Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

trám trắng kho xương

trám trắng kho xương, kém đẹp nhưng ngon
(1)

Trám trắng ngon nhất là kho cá, và nếu là cá diếc tránh mùa bụng ễnh trứng thì là siêu tuyệt. 

Không có cá diếc gầy, cá diếc béo thì cá khác được vời giao lưu cùng trám trắng trong nồi kho cũng có thể tính là ổn.

Cá kho trám hay trám kho cá, gọi tên là vậy nhưng không nên thiếu mấy bạn ba rọi/ba chỉ. Thịt có béo thơm của mỡ, ngọt đậm của nạc và dẻo dai của bì, ngấm đủ vị đủ hương từ trám qua cá, ăn ngon chẳng kém gì hai nhân vật chính kia. 

Cầu kỳ hơn nữa, tôi không phải là nghe một lần duy nhất từ U nhà mình, nồi kho đó dùng tới nước ninh xương, đặng tăng phần ngọt cho món.

Kho cá nồi đất hay nồi gang, mà có khi tiện tay là nồi inox, quan trọng chuyện củi lửa một phần - nhiệt nóng của củi, của trấu hay của ga hoặc điện tất có phần khác biệt, mà chẳng kém còn là đoạn dài thời gian. Cứ phải là kiên nhẫn. Cứ phải là kiên trì. Lom rom cái nồi kho lửa vừa tầm mới đảm bảo có thịt cá khô chắc nịch, thịt quả trám tựu đủ các phẩm khô chắc lẫn mềm dẻo.

(2)

Lý tưởng là vậy.

Nhưng nếu hoàn cảnh không thuận lợi thì chuyện gì có thể xảy ra?

À, là món trám kho xương. Xương heo. 

Và kho trong cái nồi nấu chậm. Lì rì nồi làm việc xuyên đêm.

Món ra xem chừng hơi quá "lửa". Về nhan sắc có thể coi là kém. 

Nhưng đến đoạn ăn, TL hoàn toàn có thể tự hào, con gái đã đạt được không chín thì cũng là tám phần độ chuẩn nồi kho của Mẹ.

(3)

Sự nấu là vậy. Đến sự ăn, món trám trắng kho xương này không thiếu phần đặc biệt.

Nồi kho bếp nhà của Mẹ, các con chén tuốt tuột, chén mĩ mãn từ cá qua trám tới thịt. Rồi đến mấy trái ớt trong nồi kho bùi bùi, cay cay, dẻo dẻo, các con cũng chẳng tha.

Sang nồi trám kho xương, không tính rón rén chút ớt cay bên cạnh thì thức mặn chính chỉ có duy nhất trám :-)

táo đỏ tân cương

phải qua hồi cọ rửa chúng em đây mới hồi nhan sắc
có bóng, có đỏ nhưng các nếp nhăn thì không sao che đậy :-)
Rất nhiều năm về trước, có một lần ở nhà ông cố Tàu, tôi nhìn thấy đĩa trái táo khô. Khác quả táo Tàu trong hộp mứt quắt queo và đen, những trái táo khô này có tông màu nằm giữa hai sắc đỏ và đen. Thêm nữa là chúng không quá ư nhăn nhúm như bọn táo quả trong gói mứt Tết. Tôi thắc mắc thì được ông cụ già giải thích, đây là táo khô làm thuốc và cũng có thể dùng cho nấu nướng. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về táo Tàu (chân chính xuất xứ Trung Quốc) mà không phải táo Tàu (trong hộp mứt).

Ở chợ của người Á, người Hoa bên nước Mỹ, tôi thi thoảng nhìn thấy túi, gói hay lọ táo Tàu. Quả có đỏ, có đỏ ngả đen. Và nói chung là đều ít nhiều nhăn nhó đăm chiêu. Tôi không mua chúng vì lúc đó thực chẳng có nhu cầu cũng như hiếu kỳ tìm hiểu.

Ở Việt Nam từ dăm năm trở lại đây có món nhập khẩu táo sấy khô xứ Hàn. Quả mọng mị, đỏ au, đỏ láng bóng. Quả đẹp bày trong hộp đẹp, thực tiện làm đồ biếu tặng, và ăn thì cũng thực là vui cái miệng. Tôi không thích mấy bạn này, nhưng nếu chúng ở trước mặt thì cũng rất chi là tự nhiên mà mau tay khều đưa miệng gặm nhấm. 

Đến ngày vui thú mấy món canh hầm bếp Hoa cũng như trà hoa quả (khô) thì tôi bắt đầu để ý bạn táo Tàu. Năm trước, con bé hàng xóm cũ mang cho một túi nhỏ các trái quả đỏ sậm và nhăn nhúm lem nhem như phủ bụi mốc. Nó bảo trông vậy mà chẳng phải vậy, đây là táo xịn, chỉ cần cọ rửa sạch sẽ là xinh trai đẹp gái liền. Táo đó trong các món nấu và pha nước uống đúng là siêu lợi hại. Mà ăn chơi như món mứt khô cũng ngon thực là ngon.

Năm nay, tôi không xin mà nhờ vả đặt mua. Túi bự được chuyển đến nhà, sau mấy bận lần khân, ngày đẹp trời, tôi rủ rê TL về khu nhà cũ để nhờ anh chủ tiệm hàng khô mà chúng tôi thi thoảng vẫn nhờ đóng túi hút chân không hàng hoá gửi đi Pháp xử lý bịch táo thành các túi nhỏ lưu trữ. 

Tôi bảo cô em đứng chờ lấy hàng, còn mình tranh thủ chạy đi đổ xăng cho xe máy. Loăng quăng tới lui một hồi, xăng chẳng mua được, tôi quay lại đón TL thì thấy cô em xua xua tay bảo, anh ý [chủ hàng khô] không đóng túi cho mình vì táo mốc hết rồi. Tôi định cự cãi nhưng thấy bản mặt dứt khoát thái độ của từ ông chủ tiệm tới chính cô em nhà mình, lại cộng với cái nhìn tò mò của hai chị gái đang mua hàng ở đó, thì ngán ngẩm phủi tay, vậy thì thôi.

Ở chợ Sapa hồi cuối hè tôi đi qua, táo đỏ khô Trung Quốc bày thành núi lớn núi nhỏ ở không ít sạp hàng. Cũng như táo Hàn, chúng đỏ, bóng, đẹp. Nhìn lại túi táo nhà mình, cứ như mốc a 🍎🍎🍎

một bà tham ăn nhìn tựa sách

Tôi mắt mũi tèm nhèm, nâng mí mắt nhìn tựa cuốn sách bày trên giá cao, đọc thành Thoái thực kỳ văn. Không dám rờ tay rút cuốn vì sợ làm đổ cả chồng sách, rón rén hỏi Mụ Hoa - bà chủ tiệm sách - Chị lấy em xem được không. Bà chủ nhanh nhẹn, Thoát thực ký văn. Lúc đó, tôi nhìn lại thật kỹ, Thoái thực ký văn.

Có hai lý do để tôi chú ý cuốn sách để trên giá cao. Nhà Nhã Nam làm sách uy tín, chỉ thấy họ coi như đã có một đảm bảo tốt. Thêm nữa là chữ thực trong tên sách, chẳng rõ có liên quan chi đến sự ăn, gây cho tôi chút tò mò. Còn lại, tôi không có bất cứ ý niệm to nhỏ nào về tác giả Trương Quốc Dụng.

Sách xuống giá và được chuyển qua tay tôi. À, không ăn không uống chi chi.

Theo giới thiệu ở bìa ngoài, Trương Quốc Dụng, một bậc danh thần thời Nguyễn, làm quan qua ba đời vua từ Minh Mạng qua Thiệu Trị tới Tự đức. Ông viết sách này, tựa sách hiểu là "ghi chép những điều nghe thấy khi nghỉ việc quan về nhà", lần lượt về các nhóm chủ đề phong vực, chế độ, nhân phẩm, cổ tích, trưng kỳ, tạp sự và vật loại. Bản dịch hoàn chỉnh sách được in lần này do Nhượng Lê dịch.

Không thoả mãn cái sự thèm ăn, tôi vẫn cứ là mua sách. Và thực hoan hỉ, thực có cảm giác "no" khi có một món quà "ngon" ở trong tầm mắt :-)

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

cầu nguyện

(1)

Lần đầu gặp vướng mắc hồ sơ, bạn đời lên lên xuống xuống với các tầng bậc của phẫn nộ, thất vọng và cả tự oán trách bản thân. Tôi thì sau hồi "điếng" người quay sang tự nhủ, số nó thế, chờ cái đận này qua.

Thời gian đó, tôi vừa có cảm giác ấm áp lại vừa thấy buồn cười trước phản ứng của mọi người xung quanh, từ nhà biển tới nhà rừng. Ở nhà biển, bà chủ tiệm Thái trong thành phố bảo tao sẽ cầu nguyện cho mày. Ông cha hàng xóm bảo, tao sẽ cầu nguyện cho mày. Lên núi rồi, cả đại gia đình hàng xóm, chúng tao sẽ cầu nguyện cho mày. Luôn luôn là cầu nguyện.

Cuối hè rồi, việc giấy tờ vẫn còn điểm cần giải quyết. Lúc đó, ông cha hàng xóm nhận biết tin thì viết email báo đang hành hương ở Châu Âu và ông sẽ cầu nguyện cho chúng tôi. Bà cụ già hàng xóm nhà núi cũng email thủ thỉ, tao sẽ cầu nguyện cho chúng mày. 

(2)

Hôm nay, buổi sáng ở Hà Nội và đêm muộn ở Hancock, ông lão nhà mình rủ rỉ kể thành tựu lao động của ngày là đốn cây, xẻ gỗ củi cho lò sưởi và chuyện kết thúc ngày lao động vinh quang bằng một bữa ra trò ở quán Mễ quen. 

Tôi hỏi thăm ông quản lý, thế là lại được nghe bạn đời kể, ông kia hỏi thăm việc của chúng tôi xong thì nói, hãy cầu nguyện và hãy vững tin Chúa sẽ đáp lời. 

(3)

Tôi không theo đạo Chúa cũng chẳng theo đạo Bụt. Nhưng tôi tin vào Ơn Trên! Và trong cuộc đời này, chí ít với riêng tôi, đừng có bao giờ khăng khăng đắc thắng kiểu vài anh ả bán hàng đa cấp cùng phát triển bản thân rằng thì là bạn là duy nhất, bạn là chủ nhân ông tuyệt đối cho/của cuộc đời của bạn. 

Tôi nghĩ và tin chúng ta sống trong mạng lưới đan xen của vô vàn yếu tố/tác nhân từ trong ra ngoài, từ gần tới xa, cả từ quá khứ lẫn của thì hiện tại. 

Tôi không muốn chìm đắm trong những cảm giác bất lực cùng phẫn nộ và hành hạ làm khổ lẫn nhau. Thay vào đó, điều tôi cố gắng làm và đang thấy là sự kiên nhẫn, sự biết ơn và cả cầu nguyện nữa!

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

nấu nước táo, mình pha trà cúc

(1)

Cúc hàm hương pha trà uống, đơn giản nhất là mấy nụ khô vô ấm, chêm nước, đợi chờ... và uống. 

Cầu kỳ hơn chút thì cạnh cúc có thêm nào câu kỳ tử, nào táo đỏ (khô). 

Mấy hôm nay nhân còn vài quả táo (tươi) Envy, tôi lười ăn thì chuyển sang tiết mục nấu nước pha trà cúc.

(2)

Táo đỏ tươi xắt lát dọc, kiểu bổ cau cùng táo đỏ khô được dùng dao khía vỡ thành mấy miếng rồi nữa là đôi ba mảnh quế, cho vô nồi với thật nhiều nước, đun tới khi lấm tấm bóng bọt đáy nồi báo sôi thì hạ lửa về liu riu. Cứ thế để nửa giờ hoặc hơn chút thời gian, cho nước đun đượm thơm vị và hương của mấy nguyên liệu trên.

Bình trà để vô nào cúc, nào câu kỳ tử rồi châm nước, nước đun táo-quế.

Và thưởng thức thôi hì 🌼🌼🌼

(3)

Hôm đầu đun nước táo khô và tươi, tôi "ngẫn" thế nào mà còn phóng mấy hạt đường phèn. Đến khi nước nấu được lấy pha trà, úi chà sao ngọt.

À hoá ra mình quên một điều, táo đỏ khô kia và câu kỳ tử, các bạn ý thực đã có bao ngọt!

Vậy nên, lần tiếp theo chào tạm biệt nhà đường :-)

nước táo-quế nấu lên để pha trà cúc

đây trà cúc cứ vậy mà pha, ẩu tả biếng nhác
với câu kỳ tử và táo đỏ (khô) nguyên quả

nhà biển sau hồi dọn dẹp

(1)

Mấy tuần trước lão Tiên sinh đón khách qua chơi là một gia đình người Hoa. Cô nhóc con út của gia đình đó nhìn nhà kêu sao bừa bộn vậy. Tôi nghe chuyện cười khơ khơ, quá đúng. 

Chẳng cần bạn đời gửi ảnh coi thư tín chất núi ở cửa trước nhà, tôi cũng đủ hình dung ra chỉ riêng căn bếp bừa bộn ra sao. 

Đó là chuyện ở trong nhà. 

(2)

Ngoài nhà xem ra còn tệ hơn.

Suốt thời gian sống ở nhà biển, dù tôi đã chăm chỉ giúp đỡ ông chủ nhà làm các việc dọn vườn thì thành tựu vẻ vang xem ra chỉ khuôn ở mấy vuông đất trồng hoa cỏ. Còn sang lối đường dẫn xe chạy và đỗ bên hông nhà thì tôi chịu.

Cả ở Mỹ lần ở Việt Nam, tôi thường xuyên nghe ông lão nhà mình bàn tính, để tìm một tay thợ vườn chuyên nghiệp.

(3)

Sau không biết bao lần ông chủ nhà lên kế hoạch thì cuối cùng thì cũng có vài bác thợ qua nhà giúp xử lý đám cỏ và cây bò lan.

Tôi nghe kể, có mấy hàng xóm đi dạo qua ra hiệu tán dương vì cuối cùng thì lớp cỏ ở mép hè đã được xử lý gọn gàng. Rồi lại nghe kể, trong nhóm thợ có một ông lái xe ngồi suốt trong xe khi những người khác dọn dẹp sân vườn. Hỏi ra mới biết ông này cả đời lái xe tải to. Giờ về hưu mà lại nhớ nghề thì làm tài xế cho nhóm thợ. Và ông bác có thể ngồi cả ngày trong cái xe tải nhỏ này mà không phiền chán. 

Tôi nghe chuyện này xong quay sang trêu đùa bạn đời rằng tuần tới ông có thể quay lại campus tiêu thời gian của ngày và ai hỏi thì ông bảo tôi nhớ trường nhớ lớp. Ông lão đáp lại, nhưng mà thế thì buồn chết đi được, tui đây còn khối việc cần làm. 



scallywage - lần trồng holly thứ n

bắc ninh 22.10.22

(1)

TL và Bố Mẹ có việc giấy tờ cần giải quyết. Anh họ qua nhà đón đưa mọi người đi lo chuyện. Hai cụ già và ông anh bàn bạc, phong bì bỏ bao nhiêu. Tôi nghe lỏm rồi chợt nổi máu bao đồng, đưa thế này ít, phải thêm đi. Thế là bị mắng, làm thế phá giá. Ừ nhỉ, còn nhiều nhân dân quê ta phải lo giấy tờ, cứ phóng tay thế không tốt. 

Từ nhà quê ra thành phố hay từ thành phố về nhà quê, chỗ nào cũng vậy, từ cơ quan trường sở đến chốn cửa quan, chuyện lót tay kín hay hở luôn là chuyện bình thường. Tôi chẳng quan tâm đến khía cạnh liêm chính hay đạo đức chi chi. Đơn giản, lấy việc nhiều hay ít, rồi lấy chuyện mình bị đòi theo lối tinh tế hay trắng trợn để mà cười hi hi ha ha, đời nó thế

Mà tính ra, so với bà cụ già nhà mình, tôi vẫn bị xem là âm lịch chán. Mẹ rất vui tính khi tổng kết thế này, cứ người dưng lại dễ làm việc, họ hàng con cháu gì cho nó loằng ngoằng. Túm lại là cái sự tổng kết xưa một người làm quan cả họ được nhờ giờ cần phải được điều chỉnh chút chút. Tỷ như thêm cái bị chú là được nhờ này chưa chắc đã là miễn phí nhá. 

(2)

Tôi trông nhà. 

Ra hiên ngồi kiếm chút nắng. Và đọc Georges Duby.

Có một chuyện rất thú vị là mỗi lần đọc ông cụ này, tôi luôn có một cảm giác vô cùng ấm áp.

ruộng hành

mẫu đơn trắng

chanh Mỹ - chanh vàng

cây bưởi

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

hancock cuối tháng 10

Tôi nhìn các bức hình bạn đời gửi, nhớ ông lão nhà mình là một chuyện, đồng thời có chút "ghen tị" với ông.

Lý do, làm trạch-lão-bà trong nhà căn hộ ở Hà Nội, tất cả những gì tôi nhìn thấy bên ngoài cửa sổ chỉ rặt một sắc xám đơn điệu và có chút phần u nản. 





Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

cây cà-ri

(1)

Cây cà-ri cụ kỵ được mang từ Úc về Việt Nam, trong một cái hộp đựng thức ăn. Anh bạn người Úc của TL được nhờ vả, ngày đẹp trời ông anh mang cho cô em cái hộp với cái cây con. Cả nhà nhìn thấy cười ngất. Sau chuyển sang trạng thái hồi hộp coi cây lớn.

Cây lớn mau ngoài sân vườn nhà Hà Nội. Ngoảnh đi ngoảnh lại không để ý, cây hoá thành cây to, cao, chắc, khoẻ. Hoa nở, quả đậu. Hạt rơi tứ tung thì lỗ mỗ các cây con hiện ra.

Ngày chúng tôi chuyển đi, TL tiếc rẻ, tìm được người để cho. Nghe nói phải thuê thầy thợ về đào, bứng và di chuyển cái cây to đó.

(2)

Một cây cà-ri cháu chắt được chúng tôi mang về Bắc Ninh nhờ bà cụ già để mắt.

Từ nó lại ra một đống chút chít. Và Mẹ thi thoảng lại phải dọn dẹp giành lại đất cho các cây trồng khác.

(3)

Em S kể chuyện có bà khách người Ấn Độ ngày về nước nghỉ lễ dặn đi dặn lại cách thức chăm cây cà-ri cùng lời cảnh bảo cây mà chết thì mày chết với tao. 

Tôi và TL nghe chuyện cười rũ. Cây này có mà sống chết mặc bay thì vẫn khò khò lớn mà. Lo gì cơ chứ.

(4)

Hôm trước về Bắc Ninh có việc. Thời gian khẩn trương, trước khi về chúng tôi quyết định mau, nhặt một cây cà-ri nhỏ về Hà Nội.

Ai hỏi, trồng nó ở nhà căn hộ có tác dụng gì, câu trả lời của tôi sẽ là không biết, hay chính xác hơn là nhất thời chưa nghĩ ra.

Nhưng có một cây cà-ri trong chậu và nhìn nó lớn mỗi ngày, hẳn cũng là một ý hay đi, nhể :-)

xăng

(1)

Tuần trước nữa, tôi cần đổ xăng. 

Qua liền ba điểm, sau khi nhìn thấy một biển tạm nghỉ và một biển hết xăng còn dầu, tôi mới gặp may ở cây xăng thứ ba. Mà đó là sau khi kiên nhẫn chờ, kiên nhẫn nhích xe từng bước một trong chừng một góc tư giờ đồng hồ.

Chuyện này được tôi đem ra kể với mọi người, cùng liên hệ về tình hình ở Sài Gòn. Ai dè bà con bảo vẫn mua xăng bình thường. Tôi đâm ra nghi hoặc bản thân. 

(2)

Tuần rồi, tôi cần đổ xăng.

Về khu nhà cũ để mua mấy thứ, tôi bảo TL chờ lấy đồ còn mình tranh thủ đi mua xăng. Điểm Hoàng Quốc Việt cạnh viên nghiên cứu nguyên tử gì đó, tôi thấy sừng sững hai xe bồn cùng một tiểu đội xe máy  lộn xộn, thôi bỏ. Chạy lên điểm Nguyễn Phong Sắc, hàng người dài vắt qua cả khối nhà cơ quan bên cạnh cây xăng, lại thôi bỏ.

Còn việc trong phố, tôi bàn tính với cô em, sẽ thử đi dọc Thuỵ Khuê xem thế nào. Nếu không mua được xăng thì việc để sau làm, mình quay về nhà cho nó lành. Chứ cứ loay hoay đi tìm chỗ đổ xăng thì xăng đâu chẳng thấy có khi lại thành xe dắt bộ chặng dài.

Qua cây xăng quen ở dốc Tam Đa, nhìn thấy hàng dài người dắt xe máy, tôi oải. Chưa kịp lên giây cót tinh thần cho bản thân trong việc xếp hàng đợi đến lượt thì tôi đã thấy người của cây xăng chạy ra cắt hàng với thông báo, hết xăng [cho những người vừa tới]. 

Đi lên cây xăng gần dốc La-pho, Ơn Trời, không có cái thông báo nào cả. Trong lúc đợi đến lượt, tôi đếm được đến cả chục lần xe ô-tô chạy vô đều bị từ chối, hết hàng rồi. Lúc ra khỏi điểm, TL nói với tôi thời gian đợi đổ xăng vừa rồi là chừng 20 phút. Xong rồi còn bồi thêm câu, thế vẫn là nhanh.

(3)

Tôi hỏi bạn lái xe quen vẫn đưa chúng tôi về Bắc Ninh, bạn này nói, vẫn mua bán bình thường mà. Sau mấy phút thì thêm câu, chỉ là có đông hơn bình thường.

Theo bạn lái xe, ở đâu không biết chứ Hà Nội thủ đô ta thì sao [Nhà nước] lại để khan xăng được. Ấy, chuyện này tôi không biết đúng sai với ai, chứ hai tuần liền vất vả cái sự mua xăng, đó thực là trải nghiệm của tôi a.

Tôi kể chuyện bi-hài mua xăng cho ông lão nhà mình, lão Tiên sinh hỏi luốn, thế là do hết tiền [Mỹ kim] nhập xăng à. Ấy, chuyện này tui không rõ. 

Nước Lào hết ngoại tệ nên có chuyện cảnh sát cầm súng trấn an - không phải trấn áp nhá - người dân. Chuyện này thì đúng là có thật a.

(4)

Mà quay lại chuyện cây xăng, xét về cái biểu tỏ thái độ cùng hành vi của các thủ trưởng bán xăng, thì đúng là hài lắm nhé.

Có vẻ khoái chí kiểu cho chúng mày chết của mấy cô cậu trẻ tuổi khi nhằm vào đám người đang phi vào hàng lối rằng thì là mà, hết [xăng] rồi.

Có vẻ mệt mỏi quá tải của hai nhân viên chạy sô với liền mỗi người là bốn cái vòi bơm, liên tục phải xê dịch từ bên này qua bên kia phục vụ đoàn người xếp hàng không có điểm dứt. 

(5)

Còn nhân dân đi mua xăng thì sao?

Tôi đã kinh qua ác mộng chuyến bay giải cứu, cách ly tập trung và sau đó là giãn cách xã hội. Nên chuyện xăng mua khó này, cho tới giờ tôi vẫn còn chịu đựng được. 

Nhìn ngó những khách mua xung quanh tôi, dường như mẫu số chung nổi bật không gì khác hơn là cam chịu.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

một luận án

hoá ra có những cái tên quen
Tôi kém khoản giao tiếp. Ông thầy già nói có trong tay luận án tiến sĩ của một vị ở Miền Nam trước năm [19]75 liên quan đến vấn đề nhà nước thế tục. Học trò bày tỏ mong muốn được mượn tài liệu đó, thầy bảo để mình tìm nhá. Cái để đó kéo dài liền tù tì có đến cả chục năm trời. Trong thời gian đó, tôi ngó đông ngó tây và hỏi han chỗ này chỗ nọ nhưng vì thông tin ban đầu mù mờ, cộng với cái duyên tôi kém nên tìm hoài chẳng thấy. Cũng trong thời gian đó, có em ra ý bảo tôi cần phải "sấn sổ" - đây là từ của tôi - xông pha thẳng đến nhà ông thầy, trèo lên tầng để sách mà lục lọi tìm kiếm. Cái này tôi ngại. Thế là tài liệu không mượn được, lại còn bị chê là kém mạnh bạo trong giao tiếp. 

Luận án từ giai đoạn bản thảo sơ khởi đến qua mấy vòng đánh giá thẩm tra kín kín hở hở đã bị biến dạng đến mức khó tin. Sau khi kết thúc cơn ác mộng này, tôi thậm chí không dám mở cái hộp lưu trữ để nhìn thành quả lao động bị cắt xẻo và tu chỉnh ngoài ý muốn của mình. Tôi giải quyết được một vấn đề mà đối với nhiều người là câu chuyện cơm áo gạo tiền. Đồng thời, tôi cũng biết, nếu có còn đôi chút sự hăng hái và nhiệt tình cùng vô tư trước chữ nghĩa ở đâu đó trong tôi thì giờ đã bắt đầu đến hồi suy kiệt. Thi thoảng, như một phép tự an ủi mang màu sắc AQ, tôi nghĩ nhớ về những năm qua, những lên xuống trong  đọc, viết và giải thích/tường trình và coi đó là niềm vui đích thực. Hơn là một cuốn bìa cứng đỏ choét cùng cái bằng cũng đỏ choét!

Hôm trước lò rò ra khỏi nhà đi ăn sinh nhật ông thầy. Trong đám học trò, có cậu bên khoa Sử. Không rõ trong mạch chuyện nào mà tôi nhắc đến cuốn luận án kia với sự tiếc nuối, rằng thì là mà đã bỏ lỡ việc đọc nó trong quá trình làm việc của mình. Cậu kia bảo, hình như em có. Tôi rón rén hỏi liệu có thể sao ké một bản không, rồi cẩn thận thêm câu, nếu không được cũng không sao, vì sách cũ sách quý mà. Cậu kia nhiệt tình, để tối về em chụp ảnh cái bìa, nếu đúng sách đó thì em gửi photo cho.

Hôm qua tôi lấy cuốn. Nghe anh chị quen ở hàng photo nói, sách này khó làm. Trở về nhà, tôi thêm một lần gửi tin nhắn trịnh trọng cám ơn người cho mượn sách. Sáng nay mở sách ngó nghiêng, hoan hoan hỉ hỉ tôi khoe với TL người có một ngày nghỉ ở nhà về tài liệu mới có được. Cô em bảo, đấy, cứ phải chịu khó đi ra ngoài, chịu khó giao tiếp với mọi người thì mới có sách chớ!

Ừ, thế thì từ giờ trở đi, mỗi khi ra ngoài, nhìn thấy con người, tôi sẽ nhe răng ra cười. Nhể!

ngắn gọn và giản dị vậy thôi
nói kém, đây là tôn trọng quan điểm cá nhân
nói đủ, tự do học thuật :-)

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

lạm phát

(1)

TL đi làm về, thì thào, ở Pháp người ta đang biểu tình.

Tôi hỏi, có vụ gì à.

Ừ, thì là chuyện giá cả leo thang mà chính phủ bị coi là chẳng làm gì đó.

(2)

Bạn đời trong cuộc trò chuyện qua điện thoại sáng nay than phiền với tôi về ba chuyện.

Thứ nhất là ông lão có một cái lỗ sâu to tướng ở giữa trán mà bác sĩ vẫn bảo, cứ yên tâm không sao đâu. Thứ hai là ông đang tích cực giảm cân nhưng nếu nội một tuần mà ông sụt đến hai ký thì thực là không bình thường. Và thứ ba là giá của bịch cafe ông quen mua giờ tăng gần gấp rưỡi.

Liệt kê đầy đủ các điều làm ông phiền não, ông lão nhà ta ngâm nga một câu cuối, chưa chắc là vấn đề sức khoẻ mà chính lạm phát sẽ hạ gục tui trước.

(3)

Tôi có thói quen ghi chép các khoản chi tiêu.

Đúng là cái gì cũng tăng thực. Và không ít món đúng là giá thành gấp rưỡi, thành gấp đôi.

Chỉ duy nhất một thứ không tăng, mà không những thế còn mất giá đến thảm thương. Thì đó là tui đây!

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

cuốn sách

Tôi kể với bạn, các Cha cứu rỗi tui hồi [Hà Nội] giãn cách. Bạn không hiểu. Thế là có một hồi giải thích. 

Nhân chuyện này mà TA gửi cho tôi cuốn sách.

Hoan hỉ :-)

chuyện nhà núi tháng mười

Tôi nghe bạn đời cập nhập tình hình nhà trên núi. Nhà để xe chỉ cần thêm cái cửa là có thể coi đã hoàn thiện. Cây mận lẻ loi năm nay có bạn mới, hy vọng hai cây hợp sức mau cho hoa và trái. 

Bạn nhỏ Roe xin ông chủ nhà trồng một vạt cỏ ba lá. Tôi hỏi, sao nó không trồng ở bên đất nhà nó vốn rộng thênh thang mà. Ông lão giải thích, nhưng trảng cỏ nhà mình rộng hơn, nhìn cỏ đẹp hơn. Nghe cũng có lý.

Có bác thợ được thuê đến cắt cỏ. Ông đang làm thì dừng xe vì con bé con phi từ trên núi xuống tay khua loạn xạ và hét hò ầm ĩ. Nó sợ ông thợ xẹt hết đám cỏ xinh đẹp của nó. May mà không sao. Giờ trời trở lạnh thì cỏ ba lá cũng đi tong. Chắc hè sang năm con nhóc sẽ thêm một lần xin phép trồng cỏ. 

hẹn gặp cỏ ba lá hè năm sau

tưởng rộng lại đã mau chật

mận giờ đã có đôi

miếng đồng từ bác thợ phố hàng đồng

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

củ cải khô nhà làm - phiên bản mau

củ cải khô tự làm: phơi sấy, sấy phơi
Từ đôi ba năm nay, chúng tôi không còn quà củ cải từ vườn nhà Bắc Ninh. Có hai lý do để Mẹ không trồng bạn rau củ này: đến kỳ thu hoạch, bỗng dưng có quá nhiều củ cải, ăn hoài không hết; củ cải tốt cho nhiều người, nhưng với người cần thận trọng về tuyến giáp thì quan hệ không còn cận thân. 

Cũng đôi ba năm nay, vì những sự dịch chuyển và việc nhà cần giải quyết, tôi bỏ qua luôn tiết mục kho củ cải (kiểu Nhật) hay ngâm củ cải-cà la thầu (bếp Hoa). Củ cải tươi có mua về mau thì làm món nạo và vắt khô rồi trộn chua ngọt ăn liền, lì rì thì thành củ cải khô phiên bản "nhanh" để làm thành củ cải muối ăn kèm rau luộc hay tô bún thang.

Củ cải khô làm mau đó ban đầu tôi chỉ đơn giản là cắt lát và phơi. Nhằm những ngày nắng to, kiên nhẫn phơi. Cho tới khi các lát củ cải héo quắt lại thì a-lê-hấp mình làm món thôi.

Đợt này, tôi có cách làm mới cho món củ cải phơi khô này. Củ cải nạo bỏ vỏ, thái lát đều tay, nói chung là đừng mỏng quá để sau củ cải khô óp đi là vừa. Xóc muối củ cải và để bên, nhanh thì 5-6 giờ đồng hồ; thong thả thì là để qua đêm. Sau đó nhẹ tay vắt ráo củ cải. Nhớ là trong toàn bộ quá trình này, tuyệt đối không để dính xíu nước [lã] nào.

Củ cải thái lát đã rút phần nào nước do trộn muối qua đêm giờ được bày ra nong/nia và phơi. Lý tưởng nhất là phơi chỗ thoáng gió và nắng vừa phải. Chừng củ cải đã ráo khô và ngót thêm một tầng nước nữa thì có thể cho vô lò sấy ở mức khoảng 70-80 độ C. Sau khoảng nửa giờ sấy thì lấy củ cải ra phơi tiếp. Chu trình cứ thế lặp đi lặp lại cho tới khi được các lát củ cải khô ưng ý thì thôi. 

Củ cải được cho vào túi/hộp kín và trữ trong tủ mát. Tốt nhất là sử dụng ngay trong một hai tuần kể từ khi được làm. 

Về chuyện xóc muối cho ngấm, đây là do tôi tự tiện làm theo thói quen khi chế biến mấy món dưa góp củ cải ăn liền hay trước đây là sơ chế củ cải để ngâm cà-la-thầu. Còn dùng tới máy sấy là do mới đây, nhân xem video hướng dẫn làm bún thang Hà Nội của nhà báo kiêm chủ bếp Mạc Lâm mà tôi áp dụng theo. Khác chăng với bác Chef này là bác làm món ăn liền, còn tôi thì lặp đi lặp lại chu trình phơi và sấy.

Từ củ cải phơi-sấy khô này, làm củ cải cà la thầu để ăn kèm bánh chưng rán, rau muống luộc hay bún thang thực rất mau và dễ:

- Củ cải khô được rửa rồi ngâm trong nước âm ấm cho tới khi trở mềm - chừng 15-20 phút; sau đó rửa kỹ thêm một lần và vắt kiệt.
- Bằm hay giã nhuyễn hỗn hợp tỏi và gừng rồi trộn với củ cải. 
- Thêm đường, dấm gạo và nước tương cùng ớt cay bằm hay thái mỏng. Với người thích vị ớt cay nổi trội thì có thể giã ớt cùng gừng-tỏi; nhưng trong trường hợp này món có nguy cơ mất đi vị hăng và thơm đặc trưng của gừng vốn là điểm nhấn trong món cà-la-thầu. 

Ngày trước tôi làm món củ cải cà-la-thầu muối mau từ củ cải tươi. Giờ, dù hơi lích kích, tôi thực thích làm cà-la-thầu từ củ cải phơi-sấy khô thế này.

Cũng phải nói thêm là món tự tay mình làm vừa cho cảm giác an toàn, lại vừa cho rất nhiều hoan hỉ trong suốt quá trình chế biến. 


bắt nắng, bắt gió
bắt đầu ráo rồi thành óp, ngót 

vô lò sấy thôi

salad bạch tuộc dưa leo

salad bạch tuộc dưa leo ngẫu hứng, với rau gia vị húng quế
(1)

Tôi nói có bạch tuộc và sẽ làm salad với dưa leo. TL nhắc, thế thì thêm rong biển nhé. Đến lúc làm món, tôi quên tiệt. Đĩa salad ra mâm rồi, TL nhắc thì tôi mới ồ à, thôi để lần sau. 

Không có rong biển, đĩa salad thành phẩm vẫn có thể coi là thành công. Và thêm một lần, tôi thấm cái ý làm bếp nhà cứ là nên thông thoáng phương châm có gì xài nấy và linh hoạt. 

(2)

- Bạch tuộc luộc chín thái lát mỏng.
- Hành tươi phần củ trắng được thái lát mỏng, xóc với xíu dấm gạo và xíu đường (bình thường tôi sẽ dùng hành tây nhưng bữa nay tiện có củ hành tươi thì xài luôn các bạn này).
- Dưa leo nạo bỏ phần lớn lớp vỏ, bổ dọc thân quả rồi thái lát chéo, sau đó xóc với chút muối để sang bên chừng mươi phút.
- Cối nhỏ nhận vài tép tỏi đập dập cùng một hai trái ớt cay, bổ túc xíu bột rong biển (thay cho đường), lại xíu bột gia vị (rất ít nhé, vì bản thân bạch tuộc đã đậm đà vị mặn của biển cùng dưa leo đã tiếp thu muối), rồi giã nhuyễn. 
- Chanh xanh không hạt - lime được vắt lấy nước cốt cho vào cối, trộn cùng gia vị vừa được giã nhuyễn và hỗn hợp paste đó được dùng để trộn bạch tuộc. 
- Vắt nhẹ tay dưa leo cho ráo kiệt nước rồi bày ra đĩa, để cạnh là hành xóc dấm. Nếu thích chua đậm thì có thể thêm vài giọt cốt chanh rồi trộn dưa với hành. Lại thêm bạch tuộc đã ngấm gia vị chua cay mặn ngọt vào. Trộn đều một lượt. 
- Mấy lá húng quế lấy từ vườn hiên được xắt rối gia nhập náo nhiệt đĩa salad, và thế là món hoàn thành, có thể ra mâm.

Tôi thích món salad bạch tuộc dưa leo làm ngẫu hứng này. TL cũng thích. Và xem ra, cả hai chị em chẳng còn quan tâm, đâu rồi rong biển :-)

salad bạch tuộc dưa leo
lý tưởng dùng dưa Anh, dưa Nhật thịt quả giòn và ít hạt
tạo chua tốt nhất là kết hợp hài hoà dấm gạo cùng nước cốt chanh
tạo ngọt bên cạnh đường có thể dùng bột rong biển

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

bắc ninh 15.10.22

lưới đánh cá cũ, xin về để chắn ao bèo
phơi vỏ tôm cua làm thức ăn cho gà
Đường về quê có vài cảnh hiếm hoi các thửa ruộng liền mạch giờ bắt đầu ngả sắc vàng. Mươi năm trước, tôi chạy xe máy với TL ngồi sau và lỉnh kỉnh ở cáng xe là đồ mang về quê hay rau cỏ xin từ vườn nhà Bắc Ninh, đi đi lại lại phần lớn là với đồng ruộng trải dài tầm mắt và làng mạc xa xa. Giờ thì là gì nếu không phải là phố, phố và phố. 

Trong cuộc trò chuyện mảnh đoạn với ông cụ già tai nghễnh ngãng, con gái hỏi và nghe một hồi thì biết là cuộc đua tranh giá đất xem ra đã đến đoạn hạ nhiệt. Thêm vào nữa, chuyện Bố nhắc và kể làm tôi thêm một lần cười phì. Đó là về dự án mở mang con đường du lịch tâm linh dọc theo đường đê, với rất nhiều điểm thờ cúng ngài Vua này, vị tướng nọ, hay một ông thầy đồ quốc dân trong lịch sử xa xôi của đất nước. 

Thời gian này, mỗi lần về thăm Bố Mẹ ở Bắc Ninh là một lần tôi nghiêm túc nghĩ về sự-già-đi. Hai cụ già đang già đi, và các con của hai cụ cũng đang già đi. Mẹ phàn nàn về chuyện Bố thích đi chơi thăm thú bằng hữu mà mắt kém tai điếc thì rất chi là nguy hiểm. Chưa kể thói người già nói nhiều, nói dai không khéo đến nhà người ta thành làm phiền. 

Nếu là chuyện này nghe được đôi năm trước, tôi hẳn sẽ "vào hùa", sẽ quay sang "nhắc nhở" ông cụ già. Nhưng giờ là gì? Con gái nhổ tóc sâu cho Mẹ, nghe chuyện xong thì cười khơ khơ, kệ đi Mẹ ơi. 

Thực thì không phải là kệ. Tôi rù rì, kể ra chân Mẹ không đau thì Mẹ chủ động đi chơi cùng Bố là tốt nhất, như thế có thể tính toán thời gian thăm viếng rồi hai cụ nhà ta cùng về nhà. Còn giờ chỉ mình Bố đi chơi sang làng trên xóm dưới thì trước khi Bố rời nhà, Mẹ nhắc thêm một lần về việc đi lại cẩn thận và canh thời gian về nhà là được. 

Tôi đã nghe và thậm chí là thấy cảnh ở thành phố con cái o bế cha mẹ mà vẫn cứ tự tin mình đây là vì các cụ. Có bao nhiêu trường hợp ông bà già gần như bị nhốt trong các căn hộ chung cư hay nhà ống suốt thời gian của ngày. Vì lý do có vẻ rất chính đáng mà con cái họ đưa ra, rằng các cụ ốm yếu đi lại khó khăn, rằng ngoài kia rặt bọn lừa đảo, vân vân và chi chi.

Ơn Giời, hai cụ già nhà mình ở góc nhà quê Bắc Ninh này vẫn chủ động và tự do trong thời gian sinh hoạt của mình. Thế là tốt rồi!

đường về quê, khi đồng ruộng trở nên hiếm

nắng khô giòn rụm

vụ rau mới

lỗi là ở cái lò: biện hộ cho một mẻ bánh hỏng

công thức 13 phút nướng, bếp trưởng tay mơ cẩn thận 17 phút
nghĩ hồi bánh sống, à 13 phút là cho khuôn bánh sò xinh xinh
Con gái cao hứng quyết định làm bánh mang về quê mời hai cụ già. Khuôn bánh sò không có, nhưng công thức thì chuẩn chỉ madelaine

Lúc chuẩn bị bột, nó đã ngờ ngợ. Tay yếu, cái phới đánh lại to, muốn bột mịn thực khó. Sang đến đoạn nướng bánh, lại thêm một hồi ngờ ngợ. Lò nướng là loại mini, đâu có chuẩn chỉn cận pờ-rồ như lò nướng ở nhà biển của lão Tiên sinh. 

Kết quả bánh nướng ra vẫn còn sống. Tôi hỏi TA làm thế nào, chờ chưa được trả lời của bạn, con giời nhanh nhảu xẻ bánh thành miếng nhỏ và cho lại vào lò nướng tiếp. 

Trông chừng không khéo, bánh bị nướng quá đà. Cả một góc nhà-bếp thơm mùi "cháy", còn các khối bánh nhỏ thì lấc cấc đen sì. 

Tôi gạt bỏ chỗ cháy đen đó đi, ơ kìa bánh giòn. Mang về khoe Mẹ con nướng bánh cháy, bà cụ già bảo, đậm vị bơ quá, cứng quá. Lại một cái ơ kìa, bánh sò thì phải thơm bơ rồi. Còn cứng thì là do chữa cháy a :-) 

Túm lại, tất cả là tại cái lò! (Dù thực trong dạ, biết rõ là do mình đây ẩu tả a!)

tay yếu, phới đánh bột lại to

khuôn bánh sò không có, ta đây chơi lớn

chữa cháy thành bánh cháy

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

nghe nói, hà nội là thành phố đáng sống

Từ ngày thành phố có ông đô trưởng mới, tôi nếu nghe được chuyện gì thì đa phần đều là xằng, là xuẩn.

Bỏ qua chuyện nói năng phải đạo - politically correct thì chẳng cần nghe hay nhìn ông này, bọn phàm-thị-dân chỉ cần chằm chằm nhìn chính cái thành phố này vào mỗi ngày trong một đoạn thời gian vài tháng đến đôi năm là đủ biết năng lực cùng phẩm chất của kẻ đang ngồi trong khối nhà được ban danh hiệu "máy chém".

theo kỳ cuộc - tinh thần thể dục thủ đô

cột điện này muốn đi đâu ta

hướng một tương lai đẹp đẽ

bụng cá ngừ việt nam: áp chảo với tiêu-gừng-hành và đượm vị nước tương

bụng cá ngừ áp chảo - chờ lấy ra đĩa
Peking-Tokyo, có một món bạn đánh chén đặc biệt yêu thích, lần nào cũng gọi, là tuna toro. Tôi hiểu đó là phần thịt bụng của cá ngừ. Ăn ngon, beo béo. Dù không thích cá ngừ, nhưng phần này của con cá, tôi thích!

Hôm qua nhìn thấy khay bụng cá ngừ Việt Nam trong siêu thị Nhật, tôi nhặt đại với ý định làm món mỳ soba trộn, và thay vì mỳ soba lạnh với cá ngừ áp chảo thì là với bụng cá ngừ áp chảo.

TL gọi điện báo bỏ bữa tối, tôi tính toán làm món lách cách mà chỉ là đánh chén solo thì mất công nên bỏ qua các sợi mỳ. Rồi lại nghĩ lung tung, sao mình không thử làm khác đi.

Kết quả là một món bụng cá ngừ áp chảo vui vẻ, tính ra không phải là quá tệ!

- Chảo làm nóng, láng xíu dầu olive và đảo mau mấy lát hành tây lấy thơm. Hành sém mặt thì lấy ra để riêng. Dùng chảo để áp cá.
- Cá áp chảo mỗi mặt từ 3-4 phút, tuỳ kích cỡ miếng cá và nhiệt bếp.
- Dầu olive cho rón rén vào chảo lúc ban đầu với lượng nhỏ. Sau khi áp chảo mặt thứ nhất được 2-3 phút ở nhiệt lớn thì xối thêm chừng một thìa súp dầu. Dầu đó rất mau bắt nhiệt, khẽ nghiêng chảo dùng thìa gạn dầu để xối lên mặt cá phía trên. Đến khi lật mặt cá thì lặp lại thao tác này.
- Khi bắt đầu lật mặt cá, rắc lên mặt phía trên tiêu giã rối (tôi dùng tiêu đen) + gừng bằm mịn + hành lá xanh thái nhỏ. Nhờ dầu được xối lên mà hỗn hợp gia vị này sẽ dậy hương và hành gừng tươi đảm bảo không bị hăng. Trước khi tắt bếp, cho hành tây phi thơm lúc trước quay lại chảo để bắt nóng trở lại nếu thích 
- Lấy cá ra đĩa, rưới xíu nước tương (tôi dùng Kikkoman), nhiều ít là tuỳ ý.

Cá chín kỹ, thơm thoảng vị dầu olive, đậm đà hương gừng-tiêu-hành, đủ đậm mặn nhờ bản thân thịt cá lẫn nước tương. Thớ thịt cá gọn gàng vỡ ra theo chiều cử động của đũa/nĩa, ăn chắc và ngọt. 

Nhà hết ponzu sauce, có chanh xanh nhưng tôi lười chế. Thế nên món cứ thế được ăn với thuần nước tương. Tưởng là như vậy sẽ kém ngon nhưng thực thì không kém là mấy, đủ để kết luận chỉ cần nước tương là đủ :-)

Tôi chưa bao giờ là fan lớn của cá ngừ, chưa kể là mỗi lần nghe nói về bạn cá này - về các công đoạn chế biến, bảo quản - thì có chút e dè, nếu không nói là sợ. Nhưng một năm đôi lần rón rén ăn chơi thì chắc không sao hì 🐟🐟🐟

thêm mỳ soba lạnh cùng vài cọng diếp là đủ bữa cho hai người

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

một ghi chú về món phở cuốn

cái cuốn đầu tiên của kẻ ăn vụng, thiếu lớp bánh đa nem
(1)

Thịt bò thường được đề xuất là nạc thăn. Tôi thích diềm thăn hơn, vì nó có thêm độ ngậy, độ giòn so với bạn kia.

Ướp thịt có nhiều lựa chọn, nói chung là tuỳ mồm miệng và sở thích của người nấu, kẻ ăn:

- gừng & tỏi
- sả & tỏi
- tạo mặn ngoài muối/bột gia vị thì có thêm hoặc nước tương, hoặc mắm cốt
- và không thể thiếu tiêu xay

Thịt xào mau, thường là xào tái. Có bếp lửa ga và chảo xào phù hợp gặp tay thợ nấu khéo thì thịt xào chín tới khô ráo, còn bếp điện chạy ì ì lại với cái chảo không chuyên, thấy món thịt xào tiết ra nước thì chớ lo lắng. Thịt xào được gạn ra đĩa chờ làm món cuốn, còn nước xào thì để bên chờ muộn chút phát huy vai trò.

(2)

Rau củ cho món cuốn có người chuẩn bị nào giá đỗ nào cà rốt, rồi cả dưa leo thái sợi. Bếp nhà mình rặt một màu xanh của mấy nhà rau gia vị quen thuộc bếp Bắc:

- lá diếp
- kinh giới
- tía tô
- mùi (ta)
- thơm Láng

Đại loại thế, nếu thêm chút lá bạc hà đưa đẩy cùng hay thay cho thơm Láng vắng mặt cũng rất ô-kê-la. 

Riêng ai thích vị hăng thì có thêm hoặc hành tây thái sợi mỏng hoặc thân củ trắng hành hoa chẻ nhỏ. Hành tây có điểm tốt là người ăn cầm nguyên cả cái cuốn cắn một ngụm dứt khoát miếng nào ra miếng nấy, còn nếu dùng hành hoa trong món cuốn thì không khéo lại thiếu chút nhã, đại loại là miếng nhỏ vô miệng, phần còn lại của thanh cuốn vẫn trên tay, nhưng ở lưng chừng khoảng không giữa tay và miệng lại lơ phơ một đoạn cọng hành. Giải pháp tránh nguy cơ này rất đơn giản, cắt thanh cuốn thành các miếng vừa miệng, đảm bảo được thưởng thức món ngon không thiếu vị hăng của hành lá mà lại vẫn nho nho nhã nhã trong cái hành động ăn :-)

(3)

Nước chấm cho món cuốn có đủ ba vị chua mặn ngọt. Xíu quên, nhớ cay tiêu cay ớt nữa, có thể đậm hay nhạt tuỳ thói quen và sở thích mỗi nhà.

Cạnh nước chấm phổ thông này, có thể bày một bát chấm nhỏ chính là nước xào bò lúc trước điểm vài lát ớt cay xé lưỡi cùng xíu vụn tiêu xay.

Về tạo chua, hoàn hảo nhất là dùng kết hợp cả chanh và dấm. Dấm có thể là dấm gạo, cũng có thể là mấy loại dấm hoa quả, tôi thích dùng dấm vàng nhà Heinz. Mấy bạn dấm nho bếp Ý cũng ngon, nhưng xa xỉ quá. Trong khi dấm tạo chua mang tính nền, đằm thắm thì chanh có chút lảnh lót và ồn ào với vị thơm đặc trưng của trái quả, đặc biệt khi dùng giống chanh xanh không hạt - lime

(4)

Cuốn bò đơn giản nhất là đặt lá bánh phở, rải vài tầng rau cùng thịt bò xào... và cuốn!

TL học được từ mấy quán ăn ở Đà Nẵng chuyên món bánh tráng cuốn, đó là cạnh bánh phở thì có thêm lá đa nem.

Nguyên cả thếp bánh phở tươi trên khay, đặt một lá bánh đa nem lên, khẽ ấn rồi cứ thể tách và rút ra một lá bánh phở tươi phủ mặt bánh đa nem.

Làm thế này có hai tác dụng. Tức thì là dễ dàng trong việc tách/gỡ lá bánh phở tươi. Còn nữa là món cuốn để lâu chút không sợ lá bánh phở mong manh dỗi hờn mà thành nứt toác. Đó là chưa kể, kết hợp hai loại lá bánh tươi và khô này cho một loại kết cấu vỏ cuốn khá đặc biệt, đảm bảo hài hoà đầu lưỡi cả mềm lẫn chắc.

(5)

Nói phở cuốn có người xuỳ một tiếng, dễ thế ai mà chẳng làm được. Ừ dễ thật, nhưng lích kích chuẩn bị từ rửa rau qua thái xào thịt rồi chưa kể pha nước chấm, lọ mọ cuốn... rồi cắc-bụp xơi mau thì khối kẻ ngại. 

Nói phở cuốn lại có người bĩu môi, dở hơi mà tự làm mất công tốn thời gian. Ừ ra quán thì hay đấy, nhưng giờ vệ sinh thực phẩm thế nào, nghĩ có chút oải. Rồi món cuốn ngoài kia có nhà nhõn một cọng mùi với vài ba vụn thịt, đâu có em đây mập mạp tròn trịa thanh cuốn nhà làm. Rồi ở quán giờ thường là xô bồ ầm ĩ, đi ăn quà mà cứ như bị tra tấn, chắc gì ai cũng ham. 

Note này chỉ là ghi riêng cho món cuốn với thịt bò xào. Thực tế, thịt bò kho/luộc thái bản to và lát siêu mỏng rồi cuốn, úi chà, cũng ngon thực ngon!

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

trám trắng

giờ rất khó kiếm trám trắng nguyên quả
và chưa ỏm ở Hà Nội
đây là trám đã ỏm, sắc xanh nay ngả vàng
(1)

Bữa trước trong cuộc điện thoại với Mẹ, tôi nghe bà cụ già khoe cùng phàn nàn, về chủ đề trám trắng. 

Chuyện là Mẹ nhắc nhớ tìm mua trám trắng, chị họ về quê ăn giỗ nghe vậy thì hứa hẹn sẽ tìm mua giúp. Cô bảo cháu, vậy nhờ mua trái nguyên chứ đừng mua loại [quả] bổ đôi. Cháu hứa với cô, sau mấy bữa thì gửi qua học trò một bịch đại trám đã bổ đôi. 

Tôi hỏi Mẹ, đâu là vấn đề, liệu có phải liên quan đến chuyện lưu trữ không. Hoá ra chuyện lại là kết cấu của trái quả trong nồi kho. Mẹ nói, nếu trái trám nguyên quả thì cho món kho quả chắc thịt, ngon hơn là trám đã bị xẻ thân. 

(2)

Hôm nay có đứa dở hơi thèm ăn măng thì lọ mọ xuống chợ tiểu khu gần nhà cũ để tìm bà hàng khô quen ngồi góc chợ.

Bà này đặc biệt, chuyên đồ khô kiểu đồ quê, cây nhà lá vườn. Theo mùa, đồ bày bán có thể có măng tươi, mấy bó rau láo nháo, sắn củ, khoai lang khoai môn gì đó. 

Tôi mèo mù vớ cá rán, gặp trúng măng vừa mang xuống Hà Nội. Gọi mua xong thì nhìn thấy trám, thỏ thẻ bảo, cho cháu ba lạng ăn chơi.

Bà thím bảo, cô mua nhiều đi chứ mai quay lại chẳng còn đâu. Tôi nhìn cả một rổ trám bự, nghĩ nghĩ chút thì quyết định mua liền một cân. 

Về nhà, con gái gọi điện vội hỏi Mẹ cách xử lý. Mẹ hướng dẫn xong thì hứa hẹn, vừa mua được mẻ cá nhương, sẽ cho các con để làm món trám kho cá. 

(3)

Mà hay nhá.

Lúc tôi đứng ở hàng măng trám mua đồ, có mấy bà dì bà thím trạc tuổi U nhà mình đang chọn mua củ sắn và gọi mua trứng gà trứng vịt. Mấy bà này thấy tôi mua trám thì hỏi tới lui, làm gì với trái trám. Rồi rằng thì là mà trám kho cá ăn "dư lào". Tôi thiếu chút thì thánh thót một bài trám trắng kho cá diếp có đá mấy miếng ba rọi beo béo. 

Trên đường về nhà, tôi nghĩ chuyện này thấy có chút hài. Cứ nghĩ các cô các bác lớn tuổi hẳn ai cũng phải quen biết trái quả này cùng cách ăn nó, nhưng hoá ra là tôi lầm.

Người lớn thế này thì bọn chíp hôi giờ hỏi trám trắng là gì chúng có trố mắt ra nhìn mình âu cũng là chuyện dễ hiểu. 

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

công trường nhà núi

ga-ra không cửa
Lão Tiên sinh số "nhọ", sang Việt Nam trúng hè nóng nực, người cứ gọi là bê-xê-lết. Tôi chăm chỉ hàng tuần đưa bạn đời đi thăm ông bác sĩ hàng xóm, ông này động viên ông kia, thuốc cứ mỗi lần lại thấy tăng thêm một loại. Ông về lại Mỹ, được mấy hôm thì khoe, hết rồi. À, đúng là hết thật, mấy cái chứng do nóng do bức gây ra giừ biến tiệt. Trong thời tiết chuyển sang se lạnh ở một góc của xứ cờ-hoa. 

Bác thợ cả Joe đã gần như hoàn tất công việc tu sửa tầng dưới nhà núi. Về cái ga-ra mới dựng, giờ là một cái nhà trống hoác. Cửa giả được đặt từ lâu, nhưng vì vấn đề chuỗi cung ứng nên khách cứ gọi là rung đùi chờ cùng với luyện chưởng kiên nhẫn. Ông chủ nhà bị hàng xóm trên đỉnh núi doạ, gấu giờ có những hai đại gia đình, không khéo các bạn này ghé thăm nhà mày và ngủ lại ga-ra đấy. 

Hai năm trước, tôi được quyền chọn cây ăn quả để trồng dưới trảng cỏ. Tôi ki-bo nhặt đại cây giá rẻ nhất, một cây mận. Giờ ông lão nhà mình nỉ non, phải thêm một cây mới có cơ đậu trái. Tôi hỏi, thế cây này cũng phải giống đực giống cái à, câu trả lời là ý không, nhưng hai cây thì mới đủ lượng hoa để hấp dẫn bọn ong bướm giúp thụ phấn chi chi. Đại khái là cần hơn một cây. Không còn bàn tính chuyện tiết kiệm hay không tiết kiệm ở đây, có một ông nghiến răng kèn kẹt mua cái cây thứ hai giá gấp đôi cây thứ nhất. Mà vẫn chưa đủ, ông còn phải mua thêm rào chắn bảo vệ cây khỏi bọn hươu nai, giá rào đắt gần gấp rưỡi giá cây. Ông lão kể chuyện cây và rào cho tôi xong thì chép miệng, không biết bao giờ mình mới được ăn quả nhể. Úi chà, trồng cây vui mà, quá trình hay ho hơn kết quả a :-)

Người Mỹ tranh chấp đất đai giữa hàng xóm láng giềng với nhau rất kỳ thú. Ít nhất là với trường hợp của nhà trên núi. Một ông hàng xóm có rừng nhưng không có đường, muốn cho chặt cây bán thì phải cậy nhờ láng giềng cho phép chạy xe qua. Ông mới chỉ ướm lời với một trong hai nhà hàng xóm có đường thì lại nghĩ ra trò đi tắt hay hơn, đó là kiện ngược. Ông kêu một phần đất có đường là của ông, với tính toán đòi được đất đồng nghĩa với thoải mái cho xe chở gỗ chạy qua chạy lại. Tôi nghe chuyện cười khanh khách, nói với ông lão nhà mình, ở bên đấy không có trò loa kéo và thuê đầu gấu như ở Việt Nam nhể. 

tay vịn

ráng chiều

giờ nào của ngày đây