kỳ học cuối cùng từ trường ta ngó qua trường bạn |
Và trong chiều muộn xám xít nền trời với gió và mưa đỏng đảnh chợt đến chợt đi của ngày hôm nay, không tệ chút nào nghe lại Léo Ferré (chứ không phải là La Canaille nhá - tôi chưa đủ cởi mở đến mức này).
(1)
Tôi bắt đầu hành trình thầy-bà của mình với tư cách trợ giảng cho một môn học mà nhiều người nghe thấy sẽ nhăn mặt, lắc đầu và có khi là lên cơn chỉ trích. Lớp học đầu tiên đó được tổ chức ở hội trường to, tôi cùng mấy đồng nghiệp trẻ lon ton chân chạy, phụ trách từng nhóm-lớp nhỏ. Sinh viên đều là dân tự nhiên, kỹ thuật.
Có một chuyện hết sức thú vị là khi kỳ học chính thức kết thúc và tôi chuẩn bị nghỉ hè thì có hai bạn nhỏ sinh viên không rõ làm thế nào mò mẫm đến tận nhà riêng để "thăm cô". Hai cô gái với một quả dưa hấu to bự, thực hấp dẫn và hứa hẹn cho một bữa giải-khát ra trò trong tiết hè oi nực.
Tôi ngạc nhiên lắm, và chẳng biết ai là ai. Cô này giới thiệu cô kia, em học trong lớp của cô, còn bạn em là sinh viên trường Tài chính. Ờ, rồi sao nữa. Cô gái giải thích tiếp, em kể với các bạn cùng trọ là học môn tư tưởng này không phải "đi phong bì", các bạn ý nhất định không tin. Vì thế, hôm nay em tới chơi cám ơn cô, bạn này đòi đi để xem mặt cô. Úi Giời!
Tôi không nhớ buổi thăm gặp với quả dưa hấu làm quà đó kết thúc như thế nào. Với tính của tôi thì khả năng cao là hai cô nhóc kia ra về hẳn có chút quà nhỏ kèm tay, như là cách tôi cảm ơn họ.
(2)
Tôi đi làm ở trường đại học theo kiểu "việc nó chọn tui chứ tui có chọn nó quái đâu". Gọi là sự sắp xếp của số phận đi!
Vô tư, được ai hỏi tôi cũng thật thà, em muốn "làm" về lịch sử tư tưởng Việt Nam hồi đầu thế kỷ [20]. Đó là cách nói của tôi cho một mối quan tâm cụ thể hơn: Cụ Nguyễn An Ninh. Tôi chẳng quan tâm tuồng Hai Bà Trưng ông viết, tôi cũng chẳng mấy để ý những diễn thuyết đình đám của ông. Lúc ban đầu, tôi chỉ là khoái chí so sánh văn lãnh tụ nhà ta với văn ông cụ này, khi được viết bằng tiếng Pháp. Chỉ thế thôi.
Tất nhiên là cái sự đặt vấn đề sặc mùi xỏ xiên, thậm chí còn bị coi là láo toét, phản-động của tôi khi đó rất mau giống như bếp than nhỏ bị dội nguyên cả thùng phi nước. Cả nước nghiên cứu tư tưởng của Người, cô cũng cần phải vậy.
(3)
Nguyễn An Ninh cứ thế bị quẳng ra sau gáy. Nhờ TA giúp mà tôi mần được liền ba bốn tập tài liệu, mỗi tập dày đến cả gang tay và đủ để làm hung khí gây án mạng, tập hợp bài vở của cụ Nguyễn. Sách vở này, tôi đã cho đi hết từ lâu rồi. Giờ trong nhà căn hộ tôi chỉ giữ lại đôi ba cuốn sách dạng tiểu sử, hồi ký liên quan đến Nguyễn An Ninh, những thư văn mà tôi không biết bao giờ sẽ đọc lại, chỉ biết là giữ làm kỷ niệm.
Làm chân chạy dưới danh nghĩa trợ-giảng đâu được đôi ba học kỳ thì tôi được ông thầy kiêm ông sếp phó giao nhiệm vụ, em phải làm thế nào nghiên cứu kết hợp được ba nội dung, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế và nghiên cứu giới và phụ nữ. Wow. Một món tôi đã đủ chết ngập, giờ còn là 3 trong 1. Tôi chạy mất dạng, và có vẻ như đó là một trong những lý do chính để tôi bị ghét về sau này.
Tất nhiên là trong một guồng quay mà cái đinh cái ốc nào cứ tìm cách vặn vẹo phóng mình theo kiểu của riêng mình sớm muộn cũng bị nhổ văng và vứt bỏ. Tôi vừa hèn vừa lười, thích sống yên ở cái ao làng chữ nghĩa chật hẹp này, nên bướng thì bướng mà thoả hiệp thì vẫn thoả hiệp. Và cứ thế, theo một cách vô cùng tự nhiên, tôi gắn với món chị em này.
(4)
Kết quả lao động, phần là đối phó kiểu có thành tích báo cáo chứng thực đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bảng đánh giá kết thúc năm học, phần là do thực sự tôi yêu thích mà làm, tính ra không dày cũng chẳng mỏng.
Tôi không thích con người, không thích giao tiếp, vẽ rồng vẽ rắn oang oang cái miệng ở những nơi chốn tụ họp học thật học giả từ quốc doanh sang quốc tế - kiểu đại hội võ lâm các nhà tài trợ phát triển trong đó kiểu gì cũng phải có tiết mục tiếng nói của chị em - tôi lại càng ghét và cũng là không có khả năng. Niềm vui to của tôi là đọc, ngẫm nghĩ và khi có dịp thì viết, với một thái độ trung lập và khách quan nhất có thể.
Nhưng rất mau, tôi phát hiện sự vô tư đó chẳng có giá trị gì. Có bài vở trong sách được in ở cái nhà xuất bản to và oách nhất nước ư? Thoạt nghe hay đấy, nhưng nhìn kỹ mà xem, bài mình viết ra bị thiến hoạn đến thảm. Tôi thắc mắc thì được rỉ tai, nhạy cảm chị ơi. Giời ạ. Paolo Freire cả nước Việt Nam này tôi đoán chắc chưa đến mươi người nhắc tên, nhạy cảm cái con khỉ. Vâng, nhưng mà vì chị nói tới áp bức, tới tự do... thành ra là nhạy cảm. Tôi thua!
(5)
Tôi có một kỳ lên lớp ở học viện đàn bà. Lớp học trang bị hiện đại với rất nhiều tóc tai thiếu nữ từ đen tới nâu vương vãi sàn nhà. Học trò số đông là cử-tuyển, đi học không ngủ gà ngủ gật thì là lâng câng láo cáo, một vài cô bé xinh xinh thì chia sẻ giữa hai phong cách hót-gơn phóng khoáng và tiểu thư ngôn-tình Lâm Đại Ngọc thời 4.0.
Tôi mau gạt bỏ cơn chán nản, quyết chí tranh thủ thời cơ khám phá một thế giới tuổi-trẻ mà trước nay ở trường đại học của mình tôi gần như không thấy có. Kỳ học kết thúc, tôi bắt đầu thấm thía cái ý tứ trong nhận xét nơi cửa miệng vài người mà trước đó tôi nghe dứt khoát không hiểu, đại ý là cứ phải là con cái bọn quan chức địa phương mới là khiếp.
Cũng ở viện đại học chị em này mà tôi càng chắc nịch cái cảm giác và sau thành quan điểm cá nhân của mình: rất nhiều người, nhiều kẻ nhân danh vì và cho người yếu thế thực chất là những người, những kẻ kiếm chác lợi lộc cho bản thân. Tiền đổ cho nghiên cứu và/hay dự án [hỗ trợ] phát triển, người nghèo, phụ nữ và giới... tôi đảm bảo nếu được bạch hoá thì cứ gọi là khối tổ chức, chương trình, dự án, đề tài này kia chi nọ có vấn đề to về tính giải-trình.
Câu chuyện chị em mà tôi vô tình gắn mình vào cứ thế theo năm tháng trở thành một dạng routine. Không đến mức làm cho xong việc, nhưng mỗi khi bắt đầu một lớp học mới, tôi luôn tự nhủ, không bất ngờ, không thất vọng.
Và phần thưởng tôi nhận về xem ra không tệ. Bất chấp một số không nhỏ bạn trẻ sống gấp gáp chỉ muốn đi tắt đón đầu và nói, làm những điều vĩ đại, chỉ quan tâm sau này có cơ hội làm việc ở mấy khu phố Phan Đình Phùng, Trần Bình Trọng hay Nguyễn Phong Sắc, vẫn luôn có vài cô vài cậu chân thật suy nghĩ của mình, dám thắc mắc, dám hiếu kỳ. Tôi không dại dột gì mà xui họ dấn thân tuổi trẻ, càng không vẽ ra những ảo mộng to lớn về sức mạnh tuổi trẻ này kia chi nọ theo lối diễn ngôn đoàn đội, đơn giản tôi chỉ nói, thật là tuyệt khi có một lúc nào đó mình được tự do là mình, từ nghĩ tới biểu đạt.
(6)
Bài luận được sinh viên gửi qua mạng nhện có hai phần. Một bình luận về chương sách của Pettus, một là viết theo chủ đề tự chọn.
Hơn ba chục bình luận chỉ có nhõn một cái là thực thà thắc mắc, bày tỏ một chút không đồng tình với tác giả. Còn lại là tán dương bét nhè. Tôi đọc mà cười ha ha ha như một con mụ dở. Học trò giờ hay, rất chi là hợp thời.
Viết theo chủ đề tự chọn thì còn hài hước hơn nữa. Đọc các bài viết mà tôi gặp được cả một đống người quen và/hoặc biết. Văn chương giáo sư, nhà báo, nhà hoạt động nữ quyền, cán bộ lãnh đạo hội đàn bà, ông bộ này bà ban nọ cứ gọi là chen chúc trong một đường hầm tư tưởng. Tôi kính phục các bạn trẻ này, Quá tự tin, quá "ngạo nghễ" - nói nhại theo ý kiến tung hô một thời "chuyến bay giải cứu".
(7)
Tôi không bực, phẫn nộ lại càng không.
Sinh hoạt trí thức xứ mình nó là vậy. Tôi đây bài vở còn bị giáo sư, thầy hướng dẫn của bạn bê nguyên mấy chục trang từ kỷ yếu hội thảo sang sách in bởi nhà xuất bản của đảng ta kia kìa. Hôm nhìn cuốn sách có bài của mình mà không có tên mình, tôi choáng lắm. Biết chuyện, D và mồ ma partner bực và thắc mắc sao tôi không có hành động gì vì sự liêm-chính. Các ông anh hỏi, con em xin trả lời, dạ em ngại. Vì bạn viết chung bài là học trò của một trong hai vị đứng tên sách. Vì hai vị kia, một ông là tốp-tem giới nghiên cứu làng xã ở Việt Nam, một ông vừa là con rể của một ông quan lý luận lại vừa chính ông cũng là một lãnh đạo cơ quan lý luận, tôi bày tỏ ý kiến thì ngang với lấy đá đập đầu mình à. Bỏ đi!
Tôi nghĩ về các bạn nhỏ thì chỉ thấy tiếc, việc nhỏ làm chưa xong thì sao nói mấy việc to tát a.
Nhưng mà thôi, thế giới ngày nay nổi bật xu hướng càng to mồm, càng nói lời to tát thì càng là dấu chỉ thành công, càng có cơ hội thành đạt. Lựa chọn sống, từ lối qua cách tới đạo lý, là chuyện của riêng mỗi người.
Tôi đã kết thúc hành trình thầy-bà của mình như vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét