Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

lảm nhảm: tết "mệt" và khi tết là một cái "bẫy"

Tết tầm tầm
(1)

Con gái hỏi Mẹ cần gì cho Tết. Bà cụ già đã nhận được gạo và đỗ như ý, lại có quà măng khô từ bạn đồng nghiệp của con gái, rồi ngay ở quê đã kịp mua đủ nấm hương mộc nhĩ... thế là dứt khoát nói không.

Sau một hai tuần, con gái lại hỏi Mẹ cần gì cho Tết. Lần này bà cụ già bâng quơ, nếu có mắm ngon thì mua mang về một chai.

Cô chú người quen có nguồn mắm ngon nhà làm tỉnh Nam giờ đang sum vầy con cháu ở Paris, muốn kiếm chai nước mắm ngon giờ phải tính phương án mới. Tôi nắn nót một gạch đầu dòng, mua mắm ngon.

(2)

Hai chị em trò chuyện, nhất trí cao độ, Tết này dứt khoát không tốn tiền cho cây.

Xong rồi cô em nhân mua hoa lan gửi cho người ốm thì quyết định nhà mình cũng nên có một chậu lan nhỏ xinh xinh. Rảo bộ cả một đoạn phố chuyên cây, mặc cả gãy lưỡi được bớt mươi ngàn đồng tiền cho chậu lan nhỏ, mang hoa về nhà trình bày trong một cái bình vẽ hoa mẫu đơn phong cách nước Tàu, rồi nhìn nhau cười ha ha, hoá ra mình vẫn mua cây.

Mà đã vậy thì tiện thể tính toán, năm nay mua thêm một cây quất nhỏ a. Chuyện này đến giờ vẫn ở trạng thái gạch đầu dòng. 

Trong khi cây quất còn chưa xuất hiện trong nhà thì lão Tiên sinh chẳng hiểu vì cớ chi mà lên cơn cuồng cây và cuồng chậu [cây]. Cả một dịp mấy ngày tuần trước, ông lão thoắt ẩn thoắt hiện, cứ xíu là tót ra ngoài, vung vẩy tay, tui đi xem cây. 

Kết quả của các chuyến đi là một mớ cây nhỏ: hai chậu xương rồng hoa đỏ được bạn đời giải thích mua vì nhớ Mẹ, rằng thì là mà cây này đặc biệt lắm, mỗi năm chỉ ra hoa đúng một lần và luôn là vào dịp năm mới; một chậu xương rồng mini mà ông kêu làm ông nhớ Texas; và cuối cùng là một cặp nguyệt quế mini mà lý do mua chúng là vì ông muốn dựng một tiểu cảnh. Túm lại là mua cây nào cũng có lý do chính đáng. 

Mà đâu chỉ có bạn đời, tôi đây cũng một phút cao hứng mà vung tay. Trên con phố quen, đã nhiều tuần nay tôi để ý một cửa tiệm rất đặc biệt, bày hàng rất ít chứ không ngồn ngộn như các cửa hàng khác cùng phố. Và nhà đó có mấy chậu trúc cảnh xinh xinh thật xinh. Sau khi nghe tiếng ting-ting báo tiền quà Tết của cơ quan, con giời quyết định đã thế mình "ăn chơi". Nhà căn hộ giờ có thêm một chậu trúc tím, đặt cạnh cái ang nâu made in China trồng hai cây xương rồng nhỏ vốn cũng là thành viên cây cỏ mới tinh trong nhà.

(3)

Tầm đôi ba tháng trước, tôi nghe và xem nhiều chuyện về nhà máy đóng cửa và công nhân mất việc làm. Rồi chuyện có bao nhiêu tỉnh "nghèo" phải "xin gạo" [từ] Trung ương. 

Nhưng hình như đó chỉ là chuyện nơi xa. Còn những gì tôi thấy tức thì và ngay bên cạnh ở đất Hà Nội này thì xem ra khác xa.

Các chậu phong lan khổng lồ được nhà giàu mới mua về bày, được nhân viên mua biếu thủ trưởng, hay công ty này kia chi nọ gửi tặng đối tác. Tầm tầm người phàm thị dân cưỡi xe máy lượn đi lượn lại phố hoa, cứ tưởng là tính toán chặt chẽ nhưng rồi cũng là chật ních một xe hai bánh trước sau cây cỏ đủ loại và tiền bạc tính ra cũng là từ con số triệu đồng tiền. Ở tiệm tạp hoá nhỏ nhìn tưởng tầm thường nhưng giỏ quà người ta tới đặt cho nhân viên hoá ra cũng ngót nghét đôi triệu, trong khi sáng choang bóng loáng như An Nam trên Xuân Diệu thì lại có ông chủ chỉ dừng ở mức hộp quà triệu ba năm chục. 

(4)

Nhưng rồi chuyện vậy mà không phải vậy. 

Những sáng choang bóng loáng vẫn không che đậy được cái sự nhếch nhác, tạm bợ và nghèo nàn bản chất. Nhiều hộp quà tính tiền triệu nhưng chỉ được cái xác hộp cùng lớp vỏ bao gói. Nhiều chậu cây to nhìn hoành tráng nhưng nếu không phải là hoa và cây xấu mù thì lại là đơn điệu. Váy áo đầu tóc chị em tính ra không đến mức một trăm linh một con chó đốm phong cách thì về căn bản vẫn cứ na ná, xêm xêm.

Chợ Tết Hàng Lược không còn mùi vị của ngày xưa cũ, giờ hàng Tàu từ rẻ tiền tới trung trung tiền và cao tiền - tỷ như cho món đèn ti-pha-ni bày trên mấy cái đôn giả cổ - chiếm thế thượng phong. Chợ tiểu khu gần nhà bà con sắm Tết vẫn cứ là đắn đo mở đóng ví cho những món có khi chỉ là tiền chục ngàn, trăm ngàn.  

Tết nhất nhà ta tính ra chẳng khác gì hình ảnh hai cô gái tỉnh đất Bắc ngồi vắt vẻo ở Tân Sơn Nhất trong mô tả của cô em nhà mình. Hai gái mặt được làm kỹ lưỡng nhìn như chui ra từ một cái khuôn, tay đánh móng lập loè, điện thoại xịn gõ nhoay nhoáy, váy xống cùng một xì-tai. Phô bày rõ đẹp nhưng lúc cất giọng thì bèn bẹt nhừa nhựa. Và nhất là đến cái "quả chân", hai nàng chăm thật kỹ từ đùi trở lên mà quên mất đôi bàn chân sần sùi nhem nhuốc xỏ trong đôi oran sandal he-mẹt [Hermès].

(5)

TL nắn nót Tết là một cái "bẫy" với ý tứ là bà con lao vào mua mua sắm sắm, rồi quần áo chẳng có sức mà diện hết, thức ăn chẳng có sức mà xơi hết, tính ra rất mệt.

Tôi thêm cái ý, Tết cho người ta cảm giác trưởng giả, giàu sang giả tạo. 

Ngày trước nghe mấy người lớn than Tết mệt, tôi ngạc nhiên lắm. Giờ, tôi già rồi thì cũng học đòi than theo, Tết mệt!

tưởng hay hộp quà trưởng giả
bà con lại càng móc hầu bao mua sản phẩm mà thôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét