tuần đầu tiên quay lại, phố biển lạnh và âm u bông lilac cùng cành cây dại trong cái hũ bị bỏ lơ |
Ông cha hàng xóm liền kề thì khoe hai cái đầu gối kẻ vạch sẹo. Đôi năm trước ông có phẫu thuật thay khớp gối bên phải. Còn đôi tuần trước là cho khớp gối bên trái. Giờ mỗi ngày ông chống nạng chăm chỉ đi bộ một vòng quanh tiểu khu như là bài tập chủ động cá nhân bên cạnh thời gian được chăm sóc bởi nhân viên trị liệu chuyên nghiệp. Cún nhỏ thân thiện của ông đang được gửi tới nhà một đạo hữu. Chỉ khi chủ nhân ông của nó ổn, chấm dứt thời kỳ phục kiện và chính thức quay trở lại công việc nhà thờ thì chúng tôi mới gặp lại nó.
Ông cha nói về kế hoạch nghỉ ngơi của mình thời gian tới, có đoạn sẽ quay về quê nhà ở Maine để nghỉ mấy ngày cùng mấy vị tu sĩ cùng cảnh sát, tất cả đều đã nghỉ hưu. Tôi buột miệng, thật là một kết hợp đặc biệt, lời vừa thốt ra tay đã muốn giơ lên tự vả mặt mình. Ông cha cười, đúng là vậy.
Tôi hỏi thăm ông cha hàng xóm rằng thời gian tới liệu có vị tu sĩ nào từ Việt Nam qua không, ông bảo sẽ có. Tiện trong mạch chuyện, tôi hào hứng, hồi bị giãn-cách ở Hà Nội tôi đã được "cứu rỗi" một phần nhờ các bài giảng của các quý Thầy thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Tôi thấy ông cha hàng xóm phản ứng rất vui. Còn muộn hơn, theo lời thuật sống động của bạn đời với bạn của ông thì là ông cha hàng xóm mắt sáng rực, chân chực khuỵ và sẵn sàng cho một nghi lễ nhập đạo/cải đạo tức thì.
(3)
Ông hàng xóm chuyên trồng cây chắn tầm nhìn ra biển của chủ nhà bên này cùng vợ chạy sang chào hỏi, nói cười phớ lớ khoe con cún mới. Vì gia đình họ cãi nhau không hồi kết về tên đặt cho thành viên mới, cuối cùng họ quyết định gọi nó là D.O.G. Người thì kêu luôn chó, chó. Người lại phát âm từng tự, này D, này O, này G. Rồi theo lời bà vợ thì có ông khách đến chơi gọi chó là Chúa. Tôi nghe phì cười, cái thói ăn nói lung tung, đôi khi là báng bổ, ở giống loại người nào cũng có a.
Mà cũng là chẳng phân biệt đàn ông hay đàn bà, màu da hay văn hoá, con người là động vật hay nói, yêu nói. Tôi chào hỏi xong, ú ớ mấy câu tiếng Anh sứt sẹo chuyện này chuyện nọ xong thì đứng gần như bất động nghe hai ông nhà bên này và nhà bên kia tranh luận. Chủ đề đối với tôi rất chi là vớ vẩn: quy đổi từ độ C sang độ F, và cơm gạo Á Châu ngon nhất là của nước nào. Nói đúng hơn thì là ông hàng xóm lôi ra chuyện này để nói, còn ông nhà mình thì hùa theo. Nói mãi mà cuối cùng vẫn không thống nhất được cách quy đổi nhiệt độ. Còn về món cơm gạo, vì ông kia khăng khăng cơm Ấn ngon nhất thì chúng tôi đồng ý liền, ừ cơm Ấn ngon nhất.
(4)
Bà hàng xóm nhà to và có cây cụt đầu đã trở lại cùng chồng từ Florida sau một thời gian dài trốn giá rét ở thành phố biển nhỏ này. Được hỏi thăm về ông chồng, bà bảo vừa mới bị tai nạn, người không sao nhưng xe BMW ông già lái thường ngày giờ thành đống rác. Ông già 93 tuổi vì sự kiện này giờ bị cấm động vào chìa khoá xe. Hàng ngày có nhân viên công ty đến đón ông đi làm lúc giữa sáng, còn sang giữa chiều thì bà vợ trên dưới 80 tuổi sẽ có nhiệm vụ đón ông về nhà.
Bà hàng xóm dặn, thi thoảng tao qua gọi rồi đi dạo cùng nhau. Tôi cười ngoác miệng đồng ý, còn trong dạ thì rên hừ hừ, rét quá rét quá.
(5)
Mà cái vụ chào hỏi bà cụ này với ông hàng xóm đối diện bên kia đường thế quái nào lại diễn ra liền nhau. Chuyện vốn chẳng có gì nhưng ở đây lại rất chi là vấn đề vì bà này cực kỳ "căm" ông kia.
Nhiều năm trước, mùa đông tuyết rơi dày, chẳng hiểu thợ thuyền bà hàng xóm thuê cào tuyết lười nhác sao mà vỉa hè trước nhà bà tuyết lút cao. Có nhà đài tiểu bang đến làm phóng sự. Bà nghỉ tránh đông ở Florida được bạn thân gọi điện mật báo, thằng cha kia nói xấu mày trên truyền hình. Từ đấy thành ghét, thành ngó lơ nhau.
Chúng tôi vừa ồn ào trò chuyện với bà xong, đang quay về nhà mình thì nghe còi xe zin-zin, à thì ra là ông nhà bên kia đường gọi chào hỏi. Đến khi kết thúc cuộc trò chuyện ngắn và đã vào nhà, Tiên sinh mặt mày phi thường nghiêm túc hỏi tôi, ông kia có thấy mình nói chuyện với bà này không nhỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét