Lần khân 5 năm, cuối cùng tôi cũng lóc cóc vác mớ hồ sơ đi làm chứng nhận văn bằng. Cơ quan bộ hồ sơ một cửa siêu xịn, có cái máy hai nút bấm, một nộp hồ sơ, một nhận kết quả. Bấm cái nào, dù có nhẹ tay đến mấy, thì cái máy cũng rung bần bật như hàng mã loại hai gặp gió đầu đông. Ngoài chuyện ẽo ợt đó ra thì chuẩn, mực in phiếu ghi số đậm đà rõ nét, lại có cái màn hình và giọng cô nhân viên dõng dạc như giọng thông báo nhắc trú bom thời chiến gọi số vào phòng nghiệp vụ.
Sáng nộp hồ sơ lần một, chiều quay lại bổ sung giấy tờ minh chứng thời đoạn Sciences Po. Đi ngồi taxi, về trèo bus 31 cả hai lần đều gật gà gật gù trên xe trước khi chuyển sang bắt xe tuyến khác. Giữa những đoạn lơ mơ, theo thói, tôi ngó các tràng mày của cánh phụ nữ, từ nhóc con sinh viên tầm năm nhất năm hai đến các bà già. Nhà nhà, người người làm mày. Da căng láng mịn đang tuổi rực rỡ đầu 20 mày đen sì. Bà già da lem nhem nhăn nhúm cũng mày đen sì. Cứ mười cá thể thuộc nhóm "đàn bà" thì dám chắc đến non hai phần ba là có mày có phần nhân tạo.
Cuối ngày về nhà trên bus quen, theo thói tôi ngồi ghế đầu cạnh lối lên xe, ngơ ngáo ngó phố phường trước mắt. Có một xe lam đi trước, vắt vẻo cả đống đồ với đống người ngồi thò chân xuống gần chạm mặt đường, mặt mày rất phỉnh. Tôi đoán chừng một phường thợ hồ ngoại tỉnh, xong lại thấy mặt mũi dân tình măng non bấm ra sữa, rồi nữa mắt mũi có gì đó là lạ. Xe bus vượt đám người kia. Hóa ra một tổ hợp ca khiếm thị.
Trong thành phố cả ngày tôi đi đi lại lại chuyện giấy tờ, người nhà giàu nhìn thấy cả mớ, bình dân làm mặt làm mày áo xống phấn son kiểu tao cũng như ai cũng nhiều. Đẹp nhân tạo có vô vàn phiên bản. Cuối ngày, hóa ra cái đẹp chân thật và giản dị lại ở những cô bé cậu bé trên cái xe lam lũ phục vụ biểu diễn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét