Ngày trôi qua theo một cách kỳ dị mà tôi không thể bao trọn vẹn ý nghĩa, càng không thể nói tới chuyện kiểm soát được nó.
Đường tắc, việc mua đồ theo kế hoạch từ Xuân Diệu tới Phó Đức Chính sang Quán Thánh dự kiến hai giờ đồng hồ kéo dài lê thê đến tận đầu tối. Điều tốt lần này là tôi để khéo đồ mua vào hai cái túi, không bị tay xách nách mang như mọi bữa, người theo đó cảm giác đỡ phần chật vật.
Đường tắc, tôi không có kiên nhẫn trèo xe 14 hộp cá trích lèn, nhảy đại lên xe 23 lơ thơ vài vị khách. Trời nhập nhoạng, xe nhỏ tù mù, khách nhõn ba vị hai bà một ông, mặt mày ai nấy hằm hằm căng thẳng. Tôi tưởng cãi nhau gì với nhà xe nhưng chuyện anh lái và anh tài rủ ri đầu xe chẳng liên quan quái gì đến đám khách chúng tôi cả. Sau, tinh thần xỏ xiên cộng thuyết âm mưu nổi lên, con giời nghĩ, chắc tại cái bầu không khí u nản ma mị này nó làm bà con vác nguyên bộ mặt đó.
Xe về đến Kim Mã chỉ còn lại tôi và một bà già. Vẫn là bản mặt hầm hầm. Bà già đi xuống cuối xe ngồi. Tôi lon ton đi theo, đặt mông xuống ghế trên rồi quay sang hỏi, bác xuống à. Câu trả lời đầu tiên siêu nhấm nhẳng, xuống thì mới ngồi đây chứ. Tôi chưa kịp choáng thì nghe đít-cua hoành tráng về tổ tông hai họ bà bác và chồng bà bác luôn. Đại loại chưa đến 200 mét đường dài và trong khoảng thời gian xe nhích tý tý một vì đường tắc vào đâu đó chừng 15 phút, tôi biết bà già có nhà ở hồ Hoàng Cầu cho thuê hàng chục triệu, giờ chuyển vào sống ở gần đình Hào Nam cho yên tĩnh, nhà chồng có chồng là con thứ 8 trong số 9 con, đã từng bị quy địa chỉ, phân tán phiêu dạt quá nửa sang Mỹ và Canada, mất một người không thấy xác ở Khe Sanh... và giờ nhờ phúc tổ tiên, dù bị mất hết trong cái thời đấu tố cải cách thì giờ anh em ai nấy đều hoành tráng, nhà cao cửa rộng, về quê Nam Định xây nhà thờ to như lâu đài. Bà già bảo tôi, nhớ nhá, nhà mình tử tế có phúc thì kiểu gì cũng đâu vào đấy. Còn cái bọn cán bộ, quan tham chúng nó chẳng bền, đục được phúc đấy mà ăn. Chúng tôi xuống xe. Vĩnh viễn tôi không có lấy một mảnh nhỏ đầu mối để liên hệ cái câu nói cuối cùng của bà già có phải là do bức xúc xã hội chi chi không, hay vẫn trong cái mạch lịch sử đại gia đình bản thân.
Ngồi đờ đẫn đầu đường Giảng Võ chờ xe 38, tôi hẳn xứng đáng được bằng khen khách hàng kiên nhẫn của quý công ty xe bít. Trong thời gian chờ, tôi kịp ngắm bọn quán xá bên kia đường, siêu hoàng nhoáng mặt tiền tầng 1, còn lại phía trên có chút gì đó tối tăm và tạm bợ. Nó làm tôi liên tưởng đến thành phố toàn cảnh, ít nhất thì là cái phần thành phố "cũ" - tức là chưa mở rộng - mà tôi hay loăng quăng đi lại trong đó, gồng mình phù phiếm một cách chắp vá kiểu cô nàng lộc cộc Louboutin super fake quên không gỡ miếng ghi giá tiền ở đáy giầy đỏ chót.
Về nhà coi giờ thấy được thì ngó ra cửa hỏi chốt anh hàng xóm nhà bên kia đường đã có người đến phúng viếng chưa. Ông anh bảo được. Con giời lăn tăn nhưng không biết cái sự không ổn là gì. Thẻ hương và phong bì đã sẵn sàng, đứng ở cửa ra tần ngần chút, hay là lấy cái túi nhỏ để đồ vào cho kín đáo. Sau lại chặc lưỡi, kệ.
Cả đời tôi vô duyên với tất cả các thể loại lễ lạt, từ đám ma qua đám cưới. Lịch sử ăn nhầm đám cưới, thực là tại cái thằng bạn chết tiết dẫn sai đường cả nhóm, đã từng có thành tựu. Giờ là lon ton sang nhà người ta khi chưa còn làm thủ tục. Ngượng ngùng, tôi giấu đồ dưới bàn, chăm chăm nhấp nước vối nóng rồi ề à dăm ba câu chuyện với đám bà cô bà chị tổ dân phố bên kia đường.
an |
Mới tuần trước thôi, TL đi Sài Gòn về kể chuyện cậu bé chúng tôi không hề quen biết tương lai sáng lạn chỉ chờ vài ngày là bắt đầu đời nhân viên văn phòng tích cực thì không may bị bạn trẻ chạy xe vượt đèn đỏ làm nát cả một ống chân đến độ phải cắt chi. Chuyện lạ là phản ứng của phụ huynh, lặng lẽ thu xếp việc trong bệnh viện, "tỉnh bơ" đến mức thằng bé con một chỉ rơm rớm nước mắt tủi thân trước khi Mẹ nó an ủi, may mà không mất mạng con ạ. Chuyện lạ hơn nữa là Bà của thằng bé nghe tin dữ, nói ra một câu, đời không cho ai tất cả. Tôi quen kịch bản người nhà và nạn nhân nhảy tưng tưng không oán trách ông giời thì hùa nhau đi nã thằng thủ phạm. Cái đau lặng nuốt vào tâm can của hai bậc phụ huynh kia, câu nhắc lại lời người xưa của bà cụ, tôi nghĩ nếu không phải là những người tôn giáo đích thực thì hẳn đã kinh qua những biến cố cuộc đời hết mực sâu sắc.
Đoạn thời gian mới đi làm, tôi hăng máu bao đồng, nghe chuyện thiên hạ đa phần thời gian là mở chốt bức xúc. Cái ngu ngốc của tuổi trẻ, bất chấp những cảnh báo từ người lớn trong nhà và anh chị lớn tuổi đi trước, đã không ít lần biến tôi thành lố bịch, vô tình trở thành nhân vật không đáng có của một chuyện tầm phào không đáng có. Nhà có chuyện, tôi tự động chuyển hệ, từ out thành in, co rút cái nội tâm, chẳng buồn ngó nghê thiên hạ đấm giết và thóa lị nhau nữa. Giờ he hé cánh cửa tái hòa nhập xã hội thì chỉ thấy một màn xám mờ của ốm đau, bệnh tật và chung cuộc sự sống.
M qua nhà tìm tôi, được chỉ dẫn của anh hàng xóm nó thò mặt sang bên nhà có đám gọi tôi về. Tôi kể cho nó cái "tai nạn" ngớ ngẩn của mình, nó nói đại ý là bái phục cái sự "điên" của tôi, rồi hỏi đã sai thì sao không về nhà ngay mà còn ngồi đó gật gù với đám các bà các cô. Câu trả lời của tôi, thì tao ngượng chứ còn gì nữa, mà để chữa ngượng thì tốt nhất là ngồi đấy chờ các bà các cô về mình rón rén về theo.
Tôi không rõ có mối liên hệ gì giữa bà già xe 23, độc thoại phúc đức tổ tiên một phần tư giờ đồng hồ, cái linh cảm lỡ dở của tôi và sự thất thố tiếp sau đó. Dù thế nào thì rốt cuộc, tôi đã có một ngày kỳ dị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét