Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

bắc ninh 05.3.2022

hoa đào vẫn ồn ào dù đã sang tháng hai lịch dưới
cây đào phai quà từ hàng xôi mấy năm trước

(1)

Đường về quê, chỗ nào còn ruộng lúa thì cảnh tượng chung là nhiều đàn bà gập lưng người cấy mạ. Tôi lơ ma lơ mơ kể chuyện này cho anh họ và chị dâu họ cùng thắc mắc, tại sao chỉ có phụ nữ ngoài ruộng. Chị dâu họ cười khơ khơ, cô này, việc cấy là việc của đàn bà. Đàn ông có làm chỉ là gieo mạ thôi. À, ra thế. Mà chắc là phải nói thêm chuyện này còn tuỳ mỗi vùng quê nữa nhể.

Nhân chuyện phân công lao động theo giới [tính], chị dâu họ kể mùa này cánh phụ nữ ở làng chuyên đi "làm cà rốt hai trăm nghìn một ngày". Các ông bà chủ bên Hưng Yên và Hải Dương sang đây thuê đất để trồng cà rốt xuất khẩu, dân địa phương đang là chủ đất bỗng hoá thành kẻ làm thuê. 

Tôi hỏi, thế có ông đàn ông nào đi "làm cà rốt" không? Câu trả lời là không, việc đấy đàn ông ai làm. Lại hỏi, thế đàn ông làm gì? À thì mấy việc kiểu như phụ hồ ý. Mà mùa này việc ít nên mới có chuyện ở làng đàn bà sấp ngửa chúi mặt vào đất, còn các ông thì túm năm tụm ba. Ông có tiền uống bia cỏ. Ông ít tiền kiếm nhà nào có nước chè, tụ tập một đám tám dzóc nửa ngày. Chả trách, nhà anh họ của chúng tôi lúc nào cũng đông khách tới chơi. Và trà các loại hai con em vác về cho ông anh hoá ra lại là để phục vụ mấy ông khách này. 

(2)

Ở đường mương nối hai làng, hai thôn thuộc hai xã, hai huyện khác nhau, có một diện tích nền đang được san dựng ngay sát mép ao làng. Tôi hỏi anh họ, thì ra là nhà bá họ cho thuê để mở quán ăn. Đối diện quán tương lai vốn đã có một quán bia tụ tập cánh mày râu có tinh thần tam cô lục bà, giờ chẳng rõ hai tiệm anh này nhìn anh kia thì chân dung khách ăn khách uống có gì thay đổi không. Mà ngay bờ mương kia cũng đã lù lù một quán nhậu. Thế có nên tính là khu ẩm thực liên-thôn, liên-làng, liên-xã, liên-huyện không nhể. 

Anh họ mở tiệm sửa chữa đồ điện [gia dụng]. Nhẩn nha việc có ngày kiếm đôi trăm lại có ngày chẳng được xu mẻ nào. Tôi hỏi thế tính trung bình tháng bao nhiêu. À, tháng đầu tiên là ba triệu. Anh giàu to rồi còn gì. Mà anh sướng nhá, làm tự do giờ giấc thoải mái, lại chẳng thuế má chi chi. 

Chưa biết bà sư mới có thực hiện được cái dự án biến ao làng thành ao chùa với thuỷ đình và tượng Phật Bà Quan Âm giữa hồ - giờ phải nói là hồ, chứ nói ao thì không sang và phải phép nhá - hay không, nhưng anh họ với cửa tiệm có view ao, view hồ tương lai thì rõ ràng là sinh hoạt rất phỉnh phơ. Lúc rỗi hay lúc muốn nghỉ ngơi thì có võng mắc sẵn. Không thích ngả ngốn lại có bàn trà bên cạnh.

Anh họ thích làm mấy món đồ gỗ trang trí. Anh nói hay "tương tác" với cửa hàng này cửa hàng nọ, cái ở Hà Nội cái ở tít tận Yên Bái, tất cả đều xoay quanh chủ đề lũa, liễn, gì gì đấy từ kỹ thuật tôi nghe dứt khoát không hiểu, đại loại là về các loại gỗ [điêu khắc, chạm khắc, tiện] và các sản phẩm thủ công-mỹ thuật. 

Lần này qua chơi, tôi được ông anh cho cái hũ gỗ bé xinh xinh với lời dặn, sau khi thanh tẩy có thể dùng đựng đường uống cafe. Cái hũ ấy giờ đang chứa một dúm nhỏ trà Oolong để tẩy mùi.

(3)

Tối hôm trước ngày về chơi với hai cụ già, TL đã tranh luận tưng bừng với Mẹ về chủ đề cuộc chiến. Ở nhà Bắc Ninh, đến lượt tôi tưng bừng tranh luận với Mẹ.

Bà cụ già giống không ít người của thế hệ mình, còn chút quyến luyến cái món "tâm hồn [văn hoá] Nga", và ít nhiều "hâm mộ" Pu-tin. Chẳng rõ theo dõi thời sự quốc doanh thế nào mà bà cụ nhà mình cương quyết tin vào con số chỉ có một nhúm người chẳng may dính đạn và rời khỏi cõi đời. Rồi bà cụ bảo, vì nước kia đe doạ nước này nên mới có cuộc tấn công. 

Bình thường, tôi hẳn sẽ cười ha ha ha khi thấy cảnh nhà người ta, những gia đình chồng vợ lục đục, cha mẹ mắng con mất dạy, anh chị em gần như từ mặt nhau chỉ vì những tranh cãi kiểu như, phải "tin đảng tin Bác" hay giờ dứt khoát [đ]ếch tin bố con thằng nào, "Thầy Ông nội" là tội đồ hay nạn nhân, rồi nữa nữ xi-i-ô kia rốt cuộc là một ả điếm già hết thời hay nữ anh hùng 4.0 còn hơn cả mấy bà Trưng - Triệu và đang có nguy cơ làm rung rinh một chế độ. Giờ ở nhà Bắc Ninh, con gái láo toét khơi chuyện, chọc u già mấy câu, rồi mau thấy mình dại. Thôi, hoà khí, hoà khí, không nói chuyện này nữa.

Hình như bà cụ già cũng cảm thấy có gì đó không ổn về nguồn thông tin, nên cũng xoa dịu, thôi không nói nữa. Rồi rằng thì là mà, chiến tranh thì luôn luôn là người dân khổ. Con thiếu tý chút chọc Mẹ tiếp, may mà kịp thời ngậm miệng.

(4)

Rau nhiều món sang đoạn cuối mùa, nhìn rất ngộ. Cây chanh Thái cao to ngoài vườn không rõ có phải do thời tiết xấu xí thời gian rồi không mà giờ lá rơi rụng nhiều. Bình thường tôi hẳn sẽ lo lắng lắm. Nhưng sau khi đã hại kha khá đời cây rau, tôi giờ bình thản hơn. Nếu chẳng may có sự gì thì mình đây sẽ giục TL tìm kiếm thông tin trên mạng nhện mà đặt một cây chanh Thái mới. Có băn khoăn chút thì là DA ở Hongkong đã dặn dò nhờ chiết, nếu cây đi đời nhà ma thì kế hoạch nhân bản coi như phá sản.

Trong lúc tôi theo chân Mẹ ra vườn hái rau để mang về Hà Nội, có tiếng ơi ới gọi cửa. Một bà bá họ sang xin rau lang. Thấy ôm bự rau chân vịt vừa được cắt, bá hỏi xin thêm. Bà cụ già đáp, chị cứ lấy thoải mái. 

(5)

Hôm trước có một cậu họ chạy qua hỏi bà cụ già nhà mình có bán ngan thịt không. Lứa ngan đã qua tuổi trẻ trung, bà cụ già bảo, mày mua thì phải lấy cả đôi chứ tao không bán lẻ. Cậu họ kia hào hứng, em "quất" liền.

Mẹ hỏi cậu họ, sao mày biết đường mà hỏi. Cậu họ tỉnh bơ, thì trên mạng nó bảo thế. 

Tôi nghe chuyện cười ngất, bao giờ đến ngày u nhà mình lên mạng nhện bán rau dưa gà vịt nhể :-)))

một món quà cho nhà căn hộ

chổi lá tự làm - quét sân siêu lợi hại

đậu đỗ cuối mùa

góc bếp củi ngoài sân

đường về quê - đàn bà cấy lúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét