|
trứng gà xin từ hàng xóm |
(1)
Chào hỏi hàng xóm, cả ở nhà biển hay nhà rừng, là một nghĩa vụ xã hội. Nhà trên núi cách biệt, việc chào hỏi ai đó sẽ bắt đầu bằng một cú điện thoại hỏi thăm xem mày có nhà không. Hoặc cũng có khi chẳng cần thế, tiện đường thì phi thẳng xe vào nhà người ta rồi gõ cửa.
Với vợ chồng ông thợ nước dưới núi, chúng tôi bỏ qua khâu điện thoại. Bà chủ nhà chuẩn bị cho một mùa trồng rau mới với vài cây cà chua, một cây húng Tây và một cây dưa chuột. Ở trên bàn nước chúng tôi thấy bình chứa nước đường cho hummingbirds. Chưa kịp hỏi tại sao bà chưa treo nó lên ngoài sân thì đã nghe chuyện nhà được gấu đến thăm và vọc nước đường trong cái bình cũ như thế nào. Hài hước hơn nữa là chuyện con gấu đứng sừng sững ngay trước cửa nhà lúc nửa đêm, chỉ thiếu nước cuối cùng là đập cửa gọi người.
Chuyện về con gấu quậy phá trở nên nghiêm trọng khi chúng tôi lên núi chào đại gia đình hàng xóm nông dân tay chơi. Con gấu này không chỉ phá công trình nuôi ong lấy mật, không chỉ vục thùng rác ăn cướp hết chỗ rong biển mà nhà hàng xóm cất công vớt từ tận đẩu tận đâu để mang lên núi ủ làm phân bón, mà màn phá phách cuối cùng của nó còn đầy màu bạo lực. Vợ chồng ông hàng xóm đi chợ về thấy gấu ta đang chén thịt mấy con thỏ tội nghiệp. Ông chủ nhà điên tiết đi tìm súng săn, vác súng ra bắn đổng doạ đuổi nó, ai dè gấu còn chơi trò ú oà một hồi rồi mới cắp mông bỏ đi. Tôi hỏi ông hàng xóm, giờ chắc trong danh mục con vật nuôi của nhà ông không có thỏ nữa nhỉ. Đúng là không thực, chừng nào niềm tiếc thương dành cho năm con thỏ đáng thương kia vẫn còn ngập tràn không khí.
Con gấu này có vẻ như đã gây thù chuốc oán với kha khá cư dân không chỉ ở xóm núi nhỏ mà xuống tận trấn thị dưới núi. Nó được kể là phá thùng rác của cửa hàng tiện lợi, bắt và đánh chén gà của trang trại bên lộ. Và thành tích phá phách các ống đựng hạt hay bầu nước đường cho chim của nó thì được ghi nhận từ trên đỉnh núi xuống đường cái to.
(2)
Nhà hàng xóm trên núi giờ tự coi nơi mình sinh sống là một cái farm. Thành viên mới gia nhập gần đây là một bò sữa đang mang thai và một nhóc bê. Tôi nghe nói lúc đầu bà cụ già không thích thú gì vụ bò bê. Nhưng lần này ngồi ăn vặt nhìn bò qua cửa sổ lớn, tôi thấy bà rất khoái chí. Bà già nhại lại giọng của bò to bê nhỏ và nói, tui đây được xem cow show miễn phí suốt cả ngày.
Bạn đánh chén của tôi lên chào hàng xóm dứt khoát không quên việc hỏi xin trứng gà. Chuyện là ông muốn làm bữa sáng cần đôi ba quả trứng mà mua ở tiệm thì phải nhặt bịch bự với những quả trứng khổng lồ. Tôi vẫn chưa hết khiếp sợ khi nhìn hộp trứng bự mua ở nhà biển, cộng ông lão nhà mình ki-bo tại sao phải mua nhiều trong khi dùng chẳng bao nhiêu, thế là có màn thống nhất cao độ ý chí ăn mày, tỉnh bơ hỏi xin trứng nhà trên núi.
Nhân vụ này tôi có dịp nhìn tận mắt cái khách sạn gà có giá tiền đủ xây một căn bếp cho nhà ở Bắc Ninh. Bọn gà mái rất phỉnh phơ đậu trên tầng gác, nhìn thấy chúng tôi vào nhà của chúng, một số khinh khỉnh lơ đi, số khác nhảy xuống mặt đất đi đi lại lại kiểu diễu võ dương oai, lại có vài chị gà thoắt cái chui qua lỗ cửa nhỏ ra khu sân chơi lộ thiên thảnh thơi đạp cánh. Tôi hiếu kỳ làm thế nào mà bọn gà lại biết cách lên đúng vị trí để để trứng. Khác với bà cụ già nhà mình ở quê Bắc Ninh phải rờ tay tìm trứng, ông hàng xóm trên núi chỉ nhấc nắp máng là thuận tiện một hai ba nhặt từng quả trứng cho vô giỏ.
(3)
Sáng đầu tiên thức giấc ở nhà rừng, tôi nhìn qua cửa sổ phòng khách thấy bò mẹ và bê con nhởn nhơ. Nhìn kỹ hơn, à có rào bao khu đất dành cho bọn chúng.
Tôi nghe chuyện về hai con bò bê lớn nhỏ này càng nghe càng thấy loằng ngoằng, nào là có bê mới thì sẽ bán bò mẹ hay bê cũ, nào là con này nuôi [cho ăn sữa] con kia. Riêng một chuyện tôi chắc nịch, nhà hàng xóm mua bò to vì muốn lấy sữa, sữa uống họ muốn là nguyên chất không qua tiệt trùng.
Cứ cách hai ba ngày, hàng xóm phải chạy xe tới tận Williamstown nơi có một trang trại chuyên cung cấp loại sữa này. Tôi trước đó hỏi bà vợ ông thợ nước dưới núi, người làm nghề y tá ở bệnh viện Pittsfield, ở đây việc bán sữa không qua tiệt trùng được cho phép a, bà liền lắc đầu không, không. Nhưng hôm rồi nhân có việc đi qua Williamstown, tôi được Tiên sinh chỉ cho biển quảng cáo của cái trang trại kia. Bán công khai mà! À, tức là không mua được sữa này ở các siêu thị và cửa hàng, còn vô trang trại mua trực tiếp thì thoải mái đi. Câu chuyện sữa tiệt trùng hay không tiệt trùng không đơn giản là về thói quen ăn uống, mà ở đây còn tựu đủ chiều kích niềm tin vào khoa học, lối sống và có khi là cả tín ngưỡng nữa. Nghe nói xung quanh đây có kha khá tín đồ tiêu dùng sữa nguyên bản vị kia, và cái trang trại ở Williamstown làm ăn tốt lắm.
Hai con bò và bê xuất hiện ở nhà trên núi xem ra cũng có xíu ảnh hưởng đến chúng tôi. Chuyện là thức ăn của bò và bê có từ cỏ tươi qua hạt các loại tới cỏ khô. Ông hàng xóm không hỏi trực tiếp nhưng ông chủ nhà phía dưới đã mau miệng, vậy tao sẽ để nguyên trảng cỏ đế mày cuộn hay. Năm nay cỏ khô được giá, ông thợ nước chuyên để người đến thu hoạch ở bãi cỏ rộng bao la của ông cứ gọi là cười tít mắt. Năm trăm đồng một cuộn đấy, ông thì thào.
(4)
Cũng ở nhà hàng xóm trên núi, chúng tôi không chỉ được chào đón bởi một bữa ăn nhẹ thịnh soạn mà hơn thế là một nghi lễ clearing.
Bà cụ già phe phẩy hai cái lông gà tây dài cỡ hơn kém hai gang tay, lần lượt quét qua người tôi từ đầu tới chân với lời thì thầm, nào thở sâu, nào kết nối Trời và Đất, vân vân và chi chi rất chi là thần bí. Bà cụ nói, bao nhiêu điều xấu độc như vậy là đã được gạt bỏ, giờ tôi đã sẵn sàng đón nhận và thụ hưởng nguồn năng lượng tươi mới, tích cực của nơi đây. Điều này tôi cũng thực muốn a!
Tôi tò mò về nghi lễ thanh tẩy này, vốn có nguồn gốc của người bản địa vùng Andes, thì ít mà về hai cái lông gà thì nhiều. Nhìn chúng hay đấy nhưng không có nhiều vẻ uy lực. Sau tôi mới biết, chân chính lông chim làm lễ phải là từ giống thần ưng. Vấn đề là các bạn này gần như tiệt chủng, nên bà cụ già rất chi hài lòng với hai cái lông gà tây kia.
(5)
Cư dân xóm núi có vẻ không thay đổi lớn.
Có chăng là nhà giữa núi có một ông đã về hưu và nay về đây ở hẳn, bà vợ còn đi làm thì chạy đi chạy lại giữa nhà cũ ở trong thành phố Boston với nhà rừng.
Gia đình nhà giàu trẻ trung chuyên nghề phát triển bất động sản và chứng khoán ở New York vẫn theo lệ cuối tuần kéo cả một clan về nghỉ ngơi, làm sống động cả một đoạn đường dẫn lên núi. Nhà này thời gian rồi cho chặt kha khá gỗ, mở ra một con đường đất to lên phần núi họ sở hữu, làm cho khối người nín thở lo lắng liệu sau này có mọc lên một đống nhà mới hay không. Nhẩm đến các ngón tay, cư dân ở đây có không ít vị sẵn sàng bỏ tiền mua đất, mua rừng, không phải là để gom/ôm đất hay phát triển bất động sản mà đơn giản là để giữ được nguyên trạng thái của khu vực. Ở Pháp và ở Ý, tôi đã rất hiếu kỳ về chuyện tại sao có những chỗ cư dân địa phương nói không với phát triển. Giờ ở đây tôi nghĩ mình đã có câu trả lời.
Ông hậu duệ của nhà Goodrich vốn tên tuổi gắn chặt với lịch sử vùng đất vẫn tiếp tục kêu gào quyền sở hữu với đất của các hàng xóm xung quanh. Ông còn khẳng định cái nghĩa trang cổ là thuộc sở hữu của ông. Chẳng rõ mô tê thế nào, bữa nay chúng tôi thấy nghĩa trang được làm cỏ rất gọn và sạch.
Tôi chê bồi sống xứ này hiu quạnh, đúng là nhà quê hơn cả nhà quê Bắc Ninh. Thế là bị lườm một cái. Nhà quê này đâu phải muốn là có thể đến sống được đâu a. Cười phì!
|
lí lắc vườn rừng |
|
không trà là không vui |