Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

bắc ninh 1.5.2017

Trên đường về, chúng tôi thấy một đám rước, vài chỗ treo rợp cờ phướn và lề đường thì sát sạt các sạp hàng tạm bợ bán những món nhỏ rực rỡ, lấp lánh cho đám khách dự lễ hội, rồi cả một cảnh khai trương cái chùa mới mở, rồi một cái biển báo chỉ đường mới tinh, to tướng, về một cái thiền viện tư nhân, chắc hẳn cũng vừa mới đi vào hoạt động. Trời nắng to, nhưng hình như mọi người chẳng ai phiền nhiễu gì về cái nhếch nhác đến thảm do nóng bức gây ra. Tôi thấy vui vẻ, khoái chí, và cả tự đắc trên nhiều khuôn mặt, từ quý Phật tử già thành kính ngước mắt nhìn cổng cái chùa mới đến mấy thanh niên bán hàng di động và nhất là lũ trẻ con được đi chơi.

Đường về mỗi lần một đổi thay. Đông hơn, mang sắc màu đô thị hơn, hiện đại hơn, và cũng nhàm chán hơn! Tôi biết là thích một nông thôn yên bình chẳng qua cũng chỉ là do cái ích kỷ kèm nhu cầu thụ hưởng của bản thân, một kẻ thị dân bạc nhược mệt mỏi triền miên trong ngột ngạt của thành phố. Bài học to về các phấn khích và tâm trạng mong đợi vào phát triển, hiện đại, phồn vinh tôi đã được dạy cẩn thận khi còn là con nhóc chưa chạm tuổi 20 nên giờ tôi biết thân biết phận im thin thít trước những hả hê quê ta giàu mạnh có phần kịch cỡm, thậm chí còn khoái chí coi chúng thành một chủ đề tám chuyện vui vẻ. Lần này, đối tượng của sự xỏ xiên là cái kiến thiết hoành tráng kết hợp villa phong cách Hy La cổ đại với tòa nhà một tầng mái cao nửa nhà chùa nửa cung đình không Hoa cũng chẳng Việt của một tay đại gia nào đó nằm sát cánh đồng không xa cái làng nghề trứ danh đất Kinh Bắc.

Ở trên xe, chúng tôi phóng túng thể hiện những "uẩn ức" của đời thị dân mất mát, của lũ loosers khốn khổ khốn nạn vừa là vì chúng là những kẻ thất bại thảm hại vừa vì là chúng biết rõ chúng là ai. Kết quả, cùng với anh bạn hàng xóm lái taxi, các mẩu chuyện cười lên xuống của chúng tôi chạy từ "con ngan đi phượt" - quà của khách chơi đem từ thành phố về biếu Mẹ ở nhà quê - đến vở kịch tưởng tượng pha trộn phong vị Orwell và Brecht, về hai con bò đang đứng lơ thơ ở trên đê, một "đế vương" một "chân chính". Chúng tôi cũng thoải mái làm việc trí tưởng tượng của mình khi bàn về con dao sắt được rèn trên núi của người Hmong, về những liên hệ trời, đất và con người qua đồ vật, qua thức ăn trước khi nghiêm túc phi thường lý luận chút chút về thế  nào là giàu có và thế nào là hạnh phúc.

Ở nhà của Bố Mẹ, chúng tôi ăn ngon, tiếp tục đùa vui đủ chuyện trên trời dưới bể. Như mọi bận, luôn có tiết mục con gái sau khi rửa sạch chỗ bát đũa của bữa trưa và đánh một giấc ngắn thì bắc ghế ra ngoài hiên ngồi nhổ tóc sâu cho Mẹ. Như mọi bận, luôn có cảnh hai cụ già, người tai nghễnh, người quen thói mau tay làm nên thành chóng sốt ruột trước "lề mề" của kẻ khác, thu xếp sắp đồ cho con mang về Hà Nội mà sao lại có chút phần giống cảnh hai đứa trẻ mẫu giáo phân vai vợ chồng đang chơi đồ hàng. Ngoài chuyện đó ra, lần này chủ đề quan tâm của ông cụ già là các loại hình và giá cả dịch vụ ở nhà dưỡng lão, còn bà cụ già là phải mau kiếm mấy miếng lanh may quần hè. Tôi thong thả nói chuyện, đáp lời, còn đầu thì mải nghĩ, ừ nhỉ, sao mình cứ làm phức tạp hóa vấn đề với đồ này vật nọ trong khi cuộc đời có thể chạy chậm và êm thế này!

Cho ngày đầu tiên của tháng 5, trừ việc tôi chẳng mó đến mấy bài luận như đã tự hứa với bản thân, thật tuyệt. Tôi đã quá bận tâm về cái nghĩ của kẻ khác, về cái common sense vốn dĩ chẳng tệ đi nhưng trong một số hoàn cảnh lại có thể hóa thành tù ngục đày đọa. Tôi cũng đã quá tham luyến đồ vật, mải mê tích trữ, đến độ ngột ngạt trong chúng. Giờ, chẳng phải là một đốn ngộ linh diệu. Đơn giản, tôi thấy mình may mắn ở trong một dòng chảy mới, của an bình, của giản dị. Làm thì khó hơn nghĩ. Lại càng khó hơn cái việc nghĩ "đến nơi đến chốn". Nhưng cái cảnh giới có pha màu sắc của tưởng tượng, kỳ vọng và tự-kiến tạo này, khi tôi đã may mắn thò chân vào thì dứt khoát tôi sẽ không rời đi nữa.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét