Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

đi nhà rừng 2023 (4)


(1)

Tôi biết tình trạng cái thân của mình nên trước chuyến đi liền tuyên bố, lần này tui không làm gì đâu nhá. Nói là vậy nhưng đến phút cuối, vẫn có kẻ tham việc, lọ mọ mang theo hai món dụng cụ cùng đôi găng tay làm vườn. Và đúng là vườn Nhật Bản cũng như vuông đất trồng cây phủ trước nhà đã được dọn bỏ không ít cỏ cây dại. 

Ở trên núi cả tuần dài, ngoài thời gian khò khè và thở than kêu đau nhức mỏi người, tôi đã kịp hoàn thiện bức ghép indigo mà ý tưởng làm nó có từ cách đây cả năm. Có một cuộc thảo luận nhỏ giữa một ông già và một bà già về việc có nên thêm hai hàng vải ghép nữa không, rồi sau đó là có miếng chàm mới rồi thì chúng ta làm gì với nó. Cho tới giờ, tôi vẫn nghĩ đến ô cửa sổ nhỏ của nhà vệ sinh ở nhà biển. Nhưng nghĩ là vậy, tôi biết mình lười, từ nghĩ tới làm chả biết dài ngắn thời gian ra sao a. 

(2)

Chúng tôi lên đỉnh núi chào hỏi hàng xóm và chia sẻ tin vui. Tức thì có một bữa trà chiều, sau đó tối muộn là đốt lửa nướng kẹo marshmallow. Kẹo nướng vừa vặn sém bề mặt, chực tan chảy thì được kẹp mau tay giữa hai tầng bánh quy cùng một mảnh chocolat. Chúng tôi cứ vậy mà có một buổi tối vui vẻ với hai nhân vật được chúc mừng, tôi và bạn nhỏ Jack. 

Ba năm trước khi tôi gặp cậu bé này, nó gầy như một cái que, không đi trường mà là học tại gia. Sau đó chút thời gian, đúng vào giữa mùa đông giá, tôi cực kỳ ấn tượng khi nhìn thấy Jack cùng một cậu bạn, hai đứa thân trần cõng bao nặng trĩu gò lưng trèo dốc đường rừng. Lão Tiên sinh dừng xe trêu, có muốn tui đưa về không thì hai bạn nhỏ từ chối và giải thích đang luyện tập. Hoá ra chúng muốn nhập ngũ, và tự thiết lập một chế độ rèn luyện riêng.

Hai năm qua tôi thi thoảng nghe kể chuyện về bạn nhỏ này, rằng cậu đã kịp nhập ngũ, đã ở Syria, đã về lại Mỹ, và có ý định sống đời binh nghiệp. Lên trên núi đốt lửa, tôi nhìn thấy một anh Jack to con, nếu không nói là có chút phục phịch. Cậu chàng cười phớ lớ đưa tay ra bắt, hỏi thăm hỏi nom rất chi là người lớn. Hỏi đợt tới được điều đi đâu, bạn nhỏ mơ hồ có thể là quay lại Syria, có thể là ở đâu đó Châu Phi, và cũng có thể là về California hoặc Texas. Tôi nghe nhiều chuyện người "thiểu số" ở xứ này đăng ký đi lính vì lý do tài chính. Với chàng thanh niên trước mặt, tôi không nghĩ vậy. Nó giống như một lựa chọn vì yêu thích, cũng như cô em gái Roe của cậu giờ đang muốn trở thành thợ đóng móng ngựa chuyên nghiệp vậy.

cà chua khai cuộc vườn rau trên núi
Roe giờ chừng 15-16 tuổi, đã sở hữu ba cái máy, tiền riêng hẳn tích kha khá vì rất chịu khó giúp việc cho mấy nhà-nông-tay-chơi xung quanh, rồi chưa kể là còn làm đầu bếp một tuần một hai buổi gì đó cho quán Mễ dưới trấn. Cô nàng đi học cưỡi ngựa nhưng không có tý vẻ gì của các quý-tiểu-thư thành phố. Nếu không tính mái tóc dài thì tôi sẽ nghĩ nó là một cậu chàng. Và "cậu chàng" này giờ đã thành thục dùng máy cắt cỏ khổng lồ. Tất nhiên là nếu phải làm việc ở một cánh đồng xa thì bao giờ cũng có ông bố chạy xe tháp tùng. 

(3)

Giữa hai chuyến đi nhà rừng lần trước và lần này của chúng tôi, bác thợ cả Joe đã hoàn thành công việc lắp giá đẩy cho tủ bếp. Điều này hứa hẹn rằng thì tôi sẽ bớt cơ hội "lên cơn" bất chợt than phiền bếp nhỏ, kệ giá khó xếp đồ. Tủ bếp giờ rất tiện lợi, nhưng tôi mệt và lười nên mới chỉ lau dọn qua quýt gọi là. Kế hoạch sắp xếp ngay ngắn và sạch sẽ các dụng cụ nhà bếp được dành cho chuyến đi kế tiếp. 

Công việc chính ở trên núi lần này dành cho vườn rau. Rào đã được dựng gần xong. Đất đặt mua nhưng bà con còn mải nghỉ lễ Độc lập nên cứ hẹn tới hẹn lui cuối cùng hoá thành thôi thì sau vậy. Ông chủ nhà tham lam tiếp tục hỏi xin manure cocktail, ông hàng xóm drone bảo đương nhiên nhưng kèm với lời ghi chú tuần này tui bận. Vậy nên bổ sung đất trồng lẫn phân bón đều được xếp vào mục các đầu việc cho lần lên núi tới.

Dù vườn rau nhà rừng chưa hẳn đã hoàn thiện, ông chủ nhà đã kịp trồng mấy gốc cà chua, lại nữa là phía ngoài bờ rào ông còn trồng thêm mấy cây phúc bồn tử vốn là được đánh gốc từ vườn của ông cha hàng xóm dưới thành phố biển. 

Tôi ốm đau lụ khụ nhưng cũng kịp trồng một chậu rau răm và tãi phủ vụn gỗ cho mặt vườn Nhật Bản. Cái bao gỗ vụn to đùng thế mà khi đem ra phủ vườn vẫn tính là thiếu. Nhà hàng xóm dưới chân núi thuộc phần đất New York đợt rồi cưa cây cổ thụ bày ra một đống vụn gỗ bên con lạch. Chúng tôi thậm chí nghĩ tới chuyện dừng xe hỏi xin. Việc này nếu có làm cũng tính là cho lần đi Massachusetts tới a.   

(4)

Ba bốn năm qua, tôi chứng kiến bạn đời "đổ tiền" vào nhà rừng, vừa là choáng ngợp vừa là sốt ruột. Sau rồi tôi tự nhủ, cóc phải tiền của tui nên cảm giác còn lại và thường trực chỉ là wow, khiếp quá

Hẳn thấy thái độ của tôi, ông lão nhà ta không ít dịp giải thích, đây là tiền từ ông chú, từ bà mẹ, từ bán gỗ... túm lại là không phải tiền ông móc từ trong túi. Rồi nữa là ông đưa ra món "bánh vẽ", nhà hoàn thiện thì mình có thể cho thuê cuối tuần, lấy nó nuôi nó. Úi chà, nghe thật hấp dẫn.

Tôi đã tin là vậy. Nhưng rồi dần dà tôi biết là mình nghe bạn đồng hành thì ngang với sờ đầu gối. Thôi, kệ. Ông muốn làm gì cũng được. Miễn là ông vui. Giống như tôi luyến tiếc cái xe máy mua từ tiền Bà Nội cho ngày trước, giống như tôi chuyển lên nhà căn hộ mà phải một thời gian dài mới có thể đi qua nhà cũ với cảm giác bình thường, nhà rừng đối với lão Tiên sinh hết mực đặc biệt. Vậy thì cứ để mọi chuyện là vậy đi!

Nhà không có vẻ gì sẽ đón chào người lạ, nhưng bằng hữu thì rất được welcome, và ông chủ nhà luôn nhân những dịp này mà nhấn mạnh, để người quen đánh giá nhà cửa rồi mình có căn cứ hoàn thiện để sau này cho thuê. Lần này chúng tôi có khách dừng lại nghỉ một đêm. Ông khách chạy xe 13-14 giờ từ Michigan, nghỉ đêm ở Massachusetts trước khi tiếp tục hành trình chạy xe 3 tiếng đồng hồ về Connecticut. Chúng tôi chuẩn bị bữa tối nhẹ đãi khách, còn cho bữa sáng hôm sau thì khấp khởi, chúng ta sẽ đi Blue Berry Hill

Ai dè xuống núi thấy quán đóng cửa. Nhân dân vùng này rất hay, ngày 4 tháng Bảy mở cửa phục vụ khách, sau đó là "biến" cả tuần để nghỉ ngơi. Dân thành phố từ New York City hay Boston đi nghỉ ở vùng này vốn không ít người quen dừng ở Blue Berry Hill cho từ bữa sáng qua bữa trưa. Giờ thì sao, hết xe này đến xe khác táp vô, bà con mặt dài thuỗn, mười xe thì có tới tám chín xe mọi người mở cửa chạy vào tận cửa để ngó thật kỹ miếng giấy thông báo thời gian đóng cửa của bản tiệm. Tôi mới đầu thất vọng nhưng rất mau khi nhìn cảnh người tới người đi kia thì hoá thành phì cười.

Vị khách của chúng tôi như vậy là lên đường với cái bụng rỗng. Bù lại, ông bảo đã có bữa tối vui vẻ, đã ngủ một giấc ngon, điểm hiếu khách coi như trên trung bình đi :-)

(5)

Cũng chuyến đi lần này tôi khám phá ra sức mạnh của "bà tám" xóm núi. 

dâu trang trại quả to nhỏ không đều,
mềm mọng, và cực kỳ dễ nát
Chuyện là bạn đánh chén dừng xe ở The Berry Patch hỏi mua dâu tây. Trước đó tôi đã bảo ông, muốn mua phải đặt trên mạng, ông già bướng bỉnh, cứ thử xem. Y như rằng, bà chủ đang ở trong nhà kính nói không có quả sẵn. Tiện qua trại cây thì ông lão nhà ta cùng bà chủ tám bét nhè. Ông khoe tui đây cho nhà hàng xóm trên đỉnh núi cắt cỏ cho bò. Bà chủ trại cây tức thì bảo, thế thì ông nói họ nếu muốn liên lạc với chúng tôi. Bà có một cánh đồng to, tha hồ mà cắt và cuộn cỏ khô a. 

Từ đường to ngoặt sang đường nhỏ lên núi, chúng tôi gặp nhà hàng xóm. Bé Roe cưỡi máy cắt cỏ đi trước. Đằng sau là xe bán tải với hai vị phụ huynh và cô chị gái Mia. Ông lão nhà ta vội khoe chuyện bãi cỏ của bà chủ trại cây. Nhà hàng xóm cười phớ lớ. Cả làng đều vui!

(6)

Về đến nhà được chừng nửa giờ, có cú điện thoại gọi tới. Từ bà chủ The Berry Patch. Bà nói có dâu tây rồi, muốn mua qua lấy trước khi dâu được gửi đi cho khách đặt trước.

Thế là ông bạn đánh chén lon ton chạy liền ra xe, phóng một mạch xuống núi.

Để mua dâu tay đảm bảo lành và ngon thật thà, chứ không phải thứ quả chắc nịch và to khổng lồ bán ngoài siêu thị :-)

bee balme bụi cây đầu tiên cho hoa

thuê thợ thuyền ngồi rung đùi một tuần có vườn
tự mần, tuần này qua tuần khác vẫn chưa xong

nào trồng Indian corn cho vui mắt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét