Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

gà rim gừng sả biến tấu có hạt dổi tham gia náo nhiệt

- Gà chặt miếng to
- Sả đập dập một nửa, một nửa xắt lát mỏng
- Gừng thái lát mỏng khổ to
- Bột nghệ
Tất cả trộn với bột gia vị (tuyệt đối không dùng nước mắm) và rim sền sệt. Và đây là bí mật: khi rim thì giã dập vài cái hạt dổi cho vào.

* Biết là gà chạy bộ vẫn là ngon nhất. Nhưng ở thành phố thì khi làm món này có thể ăn bọn gà đần (gà công nghiệp) vì thịt nó mềm.

làm gì với hoa chuối?

- Bỏ cái cuống đi
- Mất công một chút nhưng tách từng bẹ, bỏ hết các tay nải chuối bên trong, sau đó chồng lại các bẹ thành một khum chặt
- Thái mỏng, dày theo ý và theo món.
- Thái đến đâu cho xuống chậu nước để sẵn.
- Chanh vắt lấy nước cốt (càng nhiều càng tốt: một cái hoa chuối to có thể dùng tới 2 quả chanh) trộn vào chậu nước ngâm hoa chuối (để từ 30-60 phút, nếu làm salad thì để lâu).
- Rửa sạch ta được hoa chuối sẵn sàng cho chế biến món ăn, rất trắng.

* Nếu không có chanh thì ngâm dấm, dấm trắng Heinz là tốt nhất. Nhưng chanh, nhất là chanh không hạt của miền Nam (giống bạn chanh xanh - lime ở bên Tây) thì đặc biệt thơm.

** Còn đây là một công thức gà xé phay trộn hoa chuối - món làm linh hoạt với tinh thần bếp nhà có gì mình làm nấy, ăn nấy thời buổi cô-vít hoành hành.

cháo vịt kiểu cà mau

(tiếp của món salad vịt luộc kiểu Cà Mau)

- Cháo nấu với nước luộc vịt, còn nguyên hột gạo.
- Đĩa thịt vịt luộc thái lát mỏng đã được trộn gia vị vừa miệng nay trộn tiếp với bắp cải và hoa chuối.
- Bên cạnh có thêm bát nước mắm chấm gừng-tỏi. Khi ăn cháo thì mới chấm thịt và rau vào nước chấm này (cho người ăn mặn).

salad vịt luộc kiểu cà mau

Sau một ngày dài đi thăm Đất Mũi, bò về đến thành phố thì ba chị em rủ nhau đi chợ trung tâm. Tuyết Anh và Thủy Lùn phát hiện ra một hàng cháo, chạy vào hỏi thì được bảo là cháo gà cháo vịt. Hỏi cháo gà thì bà chủ thông báo hết. Ăn vịt vậy.

Trông quán, thực ra là một cái góc với hai cái bàn và dăm cái ghế đậu nhờ trước một đại lý hàng mã, rất rất bẩn. Ghê răng, không dám ăn mà ngồi chờ hai đồng chí em. Nhưng bát bưng ra, cả hình lẫn vị đều hấp dẫn. Thế là mặc mọi nguyên tắc, hết cả e dè. Đánh chén! Và rất hài lòng!

Đã làm thử nhiều lần trong suốt mùa đông qua. Lần nào cũng khoái chí!

- Thịt vịt luộc, lạng thịt mỏng, trộn gia vị đậm vừa
- Bắp cải xắt sợi mỏng, cà rốt thái chỉ, dăm thái rối to
- Đường, dấm, tỏi (optional) và hành tây lát mỏng cùng hành củ tươi chẻ mỏng
Tất cả trộn lại thì ra món salad vịt luộc kiểu Cà Mau.

* Ăn xong món này thì làm thêm một bát cháo vịt kiểu Cà Mau nữa là trọn bộ mỹ mãn.

salad vịt xông khói nhà làm

Món này mỗi lần làm mỗi khác, thường là tùy vào vốn liếng có trong tủ lạnh (thường là tình trạng đồ ăn thừa) và rau cỏ tiện tay gom từ vườn nhà.

- Nhất thiết phải có vịt xông khói: có thể là nhà làm (là ngon nhất) hoặc mua vịt xông khói bán ở siêu thị (hiệu ông già Kia).
Nếu là vịt tự xông lấy thì khi chế biến phải cho thêm chút gia vị ướp cho đủ mặn.
Còn nếu là mua ở ngoài thì khi thái miếng xong rồi nên áp chảo nóng, vừa để chảy bớt mỡ béo, vừa để cho vị khói đượm và thơm hơn, và cũng để chắc dạ hơn.

- Rau cỏ đi kèm:
+ cà rốt
+ hành tây (tẩy cay)
+ bắp cải trắng và/hoặc bắp cải tím bóp xổi (tỏi, dấm, gia vị, đường)
+ dưa chuột
+ củ cải đỏ
+ giá đỗ
+ hành tươi cắt khúc dài 4-5cm
+ mùi tàu (ít thôi, nhưng rất quan trọng vì tạo vị thơm)
+ rau thơm bạc hà thái rối
- Vừng hoặc lạc rang (chỉ trộn ngay trước khi ăn)

Úm ba la trộn và đánh chén.

salad vịt xông khói theo kiểu âu lạc

Giờ gọi món này ở Âu Lạc thấy đã có phần khác trước, ngọt và béo hơn. Thịt vịt từ xông khói đã đổi thành vịt nướng. Có lẽ là có trưởng bếp mới.

- Ức vịt xông khói lạng chéo thành các lát mỏng
- Cà rốt thái chỉ
- Dưa chuột bổ dọc, bỏ hạt, cắt đốt 3-4cm, thái lát mỏng
- Bắp cải (tím là tốt nhất) thái mỏng, bóp xổi

Trộn tất cả với sốt chua, ngọt, cay kèm lá húng thơm bạc hà. Vừng trắng rang (chín tới) tán sơ rắc lên trên.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

octupus cake

Ingredients:
200g octopus (sashimi-style or fully cooked)
1 small onion
15 stalks chive
1 shallot
1 piece black mushroom
1/3 carrot
2 tbls white flour
1 tbls rice flour
3 tbls tempura mix
1-2 cups water
ground black pepper

- soak black mushroom in warm water 15 minutes or until soft
- slice onion into thin pieces and then chop
- slice bottom part of chives into thin pieces; cut the remaining part into 1" strips
- slice and chop shallot
- slice and chop carrot
- rinse softened mushroom with salt, pat dry, and slice and chop into small pieces
- rince, slice, and chop octopus into small pieces
- mix white flour, rice flour, and tempura mix with water into a smooth liquid paste
- add 1 tspn cooking oil (optional) and season with ground pepper
- add remaining ingredients into paste and stir

fry octopus cakes until crisp (enough for 4 people)


octupus

onion, chive, shalott, black mushroom

paste

before mixing

paste done, ready to cook



Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

cơm gạo lứt theo công thức của mây trắng

Công thức này học từ Mây Trắng khi đến đó đánh chén và mua đồ chay. Đã làm thử vài lần, tay nghề mỗi lần một khá lên.

- Đậu đỏ và đen cùng hạt sen đun sôi với ít nước trong khoảng 1-2 phút rồi chắt. Sau đó đun nước mới lần hai kèm với phổ-tai (rong biển khô konbu).
Khi hạt đậu nở bung thì coi là chín.
- Gạo lứt nấu riêng (cho ít nước thôi). Khi cạn nước cơm thì đổ hỗn hợp đậu-hạt sen và nước ninh vào nồi cơm và vần.

* Ghi chú thêm: Thực hành rồi thì thấy nên bỏ konbu ra hoặc lúc trộn đặt ở phía trên để không bị sát nồi. Mây Trắng khuyên dùng nồi áp suất. Không có nồi loại này, dùng nồi thường mình vẫn thấy ổn.

bữa tối ở hương lài

Bữa tối ăn cùng bà Fran trước khi rời Sài Gòn (14.3.10). Quán do người Nhật quản lý, bếp và phục vụ là trẻ em lang thang đường phố.

Ăn theo set, giá hơi đắt nhưng bù lại là không gian yên tĩnh tuyệt đối ngay giữa trung tâm thành phố, đủ để thưởng thức món ăn ngon và trò chuyện, cũng đủ để khi về Hà Nội lại quyến luyến muốn đi xuôi xuống phương Nam một lần nữa.

Quán nhỏ, thanh lịch, và luôn có khách xếp hàng chờ.

- Cơm trắng, tất nhiên là phải có rồi.
- Đậu phụ (loại thủ công chứ không phải đậu Nhật trong hộp lạnh bán ở siêu thị) khía đường giữa lưng, rán ròn ngập dầu rồi thấm khô. Sả và hành khô băm nhuyễn, đảo với muối rồi rắc lên trên miếng đậu theo đường khía. Ăn với xì dầu.
- Canh đậu phụ tươi xắt ô vuông (lần này thì là đậu Nhật) kèm với lá hẹ xắt.
- Giá đỗ xào hẹ có thoảng vài lát nấm hương và mộc nhĩ.
- Thức uống thì có trà nhài, đúng như tên quán.

Thế thôi, rất thanh!

vườn nhà - rau gia vị

Không có nhiều lắm nhưng đủ dùng cho mâm hai người ăn.

húng / sweet basil (?)

tía tô / perilla frutescens - tito / périllla ocymoides / gee so

kinh giới / holy basil / marjolaine douce (elsholtzia)

Còn lá lốt thì rất khiêm tốn:


lá lốt / piper lalot

thịt cừu hun khói

Chiều nay đã làm thành công món thịt cừu hun khói ăn kèm sauce rosemary trứ danh của Bác J.

Với thịt khác có thể ki-bo chỉ dùng hickory, nhưng riêng món cừu thì dùng tới các bạn gỗ táo thì tuyệt cú mèo.

* Note bổ sung 2/2017: món ăn kèm thịt cừu hun khói xem ở đây :-)

Chia năm xẻ bảy...

... rồi đến phần mẩu còn sót lại trong lò.

Rẻ không có nghĩa là không ngon. Rượu Argentina.

Bạch tuộc - món kèm lạc lõng nhưng vẫn được chén sạch.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

các kiểu chế trà

(1) Đoàn trà hay còn gọi là trà nấu, trà đun - boiled tea [trà bánh].

(2) Mạt trà tức bột trà được khuấy, vì thế còn gọi là trà khuyấy - whipped tea [trà bột].

(3) Yêm trà hay còn gọi là tiễn trà, trà ngâm, và bây giờ phổ biến nhất là tên gọi trà pha - stepped tea.

ăn chơi, ăn no và ăn nể

2023 ăn chơi đầu bữa đãi khách
cho bạn nhỏ đến từ Quế Lâm nếm quà Việt
Tiếng Việt liên quan đến sự ăn, ở đây là kiểu ăn, quả rất là phong phú!

- Có ăn chơi: tức là ăn món đó không, ăn để thưởng thức; chứ không phải là ăn vào bữa, ăn với cơm, ăn lấy no. Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng, ăn chơi ở đây không phải là theo nghĩa chỉ có ăn và chơi hay đua đòi đâu nhé!

- Rồi có ăn no: tức là món ăn đã được ăn kèm với đồ ăn có chứa tinh bột, ví dụ cơm, bún, bánh... Ăn ở đây đã nhằm vào cái dạ dày, làm sao cho nó đầy đặn để sau đó có làm gì thì không phải chốc chốc nghe tiếng lạo xạo nơi bao tử.

- Rồi lại có ăn nể: nghĩa là ăn chỉ món đó thôi, ăn một cách nhẹ nhàng, từ tốn... như không hề ăn vậy. Khách đến chơi nhà được chủ nhà ân cần và nhiệt tình mời ăn thêm thì dù đã muốn buông đũa buông bát lắm lắm vẫn, vì trọng tình bạn, tiếp tục ăn thêm vài miếng nữa để bày tỏ thái độ biết ơn tấm chân tình của gia chủ.

sách về trà - đối sánh ba bản dịch

"Một hôm, Lợi Hưu sai con trai là Thiếu Am (Shoan) quét và tưới lối đi trong vườn. Khi Thiếu Am làm xong việc, Lợi Hưu bảo: "Chưa được sạch", và bắt con làm lại. Sau một tiếng đồng hồ mệt mỏi, Thiếu Am quay lại nói với cha: "Thưa cha, con không thể làm hơn được nữa. Phi thạch con rửa đi rửa lại ba lần, thạch đăng lộng và cây cối tưới nước thật kỹ, rêu xanh bóng lên; đất con quét sạch không còn lấy một cành một lá nào" - Trà tượng mắng: "Thằng điên, lối đi trong vườn đâu có thể quét như vậy được!". Nói xong, Lợi Hưu đi xuống vườn, rung một thân cây và rắc ra khắp vườn nào lá vàng, nào lá đỏ, những mảnh gấm vụn của mùa thu! Cái mà Lợi Hưu đòi hỏi, không phải chỉ có thanh khiết đơn thuần, mà cả vẻ mỹ quan và vẻ tự nhiên nữa."
(bản dịch của Bảo Sơn)


"Một hôm, Rikyiu đứng nhìn con trai quét tước lối đi trong vườn. Cậu làm xong, ông bảo: "Chưa được sạch", và bắt làm lại. Sau một giờ nữa hì hục cật lực, anh quay lại nói với cha:
- Thưa, con không thể làm hơn nữa. Con đã kỳ cọ ba lần các phiến đá lát, con đã dội rửa cẩn thận các lồng đèn bằng đá và cây cối, đến lớp rêu xanh và ngọn dây leo cũng đều sạch bóng lên kia, còn mặt đất thì chẳng thể tìm ra một ngọn lá hay que tăm nào.
- Thằng điên! - Rikyiu mắng - Không phải quét rửa roji theo cách ấy.
Nói xong, ông bước xuống vườn, ôm một thân cây lắc mạnh, lá vàng lá úa lã tã rụng xuống khắp nơi, trông chẳng khác nào những mảnh vụn của tấm gấm mùa thu vừa trải. Cái mà bậc trà sư đòi hỏi, không chỉ là sự sạch sẽ đơn thuần, mà còn phải làm sao cho giữ được vẻ đẹp tự nhiên của vạn vật."
(bản dịch của Phan Quang)


"Rikyiu đang nhìn theo con trai Shoan của mình khi cậu quét dọn và tưới nước trên con đường vườn. "Chưa đủ sạch," - Rikyiu nói khi Shoan kết thúc công việc, và ông bảo con cố gắng làm lại lần nữa. Sau một giờ mệt lử người, cậu bé về nói với Rikyiu, "Thưa cha, không có gì phải làm thêm nữa. Các bậc đá đã được rửa ba lần, các đèn lồng bằng đá và cây cối đã được té nước, rêu và địa y đang sáng lên một màu xanh tươimát; không còn một cành cây nhỏ và không có chiếc lá nào bị con bỏ sót lại trên mặt đất.". "Trẻ dại" - bậc trà sư quở, "Đó không phải là cách quét dọn con đường vườn." Khi nói câu này, Rikyiu bước vào trong vườn, rung một cái cây rồi rải khắp vườn những chiếc lá úa vàng và đỏ thắm, tạo ra những mẩu nhỏ của bức gấm thêu mùa thu. Điều mà Rikyiu đòi hỏi không chỉ là sự sạch sẽ, mà còn là cái đẹp và vẻ tự nhiên."
(bản dịch của nhóm Trúc Diệp)

mẹo ướp thịt bò (dứa hay lê)

Từ khi biết nấu, nghe người lớn bảo xào thịt bò thì ướp hoặc thả dứa trực tiếp vào thì thịt mềm. Chẳng mấy khi thực hành món này nhưng vẫn nhớ lời nhắc.

Sau này có lần nói chuyện với cô Thảo lớn thì cũng nghe về mẹo này. Lại nhớ tiếp.

Đến khi làm món salad cần tây thì mới chú ý đến một chi tiết em Vân (chủ nhân trang gocbep.com) cung cấp: ướp thịt bò bằng lê xay/giã nhuyễn thì ngon hơn so với ướp dứa ở chỗ: ướp dứa thì thịt mềm, bùi nhưng bở; còn ướp lê thì thịt mềm, ngọt và đặc biệt là vẫn dai và mọng nước ở trong.

Đã làm, đã thấy là đúng. Cám ơn em Vân!

salad bò - cần tây

Món này làm theo công thức của em Vân tại gocbep.com rồi qua mấy lần thử nghiệm thì đã có gia giảm một chút xíu.

Chuẩn bị nguyên liệu:
- nạc thăn bò: 250g
- cần tây: 4 nhánh/tép
- cà rốt: 1 củ nhỏ (nếu là cà rốt ta) hoặc 1/2 củ (nếu là củ to)
- hành đỏ: 1 củ (ở Hà Nội nếu khó kiếm thì dùng hành Đà Lạt thay thế cũng được)
- hành khô: khoảng 3-5 củ để làm món hành phi
- chanh: nửa quả, vắt lấy nước cốt
- dầu olive: 3 thìa súp
- dầu dấm balsamic: 1 thìa súp (mình hay dùng nho đỏ Clovis thấy cũng rất ổn)
- lê: nửa quả (chọn loại lê Úc mềm)
- húng lỉu (không có thì thay bằng thơm, bạc hà đều rất ổn)
- gia vị gia giảm theo khẩu vị: muối, tiêu, đường, tỏi, ớt tươi

Thực hiện:
- Cần bỏ lá, cắt thành từng khúc dài từ 7-9cm, sau đó tước lát/sợi mỏng và ngâm vào nước lạnh (bỏ mấy viên đá vào). Trước khi trộn salad thì mới vớt ra và vẩy thật ráo.
- Cà rốt thái chỉ.
- Húng lỉu (hoặc rau thay thế) cắt nhỏ.
- Hành đỏ xắt lát mỏng rồi vẩy ráo nước, để ra đĩa. Dầu đun nóng thì đổ nhẹ theo vòng tròn lên hành trong đĩa, sau đó trộn đều. Sau khoảng 5 phút, khi hành đã tái chín và nguội thì cho nước cốt chanh vào và trộn. Sau khoảng 30 phút, hành sẽ chuyển sang màu đỏ tươi rất đẹp. Chắt lấy nước hành để riêng, phần hành đã ráo để riêng.
- Hành ta thái lát phi vàng thơm.
- Thịt bò ướp cùng với lê nạo/xay và muối khoảng 15 phút rồi bắc chảo, phi tỏi và xào thịt chín tới [* Xem thêm mục Mẹo nấu ăn về cách ướp thịt].
- Chuẩn bị sauce gồm có: dấm, ớt băm, đường, nước hành chắt. Dùng 2/3 hỗn hợp sauce này để trộn salad (cần, cà rốt, hành).
- Xếp hỗn hợp salad ra đĩa, phủ thịt bò lên trên rồi rưới chỗ sauce còn lại lên.
- Rắc hành phi và húng lỉu lên trên.

Ăn như thế nào và ăn khi nào?
- Món khai vị khi mời bạn bè đến đánh chén.
- Một món rau cho bữa cơm nhà.


* Vài dòng ghi thêm: 
- Đã cho thêm lạc rang giã rối, rất hợp lý.
- Đối với người ăn chay và ăn kiêng, hoàn toàn có thể áp dụng công thức này, tất nhiên là không cần tới món bò, và bỏ qua cả món hành phi cũng như hành tím thì đơn giản chỉ tẩy cay ăn sống thôi. Cái này mình cũng đã thử (khi lâm vào hoàn cảnh nhẵn túi kỳ cuối tháng!) và thấy cũng rất ổn.

sách về trà và uống trà (1)

Đây là một trong những bộ sách mình yêu thích nhất, sống chết sẽ không bao giờ "cho đi"!

1. Riêng sách của Kakuzo Okakura đã có 3 bản dịch chữ Việt. Không rõ tại sao trên bìa sách lại không ghi lại thời điểm mua và nơi mua. Có lẽ vì sách đẹp nên không nỡ bôi bẩn chăng.
- Trà đạo - Tiểu luận, bản dịch của Bảo Sơn, Nxb Văn nghệ, Tp HCM, 2008, 117 trang, Sách mỏng, vừa gọn tay, đêm hè mát mẻ hay đêm đông chùm chăn ấm mà nhẩn nha đọc thì đều thích cả.
Có lẽ đây chính là bản in lại từ bản của Lá Bối năm 1967 (?!)
- Trà thư, bản dịch và giới thiệu của Phan Quang, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, 150 trang.
Cũng như bản của Bảo Sơn, sách gọn và nhẹ, bìa màu sẫm lịch lãm. Thú vị là bìa trong, dịch giả rất cẩn thận chú thêm là đã đối chiếu, tham khảo một loạt bản dịch tiếng Pháp cũng như bản tiếng Việt của Bảo Sơn (Sài Gòn, Lá Bối, 1967). Về bản của Lá Bối, đã tìm kiếm từ bấy đến giờ mà chưa được!
- Trà thư (và khuyến mãi thêm dòng chữ Anh: The Book of Tea ngoài bìa), bản dịch của Câu lạc bộ trà đạo Trúc Diệp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009, 153 trang.
Sách này dày vì có thêm bản chữ Anh đối chiếu. Bìa trong có ghi được in với sự hỗ trợ từ Japan Foundation.
Về lai lịch sách này thì mình nhớ rất rõ. Ấy là khi đã có hai cuốn trên và nhìn thấy ở Xunhasaba trên đường Hai Bà Trưng thì mua tiếp. Sau ra chị Hoa ngoài Đinh Lễ thấy bán có giảm giá thì tiếc một ít là nếu từ tốn thì đã tiết kiệm được ít tiền.

2. Lục Vũ: Trà Kinh, dịch chú của Trần Quang Đức cùng tiểu luận về trà của Francis Ross Carpenter và minh họa của Demi Hitz, Nxb Văn học kết hợp với Nhã Nam, Hà Nội, 2008, 195 trang.
Sách Nhã Nam làm về hình thức miễn chê rồi. Còn về nội dung thì đây là sách mình đã và sẽ còn đọc đi đọc lại nhiều lần.

3. Nguyễn Bá Hoàn: Trà luận (Tinh hoa văn hóa phương Đông), Nxb Tp HCM, Tp HCM, 2003, 216 trang.
Bìa sách không đẹp lắm, chưa xứng tầm với nội dung bên trong.
Bìa trong sách ghi rõ tác giả lấy cảm hứng từ The Book of Tea của Okakura Kakuzo. Nói là thế nhưng đọc kỹ thì còn thấy Nguyễn Bá Hoàn cũng có không ít cảm hứng từ sách của Lục Vũ!


Ngoài lề, còn có bản copy một bài viết của Alain Laurens, Michel Leboeuf và André Cavé trên tờ tạp chí La Recherche, số 308 avril 1998, mang tiêu đề "Les surprenantes vertus du thé vert - La pharmacognosie à la rescousse de la médecine chinoise traditionelle" (pp. 54-57). Bài này sưu tầm khi còn học CFIT. Đã tự nhủ sẽ dịch nhưng chưa bao giờ chuyển ngữ thành công quá ba câu.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

sách về ẩm thực xếp lại

(1) Về ẩm thực Việt nói chung, có:
Ngô Đức Thịnh: Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2010, 435 trang.
Sách này mua ở Sài Gòn. Đọc hay. Cái dở đầu tiên đập vào mắt chính là bìa sách. Một cuốn sách được làm khá tốt mà người ta lại lười đến mức không họa được cái bìa cho ra hồn. Hơi thất vọng khi thấy ghi chú bìa cuối sách là "Ảnh bìa 1: Nguồn internet".
Tâm đắc nhất trong Khám phá... là phần bài viết của Nguyễn Thị Hương Liên, được giới thiệu như là chuyên gia nghiên cứu ẩm thực Hà Nội, viết về phở Hà Nội. Nhiều chi tiết thú vị! Nếu có một khoa nhân học ăn uống ở Việt Nam thì sách này hẳn không thể thiếu mặt trong danh sách tài liệu cần đọc.

(2) Về ẩm thực vùng miền, có:
- Nguyễn Thị Bảy: Ẩm thực dân gian Hà Nội, Nxb CTQG, Hà Nội, 2009, 218 trang.
Nhìn thấy sách ở hiệu cô Dung trong trường thì thấy cái tên có vẻ hay, lại biết tác giả là phu nhân của một giáo sư-chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu ăn và uống thì mua.
Nhưng mua rồi thì thực sự là thất vọng. Vì sách làm ẩu. Và cả vì nội dung. Cái cốt, cái ý tưởng của tác giả hẳn phải rất thú vị. Nhưng viết ra thành lời gửi tới độc giả thì chỉ còn lại một món chè nấu dở, lõng bõng, lớt phớt mấy hạt đậu, tý vị ngọt thoảng đầu lưỡi, đôi ba sợi dừa nạo... Túm lại là chưa đến nơi đến chốn.
Đã hơn một lần nâng lên hạ xuống định gửi cho thư viện phụ nữ phường hoặc cho một ai đó quan tâm, nhưng vì cái tên sách, và nhất là vì cái ý tứ chưa được chăm chút nhưng quả rất hấp dẫn này nên lại giữ lại. Coi như là một gợi mở cho việc tìm kiếm những viết lách hay ho hơn về đồ ăn thức uống Hà Nội sau này.
- Thạch Lam. Tất nhiên là Thạch Lam rồi, nhưng chưa tìm thấy!

(3) Về ăn chay, lần dở thì thấy:
- Tâm Diệu, Bản sắc Việt Nam trong ăn uống - Quan điểm về ăn chay của đạo Phật, Nxb Tp HCM, Tp HCM, 2001, 162 trang.
Đây là sách mua ở tiệm sách cũ ở Trần Nhân Tông ở Sài Gòn hồi tháng 3 năm trước để dự đám cưới anh D và thăm bà Fran, cùng làm một số việc khác. Lúc đó quan tâm đến ăn chay vì đã kịp trở thành fan hâm mộ của Mây Trắng ở Hà Nội.
- Nguyễn Thọ Nhân: Ăn chay chống lại biến đổi khí hậu, Nxb Tổng hợp Tp HCM, Tp HCM, 196 trang.
Sách mua ở tiệm sách, đã quên tên, nằm trong khuôn viên trường Dược, thì phải, vào ngày cùng bà Fran ghé chân thăm café-sách ở đây. Sách rất nhiều, rất hay. Đồ uống và đồ ăn vặt cũng tuyệt cú mèo.
Bản thân Ăn chay... thực sự là một cẩm nang cần thiết cho tất cả những ai quan tâm tới ăn chay (tương đối) và môi trường (rất quan tâm), đặc biệt là theo phong cách New Age. Sách có cả index, rất thuận tiện cho tra cứu.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

góc bếp - địa chỉ web tuyệt đối không thể bỏ qua

Cách đây không lâu, lọ mọ gõ mạng để tìm công thức một món ăn rồi vô tình chui vào góc bếp này. Thấy hay hay thì quyết định làm thử mấy món theo hướng dẫn của em Vân.

Đến giờ đã làm rất thành công: kim chi kho sườn, salad củ cải đỏ, salad cần tây.

Hơn thế, góc bếp còn làm cho những việc làm vườn, may vá trở nên thật thú vị!

ochâo - một quán trà việt ở hà nội

Lần đầu tiên biết đến tên Ochâo là khi mua đồ gốm ở nhà Nguyễn Lợi. Lúc đó đoán già đoán non là hàng của khách Nhật đặt và Ochâo hẳn là tên một quán ăn.

Sau này thấy cạnh hàng mỳ vằn thắn trên đường Xuân Diệu có quán trà Việt mang tên Ochâo thì "chà" một tiếng. Hôm nay, trời nắng tưng bừng, hai bác cháu lọ mọ lên Hồ Tây để thưởng thức món trà. Kết quả rất mỹ mãn.

Trà sen pha ấm 100.000vnd cho hai người. Hương sen đặm, thơm và bền, đến những chầu cuối dù nước đã gần như bạc màu thì vị của sen vẫn thoang thoảng. Nhà chè vẫn để nguyên gạo sen, trông rất đẹp.

Nếu có cái dở thì đó là trà nền để ướp chưa phải đã thật ngon, còn thua nhà Chính Thái. Thêm vào nữa là phích nước để chêm có cái nắp không tiện, nhiệt bốc ra quá nóng nên khi khách tự phục vụ thì phải rất chú ý để không giãy nảy lên kêu "nóng nóng".

Giá trà ấm nói chung là ổn trong chừng mực khách được ngồi nhìn thẳng ra hồ, có quạt chạy vù vù ở bên (kể ra có thêm cái điều hòa - dù biết là phá hoại môi trường!!! - vào một ngày oi nực như hôm nay thì tốt hơn) và đặc biệt là lề rề nói chuyện cả buổi cũng không sợ bị đuổi! Tất nhiên là sung sướng kiểu này em cũng chỉ dám đến nhà bác xuân hạ thu đông mỗi mùa một lần thôi!

Về tên Ochâo, được em gái phục vụ giải thích là lời chào của người Hmong. Nói chuyện phục vụ, nhân viên quán rất là hay. Nhiệt tình giải thích cho khách về các loại trà, đặc biệt là món trà trắng và hoa trà, những thức uống không làm người ta mất ngủ.

Trước khi về, băn khoăn giữa hai món trà sen và bộ cốc lọc trà. Cái thứ hai thì đắt quá, còn cái thứ nhất thì còn lưu luyến dư vị trà mới uống nên "cắn răng" mua chơi một gói 50g giá 230.000. So với trà Chính Thái 400.000/lạng thì quả là có đắt hơn!

Túm lại, rất hài lòng! Hẹn gặp lại mùa thu!

một món khai vị ở la badiane

Quay trở lại lần thứ hai và vẫn chọn cùng một món.

Lần này chú ý hơn đến những gì có trong đĩa. Cụ thể là:
- lá mùi xắt nhỏ dài chừng 1.5cm, chỉ lấy phần lá
- lá thìa là (rất lạ nhé) cắt giống lá mùi
- cải mầm cay vài nhánh
- lá tía tô xắt mỏng, bề ngang khoảng 0.5cm
- cá chua cắt ô vuông nhỏ xíu
- lá bắp cải tím thoảng qua, xắt lát mỏng giống lá tía tô
- diếp quăn chẻ nhỏ
- sốt dầu olive và lá basilic giã nhuyễn
- và tất nhiên là có lát bánh phết pho-mai dê nướng rồi!

Bí mật của món này là bác bếp làm sốt basilic rất tươi và ngon. Khi xay bằng máy hoặc cả khi giã bằng cối nếu không chú ý thì độ nóng sẽ làm cho hỗn hợp rau xay bị "chín" và vị thay đổi.