Bố Roe khai mạc tiết mục cắt cỏ |
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ cảnh cuối chiều ở Laon. Tôi "bám càng" Walaya - bà giáo trường Chula - và ông bà Vincent đi chơi một chuyến qua một góc nước Bỉ, lúc về thì dừng lại chút ở Laon. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cuộn rơm khổng lồ, lúc đầu còn ngố, hỏi đây là cái gì. Rơm rạ ở nhà quê Bắc Bộ luôn là đánh đống lớn ở một góc sân nhà, đấy là hình ảnh tôi biết và nhớ khi còn nhỏ, sau này đổi mới nông thôn, đống rơm xem ra cũng hiếm gặp.
Đi nhà rừng, tôi nhìn thấy rơm cuộn, kích cỡ chỉ bằng chừng một nửa so với các cuộn rơm khổng lồ ở Laon năm nảo năm nao, và chúng đều được bọc nylon. Sau tôi mới biết, đấy là hay thương mại. Còn rơm rạ đánh cuộn kiểu nhà làm, nhà dùng thì chẳng cần bao bọc gì, và đúng là chúng rất to, giống như những cuộn rơm ở Laon.
(2)
Nhà hàng xóm trên núi cuối cùng cũng chọn được ngày đẹp để xuống cắt cỏ.
Từ sáng sớm, ông bố đã cưỡi máy xuống tác nghiệp. Được hơn giờ đồng hồ thì cô con gái, bé Roe, xuống tiếp quản công việc. Tôi cứ nghĩ là hai bố con họ thay phiên nhau, hoá ra con bé làm việc luôn cả ngày. Bữa trưa nó cũng chẳng buồn chạy lên núi ăn trưa mà là cô chị Mia mang đồ xuống để ăn ngay cạnh cái máy.
Tôi được giải thích, công việc cắt cỏ cuộn rơm này cần ba bước với ba loại máy: cắt cỏ; tãi cỏ; và cuối cùng là cuộn cỏ. Tôi hỏi lão Tiên sinh, nhà trên núi có đủ ba loại máy hay phải mượn/thuê. Ông lão nhìn tôi như nhìn đứa ngớ ngẩn, đương nhiên máy gì họ cũng có.
(3)
Tôi nghĩ tiếc rẻ không ở lại lâu trên núi để nhìn ngó đủ chu trình cắt - tãi - cuốn cỏ. Vì cỏ cắt xong rồi còn phụ thuộc thời tiết, sau mấy ngày thì mới xới, rồi lại chờ khô mới cuộn
Trưa nay có việc xuống trấn, đi qua nhà ông thợ nước ở gần chân núi tiếp giáp với đất New York, tôi thấy liền mấy cái máy to đùng chạy ầm ầm. Sau gần hai giờ đồng hồ quay lại nhà rừng, máy đâu không thấy mà đã liền mấy cuộn cỏ khô khổng lồ.
Cuối chiều, ông thợ nước qua nhà giúp chút việc, ông kể cỏ này là ông cho không ông chủ một trang trại nhỏ gần đây, tôi đoán là thuộc về New York. Ông cũng kể, trang trại nhỏ có đâu hai chục đầu bò bê, coi như là "khéo co thì ấm", chẳng dám nghĩ đến chuyện làm giàu tích luỹ chi.
Ông chủ trang trại đó, tôi gọi vui là nông dân nhỏ, xin được cỏ miễn phí từ ông thợ nước. Đổi lại, có việc xây sửa lắp đặt chi chi thì ông lại gọi ông thợ nước. Mà loại việc kiểu này đâu có đăng ký kinh doanh chi, tiền công là tiền mặt, bỏ qua luôn tiết mục khai thu nhập. Một ông có rơm, một ông có xèng kêu leng kenh trong túi, ai cũng vui!
(4)
Ông lão nhà ta nhìn trảng cỏ gọn gàng thì than thở, không biết tui còn muốn cho nhà hàng xóm cắt cỏ nữa không.
Tôi biết tỏng lý do, quay sao trêu chọc, cứ cho là ông bị "tổn thương" về mặt thẩm mỹ - khó chịu khi nhìn thấy cỏ cao lút mà không nhảy phắt lên máy cắt - nhưng xét đến cùng thì ông đâu tốn tiền xăng dầu và công sức chạy máy cắt cỏ. Thêm nữa, đến mùa đông tuyết rơi dày, cái máy cào và xúc tuyết mini của ông làm sao lợi hại bằng cỗ máy quái vật khổng lồ của nhà hàng xóm trên núi.
Mùa hè ông cho người ta cỏ, mùa đông người ta cào tuyết lối vào nhà cho ông. Hỗ trợ nhau hữu hảo thế mới tốt a.
từ sườn dốc hông nhà nhìn xuống trảng cỏ - đã gọn gàng :-) |
cỏ cắt thành hàng lối |
chờ đôi bữa thì sang công đoạn xới |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét