Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

bắc ninh 04.3.2023

vỡ bình 200 ngàn đồng tiền mua mười năm trước
giờ mình có hũ không đồng méo mó
Tối hôm trước chuyến về quê thăm Thầy U, TL xê xê dịch dịch cái ghế thế quái nào làm đổ kềnh khung sắt đỡ cây. Thế là đi tong một cái hũ.

Cái hũ này nguyên lai là do lão Tiên sinh mua từ ngày còn làm khách trọ dài hạn ở phố Hàn Thuyên. Tôi thấy nó xấu mù, nhưng vì thói ki-bo nên tôi giữ nó. Trong nhiều năm, nó tủi thân lăn lóc từ góc này sang góc nọ vườn nhà Hà Nội. Thậm chí bên cửa hàng vốn hay có thói xấu là tự tiện mò mẫm chai lọ hũ của nhà chúng tôi để bày biện hoa hoét trong cửa hàng cũng chẳng bao giờ rờ đến nó.

Ấy thế mà ở nhà căn hộ, nó phát huy tác dụng. Đó là trở thành vại cắm mấy dây trầu bà. Cành lá xanh rủ xuống từ bình tròn sắc xanh ngọc bỗng lại hoá đẹp, hoá hài hoà.

Đáng tiếc là cái hũ đã đi đời nhà ma nhờ công TL. Mà cũng nhờ công TL nên hôm sau về quê chơi, chúng tôi đã có món bù đắp: một hũ sành nhỏ méo mó xin từ anh họ thân cận.

Con em xin hũ thì con chị xin kệ. Anh họ cắt và chỉnh sửa cho tôi một khúc thân gỗ hương để mang về Hà Nội làm kệ kê cây hoa nhỏ. Hai chị em rời nhà anh họ mặt mày hớn ha hớn hở như em bé ngày Tết theo chân ông bà đi chúc Tết nhà hàng xóm và được nhận đồng xèng mừng tuổi vậy.

Nhân trà nước ở nhà anh họ, chúng tôi được gửi gắm một tờ hoá đơn cũ đề năm 1987 từ một cửa hàng cổ vật ở Thượng Hải. Anh họ giải thích, khi còn lao động ở Slovakia, vùng anh sống hàng năm có một tuần đại hội võ lâm đồ cổ và đồ cũ, đón tiếp bà con mua và bán từ khắp Châu Âu. Anh mua được một đĩa nhỏ kèm hoá đơn là tại một lần đi hội chợ đó. Chữ vuông anh không rành, nay muốn biết biên lai có khớp với cái đĩa không. 

Tờ hoá đơn được mang về Hà Nội. Bạn nhỏ người Trung Quốc ngó giùm. So với chữ nghĩa ghi ở đáy cái đĩa thì đúng là râu ông này cắm cằm bà nọ. Chuyện là một bên là Càn Long, một bên là Quang Tự, kết cục chẳng rõ niên đại của cái đĩa là chi. An ủi to nhất là theo bạn nhỏ xem giúp, hoá đơn là hoá đơn xịn. Cũng bạn này còn nói, tiền mua cái đĩa năm đó ngang quá nửa năm lương của ông nội em vốn là lão thành cách mạng. Úi chà!

Vẫn như mọi khi, các con được Mẹ chiêu đãi một bữa ra trò. Ở nhà quê hay lắm, rau cỏ trồng trong vườn nhà vào vụ thu hoạch cứ gọi là bề bộn. Hai cụ già ăn không hết ới ời hàng xóm. Vấn đề là đi gọi cũng mệt. Nhưng đã trồng thì không thể rón rén kiểu dăm củ su hào ba cây cà rốt hay một thân cà chua leo được. Gì gì cũng phải thành luống, thành dãy, thành hàng, thành lối. Thế là cái vòng tròn rau thừa gọi người rồi mệt thân tiếp tục quay tít thò lò. Bà cụ già thấy con về tha lôi rau củ trong mấy túi to thì vui lắm. Con cũng vui, vì tiết kiệm được cả mớ tiền.

Chuyến về quê này có chút đặc biệt là chúng tôi sau mấy lần loay hoay không thu xếp được thời gian thì đã thong dong đạp xe xuống bến Than thăm nhà anh thợ mộc quen. Anh này từ ngày Bố Mẹ về Bắc Ninh sống đã làm kha khá các món đồ gỗ cho nhà chúng tôi. Đi đi lại lại thành quen rồi thành thân.

Trước khi chúng tôi rời nhà, Mẹ dặn chớ có đặt đóng đồ, nhà quê hết chỗ rồi. Hic, con gái còn đang mơ tưởng mấy cái kệ kê cây đâu.

Ở chơi nhà vợ chồng anh thợ mộc, chúng tôi uống nước vối và nghe một đống chuyện li kỳ về Đền Tam, về những lễ hội xưa mà du khách tới đền chuyên theo đường sông với tàu bè cờ phướn sặc sỡ. Chúng tôi nghe chuyện thú vị, và bắt đầu có một ý niệm bữa nào mình đi đò qua chơi. 

nhà quê để không

sân vườn nhà anh thợ mộc

kệ gỗ hương

cái đĩa thật giả chi không rõ,
nhưng biên lai đi kèm đảm bảo xịn :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét