Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

back to the island

(1)

Trên xe bus số 2 hôm trước có một màn rất kỳ cục. Ông tài và ông phụ cho bà con nghe Leon và Mary Russell. Bạn đường của tôi gật gù, nhất định sẽ đi xe bus số 2 nữa. Tôi cười méo mó, có biết mỗi ngày có biết bao cái bus số 2 và biết bao cặp đôi tài-phụ không mà đi :-)

(2)

Bạn cfitaire gọi điện, tôi kiểm tra thông tin rồi gọi lại hẹn ăn trưa. Gặp nó, tôi hỏi có phải từ Tết giờ mới gặp lại không, nó vanh vách lần cuối là ở quán Chị Lan. Đầu óc tôi rối đặc, chỉ nhớ không biết bao lần gọi và nhắn tin qua lại rồi đều là hẹn trượt với nó. Tôi mang cho bạn một túi sách, có Cửu Bả Đao tôi thích sau khi đọc Cà phê đợi một người, mấy cuốn sách lịch sử văn hóa xứ Nam và Phật giáo chi chi, riêng truyện vụ án của mấy tác giả Nhật tôi nâng lên hạ xuống chán chê rồi cuối cùng vẫn là tiếc rẻ giữ lại.

(3)

Giữa buổi trị liệu, cô chăm sóc xin phép dừng tay nghe điện. Xong rồi quay lại công việc, đầu tiên là thút thít, thoáng chốc thành khóc òa. Tôi nhớ trước khi bắt đầu, chúng tôi tán gẫu về cái sự độc ác của thời tiết làm thân người đau nhức và con bé có nói bố em vào viện từ mấy ngày hôm nay. Hỏi thăm thì là chuyện mẹ gọi điện báo con gái bác sĩ hội chẩn kết luận bố ung thư phổi giai đoạn cuối. Con bé khóc, nó bảo bố mẹ em cả đời vất vả, vừa mới bán đất cát đang nghĩ được hưởng sung sướng. Tôi nhớ những màn tối tăm khi nhà mình có chuyện, chỉ biết nói lại đại ý, cố gắng bình tĩnh rồi chọn thái độ thích hợp với người bệnh, với việc nhà.

Cho tới giờ tôi vẫn không thể nào chịu đựng được bệnh viện. Không phải vì sợ cái sự sống chết ở đấy, sợ ám ảnh ma quỷ bám víu ở đó, Mà là cảm giác bất lực, cái sự đằng đẵng không có hồi kết của những động tác chăm sóc lặp đi lặp lại, và nhất là trạng thái căng đầy mong manh của sự chịu đựng.

Thường tôi thấy một người ngã bệnh, ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu bà con chạy phầm phập tới thăm, mặt mày nghiêm trọng hỏi han, lời khuyên này nọ các kiểu bay tán loạn. Nhưng rồi sau cái màn ồn ào đó chỉ còn lại một đám nhỏ người trong cuộc, nhẫn nại chịu đựng, nhẫn nại gặm nhấm thời gian của ngày, của tuần, của tháng trong phòng bệnh. Và chờ một cái kết hên xui kiểu năm mươi năm mươi trong không ít trường hợp.

(4)

Cả tuần chạy việc giấy tờ theo các hẹn trước, ngày của tôi bị bằm nhỏ, sáng rời nhà lơ mơ buồn ngủ, tối về mệt bã người, nhà cần dọn, quần áo cần giặt, cây cần trồng, tất cả đều ở trạng thái treo.

Sáng thứ Sáu tôi có thể thở phào xong một đoạn việc. Trước khi phải nghĩ tiếp làm gì với các giấy tờ cần công chứng, hồ sơ cần chuẩn bị, bài luận cần nét touche cuối cùng thì ít nhất tôi cũng có một buổi sáng yên tĩnh ở nhà.

Tôi làm những việc đã thành routine, ngồi im không ngọ nguậy mấy phút thả lỏng tâm thân, thắp nhang cho ban thờ, châm bình cafe, quét sân vườn, phơi phóng chỗ quần áo còn chưa khô hẳn, phân loại màu quần áo dơ rồi cho chạy máy giặt, tra mạng tìm địa chỉ sửa khóa kéo cho túi aunts and uncles thủy chung của mình, để sẵn đám hộp nhựa gửi cho bạn để trữ đồ.

Cái sự chỉ có một mình, không mở miệng nói lấy một từ, từ tốn việc này sau việc kia, đối với tôi đôi khi đáng được coi là một sự xa xỉ thay vì việc nhà tẻ ngắt, nhất là sau cả mấy tuần dài chạy cả đống việc thủ tục bằng cả mười năm cộng dồn kia :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét