Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

bắc ninh 22.2.20

Đường đi và về lần này, giấc ngủ trên xe của tôi không được chuyên nhất cho lắm. Cơn đau thoảng qua lúc rời giường buổi sáng hóa thành bại hoại cả một phần bả vai. Tôi loay hoay tìm thế ngả đầu để quên cơn đau, đến bữa thì trúc trắc gắp đồ, rất hài.

Chị họ bán hàng rong ở Sài Gòn lần này kéo dài kỳ nghỉ ở quê. Chúng tôi qua nhà chào hỏi, nghe chị kể chuyện hàng họ hài hết cỡ. Hàng rong của chị họ khác xa hàng rong hoa quả mấy bà mấy cô chúng tôi theo chân phỏng vấn trong suốt hơn mười năm trời ở Hà Nội. Hàng họ chủ yếu là thực phẩm, thịt thà cá mú, và bán kiểu ghi sổ thanh toán cuối kỳ là chuyện hết sức bình thường. Chị kể cùng một cô khách đợt nợ đầu quá 13 triệu, phải chờ mấy năm mới thanh toán hết. Tôi hỏi trong lúc cô đó trả nợ thì còn bán cho cô đó không, chị bảo đương nhiên là không. Tôi lại hỏi, thế sao giờ lại có chuyện vẫn cô đó năm nay, tức trước Tết rồi, lại thiếu chị 8 triệu. À hóa ra cô đó trả xong nợ cũng là lúc kiếm được ông bồ Hàn Quốc. Mà có ông bồ Hàn Quốc thì đồng nghĩa với việc có/sẽ có tiền thanh toán. Chị họ chủ quan, bán hàng kiểu cho nợ cho cô đó, kết quả Tết rời Sài Gòn về quê với một đống tiền cho chịu trong đó có khoản 8 triệu đồng của cô nọ.

Con dâu chị họ làm cho nhà máy gần nhà. Nguyên liệu nhập từ Trung Quốc hết, thế là được nghỉ mươi ngày không lương. Tôi hỏi thế sau đó thì sao. Nghe trả lời, không rõ, mà có khi là nghỉ tiếp. Chuyện trò câu đực câu cái, cứ đơn giản thông tin là vậy, chẳng có mùi phẫn nộ hay lo âu phiền não gì về cái khoản tạm nghỉ việc không lương hay tiền bán hàng không thu hồi được. Nếu có một mối bận tâm nghiêm túc thì đó là việc chồng chị họ bảo, thằng cháu ba bốn tuổi nghỉ học vì dịch cúm giờ hẳn quên sạch những gì được cô dạy trên lớp. Thằng cu da rám màu đồng mơ ước của không ít cô gái trẻ nằm ngoài dòng chủ lưu chuộng da tắm trắng, béo ụt ịt, nói nhanh và nói lắp, tôi nhìn nó đi đi lại lại, lên xuống cái giọng đặc sệt quan-họ thì nghĩ, chẳng có gì phải lo với/về thằng này.

Chiến tích rời nhà chị họ là hai cái rá, rổ tre được treo lâu năm chỗ gác bếp. TL mắng tôi tham và vơ. Anh rể họ thì cười bảo, nhà giờ dùng rổ nhựa, treo đấy mãi cũng chẳng làm gì. Cặp rá, rổ được vác về nhà, tôi lại bị bà cụ già mắng, vẫn là vì cái tội tha lôi tham lam. Tiên sinh cũng hùa theo, nhưng tối về căn hộ thì chính ông lại hỏi bao giờ mày đem bọn rổ rá về đây. Thắc mắc của tôi mau chóng được giải đáp, ông nhìn thấy hai cái khay nhựa lồng vào nhau đựng hành tỏi và củ giềng thì bắt đầu mơ màng, chúng để trong rá rổ tre hợp hơn.

Trước và sau bữa trưa, tôi lui cui một hồi cũng nắn nót xong yêu cầu cho hai cái giá đặt anh thợ mộc gần nhà. Các miếng đồng tôi cứ tích cóp mua mỗi khi lên Hàng Đồng xơi phở giờ tính ra hữu ích. Hồi hộp chút chờ xem ông thợ mộc làng trên phù phép thế nào.

Mấy năm trước Mẹ chiều con gái, nhờ người bê nguyên cả bộ cối đá giã gạo và cái lăn chuyên để lấy thóc giống về để ở nhà Bắc Ninh. Các miếng đá to và nặng, chúng cứ thế mà lăn lóc từ sân ra vườn. Có lẽ vì thế mà hôm nay khi con gái thỏ thẻ xin mấy cái cối đá nhỏ với lời nhờ vả nếu tiện xin được cối đá cũ nhà nào trong làng bỏ đi thì bị bà cụ già từ chối ngay tắp lữ. Lập luận của bà cụ già là nhà ở Hà Nội đã quá nhiều đồ linh tinh rồi và tôi không được phép nháo vì bà cụ đã có kế hoạch cho cái nhà Hà Nội. Con bị mắng thì nhăn nhở làm hòa, thôi thì xin một cái cối nhỏ đem về căn hộ bày chơi.

Cái cối đá xanh được lấy từ nhà một cô hàng xóm cũ thời tập thể Kinh tế kế hoạch. Chị quen vác từ Hà Nội về Bắc Ninh. Giờ thì đến tôi vác từ Bắc Ninh về Hà Nội. Tiên sinh có cái cối đặt ngoài hiên, khoái chí bảo, hay là đổ đất vào trồng cây nhỉ. Dù thế nào cái cối cũ cũng thật lợi hại. Để ngửa thì thêm bạn chày gỗ nghiến tha hồ đập dập nào ớt nào tiêu nào tỏi. Đặt úp thì biến thành cái kệ. Mà ngửa trở lại xong thêm đất thì thành cái bồn hoa. Cuộc đời khéo nhìn thì thật là vui vẻ, hóa ra nhiều chuyện nó là do cái đầu của mình quyết định đường đi lối rẽ chứ chẳng phải chỉ là nội bản thân đồ vật, sự vật.

Đợt ốm này của tôi không dễ dàng mau qua. Nhưng bù lại, thời gian của ngày tôi cố gắng giữ cho mình không rơi tõm vào cái hố sâu psy đen ngòm thì chắc rồi mọi chuyện sẽ sớm tốt.

Avanti :-)
nghịch các miếng đồng

lá nếp bạn lái xe tự cắt từ vườn - tiết kiệm được 10 ngàn đồng mua chỗ hàng rong

xin cái cối đá xanh - chày gỗ nghiến không dám vì sợ bị mắng

bọn cây chầm chậm lớn

món quà tặng ông cụ già - đo nhiệt độ và độ ẩm

bông hoa đầu tiên

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

giấc ngủ, thức ngộ và ông cưỡi la

(1)

Đến hôm nay, tôi thấy mình ở đỉnh điểm của bộ sưu tập nhiều tháng ròng "thiếu ngủ".

Ngày dài, đêm dài, các ghi chú trong sổ lịch mỗi ngày liên quan đến một phần sinh hoạt tự nhiên nhất, nguyên thủy nhất của con người là ngủ luôn dập dềnh dưới số năm. Cùng với sự bê bối kéo dài của sinh hoạt này là xuống cấp trầm trọng của cơ thể hình lý và trì trệ của psy.

Về mặt lý thuyết, sức tàn phá của "thiếu ngủ" là điều hiển nhiên không thể tranh cãi. Nhưng với thực tế những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy mình giống một tay game thủ vừa được thăng hạng, phê phè phỡn. Khác chăng giữa y và tôi là trong trường hợp của mình, tôi nâng trình hủy hoại không phải kẻ thù trong cuộc chơi mà là chính bản thân.

Ngày đầu tuần mới hôm nay đặc biệt. Không phải vì tôi vừa đọc xong cái thông báo lịch nghỉ kéo dài. Cũng chẳng phải vì cuối cùng tôi cũng mò mẫm mấy mẫu đơn từ và hồ sơ để bắt đầu nắn nót gửi thưa.

Đơn giản, như một thức ngộ, tôi bắt đầu tường minh các vấn đề hiện tại và cả cách thức đối diện với chúng. Tôi nghĩ, đã đến lúc quay lại thói quen viết nhật ký bị sao lãng suốt thời gian qua.

(2)

Vì trên đời vốn dĩ chẳng có gì là hoàn mỹ và một chiều, chuyện thiếu ngủ bên cạnh cái năng lực hủy hoại đáng gờm của nó hóa ra cũng có thể đem lại một vài "lợi ích" nhất định.

Với tôi, đó là sự dư thừa thời gian để nghĩ nhảm nhí.

Và một trong những kết quả tuyệt vời của cái quá trình mơ hồ, lộn xộn này là phát hiện, hóa ra triết học quan trọng.

nguồn tranh là ở đây
Tôi bắt đầu đọc lại và đọc mới vài tác giả phi thường nghiêm túc. Nhưng hay ho hơn thế là cảm giác vui vẻ mỗi tuần ngâm nga một bài ngắn sặc mùi Lévy trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần. Chân thật mà nói giữa một ông Bernard-Henry và một ông Trí Vương nào đó thực chẳng có cóc khô liên hệ gì. Nhưng tôi thích phóng túng cái chủ quan tính của kẻ-đọc là mình, rất vui vẻ mà coi Đâu là mối quan hệ quan trọng nhất với Bạn? của ông họ Đỗ kia là một suy tư triết học đời sống hiện thực, lúc này và ở đây!

(3)

Mùa hè năm 1997, tôi ngồi cạnh Alex và tay em họ ở một góc cái quảng trường nổi tiếng Paris.

Hai anh em nhà kia hay chính xác là ông em họ của Alex, lòng khòng và nhom nhem như một gã nghiện lâu năm, tự tung tự tác cái bài đít-cua dài dằng dặc với chủ đề Bernard-Henry Lévy có đáng được xem là "philosophe" không trong khi gã anh một tay bản thảo một tay rờ bút chì ghi các notes chữ Hy Lạp loằng ngoằng.

Tôi chăm chú nhìn theo bước chân đi của người thiên hạ, thực hành cái bài tập psy nhìn giày guốc đoán tính người do Alex khởi xướng, nửa tai này nghe độc thoại triết học của ông giống nghiện nửa tai kia nghe lao xao bà con bàn luận về vở kịch của Ionesco mà họ sắp xem.

Tôi tưởng đã quên tiệt câu chuyện mùa hè năm đó, nhưng những ngày này bỗng tất cả dội về, sống động, như thể tôi vẫn đang ở Bastille.

(4)

Có lẽ tôi đã qua cái đoạn cao trào của sự truy đuổi những thỏa mãn mang tên vật chất nữ thị dân bé mọn.

Đúng là tôi vẫn rất nghèo, vẫn rất khao khát có một cái ví tiền dày chút, nhưng mấy chuyện áo áo quần quần hay ăn ăn uống uống bên ngoài giờ nếu có thì chỉ là một dạng dư âm của quán tính, kiểu có cũng được không có cũng chẳng sao.

(5)

Tôi thấy mình trong quá trình của sự già-đi, bắt đầu trở nên chậm rãi, thong dong mà ngẫm nghĩ về những gì đang xảy ra xung quanh mình và trong mình.

Đó không phải là một hành trình dễ chịu. Nó bắt đầu như thế nào tôi chẳng rõ. Chỉ rõ là lúc ban đầu tôi thấy mình có chút chật vật và không ngừng phản kháng, đây đâu phải là chuyện đáng làm.

Nhưng giờ đó hóa ra lại là một chuyện hay ho thú vị. Tôi thậm chí bắt đầu tính toán, với chút máu xỏ xiên cố hữu, về việc phân chia thời gian "làm việc" của mình hài hòa giữa bản thảo của những Arendt, Badie, Duby, Foucault, Freire và các mẩu ghi chép triết học đời sống, triết lý thường nhật phong cách Lévy :-)))

Nhại ông cụ Duby, Lịch sử [vẫn] tiếp diễn. Tôi tiếp tục sống, tiếp tục già đi. Và bắt đầu suy nghĩa khác đi chút chút, về cuộc sống, về bản thân!

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

một note ghi cho món hải sản

Hôm nay chúng tôi có bữa trưa muộn đặc biệt. Khách đến nhà cuối sáng, chủ và khách bàn bạc một hồi, đi chợ một hồi thì đến tiết mục khách trở thành chủ trong nhà bếp.

Mấy đồ hải sản mua ở hàng chuyên trong chợ Mỹ Đình xuất xứ tỉnh Thanh. Mỗi thứ một chút, món lần lượt ra bàn phong phú, có ghẹ xào, ốc hấp, mực nướng và cuối cùng là cháo nghêu.

ghẹ xào hành xanh - có trứng gà e ấp trứng cua :-)
Tôi ngủ dậy trễ, sau tót ra ngoài xử lý việc riêng, không ngó trộm vị khách-bếp trưởng thao tác thế nào. Hỏi TL và MM, cả hai đứa chẳng khác nào bọn "ngáo", cứ ư ư a a, sau lại bảo, biết thì biết nhưng còn lâu mới làm được giống bạn kia.

Nghe trả lời vậy thì đúng là không hỏi còn hơn. Nhưng chí ít tôi cũng có thêm vài ý niệm về bếp Hoa và đồ gia vị nêm nếm làm món hải sản cũng như cách làm, cách nấu.

Thứ nhất là một số món Hoa muốn ngon dứt khoát cần rượu Chiết Giang và giấm đen. Tôi như vậy có thêm chút động lực để tìm hiểu về hai bạn này. Hôm nay bếp nhà không có rượu cũng như giấm như mong đợi, bạn nhỏ đứng bếp thay bằng rượu nấu Nhật và nước cốt chanh, đối với tôi đã quá ngon rồi. Hẳn nếu có rượu chuẩn và giấm xịn, món sẽ còn ngon hơn nữa :-)))

Thứ hai, món mực ướp cumin ở nhà có đến cả tỷ lần làm và ăn. Nhưng hôm nay có chi tiết đáng kể là MM khi ướp chỉ dùng cumin và muối, không cần dụng đến xì dầu.

Thứ ba, vẫn là món mực, liên quan đến cách nướng, tôi được bài học to về sự kiên nhẫn và từ tốn. Món chín ăn liền ngon. Nhưng ngon hơn nữa là căn lửa và canh lửa, dùng vá gắp lật các miếng mực trên vỉ, đến lúc miếng mực trở nên khô và xém màu đẹp, ăn giòn chắc lại đậm đà, rất thích. Sau bữa trưa này, xem ra tôi sẽ cố gắng giảm bớt phần thô-lỗ trong cái sự nấu và ăn của mình :-)))

Cuối cùng là chuyện "ngon và đẹp". Thói thường tôi thích sự tiện nghi và ăn ngon, còn phương diện thẩm mỹ thì xuê xoa tùy hứng. Hôm nay lúc món bày ra, nghe TL giới thiệu ông khách đứng bếp tỉ mỉ thế nào trong việc bóc-ghè các con ghẹ và thái-khía các miếng mực, rồi nữa là chuyện khi nó cười cái chuyện đấy thì ông khách bảo, em muốn món vừa ngon lại vừa đẹp, tôi có chút giật mình. Đẹp và đẹp đến đâu luôn là câu chuyện có tính tương đối, nhưng món làm ra nhìn hài hòa, và lại thuận lợi cho kẻ ăn thì quả là hiển nhiên. Cái ý này, xem ra tôi cũng nên bắt đầu để ý!


ốc hấp lạnh - nước cốt chanh và rượu Nhật thay cho giấm đen và rượu Thiệu Hưng

mực ướp cumin nướng vỉ bếp cồn - quan trọng là thời gian và kiên nhẫn

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

đợi một ngày nắng

(1)

Ở căn hộ, tường nước chảy lấm tấm. Mấy phòng tầng trên mặt sàn dán lớp nhựa vân gỗ nhân tạo rẻ tiền ướt nhoét. Sàn gỗ phòng khách đích thực là gỗ thì khá khẩm hơn tý chút. Cả nửa buổi sáng chúng tôi loay hoay đi tìm bọn điều khiển của máy điều hòa. Còn quạt cây thì được huy động triệt để.

Còn ở nhà, buổi tối TL phát hiện vệt nước trong phòng của nó. Xem ra không phải vô cớ mà trong tiết nồm này, có một diễn đạt rất quen tai là "nhà sũng nước".

(2)

Cũng như hầu hết mọi người, tôi không thích tiết trời này. Nhưng thực thà mà nói, cảm giác khó chịu đó trong những năm qua chỉ là mơ hồ thoảng qua.

Năm nay sự khó chịu trở nên triệt để chân thật. Không phải vì trong nhà ướt, ngoài đường ướt, quần áo phơi mãi chẳng khô mà là cái cơ thể tôi mang chính thức trở thành một thứ hàn thử biểu nhịp nhàng tỷ lệ thuận thời tiết dở hơi cùng các cơn đau mỏi. Đó là chưa kể sự tụt dốc đáng báo động của psy - về căn bản là xám xịt,

Tôi cảm nhận rõ quá trình già-đi này. Không dễ chịu chút nào!

(3)

Có việc vào phố, chúng tôi ngồi ở quán quen trên phố Hai Bà Trưng. Ghế sau có hai ông trẻ công sở nói giọng nhừa nhựa, bèn bẹt và rất to, kiểu người tự tin vô đối. Tôi không cố ý mà cuối cùng lại hóa thành kẻ nghe lỏm. Chuyện về người quen nào đó của hai cậu lên cơn cao hứng đi đến chỗ vùng cách li để chụp ảnh và lai-chim. Chẳng biết hiệu quả phây thế nào nhưng bị hỏi han thì đã nếm đủ. Chuyện này xem ra chẳng khác gì chuyện vài bà con mấy tỉnh Nam đi coi công an truy bắt cái tay nghi phạm bắn người xới gà hồi Tết.

Ngó mạng nhện không tự nhắc nhở mình thì khả năng đầu óc mau xám xịt rất cao với mức độ khẩn trương của tin tức và cả vài bài đăng có chút màu giật-gân. Còn nếu cứ loay quanh cuộc sống trong tiểu khu thì không thể rõ cảm trạng nào là đúng.

Hàng xôi méo mặt vì khách ăn sáng số đông là bọn trẻ con giờ vắng tiệt. Còn tiệm bánh tiệm bún và các tiệm cafe phố thì vẫn lúc nhúc người. Công an cái phường đối diện chẳng rõ có phải bận bịu mùa cúm hay đang được huy động cho việc giải tỏa một góc con đường to gần nhà giờ cũng mất dạng. Kết quả là xe đậu nháo cả một dọc phố bất chất các biển cấm đậu xe cách đều chằn chặn mỗi một góc rẽ của con phố.

Tôi thi thoảng chạy ra đàn đúm với hàng xôi và hàng quả, nghe kể chuyện cái tiệm thuốc chếch đối diện bữa rồi bị khách mắng cho một trận tưng bừng vì hét giá một hộp khẩu trang 400 ngàn đồng tiền. Hôm qua hội đàn bà tám chuyện có góp mặt của cô chủ tiệm thuốc gần nhà tôi thi thoảng vẫn mua hàng, tôi trêu cô, thế mày có bán khẩu trang giá trên trời không.

Con bé bảo em còn mấy hộp dư trong năm, bán nguyên giá, hết thì thôi. Xong nó lại thủng thẳng kể cô chủ tiệm kia khoe với nó thành tích đánh hơi ngày đầu năm mới, vào chơi với bạn cũng là chủ tiệm thuốc ở Tây Mỗ chúc Tết thì ít mà tranh thủ gạ gẫm cô kia còn mấy chục hộp khẩu trang để nguyên giá gốc gần 30 ngàn thì nhiều. Cô này kể chuyện xong thì rất khoái chí là tao "lừa" được nó [cô Tây Mỗ] quả này mấy triệu. Cái lòng cái dạ con người chỗ này chỗ khác có hay dở tốt xấu gì thực cũng là chuyện rất thường, rất đời. Nhưng chuyện cụ thể người thật việc thật thế này, tôi nghe xong vẫn cứ là có chút chán ngán.

(4)

Từ tiệm cafe quen, tôi nhìn chếch sang bên đường chỗ gần cái trường đào tạo các bạn trẻ nghệ sĩ tương lai của thành phố, thấy nắng chập chờn trên lưng tường của ngôi nhà cổ sơn vàng rất đẹp. Nắng đến nắng đi, được hồi lại dồn dập một màu xám xịt dọa nạt một cơn mưa mới.

May mắn là chúng tôi về nhà an toàn, không dính chút mưa nào.

Chị chủ quán ăn cạnh nhà mấy hôm nay mỗi lần nhìn thấy tôi đều nhăn nhở lặp đi lặp lại một câu, mong trời nóng để con vi-rút cúm nó chết.

Tôi chẳng nghĩ xa như chị.

Rất ích kỷ, tôi mong nắng để mọi thứ xung quanh khô ráo.

Và nhất là để cái cơn trầm cảm [vì] thời tiết này cũng như những cơn đau hình lý mà tôi đang bất đắc dĩ gặm nhấm ngày qua ngày có thể theo đó mà giảm nhiệt.

Chỉ đơn giản thế thôi!

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

bò dải diềm thăn kho củ cải hàn quốc

Phần củ cải giống Hàn Quốc làm kim chi còn dư, tôi định làm món củ cải bóp xổi nhưng sau lại mau chuyển thành củ cải đệm cho món bò kho.

Diềm thăn bò có hai phần, dải thịt dài và phần thịt miếng. Tôi chọn dải diềm, cắt thành các miếng cỡ hai phần ba bao diêm Thống nhất. Không ướp trước gì cả, chỉ cắt và để bên.

Hành hương, tỏi làm sạch để nguyên tép, gừng một mẩu nhỏ đập rối, bắc nồi đất làm nóng, rưới chút dầu mè trong chờ nóng già thì xào hỗn hợp hành - tỏi - gừng.

dải diềm thăn bò kho củ cải - bắt đầu kho/om
Canh vừa độ xém thì cho thịt bò vào xào. Bổ túc bột gia vị, một thìa cafe mắm cốt, hai thìa cafe xì dầu Quảng Châu, hai thìa cafe bột ngũ vị hương Kim Hưng, chút tiêu xay, và cả chút nước để bò không bị cháy.

Chừng bò ngấm thơm thì cho củ cải và cà rốt thái miếng vừa cỡ thịt bò vào cùng nước xâm xấp, thả thêm mấy cái lá bay và kho/om. Lửa để lớn chờ sôi thì hạ liu riu, đậy vung om.

Thịt thành phẩm mềm, ngọt đượm gia vị, mọng nước. Món hạp với cơm trắng nóng cùng rau củ luộc/hấp. Và cũng hạp với cả một màn ăn vã kiểu "con nhà lính tính nhà quan".

Ông tiên sinh thấy món mang ra bàn, bĩu môi bảo giống cái bạn stew chứ gì. Uh thì giống thật, nhưng thử hỏi có mấy bà nội trợ mũi khoằm nào xài ngũ vị hương. Ba người ngồi bàn ăn tối, Tiên sinh là người xơi món dải diềm thăn bò kho củ cải này nhiệt tình nhất :-)

* Note ghi thêm: để đậm và ít nước thì là kho; cố tình cho nhiều nước và để lạt thì thành canh. Cái này gọi là tuỳ tính toán và mồm miệng của người đứng bếp cũng như người ăn :-)

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

một công thức thịt viên hấp

Tiếp chuyện bánh hấp "bí ngô", phần nhân không làm bánh được viên cho món thịt viên hấp. Làm kiểu loăng quăng cao hứng, kết quả không tồi thì ghi lại note nhớ này.

- Nạc vai xay sau khi trừ phần làm nhân bánh còn khoảng 200gr
- Hành hương 5 củ (tính ra bằng một củ hành tây nhỏ) bằm thật nhuyễn
- Gừng một mẩu nhỏ chừng đầu phần móng-ngón tay út, bỏ vỏ, bằm siêu nhuyễn
- Hành lá tươi 3-4 cây, xắt mỏng
- Bột muối tỏi (Morton) một thìa súp
- Tiêu xay non thìa cafe
- Bột ớt cayenne non thìa cafe
- Bột ớt Việt xuất Hàn nửa thìa cafe
hấp các viên thịt

Trộn đều cho thịt ngấm nhuyễn gia vị, để nhiệt độ phòng chừng 10-15 phút. Viên thịt theo cỡ mình thích, sẵn sáng chờ hấp.

Cái chảo to sâu lòng cho nước xâm xấp gần chạm vỉ hấp. Mặt vỉ hấp (inox) được láng chút xíu dầu ăn (optional). Lửa bật to chờ nước sôi thì lót các lá hành rồi đặt các viên thịt lên. Dùng cái đậy chảo chuyên dụng (đến giờ tôi vẫn không biết tên bạn này - túm lại là cái vung có lỗ nhỏ thoát khí) rồi tùy chỉnh lửa, từ lớn xuống vừa vừa.

Canh thời gian xong là có món thịt viên hấp. Không có dầu mè, không có xì dầu song chỉ nội vị gừng và phảng phất hương tỏi cũng đủ nhắc món nhân của bánh há cảo Nhật. Các viên thịt mềm, mọng nước, thoang thoảng của cay từ ót và tiêu. Ăn vã chơi rất thích!

bánh hấp "bí ngô"

Khi tắc tịt trước bản thảo, thì bếp luôn là nơi nương tựa tuyệt vời. Ít nhất điều này đúng với tôi :-)

Phần bột dư trong tủ nhắc nhở, có tôi có tôi. Làm bánh rán mặn gói ghém tay vụng không được sản phẩm đẹp như của MM là một chuyện, thêm nữa tốn dầu ăn vì cái vụ phải chiên ngập nên tính một hồi con giời chuyển sang bánh hấp.

bảnh hấp từ bột nhào của Hồng Tâm
Nhân là thịt xay trộn với hành hương bằm nhuyễn, hành lá xắt mỏng, tiêu xay, bột muối tỏi (đỡ khoản bằm tỏi tươi), ớt bột cayenne và chút ớt bột khô hàng Việt xuất Hàn (theo quảng cảo của ông sản xuất) và đặc biệt là chút gừng tươi bằm siêu mịn. Không có chút mắm hay xì dầu nào.

Tay đi găng làm bếp, xoa dầu ăn một lượt thì viên thịt để bên. Bột bánh cắt theo phần, xoa xoa đập đập, nhét cái nhân rồi mắm môi mắm lợi cố mà trét cho cái nhân nó chui tọt vào trong lớp vỏ. Nghịch lấy một mẩu hành lá nhét vô cho giống cái cuống trái bí.

Rồi đương nhiên là a-lê-hấp tiết mục hấp.

Cái bánh thành phẩm ngó chẳng ra hình dạng gì, mà giữa các phần bánh cũng không có nốt một nét tương đồng. Tôi vui vẻ gọi chúng là bánh hấp bí ngô.

Nhưng mà nói gì thì nói, bột nhào của bạn nhỏ Hồng Tâm ngon quả thật là ngon. Bánh hấp ăn phần nhân thịt ngọt, mềm, mọng nước, thơm gia vị, phần vỏ chắc và đậm nhờ vị của bí hấp và sữa trong quá trình làm bột.

Hôm nào rảnh rỗi, nhất định tôi sẽ nhờ MM hỏi công thức nhồi bột kia :-)))

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

kim chi củ cải hàn quốc - kkakdugi

Củ cải trồng bên Thai, to hơn cả bắp đùi của cô siêu mẫu, coi nặng nề rất khả nghi. Lúc nhận quà từ Mẹ, tôi được nghe giải thích, người làng sang Thai nhổ củ cải thuê hết ngày mang về mấy củ, đi qua biếu bà cụ già ăn thử. Bà cụ già bảo giống lạ hoắc, lại to thế này mà nhà ít người thì lấy làm gì. Sau có lịch của con gái về chơi thì đến lần [được] mời xơi củ cải thứ hai, bà cụ già giữ một củ phần con gái.

Lai lịch cái bạn củ cải này là vậy. Tôi nhìn nó cũng cảm thấy có chút lúng túng, to thật!

Lần đầu thấy giống củ cải này là ở chợ Á Đông. Thèm củ cải chết đi được nhưng kết quả vẫn là chạy lướt qua hàng rau củ. Sau kheo khéo ở mấy tiệm Hàn và Tàu gần nhà thấy củ cải trắng quen mắt thì chẳng nghĩ ngợi gì về cái củ chắc nịch trắng trắng xanh xanh nữa.

Tên gán cho bạn này là củ cải [giống] Hàn Quốc. Biết xong cái tên thì đến màn tính toán làm món. Rất nhanh có chốt định: kim chi củ cải!

Có một chuyện rất hay với cái đầu-kẻ-ăn của tôi là luôn có những ý niệm cứng nhắc bền gốc sâu rễ kiểu như đã là kim chi dưa chuột thì dứt khoát phải là do Cô H. - một hàng xóm cũ - làm mới ngon, và đã là kim chi củ cải hay kim chi su hào thì chỉ có bà cô bên Nội mới là làm ngon nhất.

Và cứ là vậy mà tôi rờ rẫm món kim chi củ cải lần này :-)

Công thức học từ công thức của Maangchi và cô chủ My Korean Kitchen. Lẽ dĩ nhiên là không thể tránh khỏi chút xê dịch.
kim chi củ cải làm từ củ cải giống Hàn quốc

Vài notes chi tiết ghi lại sau lần làm món này:
- Bình thường tôi nghĩ tẩy hăng củ cải bằng muối là đủ, lần này theo mạng nhện trộn củ cải với cả muối và đường, thấy rất có lý;
- Không có ớt bột Hàn thì xài ớt bột Việt (được quảng cáo rất oách là xuất Hàn), thấy đời vẫn tươi phơi phới, hỗn hợp trộn kim chi vẫn đỏ au;
- Mắm Hàn không có, anchovy lại càng không, xài mắm "thúi" Nam Định (tên tôi gọi cho nước mắm mua của bà hàng cá gần trạm y tế tiểu khu), vẫn rất ổn;

Trời lạnh, chờ sau ba bốn ngày, miếng kim chi củ cải lấy ra cắn phập một cái, giòn đanh, rất đúng vị kim chi. Ngày trước tôi đã từng thử làm kim chi củ cải thường, không hẳn là tệ nhưng thực thiếu cái độ đanh chắc giòn của củ cải giống Hàn Quốc lần này.

Dù thế nào, có thể coi như là thành công!

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

nhàn vân dã hạc

Trong thành phố, hết những ngày ồn ào "bụi mịn" là rầm rập khẩn trương phòng dịch cúm. Những cà ràm về còi xe và tắc đường giờ nhường chỗ cho tám chuyện xung quanh cái ống thổi nồng độ cồn. Và sau những lê thê trời xám lạnh là hứa hẹn mơ hồ có nắng và có ấm.

Có một vài mẩu thời gian ngắn của ngày, trong ngày, tôi cảm thấy mình bế tắc. Sách vở bày trước mặt giống những ngọn núi lớn. Việc nhà vốn rườm rà nhưng dễ làm bỗng trở thành nhọc nhằn. Cơ thể mọi khi có thể coi là hòa hợp cùng tâm tính giờ giống cái vỏ bánh bột nhào vụng lại gặp lửa canh không khéo trong lồng hấp nở vỡ tung tóe, dẫn tới cái cảnh chẳng mấy dễ chịu là người mệt và tâm trạng xấu.

Bữa rồi gặp lại vợ chồng Chị H. sau mấy năm cách quãng. Chị vẫn lợi hại như cách đây gần 30 năm trước, khuôn mặt nếu có thay đổi thì chỉ là đẹp hơn, thuần hậu hơn theo các tiết nhịp của thời gian. Và đặc biệt là năng lực nói nhiều và nói nhanh của chị vẫn là vô đối. Chúng tôi có cuộc trò chuyện dài xung quanh cái bàn trà ọp ẹp lệch chân. Cảm giác trong và sau đó là dễ chịu. Tôi thấy mình giống như bước qua một cái phòng lọc khí, trống rỗng, và khi đi ra thì hai lá phổi được tiếp sức trở nên căng tràn hào hứng.

Còn hôm qua là gặp MA, với những chia sẻ của bà chị về các chủ đề sinh hoạt ngày thường và chút ngán ngẩm cùng bất mãn về thế giới của những kẻ mang nhãn người chữ nghĩa. Tôi phát hiện tôi, chúng tôi, thực cũng không mấy bất bình, các câu chuyện được kể lại lạnh lùng, thậm chí là với chút trào phúng chứ không phải như là các ngòi kích động. 

giá thủ công mới xin được từ Bắc Ninh
Lịch sử dưới các lớp hình hài cũ và mới cuối cùng vẫn là trượt trong [các] quán tính của nó. Chẳng phải chuyện lạ lẫm gì khi một thằng chả giữ vị trí đại bốt [boss] trong hệ thống ngoắc tay bảo lũ người dưới nào chúng ta cùng ngâm cứu để đến ngày đẹp giời chỉ có đúng y chễm trễ cái ghế thành tựu người chỉ đạo, người chủ biên, người có công đóng góp cho nền học thuật nước nhà. Cũng chẳng phải là chuyện lạ khi một vài tay ma mãnh nếu không phải là múa lưỡi bịp bợm trước đám người hoặc dốt hoặc chỉ chăm chăm trả mọi giá để có được một mảnh giấy thì là tận dụng những lỗ hổng của hệ thống để biến mình thành học-giả chân chính trong cái ao làng chật hẹp. 

Tôi đã từng bị kích động khi lần đầu chứng kiến những chuyện vậy. Sau là chút uốn éo hùa theo. Sau nữa, thấy tạng mình chẳng hạp và nhất là với mẩu nguyên tắc đạo đức bé tý còn sót lại thật chẳng phù hợp chút nào thì tôi đứng sang bên. 

Có lúc tôi tự hỏi có phải giờ già rồi thì hèn nhát, uốn mình thuận theo thời buổi. Có lẽ chuyện cũng chẳng hẳn là vậy. Tôi vẫn phải sống, vẫn phải cố gắng gõ gõ cái đầu mình nhắc nhở, chừng nào ở trong đó thì phải hiểu luật chơi trong đó. Và ở một chiều khác, tôi tiếp tục đào xới mảnh đất nhỏ của mình cho những mầm cây mới, cho những mơ ước riêng của bản thân.

Tôi không thể có cuộc sống kiểu Alex hay của D. và partner quá cố. Nhưng ngay trong thành phố, một cái góc nhỏ hiên nhà, một ấm trà, một cuốn sách, yên tĩnh lui cui dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa bản thảo, tính toán cho một công thức nấu mới... tất cả những điều đó nằm trong khả năng của tôi. 

Nhàn vân dã hạc là một giấc mơ xa xỉ. Nhưng chậm rãi và yên lành mỗi ngày là giấc mơ có thể hiện thực hóa được, hỉ :-) 

hảo ngọt

quà từ Tiên sinh và MA
Hết lá trà xanh xứ Đài, TL pha Thiết quan âm của nhà chè Chính Thái. Nó không có nhiều hảo cảm với chocolat và thường nhạo báng tôi vì cái tật mắt hấp ha hấp háy và miệng thì phùng phình món đồ ngọt này, nhưng lần này bảo ngon.

Cái hộp gần rỗng, tôi mơ màng nghĩ đến các viên truffles ở quầy ngọt khách sạn Hilton. Rồi lại nhớ mình còn hai miếng chocolat đen tuyệt hảo mua ở Whole Foods, sẵn sàng cho các viên kẹo nhà làm méo mó xô lệch nhưng thật thà.

Nhưng nghĩ gì nói gì thì cũng không được quên, những ngày này tôi đã tống một lượng đường kha khá vào cái thân thể phì nộn này. Đã nhớ thì tiếp đến là phì cười, cứ bảo tại sao thường thấy mình u ám vậy :-(

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

rằm tháng giêng (3) - kobe bryant ở hà nội

Tiên sinh rầu rĩ trước sự ra đi của Kobe Bryant. Tôi lơ mơ hỏi, là ai vậy. Ông bảy phần ngạc nhiên cộng ba phần bất bình giải thích cho tôi.

Tối qua, ông hí hửng bảo cho mày xem cái này hay lắm. Tôi ngó mấy tấm hình, ừ thì hay hay. Xong lại hỏi, thế đây là ai à. Lần này thì bị mắng vì cái tội dốt nát.

Chỉ cho TL và MM xem, cả hai đứa đều biết Kobe Bryant là ai.

Tôi hỏi tại sao [chúng mày biết].

TL bảo cả thế giới nói về tai nạn và mất mát này, vậy làm sao mà nó lại không biết.

MM thì bảo bạn của nó vốn chơi bóng rổ ở trường trung học, đã đần người suốt cả một ngày khi nghe tin về tai nạn này.

Giờ tôi biết thêm một "ai là ai".

Và thú vị nữa câu chuyện nhật ký thị dân với những hình graffiti này!

rằm tháng giêng (2) - bánh rán hồng tâm

MM qua nhà ăn bữa trưa tạm bợ có bánh chưng rán, ngủ đẫy một giấc chiều rồi sau đó là cùng TL đảm trách món phở gà và bánh rán từ bột nhào của cậu bé có tên rất hay, Hồng Tâm.

Phở gà nhà làm chân thật, cả nhà đánh chén vui vẻ. Còn lại, chuyện bếp núc hay ho hơn cả của ngày là món bánh rán.

bánh rán Hồng Tâm :-)
Bột nhào vốn là để cho một món khác, có bột mỳ, có bí ngô luộc rồi nghiền mịn, có sữa tươi, rồi gì gì nữa tôi không rõ. Vốn món dự định là ngọt, đến bếp nhà chúng tôi, bọc bột được mau chóng chốt định cho món bánh rán mặn ngẫu hứng.

Nhân có thịt bằm, mộc nhĩ, nấm hương, tý xíu thịt tôm tươi cùng sợi miến. Ngoài mắm, bột gia vị lấy mặn có thêm hành hương bằm và đặc biệt là tiêu lấy thơm, lấy vị.

Lần đầu làm thử, bột MM vắt ra vê bánh hơi nhiều, vỏ bánh thành phẩm có chỗ lấn lướt phần nhân.

Bánh vỏ ngoài giòn, vỏ trong mềm dẻo, mỏng chút thì giống vỏ bánh tiêu.

vắt bột vê bánh

thành quả của MM
Bánh ăn kèm nước chấm pha thoang thoảng chua ngọt, có ghém su hào và cà rốt cùng chút rau thơm và mùi. Rất ngon!

Tôi gọi tên món, bánh rán Hồng Tâm :-)

rằm tháng giêng (1) - trồng cây và giao tiếp xã hội

Cúng rằm tháng Giêng từ ý định đủ mâm đủ bát ban đầu mau thành màn giản tiện. Có xôi đỏ, có khoanh giò, lại có chè bà cốt và chè đậu cùng quả coi như đủ. Lọ cúc có vàng có trắng, vàng mã một phần, hương trầm ba nén, cái đèn dầu được châm lửa khe khẽ suốt cả ngày.

chậu rau trồng muộn
Tôi có việc phải chạy qua chỗ căn hộ, lúc về đi qua hàng cây, gióng miệng hỏi bao tiền khóm Lan Ý. Ông chủ phát cái giá. Ngày rằm không muốn mặc cả, biết là mắc tôi vẫn kêu một khóm. Bà chủ mang chậu hoa ra, tôi cười bảo nếu bớt một ngàn lấy may thì tốt. Sẵn sàng, sẵn sàng, bà chủ vừa nói vừa chạy vào nhà tìm tờ tiền thối lại. Xong xuôi thì cám ơn rối rít, rằng thì là mà chị dễ tính mở hàng thế này tốt quá.

Xong cây thì đến chỗ hàng quen làm hai túi giá thể. Trong lúc chờ cô chủ mang đất ra và trả tiền thừa, tôi nghĩ đến cái màn mua bán vừa xong thì phì cười. Chẳng ngốc cũng chẳng dễ tính. Mà là vào một ngày mưa, lại là ngày 15 lịch dưới, thì cứ phiên phiến và vui vui vậy đi. Quan trọng là tôi có cái cây mới cho nhà.

Củ cải giống Hàn bữa trước xin từ Bắc Ninh, tôi ngắm nghía chán thì quyết định làm kim chi. Đường ra chợ mua cái này cái nọ làm món, tiện qua hàng khô mua miến lại tiện thấy trên kệ có Nhất phẩm tiên thì kêu lấy một chai. Bình thường quen được cho được biếu, hôm nay lần đầu trả tiền biết cái giá thì tự nhắc, để ý đến hè gửi cho con nhà hàng xôi cái hồng bao coi như là có đi có lại.

Đi chợ về trước cửa có cả một triển lãm người, hàng xôi, hàng quả bán nhờ trước cổng, cửa hàng, lại cô vệ sinh môi trường quen, rồi khách ăn xôi. Hàng xôi bảo sao lại mua xì dầu, để em mang cho. Hàng rác hỏi bao tiền chai. Tôi cười khì khì, ấy ai lại nói giá, rằng thì là mà cái chuyện đồng tiền nó tế nhị lắm.

Cửa hàng hỏi cây hết bao tiền. Câu trả lời lơ mơ, ừ thì mấy chục. Thế là chủ đề không phải là giá nữa mà là cái cây này nó dễ trồng ra sao, nó lớn nhanh thế nào.

Tôi ốm nhếch nhác và mụ mị suốt từ trước Tết đến giờ. Hôm nay lấy mốc cúng rằm tháng Giêng để soạn giấy tờ, bài vở. Ngoài sân trồng chơi đám mùi tàu cùng mấy gốc cần tây. Trong bếp vui vẻ món kim chi Hàn-Việt. Chỉ tiếc thiếu nắng để phơi phóng quần áo.

Dù thế nào thì cũng là mở nhịp trở thành một con người mới :-)))

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

bắc ninh 4.2.20

Chuyến đi mau, mục đích chính là tránh cho cụ già cái màn lặn lội tàu xe ngày mưa gió.

Bữa trưa muộn ở nhà Bắc Ninh có miến gà rất ngon. Điểm trừ duy nhất là bà cụ già vui tính, cho đĩa thịt gà luộc thay lá chanh ta bằng lá chanh Thái, vị có phần đậm và lạ làm cho con gái băn khoăn suốt cả buổi, mãi đến tối nói chuyện với TL mới ồ, à, giờ đã hiểu.

Như mọi khi, tôi ngủ rúc ngon lành cả đường đi lẫn đường về.

Như mọi khi, thành tựu mang về Hà Nội rất khá, có rau củ, có trứng gà, có bánh chưng.

Thời gian này, ngày thường thị dân có chút buồn vì dịch cúm và cả tiết trời mưa lạnh xầm xì. Ở làng cũng có mưa có lạnh, nhưng xem ra không có nhiều lao xao cũng như sợ hãi. Những chuyện tôi nghe được trong và sau bữa trưa là dân đi Nam [về quê ăn Tết] ai cũng vác theo hộp xốp đồ tôm cá cấp đông, rằng bên Thai cho thuê đất trồng rau đợt này thu hoạch củ cải giống lạ to đùng, rằng mùa này cá tôm sông hiếm nên đã lâu chẳng thấy ai gọi cổng mời chào.

hành sạch

chặt một cái cây

sau các cơn mua

hoa vẫn tưng bừng

mùa mới

tỏi tiếp tục được phơi

củ cải trồng ở Thai

há cảo chiên hai lửa - chốt cách làm

Mở ngoặc ngay từ đầu: lá há cảo là từ gói đóng sẵn của Nhật. Nó khác xa với lá há cảo mua ở chợ Tàu xứ cờ-hoa. Hỏi khác cụ thể thế nào khó trả lời, còn đơn giản dễ hiểu nhất là cả công đoạn braise lẫn rán/chiên/áp chảo sau đó lẫn tiết mục ăn đều là thuận tiện làm và ngon ăn hơn với các lá bánh Nhật :-)

Nhân trộn làm mau và đơn giản chỉ có thịt bằm + hành tươi loại có củ cả lá xanh lẫn củ bằm mịn + lá bắp cải xắt mịn. Tạo mặn và tạo vị có mắm + bột gia vị + tiêu và đặc biệt nhất là gừng nạo. Tạo mềm và kết dính có trứng gà. À chút xíu quên, cần thêm tý xíu dầu mè lấy vị thơm.

Lá bánh hình tròn được phết nước vòng theo mép đường kính, nhân nhồi chính giữa, gập đôi và miết nhẹ mép. Tiếp đó là đặt phần mép sát mặt thớt, lấy cái dĩa ấn nhẹ theo mép gập lần lượt hai mặt. 

Chảo làm nóng, láng chút dầu ăn rồi thêm chừng hai thìa súp nước đợi nóng già thì lửa để nhỏ, bánh cho vào và đậy cái nắp vung chuyên cho đồ chiên/rán - tôi chẳng biết gọi tên chính xác nó là gì, hình dạng của cái vung nồi nhưng lại có các lỗ thông khí nhỏ.

giữa hai lửa - lớp bánh giữa là cố tình để bén
Canh thời gian 3-5 phút cho mỗi mặt bánh - dài ngắn là do nhiệt, do độ dày mỏng của đáy chảo, do thói quen nấu nướng... Túm lại là bánh chín tới, đảm bảo mềm nhân, dẻo vỏ bánh chứ không khô không khốc.

Cho bánh nghỉ ngơi trên cái khay. Đến bữa thì láng chảo chút xíu dầu, lửa to chút chút, áp chảo/chiên/rán theo kiểu chạy vụt qua hàng mỡ - tức là cực ít dầu - cho mặt bánh hai bên vàng như ý là xong.

Bánh thành phẩm ăn có giòn có mềm, nói là mọng nước thì có phần thậm xưng nhưng đúng là nhân rất mềm, kiểu mọng vị thịt và rau. 

Tiếng Tây tôi học được từ braise. Với thịt thà nói om ỏm nghe xuôi thuận lỗ nhĩ, nhưng với bánh thì nghe hơi là lạ. Vì vậy, tôi cứ gọi là há cảo chiên hai lửa, dù biết chiên thực cũng đòi hỏi rất nhiều dầu trong khi tôi lại chẳng phóng tay với bạn này là mấy :-)

Note ghi thêm: lá bánh mua theo gói - hình như 25-30 cái/gói thì phải - ở các tiệm đồ Nhật.

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

cà trắng bóp xổi chấm mắm ruốc

(1)

Cụ ông ra Hà Nội dự mấy lễ mừng thọ và cũng là ăn sinh nhật Đảng. Con gái tối muộn chạy về nhà dọn đồ trong phòng gỗ, hỏi cụ già chi bộ mình hôm nay họp hành sao.

Câu trả lời là có quán triệt về phòng ngừa y tế trước dịch cúm mới, lại có bao lì xì, rồi nữa là các đồng chí của cụ nâng li chút rượu Ba-kích trong khi cụ nhâm nhi trà. Con ngồi tính toán, giá mà cái hồng bao được thay bằng hộp khẩu trang thì tốt. Tính xong thì lại đần mặt, mình ngốc, khẩu trang vừa khó tìm lại vừa đắt lòi, hồng bao vừa vặn năng lực quỹ của mấy cụ già, tình cảm thế là được rồi :-)

Cụ già lại kể chuyện, mấy đồng chí trong chi bộ chạy xe máy tới chỗ phòng họp, không rõ uống rượu xong thì về thế nào. Cái phòng họp cách tòa nhà vỏn vẹn đâu 20-30 mét đường tiểu khu, nào có ông công an nào cơ chứ. Ờ nhưng mà chẳng thiếu trường hợp các cụ ông cụ bà chuyển nhà đi chỗ khác vẫn thắm thiết tình đồng chí cương quyết thủy chung sinh hoạt với chi bộ tiểu khu. Thế thì uống rượu rồi đi xe máy hẳn là một vấn đề :-))

(2) 

Tôi hẹn hò tự nấu nướng ở căn hộ, nên khi ở nhà chỉ tự giác đặt trước nồi cơm, còn lại là chờ TL về tự tung tự tác cho bữa tối với ông cụ. Chẳng rõ trời mưa ít người đi lại hay gặp may mà TL về sớm. Nó quyết rất nhanh thức ăn cho bữa tối, trong đó có món cà trắng bóp xổi chấm mắm ruốc.
trái cà là thế này

Trái cà sạch thu hoạch từ vườn nhà Bắc Ninh, nói là trắng nhưng thực màu là xanh nhạt. Quả không tròn kiểu cà bát mà mang dáng hình của trái cà tím/su su. Chắc là giống mới.

Quả cà tôi không rõ TL tẩy nhựa thế nào, chỉ biết lúc khều mấy miếng mang về căn hộ trộm đánh chén một mình thì đã là thành phẩm. Các lát cà bổ dọc mong mỏng, TL nói được bóp với dấm, đường, tỏi và ớt bằm, cùng chút bột gia vị lấy đậm vừa phải. Cà bóp xổi để chừng mươi, mười lăm phút thì ngấu, chắt nhẹ phần nước tiết ra, chấm miếng cà cùng mắm ruốc. Vào đúng ngày trời mưa lạnh, cơm trắng nóng hổi gặp cà bóp xổi chấm mắm ruốc, chẳng phải là ý tệ chút nào.

Tôi vác hộp đựng mấy miếng cà xóc sẵn với phần mắm ruốc. Ở căn hộ không có cơm thì thành ra là xơi cà với mấy sợi bún chần nóng. Cũng hạp!

Cà chấm nhẹ tay mắm ruốc, bất chấp vị đậm đặc trưng của mắm vẫn coi như là đảm bảo thanh thanh nhã nhã. Còn tôi lười lấy mắm riêng cà riêng mà trộn tùm lum tùm la, sau bổ túc thêm tỏi tươi thu hoạch từ vườn Bắc Ninh có vị hăng tươi đặc biệt khác tỏi khô, lại thêm ớt cay cũng là từ vườn Bắc Ninh, phương vị coi như có chút sai biệt với nổi bật hăng hăng cay cay của tỏi và ớt. Cũng có thể xem là một phiên bản xuyên tạc thiếu nhã nhưng vẫn đảm bảo ngon lành.

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

một ngày mưa

(1)

Từ căn hộ tôi đội mưa về nhà. Bỏ áo ướt nhẹp ngoài sảnh, lò rò vào nhà chào hỏi cụ già xong thì được nhờ tìm kiếm cái điều khiển tivi.

Cụ già bảo muốn xem tường thuật trực tiếp lễ mít-tinh kỷ niệm mà không thấy cái điều khiển. Rằng thì là mà thật đáng tiếc.

Con gái ngó nghiêng một chặp thì đoán chừng cái điều khiển rơi xuống khe đệm ghế dài. Y như rằng nó im lìm chỗ đó.

(2)

Cụ già mắt kém tai lãng đãng, ngồi sát cái màn hình vặn tiếng cỡ đại.

Tôi từ góc làm việc ngó ra, cười hi hi ha ha khi thấy cảnh một ông già lụ khụ ngồi coi lễ sinh nhật của một cái đảng già lụ khụ.

(3)

Sau cánh cửa thông từ góc làm việc ra phòng khách, tôi ở trong thế giới Rachmaninoff quen thuộc của mình. Ngoài trời, cơn mưa to đã dứt. Còn lại là ẩm và se lạnh.

cách chúng ta sống - la vie simple

(1)

Tôi không giấu diếm việc mình là kẻ lờ vờ, chân không chạm đất cật không tới trời, phần nhiều thời gian sống nếu không phải là u nản thì là cà ràm lảm nhảm nhìn đời bằng đôi mắt kính xám xịt.

Nhưng ở một phương diện khác, tôi thấy mình luôn cố gắng, dù theo tốc độ rùa bò, cải thiện cái thứ có tên là đời sống cá nhân.

Kiểu như đọc Thánh nữ Kondo thì bắt đầu hì hục làm gọn gàng, và thành công, cái ngăn kéo đựng tất và đồ lót. Kiểu như sau khi ngâm nga cả một đống sách to đùng về tối giản này nọ thì đã lẳng lặng bỏ không ít đồ dư thừa. Kiểu như tự ngăn chặn các cơn lên đồng mua sắm mười lần thì có đến năm bảy lần là thành công... Đại loại thế.

(2)

Với người xung quanh tôi không có chia sẻ về mấy chuyện này. Tiên sinh là ông lộn xộn tích trữ đồ và mua đồ mới, tôi đã tệ nhưng thấy ông thì có thể ngay tắp lự bái làm đại sư phụ. Bạn bè ít gặp, có gặp chẳng bao giờ động chạm mấy câu chuyện đời sống kiểu này. Còn với TL thì tất cả những gì tôi nhận được là một đống lời châm chọc. Tôi nghĩ một phần là do thừa kế tính thiếu tin tưởng có màu tiêu cực từ bà cụ già ở Bắc Ninh trước bất cứ nỗ lực đổi thay nào.

Hồi đầu tôi im im mặc nó xỏ xiên. Sau thi thoảng cũng vặc lại tý chút. Song về cơ bản, tôi không muốn mình phải bận tâm về những bình luận méo mó của nó. Tiêu cực nhìn đời thế nào thì đời sẽ tiêu cực phản ứng lại với mình thế đấy. Tôi nghĩ vậy.

(3)

Hôm rồi ở nhà có bữa trưa tụ tập hai bạn Ams của TL.

Hai cô này, một cô cả nhà gần như là [ăn] chay; còn một cô thì theo đuổi lối sống tối giản.

Cô tối giản tưng tửng kể với tôi, bếp nhà có hai cái nồi chảo. Cái nồi trước luộc rau, xong thì tráng qua nước dùng làm nồi/chảo xào. Mới đầu co rút về hai món đồ thấy khó chịu, sau rồi dùng riết thành quen, thành nếp.

Cô cũng kể trong túi có chai nước riêng, có túi gấp để khi nào mua đồ sẵn sàng bung ra mà không phải vời túi nylon của cửa hàng.

Cô cũng kể, giờ thấy nữ phụ nào sang chảnh hàng hiệu ngút trời mà tay vung vẩy mấy cái túi nylon hồng hồng trắng trắng thì ít nhiều mất đi thiện cảm.

(4)

Tôi cười hì hì nghĩ tới đống nồi và chảo trong bếp. Thực chúng tôi có rất nhiều. Nhưng cũng thực đúng là tôi đã từng mơ mộng sắm một bộ nồi gang Creuset nhưng giờ thì vứt bỏ hoàn toàn ý tưởng này. Cho tới giờ, bếp nhà chạy tốt với mấy cái nồi inox cũ mèm được mua dịp chúng tôi chuyển tới ngôi nhà này, cách đây hơn 20 năm :-)

Chuyện chai nước riêng, tôi lười tìm một chai Nalgene mang theo người nên vẫn ỷ lại mấy vỏ nước khoáng hay tinh khiết dùng một lần. Chuyện này đúng là không tốt, vậy tôi sẽ tìm bạn Nalgene làm đồng hành đi :-))

Về phản ứng trước những hành vi tiêu dùng của người đời, tôi thi thoảng cũng có cảm giác ngán ngẩm, nhất là bên tiệm Highlands với chồng chồng các cốc nhựa và ống hút nhựa.

(5)

đã từng là tôi - loằng ngoằng [từ album fabricraft]
Chúng tôi nói chuyện về các cuốn sách và tác giả tối-giản. Cô tối giản bảo em đọc này đọc nọ sau chỉ tập trung theo một cuốn.

Theo chỉ dẫn của cô tôi mau tìm ra La vie simple của Charles Wagner bản chữ Việt được một bạn có tên Lục Phong gõ lại.

Cô tối giản bảo, sách này khó đọc so với nhiều cuốn khác, nhưng chỉ theo riêng mình nó là đủ.

Qua những gì cô nói, tôi đánh hơi thấy mùi tôn giáo, sau gõ bác gúc-gù thì đúng là có phần vậy.

(6)

Ngày đầu năm đi cơ quan gặp mặt, tôi kể cho cô em đồng nghiệp rằng năm nay phát hiện ra cuốn sách này, rằng thì là mà thong thả sẽ gửi in thành bản sách để đọc cho tiện lợi.

Cô đồng nghiệp hứng thú quan tâm, dặn dò nhớ thêm cho em một bản.

Chuyện là thế. Thay đổi diễn ra chậm rãi nhưng vẫn là có.

Các cảm hứng tùy duyên đến đúng thời điểm thì lan tỏa.

Trong khi mấy ông bộ này bộ nọ của chính phủ giỏi hô hào mà không có pháp chế chặt chẽ đối với các siêu thị to kiểu Vinmart hay chuỗi cafe kiểu Highlands để giảm trừ dần dần cái sự tiêu dùng những món đồ nhựa thì không tệ khi có những cửa hàng nhỏ đã chủ động nhắc nhở khách hàng hạn chế dùng túi một lần.

Và nhất là những cá nhân, những gia đình cứ từ từ, cứ lẳng lặng thay đổi từng ngày trong thói quen sử dụng đồ và tiêu dùng của mình.

một món leftover - salad gà dưa leo thanh thanh

Nếu phần gà luộc bữa trước còn dư một mẩu đùi và một mẩu lườn cánh thì bạn có thể làm gì?

Với tinh thần có-gì-mần-đấy nghe rất có vẻ tinh thần tối-giản song đích thực là do động lực ki-bo tính, tôi làm chơi món rau trộn chạy qua hàng gà, kết quả xem ra không tệ chút nào.

- Thịt gà luộc thái mỏng, xóc với chút bột muối tỏi (Morton Garlic Sea Salt tuyệt hảo) và tiêu xay
- Dưa leo một trái nạo vỏ theo đường rãnh, tức là phần còn vỏ phần không; sau bỏ ruột và thái lát mỏng cho ra các lát dưa xanh non có, xanh đậm đà nguyên vỏ có
- Rau gia vị trộn có mùi ta, mùi tàu, bạc hà, thơm Láng, tất cả thái rối
- Hành tây một củ nhỏ tháu, thái lát mỏng xóc với dấm tẩy hăng
- Hành tươi (optional) xắt khúc và chẻ; nếu là chẻ sợi nhỏ thì cứ thế đánh chén, còn muốn tẩy hăng thì ngay trước khi chắt nước dấm ở chỗ hành tây mới trộn cùng hành tây

Kiếm cái đĩa sâu lòng, bóp nhẹ tay hành tây cho bạn ý tiết sạch nước dấm rồi cho vào đĩa. Tiếp đó trộn cùng hành xanh, rau gia vị, dưa leo, gà.

Đĩa salad rau là chủ vị, màu xanh mát. Ăn rất thanh. Thịt gà thi thoảng đá qua đầu lưỡi đậm đà vị muối tỏi cùng tiêu xay.

Chúng tôi có bữa trưa vét tủ lạnh là món salad này cùng khoanh bánh chưng dài rán. Coi như hài hòa.