Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

đợi một ngày nắng

(1)

Ở căn hộ, tường nước chảy lấm tấm. Mấy phòng tầng trên mặt sàn dán lớp nhựa vân gỗ nhân tạo rẻ tiền ướt nhoét. Sàn gỗ phòng khách đích thực là gỗ thì khá khẩm hơn tý chút. Cả nửa buổi sáng chúng tôi loay hoay đi tìm bọn điều khiển của máy điều hòa. Còn quạt cây thì được huy động triệt để.

Còn ở nhà, buổi tối TL phát hiện vệt nước trong phòng của nó. Xem ra không phải vô cớ mà trong tiết nồm này, có một diễn đạt rất quen tai là "nhà sũng nước".

(2)

Cũng như hầu hết mọi người, tôi không thích tiết trời này. Nhưng thực thà mà nói, cảm giác khó chịu đó trong những năm qua chỉ là mơ hồ thoảng qua.

Năm nay sự khó chịu trở nên triệt để chân thật. Không phải vì trong nhà ướt, ngoài đường ướt, quần áo phơi mãi chẳng khô mà là cái cơ thể tôi mang chính thức trở thành một thứ hàn thử biểu nhịp nhàng tỷ lệ thuận thời tiết dở hơi cùng các cơn đau mỏi. Đó là chưa kể sự tụt dốc đáng báo động của psy - về căn bản là xám xịt,

Tôi cảm nhận rõ quá trình già-đi này. Không dễ chịu chút nào!

(3)

Có việc vào phố, chúng tôi ngồi ở quán quen trên phố Hai Bà Trưng. Ghế sau có hai ông trẻ công sở nói giọng nhừa nhựa, bèn bẹt và rất to, kiểu người tự tin vô đối. Tôi không cố ý mà cuối cùng lại hóa thành kẻ nghe lỏm. Chuyện về người quen nào đó của hai cậu lên cơn cao hứng đi đến chỗ vùng cách li để chụp ảnh và lai-chim. Chẳng biết hiệu quả phây thế nào nhưng bị hỏi han thì đã nếm đủ. Chuyện này xem ra chẳng khác gì chuyện vài bà con mấy tỉnh Nam đi coi công an truy bắt cái tay nghi phạm bắn người xới gà hồi Tết.

Ngó mạng nhện không tự nhắc nhở mình thì khả năng đầu óc mau xám xịt rất cao với mức độ khẩn trương của tin tức và cả vài bài đăng có chút màu giật-gân. Còn nếu cứ loay quanh cuộc sống trong tiểu khu thì không thể rõ cảm trạng nào là đúng.

Hàng xôi méo mặt vì khách ăn sáng số đông là bọn trẻ con giờ vắng tiệt. Còn tiệm bánh tiệm bún và các tiệm cafe phố thì vẫn lúc nhúc người. Công an cái phường đối diện chẳng rõ có phải bận bịu mùa cúm hay đang được huy động cho việc giải tỏa một góc con đường to gần nhà giờ cũng mất dạng. Kết quả là xe đậu nháo cả một dọc phố bất chất các biển cấm đậu xe cách đều chằn chặn mỗi một góc rẽ của con phố.

Tôi thi thoảng chạy ra đàn đúm với hàng xôi và hàng quả, nghe kể chuyện cái tiệm thuốc chếch đối diện bữa rồi bị khách mắng cho một trận tưng bừng vì hét giá một hộp khẩu trang 400 ngàn đồng tiền. Hôm qua hội đàn bà tám chuyện có góp mặt của cô chủ tiệm thuốc gần nhà tôi thi thoảng vẫn mua hàng, tôi trêu cô, thế mày có bán khẩu trang giá trên trời không.

Con bé bảo em còn mấy hộp dư trong năm, bán nguyên giá, hết thì thôi. Xong nó lại thủng thẳng kể cô chủ tiệm kia khoe với nó thành tích đánh hơi ngày đầu năm mới, vào chơi với bạn cũng là chủ tiệm thuốc ở Tây Mỗ chúc Tết thì ít mà tranh thủ gạ gẫm cô kia còn mấy chục hộp khẩu trang để nguyên giá gốc gần 30 ngàn thì nhiều. Cô này kể chuyện xong thì rất khoái chí là tao "lừa" được nó [cô Tây Mỗ] quả này mấy triệu. Cái lòng cái dạ con người chỗ này chỗ khác có hay dở tốt xấu gì thực cũng là chuyện rất thường, rất đời. Nhưng chuyện cụ thể người thật việc thật thế này, tôi nghe xong vẫn cứ là có chút chán ngán.

(4)

Từ tiệm cafe quen, tôi nhìn chếch sang bên đường chỗ gần cái trường đào tạo các bạn trẻ nghệ sĩ tương lai của thành phố, thấy nắng chập chờn trên lưng tường của ngôi nhà cổ sơn vàng rất đẹp. Nắng đến nắng đi, được hồi lại dồn dập một màu xám xịt dọa nạt một cơn mưa mới.

May mắn là chúng tôi về nhà an toàn, không dính chút mưa nào.

Chị chủ quán ăn cạnh nhà mấy hôm nay mỗi lần nhìn thấy tôi đều nhăn nhở lặp đi lặp lại một câu, mong trời nóng để con vi-rút cúm nó chết.

Tôi chẳng nghĩ xa như chị.

Rất ích kỷ, tôi mong nắng để mọi thứ xung quanh khô ráo.

Và nhất là để cái cơn trầm cảm [vì] thời tiết này cũng như những cơn đau hình lý mà tôi đang bất đắc dĩ gặm nhấm ngày qua ngày có thể theo đó mà giảm nhiệt.

Chỉ đơn giản thế thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét