Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

thành phố đi vắng

chiều hôm qua, 29/4 - đường Thanh Niên ít xe
và rất nhiều vịt trong cái hồ nhỏ
Chiều nay tôi rón rén đi ra ngoài. Đường Hoàng Hoa Thám vắng, nói giống như đầu sáng ngày mồng một Tết thì có vẻ hơi quá, nhưng đúng là vắng thật.

Lên Xuân Diệu uống trà, tôi phát hiện quán xá cái nào đóng cửa thì đã đóng cửa rồi, còn lại nhà nhà người người hoá thành đông vui. Nhiều người vì lý do này kia chi nọ không rời thành phố trong kỳ nghỉ hẹn gặp bằng hữu ngoài quán trà, tiệm cafe, nhân dân vui, bà con kinh doanh phấn khởi. 

Từ trong tiệm nhìn qua cửa sổ tôi đếm quá số ngón tay trên một bàn tay xe hơi đắt tiền biển 15 với các nam thanh nữ tú chầm chậm lướt qua, quá nửa ngồi ghế lái là nữ, quá nửa số người trên xe lộ ra không phải tóc màu đủ sắc thì là xăm xăm trổ trổ, coi rất cool. Còn sang chỗ hai con rồng xấu mù trấn một góc cái hồ to, tôi gặp liền mấy đội tổ lái choai choai mũ bảo hiểm vắt ở tay lái xe máy mang biển số tỉnh ngoài, tóc cũng cứ gọi là đủ tạo thành phường nhuộm, lạng lạng lách lách ra vẻ ta đây rất ngầu

Tôi bắt đầu kỳ nghỉ bằng hành động dọn vườn hiên nhà căn hộ. Mấy thân lúa cạn không trổ bông, bỏ. Thân bạc hà bò lồm ngồm khô không khốc, bỏ. Đám cây ớt con lao nhao trong chậu nhỏ, bỏ. Búi thân hương thảo khô cho hương kèm bụi, bỏ.

Tối nay, bạn đánh chén nhắc nhở, bật tivi cho tui xem bóng đá. À, có trận Việt Nam đấu Lào ở đất Campuchia.

tạm biệt các thân bạc hà

lúa này cho bông lép nhưng vẫn đảm bảo thơm

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

bia ta bia tây: không chỉ là quảng cáo

(1)

Hà Nội mát trời. Hệ quả là lớp học chị em cả trò lẫn thầy đều trong trạng thái lơ ma lơ mơ. Tôi cố căng mắt và tìm ra trò để kéo bọn trẻ con ra khỏi cơn buồn ngủ.

Các bạn trẻ được mời coi hình quảng cáo. Đứa đầu tiên phán, đây hẳn là mấy lon nước ngọt; cô này hẳn đang làm một cái rì-viu. Đứa thứ hai tinh hơn, ơ hình ở lon nước chính là của cô ấy này. Chắc cô ấy đang khoe mọi người là mình vớ được hợp đồng quảng cáo này. Sang đứa thứ ba, đây là bia và đây là quảng cáo. Đến đứa thứ n, hình như đây là một cô chuyển giới. Sau đó là nhao nhao chợ vỡ, đứa bảo đúng vậy, đứa bảo không.

Tôi lại hỏi, nếu không ai nhắc vụ chuyển giới thì có nghĩ ra không, một nửa bảo có, một nửa bảo không. Chuyện này thực giống cái vụ bà con ngồi coi thời sự nghe thông báo hôm nay ô nhiễm chạm đỉnh thì ngay lập tức, sao mà tôi khó thở.

Tôi kể qua loa cho bọn trẻ con về vụ mấy ngài macho bắn bùm bùm vào lon bia có in hình quý cô kia. Có vẻ như các bạn nhỏ nhà mình không ý thức lắm về mức độ "nghiêm trọng" của câu chuyện. 

Dù thế nào, hình như chúng đã qua cơn buồn ngủ đầu sáng :-)

(2)

Trên đường chạy xe máy đến lớp học, tôi phải dừng mấy bận dọc [đường] Láng đợi đèn đỏ chuyển sang đèn xanh.

Chính vì nhân đợi chờ đó mà tôi chú ý tới tấm quảng cáo lớn cho một sản phẩm mới của nhãn bia yêu thích của bạn đánh chén.

Tôi nghĩ mãi về "thông điệp" của quảng cáo này, về ý đồ của người đặt hàng và người sáng tạo [ra] nó. Và dứt khoát không hiểu.

Đối với tôi, đó là một khuôn mặt không/phi-giới tính, cao ngạo chẳng ra cao ngạo, trầm tư chẳng ra trầm tư. Túm lại là khó hiểu. Hỏi ý kiến một cô em, nó bảo dzởm đời!

Cuối ngày đợi thang máy lên nhà căn hộ, tôi nhìn thấy clip quảng cáo đúng sản phẩm bia này thì quay sang chỉ cho bạn đồng hành. Ông này chuyên bia xanh Tiger, nhìn xong thì phán câu, xứ tui người ta hay nói don't mess with succes.

Tôi thì nghĩ, hẳn bia này hướng tới các bạn trẻ đô thị sành điệu đi :-)


từ quy nhơn: bánh canh và chả cá

(1)

Mạng nhện quả là hay. Nhờ nó mà TL khám phá ra một địa chỉ mua thực phẩm từ Quy Nhơn.

Chả cá thu rất ngon. Trừ điểm trừ duy nhất: sao mà nó ngọt.

Bánh canh tươi cấp đông, nhìn qua sợi mảnh và nhỏ, chẳng có gì chung với các sợi bánh canh cỡ mỳ Udon chúng tôi quen thấy.

bánh canh Quy Nhơn
sợi nhỏ, mỏng, dẹt
(2)

Bữa rồi TL nấu bánh canh sườn, nồi nước dùng ngon ơi là ngon nhưng sang vụ bún bánh thì thành bung bét. Chuyện là con em hỏi con chị, mình làm gì với bánh canh. Tôi dõng dạc, thi đun nước sôi rồi luộc, rồi trụng. Lúc sau cô em kêu toáng lên, sợi bánh vô nồi nước sôi xem ra nhão nhoét, dính nát vào nhau. 

Còn lại bịch sợi bánh, chúng tôi thông minh ra quyết định gọi điện hỏi chủ shop. Cô kia giải thích, nguyên nước dùng sôi thả sợi bánh vào là xong. Tôi đã làm thử, rất ngon. Phải tội nếu ai điệu đà cầu kỳ nhà có khách mà mời món này thì tốt nhất là tránh đụng bánh canh phong cách nhà làm từ Quy Nhơn :-)

(3)

Nhân gọi điện hỏi cách xử lý bánh canh, TL bảo cô bán hàng, chả cá nhà mình ngon lắm, phải mỗi tội ngọt. Cô kia trả lời, vì bọn em trong này quen ăn ngọt.

(4)

Tôi khoái chí mấy vụ chầm chậm khám phá đặc sản vùng miền xứ mình lắm. Có nhiều món, nhiều thứ do mình không biết chế biến mà thành hỏng, học được đúng cách rồi liền ngon, liền tốt. Lại có nhiều món, nhiều thứ do vấn đề khẩu vị khác biệt mà có thể thoạt tiên mình sẽ không quen, có khi còn là bài xích. Nhưng nếm náp, ăn chơi rồi thành yêu, thành thích. 

Bánh canh và chả cá Quy Nhơn đối với tôi, chúng tôi chính là vậy!

chả cá Quy Nhơn, bám càng là tương ớt Mường Khương
chả rất ngọt, tương rất cay

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

thủ công tháng tư: một cái bàn

bàn trên bàn - xưởng thợ trong nhà căn hộ
(1)

Cái bàn được gửi từ miền trong. Qua nhà Nhật Tin hay Nhật Tín gì đó.

Tôi có ấn tượng về dịch vụ sắc vàng nổi bật này là vì phải qua một cơ sở gần nhà căn hộ để gửi đi và nhận về giấy tờ liên quan đến toà lãnh sự ở Sài Gòn.

Ngày cái bàn tới nơi, tôi xuống nhà nhận đồ, nhìn thấy món đồ nằm ngửa tênh hênh một góc thùng xe thì đã có chút không hài lòng. Lại không hài lòng hơn khi cậu bé vận chuyển nói năng dễ thương bao nhiêu thì hành động lại lỗ-trí-thâm bấy nhiêu - cách nói khác của thô tháo, lỗ mãng. 

(2)

Vì tôi đã lải nhải đến cả đôi ba năm nay về cái sự không-mua-đồ-vật nên hồi quyết định đặt mua nó, hình như tôi đã phải cố bám vào cái cớ hết sức vớ vẩn là nhân nhận cái bằng sau cả mươi năm "đèn sách".

Rồi sau đó, hài hước hơn nữa là đối phó với bạn đời - một tay hoarder có số má nhưng lại luôn tự cho là mình đuổi theo sự tối giản - thì tôi ra sức gật gù khi được hỏi, cái bàn này hẳn là mang về Bắc Ninh đi.

(3)

Bàn được mang lên nhà căn hộ. Tôi khẩn trương tháo dỡ các lớp bọc.

Lại một sự không hài lòng vì cách tiệm đồ ở Nha Trang bao bọc sản phẩm xem ra thiếu nhiều phẩn cẩn thận và chu đáo.

Và vừa bực vừa chán lại vừa tức cười là khi mấy miếng carton được dỡ thì lộ ra thanh đỡ ngang cho cân bàn đã nứt gẫy, gần như là toác rời. 

(4)

Bực chút mau qua. Còn lại trong nhà căn hộ là tiếng cười.

Cái bàn này! Nhìn trong ảnh của bản tiệm so với đồ vật thật lù lù trước mắt, quả là có khoảng cách.

Thật khó để nói về vẻ đẹp hay sức hấp dẫn đặc biệt của món đồ gỗ cũ này. Nó giống như là vào một ngày đẹp trời của nhiều chục năm trước, có hai ông thợ quê xứ ta quyết định thử sức theo đuổi phong cách của thời đại ngài vua Lu-i nước Pháp qua sản phẩm cái bàn này. Việc được một nửa thì hai ông oải, thế là chuyển sang phương án mộc tự do, mộc sáng tạo. Kết quả là cái bàn có phần trên gợi nhắc một cái console kiểu cách như ở trong một căn hộ nào đó quận 16 của Paris, còn bốn cái chân thì chân phương của món gỗ trong cơ quan chính quyền địa phương nào đó [thời] thuộc địa. Lại chưa kể là qua thời gian, khuy đồng của ngăn kéo gẫy rụng nơi nao, ai đó dùng miếng thép uốn thay thế. Lại chưa kể nữa là chân bàn cũng là theo dòng lịch sử thì ọp ẹp, lại có kẻ nào đó sáng tạo thêm thắt phần trụ ngang gia cố đảm bảo độ chắc của cái bàn. 

(5)

TL chụp ảnh gửi cho bạn chủ tiệm. Bạn này tử tế nói chị tìm thợ sửa giùm rồi chi phí đâu em chịu.

Chúng tôi không đợi bất cứ sự bồi hoàn nào, đơn giản là để bạn rút kinh nghiệm mà thôi.

Xong vụ thông báo đó, hai chị em bắt đầu tính toán, hay là mang bàn về Bắc Ninh nhờ anh thợ mộc quen sửa giúp. Lúc đó, lão Tiên sinh ngăn lại, để đợt tới tui về Mỹ thì mang đồ nghề sang sửa bàn.

(6)

Tôi nghĩ ông lão nhà ta cao hứng, kiểu lên cơn đồng bóng thích sửa này chữa nọ thì nói vậy. Ai dè ông nghiêm túc thật. Ông mang kẹp, rồi keo, rồi gỗ từ Mỹ quốc xa lắc lơ sang Hà Nội để chữa ghế, sửa bàn trong nhà căn hộ thật.

Bàn đặt trên bàn. Một tấm rèm cũ được phủ lên bàn ăn to, còn bàn nứt gãy chân thì thượng lên bàn ăn. Thế là có địa bàn tác nghiệp cho bác thợ cả nhà mình.

Sau hơn nửa ngày, việc sửa chữa coi như hoàn thành. Chỗ thanh ngang đỡ chân bàn, hai vết gẫy nhỏ giờ nhìn kỹ thì phát hiện ra như là một vết gỗ rạn. Còn chỗ đứt gẫy trầm trọng hơn thì dấu vết để lại cũng rõ ràng hơn. 

Ông thợ tay mơ có vẻ không hài lòng. Tôi thì khoái chí lắm. Cứ phải thế mới tự nhiên. Rồi tôi đề nghị, hay là mình nhét quỳ vàng quỳ bạc vào chỗ nối, rồi nữa hay là mình sơn luôn cả cái bàn này. Lập tức có người can ngăn, ấy chớ ấy chớ, để cái bàn đẹp tự nhiên như nó là :-)

chờ keo nó khô

xong, không phải buộc dây chằng chịt nữa :-)

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

câu chuyện đồ vật: món nhỏ

Mỗi ngày một túi rác tái chế to bự được đưa ra khỏi nhà căn hộ. Nhưng xem ra thế vẫn chưa đủ. Cảm giác của tôi lúc này là bị bủa vây bởi đồ vật cùng một tý xíu mắc tội và xấu hổ là đã tự tạo ra đống lộn xộn đó.

Giờ thì sự chú ý của tôi ngoài những món tống vô cái túi rác tái chế to đùng còn là những món bé tý xíu. Và kha khá trong số chúng cuối cùng cũng đã đi thẳng ra túi rác, ouf!

Và nói chung thì đến giờ tôi vẫn còn ở trong tình trạng hết-thuốc-chữa :-)

tờ thực đơn gọi món này được giữ
vì là kỷ niệm về Ren nay đã đóng cửa
quán nhỏ họ hàng của nó tôi không đặc biệt thích

một trong bốn trái cà chua bi tự khô
được trồng hồi giãn cách ngoài hiên nhà căn hộ
mấy tuần nồm vừa rồi ba trái mốc, giờ bỏ hết

túi đồ cá nhân đi Sài Gòn tháng 8 năm trước
giờ mới lục ra để giữ, để bỏ
giấy ướt một cái hẳn đã khô
kem dưỡng, ống xông và cảm xuyên hương ô-kê-la
cặp tóc điệu mang theo đâu có dùng
và một đoạn ống hút chẳng rõ giữ làm chi

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

bỏ lỡ điều gì dưới phố

Tôi nhận thấy từ mấy năm nay, đời sống văn hoá của mình siêu nghèo nàn.

Chiều nay vào phố có việc, qua nhà hát to nhìn tấm biển này, hí ha hí hửng ơ cái vụ này hay. Nhìn gần, ơ xong hôm qua roài.

Giờ chúng tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về chương trình BSO hè này :-)

mở mắt gặp tay lừa

(1)

Hồi nhỏ, tôi hay nghe người lớn đùa nhau, ra ngõ gặp anh hùng. Lớn hơn chút, tôi lại nghe câu, ra ngõ đụng lưu manh. Câu nói sau này là trong bối cảnh nửa sau những năm 1990 của thế kỷ trước. Nền kinh tế mới có thể ngó lơ nhiều thân phận người, nhưng cũng đồng thời đem lại những cơ hội trên trời rơi xuống cho nhiều kẻ khác. Trong cơn bão của tiền tự nhiên đến, của chủ nghĩa tiêu dùng manh nha, khối người vì quá nghèo hoặc vì ăn chơi quá đà mà cạn kiệt tài chính, hoặc nữa là có tiền thì cho phép mình "bố thích thế đấy" [làm gì cũng được] mà trở thành lưu manh thời đổi mới.

Giờ tôi lại nghe câu ra ngõ gặp tay lừa. Vì lừa đảo có ở khắp mọi nơi.

Hôm nay, tôi gặp tình huống dở khóc dở cừa, gọi là mở mắt gặp tay lừa.

Còn đang buồn ngủ, nhận cuộc điện thoại số lạ với đầu số 059, con giời mắt nhắm mắt mở bắt máy. Tôi là... từ công an phường... đề nghị phối hợp điều tra... rằng thì là mà thời gian gần đây chị có nhận được hay tham gia...

Anh ơi, giờ lừa đảo nhiều lắm. Có gì tôi ra phường gặp anh nhé.

Vâng thế đề nghị chị ra phường.

(2)

Wow! So với ông cụ già ở Bắc Ninh, tôi xem ra còn may chán là chưa phải nghe chửi từ tay tự xưng công an với giọng điệu lúc đầu là đe doạ lúc sau là hậm hực kia.

Bố kể chuyện có thằng cha điện thoại đến nói ngân hàng gửi quà, đề nghị Bác thế này thế nọ. Ông cụ già thủng thẳng, tôi ở cạnh ngân hàng, để tôi ra trực tiếp. Thế là chưa kịp dập máy đã được nghe chửi.

(3)

Mà sáng nay tôi phản ứng được như thế là vì vừa tối qua nghe TL kể chuyện anh chàng [Đ]éo hiền kể trên phây về chuyện bị/được lừa đảo gọi điện đến thế nào, rằng anh chàng rỗi hơi thì phối hợp cùng bọn lừa đảo kia thế nào, rồi khi oải quá thì ngửa bài, rồi thì cãi chửi nhau chán quay sang hỏi thẳng thắn chúng mày lừa thành công tỷ lệ bao nhiêu.

Nghe nói cánh kia bảo chừng 7-8%.

(4)

Xã hội bất an, nhưng chúng ta có lựa chọn không? Câu trả lời đáng tiếc là không.

Và chúng ta tiếp tục sống, trong một tình huống nghịch lý. Một mặt, con người bình thường sinh ra và lớn lên trong lòng xã hội có thiên hướng là tin tưởng người khác. Mặt khác, con người bình thường chẳng may gặp kẻ xấu thì nguy cơ to là sẽ bị lừa lọc, mất mát vì cái niềm tin tự nhiên, thiện lương vốn có trong bản thân. 

Mà xã hội vận hành được phải dựa vào một trong những cơ sở là niềm tin. Thế giới này sẽ chẳng đáng sống khi chẳng còn chút mảy may niềm tin nơi con người.

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

một ngày: jusqu'ici, tout va bien

(1)

Đó là câu tôi đọc được trên lưng áo t-shirt đen của một cậu chàng cưỡi Dylan và đội mũ bảo hiểm đối phó cảnh sát giao thông giá dao động từ 30-60K bày bán trên vỉa hè Hà Nội.

Câu này tôi đọc được khi vừa rẽ sang đường Thanh Niên chỗ có đền to Quán Thánh. Trước khi đến đó, qua chỗ làm việc của chính phủ, tôi nhìn thấy và nghe thấy nhao nhao một đám người đỏ rực với biểu ngữ treo cả trước lẫn sau người. Không rõ họ tranh chấp vấn đề gì. Tôi đọc được chữ Bình Định. Mấy bước chân quá cái cổng to của toà nhà mới văn phòng chính phủ, bên chỗ vườn hoa có thêm vài người nữa, lần này là giăng biểu ngữ dài chừng đôi ba mét. Số người tố xem ra quá thiểu so với cả một đoàn thể thanh niên dáng chừng vẫn chưa tốt nghiệp trường an ninh. 

Tôi nghĩ, bỏ qua hết râu ria lý giải cùng bình luận kiểu nhân dân bị các thế lực thù địch phản động kích động này kia chi nọ, việc những thân phận người mang đầy vẻ lam lũ kéo nhau ra tận thủ đô hẳn cũng phải là do quá một giới hạn chịu đựng nào đó.

(2)

Tôi đi chợ An Nam. Lúc lấy xe máy, có ông bác điềm nhiên chỉnh chỗ để thuận tiện lấy xe của mình ra, bất chấp việc cái xe bị ông kê lại chắn luôn xe tôi đây. Lại một Dylan to đùng. 

Ông bác này có túi to khua chiêng gõ trống thông báo cả làng cả nước bố mày đây giàu đi Elite [Fitness]. Tôi nhìn ông bác đã thấy ngờ ngợ, sau lại thấy ông đón một bà thì tôi gần như chắc nịch, đây chân dung của nhà giàu mới nhờ bán đất và cho thuê nhà quanh khu Tứ Liên, Nghi Tàm. 

Chẳng có không khí chi của tuyệt vọng cùng phẫn nộ. Ở góc này của Xuân Diệu, mọi cái đều rất ổn, khi bạn có tiền.

(3)

Trước đó, tôi có bữa trưa thưởng thức đồ ăn chay với một cậu em đồng nghiệp. 

Tiệm tên An Lành, nho nhỏ xinh xinh trên đường Yên Lãng. Nói là tiệm ăn nhưng thực nó là một cái cửa hàng bán đồ chay được kê thêm hai cái bàn gấp cùng vài ghế đẩu nhựa. Mọi thứ nhìn cũ và không hẳn là quá sạch sẽ chi li, làm tôi nghĩ đến bếp nhà Bắc Ninh của Mẹ. 

Bạn nhỏ gọi sẵn đồ ăn, tôi đến chỉ việc ngồi tán gẫu và chờ món ra. Một bát có vẻ là bún riêu [chay] với các sợi bún gạo lứt mềm mượt làm tôi bồi hồi nhớ Mây Trắng. Chả nấm cùng một loại chả khác có tên rất Bụt viên-ngộ được chiên giòn ăn và chấm với hỗn hợp dấm mơ muối cùng tương ớt Mường Khương. Hai món chả trừ cái điểm trừ là dư dả vị dầu mỡ thì còn lại đối với tôi là rất ngon, rất vui vẻ. 

Ăn chay thế này xem ra thực ổn a :-)

(4)

Tôi có cuộc trò chuyện nhẹ nhõm và vui vẻ với cậu em này.

Như những gì tôi cảm nhận mơ hồ kể từ sau những trắc trở giấy tờ cùng dịch cúm Tàu, cái ao làng chữ nghĩa xem ra càng ngày càng trở thành ao tù nước đọng, bất chấp bao lớp sơn mang tên kiểm định chuẩn quốc tế, công bố ISI/SCOPUS và hàng tá các hội thảo quốc tế vàng đen trắng đỏ đủ màu làm nên một phường nhuộm. 

Phàm dân băm bổ nghiệp mưu sinh tự do hay mấy người thường làm công hưởng lương vui vui vẻ vẻ với hưởng thụ văn hoá là phim truyền hình phát trên VTV nếu có gì không hài lòng về xã hội thì cũng chỉ nhằm mấy anh ả công chức bậy bạ nơi cơ quan công quyền cấp cơ sở, xa hơn thì có khi là đám cán bộ to mới bị bắt trong vụ đăng kiểm, bay giải cứu hay vắc-xin COVID. Nói đến giáo dục, người ta cũng chỉ gào lên mấy chuyện bạo lực học đường, học phí cao, sách giáo khoa đắt đỏ hay cao hơn chút là mơ hồ xứ ta sao lắm ông bà thạc sĩ tiến sĩ. 

Nhưng những cái lệch lạc và xấu xí vi tế của hệ thống mang tên nghiên cứu và đào tạo bậc cao, thực chỉ có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Mà đã ở trong chăn rồi, bọn rận chữ nghĩa còn mải đánh quả công trình làm giàu để mua nhà, gửi con du học đế quốc cứ gọi là thi nhau hút máu béo múp míp chứ đâu mà phản tư phản tỉnh chi chi. Thế nên thằng nào bên ngoài chửi cứ chửi, các đại giáo sư các chuyên gia sắp trở thành đầu ngành cứ hung hăng thẳng tiến trong mớ bài vở chữ nghĩa đẳng cấp quốc gia quốc tế của mình.

Tôi nghe kể một lãnh đạo của mình có bài về thành tựu nhân quyền nước ta được đăng quốc tế không chỉ khoe khoang ầm ĩ trên "phây" nhà mà còn chu đáo ân cần in ra giấy gửi cho từ học trò tới đồng nghiệp để tham khảo. Cũng lãnh đạo-đồng nghiệp đó viết bài tụng ca thành tích chống dịch Việt Nam và ngạc nhiên thay, vào cái thời điểm bao vấn đề đã trở nên tung toé mà cái tạp chí chuẩn quốc tế nào đó vẫn cứ đăng bài. 

Những chuyện này tôi chẳng ngạc nhiên hay quá xúc động. Cái ao làng vẫn đẹp trong mắt ai. Và jusqu'ici, tout va bien với khối người!

* Quán chay thực dương An Lành, 153 Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Cô Hoa 0389544665/0981241169; Cô Huyền 0373681386
Món chay tại cửa hàng + đồ khô thực dưỡng + cỗ chay theo đặt hàng
chay An Lành: chả nấm cùng viên-ngộ

chay An Lành: ăn ngon nhưng hỏi ăn gì, em không rõ
hình như là bún riêu

chay An Lành: chấm trộn tương ớt Mường Khương và dấm mơ muối

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

bữa nay nhà núi có khách

Hồi trước trên đường lên núi chuyện chúng tôi thấy các con vật ven đường hay đang băng qua đường, từ hươu đến sóc, nhím rồi gà lôi thực rất đỗi quen thuộc. Về gấu, tôi chỉ duy nhất một lần thấy qua, gấu mẹ và gấu con thong thả đi bên một mép đường rừng. 

Nhà hàng xóm trên núi vì nuôi đủ con, trồng đủ cây nên được/bị gấu viếng thăm là chuyện cơm bữa. Lại nghe nói, ở dưới núi, chỗ cái siêu thị to của vùng, nhân dân đi chợ gặp và nghe mùi gấu là chuyện cũng hết sức bình thường.

Bữa nay ông chủ nhà ngồi ngó chơi nhà mình từ xa. Và phát hiện nhà núi có vị khách không mời. Tôi thấy sợ. Còn ông thì lo thời gian tới việc cho bọn chim ăn của ông bị ảnh hưởng. Vì nghe đâu các bạn gấu rất thích leo trèo khoắng sạch các khay hạt vốn dành cho lũ chim.

nhà núi cuối tháng 3/2023

gấu hiếm lạ, còn bạn này khách quen

không trứng gà, chẳng giò sống: một món chân giò nụ mị nhà làm

chân giò nhồi - nụ mị Mẹ làm cho con
không trứng gà, chẳng giò sống
Món này Mẹ làm cho con, gọi là quà quê vác về Hà Nội.

Hồi mới đi làm, khoa có cô cán bộ văn phòng gốc rễ là nhân viên nhà ăn/căng-tin của trường Tổng hợp cũ. Trường đại học khắc nhập khắc xuất, thăng trầm cải cách sắp xếp tới lui, ngày đẹp trời kia khối nhân viên tạp vụ trở thành thư ký văn phòng. Cô là nữ đầu bếp giỏi giang, lên khoa ngồi phòng ốc khang trang không dính mùi bếp núc, tay nghề của cô không vì thế mà mai một. Luôn có nhiều giảng viên đàn bà trong trường nhân dịp nhà có giỗ chạp hay đơn giản là nhà giàu nhờ làm vợ thủ trưởng đặt cô làm món này món nọ, trong đó có chân giò nhồi, hay còn gọi là chân giò nụ mị. Chuyện của gần ba mươi năm trước tôi vẫn nhớ. Nhớ nữa là ở thời điểm đó, không tính mấy món nguội của nhà Nguyên Sinh thì các lát chân giò nhồi cô cán bộ khoa làm đối với tôi thực là món đồ ăn vương giả :-)

Gần đây bà cụ già nhà mình vui tính, hay mần mấy món nhồi và cuốn. Ngày trước có tiết mục quen là thịt bò cuốn rồi kho/luộc. Còn giờ tất cả là về thịt heo, từ tai cuốn đến chân giò nhồi. 

Nụ mị U làm không cần giò sống, trứng gà liền bỏ qua, chỉ đơn thuần là thịt heo có nạc có giòn có béo được ôm ấp bởi mộc nhĩ và thơm thoảng vị tiêu - tôi mang mang có và không nấm hương, sau hỏi lại TL thì cô em nói không. Món được cuốn, buộc và cột bằng dây lạt, vô cùng chặt. Dao sắc thái lát mỏng, thịt thái đó vốn được ướp xíu mặn cứ thế ăn vã chơi chơi đối với người quen ăn lạt coi như hoàn hảo. Ai thích đậm đà thì thức chấm có thể phong phú, từ mắm cốt điểm vài lát ớt cay cùng chút vụn tiêu xay rối đến nước tương kèm ớt hiểm, hoặc có khi là bột gia vị vắt nước cốt chanh hay nước cốt quất. Không cần thức chấm mặn, món được ăn kèm kim chi [cải thảo] cũng thật hợp lý và hài hoà.

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

bắc ninh 16.4.2023

Sau hơn một tuần chập chờn thức đêm cày bản thảo, tôi kiệt sức. Người một khối nặng nề và hôi rình. Mắt khô và mỏi. Về đến nhà Bắc Ninh, con giời tự dưng lên cơn khó chịu cả mình mẩy lẫn tâm trạng. Thế là dở chứng, làu bàu kêu bếp bẩn chán rồi chuyển sang ra sức cọ kỳ khu vực bồn rửa. Mẹ già rón rén giải thích mấy hôm trời nồm lại việc nhiều, lau dọn không xuể. Tối về nhà Hà Nội rồi tôi nghĩ lại thấy mình láo loét và vớ vẩn hết sức.

Từ nhiều tháng Bố nói về chuyện đặt ghế gỗ cho ông con rể. Bạn đánh chén của tôi đã hơn một lần tưởng ngã tòm khỏi cái ghế nhựa, cả nhà cứ gọi là sợ xanh mắt mèo. Hai cái ghế thoải mái rộng cho ông cụ già người nhỏ nhưng sang nhân vật chính thì xem ra là bé hạt tiêu. Còn Mẹ thì bảo, không đủ rộng để chống tay khi đứng dậy. Bà cụ bị khớp nên mỗi hành động đứng ngồi đều phải từ tốn và chú ý hơn người bình thường. Dù thế nào, ghế gỗ vẫn tốt hơn ghế nhựa. Mà hay nhá, trừ phần mặt ghế gỗ gì không rõ, còn lại là lim. Nó nặng, chỉ nhấc lên để dịch chuyển một hai bước chân thôi cũng đủ mệt. Ông cụ già vui tính nói, chắc bền lắm, được bảo hành cỡ bảy tám chục năm. Úi dzà, có ai thọ được đến cỡ ấy để mà xác thực độ bền của đôi ghế này!

Mấy hôm trời dở hơi ẩm ướt vừa rồi, theo lời Mẹ kể thì ở quê tệ hơn ở phố. Nhà căn hộ dù gì cũng ở cao nên cảm giác ẩm ướt không quá mức như dưới tầng thấp. Mà nhà quê của Bố Mẹ lại liền lạc nhà ra sân, sân ra vườn. Thế nên có chuyện ông cụ già lọ mọ đi ra đi vô làm bẩn nhà, bà cụ già lui cui lau chùi tới lui đến lúc mệt quá thì cáu. Mà bà cáu với ông, một người mắt kém tai nặng, thì chẳng có tác dụng chi. Tôi cố gắng nhìn chuyện này ở khía cạnh tích cực, làu bàu cũng là một hoạt động mang tính vận-động ở người già :-)

Tôi nhận được nhiều lời chúc mừng hôm nay. Xúc động nhất là từ sớm HĐ nhắn tin nói L nhắn tin nhắc HĐ về ngày đặc biệt hôm nay của tôi. Tôi luôn muốn có ngày gặp lại cô em. Tôi tin vào sự tồn tại của những tình cảm vô tư giữa người với người. Với L tôi yêu quý và tin rằng mình cũng được yêu quý lại theo một cách thật thà và tự nhiên. 

Tôi đã hòm hòm trả nợ bài vở. Còn nợ một lá thư hồi đáp bạn nhỏ nhảy dù vào lớp học chị em của tôi mùa trước. Cô bé đó đặc biệt, rất thích đặt vấn đề thảo luận về mấy món lý thuyết nữ quyền mang màu sang chảnh và nhắc toàn những cái tên to. Có bữa tôi nghe đến tên của Jung xong thì cười phá lên, đảm bảo là khi Em hỏi tất cả các bạn trong lớp thì họ sẽ hỏi lại Jung là ai, và tệ hơn có thể là Jung là cái quái gì. Bạn nhỏ này đang học bậc cao ở Ewha và có vài tiết mục bài vở khá thú vị. Tôi đọc thư của cô bé và nghĩ, thật tuyệt khi được đi học!

Sau ác mộng luận án, tôi không nghĩ đến việc đi học trường lớp nữa. Nhưng một sinh ngữ mới, một kỹ thuật thủ công... thì tại sao không. Cho một hành trình mới, trong các gạch đầu dòng việc làm đầu tiên của tôi hẳn sẽ có việc đi học a :-)

cây chính trong vườn mùa này

lạ lắm, chanh kaffir lime Thái lìa đời từ đời tám hoánh
mà chanh vàng hàng xóm vẫn vương vấn hương vị bạn kia

mỗi lần nhìn khóm trúc lại có chút bực mình, bực người
cái tiệm tên đẹp trên đường Hoàng Hoa Thám kia thật là bất thiện
còn mình thì ngu ngốc với ví tiền

mẫu đơn trắng khoe hoa với mẫu đơn đỏ bên cạnh

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

thạch quế hoa, quế hoa cao

quà từ Quế Lâm: tất cả là về hoa mộc - quế hoa
Có lẽ vì không xem phim cung đấu sản phẩm công nghiệp giải trí nước Tàu nên tôi không biết quế hoa, quế hoa cao là gì. Cứ chữ quế vào tai tôi tức thì làm nảy liên tưởng về quế chi.

Mãi gần đây, khi bạn nhỏ quê Quế Lâm về Bắc Ninh chơi nhìn hai cây mộc to trước cửa nhà gọi tên hoa quế thì tôi giật mình. Giật mình xong thì đến giải ngố. À quế đây lại là mộc.

Bạn khách bảo, khi nào em về quê chơi sẽ mang lại Hà Nội đặc sản quê em để các chị biết thế nào là bánh quế hoa.

Giờ tôi biết hai loại bánh: thạch quế hoa và bánh đậu quế hoa. À cả hoa mộc phơi khô để hãm trà hay ngâm tẩm mật ong nữa. 

Bánh đậu tôi không ham lắm, vì vốn bánh đậu xanh nhà mình tôi xưa nay chẳng thích chi đặc biệt. Nhưng những thanh thạch quế kia, úi chà ngon. Chỉ trong hai ngày đi ra đi vô nhón tay rồi bóc vỏ cho vào miệng chem chép, tôi đã xử lý gọn gàng một hộp bánh.

Có đứa ăn tham trèo lên mạng nhện ngó nghiêng. À, đây nhé ngồi rung đùi ở Hà Nội mình vẫn có thể đặt mua bạn bánh thạch này. Mà đã có hoa mộc khô, đã có câu kỳ tử, có khi tôi còn tính được cả chuyện tự mình làm chơi món thạch quế hoa-câu kỳ tử nữa chẳng biết chừng :-)

vẻ đẹp của sự không hoàn hảo

trà son phấn Geisha của Palais de thé
túi lọc Nhật, bình thuỷ Tàu vứt bỏ nắp và cốc lọc
cốc gốm Amai méo hữu tình
khay đồng đục lỗ hình chim/cá mới tậu
hoàn hảo bữa trà tại gia đầu chiều ngày mưa ẩm
Những món đồ đồng chúng tôi mua của YNot hay tiệm Cô Lan chợ Hàng Da đều có dính líu trực tiếp hay gián tiếp tới làng nghề Đại Bái hay làng gia công cách đó không xa. Còn các món đồng tôi mua ở tiệm quen phố Hàng Đồng thì có chút khác, hàng thô tháo, mộc mạc, kém chau chuốt rất nhiều so với ở hai chỗ kia.

Trời mưa ẩm ướt, tôi đưa bạn đánh chén đi ăn phở bò phố Hàng Đồng theo yêu cầu của ông lão. Xong bữa thì theo thói có màn giơ tay chào hỏi tiệm đồng bên cạnh. 

Tôi ngó thấy có cái khay có vẻ như còn chờ tiếp tục hoàn thiện nhưng đã kịp đem ra sử dụng vì có mấy vệt nhìn như dấu nước chè. Tiện hỏi giá. Tiện hỏi chơi, bác có bán không. Một cú điện thoại của ông chủ hỏi ông con. Chốt!

Ông chủ bảo, cái này là do cậu con trai ngồi gõ. Rồi ông chỉ mấy chỗ đục lỗ, đây là hình con chim/cá. Tôi kém cả óc tưởng tượng lẫn sự tinh tế nên chỉ thấy rặt mấy cái lỗ nhìn đều, giống nhau,

Đây có lẽ là cái khay kém mộc mạc, kém phần hoàn hảo nhất mà tôi đã từng nhìn thấy.. 

Ơ nhưng mà hay. Đôi khi chính mấy sự thô tháo và kém hoàn hảo lại tựu thành một vẻ đẹp riêng a :-)

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

những trái mọng này: golden berries

golden berries: quả lồng đèn / thù lù / tầm bóp
Tên tiếng Việt của loại quả này thật phong phú: quả lồng đèn, thù lù, tầm bóp.

Như nhiều loại cây trái được đưa vào Việt Nam, luôn có đủ loại tụng ca màu mè về các giá trị của nó. 

Bạn học bổng Chevening của TL sống ở Sài Gòn gọi điện hỏi địa chỉ nhà để gửi quả ra Hà Nội. TL bảo thôi, lích kích lắm. Cô em kia nói, quả ngồi máy bay, bay vèo cái đến nơi. Quả là mau tới nhà Hà Nội thật.

Tôi không rõ về hai cái tên thù lù và tầm bóp, nhưng liên hệ hình ảnh thì quả lồng đèn xem chừng có lý. 

Quả chua chua ngọt ngọt khó tả, nhắc nhớ một vị gì đó tôi đã từng biết khi còn bé. Có lẽ là một loại quả mọng nhỏ ở bờ rào mà bọn trẻ con ngoặc tay hái và chem chép nhai những ngày hè. 

Nhìn quả, tôi nhớ mang mang thấy chúng ở mấy siêu thị bên Mỹ. Nhưng khi chỉ cho bạn đánh chén thì ông lão chắc nịch, đây là lần đầu tiên nghe nói tới.

bún cá vược dọc mùng: dịu chua dịu ngọt ôm ấp thơm rau răm

pha trộn tùm lum các bếp vùng miền :-)
bún cá vược nấu với dọc mùng, ngọt và chua dịu
thoảng nhìn lại tưởng món Bắc cá quả rau cần nương vị rau răm
(1)

Mùa hè nhiều năm trước, nhân một chuyến đi cùng cơ quan mang tên "thực tế" này kia chi nọ, tôi thấy mình dư thừa thời gian trong thành phố khi không tham gia mấy tiết mục tắm biển và tắm bùn. Khách sạn nhà nước ở ngay giữa đường Trần Phú, tiện lợi vô vàn cho các dịch vụ liền kề. Con giời thuê một cái xe máy và chạy tè tè vô đích hướng.

Chính nhờ vậy mà tôi gặp một gánh bún cá biển trên vỉa hè một con phố nhỏ. Cô chủ không hẳn là bán rong, hình như có một ô con con cửa nhà, nhưng gánh bún và nồi nước dùng sôi lập bập thì thòi ra hè. Bà con ăn bún cũng là ngồi ghế thấp ngay trên vỉa hè.

Tôi nhớ tô bún đó lắm. Ngọt tươi vị cá. Có miếng chả cá. Có miếng cá viên. Lại có cả cá luộc gỡ miếng lớn. Áng chừng cũng phải bốn năm loại khác nhau. Rau gia vị nếu tôi nhớ chính xác thì chỉ là hành xanh thái nhỏ. 

Nước canh bún đó chua rất dịu. Và đặc biệt là nó chẳng tanh. TL nghe tôi kể chuyện sau này thì giải thích, một trong những nguyên nhân to là cá biển đó tươi nấu liền thì vị của biển cả sẽ là dịu nhẹ chứ không phải nồng đậm đến mức khó chịu.

(2)

Tôi lại nhớ đã từng nấu món bún cá biển đôi ba lần gì đó ở nhà cũ Hà Nội.

Đó là khi tôi còn có thói quen hàng tuần đi chợ ở siêu thị Unimart trên phố Phạm Ngọc Thạch, nơi tôi có thể khều tay nhặt liền mấy khay cá biển chế biến sẵn.

Bún mình tự nấu ngon nhưng cứ có cảm giác thiếu vắng gì đó. Sau tôi bảo, à vị tươi mới của biển.

(3)

Hôm rồi TL đặt mua cá vược.

Hai chị em hỏi nhau làm gì. Sau quyết định bún cá.

TL làm món, tôi chẳng giúp được gì, chỉ ngồi chực ăn.

Bát bún mang ra bàn có kèm dọc mùng, có sắc đỏ của cà chua, và xanh điểm xuyết thơm thơm hăng hăng của răm và hành lá. Thịt cá lóc miếng xào thơm vị hành hương, chắc và ngon.

Tôi thích lắm. Nhưng lúc TL khoa thành tích với Mẹ thì bà cụ già thắc mắc sao lại là rau răm.

Ừ nhỉ! Đây đâu phải là bún cá quả rau cần đi kèm nhà răm. 

Ơ nhưng mà dọc mùng cá vược rau răm dịu chua dịu ngọt một tô bún, vẫn cứ tính là hài hoà và ngon a :-)

(4)

Bún cá này ăn với thức chấm gì?

Cực kỳ đơn giản.

Mắm cốt ngon, ớt cay xé lưỡi, xíu tiêu. Đơn giản thế thôi!

tháng tư lạ lẫm trời mù

cây bên kệ hiên không phải là phơi sương mà là hứng mù
Phải đến gần hai tuần rồi, Hà Nội ẩm ướt và mờ ảo. 

Mọi thứ cứ gọi là ướt nhép. 

Có món giỏ đan tôi mua ở tiệm trên đường Tô Ngọc Vân hai năm trước, khi đó anh chủ chắc nịch, khả năng bị mốc là cực thấp. Giờ có hẳn một vệt lên mốc trắng. 

Sàn bếp lát gạch bông, ướt nhép.

Mặt bếp bằng đá, cũng ướt nhép.

Mà khi tiết trời không tốt thì tâm trạng chực tồi. 

Tôi nhớ tháng Tư của nắng, của gió nhẹ, của hoa loa kèn, và man mác buồn trong lời thơ của Olga Bergon.

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

tháng tư: đồ vật

Thời gian này, tôi có vài suy nghĩ kha khá rõ và ít nhiều nghiêm túc về đồ vật, xung quanh đồ vật. Về việc trong tôi đã khởi các dục vọng chiếm hữu chúng như thế nào. Về việc có chúng rồi thì tôi đã đối xử bất thiện với chúng ra sao, tỷ như trong nhà giờ có rất nhiều sách chưa được đọc, nhiều đồ vải chưa khoác lên người, nhiều giày dép tính ra chỉ được xỏ chân một đôi lần... Rồi cả việc tôi đã tính đếm chuyện rời xa, buông bỏ chúng nhưng chẳng bao giờ hành động, để nguyên ý tưởng đó ở trạng thái việc chờ làm vô thời hạn.

Mấy tuần rồi, tôi thấy mình có chút "chật vật" ở tư cách một động-vật-tiêu-dùng. Đó là cứ phải tâm tâm niệm niệm, không mua, xài đồ mình có.

Đàn bà khác mong cầu bộ trang sức kim cương nửa tỷ đồng tiền, hay ít ra cũng là phiếu xì-pa đôi trăm triệu với hứa hẹn to đùng da căng mọng tràn ngập sức sống của thiếu nữ chưa chạm tuổi đôi mươi. Tôi đây lơ ma lơ mơ tính toán có nên mua thêm một cái chậu trồng cây, có nên hào phóng tự tặng mình một ấm trà, có nên đặt làm một tấm rèm nhuộm chàm. 

Đúng ngày Cá nói dối, tôi dẹp bỏ hết mọi kỷ luật tinh thần. Đầu tiên là đưa TL đi Indigo để đặt đồ nhưng khi rời cửa tiệm thì người vung tay chi tiền mua và đặt đồ cho bản thân hoá lại là tôi. Sau nữa tiện đường Đội Cấn thì chị em rủ nhau ghé coi Tâm Trà, rón ra rón rén rời tiệm với hơn một cái ấm, và tất nhiên là trước đó phải chi một khoản tiền. 

Trong tuần nhân đi chợ An Nam thì theo thói con giời tạt qua Daiso ngó nghiêng. Nghe cô quản lý bảo, bọn em sắp đóng cửa, chị tranh thủ cần gì thì mua đi. Tôi đây chẳng cần gì, thế mà rời đi lại một túi lớn mang theo người và là ngoài kế hoạch.

May mắn là sau đó có đứa dở hơi tự vấn. Thế là xì-tốp thật. 

Chốt lại, tôi phi thường nghiêm túc tự hứa với mình, không-mua-đồ-vật!

Tâm Trà - rón rén một ấm hai chén một khay

gửi tấm hình cho TA
bạn tinh tế: đây là từ Cô H (?)

còn ai nhớ Yến Trang đầu phố Tràng Thi
đã có lúc tôi thật là ngay ngắn :-)

góc học tập mới tầng trên
treo các món đồ để khỏi phải tính vứt bỏ phải tội

cây chì này mua ở Daiso trước khi tiệm đóng cửa

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

cải xanh canh nấm

cải xanh và nấm với nền nước dùng xương ninh
Cải xanh một lèo phong phú từ cải ngọt qua cải cay. Tôi chẳng biết gọi chính xác tên rau cải đó là gì, đại khái là không quá cay, nhưng cũng chẳng phải lèo phèo chi cải ngọt. 

Nấm đậm đà có nấm rơm, nhưng bạn này khó tìm. Ở nhà cũ Hà Nội, tôi quen một chị trong chợ tiểu khu, nấm rơm mua chỗ đó ngon. Sang nhà căn hộ, đi chợ thấy nấm rơm nhưng cảm giác ghê ghê không dám nhặt. 

Nấm vô duyên có kim châm. Bạn này tôi tuyệt đối không thích. Trừ một món là bacon bao nấm kim châm nướng tôi làm tôi vui vẻ, và thêm nữa là khi đi ăn bên ngoài không có lựa chọn thì tôi xơi. Còn bảo mua về nấu món, cực kỳ hiếm.

Nấm sò nấu rau cải cũng được, mấy bạn nấm nâu, nấm hải sản cũng ô-kê-la. Nấm hương tươi có đặc điểm, chỗ này giống nấm rơm là đậm vị đặc trưng/chuyên biệt khiến vài người có thể không thích, là hương vị nấm chiếm vị trí thượng phong, làm lu mờ các lá cải xanh cùng ngọt rau trong tô canh.

Shiitake, mà nhiều người đồng nhất với nấm hương, hương vị không quá mạnh như nấm hương tươi mà lại đỡ nhợt nhạt trung tính như nấm nâu, làm bạn với cải xanh xem ra ổn. Nấm đùi gà xem ra là thích hợp hơn cả nếu được thái lát hay sợi vừa đủ độ mỏng mịn, đảm bảo phần nấm có ngọt giòn vừa vặn ôm ấp các cọng cải ngọt mềm. 

Canh nấm có nước dùng làm nền xuất xứ canh xương heo ninh, nước xuýt [luộc] gà ngon khỏi phải nói. Mà ai thích hay do hoàn cảnh bếp nhà, đây nhà cháu thuần chay cũng rất chi là ổn.

Canh nấm và cải xanh có thể thiếu ngọt của hành hương, khi bạn này có mặt trong nước dùng, nhưng cố gắng không vắng mặt nhà gừng. Gừng nguyên miếng nhỏ đập dập, gừng thái sợi chỉ mịn, gừng bằm vụn, thế nào cũng được. Ai thích gừng thơm, gừng gắt thì cho nhiều. Ai thích thoang thoảng gọi là thì cho ít. Mà gừng cho vô nồi canh vào thời điểm nào tưởng là chuyện vặt vãnh cũng lại có thể hoá thành chuyện to. Gừng thả vô nồi canh ở phút cuối, thường là bằm thật mịn, đảm bảo cho hương thơm và cay tươi mới, mau đến mau đi nơi các nụ vị giác đầu lưỡi kẻ ăn. Còn gừng, thường là thái chỉ hay đập dập nguyên miếng, được cho ngay từ khi nước dùng chờ đun sôi để đón tiếp cải và nấm, thì vị thơm và cay sẽ đằm, sẽ sâu, lưu luyến trong khoang miệng suốt cả bữa ăn. 

Nấu canh chay lấy mặn là muối, hoặc đại khái thì là bột canh/bột gia vị - nhưng bạn này có mì chính và đường, có thể người kỹ tính không chuộng. Gia vị thêm thắt độ mặn, độ ngọt - lần này không dứt khoát là đáp ứng yêu cầu chay - có thể là xíu bột nêm, kiểu bột nêm gà, bột nêm cá, bột nêm nấm, bột nêm rau củ. 

Canh này tuyệt đối không cho nước mắm vì sẽ bị gắt. Còn ai thích thì một hai giọt nước tương lạt hẳn không sao đi. Trong bếp nhà chúng tôi, cứ bột gia vị và ỷ chút bột rong biển thế là tô canh nấu từ nước lã - đảm bảo thuần chay nhá - đã đủ ngọt, ngon rồi!

Đại loại là thế, câu chuyện về cặp đôi đồng hành cải xanh canh nấm :-)

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

đất nước nợ các cô lời xin lỗi, tôi đây gửi lời cám ơn

Ngó thời sự xứ mình, tôi nghĩ nên mang một trong ba thái độ: hoặc rất ngu, kiểu đài trung ương đã nói [thì đúng là vậy, không cần phải thắc mắc hay suy nghĩ thêm thắt chi]; hoặc cố tình hồ đồ, kiểu hi hi ha ha nghe xong một chuyện thì thế á rồi vứt nó ra sau gáy; và hoặc nữa là phải có máu lạnh, kiểu kệ mịa thiên hạ nói gì bố đây cóc quan tâm. Còn loại người lừng khừng giữa các chân-giá-trị hay mắc cái thói bao-đồng chuyện gì cũng muốn tham gia thảo luận thì sẽ rất mệt. Tỷ như vụ mấy cô tiếp viên xách mai-thúy, tôi thấy khối bà con lên cơn bức xúc ầm ầm khi nghe tin các cô mau được trả tự do, rồi lại một cơn bức xúc ầm ầm nữa khi có cô giời ơi đất hỡi nào bảo cả nước [Việt Nam] nợ mấy cô kia lời xin lỗi. 

Chẳng biết có đồng bào nào tính chuyện xin lỗi mấy cô tiếp viên hàng không "bị hàm oan" kia. Tôi thì không. Vì chuyện của các cô chẳng đáng để tôi bận tâm. Không có các cô, "chợ vẫn vui", [một bộ phận] người Việt [trẻ] vẫn hoặc phê quậy tưng bừng hoặc đờ đẫn đầu máy [não] hỏng do dùng thuốc quá liều một thời gian dài. 

Không xin lỗi các cô nhưng dứt khoát tôi long trọng cám ơn các cô. 

Tại sao?

Có vụ của các cô thì bỗng dưng khối dịch vụ ăn theo bị tê liệt.

Mà như vậy thì đối với trường hợp của tôi, điều này có nghĩa là các cơn đồng bóng quấy rầy đòi TA mua cái này cái nọ bị ngưng lại khi tôi dự phóng một tương lai gần là hàng đặt mua không thể cứ tự động cưỡi tàu bay về Hà Nội. 

Xem ra lần này, dự án stop-buying-things của tôi khởi đầu vô cùng thuận lợi a :-)))

phi thường nghiêm túc tự kiểm điểm :-)
nguồn ảnh: ở đây

đập hộp

TL và tôi đi làm khách nhà bạn của cô em. 

Có con nhóc sang tháng sẽ ăn sinh nhật tuổi lên 4. Nó lí lách liên hồi, đối với tôi đã là một điều gây ngạc nhiên. 

Ngạc nhiên hơn là khi nó mở hộp quà hình xăm và trang trí làm móng made-in-China thì nó quay sang giải thích cho chúng tôi, cháu [đây là] "đập hộp".

Tôi vốn biết mấy anh ả hót-gơn, hót-boi hay đám tự xưng và tự tin mình nổi tiếng trên mạng nhện hay có màn chim-lai [livestrem] đập hộp hàng hiệu thật và hàng hiệu dzỏm. Nhưng một con nhóc bé tý xíu cũng đập hộp như ai thì quả là choáng!

Mà hay nhá, con nhóc này có bạn hàng xóm kém nó đúng một ngày tuổi. Thằng bé kia giờ vẫn nói chưa rõ từ, câu cú thì quên đi cái chuyện hoàn chỉnh. Chưa kể là suốt ngày đòi bà bế. 

đập hộp

su hào xào cà chua

su hào xào cà chua - bếp trưởng M :-)
Su hào xào, món bày mâm cỗ hay cơm ăn hàng ngày khi Bố Mẹ còn chưa chuyển về Bắc Ninh thường là xào với rau gia vị chủ đạo là cần tây - hay chính xác là cần Tàu, tức cái giống cần thân nhỏ, một búi cây dài chừng hai ba chục xăng-ti-mét và vị rất đậm đà. Thức mặn kèm rau củ rất phong phú, từ nạc vai qua thăn bò tới bóng bì, hay có khi là mực khô xé. Ngoài cần lấy vị chính, còn có thể có mấy bạn rau củ khác đồng hành rất chi là vui vẻ: cà rốt, hành tây. À, mà không thể bỏ qua rau củ gia vị khác nữa làm dậy thơm dầu mỡ phục vụ món xào: hành hương, tỏi, gừng. Lại thêm một chữ à, tiểu tiết thêm vị thêm sắc còn có cả tiêu xay, hành lá xanh xắt nhỏ. Đại loại thế.

Và trong món su hào xào nhà làm, tôi không có mảy may ấn tượng về su hào xào cà chua. Và chính vì thế khi con bé hàng xóm cũ qua chơi đảm nhận nhiệm vụ xào su hào và đề xuất làm món với cà chua thì tôi ớ người một chút. Bắp cải xào cà chua tôi có ăn ở tiệm cơm bình dân, còn su hào xào cà chua, không một ý niệm.

Món xào ra bàn ăn. Các sợi rau củ giòn sần sật mà vẫn đảm bảo cái sự mọng mị, mềm và ngọt của rau củ. Su hào củ thau tháu như nắm tay thiếu nữ mua ở Đại Ngàn được thái sợi vừa theo ý. Cần bữa nay không có, chỉ có thể ỷ lại vào hành hương cùng hành lá. Cà chua ta cũng đi từ kệ rau của Đại Ngàn. Chỉ thế thôi là thành món.

Tôi hỏi khách-đầu bếp, xào cái nào trước. Đương nhiên là cà chua, nó trả lời. Rồi nó lòng thòng thêm mấy lời giải thích đầy màu tự-đắc, phải căn sao cho khéo để su hào không bị ướt (ra nước). Với tôi, cái này khó a. 

Vì thế món lần đầu ăn tôi thấy ngon và thích, nhưng sang chuyện có tự mình làm không, tôi thực không chắc. Vừa giòn vừa mềm, khó thay :-)