(1) Từ nhiều năm có cô hàng xóm xa xa chuyên trách sắm giúp vàng mã cúng ngày 23, giao thừa và tiền vàng đặt trên bàn thờ cả năm. Năm nay, hàng xôi bán nhờ trước cửa - chuyên trách nhiệm vụ nhờ vả cô hàng xóm - loanh quanh thế nào quên bẵng chuyện này, đến sáng 22 tôi hóng hớt hỏi một câu thì mới hớt ha hớt hải chạy sang nhà người ta nhờ vả. Tôi thì ung dung, không kịp cho mấy ông bà giữ bếp thì thôi, cứ đảm bảo cúng tối cái ngày cuối cùng của năm lịch dưới và có tiền vàng mới trên mặt tủ thờ là được.
Tất nhiên là không có chuyện lỡ dở gì. Sáng 23 con giời mắt nhắm mắt mở ngó ra cửa đã thấy có đủ món. Thế là cúng. Và lần này kịp để các vị Táo quân thong thả đi công tác chứ không như năm nào đến tối mịt vẫn có đửa dở hơi ngồi chồm hỗm ngoài vườn khều khều chỉnh lửa đốt mã.
Tôi hẹn ăn trưa với L, gọi điện bảo nó sợ tắc đường nên có thể đến muộn chút so với hẹn, nó bảo cứ yên tâm vì em đi từ nhà và đang vác cá đi thả. Lúc gặp nó, tôi định trêu, tại sao cho mấy vị đầu rau này hàng mã chỉ có mũ và giày mà không có áo có quần nhỉ. Nhưng nếu hỏi thế thì hóa ra tôi dốt à. Vậy dứt khoát không hỏi. (Mở ngoặc, khi viết note này tiện gõ bác Gúc-gù "tại sao ông táo không có quần áo" thì được một đống kết quả luôn :-). Như vậy, xem ra tôi cũng chẳng dốt hơn khi mang cái thắc mắc này).
Tối TL về, vừa thò mặt vào thì câu đầu tiên là hi hi ha ha hôm nay có người chưa kịp đốt mã làm Táo quân lại bị lỡ chuyến đi. Tôi chẳng buồn giải thích rằng đấy là mũ mãng cho Thần linh Thổ địa đêm giao thừa. Lý do, nếu Bố Mẹ không chuyển về Bắc Ninh sống thì chắc đến giờ tôi cũng nhầm y chang như nó.
Sau bữa tối, tôi ngồi ngắm chỗ tiền vàng cho năm mới, đùa mọi người, có người lấy cả một đống quách làm thành công trình in-xờ-ta-la-xi-ông thì tại sao mã đẹp thế này lại không lấy làm đề-co nhỉ. Thế là được nghe chuyện bịa như thật của TL mà chuyện này là nó hóng hớt nghe từ ai đó, về một thằng cha đi mua đồ đốt cho ông. Tay bán hàng xui mua cho ông cái ai-phôn rồi thêm câu, ở dưới đó có khi còn gặp được Xờ-típ-dốp. Khách nghe vậy ừ thì mua ai-phôn. Tay bán hàng bảo lấy điện thoại rồi thì phải thêm sạc và bao ốp gì gì đó. Thằng cha mua hàng bảo ô-kê, rồi nhắc cho tôi cái cạc-vi-dít. Tay bán hàng thắc mắc thì được trả lời, để nếu điện thoại trục trặc thì ông tôi còn biết đường liên lạc với ông mà đòi bảo hành, chứ còn gì [khác] nữa.
(2) Bố ra Hà Nội lấy lãi cổ tức và thăm bác gái nhà Nội. Ông cụ rời nhà từ đầu chiều, quá giờ tan sở mới về. Con gái hỏi thăm đường có tắc không, ông già vui tính, không tắc mà chỉ [xe bus] từ từ nhích. Nói xong, ông già tiếp tục vui tính, nói quyết định về Bắc Ninh sống là đúng đắn vì Hà Nội ô nhiễm quá. Tôi nghe thấy có lý, sau lại nghĩ thầm trong bụng, may mà nhà ngoại là xứ quê vùng sâu vùng xa không bị công nghiệp hóa thì mới lành lành được thế chứ cứ Bắc Ninh làng nghề hay Bắc Ninh khu công nghiệp mà xem, lúc ấy thì chẳng biết chỗ nào khiếp hơn.
Hỏi thăm người lớn mấy câu, con đi bộ sang bên kia đường to để mua đồ trong siêu thị trước khi qua chợ dân sinh. Xách cái túi đồ lò rò ra đến đường thì được màn khiếp hãi. Cái vỉa hè rộng thênh thang nườm nượp xe máy. Đúng là không tắc mà là rì rì xe chạy, rì rì xe nhích trên phần đường, còn vỉa hè thì tốc độ khá hơn tý chút. Tôi vớ được một ông anh tay cũng xách túi xông pha giữa các đầu và đuôi xe máy chạy trên vỉa hè, cứ thế mà lon ton theo sau, tính ra cũng dược đôi chục mét đường. Nhưng đến chỗ trụ sở hai cái ngân hàng to thì ông anh can đảm kia cũng hết đường tiến. Người ta dừng suy tính, tôi cũng dừng nhưng là chờ xem bám đuôi tiếp thế nào. Kết quả, ông anh vọt luôn xuống lòng đường. Chúng tôi cứ thế thong thả đi hết cả quãng dài đến chỗ có đèn xanh đèn đỏ qua đường. Giờ nghĩ lại thấy hài, bà con bộ hành thì đi dưới lòng đường, bà con chạy xe hai bánh thì nối đuôi nhau càn quét vỉa hè.
(3) Tối có vụ tụ tập ở nhà, chẳng rõ chúng tôi đang luyên thuyên chuyện gì thì rẽ sang chuyện mua cái này bán cái kia để ủng hộ, trợ giúp chỗ này chỗ khác. Có một người bảo, giờ người ta hoặc thiếu hoặc muốn thể hiện là [...] và lương tâm hay nói cách khác là việc-là/làm-người tốt. Người này psy quái đản lẫn máu hài có dư trong người, cứ thế mà bằng lời dựng xong một cái clip hài với hai nhân vật Chí Phèo-Thị Nở cùng anh chàng xyz nào đó bán một món hàng abc nào đó, hành hoa chẳng hạn. Đại loại, anh xyz bảo khi mua một mớ hành thì [có nghĩa là quý khách hàng] đã ủng hộ một món tiền chấm phảy nào đó tương đương một hai cọng hành cho [...]. Chuyện tiếp là Chí Phèo xơi xong bát cháo hành thì mặt đột nhiên nhẵn sẹo, làm Thị Nở ngẩn ngơ buồn mất một hồi vì trống vắng cái nét duyên nơi anh chàng.
Hài xỏ chán thì người này kết luận, đại ý đời vẫn thế, rồi trích nguyên Bùi Giáng, rằng Dạ thưa xứ Huế bây chừ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét