Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

bắc ninh 21.01.2024

đào phai
(1)

Lần này không có tiết mục "con gái chấy rận" ngồi bờ hiên nhổ tóc sâu cho bà cụ già. Thời gian sau bữa trưa được dành cho chuyến sang nhà anh họ thân cận trở về ăn Tết từ Slovakia. 

Các gia đình anh chị họ tụ tập đánh chén, trước đó có gửi lời mời chúng tôi. Tôi cười khì khì giải thích, bác Tây không biết xơi thịt chó. Thế là hết chuyện mời mọc và rượu chè. Chúng tôi chạy sang nhà anh họ để uống trà. Và cũng hít khói thuốc theo một cách hết sức bất đắc dĩ từ anh họ con cả của Bá - chị gái của Mẹ. 

Có hai anh họ ruột rà và hai anh rể họ. Hai anh rể đều là giáo viên, ăn nói có chừng mực mà vẫn đảm bảo độ thân thiện "người nhà". Anh họ thân cận thì khỏi phải nói, chúng tôi quen thói ề à, nghĩ gì nói nấy, cảm thấy hết sức thoải mái mỗi lần gặp nhau. Riêng anh họ con bác cả thì thật khó nói.

Ông anh uống rượu say, không đến mức nói lời khó nghe, nhưng lời anh nói ra làm mọi người mỏi mệt. Túm lại là một ông vàng đeo đầy người, hở miệng tung toé mùi tiền và thành đạt của một tay đã từng chuyên ngồi thuyền buôn hành tỏi từ Hà Bắc lên Đồng Xuân-Bắc Qua lúc "đại ca" Khánh Trắng chắc còn đang dậy thì, rồi sau đó là vô tỉnh Nam thuê xe san đất rồi cắm mấy cái cọc, cho giằng dây điện và ngồi rung đùi bán đất theo lô. Anh họ này và hai ông em trai của anh giờ tính giá trị tài sản không phải là vài tỷ hay vài chục tỷ mà là đến đôi trăm tỷ. Tôi vừa nghe lời vàng ý ngọc về đạo lý làm người và là người giàu lại vừa hít khói thuốc từ ông anh họ này được lúc thì tìm cách chuồn, lấy cớ đi xem xưởng thủ công của anh họ thân cận.

Thế là tôi biết chuyện một ông bạn của anh họ này chuyên món tự lắp và chế loa thủ công. Ông bạn này nhờ anh họ tiện cho các miếng gỗ trang trí đỡ/chụp loa. Anh họ làm bảy cái thì hỏng ba, tôi cười phớ lớ, cho em, cho em

Chúng tôi rời nhà anh họ với ba miếng gỗ và năm củ khoai tây, khoai là xin từ túi khoai sạch một chị họ mang tới. 

(2)

Đồ thực phẩm tiếp tế lần này mang về Hà Nội rất tập trung: bầu nấu canh, bắp cải muối dưa, mớ nhỏ rau cần và rau muống một cho món bún cá, một để làm bữa rau luộc; rồi nữa là su hào và cà rốt. Mẹ than phiền cà rốt và su hào nhiều quá, có bữa còn nhổ bỏ. Con gái tiếc rẻ nhưng mang vác về Hà Nội thì lại có vấn đề là ăn vào lúc nào cho hết. 

Tôi khoe Mẹ là mới học được công thức từ cô [nhà Nội] cách muối cải thảo theo lối muối dưa truyền thống [cải bẹ]. Bà cụ gạt phắt, đại ý là cải thảo mua ngoài sợ dính nhiều thuốc trừ sâu. Con gái cười khơ khơ, nếu cứ nghe Mẹ thì ở thành phố con chẳng dám ăn rau gì nữa.

(3)

Khi nói chuyện với Bố, bạn đánh chén của tôi rất tò mò về cái sự du học Liên Xô hồi giữa và cuối những năm 1960 của Bố và chị gái. Chẳng là hôm trước chúng tôi đi thăm bác và cô nhà Nội, ở nhà bác gái nghe kể chuyện đi Liên Xô có lần ngồi máy bay - tôi đoán là lần bác quay trở lại chứ không phải lần đầu đi học - thì quá cảnh ở Pakistan và trời thì nóng ơi là nóng. 

Hỏi cụ già một câu, chúng tôi được nghe củ tỉ củ ti chuyện. Nào là chuyến đi 13 ngày của Bố từ Phố Nối (?) đến Mạc-tư-khoa, nào gặp lụt sau khi đến Bằng Tường thì đã được ngồi tàu biển một chặng ra sao trước khi lên tàu hoả đi tiếp, đổi tàu hoả từ của Trung Quốc sang của Liên Xô như thế nào, thấy hồ Baikal mùa hè đẹp ra sao... Rồi chuyện ông cụ già nhớ chi tiết cái ngày đầu tiên nhìn thấy tuyết. Nhưng mà hay nhá, Bố kể chi tiết nhiều chuyện song đến các chuyến đi quay lại nước Nga thì ông cụ lơ mơ. Sự nhớ của con người quả thật đặc biệt!

Cũng trong mạch chuyện, tôi mới biết bác gái đi dạng học bổng toàn phần, nên khi về lại Việt Nam, bác cùng bạn học được xem là những người "giàu có". Còn Bố đi theo dạng nghiên cứu sinh với đề nghị từ chính phủ Việt Nam (với Liên Xô) là thay vì cho một người một suất thì hai phần học bổng được chia cho ba người. Kết quả là ông cụ nhà ta chỉ là một người đi học nghèo :-)

TL nghe đến đoạn này thì cười xỏ xiên, thời đó dù có hơi thiệt thòi cho người đi học nhưng là tử tế xét ở tầm vĩ mô, vì như thế vừa là thêm người có cơ hội, và cũng là cơ hội cho đất nước. Còn bây giờ thì sao? Nếu có cắt xén thì hẳn không phải để hai anh đèo thêm một chị mà là người đi học "lại quả" cho ông nhà nước. Chuyện thật y chang tôi không dám chắc, nhưng ở cấp trường đại học hay viện nghiên cứu, cái phương thức này không thể nói là không phổ biến a :-)

(4)

Đối với tôi lúc này, mỗi dịp xa Hà Nội tựa như trèo thang lên thiên đường. Ở nhà quê Bắc Ninh, chúng tôi có thể thở căng lồng ngực, khoan khoái tận hưởng cái cảm giác sạch và thoáng ngoài mong đợi.

Đường về Hà Nội, càng gần thành phố, ám ảnh chật, bẩn, ồn và lộn xộn mỗi lúc càng phình nở.

Nhưng mà cũng thật lạ. Đến lúc lọt thỏm trong không gian đô thị, hình như mọi sự bất tiện bỗng hoá bình thường. Tôi gọi đây là năng lực thích nghi của thị dân thời đại xã hội chủ nghĩa bốn chấm không và sắp trên bốn chấm không :-)

"xấu" nhưng mà sạch - rau vườn nhà Bắc Ninh

sang nhà anh họ uống trà, và ngắm một con ngan đi lạc

Mẹ than phiền mất đi nhiều gốc hồng già,
con gái cười khơ khơ, không hồng còn cúc 

màu báo Tết
năm nay Bố tuốt lá muôn, vậy mà mọi chuyện vẫn ổn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét