Tôi giống như được "lập trình", nói chuyện qua điện thoại với hai cụ già ở Bắc Ninh không bao giờ thiếu câu hỏi, hôm nay Mẹ cho Bố ăn gì hay hôm nay Mẹ nấu món gì đấy.
Tối nay tôi gọi điện đúng lúc bà cụ già vừa xử lý xong gần năm cân cá mòi sông. Mẹ nói, thực cá đó ở vùng nước mặn, nước lợ, giờ vào mùa đẻ trứng thì lội ngược sông, nhà chài lưới quen mang cả mẻ lớn tới bán.
con gái chỉ đạo mẹ già chỉ hướng điện thoại để chụp ảnh mớ cá mới làm |
Cá mua hai mươi ngàn đồng tiền một cân, bỏ đầu bỏ ruột làm sạch kỹ càng thì thành bốn mươi ngàn đồng một cân. Đó là chưa tính tiền công làm cá, mà cái công đó thực mới là quý a :-)
Từ chuyện cá đá sang chuyện rau, bà cụ than phiền rau nhiều quá, mà cho đi đôi khi hoá mệt.
Ở làng có khối đàn bà lười, rau không trồng và rất chịu khó chạy sang nhà mình xin. Vấn đề là Mẹ khó tính, cứ phải là tự tay cắt/hái chứ không thích để người khác tự tiện vào vườn sờ soạng. Tôi hiểu được tại sao, vì có nhiều người tính đoảng, hái xong ôm rau thì cũng kịp giẫm nát một góc vườn. Rồi chưa kể bà già đang bận việc gì đó lại có người ơi ới gọi cửa xin rau, tự dưng có chút bất tiện.
Tôi thấy mình càng ngày càng già và càng thích lan man. Cá mòi sông hai mươi ngàn đồng một ký hay rau vườn nhà nhiều quá không đơn giản là chuyện cá hay rau. Đó còn là chuyện về mùa/thời vụ của thực phẩm, về tương tác xã hội ở làng, và cả về sự thay đổi trong hành vi ăn uống căn theo tuổi tác...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét