chờ dọn dẹp sau bữa tối mời khách trà Thiết Quan Âm xuất xứ Phúc Kiến |
Tuần trước, chúng tôi có khách qua nghỉ đêm ở nhà trên núi. Bữa tối muộn được làm đơn giản. Tôi tính toán khách chạy xe đường dài đường xa mười mấy giờ đồng hồ, vậy nên cái sự ăn nên nhẹ chút.
Món chính cho bữa tối của mỗi người là một tô phở gà nhỏ mà lượng tính ra chỉ bằng một góc bát phở gà trên phố Hàng Đậu. Ngoài ra, trên bàn còn có thêm chút rau củ quả xào gần như là chay cùng một phần rau trộn. Ông khách và ông chủ [nhà] trong bữa ăn nói về comfort food. Đầu tiên là một trao đổi ngắn bên bàn ăn theo kiểu về một chủ đề trong hàng vạn chủ đề cái này tiếp nối cái kia mà người ta nói xong thì gần như là quên liền. Rồi rất mau hoá thành tranh luận, tranh cãi. Với vốn tiếng Anh vò mẻ của mình, lại cộng thêm cả cái thói chuyên suy luận liên hệ sặc mùi xỏ xiên của bản thân, tôi trịnh trọng kết luận, thôi thì mỗi người có một định nghĩa của riêng mình về comfort food đi.
Nói là đồ ăn thức uống nhắc nhớ tuổi ấu thơ hay một kỷ niệm xưa cũ, một thời xưa cũ, một người xưa cũ, ờ. Nói là đồ ăn thức uống tiện lợi, kiểu tạt xe gọi món thanh toán lấy đồ trong vỏn vẹn đôi ba phút rồi vừa lái xe vừa nhón khoai tây chiên, gà viên chiên, cũng ờ. Mà nói là thức ăn bổ dưỡng, lợi lạc cho sức khoẻ, làm cho cả thân tâm ý thoải mái, cũng ờ nốt.
Tôi lúc đó rất muốn hỏi hai ông ngồi trước mặt rằng thì là mà thế comfort food liệu có hàm ý an ủi, làm dịu bớt trạng thái âu lo, phiền muộn hay thậm chí là phẫn nộ hoặc buồn khổ không. Vấn đề là muốn hỏi thì phải nói, mà nói thì phải dùng tiếng người, mà cái món Anh ngữ của tôi thì đến phát âm còn chẳng xong, nói chi bày đặt câu chữ thành hàng thành lối chỉn chu. Thôi, bỏ!
(2)
Về nhà biển được hai hôm, tôi biết tin cô hàng xóm đối diện qua đời. Người báo tin là ông lão nhà ta.
Tôi thấy hai ông đứng ở bên kia đường, trước lối xe vào nhà hàng xóm. Ông hàng xóm thấy tôi thì giơ tay vẫy chào. Tôi cũng vẫy tay rối rít mà không biết là sau đó sẽ nghe tin buồn này.
Bạn đánh chén đề nghị, mình làm món Việt Nam mời hàng xóm nhá. Ông kể, ông hàng xóm và vợ có kế hoạch đi chơi Việt Nam mấy năm trước, đang hăm hở lên kế hoạch thì bùm, cúm Tàu. Sau đó là vấn đề sức khoẻ của cô vợ. Chuyện cứ tưởng được cải thiện sau khi thay ghép tim nhưng cuối cùng lại kết thúc buồn. Ông hàng xóm nói lo việc cho vợ xong sẽ đi Việt Nam như là thực hiện chuyến đi "tưởng niệm".
(3)
Tôi càng già-đi thì càng nhận ra mình "con gái giống Mẹ", mắc cái tính dễ lo lắng.
Tôi sợ khách không quen gia vị xứ mình, đặc biệt là nước mắm, thì rón ra rón rén làm món lạt. Nấu nồi nước phở thì cứ phơn phớt đường gia vị, nếm xíu nước dùng phải mất hồi lâu mới nhận ra hương ra vị của các bạn quế hồi thảo quả.
Bất ngờ là ông khách xơi tất và lạ là rất đúng kiểu cách người Việt. Chẳng cần nghe hướng dẫn hay giải thích chi, ông liền với tay lấy nước mắm cho chút vào tô phở, rồi chanh miếng bày sẵn vắt lấy nước cốt đâu ra đấy. Chỉ riêng tiết mục bánh bèo ông lần đầu làm quen thì mới hỏi ăn thế nào.
Hoá ra ở quê vợ ông, tiểu bang Minnesota, nơi có cộng đồng người Việt kha khá to và đương nhiên theo đó là tiệm quán Việt kha khá nhiều. Ông đặc biệt thích và rành món phở và bún bò Huế.
Xong màn ăn thì đến tiết mục uống. Tôi luôn có ấn tượng về người Mỹ bình thường không biết, không quen hoặc không thích uống trà xanh Á Châu, vốn bị/được coi là đậm và làm mất ngủ. Nhưng vì có hạt sen khô, có bánh quế Nhật, chả nhẽ lại nhâm nhi với cafe, thế nên chủ đãi khách vẫn là một ấm Thiết Quan Âm, được pha từ hộp trà bạn nhỏ Hồng Tâm tặng trước khi tôi quay lại Mỹ. Tôi lại được một phen kinh ngạc, bạn đánh chén của tôi chỉ nhấp miệng gọi là vì sợ mất ngủ, còn ông khách thì mấy lượt châm trà, rất chi là vui vẻ.
Khi ra về, ông cám ơn và nói bữa tối nay thực sự có tác dụng xoa dịu. Chúng tôi chào tạm biệt và nói, ông luôn được đón chào cho những lần khám phá món Việt mới.
(4)
Trong cuộc trò chuyện quanh bàn ăn tối ngoài hiên, chúng tôi không nói tới chủ đề comfort food hay sympathy meals.
Câu chuyện về cảm giác mất mát, về sự chịu đựng, về sự học làm quen với một sinh hoạt thường nhật mới khi không có bạn đời bên cạnh chiếm một phần lớn thời gian ăn tối và chuyện trò của chúng tôi.
Tôi nhận ra rằng lần này mình có dịp nhìn nhận những khía cạnh mới của những chuyện tưởng hết đỗi bình thường và do đó là khiến tôi chẳng quan tâm.
(5)
Sau bữa tối này, tôi không còn quá bận tâm tìm nghĩa đích xác của comfort food hay sympathy meals cùng đa dạng các ví dụ cũng như gợi ý mà người ta gán cho chúng.
Tôi nghĩ, câu chuyện đồ ăn thức uống ngoài chuyện thoả mãn nhu cầu sinh lý và đối với không ít trường hợp trong chúng ta là một dạng dục vọng/ham muốn nhất thời thuộc phạm trù tâm lý thì ở chiều kích xã hội của chúng, cốt lõi vẫn là quan hệ người người và những tình cảm giành cho nhau!
Đó có thể là sự kính trọng, sự biết ơn, tình thương yêu, sự khích lệ... và cũng có thể là giúp làm dịu bớt căng thẳng, âu lo, sợ hãi hay những cảm giác mất mát, đau đớn. Trong trường hợp cuối này, tôi gọi là thức ăn an ủi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét