Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

thủ công tháng tư: một cái bàn

bàn trên bàn - xưởng thợ trong nhà căn hộ
(1)

Cái bàn được gửi từ miền trong. Qua nhà Nhật Tin hay Nhật Tín gì đó.

Tôi có ấn tượng về dịch vụ sắc vàng nổi bật này là vì phải qua một cơ sở gần nhà căn hộ để gửi đi và nhận về giấy tờ liên quan đến toà lãnh sự ở Sài Gòn.

Ngày cái bàn tới nơi, tôi xuống nhà nhận đồ, nhìn thấy món đồ nằm ngửa tênh hênh một góc thùng xe thì đã có chút không hài lòng. Lại không hài lòng hơn khi cậu bé vận chuyển nói năng dễ thương bao nhiêu thì hành động lại lỗ-trí-thâm bấy nhiêu - cách nói khác của thô tháo, lỗ mãng. 

(2)

Vì tôi đã lải nhải đến cả đôi ba năm nay về cái sự không-mua-đồ-vật nên hồi quyết định đặt mua nó, hình như tôi đã phải cố bám vào cái cớ hết sức vớ vẩn là nhân nhận cái bằng sau cả mươi năm "đèn sách".

Rồi sau đó, hài hước hơn nữa là đối phó với bạn đời - một tay hoarder có số má nhưng lại luôn tự cho là mình đuổi theo sự tối giản - thì tôi ra sức gật gù khi được hỏi, cái bàn này hẳn là mang về Bắc Ninh đi.

(3)

Bàn được mang lên nhà căn hộ. Tôi khẩn trương tháo dỡ các lớp bọc.

Lại một sự không hài lòng vì cách tiệm đồ ở Nha Trang bao bọc sản phẩm xem ra thiếu nhiều phẩn cẩn thận và chu đáo.

Và vừa bực vừa chán lại vừa tức cười là khi mấy miếng carton được dỡ thì lộ ra thanh đỡ ngang cho cân bàn đã nứt gẫy, gần như là toác rời. 

(4)

Bực chút mau qua. Còn lại trong nhà căn hộ là tiếng cười.

Cái bàn này! Nhìn trong ảnh của bản tiệm so với đồ vật thật lù lù trước mắt, quả là có khoảng cách.

Thật khó để nói về vẻ đẹp hay sức hấp dẫn đặc biệt của món đồ gỗ cũ này. Nó giống như là vào một ngày đẹp trời của nhiều chục năm trước, có hai ông thợ quê xứ ta quyết định thử sức theo đuổi phong cách của thời đại ngài vua Lu-i nước Pháp qua sản phẩm cái bàn này. Việc được một nửa thì hai ông oải, thế là chuyển sang phương án mộc tự do, mộc sáng tạo. Kết quả là cái bàn có phần trên gợi nhắc một cái console kiểu cách như ở trong một căn hộ nào đó quận 16 của Paris, còn bốn cái chân thì chân phương của món gỗ trong cơ quan chính quyền địa phương nào đó [thời] thuộc địa. Lại chưa kể là qua thời gian, khuy đồng của ngăn kéo gẫy rụng nơi nao, ai đó dùng miếng thép uốn thay thế. Lại chưa kể nữa là chân bàn cũng là theo dòng lịch sử thì ọp ẹp, lại có kẻ nào đó sáng tạo thêm thắt phần trụ ngang gia cố đảm bảo độ chắc của cái bàn. 

(5)

TL chụp ảnh gửi cho bạn chủ tiệm. Bạn này tử tế nói chị tìm thợ sửa giùm rồi chi phí đâu em chịu.

Chúng tôi không đợi bất cứ sự bồi hoàn nào, đơn giản là để bạn rút kinh nghiệm mà thôi.

Xong vụ thông báo đó, hai chị em bắt đầu tính toán, hay là mang bàn về Bắc Ninh nhờ anh thợ mộc quen sửa giúp. Lúc đó, lão Tiên sinh ngăn lại, để đợt tới tui về Mỹ thì mang đồ nghề sang sửa bàn.

(6)

Tôi nghĩ ông lão nhà ta cao hứng, kiểu lên cơn đồng bóng thích sửa này chữa nọ thì nói vậy. Ai dè ông nghiêm túc thật. Ông mang kẹp, rồi keo, rồi gỗ từ Mỹ quốc xa lắc lơ sang Hà Nội để chữa ghế, sửa bàn trong nhà căn hộ thật.

Bàn đặt trên bàn. Một tấm rèm cũ được phủ lên bàn ăn to, còn bàn nứt gãy chân thì thượng lên bàn ăn. Thế là có địa bàn tác nghiệp cho bác thợ cả nhà mình.

Sau hơn nửa ngày, việc sửa chữa coi như hoàn thành. Chỗ thanh ngang đỡ chân bàn, hai vết gẫy nhỏ giờ nhìn kỹ thì phát hiện ra như là một vết gỗ rạn. Còn chỗ đứt gẫy trầm trọng hơn thì dấu vết để lại cũng rõ ràng hơn. 

Ông thợ tay mơ có vẻ không hài lòng. Tôi thì khoái chí lắm. Cứ phải thế mới tự nhiên. Rồi tôi đề nghị, hay là mình nhét quỳ vàng quỳ bạc vào chỗ nối, rồi nữa hay là mình sơn luôn cả cái bàn này. Lập tức có người can ngăn, ấy chớ ấy chớ, để cái bàn đẹp tự nhiên như nó là :-)

chờ keo nó khô

xong, không phải buộc dây chằng chịt nữa :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét