Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

we are not alright và c'est normal quoi

(1)

Tôi ngồi chờ chuyến bay kế tiếp về Hà Nội từ Changi. Cạnh hành lý xách tay có một túi to quà mua ngay tại sân bay. Không muốn mang vác cả đống đồ vô nhà vệ sinh, tôi quay sang nói với ông ngồi kế bên, tui để đồ ở đây nhá. Không rõ tại sao, tôi nói câu đó với ngầm ý, nhờ ông coi giùm, bằng tiếng Pháp. Và ông kia trả lời, đương nhiên. Đương nhiên cũng bằng tiếng Pháp.

Một lát sau đó thì chúng tôi có cuộc trò chuyện suốt hơn cả giờ đồng hồ trước khi vô phòng kiểm tra an ninh để chờ lên tàu bay. Một cuộc trò chuyện giữa hai người xa lạ.

Đây thực là điều hiếm lạ đối với/ở tôi, một kẻ luôn ám kỷ rằng thì là mà, tôi đây chán ghét loài người, tôi đây không thích ở cạnh và ở trong giao tiếp với tha nhân. 

(2)

Theo một cách nào đó, câu chuyện của chúng tôi liên quan đến sự kiện ngày 7 tháng Mười (năm 2023). 

Tôi nói với ông ngồi cạnh, rằng tôi phải mất hai ngày mới có thể nhận thức được mức độ "tàn ác" của các cuộc tấn công. Rồi sau đó là vài ngày ở trong cảm giác vừa phẫn nộ lại vừa bối rối trước phản ứng của vài vị tinh bông xứ cờ-hoa (gốc rễ Palestine hoặc là gần gũi) khi họ ca tụng những việc Hamas đã làm là "tuyệt vời", là "truyền cảm hứng" và ủng hộ khẩu hiệu giành lại tuốt tuột phần đất của mình (ngầm định rõ ràng là không có chỗ cho người Do Thái). Rồi tiếp đó là tôi đã cố gắng hiểu tại sao lại có những tiếng nói đó. Rằng tôi đã và giờ vẫn tin rằng, phải nhìn vào những sự đau đớn và hận thù kéo dài qua không phải là tháng là năm mà là đời người/thế hệ thì mới lý giải được tại sao có những hoan hỉ, những tụng ca như vậy. 

Tôi không nói với ông ngồi cạnh là tôi đã có những người bạn Do Thái tuyệt vời. Tôi không kể cho ông chuyện tôi đã đọc các email của một vị giáo sư Mỹ, người đã bị đình chỉ giảng dạy trong liền mấy năm chỉ vì trong lớp học chuyên lịch sử và tôn giáo của mình, ông đã gọi Hamas là Pit Pull và một cô cậu học trò nào đó là thành viên của hội đoàn Sinh viên vì công lý cho Palestine đã làm ầm lên, và lãnh đạo viện đại học cũng như rất nhiều thành viên của nó vốn luôn đề cao tự do ngôn luận ngoài miệng và máu đạo đức giả thấm sâu trong mạch máu đã vội vã lùi bước trước dòng công luận này, vội vã "đánh hội đồng" ông giáo khi đó phải chăm một bà vợ mắc ung thư.

Nhưng tôi kể cho ông chuyện một bà là người Do Thái duy nhất trong khu phố của bà ở trấn Darien giàu có đã hành động khác rất nhiều người Mỹ-Do Thái khi đưa ra quan điểm không mấy khác các tinh bông tương lai pro-Palestine ở Harvard. Theo lời của bà thì lỗi là ở Netanyahu và phe cánh của ông ta.

Tôi cũng kể cho ông ngồi cạnh, rằng sau khi nghe tin điện nước xăng dầu bị cắt ở Gaza thì tôi đã buột miệng, vậy đây chẳng phải là một cuộc thảm sát thầm lặng và chậm rãi sao. Và rằng sau đó tôi đã được nhắc, chớ nói vậy (ở nơi công cộng). 

Rất dễ để nhìn vào các sự kiện cụ thể mà bày tỏ những tình cảm yêu ghét, ủng hộ hay căm thù... Nhưng khi đặt chúng - các sự kiện - vào trong bối cảnh [lịch sử] thì chuyện thực không đơn giản. Sau một hồi monologue tôi trịnh trọng kết luận, nói thật với ông, tui bối rối, tui muốn hiểu mà bất lực.

(3)

Và thế là có một hồi monologue khác, mà ở đây tôi đóng vai kẻ nghe.

Ông ngồi cạnh té ra là giảng sư đến từ Toulouse, chuyên khoa học kỹ thuật. Ông đang làm việc ở Singapore và vì có cậu học trò nghiên cứu sinh người Việt mời thì ông sang Việt Nam dự hội thảo. Ông tự nhận là người Pháp-Algerie, là người Hồi giáo. 

Ông đồng ý rằng thì sự kiện ngày 7 tháng Mười rất xấu xí, nhưng đồng thời ông hồ nghi liệu có nhiều fake news liên quan, tỷ như chuyện các em bé bị chặt đầu hay thiêu sống. 

Ông nói về các thống kê của người Tây Phương về sự tăng tiến của các diện tích đất "bị chiếm đóng", với giải thích chính là sự ưu đãi mà Thiên nhiên ban tặng cho người Palestine ở vài địa phương khiến họ rốt cuộc bị "cướp đất". 

Rồi nhiều chuyện nữa. Trước khi ông kết luận, c'est normal quoi!

(4)

Hồi mới xảy ra sự kiện ngày 7 tháng Mười, ở NYC dồn dập các biểu đạt, biểu tỏ, biểu tình, ủng hộ Palestine áp đảo ủng hộ Israel. Có những tiếng nói, có những biểu tỏ quá khích, quá giới hạn của lẽ thường

Trong bối cảnh đó, ông đô trưởng có một đít-cua gây ấn tượng. Tôi ấn tượng hơn cả là lời đanh thép của ông này, we are not alright

Tôi ngồi tàu bay từ Singapore về Hà Nội, nghĩ nghĩ hai vế chúng ta không ổn chút nào, và chuyện đó [bình] thường mà. Và tiếp tục bối rối.

(5)

Về Hà Nội, ở bên người thân, gặp gỡ bằng hữu, tôi thấy mình bị cuốn đi trong các tiết nhịp thời gian và tương tác xã hội hoàn toàn khác với nửa năm qua ở Mỹ. Tôi không còn thời gian để mà nghĩ về những gì diễn ra bên ngoài cái đời sống nhỏ của mình.

Cho đến khi ông lão nhà ta chỉ cho tôi tin về quý bà Gay ở Harvard thôi chức Chủ tịch.

Phản ứng đầu tiên của tôi là, đáng đời. Tôi đã rất không thích cách bà này phản ứng, chậm trễ và loanh quanh, trước tuyên bố của đám sinh viên vì công lý cho Palestine ở trường của bà. 

Rồi sau đó thì sao? Tôi thấy có cái gì đó không ổn. 

Tôi không muốn nghĩ thêm nữa về chuyện này. Vì nhớ lại hồi xảy ra sự kiện, có khối nạn nhân động đất ở một nơi chốn khác đã bị "bỏ quên" khỏi các dòng tin tức ra sao. Rồi những gì tồi tệ vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine. Rồi chi chi nữa, túm lại là truyền thông và chính trị gia, rồi cả tinh-bông nữa, họ chỉ tập trung vào một vài câu chuyện, vào một vài mạch chuyện, và theo cách của họ, bị thúc đẩy bởi các lợi ích và toan tính của riêng họ. 

Còn người dân bình thường, không tính chuyện chúng ta bị quy định bởi cộng đồng tính, bởi văn hoá và tôn giáo của cộng đồng chúng ta quy thuộc về thì ngay cả khi tự coi mình là khách quan, không phe phái, chúng ta vẫn dễ dàng thấy mình bị tắc trong mạng nhện chằng chịt của thông tin. Hoặc không, tôi không rõ là may mắn hay tệ hại, chúng ta thờ ơ, vô cảm, kiểu đó cóc phải là chuyện của mình.

(6)

Mới về Hà Nội, tôi có việc lên Xuân Diệu. Đi bộ theo con đường ngập trong bụi, tôi nhìn thấy bức tường bằng tôn tấm sắc xanh lá đối diện nhà hàng Ả-rập dòng chữ cực kỳ quen mắt Free Palestine. Lúc đó, trong đầu tôi vẫn còn sống động cuộc trò chuyện với anh giáo người Pháp ở sân bay Singapore.

Hôm rồi tôi có việc lên Xuân Diệu. Vẫn là con đường ngập bụi, nhưng lần này tôi chạy xe máy. Có vẻ như Free Palestine đã trở nên mờ nhạt, mà cũng có thể là đã bị xoá rồi.

Người Hà Nội chật vật nhích từng xăng-ti-mét đường, hẳn chỉ có tôi điên điên khùng khùng mới để ý chi tiết nhỏ này. Và tôi vẫn tiếp tục lơ mơ, chúng ta có thực sự ổn, hay chuyện thường đó mà! Chẳng phải quàng chuyện người ta ở đẩu ở đâu, mà là về cái động năng đô thị của Hà Nội hôm nay. 

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

mình sắm tết: hoa lan

hic thế này thôi, nhõn một cành lan
Trong năm, TL thường mua hoa lan ở tiệm đối diện tiểu khu làm quà cho một bạn đồng nghiệp. Cô em nói, lan nhà đó đẹp, bền và giá ổn. Vì thế hôm rồi chúng tôi hăm hở đi tiệm mua hoa.

Cho Tết, nhà nhà người người chơi lan, câu đó có thể không lọt lỗ tai của nhiều người nhưng ở đoạn phố này, vào thời gian này thì rất chi là đúng. Ông bà chủ cùng nhân viên tiệm hoa bận túi bụi với đám khách nhà giàu mua hoa cả vại. Tiền xê dịch nghe đâu từ dăm triệu đến hàng chục triệu. Có lẽ vì thế mà khi cô em nhà mình chỉ một cành lan hỏi giá thì chả rõ ông chủ hay nhân viên trả lời giọng rất kẻ cả, hai trăm ba, mà em cắm mấy cành, với gì. Hoa đẹp thì đẹp thật, nhưng mình mua ít mà bản tiệm bán theo ôm thì thôi, mình biết thân biết phận đi ngó nhà khác :-)

Chúng tôi đi qua các tiệm lan, nhìn xa thì đẹp, đến gần coi, thật thua xa nhà kia. Dừng chân ở một cửa hàng mà mấy năm trước bạn đời thường mua hoa chơi Tết, coi như là ưng ý nhưng vẫn chưa phải trúng ý. Bà chủ khéo ơi là khéo, làm khách thiếu chút muốn lấy ví ra trả tiền. 

Vô tiệm thứ ba, tự xưng là chuỗi chuyên hoa lan với nhân viên đồng phục vào ra rất chi là chuyên nghiệp, tôi hết kiên nhẫn thì ngồi phịch cái ghế ở trước cửa, mặc TL và lão Tiên sinh vô chọn hoa. Cuối cùng hoa cũng được mua, ba cành hai sắc, phục vụ chu đáo, giá cả coi như chấp nhận được. Và hay nhất là không có cái màn tay bán hàng khinh khỉnh coi thường khách mua lẻ. Trong tiệm đúng là có vài kẻ mặt vênh lên trời, nhưng đó là đám nhà giàu phong cách "tiền mới" cả đi lên từ đất [bán đất] ngọng níu ngọng nô [líu lô] lẫn anh ả công chức nhà nước hàng hiệu thật giả chẳng rõ nhưng cứ là ngồn ngộn và sáng choang trên người, khách nào cũng đặt cắm lan cả chum cả chậu tiền triệu và chục triệu. 

Chúng tôi hoan hỉ về nhà căn hộ với hoa lan mới  mua. Tất nhiên là hoa lan nhà đầu tiên đối với tôi vẫn là đẹp nhất. Nhưng mà hoa chơi chơi một cành mình mua cho mình cũng đẹp trong mắt mình. Thế tính là vui rồi.

Hôm tới chúng tôi sẽ mua lan tặng anh họ thân cận ở quê Ngoại Bắc Ninh. Lúc đó, chúng tôi có liền hai địa chỉ tốt mua hoa a :-)

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

tương ớt tàu xì bác nông dân quế lâm

quà home-made từ bác nông dân Quế Lâm:
ớt ngâm xì dầu, củ cải để làm món xào hay ăn kèm cháo,
và đặc biệt hơn cả là tương ớt cay vị tàu xì
Nghe nói quà tương ớt này là của bác nông dân làm, phải người quen mới biết đường mua. Lại nghe nói, lọ tương ớt được bảo quản trong túi xốp giữ nhiệt [lạnh] và được vận chuyển thời gian của [một] ngày liền tới Hà Nội, đảm bảo tươi mới.

Tôi thoạt nhìn thì thấy bình thường. Nếm qua chút thì nghĩ, hơi giống sa-tế.

Rồi sau đó, úi chà cay, úi chà vị lạ. Nhìn kỹ chút, âm thầm cảm nhận nơi đầu lưỡi chút, ơ kìa có tàu xì.

Khách đến nhà mang quà đặc sản Quế Lâm giải thích, nguyên liệu làm tương ớt này thay vì được xay bằng máy thì là được bằm [bằng] tay dao. 

Không rõ có phải mọi sự đặc biệt của món nằm ở các hạt đậu lên men cùng cách thức chế biến - dùng tay cầm dao bằm nhuyễn các nguyên liệu. Nhưng có điều tôi chắc chắn, tương ớt cay vị tàu xì này thật là ngon.

Ăn với cơm trắng, ngon. Khều xíu lên miếng rau luộc - bắp cải, su hào - cũng ngon. Mà trưa nay trên mâm cơm có đĩa thịt chân giò hấp sả, miếng thịt đã đậm đà kha khá lại được thêm một đầu tăm món ớt cay này, cũng rất chi là hợp lý.

Bữa nào gặp lại bạn nhỏ đến từ Quế Lâm, tôi sẽ hỏi kỹ tên gọi cũng như các thành phần nguyên liệu làm món!

* Ăn tương này như thế nào: 

- cơm nguội với ruốc [thịt heo] kèm xíu tương ớt tàu xì
- chấm sủi cảo: xì dầu + dấm gạo (khi nhà hết dấm đen Trung Quốc) + xíu tương ớt tàu xì
- một chút tương ớt tàu xì để bên món chấm cho thịt chân giò luộc/hấp cũng như dưa cải bắp muối, có thể đơn giản là mắm cốt hay nước tương bổ túc lát ớt cay và/hoặc vụn tiêu xay, hoặc không lại là bột gia vị [Hải Châu] vắt xíu cốt chanh rồi thêm tỏi bằm nhuyễn, ớt và tiêu...
- mỳ, bún chan nước chi chi, đáo qua một khều đầu đũa tương ớt tàu xì này

không phải gà béo đâu nhá

Ngài phó-sứ học tiếng Việt, theo đường chính quy - tức là có giáo viên - có, mà theo lối dân gian - do mấy anh lái xe đại sứ quán truyền miệng - cũng có. Có lẽ vì thế mới có màn xe chạy qua ông công an giao thông thì ngài gật gù ra chiều hiểu biết, [đây là] "chó vàng".

Bữa rồi, ngài đứng ở Bờ Hồ tìm xe grab. Tìm mãi không được thì ngài nhảy đại lên một xe trong dãy chuyên đậu quanh nhà "hàm cá mập'. Khi thanh toán, ngài đưa tờ 100 ngàn đồng thì tay lái xe mau lẹ đổi tờ tiền, khua khua tờ 10 ngàn đồng và bảo ngài đưa thiếu. 

Tay kia không ngờ ông khách thản nhiên đáp lời, không phải gà béo đâu nhá. Và tất nhiên là tiền được thối lại cho khách đi xe đầy đủ.

Tôi nghe chuyện này thì phì cười. Ông lão nhà ta, cũng đã từng là "nạn nhân" của xe dù chặt chém đậu Bờ Hồ,  nghe xong cũng cười phì. Rồi ông nói, nguyên tắc vàng là đừng bao giờ lên mấy cái xe taxi dzỏm đấy. 

Rồi nữa ông hỏi TL và tôi, thế tại sao cứ phải là gà, rồi lại là gà béo (?) Úi, hỏi đến cái món ví von vời tới thực phẩm như thế này tôi chịu a :-)

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

thằng nhân dân, con nhân dân, hai chuyến ra đồn và bảy ngàn lệ phí cho một thủ tục

(1)

Tuần đầu tháng cuối cùng của năm trước, tôi đi công an phường để làm thủ tục đăng ký tạm trú. Trước khi đi, con giời loay hoay gần hai ngày nghiên cứu mạng nhện. Không chỉ tôi lơ mơ, mà hỏi người bên cạnh cũng lơ mơ. Chúng tôi là người Việt, nói tiếng Việt, đọc chữ Việt... nhưng nhìn mạng nhện hướng dẫn của ông Nhà nước, tôi thấy mình có chút chật vật. 

Nhưng dù gì thì vẫn phải "xông pha". Cho xong một việc!

Vậy là tôi đi công an phường.

(2)

Công an phường ở canh một con mương "thúi". Bữa đó trời đẹp, mùi nước đen không nặng, lại thêm dãy xe che chắn tầm nhìn, con mương không phải là điểm nhấn nổi bật.

Điểm nhấn là sảnh bé hin hin của trụ sở công an phường với hai anh trông sặc mùi dân hút chích với tay bị còng vào ghế. Ngoài hai anh còn có một công an trẻ béo múp míp ngồi bàn tiếp đón hay hướng dẫn công dân gì đó. Và một quý bà trung tuổi đang thắc mắc cái chi chi. 

Tôi tự giác tìm ghế ngồi chờ bà kia xong việc thì hỏi thông tin. Chưa đặt mông xuống ghế thì anh công an béo đã hỏi, bác cần gì. Trả lời xong, tôi được hướng dẫn đi phòng nghiệp vụ.

(3)

Phòng nghiệp vụ cũng bé hin hin, lộn xộn và lem nhem.

Một công an đàn bà tuổi trẻ giọng nghe thoáng qua thì biết là người tỉnh, đến khi công an nhận điện thoại của bố thì à, quê em miền ví dặm. Một công an đàn ông tuổi cũng tính là trẻ, ngồi nhoay nhoáy nhập thông tin cư dân, tay gõ bàn phím, miệng liến thoắng nhịp nhanh chẳng kém.

Công anh đánh máy tính vừa nhập thông tin vừa nghe điện thoại mở loa. Một giọng miền Nam trẻ tuổi đang mời chào khách hàng tiềm năng (công an trẻ) đăng ký dịch vụ chi chi, đại khái là ngồi nhà rung đùi kiếm tiền dễ dàng trên mạng nhện. Thủ tục đăng ký đơn giản, chỉ đóng ít tiền thì sẽ được nhận đường liên kết rồi theo đó mà ngồi kiếm tiền. Cuộc nói chuyện kéo dài hơn nửa giờ, cậu trẻ giọng người Nam kia tưởng bở chốt được kèo thì công an nghe điện chốt cuộc trò chuyện, anh thông cảm em không có tiền. Cậu kia vớt vát, ý là cứ suy nghĩ kỹ đi, nếu muốn thì liên lạc lại. Tôi nghe cuộc trò chuyện, phì cười không phải vì cái màn lừa đảo mà là về cách công an trẻ có một trò giải trí miễn phí. 

Drama điện-thoại-việc-làm kết thúc, tôi tiếp tục ngồi chờ cô tác nghiệp làm việc riêng là nói chuyện điện thoại với bố, và làm một việc không rõ riêng hay công khi chăm chú nhắn tin trên điện thoại. Trong thời gian đó, lại có thêm một công an tuổi trên mức thanh niên trẻ tuổi chút bước vô phòng.

Công an mới vào oang oang nói về một cô ở một số nhà xyz nào đó trên con phố bán cây. Tôi nghe chuyện, hiểu là cô này lấy chồng thứ nhất thì chui vào hộ khẩu nhà chồng. Cô bỏ chồng thứ nhất và lấy chồng thứ hai, thế quái nào cả cô và chồng mới góp mặt hộ khẩu nhà chồng cũ. Giờ liên quan đến xác minh hộ tịch, chồng đầu chồng cuối, cô và vợ mới của chồng cũ, túm lại là tùm lum tùm la thông tin người chẳng thấy đâu mà tên tuổi chềnh ềnh ra đấy. Hay nhất là tay cảnh sát khu vực phụ trách nhà này giờ đang ở giai đoạn sắp chuyển sang chỗ mới. Và thế là có chuyện, theo như tôi nghe hiểu, ừ thì tui làm sai đấy... nhưng mà tui ăn ốc, các đồng chí đổ vỏ nhá. 

Chuyện này nó hài. Lại hài hơn nữa khi cả cái nhà số xyz đó từ già đến trẻ ai cũng hoá thành thằng và con hết trong miệng của các công an nhân dân. Tôi vừa nghe chuyện ngẫu nhiên như vậy vừa bấm bụng nhìn cười. Và có mụ dở hơi trong đồn công an thầm thì tự gọi mình, tui đây là con của các đồng chí công an trẻ tuổi.

(4)

Một hồi sau, rốt cuộc tôi cũng đến lượt trình bày vấn đề của mình với công an đàn bà.

Rất khó nói về ứng xử của cô này. Đại khái là tôi chủ quan nghĩ, cô gái trẻ đã kịp thẩm thấu các giá trị đương thời của ngành mình công tác - những giá trị mang tính "đời thường", dân gian ai cũng biết nhưng nếu đem ra so với các khẩu hiệu ở các trụ sở công an thì nếu không phải đối ngược nhau hoàn toàn thì cũng là chệch láo chệch lơ -, nhưng đồng thời cái phần con gái ngoan trong nhà của cô vẫn còn mạnh lắm. Thế nên với tôi, cô hướng dẫn và giải thích mọi chuyện chẳng phải theo lối khinh khỉnh hay chỏng lỏn, lễ phép theo đúng như yêu cầu của ngành lại càng không, mà thực tế thì kiểu con bé em trong nhà tính có phần bỗ bã. 

Tôi tiêu tốn gần ba giờ đồng hồ, loay hoay chụp giấy tờ, ắp [upload] giấy tờ. Xong thì được cô công an trẻ dặn dò, chị để ý kiểm tra trên mạng rồi đến đây làm tiếp. À, cái này gọi là "một phần", có trực tuyến mà cũng có mặt đối mặt a :-)

(5)

Tôi làm công dân ngoan, chăm chỉ hóng mạng nhện xem hồ sơ của mình nó dư-lào.

Theo quy định của cơ quan chức năng thì hồ sơ sau ba ngày làm việc ắt có kết quả. Tôi chờ quá đến cả tuần làm việc mới thấy xuất hiện thông tin hồ sơ của mình, ở dạng đang chờ giải quyết.

Tôi chờ tiếp, vẫn luôn là chờ sau cả tháng rưỡi. Ô thông báo cho nhân dân luôn là trống không. Mà tôi còn nhiều việc khác, chờ mãi sao được. Ừ thế thì đi tìm công an nhân dân. 

(6)

Bàn đón tiếp đồn công an lần này có một anh gầy, mặt khó đăm đăm, nhân dân chào dứt khoát không một biểu tỏ, và cũng chẳng buồn hỏi nhân dân muốn gì. Nhân dân tôi đây đã biết đường, tự tiện đi vào phòng nghiệp vụ.

Cô công an trẻ không thấy đâu. Có một công an trẻ khác là đàn ông mặc thường phục đang ngồi vị trí của công an bữa trước nhận điện thoại lừa đảo. Công an này không phải là nhập thông tin mà là kiểm tra đối chiếu thông tin. Vừa làm vừa nghe đọc chuyện trên một podcast nào đó phong cách Nguyễn Ngọc Nhạn. 

Tôi hỏi công an duy nhất trong phòng về cô chuyên hồ sơ. Anh này trả lời tương đối lễ phép, bạn ý lên quận báo cáo. Hỏi biết bao giờ về thì thưa không rõ. Tôi đã mất công ra đồn thì quyết định ngồi nán, chờ xem có may mắn mà gặp công an nữ.

Vểnh tai nghe chuyện kể từ máy điện thoại của công an mặc thường phục. Ái chà, cái này gọi là true crime tiếng Việt a :-)

(7)

Tôi gặp may. Chờ đâu một phần tư giờ đồng hồ thì công an nữ quay về phòng. Cũng là mặc thường phục. Rất phong cách đàn bà công sở phố Phan Đình Phùng, đám chị em làm việc văn phòng - hành chính. 

Tôi đang định trình bày vấn đề thì bị một bà nhân dân sồn sồn chen ngang. Xong lại một bộ đội chen ngang. Tôi chẳng buồn, chẳng chán, tức giận càng không. Kiên nhẫn ngồi nghe lỏm các kiểu vấn đề hồ sơ liên quan khai sinh, tạm trú.

Trong quá trình cô giải quyết việc với hai nhân dân chen ngang, cô vẫn kịp bà tám với công an làm việc máy tính và một công an khác vừa mới vào phòng. Về chuyện một sếp nào đó trong đồn, không rõ ông trưởng hay phó, nhắc nhở chuyện cô mặc thường phục. Cô nói thêm, có chút ý phàn nàn, là giờ cam [camera] góc quay rộng, cô không lủi được sau cái tủ hồ sơ nên lúc nào cũng trong tầm nhìn của sếp. 

Tôi nghe mà được mẻ cười tưởng vỡ bụng. Camera có ích lợi gì. Cứ đo thời gian tiếp dân, xử lý công việc thì biết tốt xấu. Đâu phải áo với chả quần. Thêm nữa, ghi hình mà không ghi tiếng, công an gọi nhân dân là thằng với con. có mà ma nó biết. 

(8)

Cuối cùng cũng đến lượt tôi. Cô công an nhìn xong giấy tờ của tôi thì gõ gõ máy tính rồi sau đó đưa tôi một tờ khai với lời phán xanh rờn, chị khai theo mẫu mới [năm 2024] rồi nộp lại hồ sơ. Ấy sao lại vậy, nhân dân tôi đây cãi liền, trước khi ra đồn, chị đã kiểm tra hồ sơ, ảnh chụp đây này, có thông tin mà.

Thế là cô công an ngó cái ảnh trên màn hình điện thoại của tôi rồi lại tìm kiếm. Kết quả là tôi nhận được tờ biên lai với khoản tiền cần nộp là bảy ngàn đồng tiền in hình Bác Hồ. Nộp xong tiền, tôi có tờ giấy xác nhận mình cần. Nhẹ cả người!

(9)

Tôi ra khỏi phòng nghiệp vụ, băng qua khu đón tiếp. 

Có một đàn bà chừng tuổi 30 tay bồng con nhỏ mặt nhìn câng câng bất cần, giọng thì tưng tửng hỏi một công an béo em có hai tiền sự thì có bị hình sự không. Công an kia hẳn quen thuộc trường hợp cô này, trả lời kiểu bỗ bã thân quen, mày thì là dân sự thôi

(10)

Ông Ngoại lúc còn sống có dặn dò một câu, đại ý con cháu trong nhà sau này tránh xa cả cái nghề công an, cũng như kết thân [hôn nhân] với người làm nghề này. Tất nhiên là tôi luôn ý thức phải đặt câu chuyện của Ông Ngoại trong bối cảnh. Và tôi biết là có những tầng ý tứ mà giờ rất ít người hiểu được.

Tôi xong việc, rời đồn công an, đi men con mương "thúi" để quay lại nhà căn hộ. 

Tôi nhớ Ông Ngoại, và tự hỏi, ông thấy các công an thời nay thì sẽ nói gì nhể :-)

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

chả xương sông hai bước nấu: chảo và nồi chiên

chả xương sông: rán trước, chiên khô sau
(1)

Khi còn nhỏ, tôi đã từng có "vấn đề" với ít nhất là hai bạn rau: cải xoong và xương sông. Với cải xoong, sau một trận ốm, tôi thành ra khúc mắc với chính cái khúc mắc tưởng tượng của mình, rằng thì là mà trong họng con vướng cọng cải xoong. Kết quả là liền mấy năm tôi từ chối ăn món canh rau này. Còn với xương sông thì là ám ảnh sao có vị dầu hoả. Tôi cứ nghĩ chỉ mình dở hơi nghĩ vậy, ai dè sau này gặp hơn một người có cùng suy nghĩ. 

Hồi đầu tháng, chúng tôi mua bún chả, thấy trong phần chả nướng ngoài ba rọi đã lọc bì thì còn có mấy cục tròn tròn đen thui. Tôi hỏi cái chi, à chả xương sông. Tôi vốn ngại ăn ngoài và mua ngoài thứ mang tên thức ăn đường phố, nhưng bún chả đó, chả đó, trong đó có viên chả xương sông, thực là ngon.

Và tôi cứ thể mà vẩn vơ bữa nào tự mình làm chả xương sông.

(2)

Ý định làm chả trở nên rõ ràng khi tôi phải đánh vật với một miếng thăn bự chừng ký rưỡi được Mẹ mua cho để làm ruốc.

Phần thịt diềm lạng ra kha khá, lại cộng mấy miếng thịt nhỏ dư ra sau khi thịt được thái thành các miếng lớn dọc thớ. Túm tụm lại cho vô cối, được một lượng kha khá thịt xay. Vấn đề là nếu vậy thì thịt xay này dù có giòn, có sần sật của phần diềm thì vẫn kém xa bạn nạc vai đầu giòn ở cái độ mỡ béo. À, thế thì mua một miếng nhỏ mỡ thăn mình cho vô!

Đi chợ mua thêm miếng mỡ nhỏ là một chuyện. Còn phải mua lá xương sông gói chả. Tôi hỏi ông chủ sạp rau mà TL và tôi mới phát hiện ra và đã kịp trở thành khách quen ở chợ tiểu khu sát khu nhà căn hộ, sao ủ dột thế. Cậu kia và một bà đang nhặt rau muống ngồi cạnh đó cười khơ khơ, chị xem trời lạnh thế này có rau nào tươi tắn đâu. Tay cậu khua nhất loạt, còn tôi thì được thuyết phục, ừ có vẻ đúng thật.

Người ta không bó lá xương sông theo lá mà là cắt phăng một đoạn ngọn rồi túm tụm lại bằng một sợi rơm. Rau nhìn lem nhem, ngộ lắm. 

(3)

Có thịt, có rau, giờ mình làm chả.

Tôi hồi hồi nghĩ cách làm trong bếp nhà. Hẳn là thịt bằm với đóng góp đường gia vị của hành khô thơm thơm, có mặn của mắm muối và dứt khoát không thể thiếu vị tiêu. Rồi sao nữa? Tém, cuốn, cuộn rồi rán.

Rồi tôi cẩn thận đi hỏi bác gúc-gù, gõ tìm anh bếp quốc dân Phương Hải. À, Cùng cháu vào bếp có tiết mục này - "chả xương sông thơm điếc mũi hàng xóm". Tôi học được cái ý hay là thêm phần lá xương sông thái nhỏ trộn cùng thịt. Và cạnh hành hương thì có cả hành hoa [tươi]. 

Từ mấy năm nay, cho nhiều món thịt viên rán, tôi thường cho thêm xíu bột tỏi hay một hai tép tỏi tươi bằm nhuyễn. Đừng hỏi tôi tại sao. Đơn giản là cứ quen tay vậy mà làm trong bếp. Lần này, chuẩn bị thịt cho món chả xương sông, tỏi như vậy là cũng góp mặt.

- Thịt xay (vì không dùng nạc vai đầu thăn/giòn mà là nạc thăn và diềm thăn nên có bổ sung thêm chút mỡ thăn được thái hạt lựu).
- Gia vị cho vô cối xay thịt có bột gia vị [Hải Châu] + tiêu + xíu bột rong biển + xíu bột nêm nấm + hành hương + tỏi.
- Thịt xay xong rồi được trộn với hành hoa thái nhỏ + lá xương sông thái sợi mịn rồi xắt rối theo chiều sợi lá vừa thái, và nhất là không thể thiếu mấy giọt mắm cốt. Dùng tay trộn - bóp - trộn thật kỹ, vừa là để các thành phần quện đều vào nhau lại vừa giúp thịt thêm mềm.

 (4) 

Tôi gói rồi rán chảo trong chảo dầu. Thịt chừng tới chín thì tắt bếp. Đợi áng chừng giờ dọn bàn cơm tối thì thịt được chuyển qua nồi chiên không dầu, để ở 200 độ thời gian hai lượt, 3 và 4 phút. 

Miếng chả từ trong chảo cho cảm giác ướt và béo dầu mỡ giờ qua nồi chiên thì thành khô ráo, không đe doạ con mắt của mấy ông bà úi em đây không dám ăn đâu vì nhìn mỡ quá

Nước mắm cốt bổ túc chút tiêu xay cùng ớt cay thái lát. Chả vốn đậm (do tôi không chịu cân đong đo đếm nghiêm túc trong bếp) nhưng dứt khoát cứ phải là chạy qua hàng nước chấm này. Vị cay và thơm của tiêu, của ớt làm cho miếng chả mềm mọng lại thêm phần hấp dẫn và ngon miệng.

Chuyện hay ho nhất của bữa tối hôm qua là bạn đánh chén lúc đầu rất ngờ vực về món chả xương sông, nhưng bên bàn ăn thì lại gật gù, rất mềm, rất ngon. Và có vẻ như ông lão nhà ta chẳng thèm quan tâm lá xương sông là gì khi mà cái miệng tham ăn của ông chấp nhận ngay vị đặc biệt của xương sông qua hai lửa rán và chiên khô. 

(5)

Trước giờ ăn tối, trong khi đợi chiên chả trong nồi chiên không dầu, TL và tôi ề à trò chuyện với bà cụ già ở Bắc Ninh. Tôi kể Mẹ nghe là tham khảo cách làm của Chef Phương Hải thế nào. Mẹ nghe rất thích thú.

Té ra là bà già còn tích cực xem anh bếp quốc dân này hơn cả chúng tôi. U cứ vanh vách kể cậu đấy nói thế này, cười thế kia. Nhà chúng tôi như vậy là có ba người fan hâm mộ của bếp trưởng Phương Hải a :-)

Cũng là khi nói chuyện với Mẹ, tôi mới được nhắc là bấy lâu nay khi làm chả lá lốt, Mẹ vẫn cho thêm phần lá lốt thái nhỏ vô trộn thịt. Tôi thô lỗ chỉ biết vục mặt đánh chén cơm Mẹ nấu, nào có để ý chi chi.

Nhưng mà con gái của Mẹ cũng bày đặt ra vẻ mình giỏi giang. Ít nhất thì con có sáng kiến dùng nồi chiên không dầu sau khi rán chả :-)

rán chả xương sông, ngập ngừng bỏ dầu nhiều hay ít
dù thế nào thì cảm giác thật là béo :-)

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

ghi lại trước khi quên: canh củ cải ngao hoa

canh củ cải nấu với ngao hoa, điểm gia vị hành và gừng
ngao mua, rau củ từ vườn nhà Bắc Ninh
Món làm hồi giữa tháng 12 năm trước, trong chuỗi các món ngao - ngao hoa :-)

Đầu tiên là TL nhắc nhớ chuyện Hồng Tâm nói ở Trung Quốc có món ngao nấu củ cải. Trong bếp nhà chúng tôi, củ cải nấu canh chủ yếu là khiêm tốn dừng lại ở hai chọn lựa: với sườn/xương heo hay đôi khi là nửa chay nửa mặn với chút bột cá Nhật. 

Tôi trèo lên mạng nhện, hướng dẫn làm món rất nhiều, xê dịch có nhưng chỉ là chút ít, kiểu như người lấy thịt ngao ra, kẻ để nguyên cả con ngao mở miệng trong tô canh nóng.

Gia vị bổ túc cho món canh đơn giản này đích thực đơn giản: hành xanh và gừng.

Canh ngọt và thanh. Đến ông lão nhà ta, một người thờ ơ với tất cả các thể loại rau củ, canh rau lại càng không, mà cũng gật gù... và giơ bát đòi thêm củ cải :-)

Và tôi có thêm bài học nhỏ về nấu và ăn, nhưng cũng là về sống ở đời: đừng bao giờ chủ quan nhận định trước, cứ phải thử cái đã trước khi tính đường mở miệng tám này bình nọ :-)

canh ngao củ cải phiên bản bếp Việt

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

bắc ninh 21.01.2024

đào phai
(1)

Lần này không có tiết mục "con gái chấy rận" ngồi bờ hiên nhổ tóc sâu cho bà cụ già. Thời gian sau bữa trưa được dành cho chuyến sang nhà anh họ thân cận trở về ăn Tết từ Slovakia. 

Các gia đình anh chị họ tụ tập đánh chén, trước đó có gửi lời mời chúng tôi. Tôi cười khì khì giải thích, bác Tây không biết xơi thịt chó. Thế là hết chuyện mời mọc và rượu chè. Chúng tôi chạy sang nhà anh họ để uống trà. Và cũng hít khói thuốc theo một cách hết sức bất đắc dĩ từ anh họ con cả của Bá - chị gái của Mẹ. 

Có hai anh họ ruột rà và hai anh rể họ. Hai anh rể đều là giáo viên, ăn nói có chừng mực mà vẫn đảm bảo độ thân thiện "người nhà". Anh họ thân cận thì khỏi phải nói, chúng tôi quen thói ề à, nghĩ gì nói nấy, cảm thấy hết sức thoải mái mỗi lần gặp nhau. Riêng anh họ con bác cả thì thật khó nói.

Ông anh uống rượu say, không đến mức nói lời khó nghe, nhưng lời anh nói ra làm mọi người mỏi mệt. Túm lại là một ông vàng đeo đầy người, hở miệng tung toé mùi tiền và thành đạt của một tay đã từng chuyên ngồi thuyền buôn hành tỏi từ Hà Bắc lên Đồng Xuân-Bắc Qua lúc "đại ca" Khánh Trắng chắc còn đang dậy thì, rồi sau đó là vô tỉnh Nam thuê xe san đất rồi cắm mấy cái cọc, cho giằng dây điện và ngồi rung đùi bán đất theo lô. Anh họ này và hai ông em trai của anh giờ tính giá trị tài sản không phải là vài tỷ hay vài chục tỷ mà là đến đôi trăm tỷ. Tôi vừa nghe lời vàng ý ngọc về đạo lý làm người và là người giàu lại vừa hít khói thuốc từ ông anh họ này được lúc thì tìm cách chuồn, lấy cớ đi xem xưởng thủ công của anh họ thân cận.

Thế là tôi biết chuyện một ông bạn của anh họ này chuyên món tự lắp và chế loa thủ công. Ông bạn này nhờ anh họ tiện cho các miếng gỗ trang trí đỡ/chụp loa. Anh họ làm bảy cái thì hỏng ba, tôi cười phớ lớ, cho em, cho em

Chúng tôi rời nhà anh họ với ba miếng gỗ và năm củ khoai tây, khoai là xin từ túi khoai sạch một chị họ mang tới. 

(2)

Đồ thực phẩm tiếp tế lần này mang về Hà Nội rất tập trung: bầu nấu canh, bắp cải muối dưa, mớ nhỏ rau cần và rau muống một cho món bún cá, một để làm bữa rau luộc; rồi nữa là su hào và cà rốt. Mẹ than phiền cà rốt và su hào nhiều quá, có bữa còn nhổ bỏ. Con gái tiếc rẻ nhưng mang vác về Hà Nội thì lại có vấn đề là ăn vào lúc nào cho hết. 

Tôi khoe Mẹ là mới học được công thức từ cô [nhà Nội] cách muối cải thảo theo lối muối dưa truyền thống [cải bẹ]. Bà cụ gạt phắt, đại ý là cải thảo mua ngoài sợ dính nhiều thuốc trừ sâu. Con gái cười khơ khơ, nếu cứ nghe Mẹ thì ở thành phố con chẳng dám ăn rau gì nữa.

(3)

Khi nói chuyện với Bố, bạn đánh chén của tôi rất tò mò về cái sự du học Liên Xô hồi giữa và cuối những năm 1960 của Bố và chị gái. Chẳng là hôm trước chúng tôi đi thăm bác và cô nhà Nội, ở nhà bác gái nghe kể chuyện đi Liên Xô có lần ngồi máy bay - tôi đoán là lần bác quay trở lại chứ không phải lần đầu đi học - thì quá cảnh ở Pakistan và trời thì nóng ơi là nóng. 

Hỏi cụ già một câu, chúng tôi được nghe củ tỉ củ ti chuyện. Nào là chuyến đi 13 ngày của Bố từ Phố Nối (?) đến Mạc-tư-khoa, nào gặp lụt sau khi đến Bằng Tường thì đã được ngồi tàu biển một chặng ra sao trước khi lên tàu hoả đi tiếp, đổi tàu hoả từ của Trung Quốc sang của Liên Xô như thế nào, thấy hồ Baikal mùa hè đẹp ra sao... Rồi chuyện ông cụ già nhớ chi tiết cái ngày đầu tiên nhìn thấy tuyết. Nhưng mà hay nhá, Bố kể chi tiết nhiều chuyện song đến các chuyến đi quay lại nước Nga thì ông cụ lơ mơ. Sự nhớ của con người quả thật đặc biệt!

Cũng trong mạch chuyện, tôi mới biết bác gái đi dạng học bổng toàn phần, nên khi về lại Việt Nam, bác cùng bạn học được xem là những người "giàu có". Còn Bố đi theo dạng nghiên cứu sinh với đề nghị từ chính phủ Việt Nam (với Liên Xô) là thay vì cho một người một suất thì hai phần học bổng được chia cho ba người. Kết quả là ông cụ nhà ta chỉ là một người đi học nghèo :-)

TL nghe đến đoạn này thì cười xỏ xiên, thời đó dù có hơi thiệt thòi cho người đi học nhưng là tử tế xét ở tầm vĩ mô, vì như thế vừa là thêm người có cơ hội, và cũng là cơ hội cho đất nước. Còn bây giờ thì sao? Nếu có cắt xén thì hẳn không phải để hai anh đèo thêm một chị mà là người đi học "lại quả" cho ông nhà nước. Chuyện thật y chang tôi không dám chắc, nhưng ở cấp trường đại học hay viện nghiên cứu, cái phương thức này không thể nói là không phổ biến a :-)

(4)

Đối với tôi lúc này, mỗi dịp xa Hà Nội tựa như trèo thang lên thiên đường. Ở nhà quê Bắc Ninh, chúng tôi có thể thở căng lồng ngực, khoan khoái tận hưởng cái cảm giác sạch và thoáng ngoài mong đợi.

Đường về Hà Nội, càng gần thành phố, ám ảnh chật, bẩn, ồn và lộn xộn mỗi lúc càng phình nở.

Nhưng mà cũng thật lạ. Đến lúc lọt thỏm trong không gian đô thị, hình như mọi sự bất tiện bỗng hoá bình thường. Tôi gọi đây là năng lực thích nghi của thị dân thời đại xã hội chủ nghĩa bốn chấm không và sắp trên bốn chấm không :-)

"xấu" nhưng mà sạch - rau vườn nhà Bắc Ninh

sang nhà anh họ uống trà, và ngắm một con ngan đi lạc

Mẹ than phiền mất đi nhiều gốc hồng già,
con gái cười khơ khơ, không hồng còn cúc 

màu báo Tết
năm nay Bố tuốt lá muôn, vậy mà mọi chuyện vẫn ổn

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

tôi voilà ở quán voilà

(1)

Tôi chưa bao giờ là fan hâm mộ mấy kiểu quán xá phong cách ngày nay, từ ồn ào nhạc giật đùng đùng rất chi là rộc [rock] đến ra vẻ ta đây sặc mùi nguy hiểm [trước đám anh em an ninh tư tưởng] khi đem cụ Liệt Ninh [toàn tập] kê mông cùng cốc ly trong quán nhắc nhớ thời bao cấp qua các kiểu kì bí manga hay trong vắt tinh khôi sặc màu ngôn tình Trung Quốc và vanh-tịt [vingtage] lẫn lộn mùi Đông-Tây với thấp thoáng tô giới Thượng Hải hay mấy cô da trắng tóc vàng của một thời Belle Époque

Tôi nhớ lần cuối ngồi hai quán theo một trong những kiểu đó là vì cái thứ nhất thì là khi tôi có hẹn ở Hà Nội, và người hẹn tôi chọn địa điểm hẹn là ở đó; còn cái thứ hai là vì đang ở Sapa và tôi bối rối không biết chọn quán nào thì vô ngay cái ở trong tầm mắt.

Hôm nay tôi lần thứ ba vô quán kiểu cách. Lần này cũng là có lý do, một lý do rất riêng.

(2)

Bất ngờ là tôi rất hoan hỉ, trong và cả sau khi ngồi quán nhỏ vào một đầu chiều mưa lâm thâm. 

Kem nhà làm, đúng mùi vị của thủ công, làm tôi nhớ hai ông bà già bán kem ở tầng hầm nhỏ trên phố Odessa không xa điểm du lịch trứ danh Montparnasse là mấy. Kem ngọt vừa phải, vị thơm của trái mơ rượu Nhật [choya] từ từ ôm ấp các nụ vị giác, mới đầu tôi thô lỗ lầm tưởng mình đang chén rhum raisin, phải chốc lát sau mới biết mình bé cái lầm, mơ đúng là mơ thật [trái quả] mà cũng tựa như đang ở trong mơ. 

Tiramissu trong một ly nhỏ kiểu cách, tính với cái miệng của một người Phương Tây thì chắc là "tợp" một ngụm là xong, nhỏ nhưng ngon. Tôi vui tính nói với cô em bạn, đây là phần bánh tiramissu ngon nhất Hà Nội.

Tôi được đãi một ly trà cam nóng. Thoạt tiên, tôi trong dạ có chút "khinh khỉnh" khi nhìn món trà ra bàn. Nhưng bất ngờ nhá, trà cam nhẹ nhõm và giản dị vậy mà thật thanh chứ không phải quá đà nồng nặc tinh dầu như mấy bạn trà cam/cam-quế yêu nước xứ mình. Hỏi ra thì, à ra thế, cam cũng như mấy bạn trà-hoa khác (cam-quế, oải hương...) đều là hàng đặt mang về Việt Nam. Tôi không hảo thích các bạn trà kiểu này nhưng ly trà hôm nay, tôi thích!

Tôi đùa vui với cô chủ, nếu bản tiệm có thêm tiết mục trà ấm, với mấy bạn kiểu như oolong, thiết quan âm chi chi, tôi ắt sẽ muốn ngay ngày mai quay lại nơi này. 

Để tha hồ có trà thơm và kem ngon cùng bánh vị đậm đà.

Voilà Glace - 26 Hạ Hồi
Bàn nhỏ bờ hiên nhà tha hồ ngắm cây với rất ít tiếng người lao xao.
Trong quán nhỏ có bàn sẵn sàng cho cuộc trò chuyện ấm áp hai người tầng dưới 
hay tụ tập nhóm bạn ngồi sàn gác lửng rủ rả rù rì.  


trời đổ mưa, chạy mau vô nhà, đóng cửa tránh hắt

chạy mưa, bàn từ hiên vô nhà

tiramissu tý hon - nguyên liệu ngon gặp tay cô chủ khéo

có tầng dưới, lại có cả gác trên

hiên xanh

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

gừng dẻo vị mật ong

mứt gừng [dẻo] vị mật ong, chờ gỡ cho vô keo
với mật ong nhà Alissa và Mat
Thay vì ướp và sên gừng chỉ với duy nhất đường, tôi bổ túc chừng non bát cơm mật ong, mật quà từ nhà hàng xóm trên núi ở Hancock.

Cảm giác chung là sao quá trình trông coi cái chảo nó lâu vậy. Tôi thậm chí lôi cả ghế bàn ăn ra ngồi ôm bàn bếp nấu, vặn vẹo người đủ mọi tư thế quái dị với câu hỏi, bao giờ mới xong đây.

Mứt gừng thành phẩm hãy còn trên chảo không phải là các lát/miếng đanh mang sắc trắng của vụn đường. Chúng ướt!

Tôi dốt cộng lười, lẽ ra phải chuyển nhà cho chúng - dàn ra khay - thì lại cứ mặc chảo cùng gừng nguội đi. Kết quả là sau đó có đứa dở hơi gỡ từng miếng gừng cho vô keo.

Món mứt gừng vị mật ong này ăn vui vẻ ngon. Và đặc biệt là khi tự mình làm mứt thì mứt đó mình tha hồ ăn mà không vướng bận bất cứ cảm giác tội lỗi nào như khi nhấm nháp mấy bạn mứt gừng hàng Việt Nam yêu nước đóng trong những túi thiếc khẩu phẩn cá nhân bé xinh xinh được bán với giá "trên trời" :-) 

Nhưng thực thà mà nói, tôi làm vậy một lần cho biết. Vì thứ nhất là tôi chẳng phải người quá hảo thích mật ong cùng tất cả những gì liên quan. Thứ hai là lát mứt gừng kiểu truyền thống khô đanh với lớp áo đường đối với tôi vẫn là ngon hơn cả!

có thêm mật ong, sên mứt tốn nhiều thời gian hơn

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

smeg và philips

Tôi cẩu thả, làm mất cái trục truyền chuyển động [centre pin] của máy vắt cam Smeg. Gọi điện hỏi tổng đài dịch vụ, cô tiếp máy nói giọng Nam dễ thương trao đổi thông tin rất chuyên nghiệp và chốt hạ, chị vui lòng chờ bộ phận kỹ thuật ở Hà Nội liên lạc. Lúc tôi gọi máy là giữa ngày thứ Bảy.

Cuối sáng thứ Hai, tôi nhận cuộc gọi từ Hà Nội. Giọng Bắc và Nam, đàn ông và đàn bà, đúng thật là khác biệt. Nhưng khác biệt to hơn nữa, và là điều làm tôi có chút ngạc nhiên với một hãng lớn như Hafele, là anh chàng kỹ thuật này có vẻ "làm cho xong", qua loa hỏi thông tin rồi mau yêu cầu khách gửi hình ảnh cái trục đã mất. Tôi choáng, mất rồi thì sao chụp được a. Cũng anh bạn này thay vì nói thẳng ra thì vòng vo hàm ý, khách mua ở đâu [cửa hàng nào] thì tới đó mà đòi. Úi Giời, thế thì có cái tổng đài dịch vụ làm gì a :-) Tôi thua!

TL được phen cười thoả thích trước thành tích phá hoại của tôi. Bạn đánh chén thì an ủi, có gì mình mua máy mới. Giời ạ, lúc nãy tui kiểm tra thông tin mạng nhện, máy đó giá bằng hai phần ba tháng lương tôi kiếm được ở trường đại học đó.

Mấy ngày liền sau đó, tôi chăm chỉ vắt nước cam... bằng tay. Mỏi là một chuyện. Tệ hơn là tôi cảm thấy rất lãng phí khi không đủ lực vắt kiệt lấy nước quả. Bình thường chừng mươi quả, Smeg cho một bình bự nước vắt. Còn khi vắt tay, tôi dùng gấp rưỡi số quả mà bình chứa vẫn chưa đầy. Tôi than phiền thì ông lão nhà ta bảo, à nhớ ra rồi, mình còn máy Philips cũ. 

may mắn, tìm thấy Philips vắt cam cũ :-)
thói bo bo giữ đồ xem ra không phải lúc nào cũng xấu :-)
Cái máy nhựa nhìn rất cũ, rất tầm thường, lại còn bị gãy mất một phần cánh của đầu vắt. Nhưng mà hay nhá, máy chạy vèo vèo, cam vắt kiệt còn lại lớp vỏ quả sạch ráo. Tôi khoái chí xiên xọ trong đầu hình ảnh ví Smeg như gái phố "Hàng" bóng bảy bám rễ ở Hà Nội sau năm 1954, còn Philips thì tựa em đây gốc chín đời làng Cổ Nhuế. 

Tám nhảm vậy thôi, túm lại, Smeg hay Philips đều tốt. Philips vắt cam lấy được cả phần tép, nước cam vô bình không trong vắt như chảy ra từ vòi Smeg. Philips gọn nhẹ, rửa dễ. Smeg chắc và hào nhoáng, rửa cũng dễ, nhưng không dễ bằng Philips. Và nhất là Smeg đắt, Philips bình dân. 

Thêm nữa, nói gì thì nói, tôi vẫn phải tính đi tìm mua cái trục truyền đã thất lạc. Chứ không thì để quả trứng Smeg đỏ chót trong bếp chỉ để ngắm chơi sao :-)

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

tạm biệt 2023 và xin chào 2024

lịch của Tao Creative
nhìn bìa lịch, nhớ các chị các cô đã gắn bó
với chúng tôi trong hơn một thập kỷ nghiên cứu
(1)

Sau tuần dài rong ruổi trên đường, chúng tôi thấm mệt, lừ đà lừ đừ đón năm mới. Tệ hơn là TL còn ốm đến mức phải xin phép nghỉ làm.

Chúng tôi tạm biệt năm cũ 2023 và chào đón 2024 trong tình trạng đó!

(2) 

Ở qui mô toàn cầu, năm 2024 bắt đầu chẳng vui vẻ gì với tin tức từ Nhật Bản. Ở qui mô quốc gia, tôi vô tình ngó mạng nhện thì trúng phải một phóng sự của VTV4 "vạch trần" và "đấu tranh" chống lại các "luận điệu xuyên tạc" của các "thế lực thù địch" bị cáo buộc là chỉ nhăm nhăm hạ thấp các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam. Nếu cứ theo nhà đài trung ương thì năm 2023 thật là tốt và giờ sang năm 2024 thực có nhiều hứa hẹn tốt lành. Vấn đề là ở dưới tầng đáy của cái xã hội được coi là phát triển và đầy thành tựu này, tôi lại hay nghe ví von "một năm kinh tế buồn" cùng những viễn cảnh 2024 chẳng mấy tích cực. Tôi tự hỏi mình nên tin nhà đài hay tin nhân dân. Quay sang hỏi bà cụ già ở Bắc Ninh, tôi được nghe một câu rất văn vẻ, đại ý là chủthủ chuyên bốc phét còn thì lầm bà lầm bầm, túm lại là không tin những gì đài nói. Wow!

Còn ở cấp độ sinh hoạt cá nhân, tôi nhìn xung quanh, chà, mọi chuyện xem ra vẫn chạy tốt, ít nhất là ở cái dáng vẻ bên ngoài của chúng! Nhà giàu vẫn sinh hoạt trưởng giả. Nhà nghèo vẫn nham nhở cười nói bất chấp mọi sự trên đời. 

Sâu hơn nữa, tôi thấy mình vớ vẩn. Đêm ngày cuối cùng của 2023 trèo sang 2024, ông lão nhà ta lọ mọ đi xuống và hét toáng lên, Happy New Year. Chỉ vào đúng cái tích-tắc đó, tôi mới nhận ra sự vô tâm của mình. Từ bấy lâu nay, tôi nào có quan tâm năm mới lịch trên. Nếu là ở nhà biển, thấy bạn đời tỉ mỉ bày cái này, nấu cái kia mừng Giáng Sinh, mừng Năm Mới thì tôi thấy là đương nhiên. Còn về Hà Nội, tôi liền quên tiệt ý nghĩa của dấu mốc thời gian đó. Thế nên, lẽ ra phải có chút rượu và đồ nhắm gì đó, thì tôi chỉ chăm chăm pha một bình trà sau bữa tối như lệ thường. 

(3) 

Tôi nhận thấy với bản thân, càng già-đi thì các suy nghĩ cùng những bận tâm càng giảm bớt và trở nên đơn giản. Đúng là tôi vẫn chưa bỏ tiệt thói bao đồng, và với một kẻ không tu chẳng tập đến nơi đến chốn như tôi thì điều này rõ ràng là bất khả. Đúng là tôi thi thoảng vẫn chực xông pha mồm mép và thậm chí là bốc đồng phẫn nộ trước vài "chuyện đời, chuyện người". Nhưng may mắn là mấy năm qua, tôi thấy mình "ngậm miệng" nhiều hơn là nói lời trước những chuyện bên ngoài bản thân, và có khi là cả những chuyện xảy ra với chính bản thân. 

Tôi hy vọng và tự chúc mình tiếp tục con đường đó. Bất chấp tình trạng mơ hồ và bấp bênh của hồ sơ sức khoẻ. Bất chấp việc tôi chính thức trở thành người "tự do" trong cột thông tin nghề nghiệp. Bất chấp việc tôi vẫn chưa xác định được rốt cuộc thì tôi thuộc về nơi chốn nào khi mà cuộc sống với bạn đời ở xứ người xem ra vẫn còn mang tính tạm bợ và khi về Hà Nội, khi ở bên TL và hai cụ già nhà mình thì tôi mới có cảm giác thực là "chính mình".  

Tạm biệt 2023!
Và xin chào 2024!

ngày đầu tiên của năm 2024, chúng mình đi ăn cơm khách
có nem nhà làm, có đậu phụ rán, và có vịt quay, rất ngon :-)

ngày đầu tiên của năm 2024, khui gói hồng trà này
đãi khách đến nhà ăn tối

ở nhà bạn TL, tìm một định nghĩa về sống "tốt":
nhìn mặt nước, nghe tiếng phà chạy ngang qua
và tận hưởng chút khí trong lành xa trung tâm thành phố