Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

cinco de mayo 2024

(1)

Ông lão nhà ta nhìn tôi mặt mày nghiêm túc nói, hộp cây mang đi nhà rừng rất nhiều nên hẳn là không có chỗ cho giỏ đồ Phi Châu. Cái giỏ to bự này vốn tôi luôn vác theo mỗi khi lên núi, trong đó nhét tống đủ thứ, từ áo quần tới giày vớ, sách vở, máy tính... Tôi nghe vậy thì cười hi hi ha ha kêu ông yên tâm, rằng đơn giản lắm, ngày mai tui đây mặc chồng [lên nhau] hai cái quần, bốn cái áo, đồ lót thì nhét vô túi quần túi áo, thế là xong. 

Ông lão nghệt mặt không hiểu tại sao lại phải vậy. Tôi liền giải thích, ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam, bà con đi xuất khẩu lao động sang Liên Xô có chiêu mặc chồng lên nhau hai ba cái quần bò lơ-vít (không nói là lì-vai nhá) [Levis] và liền dăm cái áo phông cá sấu [Lacoste] xuất xứ Thái Lan để qua cửa hải quan. 

Rất lạ, tự dưng trong một tích tắc tôi nhớ lại chuyện nhỏ này. Rồi lan man sang nào kẹo cao su "con vẹt", nào cao hổ cốt, tất cả đều là từ một nước Thái Lan huyền bí, xa lắc lơ. 

(2)

Trưa hôm sau, chúng tôi đi nhà rừng, tha lôi hộp lớn hộp nhỏ, hộp trong hộp, tất cả là rau và hoa vốn đượm ươm hạt từ đôi ba tuần nay.

Túi quần áo và đồ dùng cá nhân của tôi quả là khiêm tốn, một cái xách nhỏ được đặt phịch ngay dưới chân ghế.

(3)

Tôi đề nghị bạn đánh chén dừng lại ở tiệm bánh của người Puerto Rico trong thành phố biển để mua bánh dừa. 

Tiệm bánh này rất hay, bé xinh xinh với các mẻ bánh tươi mới ra lò mỗi ngày. Và đặc biệt, đó là một thế giới hispanic, nơi cô đứng quầy có món tiếng Anh còn méo mó vẹo vọ hơn cả món Anh "bồi" của tôi.

Nhưng mà cũng rất hay, chúng tôi vẫn hiểu nhau thuận lợi, vẫn có màn chúc tụng một ngày đẹp.

(4)

Có bánh ngọt không có nghĩa là ông lão nhà ta bỏ qua vụ ăn trưa junk food.

Như mọi khi, tôi vẫn tham đòi phần, lần này là ít khoai tây chiên cùng bánh kẹp cá chiên. Và cũng như mọi khi, sau khi đánh chén xong thì tôi tự sỉ vả mình về cái cái sự ăn uống thiếu lành mạnh này.

Thực thì trên đường đi nhà rừng, chúng tôi vẫn có thể dừng lại ở một trấn nhỏ nào đó để có bữa sáng/bữa trưa tử tế. Nhưng như vậy thì rất mất thời gian, nhìn quanh quẩn còn lại đúng một lựa chọn: mắc-đô-nầu :-)

(5)

Vừa là để sửa lỗi bữa trưa thức ăn nhanh, và cũng là để kỷ niệm ngày đặc biệt Cinco de Mayo, ông lão nhà ta hoan hỉ, mình sẽ ăn tối ở Trattoria.

Tôi nghe xong thì cũng hào hứng lắm, vì biết sẽ được chén món tráng miệng ngon tuyệt. 

Nhưng rồi xe càng chạy mưa càng lớn, trời càng lạnh. Tôi bắt đầu ngán ngẩm, thời tiết này thì tâm trạng tui đây xấu lắm, chỉ muốn về nhà và đốt lò sưởi thôi.

Bạn đánh chén đầu tiên là miễn cưỡng đồng ý, sau là gạ gẫm, mình qua đó ngó lịch mở quán tuần này nhá. Buồn cười là đến nơi thì hoá ra nó vẫn đóng cửa. Ông bà chủ hẳn là về Ý nghỉ xuân, nhưng theo thông báo thì quán chỉ nghỉ hồi tháng Tư mà. Dù thế nào, chúng tôi vẫn giữ một gạch đầu dòng cho kế hoạch ăn ngoài với điểm đến là Trattoria Rustica.

(6)

Lần này chúng tôi đi chợ ở Guido's

Nhà biển hết hoa hồi, tôi lại lần khân không đi tiệm Á bên Groton để mua, đến Massachusetts muốn nấu phở thì có màn xoè tay tính đếm, mua hay không mua. Khác với bao gói nylon lỏng chỏng ở chợ Á, các cánh hồi xinh xắn trong lọ thuỷ tinh mang nhãn mác của một nhà gia vị tiếng tăm xứ người có giá đúng là ở trên trời. Cuối cùng, cái dạ thắng cái tâm ki-bo, chúng tôi mua hoa hồi tự xưng là sạch, là không dùng chất bảo quản với an ủi, ừ thì chúng sạch :-)

Như mọi khi, việc đầu tiên tôi làm khi bước vô Guido's là đứng dán mắt vào cái bàn bày cookbooks. Tôi đùa vui bạn đánh chén, đây này có sách dạy món Hàn này. Ông lão nghe xong chạy mất dạng. Cho tới giờ, ông vẫn không quên trải nghiệm quán ăn Hàn cho người Hàn [khách du lịch xe bus to] ở trung tâm Sài Gòn, một trải nghiệm không mấy tích cực cho lắm. Và ngay cả khi ông đồng ý với tôi là bếp Hàn Quốc đâu chỉ là vậy, thì nhắc tới Korean cuisine, ông vẫn theo phản xạ tự nhiên lùi sang một bên. 

Guido's lần này tôi có thêm mấy phút tần ngần tính toán khi nhìn thấy các bọc ngưu bàng. Sau rốt, tôi tự nhủ để thong thả về nhà biển bếp núc rộng rãi thì làm món với các bạn củ rễ này. 

(7)

Đường chạy xe từ lộ to lên núi, số cây mới bị đổ gẫy chúng tôi đếm được thật là nhiều không kể xiết. 

Tất cả tựa như có một cơn lốc lớn tràn qua góc giáp ranh giữa hai tiểu bang này. 

Ông lão nhà ta nói, từ bé đến giờ gắn bó với chốn này, đây là lần đầu tiên ông thấy một sự tàn phá lớn đến vậy. Rồi ông tự hỏi, đây có tính là biến đổi khí hậu.

(8)

Bữa tối muộn ở nhà rừng và cũng là để ăn mừng ngày đặc biệt của chúng tôi dù không có ngưu bàng thì vẫn mang hơi hướng bếp Nhật.

Ba con tôm, một dúm rong biển trụng nở, một khúc dưa leo, một củ cà rốt nhỏ, mấy lát hành tây, một thân hành hoa cọng trắng, một tép tỏi, một trái ớt khô và xíu nước tương. Trong vòng chưa đầy một góc tư đồng hồ, chúng tôi có một bữa tối nhẹ nhõm, cách xa bảy tầng đại bác bữa tối theo kế hoạch với đầy đủ khai vị, món chính và tráng miệng trong quán Ý ở Pittsfield :-)

kế hoạch bữa tối hoành tráng cho Cinco de Mayo
hoá thành một đĩa salad làm mau :-)

việc đầu tiên vào nhà: đốt lò sưởi, pha ấm trà
và xơi nốt phần bánh mang theo từ nhà biển

các hộp ươm cây rau và hoa cũng đi nhà rừng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét