Trước khi tôi về Hà Nội, có đôi ba vụ ăn ăn uống uống với đại gia đình nhà Alex. Nhớ cuối mùa hè năm đó có đủ thứ chuyện. Alex bị cười nhạo vì cái tội sau khi ông cụ già Georges Duby qua đời đã long trọng hứa đưa tôi đi coi Musée de Cluny nhưng hình thù cái site đó thế nào tôi đến phút cuối ở Paris vẫn chẳng rành. Rồi nữa, xung quanh bàn ăn, đám người già và bọn trẻ ranh, đám đàn ông và đàn bà trong đại gia đình tổ hợp quốc tế kỳ dị của ông anh, tất cả cấu thành đủ kiểu phe để tranh cãi về cuốn sách của quý bà đình đám trong vụ Elf. Tôi ú ớ nghe câu được câu chăng, hỏi, thế có tựa sách thế thật à. Ông già trong nhà, người lúc nào cũng vác cái mặt khinh khỉnh tự dưng biến thành kẻ khác, giảng giải một hồi về các thứ đặc quyền trong xã hội Pháp. Tôi gật gù ra chiều hiểu biết, còn thực đáy dạ chẳng hiểu mô tê gì.
Tôi sẽ chẳng bao giờ nhớ lại cuốn sách này và tác giả của nó nếu không có chuyện mấy bữa nay bà con lùm xà lùm xùm đầu phố cuối phố chuyện cái xe biển xanh đậu chân máy bay. Xứ mình chẳng nói chuyện to, chuyện bí mật quốc gia đại sự, đặc quyền từ trong gia đình ra ngoài phường xã là chuyện thường ngày có chi lạ.
Ngồi bus vào phố có việc, qua cái tổ đám cưới sự kiện của cơ quan quân đội kia, xe biển đỏ nghênh ngang trên hè dưới phố một dãy dài, các chú đồng phục áo xanh mặt đỏ văng đỏ vái, mười chú thì chín chủ miệng vẫn còn thò ra cái tăm nghiêm túc phi thường xỉa lên xỉa xuống. Phố nhỏ từ mấy bữa nay có biển cấm đậu xe, xe phường xe quận qua răn đe hồi, thế quái nào gặp hết người nhà này đến người quen nọ, cả một đống xe vi phạm mà cuối cùng ba anh xe kéo kềnh càng chỉ thâu tóm được đúng một chú em quê mùa không thân không phận. Chiều về, phường và quận hẳn bận bịu quên phố nhỏ, xe vui vẻ chen chúc đậu láo cả một dãy dài.
Hè rồi cô nghệ sĩ bỉm sữa nhân chuyện trường lớp gì đó của tôi lên cơn xỏ xiên hỏi, thế mày dạy bọn trẻ con là đời là một đống [sh] đầy bất công hay mọi thứ đều đã được ơn trên lo, đã tốt và đang tốt hơn. Lúc đó tôi chỉ muốn tát cho nó một cái.
Không nhớ tôi đã trả lời câu hỏi đó thế nào. Giờ nghĩ lại chuyện của cô bạn, cộng thêm chuyện bà con thì thào đầu phố và những cảnh sống động tôi thấy ngày ngày, tự dưng lại phì cười, nào ta sống tiếp :-)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét