Gặp được bà cụ già, ông chú phấn khởi bảo, may quá may quá. Chú được giao nhiệm vụ từ cô em dâu, Cô H vợ Chú P, cũng tức là hàng xóm cũ của chúng tôi, đi qua nhà hỏi thăm số điện thoại để liên lạc với hai ông bà già. Ông chú dò máy định để hai chị em hàng xóm có thể nói chuyện nhưng đằng kia cô hàng xóm không nhận điện. Nói chuyện dài dài xong thì tạm biệt. Kết quả là Mẹ phập phồng lo không rõ có chuyện gì mà có người tìm. Tôi cười he he bảo, hỏi thăm thôi chớ còn có thể là gì nữa. Mình không vay mượn tiền nong, không chịu ơn phúc gì, cũng chẳng có gì để người ta cậy nhờ, bọn trẻ con nhà bên ấy lấy vợ gả chồng hết rồi, thế thì chỉ là chào hỏi thôi.
Nhà hàng xóm đó khá đặc biệt. Mẹ tiêu chuẩn công nhân nên phần gạo mậu dịch nhỉnh hơn thành phần trí thức, nhà tôi thế nào thành chỗ gõ cửa vay gạo của hàng xóm vào dịp cuối tháng. Chú P thuộc lớp người Việt đầu tiên học AIT sau 1975, đóng cửa nhà cày cuốc ôn tập, con nhóc con HT bé tí xíu không hiếm khi được giao vào tay tôi. Cho tới giờ tôi vẫn nhớ cái trò ngốc hồi ấy hay làm, đó là thổi thổi nhẹ vào mặt con bé để nó nhắm tịt lại và ngủ. Phần lớn thời gian nó không ngủ, nhắm mắt thì có, sau rồi ré lên ầm ĩ. Giờ HT đã là mẹ của hai đứa trẻ sống ở xứ Cờ Hoa. Nghe nói nó sang học đại học về quản trị khách sạn, gặp anh chàng người Mã Lai gốc Tàu rồi thành gia đình, rồi định cư xứ người. Cô H phấn đấu trong nước tốt, vươn ra khỏi cái khuông đất trường đại học, giữ chức to to không quên hàng xóm cũ, thi thoảng liên lạc mời ông cụ già ngồi hội đồng này hội đồng nọ. Tôi để ý thấy Bố nhận lời đôi ba bận sau từ chối. Mãi sau này có lần vô tình nói về chuyện đó tôi mới hiểu ý tứ của ông cụ già. Nhận hảo ý vừa đủ để người trao thấy vui, sau rồi kết thúc để duyên nợ không kéo dài mãi. Cái duyên nợ không còn là công việc thì là đều chằn chẵn mấy năm dài, hai vợ chồng cô chú hàng xóm cũ đều ghé qua nhà chúc Tết, nói chuyện ầm ĩ cả một buổi.
Bố Mẹ chuyển về Bắc Ninh, TL đi học xa, tết nhất tôi có màn đóng cửa ngủ tịt cả ngày, khách cứ thế mà biến mất dần dần, từ qua nhà Hà Nội chuyển thành điện thoại dài dòng với hai cụ già hoặc nhà nào vui tính thì rồng rắn tự mình mời mình về Bắc Ninh chúc Tết. Một vài quan hệ khác thì tự nhạt đi trong đó có cô chú hàng xóm cũ.
Sau nửa tuần từ màn thăm viếng bệnh viện, con gái út điện thoại hỏi thăm hai cụ già tiện miệng hỏi về chuyện cô hàng xóm cũ tìm Mẹ thì ra thành một dây hàng xóm cũ gọi điện về Bắc Ninh hỏi han hai cụ già. Tôi nghe TL thuật lại, tự dưng ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhớ lại cái sân bóng cũ, đến lũ trẻ con của dãy tập thể mười hộ gia đình với đủ tên đi kèm từ các con vật, lợn, heo, gà đông cảo, khỉ..., cho tới đặc điểm thể trạng và tính cách kiểu móm, kều, lùn, thộn, điên... Rồi lại nhớ lời bạn yêu dấu KL, chúng ta bắt đầu già đi khi chúng ta nhớ và nói về quá khứ.
Vấn đề là chưa biết tôi già đi thế nào thì giờ hai đứa con gái già ở Hà Nội có mối bận tâm mới và lớn, đó là bà cụ già tự dưng mùi mẫn tự ám mình, bảo rằng đợt này có nhiều người quen cũ liên lạc trở lại thì có phải là điềm gì không.
trị liệu kiểu t |
Tất nhiên là sẽ chẳng có cú điện thoại nào vì tôi chưa kịp mở miệng nói ra một từ liên quan thì tất cả những gì tôi đã và đang làm theo kiểu "bình thường" nhất cũng đủ làm cho bà già ở trạng thái hồi hộp và thót tim thường trực rồi.
Vậy nên cho lần điện thoại tới, tôi sẽ kể cho Mẹ nghe chuyện lần đầu tiên uống trà sữa trân châu, kết quả là chẳng rõ có phải do có thành phần hóa học hảo hảo gì không mà trên xe bus, con thiếu chút cư xử y chang đứa trẻ mắc chứng tăng động và vì thế đây hẳn là lần đầu mà cũng là lần cuối con gái của Mẹ uống cái món này. Hay chuyện khác là con chính thức trở thành chuyên gia chế tác món bánh kẹp muffin kiểu Anh quốc chẳng giống ai.
Đại loại thế, những chuyện tầm phào của ngày để cho bà cụ già không lo nghĩ nhiều, và bản thân tôi cũng có chút gì đó để nhệch miệng ra cười mà từ từ thoát khỏi cái thòng lọng có tên trầm cảm.