Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

nhà rừng tháng năm: chuyến đi đầu tháng

(1)

Tôi giúp việc cắt cỏ. Vì vẫn sợ độ nghiêng nên khi chạy máy, tôi tránh tiệt sườn dốc thoai thoải từ sân sau nhà dẫn xuống trảng cỏ. Vì lười, toàn bộ khu vực men mép rừng, nơi còn đầy rẫy những cành cây lớn cần dọn dẹp trước khi chạy máy qua, cũng bị tôi bỏ qua nốt. 

Nhưng ngay cả vậy thì thành tựu vẫn thực rõ ràng. Trải dài tầm mắt là nền cỏ xanh tươi mới gọn gàng với mấy anh ả gà tây tán tỉnh nhau cùng bọn chim nhảy lách chách tìm thức ăn trong đất. 

Tôi phát hiện những thay đổi nhỏ của thế giới-trảng cỏ. Tỷ như lượng thym dại giờ giảm đáng kể, tỷ như dâu tây dại hình như đã tuyệt chủng, hay giờ đây có một loại cỏ mới mọc theo bụi lớn xoè ra to rộng như cái nón của các mệ xứ Huế. 

(2)

Trên núi, chúng tôi khởi động việc vườn tược của năm. 

Khu đất được ông thợ Mễ cùng cô con gái phát quang hồi tháng trước giờ được ông chủ nhà quy hoạch thành các vòng tròn đá trồng hoa. Ông xếp xong ba cái ô thì kêu oai oái rằng thì là mệt. Tôi phì cười, bác cứ cúi gập người như thế, vừa phải thì là tập thể dục, quá đà thì là làm hại cái thân, kêu gì nữa. 

Cười ông lão vậy nhưng tôi cũng chẳng thông minh hơn. Ở bờ trái của các bậc thang vườn Nhật Bản, tôi bắt đầu việc dựng các gờ tường đá. Khi đã làm rồi thì ham, cứ cố thêm chút thêm chút rồi cuối ngày lại ân hận sao mình không biết tiết nhịp hài hoà thời gian làm và thời gian nghỉ. 

Cây rau và hoa được ươm đến cả tháng trời giờ bắt đầu rón rén xuống đất mẻ đầu tiên. Nói vậy có nghĩa là khi về lại nhà biển, thùng xe vẫn ních đầy các khay và thùng đựng đám rau và hoa còn trong hộp ươm. 

(3)

Chúng tôi đã thống nhất sẽ hạn chế mua mới cây hoa. Nói là vậy nhưng bữa rồi, lão Tiên sinh biến mất nửa buổi chiều rồi trở về nhà với một khay lớn cây hoa nhỏ cùng một chậu tự xưng là sả mà trong mắt tôi thì giống như cỏ trang trí.

Tôi còn chưa kịp hỏi về chuyện sẽ trồng chúng ở chỗ nào thì nghe ông lão nhà ta gọi ời ời khoe thành tựu. Hoá ra đám cây đó là để chặn đường xuống hầm của con sóc đất béo múp míp trú ngụ từ rất lâu giữa nhà và kho dưới trảng cỏ.

Thi thoảng tôi thấy nó bò ra từ cái lỗ to ngay lối cửa sau nhà, mông lúc lắc ưỡn ẽo đi xuống chỗ nhà kho như chủ nhân ông của nơi chốn này. Thái độ của nó còn rõ vẻ khinh khỉnh và tinh tướng hơn nữa khi trời đổ nắng và con giời nằm xoãi trên thềm gỗ trước nhà kho sưởi ấm. Chỉ duy nhất một thời điểm nó có chút vẻ luống cuống và vội vã là khi chúng tôi tiến sát gần chỗ nhà kho. Lúc đó thì cái thân béo của nó vèo một cái đã biến mất dưới nền đất. 

Ông chủ nhà muốn tống khứ con sóc béo. Ông nói không thể làm như Tom, hàng xón dưới núi, người đặt bẫy rồi tự tay bóp cò súng kết liễu con vật. Giải pháp của ông, được lên kế hoạch, là đặt mua cái bẫy bự, túm được con sóc rồi thì cho nó ngồi ô tô lên Berry Pond rồi thả cho nó vô rừng. Ông giải thích, phải để nó xa chỗ ở quen thuộc ít nhất là năm dặm, nếu không nó sẽ tự tìm đường mò về. 

Kế hoạch là vậy nhưng cái bẫy vẫn chỉ dừng lại ở tấm hình trên trang mạng nhện Amazon. Và vào mỗi sáng ấm áp sẽ luôn có cảnh trên nhà ông lão uống cafe và chơi ô chữ, thi thoảng ngó qua tấm kiếng lớn khoái chí nhìn bọn chim rồi chuyển thành phẫn nộ khi thấy con sóc đất. Còn dưới hiên nhà kho, con vật béo duỗi thân, tôi đoán thêm hẳn là lim dim mắt, sưởi nắng coi rất phỉnh. Cả ông chủ nhà và sóc đất đều có không gian riêng tiện nghi và yên bình.

(4)

Trong chuyến đi nhà rừng lần này, tôi có thêm một quan sát thú vị về giao tiếp và quan hệ xã hội.

Bấy lâu nay, ông chủ nhà luôn duy trì quan hệ tốt với bác thợ cả Joe. Vì thế, trong phần lớn trường hợp vấn đề này nọ liên quan nhà cửa phát sinh thì bác thợ luôn thu xếp thời gian chạy xe qua kiểm tra tình hình và can thiệp sơ bộ. Thầy thợ ở chỗ nào của nước Mỹ như thế nào tôi không rõ, nhưng ở góc này của Massachusetts gặp New York thì luôn phải đặt hẹn và lịch hẹn có thể dài vài ngày, vài tuần và thậm chí là vài tháng. Có bác thợ cả Joe hay ông hàng xóm thợ nước Tom dưới chân núi ra tay hỗ trợ là một may mắn lớn cho ông lão nhà ta.

Trước khi về Connecticut, ông chủ nhà đi đổ rác. Tôi tò mò đòi đi theo, sau mấy năm liền thường nghe kể về ông thanh tra vệ sinh-y tế của xã kiêm chức trông coi bãi rác của xã. Tôi có chút choáng ngợp khi thấy một thế giới đồng nát vô cùng phong phú, và cả ông thanh tra xã với bộ dạng hom hem lem nhem ở đâu đó của đường ranh giới giữa một gã nhà quê nghèo và một nghệ sĩ tài năng chờ được công nhận. 

Bạn đời luôn vui vẻ thân thiện với ông thanh tra này. Vì thế khi ông giơ cái xô mà đám thợ làm đường vứt lại bên mép rừng từ đôi ba năm trước thì chẳng cần hỏi chi đã được ông thanh tra chỉ hướng vô khu phân loại. Trên đường về, ông lão nhà ta giải thích cho tôi, thường thì loại thùng chuyên dụng này sẽ bị từ chối ở bãi rác của xã và ông sẽ phải chạy xe mấy chục dặm đến một cơ sở gần Northampton để bỏ, và trong trường hợp này ông không chỉ mất thời gian, mất tiền xăng xe mà còn mất cả phí rác thải cho cái thùng. Giải thích xong, ông lão gật gù tự đắc, đấy, có thân quen bao giờ cũng tốt hơn. Tôi thiếu chút thì gật gù theo, ừ, cứ như ở Việt Nam ý nhể :-)

(5)

Cũng vẫn là chuyện thầy thợ Mỹ, ông lão nhà ta lần này gặp may.

Chuyện là ông tính toán muốn đổ đá sỏi tạo lối đi quanh nhà xe từ đôi ba năm nay. Nhưng vì lượng vật liệu không lớn và vì cả việc ông thầu đá sỏi duy nhất của xã luôn kín hẹn nên kế hoạch mãi vẫn là kế hoạch.

Lần này, nhà hàng xóm trên đỉnh núi có đại công trường, rải lại một mạch đường từ điểm nối đường đổ nhựa của xã lên nhà trên đỉnh núi cũng như dựng nền xây nhà kính trồng rau cho cô chủ. Ông chủ nhà dưới này liền tranh thủ í ới gạ gẫm ông thầu, tiện thì ông cho tôi mấy xe đá sỏi nhá. Kết quả là giờ ông lão có một lối đi rộng rãi cho cả xe kéo lẫn ATV mỗi khi muốn đi xuống trảng cỏ hay cánh rừng liền kề. 

(6)

Một mới mẻ nữa trong chuyến đi này là cuối cùng, đoạn đường to ngay dưới chân núi đã được sửa xong, chấm dứt cảnh sau đến hơn hai tháng cắm biển thông báo các kiểu mà xe lạ, thường là biển Vermont và New York, vẫn cứ lao ầm ầm lên tít tận đỉnh núi.

Hôm đường mới hỏng và bị chặn, tôi nghe nói chỉ trong một chiều mà đã có tới hơn 400 xe lạ lao vào đường xóm núi, đến mức bà vợ của ông thợ nước Tom định đi chợ mà khiếp quá không dám chạy xe ra đường. 

Chẳng cứ dân New York nổi danh "đầu gấu" mà biển trắng chữ đỏ Massachusetts hay biển xanh lè chữ trắng Vermont cũng hung hăng chẳng kém, cắm đầu cắm cổ lao ầm ầm rồi lại loay hoay quay đầu xuống núi. Chuyện tệ đến mức một hai hôm đầu tiên đường hỏng, sau vài cuộc gọi điện kêu ca phàn nàn cho đủ loại sở ban ngành của tiểu bang New York thì dân xóm núi tự xắn tay áo chặn một phần ba lòng đường với biển thông báo tạm bợ đây đường cụt. Hài hước là cho tới ngày trước khi đường thông trở lại một phần, bà con vẫn đi lạc như thường, tót lên tận đỉnh.

thêm cát sỏi quanh nhà để xe

cắt cỏ chạy xe ẩu tả, bỏ quên một vệt mỏng

xếp vòng tròn đá trồng hoa

định nghĩa xuân: màu xanh quay lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét