Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

tết ăn gì: bánh bèo vàng và canh cá tứ xuyên cải biên

đầu đuôi cá lăng nấu canh dưa chua kiểu bếp Tứ Xuyên
Tết này lạ lắm. Tôi ốm, dặt dẹo xuyên Tết. Cái sự ăn uống theo đó trở nên có chút miễn cưỡng. 

Trong năm, do không để ý mà tôi nhặt mấy bịch bột nano của một nhãn mác lạ hoắc hươ. Bỏ đi thì vừa tiếc vừa cảm giác có tội, từ hôm qua tới hôm nay chúng tôi tích cực đổ bánh bèo. Bánh thường làm sắc trắng, bánh nano công nghệ vàng khè. May mà vị không dính đặc trưng của nhà nghệ. 

Cá lăng Mẹ cho TL làm món nướng. Còn dư cái đầu và cái đuôi, lại nhà có sẵn dưa cải Mẹ muối gửi cho, tôi cao hứng, mình nấu canh cá Tứ Xuyên cải biên. Canh xứ người cá lạng lát mỏng cầu kỳ bao công đoạn, tôi đây thô thiển cứ gọi là. Nhưng mà hay nhá, canh nhà mình thiếu đường dầu mỡ, phần cay tê của ớt cùng xuyên tiêu bớt đi kha khá, món làm ra hoá lại hợp cái dạ. 

- Đầu và đuôi cá lăng nấu dưa cải muối chua chín vừa phải (không ninh kỹ kiểu canh dưa hai lửa với cá trê hay dẻ sườn bò).
- Hỗn hợp gừng + tỏi bằm nhỏ cùng vài lát hành tây thái mỏng được phi thơm với tiêu xuyên, ớt khô bếp Hoa, và quan trọng nhất là ớt ngâm chua bếp Hoa - Chinese pickled peppers pao jiao. Trong quá trình phi thơm các gia vị, chú ý bổ túc nước canh dưa xíu xíu một để được một dạng hỗn hợp nước sauce thơm đặc trưng bếp Tứ Xuyên.
- Nồi canh dưa sôi bên cạnh sẵn sàng, bên này nước sauce đậm đà vừa ý được trút sang nồi canh. Thêm vài đoạn hành lá xanh và múc canh ra bát là có thể đánh chén vui vẻ.

bánh bèo làm từ bột nano công nghệ... vàng khè khè

nhà là nơi ta sống: viu sông, viu ao và viu mái nhà

tết con mèo, đi chơi nhà viu sông
Đất miếng lớn bên kia Sông Hồng với khung sắt và nền móng sẵn sàng, chủ mới vừa làm xong thủ tục nếu muốn lập tức có thể gật đầu bán đi với một món lời tiền tỉ. Nhà xây lên, hình như tiền xây cất đắt hơn cả tiền đất, tức thì giá trị nhà gấp mấy lần tổng đầu tư mua đất với xây nhà. Tôi nghe chuyện thì khiếp hãi. Cứ bảo tại sao nhân dân giàu. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu chỉ là các phép cộng thuần thì xem ra gia chủ có một khoản lời khổng lồ về mặt lý thuyết. Còn tính tâm lực, trí lực và nhiều lực lực khác bỏ ra cho toàn bộ quá trình xây cất... úi chà, cái này gọi là vô giá.

Tôi nghĩ nhà ở cũng như con người và các sinh vật khác, nó/chúng có sinh khí cũng như khí chất của riêng mình. Nó/chúng cũng có yêu có ghét, có chọn lựa người đến định cư. Đâu phải cứ dzẩu môi lên, bố mày đây tiền lút đầu thích thì mua là có liền. 

Chúng tôi chạy xe 82 rì rì qua sông theo con cầu cũ, đến chơi Tết nhà viu sông. Nhà đẹp! Ai hỏi tôi có thích, tôi đáp liền có. Ai hỏi tôi có muốn, tôi chẳng do dự, em chẳng dám đâu. Ngay cả khi chúng tôi có đủ xèng để mua miếng đất và dựng lên ngôi nhà thì chi phí hàng tháng cho nó, chi phí cho một phương thức sống thích hợp ở đó thực vượt quá khả năng của chúng tôi chừng nào chúng tôi thường xuyên phải di chuyển thay vì có thể làm việc ngồi lỳ ở trong nhà. 

Bạn sống ở một nơi chốn trong hoàn cảnh cao không tới, thấp chẳng thông, kiểu một thị dân nhàng nhàng, chắc chắn bạn sẽ phải tính toán các chi phí lợi ích. Sống nhà viu sông [Hồng] đối với tôi là đời sống của đại gia theo đúng mặt nghĩa đen của từ :-)

Tôi hoan hỉ mỗi khi có dịp qua chơi nhà đại-gia và thưởng thức viu sông. Thời gian còn lại của các ngày sống, tôi hoan hỉ cái viu [các] mái nhà nhìn từ nhà căn hộ hay mỗi khi về Bắc Ninh là thưởng thức viu ao.

Suy cho cùng, nhà là nơi ta sống. Và viu gì cũng tốt khi chúng mình cảm thấy thoải mái ở trong đó cùng các tầm viu sẵn có hì :-)))

từ hiên nhà căn hộ - em đây viu mái nhà

nhà của hai cụ già ở Bắc Ninh - viu ao chuẩn mực

đi chơi khách: viu sông ngày Tết vắng bóng xà-lan

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

bắc ninh 4 tết: hoa vườn nhà

Ngày tôi về đón TL, xe đi Bắc Ninh từ 4 chỗ hoá thành 7 chỗ. Lái xe là một ông lạ hoắc, do hàng xôi tìm giúp. Bác tài đến hỏi, nhà mình đi Bắc Giang chỗ nào. Úi, nhà em bên Bắc Ninh a. 

Chọn xe to lần này có cái cớ của nó. Đó là bạn nhỏ Hồng Tâm trước Tết đề đạt nguyện vọng về thăm hai cụ già kèm giãi bày, em gặp ông bà thì nhớ ông bà nội của em. Tôi gọi vui, đây là khách tự mời mình về nhà quê chơi. 

Khách đeo kính cận, lần trước về quê chơi nhìn hai gốc mộc to trước nhà không để ý, lần này hoa mộc nở bung đầy cây thì khách vừa bước tới bậc thềm vào nhà tức thì dừng bước ngó nghiêng, quan sát, ngửi ngửi và quay sang nói, quê em có rất nhiều cây quế như thế này. Hỏi tới hỏi lui, tra đi tra lại bên nhà bác gúc-gù, cuối cùng chúng tôi hiểu ra, cây mộc nhà mình thì ở một góc xứ người có tên dân gian/dân dã là cây quế. Cái gì mà quế cao, đường quế, trà quế... đều là chỉ hoa mộc a.

mộc hương, mộc quế, mộc hay quế :-)

hoa mùi [già]

hoa bưởi

kê đơn độc góc tường

hương nhu tía?

cà chua

húng

kinh giới "cổ thụ" khô hoá

chanh vàng Mỹ giống Bồ [đào-nha]

thì là em là thìa-là

hành hoa

cúc trắng trong vườn rau

hoa cải

đậu đỗ

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

bắc ninh 29 tết: đất

Tết năm nay có chị họ con nhà Bá ruột - chị gái ruột của U nhà mình - từ tỉnh Nam ra ăn Tết. Chị họ lấy chồng ở thôn trên, cách một cánh đồng to. Chị họ bằng tuổi tôi, trong trí nhớ mơ hồ của tôi, đó là một bé con gầy guộc và nước mũi chảy ròng ròng. Có thể tôi đã nhớ sai, có thể tôi đã xuyên tạc hình ảnh quá khứ. Bất luận thế nào thì đúng là có đến gần 40 năm tôi không nhìn thấy chị họ này.

Qua lời chị họ, bà cụ già nhà mình biết là sức khoẻ của chị gái đã có nhiều biến chuyển tích cực, còn về các anh họ đại gia đất cát thì không khí hết mực ảm đạm. Hồi cuối hè năm trước, dù đau chân Mẹ vẫn quyết tâm làm một chuyến đi Nam thăm Bá. TL đưa Mẹ đi, về nhà kể chuyện các anh họ làm ăn tốt lắm. Tuốt tuột là đại gia đất, ai cũng vài chục mảnh, nhà Thái cùng vườn rộng rãi, xe ô tô đắt tiền và nói thì vung nước miếng lên tận trời xanh. Giờ qua lời chị họ được Mẹ trần thuật lại, các anh họ oằn lưng trả lãi ngân hàng hàng tháng, vẫn đảm bảo đại phú trên giấy tờ cùng các miếng đất to hữu hình.

Ở quê Bắc Ninh, sức ép đồng tiền liên quan đến đất xem ra cũng chẳng kém phần. Một chị họ ngày trước đi buôn thúng bán bưng ở Sài Gòn giờ hồi hương, có khoản tiền nhờ em gái định cư tỉnh Nam cho người cùng quê vay lấy lãi cao đề đầu cơ đất. Hồi đó biết chuyện, bên nhà tôi đã nhắc phải thận trọng. May là người cùng quê kia tử tế, còn vướng nợ ngân hàng hay ai thì không biết, nhưng khoản vay chị họ thì đã hoàn đủ. Vấn đề với chị họ là giờ có một cục tiền không biết nở ra tiền thì làm sao lo được lâu dài cho hai đứa cháu vốn có bố mẹ là giống loài vô tích sự. 

Anh họ khác hồi hương không phải từ đất Phương Nam mà là từ Âu Châu, một mớ tiền vài tỷ đồng mang về nước sau gần đôi năm không nghề chẳng nghiệp giờ cũng xem chừng sốt ruột. Anh bày tỏ lo lắng dù sao cũng là ở mức độ vừa phải. Sang vợ anh thì nghe nói là khiếp lắm. Cứ gọi là nhảy chồm chồm. Chị dâu họ này hồi trước đi đâu cũng vênh vênh váo váo chê người thiên hạ ngu. Rằng thì là mà chị đây đi đâu câu hỏi thăm hỏi nom đầu tiên cũng là về đất, được [giá] là quất liền. Giờ chị ôm hơn một miếng đất, cũng là nghe nói có miếng tiền bạc tỷ, nhưng mà giờ này nào có ma nào quan tâm mua đất. Thế nên chị cũng thuộc nhóm giàu trên mặt giấy [sở hữu].

sáng kiến trang trí của chị dâu họ xa lắc lơ
làng bên nhà giàu có thêm dãy đèn lồng đỏ lẳng lơ

chanh vàng vẫn vương vấn vị chanh Thái

đào phai trồng chơi chơi

vườn hồng giờ có bạn mới là rau

nhà cũ, người cũ kỹ... đón xuân

nhớ gốc đào cổ thụ

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

sách này tốt cho ai: tẩy độc bếp của pha lê

một cuốn sách hay
(1)

Tôi vô tình thấy sách này trên kệ của nhà Thái Hà phố Tô Hiệu. Ý đồ vào tiệm là lớt phớt nhặt vui mấy đầu sách mới cho bộ sưu tấm trinh thám của Higashino Keigon để đọc Tết. Sau rồi, tôi nhặt, tôi nhặt, và có một túi bự tá lả sách mang về nhà, từ truyện đọc giải trí đến phi thường nghiêm túc lịch sử thời thuộc địa và cả vài sách liên quan chuyện nấu và ăn. Pha Lê với Tẩy độc bếp: Vì không thể sống mà không ăn gì cứ như vậy mà hiện diện trong ôm sách tôi mang về nhà cuối tuần trước.

Tôi không nghĩ tiêu đề sách phản ánh thực sự nội dung của các trang giấy. Nhưng chắc là đứng về phương diện của người làm và bán sách, tên gọi từ tẩy độc tới dòng phụ đi kèm hẳn là có sức gây ấn tượng, tạo hiếu kỳ và khiến người ta dễ để ý, dễ mua sản phẩm chữ nghĩa bếp núc này [chăng] :-)

Nếu ai hỏi tôi, sách này là về cái gì, tôi sẽ vui vẻ mà đưa ra đáp án chủ quan của mình, một dạng từ điển nhà bếp! Và tôi sẽ không quên chêm thêm một câu là, mua sách này làm quà cho một thiếu nữ hay cô dâu mới quan tâm hay bắt buộc phải làm việc bếp núc tính ra không phải là một ý tệ. Tất nhiên, đối với những tiểu thư nhà giàu mới tay không dính nước, các hót-gơn em đây yêu thích du lịch và thời trang mà không cần quan tâm bếp núc, hay các bà chủ gia đình thời gian làm nữ cường nhân ngoài xã hội áp đảo thời gian quản gia nội trợ thì sách này chẳng có ích chi chi.  

(2)

Có rất nhiều nội dung trong sách này, khi tôi rờ nhanh các trang, rõ ràng là tôi có biết. Không phải là sự biết kỹ, biết sâu mà là lỗ mỗ. Kiểu như, à cái đấy ý à, tôi đã từng nghe, từng đọc. 

Giờ có cẩm nang này của tác giả Pha Lê, quả là lợi hại. Thứ nhất là tôi có thể nhẩn nha, nhâm nhi đọc sách bất cứ lúc nào. Thứ hai là về mỗi phần nội dung, tôi có thể từ từ mà khắc phục cái sự biết nông choèn choèn của mình, hướng tới một sự hiểu có tính hệ thống, chỉnh thể về bếp, về tác hành trong bếp. 

(3)

Một chuyện kha khá buồn cười tôi ghi lại ở đây là có lẽ do tính xỏ-xiên cố hữu ăn vào máu cộng với bệnh nghề nghiệp nên ngay cả khi mới chỉ gọi là đọc lướt qua mấy đoạn, mấy phần trong sách thì tôi đã kịp ê a nghĩ xiên hay nghĩ thêm ra đủ loại chuyện. 

Tỷ như phần Pha Lê viết về đường, tức thì con giời ngâm nga, chỗ này mà thêm vai trò của các quý bà Anh Quốc trong cuộc đấu tranh bãi-nô hay nữ quyền thì hay hơn nữa a. 

Hay, sách này sẽ hay 150% nếu tác giả hay người biên tập thêm vào mỗi một mục từ bếp núc một ghi chú rằng thì là mà cái này/món này tiếng Tây nó là gì. 

Túm lại, đây là cuốn sách tốt và tử tế. Cho những người chưa biết nhiều về bếp và cả những người nghĩ mình đã biết kha khá :-)))

Pha Lê
Tẩy độc bếp: vì không thể sống mà không ăn gì
Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2020, 293 trang

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

ô đảo ngọc

cuối cùng thì em cũng biết phở chiên phồng
(1)

Phố Cửa Bắc, trại Châu Long xưa gắn với lịch sử di dân của nhà bên Nội, cả một khu từ bốt Hàng Đậu vòng vèo lên chỗ tượng đài đối diện Đền Quán Thánh, tôi có cả một đoạn thời gian khi còn bé xíu lê la khám phá, thi thoảng một mình, còn phần lớn là với tiểu đội anh em họ nhà Nội. 

Khi đó, vỉa hè lát gạch đỏ hình chữ nhật chia thành hai phần vuông xẻ rãnh chéo nhau. Khi đó, chưa có chuyện xe máy hay xe ô-tô thượng lên hè. Cũng không nốt mấy trò xẻ đường, xới vỉa hè lắp đặt dây cáp này, ống nhựa nọ. Vỉa hè sắc đỏ bền theo thời gian, trừ vài chỗ mòn hay bị rễ cây chồi lên làm khấp khiểng thì còn lại là đẹp, an toàn. 

Khi đó, phần lớn nhà cửa cửa đóng im im. Cây xanh ngợp các con phố. Âm thanh nổi bật nhất của ngày không phải là còi xe hay xập xình loa kéo, mà là của đài phát thanh vọng ra từ sau các cánh cửa nhà và/hoặc râm ran ve kêu mùa hè. 

(2)

Tuần cuối tháng cuối năm cũ lịch trên, chúng tôi đi "ăn cưới". Vì phát sinh lượng khách mời bên nhà gái ngoài mọi dự đoán cùng tưởng tượng của bên nhà trai, chúng tôi - khách mời của bên nhà trai đầu tiên là nhường bàn cho khách ăn cỗ đến từ tỉnh xa, và sau đó là bất đắc dĩ nhận lời mời của một đại diện nhà trai siêu khéo theo kiểu rất đặc biệt mà đặt mông ngồi ké bàn tiệc đang hồi kết thúc. 

Chuyện ăn uống quả là chuyện giao tiếp xã hội. Sau khoảng nửa giờ thấy mình trong một tình huống dở khóc dở cười, đi không được ở không xong, hết đờ đẫn hoá thành nham nhở cười trước một ngồn ngộn bát đĩa dếch và chút thức ăn sót lại, cuối cùng, do chính nhà gái nóng vội lên đường về tỉnh xa mà chúng tôi đủ cớ để thoát tẩu thành công.

Và vừa là nhân tiện một tối cuối tuần, vừa là để giải quyết cái bụng rỗng, mấy người lững thững hướng hàng phở cuốn bên Ngũ Xã được bạn nhỏ đồng hành nhận xét là khá nhất trong các hàng em đã từng qua. Tôi nhớ có một lần ăn phở cuốn ở khu này, ấn tượng về món gần như là số không. Nếu có chút mới mẻ trong suy nghĩ thì đó là sự hiếu kỳ về món phở chiên phồng mà gần đây tôi hay nghe một vài người nhắc tên.

(3)

Càng đến gần phố "phở cuốn", âm thanh càng tưng bừng, thân ảnh người càng dày đặc. Phải mất một hồi tôi mới nhận ra mình đang bước vào một khu phố "đi bộ".

Tôi quê mùa, thật thà nghĩ đây là điều bình thường. Rằng thì là mà hẳn vào mỗi cuối tuần vì lượng người đến ăn quà đông đảo mà ở khu này người ta chặn lối xe cộ. 

Lại một hồi tôi phát hiện mình đang đi sau hai chú công an một béo một gầy. Một ông đứng từ trong tiệm ghi cafe kiêm đồ đồng thò mặt ra cười với hai công an rồi hét tướng lên, vì cứ chớp mắt cái chúng nó lại đậu xe chắn cửa nhà nên anh đây đành phải mở quán. Nghe thật lạ!

Lại thêm hồi, đến chỗ quán phở cuốn, yên vị tại bàn rồi thì tôi mới hiểu rõ. Cuối tuần này là dịp khai trương phố đi bộ ẩm thực a! Và tất cả đều ở trạng thái khởi động cũng như tập dượt. Từ ông công an và dân phòng chịu trách nhiệm về an ninh trật tự đến các chủ quán vùng biên mở cửa không muốn mà đóng cửa cũng chẳng xong và cuối cùng là các ông bà chủ trong khu lõi của phố ẩm thực, cứ gọi là xoay người như đèn cù và miệng thì cười ngoác vì tiền nhảy ào ào vào túi. 

(4)

Cuối cùng, tôi cũng biết thế nào là món phở chiên phồng. Không có gì đặc sắc. Không có chuyện ngon hay không ngon. Nếu có lời khen ngợi dành cho vị nào nghĩ ra món này thì đúng là thật khéo. Vừa đủ rẻ để mọi người ham vui gọi món. Vừa đủ hài hoà đáp ứng phổ thông vị của quần chúng nhân dân. Rau cải xào ngập trong nước sauce ngọt dịu đưa lại cảm giác thanh mát, lại có bánh phở chiên mềm đủ mềm mà phần vỏ ngoài giòn cũng đủ giòn. Đĩa món hẳn là chạy qua hàng thịt bò với tốc độ cưỡi tên lửa ngắm hoa, nhưng dù gì cũng đủ cung cấp một cảm giác, món này có thịt a :-)

Sang phở cuốn, tôi có chút choáng. Nhõn lá bánh phở cùng mấy vụn thịt và một cọng mùi. Chấm hết! Thịt xào nếu thử nếm riêng thì chẳng có chi nổi bật. Nhưng mà tính ra thì người làm món lại một lần nữa thật khéo. Chọn được lá bánh phở mềm, ôm ấp thịt cùng cọng mùi kia, gặp chút nước chấm pha lạt, lại hoá hài hoà. Tôi được TL giải thích, giải pháp vụn thịt bò xào cùng một cọng mùi là một kết hợp hợp lý. Vừa khiến ông bà chủ dễ kiếm lãi. Lại vừa tránh cái sự khách ăn người này sợ thơm người kia ghét kinh giới cùng tía tô hay người kia kia nữa không thích hăng của hành. 

Nếu ai hỏi tôi, có muốn quay lại đây không, tôi sẽ thật thà nói không, ít nhất là vào dịp cuối tuần khi có phố đi bộ. 

Lý do không nằm ở chỗ món ăn ngon hay dở. Mà chủ yếu vì cái sự đông và ồn, bát nháo, lộn xộn gây mệt của khu "đảo Ngọc" này.

(5)

Nhưng tính ra có lẽ tôi là con mụ dở hơi hiếm hoi trong thành phố bày tỏ ý kiến không yêu thích hay ham vui đến phố đi bộ Đảo Ngọc này. 

Tối đó tôi thấy các cơ thể và khuôn mặt người hớn ha hớn hở, từ già qua trẻ, từ nam tới nữ. Áo dài, váy ngắn, quần đùi [shorts] cũn cỡn cạp trễ còn gấu/mép quần thì rướn lên gần tới bẹn bất chấp tiết trời đêm kha khá lạnh. Tôi thấy cạnh các gia đình trẻ còn có rồng rắn lên mây chúng bạn tầm U50-U60 hẳn là họp mặt lớp cũ. Rồi cả một tiểu đội các cô trung trung tuổi rạng rỡ nghiêng đầu tay giơ hai ngón chụp ảnh bên cạnh cây cầu nhỏ vắt qua mương thúi bữa nay được trang hoàng đèn lồng rẻ tiên long lanh lóng lánh. 

Sắc là vậy. Thanh chẳng kém cạnh gì. Nhạc thùng hay nhạc loa kẹo kéo gì đó ầm ĩ từ góc này qua góc nọ tính ra thua hết một sân khấu nhỏ ở ngay trung tâm "đảo Ngọc" vừa là diễn văn nghệ vừa là tranh thủ quảng cáo cho đặc sản bia thủ đô. 

Tôi nghe các tầng âm thanh đó, gật gù, chắc chẳng chỉ riêng mình không thích đâu. Nhân dân nào thích sống yên tĩnh thì dù có giấu mình ở ngõ trong của mấy đoạn phố này hẳn cũng là phát khiếp. 

(6)

Nhưng, dù thì gì, vô tình khám phá "đảo Ngọc" bộ hành đó đem lại cho tôi nhiều thích thú. 

Việc phải dùng phương tiện căng-hải [hai cẳng = đi bộ] làm cho tôi trở nên bớt lắc lư tăng động. Lại thêm nữa là khi thoát khỏi vùng lõi dành cho khách bộ hành, trên đường tìm xe taxi về nhà, tôi phải ra sức cảnh giác trước các luồng người và xe bốn phương tám hướng gần như có thể va chạm vào thân mình bất kỳ lúc nào. 

Và vì thế mà tôi có dư thời gian nhìn ngó ra nhiều nếp nhà cũng như nếp sinh hoạt mang màu xưa cũ, gợi nhắc nhà Bà Nội ở phố Cửa Bắc, nhà Bà Trang - bạn tốt của Bà Nội - ở phố Phạm Hồng Thái.

phở cuốn: xíu bò bằm xào và đôi cọng mùi


ca nhạc-bia: vui vẻ cho kẻ đi ngang, mệt tai cho người sống cạnh

nếp nhà cũ, người ở trong có cũ?

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

thêm hai bạn mới cho tủ sách trà

Mấy năm rồi, tôi lọ mọ mua sách về trà, chủ yếu là của các tác giả Việt.

Mua xong thường có cảm giác mâu thuẫn. Thêm đầu sách cho tủ sách trà, tốt. Nhưng thoả mãn trong cái sự đọc, không hẳn.

Các sách có nhiều phần nội dung hay và hữu ích cho cái sự hiểu nông choèn choèn của tôi về thế giới trà. Nhưng đồng thời tôi gặp quá nhiều, hoặc là cái tôi kiêu ngạo, có đôi khi là hợm hĩnh; hoặc lại là những chiêu trò ma-két-tinh thô tháo, vụng về. Rồi mấy vị hay chữ, nhiều chữ, cho tá lả phong vị từ ngôn tình đến hoài cổ vào từng trang sách. 

Thế nên, có sách nhét vào một góc nhà, tôi khoái chí với cảm giác sở-hữu, nhưng đồng thời cũng chẳng có chút phấn khích, hoan hỉ nào trong việc "khoe khoang" trên trang mạng nhện này, rằng thì là mà tôi đây có sách mới về trà.

Lần này, tôi vui lắm. Cả Trà Thư lẫn Trà Kinh, tôi đâu phải chưa từng đọc hay không có. Tôi đọc nhiều bản, và có nhiều bản. Nhưng tôi vẫn mua bộ mới này. Vì sách vẫn tựa đấy, tác giả đấy nhưng cái sự dịch-thuật, cái sự làm sách (trình bày) rõ là có nhiều phần mới mẻ. Và bộ sưu tầm sách trà của tôi bữa nay quả thêm dày dặn. Cái lòng cái dạ thô lậu của tôi bữa nay lại được dịp bùng phát hoan hoan hỉ hỉ, phấn khích khoe khoang, tớ đây có sách mới về trà a :-)

Trà Thư của Okakura Kakuzo, Trúc Diệp dịch
Nxb Thế Giới - Thái Hà Books 2022, 163 trang

&

Trà Kinh của Lục Vũ, Sơn Dã & Huy Đông dịch
Nxb Thế Giới - Thái Hà Books 2022, 317 trang
Có hình minh hoạ thú vị và thêm phần Lời người dịch rất hay

củ cải chua ngọt làm tươi ăn liền: ba bước ngâm đường

sau ba lần ngâm đường
giờ là ngâm ngập dấm gạo cùng xíu muối
ai thích thì thêm vài gia vị cay hăng: tỏi, ớt, gừng
Có bữa qua nhà chúng tôi ăn tối, bạn nhỏ Hồng Tâm bày cho tôi một cách làm món củ cải mới mẻ, thay vì xử lý bằng muối thì là đường. Tôi nghe câu được câu chăng, sau đó có một lần thì làm thử. Công thức chẳng hỏi lại, cứ ẩu tả mà đánh đấm. Kết quả ra một món củ cải thiếu giòn, và thêm nữa là cảm giác tiếc-đứt-ruột vì tiêu thụ quá nhiều đường cho việc làm món. 

Hôm qua tôi quyết tâm học hành tử tế, theo dõi các bước làm món của khách đến chơi nhà. Củ cải chua ngọt làm tươi ăn liền này quả là thuyết phục tôi. Tính ra tôi có thêm một công thức mới cho chuyên đề củ cải ngâm/muối/ghém. 

- Củ cải tước bỏ vỏ, làm sạch thái miếng theo ý.
- Xóc lần 1 với đường, để sang bên chừng một phần tư giờ đồng hồ, sau đó dùng tay bóp nhẹ sao rồi chắt bỏ nước đường tiết ra.
- Xóc tiếp lần 2 với lượng đường nhỉnh hơn chút. Cũng ngần ấy thời gian chờ đợi. Cũng một động tác bóp đều cho thấu/ngấu rồi chắt bỏ nước.
- Xóc lần cuối - lần 3 - và lặp lại cùng các động tác.
- Sau đó là ngâm dấm. Dấm đây là dấm gạo, không tiếc rẻ gì mà phóng tay ngâm ngập bát củ cải. Đợi khoảng non nửa giờ, chêm xíu muối trộn đều là có thể dùng món.

Củ cải làm theo cách này giòn, ngọt và chua dịu. Ai đơn giản thì cứ thế ăn. Ai cầu kỳ thì tha hồ chế biến tiếp, từ thêm tỏi và ớt giã/bằm đến thêm cả gừng bào. Rồi muốn mặn thì thêm muối, thêm xì dầu, thêm nước mắm coi như là tuỳ ý. 

Tôi hỏi Hồng Tâm, tỷ lệ đường thế nào. Đồng chí em bảo, em làm theo "cảm-giác". Tôi cười hì hì, chị đây gọi là theo "trái-tim-mách-bảo". Dấm gạo ngâm ngập củ cải trong bát thì coi như rõ ràng minh bạch, ngốc mấy cũng nhìn ra đặng theo thuận lợi. Riêng đường thì tôi cứ ang áng thế này, cho một cây củ cải dài chừng 25cm và đường kính là nhỉnh hơn 3cm thì lần 1 ngâm đường cứ đại khái hai thìa súp, lần 2 và 3 sẽ thành 3-4 thìa đường.

Củ cải ngâm đường ba bước này đòi hỏi phải chuẩn chỉnh ở kết quả của mỗi lần ngâm. Đó là đường tan hoàn toàn, không để lại chút vân gợn nào. Dùng tay bóp củ cải trừ xíu cảm giác dinh dính do nhựa củ cải và đường ngọt tạo ra thì tuyệt đối món ngâm cứ gọi là trong suốt. 

Nhớ đường dùng ở đây dứt khoát phải là đường trắng. Mở ngoặc chút, chỉ vì yêu cầu dùng bạn đường này mà tối qua bếp nhà bỗng xuất hiện bạn ngọt ngào lạ hoắc này. Tôi chỉ từ đường phèn qua đường vàng đều bị bếp trưởng Hồng Tâm lắc đầu từ chối. Sau tôi nghĩ, đường trắng làm món tác dụng nào chẳng rõ nhưng về sắc thì đúng là trắng thật :-) Tất nhiên đó là trước khi thêm nước tương hay mấy gia vị tỏi ớt gừng chi chi. 

Món này chỉ cần nhỉnh ngọt hơn chút, dịu chua thêm một độ thì đích thị y chảng y chang cái đĩa nhỏ rau dưa trước bữa được bày ra trước mặt tôi ở mấy chỗ quán Nhật quen. 

Tôi ham ăn, ăn tạp và ăn tục nên thích nhất vẫn là món củ cải muối cần thời gian từ tẩy hăng bằng muối qua phơi khô rồi mới chui vào hũ nước tương. Nhưng thi thoảng nhanh và nhã thế này xem ra không phải là ý tệ chút nào.

Món này làm ăn với cơm kèm thịt luộc hẳn là ngon. Hay có khi là phần ăn kém cho một tô mỳ ramen. Còn tối qua, thay vì lấy cà la thầu ra ăn cùng bún thang thì chúng tôi dùng luôn củ cải chua ngọt làm tươi ăn liền này. Cũng rất ổn!

Càng ngày tôi càng tin vào một điều, chuyện ăn chuyện nấu không đơn giản là cái hành động cho đồ ăn thức uống vô dạ. Mà đó là cả một chương dài bất tận về giao tiếp xã hội, về những chồi chụt trong đời sống của một người - những cảm giác, những trải nghiệm... -, rồi nữa là quan hệ cả tâm lý lẫn hình lý giữa một chủ thể người với những thứ, những thức mang tên "nguyên liệu", cũng như một sự nhắc nhớ về đôi ba chuyện xưa cũ vốn tưởng mốc thếch nằm yên xó xỉnh nào đó trong các nếp não của mình đây. 

* Note ghi thêm: Món này có hai điểm "dở" to đùng: thứ nhất là lạm đường, lạm dấm; và thứ hai là món làm tươi ăn tươi, vì nếu để lâu chút dấm chua dịu chua vừa thành chua gắt gỏng và món sẽ mất đi vị chua ngọt tươi mới dịu dàng lúc ban đầu!

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

lảm nhảm: tết "mệt" và khi tết là một cái "bẫy"

Tết tầm tầm
(1)

Con gái hỏi Mẹ cần gì cho Tết. Bà cụ già đã nhận được gạo và đỗ như ý, lại có quà măng khô từ bạn đồng nghiệp của con gái, rồi ngay ở quê đã kịp mua đủ nấm hương mộc nhĩ... thế là dứt khoát nói không.

Sau một hai tuần, con gái lại hỏi Mẹ cần gì cho Tết. Lần này bà cụ già bâng quơ, nếu có mắm ngon thì mua mang về một chai.

Cô chú người quen có nguồn mắm ngon nhà làm tỉnh Nam giờ đang sum vầy con cháu ở Paris, muốn kiếm chai nước mắm ngon giờ phải tính phương án mới. Tôi nắn nót một gạch đầu dòng, mua mắm ngon.

(2)

Hai chị em trò chuyện, nhất trí cao độ, Tết này dứt khoát không tốn tiền cho cây.

Xong rồi cô em nhân mua hoa lan gửi cho người ốm thì quyết định nhà mình cũng nên có một chậu lan nhỏ xinh xinh. Rảo bộ cả một đoạn phố chuyên cây, mặc cả gãy lưỡi được bớt mươi ngàn đồng tiền cho chậu lan nhỏ, mang hoa về nhà trình bày trong một cái bình vẽ hoa mẫu đơn phong cách nước Tàu, rồi nhìn nhau cười ha ha, hoá ra mình vẫn mua cây.

Mà đã vậy thì tiện thể tính toán, năm nay mua thêm một cây quất nhỏ a. Chuyện này đến giờ vẫn ở trạng thái gạch đầu dòng. 

Trong khi cây quất còn chưa xuất hiện trong nhà thì lão Tiên sinh chẳng hiểu vì cớ chi mà lên cơn cuồng cây và cuồng chậu [cây]. Cả một dịp mấy ngày tuần trước, ông lão thoắt ẩn thoắt hiện, cứ xíu là tót ra ngoài, vung vẩy tay, tui đi xem cây. 

Kết quả của các chuyến đi là một mớ cây nhỏ: hai chậu xương rồng hoa đỏ được bạn đời giải thích mua vì nhớ Mẹ, rằng thì là mà cây này đặc biệt lắm, mỗi năm chỉ ra hoa đúng một lần và luôn là vào dịp năm mới; một chậu xương rồng mini mà ông kêu làm ông nhớ Texas; và cuối cùng là một cặp nguyệt quế mini mà lý do mua chúng là vì ông muốn dựng một tiểu cảnh. Túm lại là mua cây nào cũng có lý do chính đáng. 

Mà đâu chỉ có bạn đời, tôi đây cũng một phút cao hứng mà vung tay. Trên con phố quen, đã nhiều tuần nay tôi để ý một cửa tiệm rất đặc biệt, bày hàng rất ít chứ không ngồn ngộn như các cửa hàng khác cùng phố. Và nhà đó có mấy chậu trúc cảnh xinh xinh thật xinh. Sau khi nghe tiếng ting-ting báo tiền quà Tết của cơ quan, con giời quyết định đã thế mình "ăn chơi". Nhà căn hộ giờ có thêm một chậu trúc tím, đặt cạnh cái ang nâu made in China trồng hai cây xương rồng nhỏ vốn cũng là thành viên cây cỏ mới tinh trong nhà.

(3)

Tầm đôi ba tháng trước, tôi nghe và xem nhiều chuyện về nhà máy đóng cửa và công nhân mất việc làm. Rồi chuyện có bao nhiêu tỉnh "nghèo" phải "xin gạo" [từ] Trung ương. 

Nhưng hình như đó chỉ là chuyện nơi xa. Còn những gì tôi thấy tức thì và ngay bên cạnh ở đất Hà Nội này thì xem ra khác xa.

Các chậu phong lan khổng lồ được nhà giàu mới mua về bày, được nhân viên mua biếu thủ trưởng, hay công ty này kia chi nọ gửi tặng đối tác. Tầm tầm người phàm thị dân cưỡi xe máy lượn đi lượn lại phố hoa, cứ tưởng là tính toán chặt chẽ nhưng rồi cũng là chật ních một xe hai bánh trước sau cây cỏ đủ loại và tiền bạc tính ra cũng là từ con số triệu đồng tiền. Ở tiệm tạp hoá nhỏ nhìn tưởng tầm thường nhưng giỏ quà người ta tới đặt cho nhân viên hoá ra cũng ngót nghét đôi triệu, trong khi sáng choang bóng loáng như An Nam trên Xuân Diệu thì lại có ông chủ chỉ dừng ở mức hộp quà triệu ba năm chục. 

(4)

Nhưng rồi chuyện vậy mà không phải vậy. 

Những sáng choang bóng loáng vẫn không che đậy được cái sự nhếch nhác, tạm bợ và nghèo nàn bản chất. Nhiều hộp quà tính tiền triệu nhưng chỉ được cái xác hộp cùng lớp vỏ bao gói. Nhiều chậu cây to nhìn hoành tráng nhưng nếu không phải là hoa và cây xấu mù thì lại là đơn điệu. Váy áo đầu tóc chị em tính ra không đến mức một trăm linh một con chó đốm phong cách thì về căn bản vẫn cứ na ná, xêm xêm.

Chợ Tết Hàng Lược không còn mùi vị của ngày xưa cũ, giờ hàng Tàu từ rẻ tiền tới trung trung tiền và cao tiền - tỷ như cho món đèn ti-pha-ni bày trên mấy cái đôn giả cổ - chiếm thế thượng phong. Chợ tiểu khu gần nhà bà con sắm Tết vẫn cứ là đắn đo mở đóng ví cho những món có khi chỉ là tiền chục ngàn, trăm ngàn.  

Tết nhất nhà ta tính ra chẳng khác gì hình ảnh hai cô gái tỉnh đất Bắc ngồi vắt vẻo ở Tân Sơn Nhất trong mô tả của cô em nhà mình. Hai gái mặt được làm kỹ lưỡng nhìn như chui ra từ một cái khuôn, tay đánh móng lập loè, điện thoại xịn gõ nhoay nhoáy, váy xống cùng một xì-tai. Phô bày rõ đẹp nhưng lúc cất giọng thì bèn bẹt nhừa nhựa. Và nhất là đến cái "quả chân", hai nàng chăm thật kỹ từ đùi trở lên mà quên mất đôi bàn chân sần sùi nhem nhuốc xỏ trong đôi oran sandal he-mẹt [Hermès].

(5)

TL nắn nót Tết là một cái "bẫy" với ý tứ là bà con lao vào mua mua sắm sắm, rồi quần áo chẳng có sức mà diện hết, thức ăn chẳng có sức mà xơi hết, tính ra rất mệt.

Tôi thêm cái ý, Tết cho người ta cảm giác trưởng giả, giàu sang giả tạo. 

Ngày trước nghe mấy người lớn than Tết mệt, tôi ngạc nhiên lắm. Giờ, tôi già rồi thì cũng học đòi than theo, Tết mệt!

tưởng hay hộp quà trưởng giả
bà con lại càng móc hầu bao mua sản phẩm mà thôi

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

bạch tuộc gặp răm và chanh vàng: một món salad bạch tuộc

bạch tuộc trộn salad/gỏi
vị chanh vàng và rau răm
Salad hay gỏi bạch tuộc với rau gia vị là húng quế rất hạp. Nước sauce trộn dùng chanh xanh không hạt - lime kết hợp với dấm gạo rất hợp lý.

Hôm qua, tôi làm khác đi. Húng quế được thế chỗ bởi răm. Và cạnh bạn dấm không phải là chanh xanh mà là chanh vàng - lemon. Kết quả rất chi là ô-kê-la.

- Bạch tuộc miếng luộc sẵn mua ở tiệm Nhật được rã đông, dùng giấy thấm cho thật khô ráo. Thái lát mỏng đều theo ý. 
- Nước sauce trộn salad/gỏi: tỏi tươi và ớt tươi (có thể thêm xíu vụn ớt khô) cùng xíu bột rong biển (thay cho đường) và chút bột gia vị (rất ít vì bạch tuộc đã có phần mặn) rồi giã nhuyễn, sau đó bổ túc nước cốt chanh vàng làm thành một hỗn hợp nước sauce trộn sền sệt.
- Trộn bạch tuộc đã thái lát với nước sauce này. Có thể cứ vậy mà thỉnh món ra đĩa, hoặc đợi một lúc cho bạch tuộc ngấm gia vị thì khẽ tay vắt ráo rồi mới bày món.
- Rau răm để nguyên cọng ngắn hay cọng dài xắt rối trộn cùng bạch tuộc đã ngấm sauce.
- Ai thích có thể thêm chút cọng hành trắng chẻ sợi, hay có khi là vài lát hành tím xắt mỏng.

Món bạch tuộc làm gỏi/salad kiểu này ăn giòn, đậm đà đủ các tầng chua của dấm cùng chanh, lại cay cay ớt, hăng hăng hành răm, rất ngon!

Món ăn vã chơi đầu bữa, khều khều tay đũa của mấy ông uống rượu, tính thế nào cũng hợp, cũng vui!

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

bắc ninh 31.12.2022

ra vườn đụng phải trái bầu

(1) 

Mẹ sợ con bị lạnh thì bảo, thôi đừng về. Con cương quyết, phải tiễn năm cũ và chào đón năm mới chứ :-)

Con gái sợ bà cụ già nhà mình lọ mọ ngoài sân sơ chế thực phẩm nhiễm lạnh thì bảo, bữa nay bọn con không cần món gà, cứ tính món gì đơn giản làm trong bếp nhà là được. U lại nói, phải đánh chén ra trò chứ. 

Cuối cùng thoả hiệp là không có món bánh chưng gói và luộc cho con mang ra Hà Nội. Nhưng vẫn đảm bảo một hộp bự xôi vò, gà luộc, tôm hấp cùng chút tươi mát của đậu đỗ hái từ vườn nhà cứ đơn giản là luộc lên. 

(2)

TL nhờ hàng xôi ở nhà cũ kiếm mấy yến gạo nếp ngon để mang về cho Mẹ gói bánh chưng Tết.

Tôi thắc mắc sao mua nhiều, về nhà mới biết là U nhà mình tính toán cho cháu gái họ mấy ký. Mà khéo lắm nhá, TL đi cùng Mẹ mang gạo và mấy món quà nữa vào cho chị họ. Tính là đây là của chúng em biếu anh chị. Tôi không để ý mấy chuyện vai vế, thứ bậc nhưng Mẹ thì coi trọng chuyện này. Chị hay cho các em rau củ, giờ các em có quà gạo bánh gửi chị. Còn lúc nào dì cho cháu quà thì lại là chuyện khác. 

Với anh họ con nhà bác ruột thì xem ra chuyện đơn giản hơn. Mà cũng đúng, vì chúng tôi có trò hay là kiếm các món đồ hiếm cho ông anh, đổi lại là thỉnh thoảng lại "thăn" một hai đồ vật gì đó từ trong xưởng của anh, tỷ như một cái bình gốm chưa cổ nhưng chắc chắn rất cũ, hay một miếng kệ gỗ hình dáng kỳ dị, hay như là này là một khối đá được đẽo đục thành chậu trồng cây cảnh mini. Dì cháu qua lại đối đãi thế nào là việc ở quê của dì cháu, còn hai đứa em họ từ Hà Nội về thì có một dạng thức trao đổi qua lại riêng, rất chi là hoan hỉ. 

(3)

Chùa làng vốn yên tĩnh giờ xem ra thành ổ phát phóng ô nhiễm âm thanh.

Sau cuộc chia tay giữa sư mới và vãi cũ, sư chùa đã kịp tuyển một đám bà già để dạy gõ mõ và có vẻ trình độ gõ của các già đã tiến bộ theo thời gian. Nếu chỉ có vậy thì đã chẳng nên chuyện. 

Chuyện là cụ thân sinh của sư qua đời. Sư bận đi đâu chẳng rõ, để lại chùa cho các bà già với nhiệm vụ gõ mõ... và truyền âm niệm Bụt qua cái loa to tướng. Hàng xóm sát chùa không chịu được sang nhắc, các già ngó lơ. Cụ già nhà mình không hiền như cô kia, sang chùa nói mấy câu, kết quả chỉ còn tiếng mõ, loa tắt ngúm. 

Anh họ sống ở đối diện chùa than thở mình là nạn nhân của ô nhiễm tâm linh. À, hoá ra đâu chỉ chuyện chuông mõ tụng niệm từ bên chùa làng vọng sang. Hàng xóm sau nhà là một điện tại gia, nhảy đồng với loa kéo cứ gọi là đinh tai nhức óc nửa làng.

Tôi nghe mấy chuyện này cười rũ rượi nửa ngày. Ở nhà của Bố Mẹ, ca nhạc của lễ hầu đồng vọng sang không đáng kể. Còn tiếng chuông tiếng mõ [của/từ] nhà chùa, nghe mãi tôi cũng tính là quen. Sém chút tôi còn trêu bà cụ già nhà mình, thôi thì Mẹ không có duyên tu chùa thì tu âm thanh mõ chùa. Quán âm thanh rồi quán luôn phức hợp các tâm trạng của các già gõ mõ, đại loại thế đi a :-)

(4)

Con về nhà quê, mang cái này cái nọ về thì thường là sẽ bị "mắng". Hai cụ già có công thức chung, đại khái là không cần thiết, là tốn kém. Nhưng con vẫn mang đồ về. 

Tại sao?

Chẳng có cảnh vẻ chi chi thể hiện ở đây. Cũng chẳng vì hoang tàng phóng túng.

Nhiều năm trước, tôi được vài vị gia trưởng dạy về chuyện ứng đối với lớn trong nhà, đặc biệt khi mỗi ngày ông bà, bố mẹ càng già đi. Trong nhiều cái gạch đầu dòng lưu ý, có chuyện là phần đông người già dù sung túc tài vật đến mấy thì vẫn thích cảm giác được con cháu quây quần bên cạnh với đồng quà tấm bánh nho nhỏ xinh xinh.

Ngày cuối cùng của năm cũ, con ở Hà Nội bận cong đuôi vì tá lả việc không tên, vội vã mang về quê chỉ là một lốc lịch đại. Lịch năm nay còn to hơn cả năm trước, một tờ thôi khéo cũng đủ bọc cho cả một cái bánh chưng Tết. 

Năm nay, cả hai cụ già đều không mắng yêu con gái, sao phải cầu kỳ. Lốc lịch mới được treo trên nền tường mốc, bỗng chốc cả một góc nhà sáng vui rực rỡ.

đào thắm lơ mơ thay cho đào cổ thụ đã thành tiên cổ

đào phai quà từ hàng xôi mấy năm trước

quà măng khô Tuyên Quang

công trình của anh họ
miếng đá phù phép hoá thành cái chậu trồng cây nhỏ

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

2022 chuyển bước 2023 thấy gì từ quê ra phố

Ngày cuối cùng của năm 2022, các con về thăm Bố Mẹ. Đánh chén căng bụng. Quà thực phẩm trĩu làn đầy giỏ mang về thành phố. Và cười thoả thích với đủ chuyện từ lông gà vỏ tỏi đến phi thường nghiêm túc màu triết lý nhân gian. 

Ngày đầu tiên của năm 2023, có việc phải ra ngoài. Đầu tiên là hành động mang tính lễ nghi thăm hỏi bậc gia trưởng bên nhà họ Nội, sau là một màn mua bán chuẩn bị nguyên liệu cho một bữa cơm mời khách. 

Cả ngày cuối cùng của năm cũ lẫn ngày đầu tiên của năm mới, con mắt của chúng tôi va đập đủ mọi hình ảnh vui vẻ có, hài hước có, mà lố bịch cũng có. Cười rúc rích. Cười rung rinh. Lúc đó cười. Đến cuối ngày nhìn hình chụp vội ghi lại cũng cười. Rồi mặt mày nghiêm túc, đây là ghi lại.

con trâu sang đường
vẫn là địa phận Hà Nội, từ đường 5 rẽ vào
hài hoà nghề nông truyền thống và đô thị hoá 4.0

chọn địa điểm dựng biển hẳn là công hội tỉnh nhà
trước sau phải trái cần lao đâu chưa thấy
nhưng "ma" hẳn nhiều

liền anh liền chị này sẽ đi đâu ta?
ở một rì-dzọt hay tiệm mát-xa giữa đồng?
hay nhà văn hoá/công viên huyện?

luôn luôn khác gì mãi mãi?
gì thì gì, ông viết cái này ắt là tay tốt chữ
đã tránh thành công lỗi ri-đông-đăng