Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

giấc ngủ, thức ngộ và ông cưỡi la

(1)

Đến hôm nay, tôi thấy mình ở đỉnh điểm của bộ sưu tập nhiều tháng ròng "thiếu ngủ".

Ngày dài, đêm dài, các ghi chú trong sổ lịch mỗi ngày liên quan đến một phần sinh hoạt tự nhiên nhất, nguyên thủy nhất của con người là ngủ luôn dập dềnh dưới số năm. Cùng với sự bê bối kéo dài của sinh hoạt này là xuống cấp trầm trọng của cơ thể hình lý và trì trệ của psy.

Về mặt lý thuyết, sức tàn phá của "thiếu ngủ" là điều hiển nhiên không thể tranh cãi. Nhưng với thực tế những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy mình giống một tay game thủ vừa được thăng hạng, phê phè phỡn. Khác chăng giữa y và tôi là trong trường hợp của mình, tôi nâng trình hủy hoại không phải kẻ thù trong cuộc chơi mà là chính bản thân.

Ngày đầu tuần mới hôm nay đặc biệt. Không phải vì tôi vừa đọc xong cái thông báo lịch nghỉ kéo dài. Cũng chẳng phải vì cuối cùng tôi cũng mò mẫm mấy mẫu đơn từ và hồ sơ để bắt đầu nắn nót gửi thưa.

Đơn giản, như một thức ngộ, tôi bắt đầu tường minh các vấn đề hiện tại và cả cách thức đối diện với chúng. Tôi nghĩ, đã đến lúc quay lại thói quen viết nhật ký bị sao lãng suốt thời gian qua.

(2)

Vì trên đời vốn dĩ chẳng có gì là hoàn mỹ và một chiều, chuyện thiếu ngủ bên cạnh cái năng lực hủy hoại đáng gờm của nó hóa ra cũng có thể đem lại một vài "lợi ích" nhất định.

Với tôi, đó là sự dư thừa thời gian để nghĩ nhảm nhí.

Và một trong những kết quả tuyệt vời của cái quá trình mơ hồ, lộn xộn này là phát hiện, hóa ra triết học quan trọng.

nguồn tranh là ở đây
Tôi bắt đầu đọc lại và đọc mới vài tác giả phi thường nghiêm túc. Nhưng hay ho hơn thế là cảm giác vui vẻ mỗi tuần ngâm nga một bài ngắn sặc mùi Lévy trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần. Chân thật mà nói giữa một ông Bernard-Henry và một ông Trí Vương nào đó thực chẳng có cóc khô liên hệ gì. Nhưng tôi thích phóng túng cái chủ quan tính của kẻ-đọc là mình, rất vui vẻ mà coi Đâu là mối quan hệ quan trọng nhất với Bạn? của ông họ Đỗ kia là một suy tư triết học đời sống hiện thực, lúc này và ở đây!

(3)

Mùa hè năm 1997, tôi ngồi cạnh Alex và tay em họ ở một góc cái quảng trường nổi tiếng Paris.

Hai anh em nhà kia hay chính xác là ông em họ của Alex, lòng khòng và nhom nhem như một gã nghiện lâu năm, tự tung tự tác cái bài đít-cua dài dằng dặc với chủ đề Bernard-Henry Lévy có đáng được xem là "philosophe" không trong khi gã anh một tay bản thảo một tay rờ bút chì ghi các notes chữ Hy Lạp loằng ngoằng.

Tôi chăm chú nhìn theo bước chân đi của người thiên hạ, thực hành cái bài tập psy nhìn giày guốc đoán tính người do Alex khởi xướng, nửa tai này nghe độc thoại triết học của ông giống nghiện nửa tai kia nghe lao xao bà con bàn luận về vở kịch của Ionesco mà họ sắp xem.

Tôi tưởng đã quên tiệt câu chuyện mùa hè năm đó, nhưng những ngày này bỗng tất cả dội về, sống động, như thể tôi vẫn đang ở Bastille.

(4)

Có lẽ tôi đã qua cái đoạn cao trào của sự truy đuổi những thỏa mãn mang tên vật chất nữ thị dân bé mọn.

Đúng là tôi vẫn rất nghèo, vẫn rất khao khát có một cái ví tiền dày chút, nhưng mấy chuyện áo áo quần quần hay ăn ăn uống uống bên ngoài giờ nếu có thì chỉ là một dạng dư âm của quán tính, kiểu có cũng được không có cũng chẳng sao.

(5)

Tôi thấy mình trong quá trình của sự già-đi, bắt đầu trở nên chậm rãi, thong dong mà ngẫm nghĩ về những gì đang xảy ra xung quanh mình và trong mình.

Đó không phải là một hành trình dễ chịu. Nó bắt đầu như thế nào tôi chẳng rõ. Chỉ rõ là lúc ban đầu tôi thấy mình có chút chật vật và không ngừng phản kháng, đây đâu phải là chuyện đáng làm.

Nhưng giờ đó hóa ra lại là một chuyện hay ho thú vị. Tôi thậm chí bắt đầu tính toán, với chút máu xỏ xiên cố hữu, về việc phân chia thời gian "làm việc" của mình hài hòa giữa bản thảo của những Arendt, Badie, Duby, Foucault, Freire và các mẩu ghi chép triết học đời sống, triết lý thường nhật phong cách Lévy :-)))

Nhại ông cụ Duby, Lịch sử [vẫn] tiếp diễn. Tôi tiếp tục sống, tiếp tục già đi. Và bắt đầu suy nghĩa khác đi chút chút, về cuộc sống, về bản thân!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét