Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

việc tháng 8

Tháng 8 lịch trên hứa hẹn một đống "thách thức", việc cần làm!

1) Viết thư, cartes, emails gửi Bà Trẻ, ông bà Vincent, Jannetje, Oli; điện thoại Chị TM

2) Thăm họ hàng nhà Nội; qua chơi nhà mới của T

3) Nâng trình sự nghiệp decluttering vĩ đại với nguyên tắc vàng: không tham luyến giữ đồ vì mấy lý do kỷ niệm [xưa], rằng sẽ dùng một ngày nào đó, rằng bỏ đi là tội ác với đồ vật...

4) Đi ra ngoài nhớ xài kem chống nắng, mang đủ mũ, kính và nếu được là khẩu trang

5) Đi gặp ông vặn răng

6) Hàng tuần ngoài routine vệ sinh chăm dưỡng bạn túi aunts and uncles thì lên lịch cho cả các bạn giày nữa

7) Ăn trưa dù chỉ là một lát bánh mỳ :-(((

8) Trừ phi hẹn hò HĐ và H cfitaire, tuyệt đối không dính líu Highlands. Không junk food. Uống nhiều nước quả tươi tự làm ở nhà

9) Dùng hết trà và cafe ở nhà trước khi mắt hấp háy các hộp trà đẹp đẽ hay các túi cafe thơm phức ở mấy cửa tiệm quen

10) Không mua bất cứ món đồ vải hay giày dép nào ở Hà Nội

11) Không rút sạch tiền lương như mọi khi :-)

12) Thực hiện đủ các bài tập, bài thiền và đi phòng tập ít nhất 5 lần/tuần

13) QUAN TRỌNG NHẤT: [GẦN NHƯ LÀ] TẤT CẢ LÀ VỀ LUẬN ÁN

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

cá biển rán vị sả và cumin

Con nhóc hàng xóm cũ của chúng tôi thừa hưởng máu [mê] và cả gien ăn uống và nấu nướng của bố nó, thật là một thiên tài chuyên món hải sản trong mắt chúng tôi.

Hôm nay nó qua nhà chơi cả ngày, đảm nhận nhiệm vụ đứng bếp, được quá nửa sáng thì nhận điện thoại của bố nó. Ông anh vừa đi dọc biển Nam-Bắc, hẹn gặp con gái để gửi mớ cá ngon cho mấy nhà.

Bữa trưa chúng tôi ních căng bụng bún riêu. Đến tối thì TL phẩy tay kêu ăn nhẹ, chỉ có mấy con cá biển rán ăn kèm bún chan nước chấm vắt chanh chua chua ngọt ngọt và cũng là để xơi nốt chỗ rau ghém dư.

Chúng tôi không biết tên các con cá, một em na ná các bạn cá hồng, em khác lại có hình hài của nục, nhưng không phải là các bạn ý.

Con nhóc làm cá, lọ mọ tìm sả và cumin để ướp. Nó không tham lam tống trút gia vị như tôi, vị coi như vừa đủ. Sả bằm vụn, còn cumin bột thì cứ thế mà mần.

Đến tiết mục rán cá của nó thì đúng là màn ấn tượng. Như thể nó đang thực hành một tín ngưỡng - thờ thần Kiên Nhẫn :-)

Lửa không nhỏ không lớn, dầu ăn cho kha khá, chừng cá bắt đầu chín và hai mặt da bắt đầu chớm vàng thì tăng đà nhiệt lượng để tạo độ giòn và đanh chắc cho phần thịt cá.

Đối với tôi, điều ấn tượng là bất chấp việc không quen biết gì lũ cá, bản thân mấy con cá rán lần này là hai loại hoàn toàn khác nhau, nhưng con bé làm việc đó như thể được bản năng mách bảo, nó canh chuẩn xác, đúng điểm điều chỉnh lửa, đúng lượng dầu vào ra chỗ cái chảo rán.

Cá ra đĩa, con giống cá hồng cho thịt dẻo, giống bọn cá nướng chúng tôi vẫn hay gọi ở Haichi; còn bạn kia thì thịt ná ná các bạn saba. Tôi tham lam tưới quá tay tương ớt orange krush, sau lại quàng thêm sốt tiêu chua yuzu kosho loại mới sắc đỏ, món sauce nào xem ra cũng hạp.

Tối muộn con bé về nhà mẹ bên kia sông. Nó bảo để lại mấy con cho chúng tôi, cả tôi và TL đồng thanh nói không. Lý lẽ của TL là nó không rán cá siêu như con bé, không rán cá ngon như con bé. Còn tôi thì thực thà thô lỗ, tao ăn ngon một bữa mới nhớ lâu :-))

BJ gọi điện, tôi kể chuyện bố con anh hàng xóm cũ, trong đó có tiết mục cá rán, xong thì xui thử làm đi, sả và cumin thế quái nào hạp nhau lắm. Thế là có người nghiêm túc, ừ sẽ thử xem sao :-)))

cá biển ướp sả và cumin

bún riêu cua biển

TL đi chơi đảo Cô Tô, được nửa chừng thì quay lại Hà Nội vì sợ bão. Trong đám thành tích mang về nhà của nó có một bịch cua biển. Các con cua nhỉnh hơn cua đồng chút, sắc tươi nao nao như màu của bọn ghẹ.

Nó gọi điện cho con bé hàng xóm cũ, giao hẹn qua nhà xử lý bọn cua. Kết quả hôm nay tôi no căng bụng sau khi làm một bát đẫy bún riêu cua, cua biển.

Cua làm y chang như cua đồng, phần thịt cua kết thành khối lớn xem ra dư dả hơn so với một khối lượng cua đồng tương đương. Cho vị chua, con bé hàng xóm cũ dùng dấm bỗng mua ở chợ và một vốc lớn dọc phơi khô xin từ nhà Bắc Ninh. Tất nhiên là có cà chua cho có thêm sắc tươi tắn.

Lúc đi chợ, hai đứa hỏi tôi có thích ăn giống bún riêu ngoài phố có bò, có giò, có đậu phụ không. Tôi chẳng biết là chúng hỏi thật hay TL xỏ xiên ý chọc tôi là động vật ăn tạp, rất thực thà bảo không cần, rằng ăn riêu nguyên thủy, nguyên gốc.

Chúng nói vậy nhưng vẫn vác về mấy bìa đậu, rán thành các miếng rồi trước lúc chan canh bún thì cho các miếng đậu vào nồi nước canh, vừa đủ để chúng mềm và hơi phồng ra chút. Khi ăn bún, chấm khẽ mấy bạn đậu phụ này vào bát mắm tôm bày mâm, lại có ớt cay yểm trợ, thêm nữa là các bạn rau ghém, coi như hoàn hảo :-)

Món canh riêu cua biển này có vị nhẹ, kém đặc trưng so với cua đồng. Thịt cua khi kết thành khối trong nồi nước canh ăn không xốp và mềm như thịt cua đồng, nhưng bù lại là vô cùng phong phú dồi dào, vừa vặn hợp với kẻ tham ăn là tôi.

TL kể ngoài biển, mọi người phàn nàn ăn mãi cá tôm cua chán rồi. Trong khi đó ở nhà ngẫm nghĩ đôi lúc thèm thì chẳng phải dễ được như ý, lại càng không có nhiều lựa chọn.

Chuyện hài hước nhất của bữa trưa chén bún riêu cua hôm nay là tiền cua thua tiền rau ghém, mà rau đây là chưa thèm tính các bạn tía tô và kinh giới vốn thu hoạch ngay từ vườn nhà Hà Nội.

Tôi cơ địa kém, hôm nay liều lĩnh thêm nếm mắm tôm, lại nữa đồ biển bình thường chú ý nhưng lần này có chút thả lỏng ý chí, đánh chén cật lực. Giờ nghĩ chút thì tự bảo, một năm ăn một bữa chơi bời vui vẻ thì được :-)

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

bao da mới cho kính serengeti

Đầu hè tôi được chuyển giao một em Serengeti nhét tạm bợ trong một cái bao không rõ xuất xứ. Hỏi người cho, được nhõn một câu, vứt lung tung kính một nơi bao một nơi tìm mãi không thấy nên bao gói tạm vậy.

Tôi chẳng quan tâm kiểu dáng. Kính tốt và miễn phí, đối với tôi thế là đủ :-)

Vấn đề là cái bao kia chạm tới đâu tả tơi lớp vải lót dzỏm đến đấy. Tôi gào lên, đây là kính khỏa thân.

Giờ thì con nhóc khò khè đã xong áo mới cho đôi kính.

Đồ da hầu như sắc nâu, nay chuyển tông mới, tự dưng thấy vui vui :-)))


when the hurt is over

(1)

Chiều qua tôi cáu ở nơi công cộng. Một cú đập bàn đánh rụp, một câu tuyên bố, giờ đến lượt tôi cái đã, rằng tôi đã chịu để hai người chen ngang và thế là đủ. Tội nghiệp cho miếng da giữ tiền lẻ và thẻ xe bus tháng khi bị nện xuống mặt bàn như vậy. Cô nhân viên giao dịch im thít, cậu chàng đang xí xớn cắt ngang việc của tôi, trông như đầu gầu mới vào nghề đến từ một cái làng ven sông Tô Lịch giàu nổi nhờ bán đất chân tay chưa kịp xăm trổ nhưng xích vàng đã đủ chói mắt trên cổ, cũng im thít. Tôi mất đúng năm phút đồng hồ cho việc thanh toán, cho việc kiểm tra yêu cầu chỉnh sửa thông tin ghi sai đã được thực hiện chưa và lịch sự nói lời cám ơn trước khi rời đi.

Tối về kể TL nghe, nó bảo kể là người già cũng không được để bỏ qua cho việc chen ngang. Tôi nhớ lại cái cảnh ông bác già giả ngây giả ngô vụng về và thằng bé dáng chừng sinh viên người ngoại tỉnh cũng giả đò không kém để giành cái ghế trước quầy giao dịch vốn là lượt của tôi thì bật cười. Không phải là về những kẻ thị dân khôn lỏi xa lạ kia mà là về chính bản thân. Trong không ít chuyện, thường là tôi đứng sang một bên hoặc thậm chí là bỏ đi. Nhưng cho việc giải quyết sự nhầm lẫn giấy tờ lần này, tôi không có cái option là bỏ qua. Chỉ có điều thay vì vác cái mặt nạ nho nhã sặc mùi xỏ xiên thì tôi hết kiên nhẫn xài luôn món trị liệu có chút màu bạo lực kia.

(2)

Tôi phi thường dịch chuyển tài năng va chạm từ trong nhà sang phòng tập.

Chiều qua chẳng rõ từ lúc nào tôi phát hiện ra vết đỏ nhỏ ở đầu gối trái, tối về nhà thì nó nở tung tóe như bông hoa đào. Đau.

(3)

Giấc ngủ bắt đầu đến sớm hơn thường lệ.

Đêm qua hình như tôi thiếp đi trước hai giờ sáng. Sáng dậy trễ như mọi khi, người có chút mỏi nhưng vô cùng khoái chí vì cái sự điều chỉnh thời gian kia.

Dù thế nào thì tôi vẫn sống tốt mà không cần các viên thuốc!

(4)

Việc dọn nhà vẫn tiếp tục, theo tốc độ rùa bò.

Tôi hồi hộp theo dõi quá trình tự sinh tự diệt của mấy thân ivy. Đã là lần thứ n chúng được mang sang Hà Nội. Những lần trước hình như chẳng dây leo nào sống quá một tuần.

(5)

Tôi có các giấc mơ kỳ quái.

Và tôi nghĩ và nhớ nhiều đến ET sau một thời gian dài tưởng như đã quên lãng.

Tôi nghĩ, chắc vì tháng Bảy u sầu chịu đựng thói đỏng đảnh của Trời Đất sắp qua, nghỉ ngơi bất đắc dĩ đã đến hồi kết và bọn bản thảo đang đứng đợi trước cánh cửa tháng Tám rồi.

thêm một thử nghiệm thủ công thất bại
ivy cơ hội lần n

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

canh cải xanh nấm rơm - chay toàn tập

Cải xanh đời mới pha giữa cải ngọt và cải cay, trồng ở vườn nhà Bắc Ninh dài lều nghều. Tôi lên cơn thanh nhã bỏ qua công thức cải nấu thịt bằm mà chuyển sang chay thanh đạm.

Nấm rơm làm sạch bổ bốn, bổ sáu, trụng nước sôi rồi rửa nước lạnh, sau để ráo.

Nước đúng kiểu thanh thủy cứ thế mà đun sôi, cho cải và gừng thái chỉ cùng chút muối vào đun chừng cải sắp nhừ thì cho nốt nấm vào.

Nhìn cái bát canh có chút nhạt nhẽo, thiếu sự hấp dẫn của những lấp ló vụn thịt bằm, nước thì trong vắt, hứa hẹn thanh thanh có nhưng vào tầm mắt của đứa ăn tạp như tôi thì có phần gây nản.

Nhưng ai mà biết được, bát canh nguội rồi ăn vã chơi sung sướng cuộc đời. Khác với cải nấu thịt được thái nhỏ, cho món canh chay tôi xắt dài chừng non đốt ngón tay. Những phần rau ấy, rồi cả các bạn nấm nữa, khéo chấm lướt qua hàng xì dầu có chêm bọn ớt cay, ngon! Còn nước canh thì ngọt lừ, không phải do thịt thà mà đơn giản là vị ngọt của nấm, của rau. Đó là chưa kể anh bạn gừng đặc biệt hạp vị.

Thích thú trong một bữa tối là vậy nhưng cho lần sau tôi không chắc máu thanh đạm trong mình còn sống sót. Ăn chay chay, đối với tôi, cho tới giờ dù hứa hẹn đủ điều tốt lành cho sức khỏe, an yên cho tâm tính, thì vẫn chỉ là những mảnh cao hứng nhất thời :-)

Tất nhiên điều đó không có nghĩa là tôi bỏ rơi cái quyết tâm âm ỉ từ bấy lâu: ăn nhạt [đi] :-)))

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

the sky is crying

(1)

H gọi điện hỏi như không hỏi tôi có nhà hay không. Chẳng cần đoán cũng biết, tôi bảo đi ăn trưa nhá. Nó đáp vâng.

Hẹn hò với nó ở Highlands, tôi dài cổ ra đợi, đến lúc sốt ruột gọi điện lại thì nó kêu có việc đột xuất, hẹn lại thành qua nhà rồi đi kiếm bữa trưa. 

Chỉ có điều tôi không biết là nó qua nhà không phải là một mình mà kèm theo nhóc con lảnh lót gầy như que tăm. Con gái lớn là vậy, ông bố béo hơn gã nghiện chuyên nghiệp đầu xóm một tý, đi trên cái xe wave cũ mèm, nhăn nhúm. Thêm tôi người to uỳnh ngồi đằng sau, coi hẳn rất kỳ.

Có trẻ con, tôi bảo đi ăn mỳ nhá, mỳ vằn thắn tiệm trên phố Điện Biên Phủ.

Con bé con sau màn thảo luận ý kiến với bố nó được ưu tiên phục vụ trước, rất mau trước mặt nó là phần mỳ cho trẻ em, bát phêu phêu một màu sáng. Nó nhìn các sợi mỳ, kết luận cần cái kéo. Bố nó bảo ra hỏi bác chủ, một lúc sau nó long tong về chỗ với cái kéo, thò cái dụng cụ đấy vào bát mỳ lưng lửng, cắt cắt rất chuyên nghiệp. Con gái cắt mỳ, bố rót coca ra cốc, lấy đầu đũa to ngoáy tít thò lò. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, nó giải thích để bớt ga. Tôi nhìn hai bố con phối hợp nhịp nhàng như bạn hữu đồng đẳng hơn là một nhỏ một lớn thì thiếu chút phì cười.

Con bé líu lo liên hồi, khoe cháu nhảy r/zumba. Tôi hỏi đi hỏi lại cả con lẫn bố, rumba hay zumba. Lại một hồi thảo luận ý kiến rồi bố nó chốt lại, zumba. Con bé khoe nó rất "dẻo", rằng cô giáo nó khen nó mềm [người] như sợi bún, như thể không có xương sống, rằng cô giáo nó bảo nếu đi học múa thì hẳn giáo viên nào cũng tranh nhận nó làm học trò. Tôi hỏi tuần học mấy buổi, nó tính toán một hồi thì báo cáo hai buổi tối, tập dưới sân. Ngoài nhảy nhót, nó còn vẽ và bơi. Tôi hỏi bố nó ra biển có bơi được không, bố bảo sóng to khó, con bảo cháu biết nhảy sóng. Lần này thì tôi cười phì thật, trêu đùa nó chắc sóng nó thấp hơn cháu.

Đã rất lâu tôi mới có một màn trò chuyện vui vẻ như vậy với một đứa trẻ con. Về căn bản, tôi là thành phần phản-xã hội, người lớn tôi chẳng ưa, chủ yếu là vì thói đố kị và nói lắm, còn trẻ con tôi ngại ngần, thường là vì tôi chẳng biết nói gì và nói như thế nào với chúng. Mà đó là chưa kể ở chiều ngược lại thì người thiên hạ từ trẻ tới già nhìn cái mặt tôi hẳn cũng chẳng ưa chuộng gì :-)

(2)

Tôi bắt đầu chăm chỉ động đậy ở phòng tập. Cân nặng xê dịch hai chiều max-min là 66 và 63.7. Chưa biết vào năm học giờ giấc thu xếp thế nào, nhưng cho tới giờ, tôi ổn với khung giờ nửa sau buổi chiều, khi chưa có đám văn phòng tan sở kéo đến đông như quân Nguyên, khi chưa có mớ đàn bà ở hai phòng yoga và nhảy múa này nọ chen chật phòng thay đồ, nói chuyện phần nhiều nếu không sặc mùi tật đố liên quan đến một nhân vật thứ ba nào đó thì là đậm đà hương vị phấn son khoe thân, khoe của.

TL cười nhạo tôi không dứt về cái sự để ý đó của tôi. Tôi biết là dở, nhưng tôi trả tiền để mua tiện nghi và thứ tôi muốn tự tặng mình vào các buổi chiều là sự hành xác trong yên tĩnh chứ không phải ồn ào.

(3)

Giấc ngủ đến chậm, rất chậm. Dù thế nào thì điều này vẫn còn là tốt hơn việc nó đình công.

Mấy lọ thuốc bạn đưa vẫn nằm im một góc ngăn kéo. Tôi thi thoảng nhìn chúng, tự nhắc mình, cố gắng, cố gắng!

(4)

Trong các giấc mơ chập chờn lúc sớm mai, trong đám lá rung rinh trước bức tường kính phòng tập vào cuối giờ chiều, tôi hay thấy khuôn hình của ET, điềm đạm và dịu dàng.

Tôi nghĩ, tới lúc quay lại với sách vở rồi!

Dù thế nào, sáng nay trong khi bị H và con gái nó cho leo cây ở tiệm cafe, tôi đã từ tốn xơi non nửa cuốn sách giờ không còn tính thời sự nhưng vẫn hay như thường của ông giáo sư chuyên về Đông Nam Á của trường Sorbonne. Trong lúc đọc, tôi vừa thấy những Gourou, Godelier, Lacoste vừa quen vừa lạ, lại biết thêm một đống các quý ông quý bà chuyên gia về khu vực đến từ thế giới kinh thư Anh ngữ. Coi như không tệ đi :-)

(5)

Tháng 7 lạ lùng, sau những ngày mưa cuối cùng nắng cũng về. Nhưng không phải là thứ nắng oi nồng, mệt mỏi như trong trí nhớ của tôi về các mùa hè năm trước. Có lẽ vì giờ đây, nhịp sống, thói quen, lối nghĩ và mối quan tâm của tôi đều đã thay đổi nhiều so với trước kia!

Nhà vẫn ở trong trạng thái đang-được-dọn. Phòng gỗ giống một bãi rác khổng lồ, bốc mùi của ẩm do mưa kéo dài. TL mỉa mai ở nhà mình chỉ có cái sảnh vào là tử tế, tôi huơ huơ tay ấy phòng khách cũng gọn gàng mà.

Còn rất nhiều thứ đồ vật và cả suy nghĩ tối tăm nữa tôi cần dứt khoát bỏ đi. Về lý thuyết, đó là việc thật nhẹ nhàng. Còn trên thực tế, có một sức lỳ vô hình luôn ở đây và ở đấy, chiều chuộng trói buộc tôi. Về chuyện này, tôi thực chẳng biết nên khóc mếu hay cười cợt tự dziễu như mọi khi. Có lẽ, tôi nghĩ, tốt nhất là ngậm miệng và tiếp tục làm :-)

giữa giữ và bỏ - lần này là các đĩa nhạc cũ
tập thói ăn trưa - bánh mạn việt quất hương quế và trà kì môn
ngồi bậu cửa phía bắc - các vệt sơn rơi từ trên trời chờ được chà sạch

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

ngữ yên (3) - sài gòn chở cơm đi ăn phở

Hơn một lần tôi dự định gom góp các bài ẩm thực của Ngữ Yên trên tờ Tiếp thị từ cũ sang mới nhưng cũng hơn một lần cái ý nghĩ ấy mau nhạt màu. Vì tôi lười!

Giờ đến cuốn thứ ba của tác giả này có trong tay thì tôi không áy náy với bản thân nữa.

So với hai Người ăn rong, sách mới thập phần đẹp hơn. Còn nội dung bên trong, tôi loạn xì ngầu với đống đồ đạc và việc nhà cần làm, nên để sách sang bên cho TL đọc trước, còn mình thì thong thả mần sau :-)

Ngữ Yên (2017), Sài Gòn chở cơm đi ăn phở - Tùy bút ẩm thực, Nxb Văn hóa-Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, 279 trang, giá bìa 108 ngàn đồng.

Sách Nhà First New làm. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi đẹp :-)))

cá diếc kho trám trắng ngâm mắm

Cá diếc vào đúng mùa trứng, con nào con nấy bụng một bọc chắc nịch, phần thịt đâm ra còn chẳng bao nhiêu. Trám trắng ngâm nước mắm cốt từ mùa trước, thịt quả mặn và chắc, chỉ nghĩ tới thôi đã đủ chảy nước miếng. Thêm cho món kho còn có vài miếng thịt ba chỉ tăng độ béo, ngọt và cũng là để tranh thủ nhận về cái ngon ngọt của cá, cái bùi của trám. Rồi nữa là ớt khô góp phần tăng vị cay cay cho nồi kho.

Bình thường với cá diếc tôi vừa yêu vừa ghét. Yêu vì nhất nhất đã nấu canh cá ngải cứu thì cá diếc bao giờ cũng là chọn lựa đầu bảng, chẳng biết nó bổ máu hay tốt này nọ thế nào, nhưng cái nước canh trong vắt và ngọt lừ ấy, cái phần thịt gỡ ra từ con diếc to khéo chọn ấy chấm tý xíu mắm cốt có bổ túc hạt tiêu xay và vài lát ớt hiểm, úi chà ngon ngon! Còn ghét vì lần nào cũng như lần nào, tôi ăn tham thêm thói hấp tấp, không phải vài phút thì vài giờ khốn khổ vì cái màn hóc xương cá.

Nhưng với món cá kho của Mẹ thì chẳng có vấn đề gì. Đơn giản là vì cá được kho kỹ, những phần xương dăm và thậm chí là cả chỗ xương khoang bụng, tôi kỳ thực chẳng biết gọi nó là xương gì, có thể xơi liền mạch vì đã nhừ. Còn bọn dọc xương sống thì gỡ khéo bỏ ra là xong :-))

cá diếc kho trám trắng ngâm mắm
Cá kho đậm ngọt thịt, thoáng vị cay cay của ớt, đậm đà vị bùi của trám và nước mắm ngâm trám rộng rãi ôm ấp. Phần thịt ba chỉ, coi thì chẳng có gì hấp dẫn nhưng mà thực ngon, bì dẻo, mỡ thơm béo ngậy mà không ngán, nạc mềm. Còn trám thì khỏi chê rồi, vốn dĩ ngâm mắm cốt trơn đã ngon, giờ sau một đận qua lửa kho thì vừa mềm, đanh, ngọt thịt cá coi như ba trong một luôn. Nói mềm và đanh cùng chỗ xem chừng mâu thuẫn vậy mà đích xác là như thế. Mềm là so với món ngâm thuần, còn đanh là vì kết cấu của thịt trám ngâm vẫn chắc chắn như ban đầu, không hề bị nát hay xụi lơ mềm oặt. Nói chung thì cứ phải có phần kho trước mặt, tự tay cầm đũa khều khéo một hạt trám cho vào miệng thì biết liền :-)))

Món kho mặn này ăn hạp với cơm trắng và mấy món rau củ luộc.

Món dân dã, tầm thường nhưng muốn ăn, muốn làm không hẳn là điều đương nhiên trong thành phố. Cá diếc mua ở chợ Hà Nội phần nhiều là con to đùng. Cá nhỏ ở quê, Mẹ bảo đến người nhà quê còn chê, nhưng là mớ cá thật thà, đúng dịp người bắt kiếm được mang đến tận cửa mời bà cụ già mua. Trám đúng mùa Mẹ chịu khó ngâm cả vại, tiền trám tốn ít mà mắm cốt ngon tốn nhiều. Rồi nữa, kho đơn giản nhưng mất thời gian, chưởng kiên-nhẫn cũng phải đến độ nhất định, đại loại thế.

Với con gái của Mẹ, nhanh khỏe nhất là cái màn TL nửa nũng nịu nửa giống bà vương phách lối, khi được bà cụ già hỏi đặc biệt muốn gì nhân chuyến ra Hà Nội của ông cụ già thì trong cái liste dài yêu cầu của nó có một hộp cá kho kèm lời nhấn mạnh là chỉ cho con. Nó biết tôi không hứng thú gì mấy con cá, nhưng giờ nó rung đùi ở đảo ngắm nắng không biết là tối qua tôi đã kịp ngồi ôm hộp cá dùng tay gỡ ăn vã sạch sành sanh :-)

thịt gà xào/om măng muối chua theo vị hạt dổi

TL có vài năm làm việc cho một dự án liên quan đến lâm nghiệp triển khai ở Hòa Bình. Nó theo mấy đời sếp, học được kỷ luật làm việc, đức khiêm cung, thói nhẫn nại và sự tử tế. Còn nữa, các chuyến đi xóm thường xuyên cho nó biết thêm vô khối món nhà làm và các loại thực phẩm địa phương cũng như cách thức chế biến và nấu nướng.

Tôi nhờ TL mà biết măng ngâm chua kiểu Hòa Bình, thứ măng tươi lấy về ngâm nước muối đơn thuần, khác với nhiều lọ nhựa măng ngâm đặc sản hay bày bán trong đó có đủ thứ xanh xanh đỏ đỏ. Tôi cũng qua nó mà lần đầu nếm món hạt dổi rừng, hạt tiêu rừng và mấy thứ rau, lá của rừng.

Nhà có bình măng muối chua bà cô nhà Nội làm cho, có thịt gà bà cụ già gửi từ Bắc Ninh, có mớ hạt dổi TL kiếm được từ chuyến công tác trước, đúng lúc tiết trời còn ở đoạn cuối của màn mưa ẩm ướt cộng với cao hứng nấu ăn đang đà lên cao của TL, tôi được đánh chén món "đích thực kiểu Hòa Bình" theo cách nói của nó.

Món bày đĩa nhỏ sâu lòng, màu có phần nhợt nhạt, ngoài sắc sáng của măng, ngả đậm của các miếng thịt gà thì còn loáng thoáng màu đậm rõ của hạt dổi được giã dập. TL nhắc, món mặn đấy, rồi chêm thêm câu, gọi là xào cũng được, om cũng được.

Tôi xơi hai lưng cơm, nói gần như chính xác là "vục mặt" vào đĩa măng, tất nhiên là sau khi đã không quên kiếm một trái ớt khô ăn kèm. Ăn xong bảo TL lần sau làm tiếp nhá.

Món đơn giản, nếu khó là mần được măng ngâm chua đúng ý và có được vài cái hạt nho nhỏ xinh xinh mà không phải cứ tay phất phơ tiền chạy ra chợ tiểu khu là có thể mua được.

Thịt gà chặt miếng vừa ăn, măng ngâm nước muối đến độ đã chua, hạt dổi giã dập. Cái hỗn hợp đó được xào rồi thêm chút nước đậy vung kín thêm thời gian canh lửa, gần như là om vậy.

TL đã từng theo công thức của bà cô nhà Nội ngâm măng nhưng thất bại toàn tập. Tôi hỏi nó làm thế nào, nghe láng máng là măng củ tươi mua về bỏ lớp áo bẩn rồi cứ thế thái lát mỏng ngâm nước pha muối, rồi để tự nhiên mà chua. Cái này, hôm nào chúng tôi sẽ đi hỏi bà cô thật kỹ :-)

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

i who have nothing

Ông Giời giống đứa trẻ hờn dỗi mãi chẳng dứt cơn, cấm cẳng mưa hết lất phất thì chuyển sang ẫm ĩ cả vài canh giờ. Tôi đau cái thân, tâm trạng theo thời tiết cứ sau mỗi ngày chuyển màu u ám, không trút được sang người này thì tống vá vào người khác, cáu kỉnh xong lại ân hận, ân hận xong lại nhấm nhẳng nói linh ta linh tinh, cái vòng tròn psy đen tối và lố bịch cứ thế mà tuần hoàn.

Giờ nắng về.

Tôi nhìn cái sân trước cửa phía Bắc lấm tấm sơn của nhà tầng năm mới nhô lồng cọp làm rớt xuống, hết cáu.

Tôi nhìn hai núi quần áo dơ cần giặt, một chạy máy một vò tay, hết ngán.

Tôi dọn dẹp tủ đựng đồ khô chưa dùng tới.

Tôi ngồi ngập trong đống rác của cái study corner bé xíu của mình, nghiến răng cho qua cơn đau thi thoảng thăm viếng, tự nhăn nhớ úy lạo, tốt rồi tốt rồi.

Trầm cảm có lẽ giờ thành một từ vô nghĩa với tôi. Chính xác là một bè cảm giác trống rỗng, lộn xộn, mơ hồ hợp tấu.

Nhưng giờ có nắng về.

Tôi vừa hy vọng mọi chuyện tốt hơn, vừa cố tự mình động đậy cái thân, nghĩ vượt khuôn cái hộp xám tiêu cực.

Hôm nay dành cho dọn dẹp, lau chùi, sắp xếp, tống khứ đồ thừa. Và quay lại phòng tập nữa!

cuối cùng bạn  ý cũng chiếu cố cho hoa :-)))

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

tiếp tục cho đi

(1)

Một cái valise to đùng có thể nhét cả người tôi vào trong đó. Nó bị hỏng quai sau một lần cho mượn. TL cáu rụm vì người liên quan không khéo ăn nói, thay vì một câu khách sáo kiểu tao sửa/mua đền mày hoặc một câu chân tình kiểu tao xin lỗi mày thì chỉ có đúng một cái mặt nhăn nhở. Sau TL tuyên bố không bao giờ cho mượn đồ nữa. Xong!

Chúng tôi ngắm nghía nó không biết bao nhiêu lần. Nó chiếm một chỗ sảnh ngoài, ăn no nê bụi đường phố, túm lại là bẩn. Vài lần TL chép chép miệng, hay là mang lên Hà Trung sửa. Cái khoản ý tưởng đó TL vốn siêu giỏi, nhưng làm thì nó lười. Tôi còn lười hơn. Kết quả, cái valise tiếp tục nằm im một chỗ.

Lại có vài lần TL bàn tính, để mang về Bắc Ninh chứa đồ. Chúng tôi hay gọi xe hàng xóm, xe nhỏ, đồ mang về lần nào cũng lỉnh kỉnh, nhét hết vào valise là bất khả nên nó lần nào cũng rớt lại, nhỡ chuyến về quê.

Đến hôm rồi dọn sảnh, tôi vướng chỗ nên đặt nó ra ngoài vỉa hè. Chỉ lúc rời nhà có việc thì mới nhớ ra nhét lại vào chỗ cũ. Ở trước cổng có một ổ đàn bà chuyên gia buôn chuyện, nghị sự từ việc nhờ đức của Cụ Giáp mà tỉnh nhà thoát nhiều cơn bão cho tới chuyện con bé con con nhà miến ngan vốn là du học sinh ở xứ cờ hoa đợt này về thăm nhà mặt thế này mũi thế nọ, trong đám có hai cái miệng hỏi thăm cái valise. Tôi bảo bỏ đi đấy, lập tức hai cái miệng bảo vậy thì xin. Thế là giải quyết xong cái valise!

(2)

Ngoài cái valise, cô quét đường hôm nay trở thành người nhận của một đống carton đủ loại và mấy cuốn sách to và nặng mà tôi trung thành giữ đã gần mười năm và cũng gần mười năm đó chưa có đến một lần thực sự đọc tới.

(3)

Cuối cùng, trong danh sách những thứ tôi bỏ và cho đi còn có tiết mục mang tên thức ăn.

Tội lỗi, đáng xấu hổ, sỉ nhục... một đống từ có thể được dùng để chỉ tâm trạng nhất thời của tôi khi nhìn chỗ đồ ăn khô trước mặt.

Nhưng chúng thực là junk food, thực có hại cho sức khỏe.

Tôi chẳng green, chẳng bio, cũng chẳng zen chi chi cho cái màn lý luận về sự buông bỏ đồ cho vô bao tử. Đơn giản, cái cơ thể của tôi nó cứ thế mà lạnh lùng phát tín hiệu. Tôi không muốn chịu thêm các cơn đau đủ loại chỉ vì lý do ngớ ngẩn là thức ăn.

(4)

Thật kỳ cục là tôi giỏi phũ với người hơn là với đồ vật. Không hẳn là một tham luyến sâu nặng trói tôi với chúng, mà chính xác là thói lần khân, là tính lười. Tôi ngại thay đổi cái khung cảnh sống của mình, tôi nghĩ thế!

Nhưng giờ, như trong nhiều tiết mục khác của cuộc đời tôi, đã là điểm critical mass rồi. Tôi không muốn chìm nghỉm trong chúng, các món đồ :-)

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

ghi thêm về nấu cháo hải sản ở nhà

(1)

Trước tiên là nồi cháo trắng có chút phần đặc. Nói "đặc" là vì đến công đoạn sau sẽ có sự tận dụng nước hấp/luộc hay nước dấu chảo xào món.

Gạo tẻ và nếp theo tỷ lệ tùy ý do sở thích của cái miệng, thường tẻ bằng hai, ba hoặc thậm chí đến bốn, năm phần so với nếp. Sở dĩ có nếp là để tạo sánh cho bát cháo thành phẩm.

Gạo vo rồi thì cho vô cái nồi thân cao, cái này để chống trào, cùng nhiều nước đun lửa to đến sôi thì hạ nhiệt, lửa liu riu cứ thế để nguyên cái nồi vậy đôi ba giờ đồng hồ. Trong nhà có việc chạy đi chạy lại cộng với lười quán lửa thì không cần tìm cái vung nồi làm chi cho mệt. Còn nếu cẩn thận, tỉ mỉ, lại thêm cái tính tiếc rẻ phí ga, phí điện, hoặc giả là mang cái suy nghĩ mở toang hoác cái nồi sẽ hao hụt ít nhiều cái hơi cháo, thì lúc ấy bạn vung sẽ được phát huy tác dụng. Chỉ có điều, vung để kênh, không đậy kín rụp vì cứ đậy thế mà xem, cháo trào ngay tức khắc :-/

Có một vài món cháo cầu kỳ phải vo, thậm chí là ngâm, rồi rang gạo trước nấu. Cho bạn cháo trắng này thực không cần đến vậy. Gạo nếp không cần nói thêm, riêng gạo tẻ thì chú ý tý chút. Ở nhà chúng tôi thích dùng gạo giống Nhật, nếu không thì là gạo tám thơm. Dứt khoát đừng bao giờ vì lười mua gạo mà tiện ôm cái túi basmati hạt dài cho vào nồi cháo. Tôi lười một lần, kết quả được bát cháo chẳng ra cái dạng gì :-(

Thêm nữa, tùy ý thích, khi nấu có thể thêm vài hạt muối cho có chút đậm ban đầu, lại thêm mấy giọt dầu mè (dùng cái loại Tường An trong suốt gần như không rõ vị chứ đừng dùng mấy bạn Đài, Nhật thơm lừng) nghe nói là có tác dụng chống trào. Ngày xưa, khi nấu cháo tôi chăm chỉ thực hành lắm. Sau rồi bỏ qua. Còn nếu là TL nấu thì nó phẩy tay, không cần.

Cuối cùng, vẫn là nồi cháo trắng, chúng tôi học từ hàng xôi trước cửa một lối ứng phó cho người thiếu hụt thời gian. Thay vì gạo nếp lúc ban đầu là nấu cháo gạo tẻ rồi cho vô xôi nếp. Tôi nghe thấy kỳ, nhưng TL đã làm không phải một lần, chẳng ai phát hiện ra lấy một sai biệt nhỏ.

(2)

Giờ là phiên bản cháo hải sản.

Thực nghe tên tưởng rõ nhưng cuối cùng lại là mơ hồ vì hải sản có thể gom trong nó đủ thứ đi :-)

Tôm, cua, ghẹ - ngày trước ở nhà TL và con nhóc hàng xóm cũ hay có thói quen chế biến xong thì cho vào nồi cháo để cứ thế chúng tiết ra ngọt, còn khi ăn thì vớt riêng ra xử lý. Nhưng ăn mấy bạn ấy có cái dở là dính cháo. Giờ thì chúng được hấp lấy phần thịt ngọt để sau bổ túc vào cháo. Bữa cháo hôm qua, hai đứa cho cả nhà ăn cháo với thịt tôm và bề bề gỡ ra, vừa không vất vả mà vẫn có thể khoái chí nhâm nhi đủ vị ngọt lừ của bát đồ ăn trước mặt.

Sò huyết hấp vừa tới lúc chúng hé miệng thì bỏ ra lọc lấy thịt. Phi hành thơm rồi xào nhanh tay chúng lúc này đã được ướp qua tiêu, muối và thậm chí là một hai giọt mắm cốt. Cái tài của tay nấu bếp là làm thế nào vừa độ chín tới. Thịt sò lúc thả vào nồi cháo sôi bùng bục rồi bắc ra vừa căng mịn, vừa mềm, vừa ngọt, vừa thơm; khác xa cái đám bị làm vụng hoặc là quắt xì queo và dai, hoặc bở.

Ngao cũng tương tự sò huyết, nhưng có thể bỏ qua màn xào thơm.

Cháo ăn nóng với tiêu xay, hành - mùi - mùi tàu thái mịn. Nếu thích, thêm chút ớt bột. Nếu thích - cách này tôi mới học được, vui vẻ nhưng quả có chút phần "phá hoại" vị gốc - thêm vài giọt nước cốt chanh hoặc quất chua chua.

(3)

Đến đây tôi nhớ Chu Lai, nhớ cái quán nhìn ra biển với ông bà chủ và đám người làm chẳng ra uể oải khinh người chẳng ra vồn vã hiếu khách, nhớ các bạn bào ngư và một hai mùa hè đã chăm chỉ làm món cháo này thế nào!

chủ nhật

(1)

Tôi nhẫn nại chịu đựng các cơn đau, các cơn ho. Lúc nào bắt đầu chạm ngưỡng [sức] chịu đựng thì có màn tự nghĩ, theo một cách nham nhở nhất có thể, rằng bọn chúng thật biến thái, rằng sao không có một căn bệnh tổng hợp gom góp tất cả lại thành một món lẩu-đau ốm thay vì mỗi chỗ, mỗi phần của cơ thể là một kiểu triền miên. Rồi tự cười khà khà trong khi ruột gan phèo phổi vẫn cứ quặn xoắn, đầu thì như bốc hỏa. Ơn Trời, sau cuối tuần thì mọi chuyện có vẻ tốt hơn. Ít nhất thì không còn cái món váng đầu và hoa mắt chóng mặt nữa.

Chỗ giấy tờ mấy tuần trước bị lục tung để tìm vài món cho các thủ tục đến sáng qua cuối cùng đã bắt đầu được gom, xếp và phân loại lại. Tôi nhìn lịch sử đi học mình qua các trang giấy, không ít đã ngả vàng, cũ kỹ, có chút nhăn nhúm, rồi tự đánh giá, coi như không tệ. Sáng qua, có thêm không ít giấy tờ được bỏ đi sau khi cái máy Samsung cũ phát huy sức mạnh công nghệ của nó.

(2)

vạn niên thanh chuyển nhà
Ngày cuối tuần, chúng tôi có bữa trưa hoành tráng nhờ tay nấu ăn của con nhóc hàng xóm cũ từ Đài Loan về Hà Nội thực tập. Tôi kém về cơ địa, hay nghiến răng nghiến lợi với tiền bạc và thêm nữa là do tính tình quái gở không thích quán to ầm ĩ nên đã rất nhiều năm không có màn ngồi quán hải sản ăn ăn uống uống. Ở nhà neo người nên có bày đặt thì thường theo chuyên đề, một hoặc hai loại hoa trái của biển cả. Con bé qua nhà làm đầu bếp, chúng tôi rủ rê thêm khách lại chơi, mâm coi như đủ người, thực đơn bỗng trở nên phong phú. Hôm qua, lần đầu tiên tôi biết ngao hoa, lần đầu tiên tôi nếm bề bề. Ngon! Nhưng hỏi tôi thích đến độ thèm thuồng lần sau dứt khoát tìm lại chúng, không chắc!

Chuyện ăn uống đó giờ đối với tôi không hẳn là cái gì được đưa vô miệng. Chủ yếu, đó là câu chuyện giao tiếp xã hội, bạn ở cùng ai, cảm giác vui vẻ và dễ chịu thế nào. Đồ ăn ngon, được chế biến đơn giản và sạch lành ra sao.

Những lần trước, cũng là ở nhà, chúng tôi tham lam, thêm thắt nhiều thứ vào thực đơn, ỷ lại nhiều vào các gia vị tẩm ướp và phương pháp chiên, nướng. Ăn xong thì hì hà hì hục thở vì mệt. Lần này, luộc hấp được phát huy tối đa, khẩu phần khiêm tốn hơn, xong các món đúng dạng ăn chơi, ăn vã là tô cháo cuối bữa ngọt vị của hải sản, thơm nồng vị của rau gia vị và tiêu xay.

(3)

TL kể chuyện trong bữa trưa thứ Bảy ở nhà với đám bạn của nó, có con bé học cùng đại học ngày trước, người mập mạp chẳng kém gì tôi, tuyên bố giờ bữa tối của nó chỉ có bát bột sắn dây quấy nhão. Nó học ra cái công thức này từ bà chị họ mới đi học một lớp nấu ăn thực dưỡng về. Tôi nghe đông đông tây tây thấy hơi kỳ cái tiết mục thực đơn giảm béo đó, nhưng cái thông tin lớp học thực dưỡng thì có nhiều phần hấp dẫn.

Có lẽ, tình yêu với ngũ cốc, với rau củ cuối cùng cũng rón rén đến gần tôi :-)))

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

những ngày lạ kỳ

(1)

Tôi rời khỏi nhà đến chỗ BJ để nhờ giúp một việc với lời hứa đổi lại là một bữa trưa gọn nhẹ tự làm. Mưa ồn ào, cái dù to lâu ngày không dùng, chỉ khẽ chạm vào thân cây bên đường thì ngúng nguẩy cụp đánh rụp. Tôi loay hoay mãi mới căng dù lại được, hết nhìn đường phía trước lại ngoái lùi phía sau, chỉ chừng năm chục bước chân là có thể mở khóa cổng thay cây dù mới nhưng như thế hóa ra là tôi "bạc bẽo" với món đồ, và hơn nữa lý do chính to đùng là tôi lười quay lại, nên cuối cùng là đi tiếp trong mưa.

Xe bus chỉ sang nửa đường Hoàng Hoa Thám thì chẳng có bất cứ dấu hiệu gì của nước Trời. Tôi khoái chí vô cùng khi nhìn thấy cái biển to xin lỗi đã làm phiền ở công trường của cơ quan Chính phủ. Nó có thể chẳng thực có ý nghĩa gì với nhiều người, nhưng với tôi ít nhất thì cũng là "hợp chuẩn".

(2)

Lúc rời nhà, tôi bỏ ý định ban đầu qua chợ dân sinh tiểu khu kiếm đồ nấu bữa trưa. Kế hoạch mới là xong việc thì gạ gẫm chủ nhà hoặc gọi đồ ăn tới, hoặc trông chừng trời mưa không quá lớn thì đội ô đi tìm cái gì đó nhét vô bao tử. Nhưng giờ trời cao cao xanh xanh tươi đẹp vô cùng thì hóa ra tôi là đứa nói dối à. Thế là có màn vào thăm bác Tôm, rồi khi ra là túi xách lịch kịch mỗi thứ một chút.

Bữa trưa đúng tinh thần nấu chậm, ăn uống và trò chuyện cũng chậm. Sau ăn là màn trà nước. Tôi xui chủ nhà trộn trà mạn Chính Thái với trà xanh xứ Đài và trà Nhật vị hoa anh đào của nhà trà thành Firenze. Với BJ là thất bại thảm hại. Với tôi là món fusion điên khùng và vui vẻ sau những ngày mưa dài giờ tưng bừng chút nắng.

(3)

họ hàng với nhẫn Mahākāla hộ trì của tôi, đã từng có nó trong vài giờ
Tôi chưa khỏi hẳn ốm, đầu óc vẫn lãng đãng, chỉ đến khi nghe gia chủ tám chuyện, rằng đang tính làm như đã qua đời và gọi tay chuyên nghiệp tổ chức thanh lý đồ vật để tống tháo đống đồ thừa thì mới tỉnh táo. Kinh nghiệm tích trữ của tôi không ít, làm khách ở NL cũng đã từng nên thay vì động viên có đứa xỏ xiên bảo, cứ yên tâm là còn khướt mới có chuyện đấy.

Chắc vì cay cú cái câu đáp đó của tôi, đến lúc tôi trêu chọc, đây này muốn tối giản tại sao phải có hai  ba cái cốc uống trà, tại sao phải có đến mấy loại trà, mấy loại cafe thì chủ nhà mặt đỏ tía tai, nói y chang kiểu của tôi, thì tao thích thế. Sau còn bồi thêm, ở nhà mày có đến hơn trăm cái cốc, mấy chục loại trà và cafe, vậy thì là thế nào. Con giời ngẩn người, hóa ra người ta nói đúng.

(4)

Bạn kể chuyện ở bên kia mưa to, đường ống vỡ, cả kho hàng ướt, giờ ôm đống rác. Tôi viết lại một cái note nhỏ an ủi, kể cho TL, nó chạy ra ngó email rồi lầm bầm, đúng là số gặp hạn thì tránh kiểu gì cũng không xong.

Tôi chợt nhớ mấy tháng trước bạn than phiền năm nay coi chừng có chuyện không được tốt lắm. Chắc là cái chuyện này.

Nếu tính tuổi thì tôi cũng phải có chuyện không tốt. Tự mình thật thà và tự giác, coi như cái thành tích nếu không phải là thường xuyên ốm hay ngã thì là liên tục va chạm các ngạnh cửa khắp nhà từ đầu năm tới giờ. Mà thực nếu được vậy đối với tôi là đại phước.

(5)

Hôm nay tôi khám phá ra một blog nấu ăn mới, cho các món Nhật, tên rất dễ thương Just One Cookbook.

(6)

Hôm nay, tôi nghĩ nghiêm túc thêm một chút về chuyện có thể cho đi hầu hết sách bếp núc đã sưu tầm. Kiểu như cho một quán cafe thích chuyện ăn uống hay một trung tâm dạy nấu ăn chi chi đó.

Nhiều năm trước, trong mấy thùng sách tôi tặng hội phụ nữ phường, có không ít cuốn về các công thức món Việt Nam. Nhưng hình như trước khi sách đến thư viện cộng đồng thì đã được phân loại một phần cho vài cá nhân. Đó là lý do tôi không muốn tìm cái hội đàn bà kia nữa.

(7)

Tối nay, sau một cú điện thoại ầm ĩ gần cả giờ đồng hồ, tôi càng hiểu rõ hơn cái lẽ vô thường của cuộc đời, của các giao tiếp xã hội, của các đồ vật, từ món tầm thường tưởng chừng vô hình nhưng lại thực là món rác nhà cho tới những sở hữu to bạc tỷ.

Cuộc sống cứ yên lặng trôi, theo một cách vừa đủ, với những đồ vật thật lành, với thời gian thong thả dành cho nuôi dưỡng mầm an trong tâm - thân - trí, với những tiếng cười vô tư thoát sâu từ lồng ngực khi ở cạnh những người thân yêu, với chút xa xỉ của một ấm trà ngon và một cuốn sách hay... thế hẳn là tốt, phải không nào! 

TL du ký - bạn nghĩ là người nuer, tôi nghĩ ai cũng đẹp

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

bắc ninh 8.7.2017

được làm theo ý của mẹ, để hoa leo trèo...

hoa xin từ ông cựu lãnh đạo thôn

cây đào cũ lìa đời, hết ám ảnh cớm nắng và khoảng trống giờ dành cho hoa

thanh long đỏ vẫn vui tính và hào phóng

hết đậu là ngô

sen nước năm nay ngúng nguẩy sớm tàn - còn lại lơ thơ mấy em sen "cạn"

lá sả từ vườn bắc ninh mang về làm trà - giờ thành cắm lọ

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

back to the island

(1)

Trên xe bus số 2 hôm trước có một màn rất kỳ cục. Ông tài và ông phụ cho bà con nghe Leon và Mary Russell. Bạn đường của tôi gật gù, nhất định sẽ đi xe bus số 2 nữa. Tôi cười méo mó, có biết mỗi ngày có biết bao cái bus số 2 và biết bao cặp đôi tài-phụ không mà đi :-)

(2)

Bạn cfitaire gọi điện, tôi kiểm tra thông tin rồi gọi lại hẹn ăn trưa. Gặp nó, tôi hỏi có phải từ Tết giờ mới gặp lại không, nó vanh vách lần cuối là ở quán Chị Lan. Đầu óc tôi rối đặc, chỉ nhớ không biết bao lần gọi và nhắn tin qua lại rồi đều là hẹn trượt với nó. Tôi mang cho bạn một túi sách, có Cửu Bả Đao tôi thích sau khi đọc Cà phê đợi một người, mấy cuốn sách lịch sử văn hóa xứ Nam và Phật giáo chi chi, riêng truyện vụ án của mấy tác giả Nhật tôi nâng lên hạ xuống chán chê rồi cuối cùng vẫn là tiếc rẻ giữ lại.

(3)

Giữa buổi trị liệu, cô chăm sóc xin phép dừng tay nghe điện. Xong rồi quay lại công việc, đầu tiên là thút thít, thoáng chốc thành khóc òa. Tôi nhớ trước khi bắt đầu, chúng tôi tán gẫu về cái sự độc ác của thời tiết làm thân người đau nhức và con bé có nói bố em vào viện từ mấy ngày hôm nay. Hỏi thăm thì là chuyện mẹ gọi điện báo con gái bác sĩ hội chẩn kết luận bố ung thư phổi giai đoạn cuối. Con bé khóc, nó bảo bố mẹ em cả đời vất vả, vừa mới bán đất cát đang nghĩ được hưởng sung sướng. Tôi nhớ những màn tối tăm khi nhà mình có chuyện, chỉ biết nói lại đại ý, cố gắng bình tĩnh rồi chọn thái độ thích hợp với người bệnh, với việc nhà.

Cho tới giờ tôi vẫn không thể nào chịu đựng được bệnh viện. Không phải vì sợ cái sự sống chết ở đấy, sợ ám ảnh ma quỷ bám víu ở đó, Mà là cảm giác bất lực, cái sự đằng đẵng không có hồi kết của những động tác chăm sóc lặp đi lặp lại, và nhất là trạng thái căng đầy mong manh của sự chịu đựng.

Thường tôi thấy một người ngã bệnh, ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu bà con chạy phầm phập tới thăm, mặt mày nghiêm trọng hỏi han, lời khuyên này nọ các kiểu bay tán loạn. Nhưng rồi sau cái màn ồn ào đó chỉ còn lại một đám nhỏ người trong cuộc, nhẫn nại chịu đựng, nhẫn nại gặm nhấm thời gian của ngày, của tuần, của tháng trong phòng bệnh. Và chờ một cái kết hên xui kiểu năm mươi năm mươi trong không ít trường hợp.

(4)

Cả tuần chạy việc giấy tờ theo các hẹn trước, ngày của tôi bị bằm nhỏ, sáng rời nhà lơ mơ buồn ngủ, tối về mệt bã người, nhà cần dọn, quần áo cần giặt, cây cần trồng, tất cả đều ở trạng thái treo.

Sáng thứ Sáu tôi có thể thở phào xong một đoạn việc. Trước khi phải nghĩ tiếp làm gì với các giấy tờ cần công chứng, hồ sơ cần chuẩn bị, bài luận cần nét touche cuối cùng thì ít nhất tôi cũng có một buổi sáng yên tĩnh ở nhà.

Tôi làm những việc đã thành routine, ngồi im không ngọ nguậy mấy phút thả lỏng tâm thân, thắp nhang cho ban thờ, châm bình cafe, quét sân vườn, phơi phóng chỗ quần áo còn chưa khô hẳn, phân loại màu quần áo dơ rồi cho chạy máy giặt, tra mạng tìm địa chỉ sửa khóa kéo cho túi aunts and uncles thủy chung của mình, để sẵn đám hộp nhựa gửi cho bạn để trữ đồ.

Cái sự chỉ có một mình, không mở miệng nói lấy một từ, từ tốn việc này sau việc kia, đối với tôi đôi khi đáng được coi là một sự xa xỉ thay vì việc nhà tẻ ngắt, nhất là sau cả mấy tuần dài chạy cả đống việc thủ tục bằng cả mười năm cộng dồn kia :-)))

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

cá chép, ngữ yên gã ăn rong (2) và quốc bảo tuổi 50

Đầu tháng Bảy lịch trên, tôi một màn hoành tráng, phóng túng với cái ví tiền vốn lép xẹp của mình bằng việc chui vào tiệm sách Cá chép trên phố Nguyễn Thái Học nhân dư dả thời gian trước cuộc hẹn ăn trưa ở Ren.

Sách phong phú, nhân viên khéo, kết quả tôi rời đi với cái thẻ khách hàng và ý nghĩa hẳn sẽ sớm quay lại thăm thú tiếp.

Cá chép, tôi cuối cùng đã tìm được Người ăn rong (2) của Ngữ Yên, và thêm nữa vô tình nhìn ra cuốn sách mới ra của "thần tượng", với tư cách người viết lách chứ không phải nhạc sĩ, Quốc Bảo của mình.

Sách Ngữ Yên y chang sách lậu, xấu mù; các trang sách được dàn và cách dòng như thể cố chạy cho đủ số trang bắt buộc, lưa tha lưa thưa, khiến mắt nhìn rất nhọc. Nhưng nội dung thì hẳn là miễn chê rồi. Có một thời tôi rất chăm chỉ đọc bài của tác giả này trên tờ Sài Gòn tiếp thị, sau là Thế giới tiếp thị, thậm chí có không ít lần còn ghi notes với ý định sẽ mần thử cái này cái nọ khi có dịp xuôi Nam. Vấn đề là tôi ít khi rời Hà Nội và nếu thấy mình ở Sài Gòn thì thường là hấp ta hấp tấp nên cuối cùng bỏ tiệt cái ý định nhất thời đó. Dù vậy, đọc và thích tác giả Ngữ Yên thì đã thành một thói quen.

Quốc Bảo như mọi khi làm sách đẹp. Tôi cho tới giờ giỏi lắm thì phụt ra khỏi miệng được tên hai hoặc ba bài hát của nhạc sĩ này. Nhưng thích người viết Quốc Bảo, từ trên blog một thời tới các trang sách xuất bản, thì tôi có thừa. Thích đến mức có dạo cả M và TL không ngừng trêu đùa tôi, thậm chí D cũng có lần mắt tròn mắt dzẹt bảo tôi, kỳ thật, có thấy cưng đặc biệt thích cái gì hay thích ai đâu. Tôi chỉ biết cười cười, coi như một dạng chấp niệm đi. Tôi luôn nghĩ, trong một đoạn thời gian nhất định, khi tôi tưởng mình chết ngạt trong mớ diễn ngôn hỗn độn, tối tăm của cái thế giới làm nghề bé mọn và độc ác, chính việc đọc Quốc Bảo đã đem lại cho tôi một cảm nhận mới về ngôn ngữ, về cuộc sống. Sau này, khi đã bình tĩnh, tôi có cái nhìn hợp lý hơn về cái thế giới mà tôi thuộc về phần nào, mà tôi can dự phần nào, đủ hợp lý để nhìn ra cả những mảng màu tươi đẹp và rực rỡ của nó. Nhưng vào thời điểm mấu chốt, khi sự chán nản ngự trị và thao túng gần như trọn vẹn các ngày sống và làm việc của tôi, đọc Quốc Bảo giống như mở ra một lối thoát. Tôi thấy mình dần dần bớt hung hăng, yên lặng hơn, chậm rãi hơn.

Giờ ai hỏi tôi thích cái gì, thích ai, tôi hẳn sẽ cười toác miệng, chờ nghĩ chút. Bất luận dù thế nào thì như một thói quen kéo dài, như một niềm vui nhỏ lấp lánh bất tận, tôi vui vẻ đọc các tác giả yêu thích một thời và đến giờ vẫn là tiếp tục yêu thích, một cách vô tư, vô điều kiện, tự nhiên như thế!

mỳ soba trà xanh trộn thịt vịt xông khói

Không có quả chanh vàng, cũng không nốt trái tranh xanh vị lime, loại chanh không hạt của miền Nam. Không cầu kỳ dùng mirin, cũng không nốt nước tương loại này loại nọ của Nhật. Tôi có củ gừng ta thân chắc và vị gắt đậm đà khác với giống gừng lai củ mập mạp mềm xộp và vị dịu. Tôi có túi ớt thu hoạch từ vườn nhà Bắc Ninh, cay xè và đảm bảo sạch. Rồi thêm nữa là mấy nhánh hành tươi cùng đám rau thơm và mùi ta đã làm sạch để trong hộp bảo quản. Và tất nhiên là nước tương Phú Sĩ hơn mươi ngàn đồng một chai nhỡ mua ở siêu thị gần nhà, túi mỳ soba trà xanh bóc dở và miếng vịt xông khói nhà Thành Long.

Món làm siêu nhanh, đơn giản và ăn vui vẻ. Các sợi mỳ vị trà xanh chắc, đậm đà ngấm với nước trộn được bổ túc thêm vị khói thoang thoảng của các lát thịt vịt siêu mỏng và thơm gia vị rau.

- Luộc mỳ, khi luộc cho mấy giọt dầu mè. Mỳ chín trút ra cái vá, sau để vào bát ngâm một hai phút nước lọc để mỳ nguội, rồi quay lại vớt ra vá cho ráo nước.
- Nước trộn: nước tương Phú Sĩ, gừng nạo, ớt thái lát, hành hoa thái mỏng cả phần thân trắng và lá xanh, đường nâu, dầu mè, nước cốt chanh.
- Thịt vịt thái lát mỏng, chảo để lửa to và thật nóng thì cho vào đảo nhanh tay chưa đến một phút thì tắt bếp, đảm bảo sao thịt nóng tới và thơm vị xông khói đặc trưng.
- Mùi ta và thơm thái rối.

Kiếm đĩa sâu lòng, trộn mỳ với nước trộn, bày cạnh có rau gia vị và thịt vịt. Ăn thì a lô xô trộn đều thêm lần nữa.

Càng ngày tôi càng được thuyết phục là gia vị chỉ cần thoang thoảng hay vừa đủ, đừng vì chấp vị hay tham lam mà cho quá thành ra bão hòa, thừa mứa và loạn vị. Thêm nữa, và điều này thật vô cùng hợp với đứa siêu ki-bo là tôi đây, không phải tệ khi giương cao tinh thần "có gì mần nấy". Nói cách khác, tùy tình huống, tùy hoàn cảnh, trong bếp có gì thì ta suy nghĩ chút rồi chịu khó mần món bất-quy-tắc chứ không phải chấp bám vào một công thức rằng thì là mà dứt khoát phải thế này hay thế khác.

Tất nhiên là bếp chuẩn trong dịp này dịp nọ vẫn là điều cần thiết, nhưng cho ngày thường, đơn giản chút tự dưng lại phát hiện ra, chà, ta vẫn sống vui và nhẹ nhõm như thường, rằng hóa ra cái đạo nấu ăn và cái đạo sống chẳng hề là hai món tách biệt :-)))

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

rồi chúng ta đều [sẽ] thay đổi?

(1)

Tổng kết tháng Sáu lịch trên, tiến độ cai latte uống ngoài vô cùng đáng khen, đồ vải không mua mới bất cứ món nào, nhiều cuốn sách và mấy món váy áo được cho đi, còn tối nay tôi cuối cùng đã làm được một việc "vĩ đại": cho vào túi rác và vứt bỏ một cái thân trái bầu khô bị mất một góc và một ống tre vốn lấy từ nhà ở Bắc Ninh với suy nghĩ có ngày sẽ làm món trang trí chi chi. Thêm một lần nữa, tôi tiếp tục được thuyết phục là cái số "bần-tiện" của tôi chẳng thể trách Ông Giời hay phúc đức các Cụ tổ tiên được chừng nào tôi vẫn khư khư giữ rác trong nhà, ngoài vườn như thế này :-(

Tháng Sáu sức khỏe không tốt. Mất ngủ, ngã oạch, các cơn đau, và nhất là mấy ngày mưa xầm xì giả ngốc tôi thực sự mang cái đầu đen kịt đầy những suy nghĩ bi quan và bế tắc. Tôi không hoảng hốt, đơn giản là bình tĩnh sống chúng, những cảm giác lúc mơ hồ lúc sôi sục này, và chờ chúng tan biến.

vui thú mới, sưu tầm các loại bột nâu nhè nhẹ
Tháng Sáu không tiến bộ là mấy với luận án. Bù lại chuyện thi cử ngoại ngữ điều kiện đã xong. Giấy tờ quan trọng cũng đã làm.

(2)

Tôi ngồi trong một phòng họp chuyên môn, bên cạnh và đối diện là những khuôn mặt nghiêm túc phi thường. Chuyên gia thứ nhất, rồi chuyên gia thứ hai đưa ra các ý kiến bình luận và góp ý. Đến lượt được phát biểu, tôi nhăn nhở cám ơn, thật thà bảo có mặt ở đây còn căng thẳng hơn bảo vệ cái luận văn thạc sỹ.

Các quý chuyên gia không quá khách sáo, thậm chí là dễ mến. Vấn đề là tất cả đều y dạng ở một điểm, đều gợi ý phải đi từ cái công ước nổi tiếng và mấy cái báo cáo mới nhất của bọn quan liêu quốc tế về chị em để dựng ra một đề cương. Tôi khiếp sợ trước thái độ khiếp sợ lý thuyết của họ, rồi kế tiếp là khiếp sợ cái khả năng ngoại giao đột xuất phi thường và cả chút hèn mọn của bản thân.

Cả hai quý chuyên gia đều tự hào về sự nghiệp tập huấn cho bình đẳng và tiến bộ của chị em. Một vị còn là quản lý cao cấp vui vẻ chia sẻ rằng vẫn đang nhận đều nguồn tài lực khổng lồ cho sự nghiệp nghiên cứu của mình. Tôi nghĩ đến những người đàn bà nghèo lếch thếch cả ngày trên đường bán quả, tính toán từ tiền nghìn đồng chi cho bữa trưa, miếng nước, viên than tổ ong nấu bữa tối và những sảnh hào nhoáng, nơi các nữ thủ lãnh sặc sỡ váy áo hoành tráng tụng ca mớ thành tựu tiến bộ của đàn bà.

Tôi bất đắc dĩ bị ấn cái chuyên môn cũng như bất đắc dĩ đi theo cái nghề hiện tại, nói chính xác là chúng chọn tôi chứ không phải là ngược lại. Gần hai chục năm nay, tôi cố tình lờ tịt thực tế này. Nhưng giờ, thi thoảng tôi bắt đầu ngẫm nghĩ, bắt đầu tự hỏi, rốt cuộc tôi đang làm cái quái gì thế này.

(3)

Cuối tháng, tôi ra ngoài chút với một người quen. Thú vui vô cùng lớn khi đó là chỉ bất kỳ một nữ nhân trên đường và bảo, này nhé váy xống phong cách này, giày túi nhãn mác kia, nghề nghiệp thì hẳn là... Người kia trố mắt, mày biết à. Ậm ừ, ấy là tao đoán thế.

Mấy tháng trước TL nhờ TA mua giày tập New Balance, sau bạn bảo, biết đến cái mác này thì khi ra đường thấy mười thằng phải có đến bảy, tám đi cái loại này. Tôi nghe chuyện phì cười. Nhưng trải nghiệm đổi mới bản thân thời gian qua với tôi cũng chẳng khác là mấy. Tự dưng có trò soi mói, ngó nghiêng và nhận biết. Rất kỳ, rất kỳ cục, rất trẻ con, nhưng mà vui chút thì đã sao :-)

Kể chuyện cho D, ông anh bảo, cứ tiếp tục crazy đi nhưng đừng quên luận án.

(4)

Đường Phan Đình Phùng hay có đám quý bà quý cô váy áo uốn éo tạo dáng chụp ảnh nghệ thuật. Tôi đi qua tiện miệng bảo người ngồi sau, dứt khoát tao sẽ may áo dài và chụp một cái ảnh để đời.

Người kia bảo, mày có biết câu When pigs fly không. Sau tôi kể chuyện cho D, ông anh bảo ai mà biết được, nhưng nhớ phải xong luận án cái đã.

(5)

Vậy đấy, tháng Sáu đau đớn thân người, nhố nhăng cái đầu óc, một chốc lát ý thức dấn thân, một chút cảm giác được chiều chuộng, những xa xỉ như vậy xem ra là đủ.

Cho tháng Bảy, tôi quay lại sự nghiệp học hành! Và tý toáy thử nghiệm các món mới thanh thanh đạm đạm :-)))

cánh gà rán ăn kèm sauce tiêu chua yuzu kosho

(1)

Rất nghiêm túc, Haichi đối với tôi giống như quán Chị Lan ở Hai Bà Trưng. Đồ ăn và thức uống xuất sắc, thức tỉnh cái dục vọng nơi bao tử của tôi? Không! Nhưng như một vui thú nhỏ, như một thói quen? Đúng!

Ngồi quầy sushi trên đường Xuân Diệu, một trong những món khoái khẩu của chúng tôi là cánh gà nướng vị sốt tiêu chua. Thực thì tôi và TL phải lòng món chấm này từ hồi biết đến các bạn há cảo nướng trên khay gang ở Ren, nhưng bắt đầu quan tâm và muốn được nó trong bếp nhà là ở Haichi sau khi thử món cánh gà nướng.

Cái sự thích thú ấy nó lớn đến mức có lần trong bữa trưa ăn theo setRen, TL giống một con nhóc được chiều thái quá, bảo em phục vụ cho một bát nhỏ món chấm này. Cô nhân viên ngạc nhiên hỏi chị ăn với gì thì con bé mặt vênh lên, chị thích. Nhà hàng khéo, chốc lát trước mặt chúng tôi đã là một phần sauce hết mực rộng rãi. Tôi lúc đầu hơi ngượng vì cái thái độ kia của cô em, nhưng chốc lát tay khua đũa khều lấy khều đề cái thứ hỗn hợp xanh ngả đen trước mặt, chua chua mặn mặn, thập phần thích thú.

Tôi hỏi cậu bé đứng quầy ở Haichi, nó chỉ cho một cái tên. Ghi ghi chép chép rất nghiêm túc, sau đó là mỗi khi tạt vào tiệm Nhật thì giở sổ, nheo mắt dò chữ và bắt đầu hỏi bản tiệm có hay không món chấm này. Các câu trả lời đều là không, và trong hầu hết trường hợp, nhân viên coi tiệm còn chẳng hiểu tôi đang nói về cái gì.

Ngày đẹp trời tôi mò ra trên mạng một địa chỉ chuyên đồ Nhật ở Hà Nội có bán nó, nhưng không tiện đường bus mà tôi lười chạy xe máy nên kế hoạch đi tìm mua coi như vứt xó. Sau có lần TL đi công tác Sài Gòn thì tính ra mua bán còn thuận lợi hơn, tôi gửi nó địa chỉ trang mạng bán thực phẩm Nhật, dặn cô em liên lạc đặt mua. Nó về Hà Nội với một đống thứ hay ho, nhưng hỏi sauce đâu thì trả lời, nhân viên rất nhiệt tình thông báo hàng sắp đáo hạn sử dụng nên khuyên chờ.

Cuối cùng thì bếp nhà cũng có nó, sau một đường vòng, mua qua mạng ở xứ Cờ Hoa rồi mang vác về Việt Nam :-)

(2)
đây cái lợi của quen biết và hợp cạ đánh chén :-)

Hôm qua tôi làm chơi món cánh gà rán để có lý do khui lọ sauce.

Cánh gà công nghiệp mua ở Fivimart dùng dao lách riêng ra phần tỏi dưới, cánh chính và cánh phụ để bề mặt tiếp xúc đều với mặt chảo chứ không lồng ngồng chỗ nóng chỗ nguội như khi để nguyên miếng to trong khay mua từ siêu thị; sau đó ướp với nước mirin + sake + dầu mè và chút muối cộng với dúm nhỏ bột ớt nhà làm chừng một giờ.

Chảo nóng láng xíu dầu thì cho cánh gà cùng hỗn hợp nước ướp vào rồi đậy vung, để nhỏ lửa cho cánh gà từ từ chín theo lối om-braise. Để ý canh món để lật các miếng thịt gà cho hai phần chín đều. Chừng món trong chảo bắt đầu khô và thực cũng là chín thì mở vung, chỉnh lửa to và lật sao cho hai mặt đều ngả sang màu caramel óng mượt.

Thịt gà thành phẩm ăn cay cay, đậm vừa phải, mềm phần thịt trong, hơi giòn và đậm phần da. Đại loại thế.

Các bạn này bày ra đĩa, trét nhẹ tay sauce lên bề mặt. Còn lại, chuẩn bị bát nhỏ đựng thêm một sêu thức chấm cho kẻ tham ăn.

Món này ăn vã chơi đầu bữa là khỏe nhất :-)))

(3) Note bổ sung cuối tháng 7 lịch trên: Nhanh gọn nhất là mua phần thịt lườn gà (đã lọc xương) ở tiệm Thành Long, rán mềm không một chút gia vị tẩm ướp nào, xong thì quệt sauce ăn nóng - ăn vã chơi.