Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

bắc ninh 31.12.2022

ra vườn đụng phải trái bầu

(1) 

Mẹ sợ con bị lạnh thì bảo, thôi đừng về. Con cương quyết, phải tiễn năm cũ và chào đón năm mới chứ :-)

Con gái sợ bà cụ già nhà mình lọ mọ ngoài sân sơ chế thực phẩm nhiễm lạnh thì bảo, bữa nay bọn con không cần món gà, cứ tính món gì đơn giản làm trong bếp nhà là được. U lại nói, phải đánh chén ra trò chứ. 

Cuối cùng thoả hiệp là không có món bánh chưng gói và luộc cho con mang ra Hà Nội. Nhưng vẫn đảm bảo một hộp bự xôi vò, gà luộc, tôm hấp cùng chút tươi mát của đậu đỗ hái từ vườn nhà cứ đơn giản là luộc lên. 

(2)

TL nhờ hàng xôi ở nhà cũ kiếm mấy yến gạo nếp ngon để mang về cho Mẹ gói bánh chưng Tết.

Tôi thắc mắc sao mua nhiều, về nhà mới biết là U nhà mình tính toán cho cháu gái họ mấy ký. Mà khéo lắm nhá, TL đi cùng Mẹ mang gạo và mấy món quà nữa vào cho chị họ. Tính là đây là của chúng em biếu anh chị. Tôi không để ý mấy chuyện vai vế, thứ bậc nhưng Mẹ thì coi trọng chuyện này. Chị hay cho các em rau củ, giờ các em có quà gạo bánh gửi chị. Còn lúc nào dì cho cháu quà thì lại là chuyện khác. 

Với anh họ con nhà bác ruột thì xem ra chuyện đơn giản hơn. Mà cũng đúng, vì chúng tôi có trò hay là kiếm các món đồ hiếm cho ông anh, đổi lại là thỉnh thoảng lại "thăn" một hai đồ vật gì đó từ trong xưởng của anh, tỷ như một cái bình gốm chưa cổ nhưng chắc chắn rất cũ, hay một miếng kệ gỗ hình dáng kỳ dị, hay như là này là một khối đá được đẽo đục thành chậu trồng cây cảnh mini. Dì cháu qua lại đối đãi thế nào là việc ở quê của dì cháu, còn hai đứa em họ từ Hà Nội về thì có một dạng thức trao đổi qua lại riêng, rất chi là hoan hỉ. 

(3)

Chùa làng vốn yên tĩnh giờ xem ra thành ổ phát phóng ô nhiễm âm thanh.

Sau cuộc chia tay giữa sư mới và vãi cũ, sư chùa đã kịp tuyển một đám bà già để dạy gõ mõ và có vẻ trình độ gõ của các già đã tiến bộ theo thời gian. Nếu chỉ có vậy thì đã chẳng nên chuyện. 

Chuyện là cụ thân sinh của sư qua đời. Sư bận đi đâu chẳng rõ, để lại chùa cho các bà già với nhiệm vụ gõ mõ... và truyền âm niệm Bụt qua cái loa to tướng. Hàng xóm sát chùa không chịu được sang nhắc, các già ngó lơ. Cụ già nhà mình không hiền như cô kia, sang chùa nói mấy câu, kết quả chỉ còn tiếng mõ, loa tắt ngúm. 

Anh họ sống ở đối diện chùa than thở mình là nạn nhân của ô nhiễm tâm linh. À, hoá ra đâu chỉ chuyện chuông mõ tụng niệm từ bên chùa làng vọng sang. Hàng xóm sau nhà là một điện tại gia, nhảy đồng với loa kéo cứ gọi là đinh tai nhức óc nửa làng.

Tôi nghe mấy chuyện này cười rũ rượi nửa ngày. Ở nhà của Bố Mẹ, ca nhạc của lễ hầu đồng vọng sang không đáng kể. Còn tiếng chuông tiếng mõ [của/từ] nhà chùa, nghe mãi tôi cũng tính là quen. Sém chút tôi còn trêu bà cụ già nhà mình, thôi thì Mẹ không có duyên tu chùa thì tu âm thanh mõ chùa. Quán âm thanh rồi quán luôn phức hợp các tâm trạng của các già gõ mõ, đại loại thế đi a :-)

(4)

Con về nhà quê, mang cái này cái nọ về thì thường là sẽ bị "mắng". Hai cụ già có công thức chung, đại khái là không cần thiết, là tốn kém. Nhưng con vẫn mang đồ về. 

Tại sao?

Chẳng có cảnh vẻ chi chi thể hiện ở đây. Cũng chẳng vì hoang tàng phóng túng.

Nhiều năm trước, tôi được vài vị gia trưởng dạy về chuyện ứng đối với lớn trong nhà, đặc biệt khi mỗi ngày ông bà, bố mẹ càng già đi. Trong nhiều cái gạch đầu dòng lưu ý, có chuyện là phần đông người già dù sung túc tài vật đến mấy thì vẫn thích cảm giác được con cháu quây quần bên cạnh với đồng quà tấm bánh nho nhỏ xinh xinh.

Ngày cuối cùng của năm cũ, con ở Hà Nội bận cong đuôi vì tá lả việc không tên, vội vã mang về quê chỉ là một lốc lịch đại. Lịch năm nay còn to hơn cả năm trước, một tờ thôi khéo cũng đủ bọc cho cả một cái bánh chưng Tết. 

Năm nay, cả hai cụ già đều không mắng yêu con gái, sao phải cầu kỳ. Lốc lịch mới được treo trên nền tường mốc, bỗng chốc cả một góc nhà sáng vui rực rỡ.

đào thắm lơ mơ thay cho đào cổ thụ đã thành tiên cổ

đào phai quà từ hàng xôi mấy năm trước

quà măng khô Tuyên Quang

công trình của anh họ
miếng đá phù phép hoá thành cái chậu trồng cây nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét