đây là một phiên bản Việt của thế hệ nằm dzuỗi - tang ping đi :-)))

(8)

Ở quê nhiều người dù tuổi tính ra chưa già nhưng đã sâu sắc sống chậm, ề à lề thói sinh hoạt kiểu các cụ xưa. 

Nghe nói giờ bùng nổ cái một tham gia hội nhóm đoàn thể nhân dân tự tổ chức, tức là ngoài khuôn khổ ông bà mặt trận quốc doanh. Tỷ như anh họ thân cận mới đây đã ghi danh vào một cái hội đồng niên ở làng.

Chuyện hay ho của những sự tham gia này có nhiều, nhưng bất tiện kể ra cũng lắm. Tỷ như từ ngày tham gia hội nhóm, ông anh tốn kha khá quỹ thời gian cho những chuyến thăm hỏi "tứ thân phụ mẫu" của các thành viên trong hội. TL nghe anh họ phàn nàn thì mở lời ra sáng kiến đánh roẹt, xin ra khỏi hội là xong. Anh họ thủng thẳng, ở quê mình nó không thế.

Còn một sự không tốt lắm của việc tham gia hội nhóm đoàn thế nhân dân kiểu này, lần này là theo quan sát của bà cụ già nhà chúng tôi chứ không phải là từ nhận xét của chính bản thân anh họ, đó là việc tụ tập rượu chè. 

Nghe nói các hội rất chịu khó ra đình sinh hoạt, mà sinh hoạt thì có thêm món rượu. Anh họ vốn là người chỉn chu, giờ chưa đến mức là sâu rượu nhưng là người thích uống rượu, thích thịt chó thì rõ mười mươi rồi. Chuyện này đương nhiên là ông anh chẳng phàn nàn, nhưng chị dâu họ hẳn chẳng mấy vui. Còn bà cô, tức Mẹ của chúng tôi, thì có chủ đề vĩnh cửu để mà thi thoảng lại kêu ca tý chút về thằng cháu nhà mình.

chợ quê

nhà có người đi Nam, đã qua tay nhiều "nhà đầu tư" mới
nguyên chủ ly hương vĩnh viễn
cứ thế bỏ lại sau lưng nguyên cả ban thờ, giường tủ chiếu chăn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét