Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

thằng nhân dân, con nhân dân, hai chuyến ra đồn và bảy ngàn lệ phí cho một thủ tục

(1)

Tuần đầu tháng cuối cùng của năm trước, tôi đi công an phường để làm thủ tục đăng ký tạm trú. Trước khi đi, con giời loay hoay gần hai ngày nghiên cứu mạng nhện. Không chỉ tôi lơ mơ, mà hỏi người bên cạnh cũng lơ mơ. Chúng tôi là người Việt, nói tiếng Việt, đọc chữ Việt... nhưng nhìn mạng nhện hướng dẫn của ông Nhà nước, tôi thấy mình có chút chật vật. 

Nhưng dù gì thì vẫn phải "xông pha". Cho xong một việc!

Vậy là tôi đi công an phường.

(2)

Công an phường ở canh một con mương "thúi". Bữa đó trời đẹp, mùi nước đen không nặng, lại thêm dãy xe che chắn tầm nhìn, con mương không phải là điểm nhấn nổi bật.

Điểm nhấn là sảnh bé hin hin của trụ sở công an phường với hai anh trông sặc mùi dân hút chích với tay bị còng vào ghế. Ngoài hai anh còn có một công an trẻ béo múp míp ngồi bàn tiếp đón hay hướng dẫn công dân gì đó. Và một quý bà trung tuổi đang thắc mắc cái chi chi. 

Tôi tự giác tìm ghế ngồi chờ bà kia xong việc thì hỏi thông tin. Chưa đặt mông xuống ghế thì anh công an béo đã hỏi, bác cần gì. Trả lời xong, tôi được hướng dẫn đi phòng nghiệp vụ.

(3)

Phòng nghiệp vụ cũng bé hin hin, lộn xộn và lem nhem.

Một công an đàn bà tuổi trẻ giọng nghe thoáng qua thì biết là người tỉnh, đến khi công an nhận điện thoại của bố thì à, quê em miền ví dặm. Một công an đàn ông tuổi cũng tính là trẻ, ngồi nhoay nhoáy nhập thông tin cư dân, tay gõ bàn phím, miệng liến thoắng nhịp nhanh chẳng kém.

Công anh đánh máy tính vừa nhập thông tin vừa nghe điện thoại mở loa. Một giọng miền Nam trẻ tuổi đang mời chào khách hàng tiềm năng (công an trẻ) đăng ký dịch vụ chi chi, đại khái là ngồi nhà rung đùi kiếm tiền dễ dàng trên mạng nhện. Thủ tục đăng ký đơn giản, chỉ đóng ít tiền thì sẽ được nhận đường liên kết rồi theo đó mà ngồi kiếm tiền. Cuộc nói chuyện kéo dài hơn nửa giờ, cậu trẻ giọng người Nam kia tưởng bở chốt được kèo thì công an nghe điện chốt cuộc trò chuyện, anh thông cảm em không có tiền. Cậu kia vớt vát, ý là cứ suy nghĩ kỹ đi, nếu muốn thì liên lạc lại. Tôi nghe cuộc trò chuyện, phì cười không phải vì cái màn lừa đảo mà là về cách công an trẻ có một trò giải trí miễn phí. 

Drama điện-thoại-việc-làm kết thúc, tôi tiếp tục ngồi chờ cô tác nghiệp làm việc riêng là nói chuyện điện thoại với bố, và làm một việc không rõ riêng hay công khi chăm chú nhắn tin trên điện thoại. Trong thời gian đó, lại có thêm một công an tuổi trên mức thanh niên trẻ tuổi chút bước vô phòng.

Công an mới vào oang oang nói về một cô ở một số nhà xyz nào đó trên con phố bán cây. Tôi nghe chuyện, hiểu là cô này lấy chồng thứ nhất thì chui vào hộ khẩu nhà chồng. Cô bỏ chồng thứ nhất và lấy chồng thứ hai, thế quái nào cả cô và chồng mới góp mặt hộ khẩu nhà chồng cũ. Giờ liên quan đến xác minh hộ tịch, chồng đầu chồng cuối, cô và vợ mới của chồng cũ, túm lại là tùm lum tùm la thông tin người chẳng thấy đâu mà tên tuổi chềnh ềnh ra đấy. Hay nhất là tay cảnh sát khu vực phụ trách nhà này giờ đang ở giai đoạn sắp chuyển sang chỗ mới. Và thế là có chuyện, theo như tôi nghe hiểu, ừ thì tui làm sai đấy... nhưng mà tui ăn ốc, các đồng chí đổ vỏ nhá. 

Chuyện này nó hài. Lại hài hơn nữa khi cả cái nhà số xyz đó từ già đến trẻ ai cũng hoá thành thằng và con hết trong miệng của các công an nhân dân. Tôi vừa nghe chuyện ngẫu nhiên như vậy vừa bấm bụng nhìn cười. Và có mụ dở hơi trong đồn công an thầm thì tự gọi mình, tui đây là con của các đồng chí công an trẻ tuổi.

(4)

Một hồi sau, rốt cuộc tôi cũng đến lượt trình bày vấn đề của mình với công an đàn bà.

Rất khó nói về ứng xử của cô này. Đại khái là tôi chủ quan nghĩ, cô gái trẻ đã kịp thẩm thấu các giá trị đương thời của ngành mình công tác - những giá trị mang tính "đời thường", dân gian ai cũng biết nhưng nếu đem ra so với các khẩu hiệu ở các trụ sở công an thì nếu không phải đối ngược nhau hoàn toàn thì cũng là chệch láo chệch lơ -, nhưng đồng thời cái phần con gái ngoan trong nhà của cô vẫn còn mạnh lắm. Thế nên với tôi, cô hướng dẫn và giải thích mọi chuyện chẳng phải theo lối khinh khỉnh hay chỏng lỏn, lễ phép theo đúng như yêu cầu của ngành lại càng không, mà thực tế thì kiểu con bé em trong nhà tính có phần bỗ bã. 

Tôi tiêu tốn gần ba giờ đồng hồ, loay hoay chụp giấy tờ, ắp [upload] giấy tờ. Xong thì được cô công an trẻ dặn dò, chị để ý kiểm tra trên mạng rồi đến đây làm tiếp. À, cái này gọi là "một phần", có trực tuyến mà cũng có mặt đối mặt a :-)

(5)

Tôi làm công dân ngoan, chăm chỉ hóng mạng nhện xem hồ sơ của mình nó dư-lào.

Theo quy định của cơ quan chức năng thì hồ sơ sau ba ngày làm việc ắt có kết quả. Tôi chờ quá đến cả tuần làm việc mới thấy xuất hiện thông tin hồ sơ của mình, ở dạng đang chờ giải quyết.

Tôi chờ tiếp, vẫn luôn là chờ sau cả tháng rưỡi. Ô thông báo cho nhân dân luôn là trống không. Mà tôi còn nhiều việc khác, chờ mãi sao được. Ừ thế thì đi tìm công an nhân dân. 

(6)

Bàn đón tiếp đồn công an lần này có một anh gầy, mặt khó đăm đăm, nhân dân chào dứt khoát không một biểu tỏ, và cũng chẳng buồn hỏi nhân dân muốn gì. Nhân dân tôi đây đã biết đường, tự tiện đi vào phòng nghiệp vụ.

Cô công an trẻ không thấy đâu. Có một công an trẻ khác là đàn ông mặc thường phục đang ngồi vị trí của công an bữa trước nhận điện thoại lừa đảo. Công an này không phải là nhập thông tin mà là kiểm tra đối chiếu thông tin. Vừa làm vừa nghe đọc chuyện trên một podcast nào đó phong cách Nguyễn Ngọc Nhạn. 

Tôi hỏi công an duy nhất trong phòng về cô chuyên hồ sơ. Anh này trả lời tương đối lễ phép, bạn ý lên quận báo cáo. Hỏi biết bao giờ về thì thưa không rõ. Tôi đã mất công ra đồn thì quyết định ngồi nán, chờ xem có may mắn mà gặp công an nữ.

Vểnh tai nghe chuyện kể từ máy điện thoại của công an mặc thường phục. Ái chà, cái này gọi là true crime tiếng Việt a :-)

(7)

Tôi gặp may. Chờ đâu một phần tư giờ đồng hồ thì công an nữ quay về phòng. Cũng là mặc thường phục. Rất phong cách đàn bà công sở phố Phan Đình Phùng, đám chị em làm việc văn phòng - hành chính. 

Tôi đang định trình bày vấn đề thì bị một bà nhân dân sồn sồn chen ngang. Xong lại một bộ đội chen ngang. Tôi chẳng buồn, chẳng chán, tức giận càng không. Kiên nhẫn ngồi nghe lỏm các kiểu vấn đề hồ sơ liên quan khai sinh, tạm trú.

Trong quá trình cô giải quyết việc với hai nhân dân chen ngang, cô vẫn kịp bà tám với công an làm việc máy tính và một công an khác vừa mới vào phòng. Về chuyện một sếp nào đó trong đồn, không rõ ông trưởng hay phó, nhắc nhở chuyện cô mặc thường phục. Cô nói thêm, có chút ý phàn nàn, là giờ cam [camera] góc quay rộng, cô không lủi được sau cái tủ hồ sơ nên lúc nào cũng trong tầm nhìn của sếp. 

Tôi nghe mà được mẻ cười tưởng vỡ bụng. Camera có ích lợi gì. Cứ đo thời gian tiếp dân, xử lý công việc thì biết tốt xấu. Đâu phải áo với chả quần. Thêm nữa, ghi hình mà không ghi tiếng, công an gọi nhân dân là thằng với con. có mà ma nó biết. 

(8)

Cuối cùng cũng đến lượt tôi. Cô công an nhìn xong giấy tờ của tôi thì gõ gõ máy tính rồi sau đó đưa tôi một tờ khai với lời phán xanh rờn, chị khai theo mẫu mới [năm 2024] rồi nộp lại hồ sơ. Ấy sao lại vậy, nhân dân tôi đây cãi liền, trước khi ra đồn, chị đã kiểm tra hồ sơ, ảnh chụp đây này, có thông tin mà.

Thế là cô công an ngó cái ảnh trên màn hình điện thoại của tôi rồi lại tìm kiếm. Kết quả là tôi nhận được tờ biên lai với khoản tiền cần nộp là bảy ngàn đồng tiền in hình Bác Hồ. Nộp xong tiền, tôi có tờ giấy xác nhận mình cần. Nhẹ cả người!

(9)

Tôi ra khỏi phòng nghiệp vụ, băng qua khu đón tiếp. 

Có một đàn bà chừng tuổi 30 tay bồng con nhỏ mặt nhìn câng câng bất cần, giọng thì tưng tửng hỏi một công an béo em có hai tiền sự thì có bị hình sự không. Công an kia hẳn quen thuộc trường hợp cô này, trả lời kiểu bỗ bã thân quen, mày thì là dân sự thôi

(10)

Ông Ngoại lúc còn sống có dặn dò một câu, đại ý con cháu trong nhà sau này tránh xa cả cái nghề công an, cũng như kết thân [hôn nhân] với người làm nghề này. Tất nhiên là tôi luôn ý thức phải đặt câu chuyện của Ông Ngoại trong bối cảnh. Và tôi biết là có những tầng ý tứ mà giờ rất ít người hiểu được.

Tôi xong việc, rời đồn công an, đi men con mương "thúi" để quay lại nhà căn hộ. 

Tôi nhớ Ông Ngoại, và tự hỏi, ông thấy các công an thời nay thì sẽ nói gì nhể :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét