lưới đánh cá cũ, xin về để chắn ao bèo phơi vỏ tôm cua làm thức ăn cho gà |
Trong cuộc trò chuyện mảnh đoạn với ông cụ già tai nghễnh ngãng, con gái hỏi và nghe một hồi thì biết là cuộc đua tranh giá đất xem ra đã đến đoạn hạ nhiệt. Thêm vào nữa, chuyện Bố nhắc và kể làm tôi thêm một lần cười phì. Đó là về dự án mở mang con đường du lịch tâm linh dọc theo đường đê, với rất nhiều điểm thờ cúng ngài Vua này, vị tướng nọ, hay một ông thầy đồ quốc dân trong lịch sử xa xôi của đất nước.
Thời gian này, mỗi lần về thăm Bố Mẹ ở Bắc Ninh là một lần tôi nghiêm túc nghĩ về sự-già-đi. Hai cụ già đang già đi, và các con của hai cụ cũng đang già đi. Mẹ phàn nàn về chuyện Bố thích đi chơi thăm thú bằng hữu mà mắt kém tai điếc thì rất chi là nguy hiểm. Chưa kể thói người già nói nhiều, nói dai không khéo đến nhà người ta thành làm phiền.
Nếu là chuyện này nghe được đôi năm trước, tôi hẳn sẽ "vào hùa", sẽ quay sang "nhắc nhở" ông cụ già. Nhưng giờ là gì? Con gái nhổ tóc sâu cho Mẹ, nghe chuyện xong thì cười khơ khơ, kệ đi Mẹ ơi.
Thực thì không phải là kệ. Tôi rù rì, kể ra chân Mẹ không đau thì Mẹ chủ động đi chơi cùng Bố là tốt nhất, như thế có thể tính toán thời gian thăm viếng rồi hai cụ nhà ta cùng về nhà. Còn giờ chỉ mình Bố đi chơi sang làng trên xóm dưới thì trước khi Bố rời nhà, Mẹ nhắc thêm một lần về việc đi lại cẩn thận và canh thời gian về nhà là được.
Tôi đã nghe và thậm chí là thấy cảnh ở thành phố con cái o bế cha mẹ mà vẫn cứ tự tin mình đây là vì các cụ. Có bao nhiêu trường hợp ông bà già gần như bị nhốt trong các căn hộ chung cư hay nhà ống suốt thời gian của ngày. Vì lý do có vẻ rất chính đáng mà con cái họ đưa ra, rằng các cụ ốm yếu đi lại khó khăn, rằng ngoài kia rặt bọn lừa đảo, vân vân và chi chi.
Ơn Giời, hai cụ già nhà mình ở góc nhà quê Bắc Ninh này vẫn chủ động và tự do trong thời gian sinh hoạt của mình. Thế là tốt rồi!
đường về quê, khi đồng ruộng trở nên hiếm |
nắng khô giòn rụm |
vụ rau mới |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét