Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

thủ công nhỏ và phép dùng đồ vật

Tôi có một phép thực hành mới với đồ vật: dùng, biến cải các món đồ có sẵn trong nhà thay vì mua mới. 

(1) 

Rèm nhỏ che cái ô cửa số vô duyên.

Tính toán mành tre, khung trang trí bằng đồng, rồi rèm lụa... Tính hồi mành tre phải đặt đúng chuẩn kích cỡ, số lượng ít rất khó đặt; khung trang trí bằng đồng miếng rồi đục, gò loằng ngoằng giá thành lên ngất ngưởng; rèm lụa thì chỉ chuyện màu sắc ra sao đã quá là đau đầu.

Cuối cùng, miếng lanh se của người Hmong với cái cọc treo rèm điều chỉnh được dài ngắn cùng kiên nhẫn khâu tay... thế là xong.

Rồi lại thấy rèm đứng không có chút vị lạt. À thế thì cái lược Tây Phi. Xong!

tích trữ vải lanh gai của người Hmong
giờ phát huy tác dụng: rèm che ô cửa nhỏ

(2)

Rèm che ô kính phụ của cửa ra hiên nhà căn hộ.

Vốn dĩ có miếng bông nhuộm chàm mua ở nhà Indigo. Miếng đó giờ được thỉnh lên tầng che trang trí cái cửa phòng giặt đồ.

Tính mua lụa xong lại tiếc tiền. Nghĩ một xíu, à trong nhà có miếng nhuộm chàm TL mua ở Sapa.

Điệu đà thêm một xíu trang trí với miếng ren gỡ ra từ áo mua ở nhà Clom's Closet. Xong!

miếng nhuộm chàm mấy chục ngàn đồng tiền ở Sapa
đoạn ren gỡ ra từ áo nhà Clom's Closet
khâu vài đường, treo lên thành rèm

(3) 

Giỏ-thùng rác.

Bạn đồng hành yêu quý là một tay hoarder lão làng. Trong các nhóm loại đồ vật ông ôm đồm tích trữ có cả một dòng gùi-giỏ của người dân tộc từ Việt Nam qua nước Lào. 

Mỗi lần về Mỹ, ông lại nhón một hai cái gùi-giỏ mang theo hành lý về nhà rừng, nhà biển. Nhưng thế quái nào nhìn lại nhà căn hộ ở Hà Nội vẫn còn kha khá gùi-giỏ.

Nhà đang thiếu thùng rác nhỏ, phù phép chút, thế là chúng tôi có giỏ-thùng rác.

gùi-giỏ xứ Lào, chậu nhựa trồng cây Nhựt-bổn
và một cái túi nylon đựng rác made-in-Vietnam
thế là mình có giỏ-thùng rác

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

hến này mình nấu canh chua

canh hến nấu chua chan bún
ăn kèm rau xà lách, tía tô và kinh giới
Cuối tuần về Bắc Ninh thăm hai cụ già, chúng tôi được Mẹ cho một bất ngờ lớn. Đó là cạnh các túi quà rau và thực phẩm khác còn có nguyên hai phần hến làm sẵn, để về Hà Nội có thể nấu canh, mà theo lời của Mẹ là một bữa [canh] chua, một bữa [nấu với] bầu. 

Hến mua hôm trước được ngâm rồi xát-rửa kỹ càng, sau đó là hấp để nhể lấy phần thịt hến và nước hến. Nước cho vô hộp to, thịt hến cho vô hộp nhỏ. Rau cỏ cho cả hai đường nấu - canh chua hay canh rau - cũng đến từ vườn nhà Bắc Ninh: răm, thì là, cà chua, cùng trái bầu. Lần này nhà quê hết hành xanh, chứ nếu còn bạn này hẳn túi rau sẽ thêm chút sắc của các cọng hành. 

Về đến bếp nhà Hà Nội, cho món canh chua, ngoài tạo chua là cà chua thì TL có nhiều lựa chọn bổ sung khác nếu muốn: tai chua và/hoặc dọc đều là phơi khô, rồi trái sấu cấp đông, và có khi thích nữa là cả chai dấm Heinz vàng trứ danh mà từ lâu chúng tôi phát hiện ra là cực kỳ lợi hại khi bếp nhà không có mẻ mà lại cần chất tạo chua.

Tôi không mấy để ý chi tiết TL đứng bếp nấu món canh này. Nhưng các đường cơ bản thì tôi chắc.

- Phi thơm hành hương rồi xào thịt hến lấy đậm đà (hẳn là có một giọt mắm cốt thêm thắt đi)
- Cà chua có thể là cứ thế bổ cau cho vô nước dùng, như vậy thì đảm bảo đẹp; còn ai thích hương cà chua dìu dịu chua thì có thể xào thơm các lát cà thái đỏ này. Chua nếu chỉ dựa vào cà chua đối với vài người có thể bị coi là chưa đủ độ, là chua "lờ lợ". Thế nên, để cường vị chua, còn có thể dùng nhiều thức tạo chua khác: sấu, dọc, tai chua, hay thậm chí là dấm hoặc nước cốt chanh. Dùng thức gì, nhiều ít ra sao nói chung là tuỳ vào tình hình bếp nhà có gì, rồi thói quen ăn uống, khẩu vị của mỗi người mỗi nhà. 
- Trên nền nước hến bổ túc thêm chút nước để cho bát canh đầy đặn - nếu có nước ninh xương heo thuần vị thì hẳn không phải là ý tồi - rồi gia giảm đậm lạt muối.
- Rau ăn kèm là thì là + răm + hành lá thái nhỏ (bữa này thiếu bạn hành hoa).

Đơn giản thế thôi. Canh hến nấu chua ăn với cơm ngon. Nhưng tôi thích hơn cả là dùng canh đó chan bún. Các sợi bún mềm mềm quấn nước canh chua, thi thoảng đầu lưỡi gặp được thân thịt hến bé xiu xíu. Vị thơm hăng của thì là cùng răm gặp nước canh chua được đằm lại hoá hài hoà. 

Ăn canh chua này, nếu thêm trái ớt hiểm đỏ xinh xinh hay ớt xanh/vàng đất Miền Trung nắng gió cực kỳ hạp!

Tôi nhớ hồi cuối cấp II có đâu khoảng hai ba năm gì đó, cứ ăn canh hến vào là cái dạ tôi xôn xao kêu trướng. Sau này tôi được giải thích đó có thể do quá trình trưởng thành trong cơ thể có những thay đổi, sắp xếp, điều chỉnh chi chi nên nó là vậy, mà nói như vậy theo dân gian thì gọn trong hai từ "cơ địa". Rồi lại có giải thích, có thể do hến không sạch. Nhưng mà trước và sau đó, tôi chẳng hề hấn chi a. 

Giờ già rồi từ tấm thân ngoài đến cái dạ bên trong, tôi rón rén ăn canh hến. Chẳng có vấn đề chi sất, nhưng dù thế nào cũng nói khẽ với mình, nấu tô canh nhỏ ăn chơi gọi là. Chứ cứ thử làm nội bự rồi chén cật lực xem, chua cay đó liền khởi động chuông báo trong dạ liền chứ chẳng chơi!

mô tả một bát canh hến nấu chua
trong ánh sáng mờ bữa tối

rau ghém ăn kèm canh hến nấu chua
xà lách-cải ngọt, tía tô và kinh giới
tất cả đều từ vườn nhà quê

hến trong rá/sảo, được xát rửa nhiều lần

bắc ninh 18.3.2023

(1)

Chúng tôi về nhà quê sớm hơn so với mọi khi. Bất chấp điều đó, đường từ lộ to tới nhánh nhỏ thực là đông. Lối dẫn cầu Nhật Tân, tôi đếm được liền mấy xe gắn biển "Tập lái". Có cô tỉnh bơ phăm phăm chạy, lại có anh rón ra rón rén như bò trên cầu, coi rất ngộ. Đường qua mấy trấn rõ ràng đã qua giờ vào lớp mà mấy chỗ quán nước trạt một màu áo đồng phục. Các cậu chàng tóc uốn xoăn phần mái kiểu Hàn mặt ai mặt nấy cúi gằm vào cái điện thoại, nhất dạng một tư thế ngồi. Trên đường Năm, xe công biển 15 ngạo nghễ. Quá Sủi, một ông xe tải chở vật liệu xây dựng đi qua ngã tư mà lao ầm ầm như chực tông mấy xe đang từ tốn qua điểm giao cắt.

Đường về lại càng đông, đông đến loạn. Bọn trẻ rời trường phóng xe điện như bị ma đuổi. Chúng vượt đèn đỏ. Chúng uốn lượn. Có chỗ ngã tư kia, một cô tóc lọn xoăn môi đỏ chót vừa vượt đèn đỏ rẽ bậy vừa mắt hếch lên nhìn trời, làm bà con ngồi xe bốn bánh đúng chiều đúng đường một cú thắt tim. 

Trên đường đi và về là vậy. Còn đã về đến làng, thực yên bình. Tôi thở lấy thở để như một kẻ bị đuối nước vừa được lôi lên bờ và sơ cứu. Không thể phủ nhận yếu tố bụi mịn từ nhà máy nhiệt điện ở chỗ ngã ba sông, không thể phủ nhận chuyện đồng ruộng giờ này được tưới bẵm và phun tẩm đủ loại hoá chất không chỉ gây tổn hại cho đất, cho nước mà còn cho cả không khí nữa, nhưng cảm giác sạch lành rõ ràng vẫn hiện diện... khi tôi so sánh với bầu không khí đặc quánh và nặng nề do ô nhiễm trong Hà Nội.

(2)

Các con vừa bước vô sân đã nghe Bố nhắc, tranh thủ đi thăm Bá. Ba cái xe đạp, ba bố con nối hàng một đi từ đầu này tới đầu kia của làng. Xe của ông cụ già hình như thiếu cái chuông, cứ đến chỗ có ngã rẽ là có một cảnh hài hước là ông già hăng hắng giọng cảnh báo. Tôi nghĩ, gặp phải thằng trẻ trâu phóng xe điện thì cụ chưa hắng xong giọng, nó đã vụt qua mất rồi. 

Bá là chị gái ruột của Mẹ, có lịch sử trên dưới hai chục năm sống ở xứ Bình Phước, nơi liền mấy người con trai của Bá khởi nghiệp trồng rẫy rồi sau hoá thành đại gia đất. Bá bị tai biến, sức khoẻ lên lên xuống mấy năm rồi. Thời gian này, không rõ giữa các anh chị họ có khúc mắc chi hay đơn giản anh họ lớn nhất quyết định đã đến lúc đảm đương vai trò hiếu tử thì quyết định đưa Bá về lại quê cha đất tổ.

Tuần trước TL và tôi nghe kể chuyện về hành trình ô tô giường nằm Nam-Bắc thì thoạt nhiên bị sốc. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ được một điều, con với chả cái, sao không thuê lấy cái xe y tế. Đến khi gặp mặt trực tiếp anh họ, nghe anh kể, đường hàng không thì không thể đi được do tình trạng của bá, xe cứu thương hay xe  gia đình loại to hạ ghế nằm đều không ổn vì đi đường không tránh khỏi nhiều chỗ xóc; còn xe giường nằm được chủ xe là người quen biết nhiệt tình thu xếp ghế đầu đằm chỗ và đỡ xóc hoá lại thành giải pháp tối ưu. 

Chuyện này thoảng qua thì là thoảng qua, nhưng trên đường từ nhà anh họ về, vừa đạp xe tôi vừa nghĩ, cả tuần rồi mình đúng là vớ vẩn. Có thể một phần sâu xa nào đó trong cái dạ tâm tình của tôi, tôi không có mấy thiện cảm với đám anh họ đại gia nói to thô lậu này, lại có chút bực vì nhiều năm trước trong tang lễ của bác trai là em ruột của Bá và anh ruột của Mẹ, thì chính anh họ cả này mặt mày cứ gọi là vô duyên vô cớ sưng sưng sỉa sỉa đối với tôi. Rồi mang theo cái thoang thoảng khó chịu đó mà khi nghe chuyện Bá từ Nam ra Bắc, tôi đã tức thì gán định một ý niệm bất thiện về các anh họ của mình. 

Cuộc đời là thế đấy. Tôi cứ líu la líu lô lý lý luận luận đủ loại trên giời dưới bể các triết lý đạo đức từ Đông sang Tây rồi có khi phóng tay vài mẻ nhuộm sắc màu tâm linh hay tôn giáo tu tập chi chi, nhưng trong cái đạo sống thường ngày, rõ ràng là tôi vẫn để mình bị quấn thân bởi vô vàn ý nghĩa tiêu cực, xấu xí. 

Giờ với tôi suy nghĩ chỉ tập trung vào việc tán dương Mẹ mỗi chiều chạy qua thăm Bá, kiên nhẫn cả giờ xoa xoa nắn nắn tay chân cho bà chị nằm liệt giường của mình. Tôi không nghĩ sẽ có phép thần kỳ chi chi ở đây. Nhưng hơi ấm con người, những vuốt ve chăm dưỡng đó, thực là tốt, là ấm áp đi!

(3)

Rau cỏ trong vườn mùa này lúc nhanh lúc chậm mà cho thành tựu. Mẹ cắt/hái cho các con mang về Hà Nội liền mấy loại từ cải ngọt qua muống đến cần cạn. Có ba trái bầu cũng được nhét vô xô xách lên xe. Bà cụ già bảo, chỉ sang tuần thôi là bầu ra liền một lứa, phải gọi người đến cho. 

Rau trái là vậy, hoa cỏ hết mực tự tại. Mộc hương xem ra đã đến cuối vụ, cho hương hoa thoang thoảng. Cúc vàng nổi bật sắc vàng ở rìa sân trước. Lối vào nhà, hồng leo cùng măng rũ cành coi vô cùng đẹp mắt. Mai vàng Sài Gòn bắt đầu khoe sắc. Gần đó búi trúc tôi nhờ Mẹ "giải cứu" xem ra còn cơ hội sống sót với vài mầm xanh thấp thoáng. Cây quất chơi Tết được mang từ Hà Nội về hạ thổ một góc vườn vui vui vẻ vẻ khoe hai trái xanh mập mạp. 

Nhân chuyện hoa lá, Mẹ kể một chuyện rất hài. Bữa trước có hai anh công an trẻ măng gọi cửa, bà cụ già ra mở cổng câu đầu hỏi có chuyện chi, câu thứ là nhìn thấy công an tôi sợ. Hai anh này tự giới thiệu là công an tăng cường ở xã, rồi hỏi xin một cành măng để mang về trồng. U nhà mình được bữa cười, giâm cành đâu sống; nói rồi vác xà beng cùng xẻng nhấc lên được một nhánh cây con cho hai anh công an. Hai anh này cám ơn rối rít rồi mau tay rút ví ý bảo cành thì xin chứ cây phải gửi tiền. Bà cụ già lại một phen công an ai dám lấy tiền. Hai anh kia lại hồi cám ơn rối rít cộng với ra sức phân trần, công an cũng là người tốt a. Rồi không quên sau này hai cụ có vấn đề gì thì tìm chúng cháu. Tôi nghe chuyện xong thì kết luận chắc nịch thêm một lần nữa, cái máu xỏ xiên trong mình rõ ràng là di truyền từ Mẹ a. Hai anh công an này mà biết U nhà mình là con gái của ai hẳn sẽ được phen hết trợn con ngươi thì sang cười té ghế.

(4)

Con gái trước khi trèo lên xe về Hà Nội dúi tay bà cụ già mấy tờ tiền in hình lãnh tụ và đùa tếu đây là quà 8/3 muộn, rằng thì là mà bà nhớ đãi ông một bữa ra trò. Ông cụ già đứng bên tủm tỉm, giờ răng lợi yếu rồi chẳng có nhu cầu chi. 

Về đến nhà, TL bảo tiền đó Mẹ bình thường đâu cần, nhưng giờ có Bá thì tiện để thi thoảng đưa đi đồng quà tấm bánh. Ừ nhỉ, cái ý nho nhỏ tinh tế đấy, thế mà tôi không nghĩ ra!

Học sống thực gian nan a! 




Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

nhà núi tháng ba: nấu mật, canh tuyết

sau cơn bão tuyết - do hàng xóm cập nhật
Mấy bữa trước, lão nông nhà ta ngồi nhà biển nhưng nhấp nha nhấp nhổm chỉ chực lái xe lên núi. Ông nói về cơn bão sẽ đến, về máy xúc-ủi tuyết nhà mình so với cỗ máy to quái vật của nhà hàng xóm trên đỉnh núi với lo lắng không rõ máy tý hon có giúp được gì khi tuyết ngập đầy bất thường, rồi ông nói về công trình đốt lò nấu mật vĩ đại hãy còn đang dang dở dở dang của mình. Tôi nghe đến đâu cười phì đến đó. Một ông lão nói về tất cả những chuyện đó chẳng khác nào thằng nhóc vừa vặn đến tuổi đi trường học nói về việc nó sẽ được ông bố cho đi xem World Series ngoài sân lần đầu tiên trong đời. 

Cơn bão cuối cùng cũng đổ bộ. Nghe nói đường dẫn từ ngoài lộ to lên nhà núi cây đổ chắn ngang liền mấy cái. Lại nghe nói, tuyết rơi, rơi, rơi mãi, ngập lút các lối đi. Tôi nhận được mấy cái ảnh. Chà, nếu mình ở đó thì chìm trong tuyết luôn. Khiếp!

Nhà hàng xóm liên tục cập nhật tình hình. Sau hai ba hôm thì phát tín hiệu, giờ mày lên núi được rồi. Như mọi khi, ông hàng xóm cưỡi cỗ máy to tướng nhà mình xử lý những chỗ trên đường mà người của xã cố tình hay vô tình quên làm, rồi tiện thì cào cho vài đường cơ bản để ông sống ở nhà dưới có thể thuận tiện đánh xe vào.  Cũng như mọi khi, ông không quên hào phóng làm vài pô ảnh để gửi cho gia chủ. 

Tôi nhìn ảnh mà bạn đời mới nhận được từ hàng xóm, tuyết [gây] phiền não nhưng mà cảnh coi cũng đẹp nhể! Ông lão nhà ta nhân đà đó thì thủ thỉ, thấy tuyết thế này liệu còn dám đi nhà rừng với tui không (?) 

Tôi sống xứ nóng, đoạn thời gian trước sống trọn một năm thời gian với đủ các dáng vẻ của thời tiết bốn mùa từ nhà biển trèo vắt lên nhà rừng, biết gì không biết nhưng chí ít cũng là có chút khái niệm về vùng New England. Thực sự nếu ai hỏi thích hay không, tôi sẽ trả lời, nhà cháu thích khi không có tuyết và bão tuyết. 

máy tí hon nhà mình rón rén nó ra dư-lày

còn đây máy khổng lồ nhà hàng xóm đi một đường căn bản

nghe nói mật nấu năm nay được nhiều hơn năm trước

mình nhìn thấy oải, người nhìn bảo thường thôi

một màu tuyết

trứng cá kho trám trắng ngâm [nước] mắm

cơm nguội với trứng cá kho trám trắng ngâm mắm
khởi dục vọng thêm bớt ớt vàng ngâm bếp Hoa
xong bữa thì tự trách mình sao ăn tục
(1) 

Thời gian này, tôi ăn cay và uống nhiều cafe. Hệ quả là giờ cái thân nó làm mình làm mẩy, và có vẻ như cái trí chịu kích thích nên hết hồ đồ thì lại quay sang đỏng đảnh, rất kỳ. May là cuối cùng tôi cũng thành thực với bản thân, minh bạch mình cần thay đổi.

Cho câu cam kết được nhắc tới lần thứ n là mình cai cafe, mình cai cay ớt cay tiêu, tôi quyết định thực hiện từ ngày mai. 

Vì thế, hôm nay con giời nốc liền tù tì ba cốc nước nâu bự, rồi có một đĩa cơm nguội với trứng cá kho siêu cay, không hẳn cay tự nhiên của nồi kho mà do bổ túc thêm mấy trái ớt ngâm bếp Hoa. Ăn ngon, hoan hỉ lắm. Rồi sau đó là tự trách bản thân, sao mà ngu. Rồi sau đó nữa là xỏ xiên với bản thân, đáng đời. 

Nói vậy không có nghĩa là tôi sẽ bỏ qua món trứng cá kho này. Đơn giản là nếu lần sau đánh chén, tôi sẽ ly khai hũ ớt ngâm màu vàng kia, đồng thời cũng ngó lơ mấy trái ớt đỏ xinh xinh trong nồi kho.

(2)

Món này TL làm chiều tối hôm qua. Tôi không rõ trứng cá này là từ họ nhà cá nào. Đại khái là một tảng trứng cá cấp đông to bự, đủ cho lưng một nồi đất kho. Thoạt nhìn túi trứng cá tôi còn lơ ma lơ mơ quay sang hỏi cô em, đây là lưỡi lợn à. 

Trứng cá đã rã đông được xắt miếng lớn xếp vô nồi với tóp mỡ, trám trắng ngâm mắm và ớt trái lấy luôn từ hũ trám ngâm đó (do nhà hết ớt tươi), hành hương nguyên thân củ sau khi đã bỏ đi lớp vỏ áo, xíu đường, xíu muối, nước tương và thêm nước xâm xấp. 

Nồi kho để trên bếp lửa lớn, đợi tới sôi thì hạ về mức nhỏ nhất. Nồi không cần đậy vung, cứ thế liu ra liu riu mất đến nửa buổi chiều, chừng nước cạn thì coi như xong. 

Món này cứ thế ăn, đảm bảo ngon. Nhưng cầu kỳ hơn thì sẽ ngon hơn, đó là áp chảo cho tới khi trứng cá se khô bề mặt, và các bạn tóp mỡ theo đó càng thêm teo tóp, khéo thì hoá đanh giòn. Trám trắng trong nồi kho vốn đã đanh, giờ gần như được nướng cùng trứng cá kho lại càng đanh thêm nữa. 

Cơm trắng, rau củ quả luộc/hấp hoặc nấu canh kiểu canh suông thanh đạm, cứ thế thêm thức mặn là trứng cá kho trám trắng ngâm mắm, úi chà ngon!

bắc cái nồi kho: trứng cá, hành hương,
trám trắng ngâm mắm, ớt trái ngâm hoặc tươi
món kho lấy chủ vị đậm ngọt nước tương

trứng cá kho trám trắng ngâm mắm
gắp thẳng từ nồi kho
cầu kỳ thì áp chảo cho se và đanh

trà hoa lài khô với táo đỏ và câu kỳ tử

Bình thường tôi pha trà hoa cúc với táo đỏ và câu kỳ tử. Hôm qua tìm mãi không thấy hoa cúc thì con giời khều sang hoa lài.

Uống vui vẻ. Nhưng nếu được hỏi chọn lài hay cúc, tôi hẳn sẽ thích các nụ cúc khô hơn.

Có phần vì là thói quen mồm miệng. Phần nữa cũng từ chỗ quen thói rồi thì đâm ra ngại, đâm ra e dè với những sự kết hợp mới.

trà hoa lài khô với táo đỏ và câu kỳ tử
hoa và kỳ tử cho vô túi lọc trà
còn táo đỏ khía đôi thân cho ra vị ngọt

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

bún cá quả rau cần (2)

Rau cần loại thân trắng dài xồm xộp dễ được tiếp thu nơi khoang miệng nhưng cái xuất xứ của chúng thường là có nhiều điểm đáng ngờ. Cần cạn thân chắc và nhỉnh hơn cần trắng, độ dài cũng có phần khiêm tốn, lại mọc ở một góc vườn nhà thì coi là đảm bảo. 

Cá quả khi gỡ phần thịt còn lại khung xương cùng cái đầu cái đuôi được ninh lấy ngọt nước canh chan bún. Nếu cá nhiều thì chỉ thuần cá tạm coi là ổn. Còn trong trường hợp thịt cá khiêm tốn, bát bún chan lại thích thoải mái phần nước canh thì nên có thêm hỗ trợ từ nước ninh xương được lọc trong vắt. Xương heo ninh lấy nước ngọt thêm thắt đó phong phú đa dạng tuỳ theo sở thích người nấu và có khi là cả chuyện hàng thịt hôm nay có [xương] gì: xương bay, xương hom, xương dẻ sườn, xương ống. Cứ nhớ "làm" xương đúng quy trình: tẩy rửa bằng nước pha bột [mỳ/gạo], đun một lần rồi tẩy rửa lần nữa, ninh lửa liu riu và canh me vớt bọt. 

Bún cá quả rau cần nhà làm có vị chua thanh, chua dịu nhờ vào cà chua. Khéo chút cho người thích nhỉnh chua là chêm vài giọt dấm Heinz, loại dấm vàng. Chua mẻ ngon nhưng là hạp với món riêu chua cá. Còn bún cá quả rau cần nhà mình làm về căn bản vẫn là chủ vị ngọt của nước chan nên chua cà chua bổ túc thêm xíu dấm thế này là ổn.

Về nhân-thịt cá, tuỳ cá to cá nhỏ cũng như sở thích ăn uống nơi mỗi người mà đường chế biến cũng linh hoạt. Giản dị nhất là cá quả được luộc rồi được gỡ thịt, nhẹ tay trộn các miếng thịt cá luộc đó với xíu bột gia vị cùng tiêu xay lấy thêm để chờ được cho vô bát bún chan. Lại có khi là thịt cá gỡ ra được đảo/xào mau trên nền hành phi thơm phức - nhưng làm thế này thì thịt cá chắc chắn sẽ bị nát vụn, được vị đậm nhưng coi không đẹp mắt cho lắm. Còn lý tưởng nhất là lạng thịt cá sống rồi tẩm ướp rồi rán/xào thơm. Làm theo cách cuối này bát bún chan có phần nhân-thịt cá vừa chắc đanh bề mặt vừa ngọt mềm bên trong, và nhất là thấm đủ độ gia vị - từ muối qua tiêu, hành tới có khi là cả xíu hương mắm cốt nếu ai đó thích cho vô chảo cá. Tất nhiên, phải mở ngoặc ở đây là thói quen cùng sở thích rất quan trọng. Tôi biết có người thích thịt cá luộc được gỡ ra để nguyên bản vị, rồi khi ăn bún mới bổ túc thêm xíu chấm mắm cốt rắc tiêu cùng ớt cay xè. Rồi có người thích cá xào/chiên nhưng lại kêu ca, bát bún mất đi phần nào cái độ thanh của nó do dính chấp phần dầu mỡ phi hành dùng để xào/chiên cá. 

Ngày Bố Mẹ chuyển về Bắc Ninh sống đời nông dân tay mơ, các con ở nhà Hà Nội lóng nga lóng ngóng chuyện nấu và ăn. Nhưng rồi cái dạ nó nhắc, tay người cứ thế mà chậm rãi trở nên linh hoạt. Nhiều món qua nhiều lần thực hiện trở nên dễ dàng hơn. Và bản thân cái sự nấu, cảm giác từ/về quá trình nấu nướng cũng trở nên mạch lạc, nhẹ nhõm và giản dị hơn. Bún cá quả rau cần là món do TL làm, tay nghề của cô em tiến bộ là một chuyện, riêng tôi đứng vai kẻ đánh chén-người quan sát-người ghi chép cũng tự nhận thấy ồ hay, nấu và ăn vất xíu nhưng biết làm thực cũng có phần đơn giản, và nhất là thực vui a :-)

* Note ghi đầu tiên về món bún cá quả rau cần.

bún cá quả rau cần - với cần cạn từ vườn nhà
nhiều người chê cần cạn, nói cần trắng
vừa xốp, vừa mềm, vừa đẹp mắt
với chúng tôi, rau vườn nhà sạch mới là chính yếu

món xào su hào và cà rốt

Món xào của M.
với rau củ từ vườn nhà Bắc Ninh
Kinh điển món xào, chay và gần như là chay :-)

Su hào cùng cà rốt được thái sợi. Tuỳ vào thói quen nấu ăn - thích ăn rau củ giòn sần sật hay mềm mại, tuỳ vào tình trạng bếp nấu - bếp ga dễ chỉnh lửa to lửa nhỏ, bếp điện ì ạch cùng đỏng đảnh, tuỳ vào chảo xào - sâu lòng chuẩn wok hay chảo đáy bằng... mà sợi rau củ xanh trắng và đỏ này được thái ra hình dạng sợi to thô thảo hay mảnh mai thanh thoát. 

Bữa rồi, bạn nhỏ qua nhà đảm nhận vai đầu bếp cho món rau củ xào. Nó bảo cần xào cà rốt trước, sau mới cho su hào vô chảo, như vậy đảm bảo cả hai loại rau củ này chín đều. 

Bản thân rau củ sạch từ vườn nhà Bắc Ninh đã đảm bảo ngọt mọng. Khi xào món, ngoài bột gia vị [Hải Châu] còn có thêm xíu bột rong biển gia tăng ngọt. 

Về tạo hương cho món, có hành hương bằm nhỏ được phi qua cùng xíu mỡ lợn. Có người thích còn thêm một hai tép tỏi bằm hay đập dập làm bạn với hành hương.

Người ăn chay dùng dầu thực vật. Người thích món xào đậm đà đúng kiểu hương vị bếp xưa thì dùng mỡ. Mà ở đây, mỡ hay dầu nhiều ít cũng tính là do mồm miệng và tính toán quan hệ ăn uống-sức khoẻ của mỗi người. Tôi biết nhiều người thích đậm đà dầu mỡ nhưng khi đứng bếp thì nêu cao tinh thần kỷ luật vì cái thân, thương cái dạ, chỉ rón rén láng xíu chất béo mặt chảo xào gọi là.

Món xào này điểm xuyết xíu hành lá xanh cho vẻ đẹp là chính. Nhưng nếu dùng thêm cần tây thì không chỉ là chuyện sắc đẹp mà rộng hơn là hương, là vị. Cần tây - hay chính xác hơn là cần Tàu, giống cây nhỏ vị đậm, đặc biệt hợp với món xào su hào cà rốt, dù là chay hay mặn.

Về chuyện đậm nhạt mắm muối, tôi thích xào món thuần với muối hay bột canh/bột gia vị. Có người thích cho nước tương, rồi có người yêu đậm nồng dân tộc tính dứt khoát phải bổ túc một hai giọt mắm cốt, đều là tuỳ ý. Cá nhân tôi thấy thêm mắm thì vị dễ bị đậm quá hoá "khẳn", át hết cái ngọt mọng tự nhiên của rau củ. Nước tương khá hơn chút, nhưng dễ làm đĩa xào chuyển sắc ngả nâu, và nói chung là chêm không khéo thì cũng dễ lấn lượt hương vị thuần khiết của su hào và cà rốt.

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

đốc-tờ đây, đốc-tờ kia; đốc-tờ tây, đốc-tờ ta

(1)

Có một chuyện cũ nơi xứ người tôi nghe được thế này.

Một ông thuộc thế hệ nổi loạn những năm [19]60, ngày đẹp trời "hoàn lương", quyết định trở thành người bình thường thì đi học cao rồi trở thành giảng sư đại học. 

Ông gặp và yêu một thiếu nữ xuất thân gia đình người Do-thái. Người yêu quảng cáo ông với gia đình, anh này là đốc-tờ. Cả nhà gái hào hứng đón tiếp ông con rể tương lai. Đến hồi gặp mặt thì mau thành ngỡ ngàng, ngơ ngác.

Nhà kia hí hửng tưởng con gái mình kiếm được đức lang quân là đốc-tờ bác sĩ chứ đâu cần cái ông đốc-tờ tiến sĩ cơ chứ.

Lý lẽ đơn giản lắm, bác sĩ kiếm ra tiền chứ cái ông giảng sư đại học thì nghèo rớt mồng tơi a.

(2)

Hôm trước bạn thanh mai trúc mã của tôi qua nhà chơi, kể chuyện luận án tiến sĩ pha cuối mà kêu la ầm ĩ. 

Nguyên lai, phản biện kín kín hở hở thế quái nào có một quý thầy chê nó cật lực. Chê đúng chê trúng thì đã chẳng nói làm gì, vấn đề là thầy bà kia viết nhận xét luyên thuyên, chê đến đâu thòi ra cái sự dốt nát, ngu ngốc đến đó. Nặng hơn nữa là ông chơi trò copy-paste, bê nguyên mấy đoạn nhận xét cho một luận án khác vào luận án này.

Cũng bạn thanh mai trúc mã của tôi kể, có vụ thầy bà chuyên ngồi hội đồng chấm luận án bên ngành Kinh tế nổi danh vì cái tội cắt-dán, bọn nghiên cứu sinh lấy nhận xét của ông ra so sánh, thấy không ít đoạn, ít trang giống nhau như lột.

Hôm nay cô em đồng nghiệp gọi điện có công việc cần thảo luận. Tôi hỏi thăm về người nhà đang phải điều trị K. Thế là được nghe một tràng than phiền.

Có đời nhà ai mà bệnh nhân được hội chẩn, được trưởng khoa đảm bảo chắc nịch sẽ chuyển lên khoa X nhưng đến hồi làm thủ tục thì tay bác sĩ phòng khám đưa tờ giấy đi khoa Y. Cô em đồng nghiệp nói, may mà đây là quen biết một dãy, đây là có "phong bì" lót tay từ trước, lại mình sống ở Hà Nội đi đi lại lại cũng tính là nhanh nhẹn, chứ người ở tỉnh xa đến nơi lớ ngớ thì không khéo ngoảnh đi ngoảnh lại ông bố nhà mình đã bị mổ phanh oan uổng. 

Cũng trong cuộc điện thoại, nhân chuyện bài vở của học trò, cô em đồng nghiệp cười hì hì, hôm trước có bạn xong buổi bảo vệ than phiền sao đề tài của em có liên quan gì đến giáo dục đâu mà giáo viên nhận xét lại có đoạn bàn về chuyện này. 

Cuối cuộc điện thoại, cô em đồng nghiệp bảo, thôi thì đốc-tờ thầy bà có cắt-dán nhận xét phản biện cũng chẳng chết ai, chứ vô trách nhiệm và ẩu tả như đốc-tờ bác sĩ ở cái bệnh viện kia thì đúng là không khéo đi tong mạng người. 

khi đợi chờ trở nên đắt đỏ: sách bếp mới

Thi thoảng TL nhỡ việc gì đó thì kêu xe hai bánh Grab để đi cơ quan. Đến chiều, thường là tôi sẽ chạy xe vào phố đón cô em. Không phải một lần mà nhiều lần có việc đột xuất cuối chiều, giờ hẹn của chúng tôi xê dịch. Và để giết thời gian chờ đợi, tôi có điểm đến yêu thích phố Đinh Lễ.

Chiều nay cũng vậy. Vì tuần trước tôi đã dừng lại ở chỗ Mụ Hoa nên hôm nay tôi quyết định vào nhà sách Lâm.

Được đôi ba cuốn sách chị em phục vụ công việc. Được một cuốn sách mỏng nói về Lagom. Còn lại là sách bếp. 

- Thêm một đầu mục cho bộ sưu tập sách của Hungazit. Cả TL và tôi đều thích ấn phẩm của bếp trưởng-người viết sách ẩm thực này, mà lý do đầu tiên là công thức rõ ràng, dễ theo, và món làm ra đều coi như thành công.

- Câu chuyện bếp cảm động của nhà nghiên cứu ẩm thực Curiko (Nhật Bản). Tôi không nghĩ sẽ sớm nghiên cứu và làm theo một công thức nấu ăn cụ thể trong sách. Nhưng đọc nhanh để có thêm ý niệm, ý tưởng mới về chuyện bếp núc thì không tệ chút nào.

- Lịch sử của trà [History of Tea] của Laura C. Martin do Nguyễn Huyền Linh chuyển ngữ, chưa cần biết nội dung thế nào cứ là sách trà, mà lại là sách có vẻ được biên tập và trình bày cẩn thận, tôi nhặt liền.

- Hà thành hương vị xưa cũ (tập 2) của Vũ Thị Tuyết Nhung. Tít phụ của tập sách là Món ngon từ làng ra phố. Tôi không biết về nhà báo Tuyết Nhung, hôm nay coi hữu duyên gặp tập sách này, thoáng lướt vài trang liền yêu thích

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

ta la cà: khi mình thấy mình

Chuyến đi rất ngắn qua nhà dưới bản ở Sapa nhưng đủ cho tôi thấy vô số mảnh hình ảnh phản chiếu bản thân - tôi của nhiều năm trước.

Cái tôi kiêu ngạo kiểu "ếch ngồi đáy giếng", chẳng biết ngoài kia thế nào mà cứ nghĩ mình sở đắc chân lý tuyệt đối và mình nghĩ gì, nói gì cũng đúng.

Cái tôi lao xao phiền muộn của tuổi trẻ "đánh mất bản thân" cho dù chính cái căn tính mang danh bản thân còn chưa kịp định hình.

Cái tôi cứ phải là "nói to", "nói nhiều" và đặc biệt là phô trương dáng vẻ cùng những món mang trên người để khẳng định tôi là tôi. 

Cái tôi "nhiệt tình" liều lĩnh, nhìn thế giới tự đắc bố mày đây là chủ nhân ông cuộc đời bản thân, có thể làm gì cũng thành tựu nhưng thực ra là một sự ngông cuồng trong/của vô minh. 

Trong nhiều năm, tôi cực kỳ khoái chí trích câu nói của ông già Otto rằng thì là mà già đi thì người ta cóc sợ. Giờ, có vẻ như tôi chuyển hệ. Tôi tự nói với bản thân, già đi đồng nghĩa với sự hiểu về các giới hạn, với việc đạt tới một thái độ hợp-thời, và nếu may mắn là một sự thực hành lối sống tiết-độ. 

ai nhớ món này: cà chua chưng dùng chấm rau diếp

nghe mỡ lợn hẳn nhiều người "eo ôi"
nhưng mà hay nhá, món cà chua chưng này
cứ phải là mỡ heo, là tóp mỡ mới ngon thật ngon
(1)

Ở khu tập thể nhà cấp 4 trường Kinh tế [Kinh tế kế hoạch, nay là Kinh tế Quốc dân], nhà nào cũng có một vườn rau nhỏ "tăng gia". Tôi nhớ Mẹ trồng nhiều món lắm, từ mấy thân mía to cao mập mạp tới đủ loại kiểu rau ăn lá: ngót, mồng tơi, đay, dền, và cả xà lách.

Xà lách hay diếp, người lớn trong nhà gọi vậy, là giống rau cũ giờ rất khó nhìn thấy ngoài chợ. Mỗi cây rau khum khum như trái bưởi Diễn ngót nước, lá mong manh, không chú ý chút là nát liền các tấm lá. 

Rau đó ngọt, mỏng mà giòn. Ăn canh riêu, từ riêu cua qua riêu cá gặp rau đó đi kèm mấy bạn rau gia vị khác làm thành rổ rau ghém, ngon lắm. Mà chẳng cứ là canh riêu chua chua, ngay cả dưa cải muối chua nấu cá trê hay ninh xương, cũng rau diếp đó ăn kèm, cũng rất ngon. Rồi nữa là không cần tính bạn đồng hành là tô canh, rau đó ăn sống như là một thành phần rau giá kèm cho bữa tươi bún chả, bún nem, rất hạp. Rồi nữa nữa là mâm cơm cúng Tết nhà nghèo thời bao cấp, tất không thiếu đĩa rau sống trong đó nổi bật các lá diếp.

Và có một món mà tôi nhớ rất rõ, xà lách chấm xốt cà chua chưng.

(2)

Hành hương thái lát mỏng hay bằm rối, bắc chảo làm nóng, dùng mỡ lợn phi thơm hành đó. Cà chua, quả lớn lột bỏ vỏ và bớt hạt, quả nhỏ có khi cứ thế bổ đôi bổ tư và chỉ cần bỏ phần lõi trắng, cho vô chảo mỡ hành đảo một hồi tới mềm và dậy thơm thì chêm thêm nước. Làm mặn rất đơn giản, vài hạt muối hoặc như sau này phổ biến gói bột canh/bột gia vị [Hải Châu] thì dùng chút bạn này. Ai thích đậm thì ngay trước khi tắt lửa bắc chảo mới chêm một hai giọt mắm cốt. 

Bếp nhà thời bao cấp hầu như ai cũng có âu mỡ lợn. Cao cấp hơn chút thì có phần tóp mỡ để dành. Tóp mỡ tham gia món xốt cà này thì càng tuyệt.

Xốt cà chua chưng nếu có xíu hành lá điểm xuyết thì thêm đẹp, thêm thơm. Nhưng không có thực cũng chẳng sao vì hành hương phi lúc trước cũng đủ dậy vị dậy hương rồi.

Tôi nhớ ngày trước bữa "tươi" mùa đông có một đĩa khoai tây rán, một bát cà chua chưng, một đĩa rau diếp kèm thêm mấy cọng hành trắng chẻ. Có khi lại có thêm một phần cà chua sống bổ cau, rắc mấy hạt muối. Chèm chẹp, ngon và lành. 

(3)

Thời nay khá giả hơn xưa, nhịp sống vội vã hơn xưa, tính người ỷ lại máy móc và nói chung là lười biếng hơn xưa. Thế nên có nhiều món nhà nghèo ngày xưa cứ thế mà dần dần đi vào quên lãng.

Hôm rồi có mớ diếp ngon xin từ vườn nhà Bắc Ninh. Lại có âu nhỏ đựng mỡ lợn do chính tay Mẹ làm cho con gái, rồi một hộp nhỏ tóp mỡ cũng là quà từ bếp của Mẹ. Cà chua, hành hương, hành lá cũng xuất xứ vườn nhà Bắc Ninh bày ngay trước mặt. TL bảo, thế thì mình làm xốt cà chua chấm rau diếp.

Cà chua chưng có tạo mặn là bột gia vị [Hải Châu], nhưng lại ỷ thêm chút ngọt từ bột rong biển cùng đậm đà của bột cá thay cho mắm cốt. Còn về đặc hay loảng, nhiều ít nước bổ túc chảo phi hành xào thơm cà chua là do ý mỗi người.

Món chấm diếp ngon và lành là một chuyện. Hay hơn nữa là tôi bỗng nhớ lại cả một đống chuyện cùng hình ảnh về khu tập thể Kinh tế ngày xưa. 

* Note ghi thêm: món nhắc nhớ ngày xửa ngày xưa là vậy, giờ ai ăn chay vẫn có thể làm món, đơn giản là bỏ qua tóp mỡ, dùng dầu thực vật thay cho mỡ lợn, vậy thôi :-)

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

ta la cà: ăn gì ở sapa

(1)

Chuyến đi này vô cùng ngắn, tối thứ Sáu trèo lên bus giường nằm hướng Sapa, chiều Chủ nhật trèo lên Dcar 9 chỗ về Hà Nội. Tôi gọi đó là chuyến đi cướp đường, chuyến đi cưỡi tên lửa xem hoa.

Mục đích lần này chẳng phải nghỉ ngơi nghỉ đưỡng hay khám phá chi chi. Đơn giản là giới thiệu cho hai bạn nhỏ người quen về ngôi nhà dưới bản.

Nếu không phải vì ngôi nhà này tôi hẳn sẽ không có nhu cầu quay trở lại Sapa vì Sapa của lặng lẽ Sapa mà tôi biết đã chết rồi. 

Từ thị xã xuống dưới bản, tựu lại một ý niệm thống nhất trong tôi: bẩn, xấu và sặc mùi kim tiền. 

Bỏ qua tất cả những điều dở hơi đó, chúng tôi có hai ngày vui vẻ, với ưu tiên là đánh chén. 

(2)

Rau cỏ trên vùng núi này ngon. Tôi vốn lười nhai rau củ nhưng rau nhúng lẩu, rau xào ở tiệm Dê Thêm ở thị xã, tôi chén cật lực. Rất hoan hỉ.

Nấm hương tươi cũng ngon. Không rõ thực giả thế nào nhưng tôi ăn nấm trên núi thấy ngon hơn nấm trong khay mua ở siêu thị dưới Hà Nội.

Hai cô em bảo, hay mình mua rau và nấm mang về Hà Nội đi. Sau chốt thì ý định đó bị buông trôi. Lý do thứ nhất là rau núi vậy chưa chắc đã là rau sạch. Chúng tôi hái, vặt kha khá từ vườn nhà, mua thêm một ít ở đầu bản. Cứ cho rau mua có tưới bẵm nhưng an ủi mình rửa ngâm kỹ thì ăn một bữa vậy. Rồi rau xào ở quán cũng một hồi bao biện, ừ ăn một bữa có sao. Nhưng nếu là ôm vác rau mớ lớn về thành phố, thôi mệt!

Nấm hương cũng vậy. Trên núi nó ngon, nó hương, ô-kê-la. Nhưng đi xe mấy tiếng đồng hồ, về đến thành phố ngày đầu tuần ai cũng đi làm bận bịu, chờ tối thứ hai phờ phạc nấu nướng còn đâu cái tâm trạng vui thích mà mày mò món này món nọ với nấm tươi kia chứ. 

(3)

Lần này chỉ lúc lên thị xã để bắt xe về Hà Nội chúng tôi mới ăn quán. Vẫn như lần trước, một bữa dê ở quán địa phương trên đường Điện Biên Phủ. Vẫn như lần trước, có người ngạc nhiên, người ta đến Sapa ăn đặc sản xứ mù chứ ai ăn dê, dê chỉ là dân địa phương thôi. Hic, chúng tôi là thế, vui là được.

Dưới bản lẽ ra chúng tôi có bữa tối thứ Bảy ăn gà hoặc cá đặt ở quán quen. Cô chủ tiệm làm ăn tốt quá đâm yêu thích sự thảnh thơi, cô từ chối. Khách ở homestay của cô cô phục vụ đã đủ mệt, giờ bà con bên ngoài đặt bàn, đặt món, cô chối hết. Nghe nói cô đã có những hai phụ bếp mới mà việc lo không xuể. 

Nhưng cũng hay, nhờ cái sự từ chối của cô mà chúng tôi linh hoạt, tự xoay sở mua mua bán bán, cùng nhau vào bếp và có một bữa ngon ra trò.

Rượu mận máu ngâm đôi ba năm trước giờ ngấu, ngon kinh khủng. Lại có chai vang trắng ai đó để lại được lôi ra khui. Chưa đủ độ chuếch choáng, sau bữa tối còn thêm một màn trà nước quy quy củ củ. 

Người ta đi chơi là để trecking và check-in. Chúng tôi đi chơi là để ăn ăn uống uống và tám nhảm nói cười phớ lớ. 

trà Olong xứ Đài, vụn chocola St Honore
và hạt điều từ một nhãn hiệu mới khám phá

tôi thích cái hiên trống của năm trước hơn
nhưng mình là khách thì cứ vui với gì trước mắt

một cây trong vườn nhà
rất nhiều quả và rau bị trâu gà phá và 
bị các bạn nhỏ trong bản tự ý vặt giùm

lò nướng mới sắm
định để lại bộ xiên tốt nhưng cô quản lý bảo,
không quản được khách, sợ mất
thế là lại bao gói mang về Hà Nội

thịt cừu Đỉnh Phong, gia vị nướng bếp Hoa
gặp gió lửa Sapa, ngọt, mềm và thơm

 cô chủ quán ăn ngon nhất bản ỷ kiêu từ chối nhận order
linh hoạt đặt gà mua rau tự mình nấu lẩu
có chai rượu ai đó để lại, phô-mai mang từ Hà Nội
cũng dợm một màn đầu bữa như ai

mỳ tôm hiệp hai cho bữa sáng muộn trước khi lên thị xã
với thịt bò vốn định dùng cho món nướng

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

khi nào mình uống trà và đọc sách bụt

người tặng sách nói,
nghe và đọc Thầy mười mấy năm mới hiểu
người nhận sách mơ màng, thế tui đây
(1)

Từ đôi ba năm trở lại đây, tôi mơ mơ màng màng chủ đề ấm trà.

Thực thì chẳng có gì là rõ ràng. Bản tính tôi là nông nổi thích, rồi mau phũ phủi quên đi. 

Theo chu kỳ, cứ cách đoạn vài tháng có một màn hài hước là tôi ngâm nga nhìn ngó rồi so so sánh sánh giá cá bọn ấm tử sa được quảng cáo bán trên mạng nhện tiếng Việt. 

Giá ấm xê dịch từ vài trăm ngàn đồng tiền tới rất nhiều tờ tiền mệnh giá to in mặt lãnh tụ. Rất nhiều ấm đắt tiền bên cạnh một xê-ri hình giới thiệu ấm nhìn từ nhiều góc độ còn có kèm ảnh chụp chứng chỉ/chứng nhận sản phẩm được làm [bằng tay] bởi nghệ nhân abc hay xyz nào đó.

Tôi dốt món chữ vuông, chẳng hiểu cái mô tê. Còn về giấy chứng nhận, thực thà mà nói là tôi cóc tin. Cái mũ Gucci hơn 500 đồng tiền Mỹ mua ở phố cổ Hà Nội chưa đến 5 USD mà còn có chứng nhận hàng thật kia kìa. 

Già nửa tháng trước, tôi đang ngó ấm thì quàng sang nhìn chén. Chén trà vẽ hình con gà trống. Chuyện sẽ cứ thế thoảng qua và tôi hẳn sẽ quay lại hành trình ngó ấm. Nhưng thế quái nào hai con mắt tôi lại dừng ở lời giới thiệu, gà trống tương đương nghĩa khởi-nghiệp. Chuyện này làm tôi cười ngất. Xong rồi máu xỏ xiên trỗi dậy, hay mình kiếm bộ chén để có tinh thần xì-tát-ắp nhể.

Bốn cái chén giá thiếu đâu một hay mười đồng thì vừa vặn 600 ngàn đồng tiền Việt Nam. Tôi hỏi bạn nhỏ qua nhà đánh chén so xem giá bên Trung Quốc là bao nhiêu, hàng ở trang mạng đảm bảo đâu như một nửa. 

Tán hươu tán vượn một hồi tôi trèo sang chuyện ăn ăn uống uống. Tối muộn bạn nhỏ về đến nhà thì nhắn lại cái tin cho TL báo là em đã đặt mua bộ ấm chén gà trống tặng chị T. Ơ kìa!

Sau hơn một tuần, tôi có bộ ấm chén. Cả lũ trịnh trọng ngồi quanh bàn sau bữa tối để uống trà. Tôi cứ gọi là rối tinh rối mù với cả một đống nguyên tắc về pha trà, chia trà, về lễ nghi và điệu bộ thay lời cảm ơn. Tỷ như liên quan đến tích nhà vua vi hành và mấy công thức gõ một ngón tay, gõ hai ngón tay hay gõ liền bốn ngón như một động tác tiếp nhận trà, chỉ sau một tích tắc tôi liền quên ai gõ mấy ngón. Cuối cùng thì có màn cùn, thế giờ tao đập cả bàn tay xuống bàn thì sao. Cậu khách bảo, tức là chị cáu chứ đâu phải cảm ơn. Ờ nhể!

Tôi ra sức lý luận, uống trà có ấm tốt có trà ngon là một chuyện, nhưng đôi khi chẳng cần hai thứ đó mình uống trà vẫn cứ là hoan hỉ a. Bạn nhỏ khách thì lí lí luận luận, trà này pha nước bao độ, chén trà xếp dzích-dzắc hay xếp thẳng hàng, trà bảo quản lạnh ra sao... úi chà mệt!

(2) 

Bạn nhỏ đồng nghiệp đó rất đặc biệt.

Có một đoạn dài thời gian, tôi quý đồng thời lại bực và đôi lúc là chán ghét nó, vì cái tính có vẻ "ba phải" của nó. Sau này, tôi hiểu, ở mỗi hoàn cảnh cá nhân, con người phải thích nghi. Tôi chỗ này không cần gì thì có thể ngang ngược ngẩng cao đầu, còn người ta vì bảo toàn bản thân thì thay vì trắng đen rõ ràng có khi lại cần mang cái mặt nạ ngơ ngơ, hồ đồ mà sống. 

Khi còn phải làm việc mõ, bạn nhỏ đồng nghiệp hỗ trợ tôi nhiều. Không phải theo cách láu ta láu táu chị cần gì em giúp, mà là khi tôi có việc nhờ thì nó lẳng lặng làm, làm xong cũng chẳng buồn kể công hay tính đếm thiệt hơn kiểu có đi có lại. 

Cho tới giờ, tôi luôn có cảm giác mắc nợ nó!

Ngày hội đàn bà, cơ quan tổ chức một bữa lẩu băng chuyền. Nếu tôi không nhớ sai thì đây là lần thứ hai trong đời tôi "ăn" lẩu băng chuyền. Bạn nhỏ đồng nghiệp trước đó mấy ngày đã nhắn tin hỏi khi nào gặp được chị em muốn tặng mấy cuốn sách. À thế thì đợi đến bữa liên hoan đi.

Chúng tôi ngồi cạnh nhau, trước mặt từ từ chạy các khay đĩa nhựa đựng đồ nhúng phổ thông. Tôi hỏi bạn nhỏ đồng nghiệp, ơ kìa tao tưởng mày ăn chay. À, em giờ cái gì cũng ăn được. 

Tôi rình nhặt nấm, rau, đậu phụ và thịt bò, còn người bên cạnh thì chăm chú tìm tòi hải sản, vừa tìm vừa giải thích cho tôi, đồ biển là âm nên mình ăn cái này cần uống và ăn kèm mấy thức nóng. Xong rồi lại bồi tiếp một bài dài về chay, về dưỡng sinh, về các nguyên tắc dùng và chế thực phẩm. Lâu lắm rồi tôi mới gặp được cạ trò chuyện về nấu và ăn vui vẻ vậy. 

Quay lại chuyện sách, đó là sách liên quan đạo Bụt. Tôi phát hiện hoá ra sau một hồi đi dạo thì bạn nhỏ đồng nghiệp giờ theo Phật giáo nguyên thuỷ. Tôi thậm chí được giới thiệu một tên chùa ở Huế để có dịp thì ghé thăm. 

Có rất nhiều điểm tôi đồng ý, nhưng cũng có rất nhiều điểm tôi thực không đồng tình với bạn nhỏ đồng nghiệp. Chuyện này thực cũng rất bình thường. Vì đạo Bụt xét đến tận cùng thì là đạo [sống] của mỗi cá nhân. Tôi không theo Phật, chẳng bài xích bà con Phật tử nhiều sắc màu, đồng thời chủ trương có dịp thì đọc, thì nghe, thì ngẫm. Tôi đã học được nhiều bài học tốt từ đạo Bụt và vài vị thầy Phật giáo. Thời gian giãn cách vì con cúm Tàu, liên tục bị dồn nén trong những bất an cả hiện hữu lẫn vô hình hay phóng tưởng, tôi đã được "cứu rỗi" bởi đồng thời bởi nhiều bài giảng từ các linh mục cũng như nhà tu hành Phật giáo. Tôi hoan hỉ với hành trình này, hành trình khám phá cả Bụt và Chúa của riêng mình!

Sau một bữa trưa phong phú, tôi vác cái bụng lặc lè cùng túi to chứa áo khoác và sách trèo metro về nhà. Sách vẫn còn cuốn chưa gỡ bỏ lớp áo bọc nylon. Tôi chưa biết bao giờ, nhưng chắc chắn sẽ đọc chúng. 

(3)

Chuyện trà và sách Bụt nghe thoáng tưởng chẳng liên quan nhưng với tôi lại là một liên hệ mật thiết, một sự hữu duyên mang tính tích hợp. 

Hai câu chuyện này dạy cho tôi một điều, các công thức chỉ là để tham khảo. Còn lại, tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ điều kiện, và đặc biệt là cái năng lực cá nhân ở mỗi thời điểm cụ thể, mà sự nhận thức và thực hành của chúng ta có một kiểu cách, một dáng vẻ riêng. 

Tôi chẳng cần biết phải gõ bao ngón tay khi được ai đó chia trà, cứ nói Chị xin hay Cám ơn Em cũng ổn mà. Không phải lúc nào cũng có nào bích loa xuân, nào long tỉnh hay kì môn thượng hạng, có khi chỉ là một túi lọc trà Phúc Long hương sen hương lài được nhúng vô ly nước sôi với đôi chút ngờ vực về mùi vị công nghiệp của nó cũng đủ làm tôi vui mà. Chưa có ấm tử sa, tôi vẫn đủ vui vẻ với từ ấm độc ẩm có lai lịch lý thú thừa kế từ Ông Ngoại, bộ ấm nghệ nhân Việt không tên không tuổi, bình pha trà Bodum lớn nhỏ hay có khi đơn giản là mấy cái ấm thuỷ tinh made in China mà :-)

Rồi các bài học từ Bụt, từ các vị thầy Phật giáo, có rất nhiều trong đó tôi nghe đi nghe lại đằng đẵng bao năm mà sao giờ tôi mới chợt ngộ ra, à ra là vậy. Như bạn nhỏ đồng nghiệp nói với tôi bên băng chuyền lẩu, cứ phải là hữu duyên. 

Câu hỏi khi nào mình uống trà và đọc sách Bụt thực chỉ là một suy nghĩ vui vẻ thoáng qua. Thực thì tôi vẫn đang uống trà, vẫn ngẫm nghĩ lời Bụt dạy. Theo cách của riêng tôi!

hỏi quà này nhân dịp gì?
nghĩ hồi, quà cưới
thế là khúc khích cười

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2023

đi tìm new balance

tạm biệt Old New Balance
Đôi giày tập gắn bó với tôi trong vài năm, sau rồi bị bỏ quên một xó.

Năm trước, tôi vui tính mang ra xỏ chân. Đi chưa được nửa ngày thì phát hiện cái đế bong tróc.

Mất già nửa năm con lười mới mang giày đi gặp ông thợ sửa giày. Ông thợ phán, không phương cứu chữa.

Thời gian này ngoài vụ khám phá giày đi trong thành phố Ecco, tôi vui vẻ với Hoka One như là hảo bằng hữu từ liền mấy năm nay. 

Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn có chút lưu luyến, vẫn muốn tìm cho mình một New Balance :-)

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

bắc ninh 04.3.2023

vỡ bình 200 ngàn đồng tiền mua mười năm trước
giờ mình có hũ không đồng méo mó
Tối hôm trước chuyến về quê thăm Thầy U, TL xê xê dịch dịch cái ghế thế quái nào làm đổ kềnh khung sắt đỡ cây. Thế là đi tong một cái hũ.

Cái hũ này nguyên lai là do lão Tiên sinh mua từ ngày còn làm khách trọ dài hạn ở phố Hàn Thuyên. Tôi thấy nó xấu mù, nhưng vì thói ki-bo nên tôi giữ nó. Trong nhiều năm, nó tủi thân lăn lóc từ góc này sang góc nọ vườn nhà Hà Nội. Thậm chí bên cửa hàng vốn hay có thói xấu là tự tiện mò mẫm chai lọ hũ của nhà chúng tôi để bày biện hoa hoét trong cửa hàng cũng chẳng bao giờ rờ đến nó.

Ấy thế mà ở nhà căn hộ, nó phát huy tác dụng. Đó là trở thành vại cắm mấy dây trầu bà. Cành lá xanh rủ xuống từ bình tròn sắc xanh ngọc bỗng lại hoá đẹp, hoá hài hoà.

Đáng tiếc là cái hũ đã đi đời nhà ma nhờ công TL. Mà cũng nhờ công TL nên hôm sau về quê chơi, chúng tôi đã có món bù đắp: một hũ sành nhỏ méo mó xin từ anh họ thân cận.

Con em xin hũ thì con chị xin kệ. Anh họ cắt và chỉnh sửa cho tôi một khúc thân gỗ hương để mang về Hà Nội làm kệ kê cây hoa nhỏ. Hai chị em rời nhà anh họ mặt mày hớn ha hớn hở như em bé ngày Tết theo chân ông bà đi chúc Tết nhà hàng xóm và được nhận đồng xèng mừng tuổi vậy.

Nhân trà nước ở nhà anh họ, chúng tôi được gửi gắm một tờ hoá đơn cũ đề năm 1987 từ một cửa hàng cổ vật ở Thượng Hải. Anh họ giải thích, khi còn lao động ở Slovakia, vùng anh sống hàng năm có một tuần đại hội võ lâm đồ cổ và đồ cũ, đón tiếp bà con mua và bán từ khắp Châu Âu. Anh mua được một đĩa nhỏ kèm hoá đơn là tại một lần đi hội chợ đó. Chữ vuông anh không rành, nay muốn biết biên lai có khớp với cái đĩa không. 

Tờ hoá đơn được mang về Hà Nội. Bạn nhỏ người Trung Quốc ngó giùm. So với chữ nghĩa ghi ở đáy cái đĩa thì đúng là râu ông này cắm cằm bà nọ. Chuyện là một bên là Càn Long, một bên là Quang Tự, kết cục chẳng rõ niên đại của cái đĩa là chi. An ủi to nhất là theo bạn nhỏ xem giúp, hoá đơn là hoá đơn xịn. Cũng bạn này còn nói, tiền mua cái đĩa năm đó ngang quá nửa năm lương của ông nội em vốn là lão thành cách mạng. Úi chà!

Vẫn như mọi khi, các con được Mẹ chiêu đãi một bữa ra trò. Ở nhà quê hay lắm, rau cỏ trồng trong vườn nhà vào vụ thu hoạch cứ gọi là bề bộn. Hai cụ già ăn không hết ới ời hàng xóm. Vấn đề là đi gọi cũng mệt. Nhưng đã trồng thì không thể rón rén kiểu dăm củ su hào ba cây cà rốt hay một thân cà chua leo được. Gì gì cũng phải thành luống, thành dãy, thành hàng, thành lối. Thế là cái vòng tròn rau thừa gọi người rồi mệt thân tiếp tục quay tít thò lò. Bà cụ già thấy con về tha lôi rau củ trong mấy túi to thì vui lắm. Con cũng vui, vì tiết kiệm được cả mớ tiền.

Chuyến về quê này có chút đặc biệt là chúng tôi sau mấy lần loay hoay không thu xếp được thời gian thì đã thong dong đạp xe xuống bến Than thăm nhà anh thợ mộc quen. Anh này từ ngày Bố Mẹ về Bắc Ninh sống đã làm kha khá các món đồ gỗ cho nhà chúng tôi. Đi đi lại lại thành quen rồi thành thân.

Trước khi chúng tôi rời nhà, Mẹ dặn chớ có đặt đóng đồ, nhà quê hết chỗ rồi. Hic, con gái còn đang mơ tưởng mấy cái kệ kê cây đâu.

Ở chơi nhà vợ chồng anh thợ mộc, chúng tôi uống nước vối và nghe một đống chuyện li kỳ về Đền Tam, về những lễ hội xưa mà du khách tới đền chuyên theo đường sông với tàu bè cờ phướn sặc sỡ. Chúng tôi nghe chuyện thú vị, và bắt đầu có một ý niệm bữa nào mình đi đò qua chơi. 

nhà quê để không

sân vườn nhà anh thợ mộc

kệ gỗ hương

cái đĩa thật giả chi không rõ,
nhưng biên lai đi kèm đảm bảo xịn :-)

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

biến tấu gà xé phay và ponzu sauce cải biên

trước khi trộn: bún, gà xé, hành tím và rau
(1)

Nguyên lai ý tưởng làm món đến từ chuyện tuần trước chúng tôi có bữa trưa với Chị Q ở một quán gia đình trong ngõ trên phố Hàng Ngang.

Quán nghe nói được yêu thích lắm. Đến nơi, phòng nhỏ đầy người, may có một nhóm kết thúc bữa rời đi nên thời gian chờ đợi lấy chỗ của chúng tôi không dài. 

Thịt gà bày đĩa hình bầu dục, thịt thái miếng nhỏ dài, trộn nháo nhào với kha khá rau thơm Láng đời thứ n. Thức chấm đơn giản là bột gia vị vắt quất. Kèm gà thái có phần phở trộn và miến trộn, đơn thuần là miến và phở trộn với giá đỗ đã trụng/chần qua nước sôi. Thêm nữa là một bát nước xuýt gà nước thứ n

Tôi vô duyên, thử xíu thì bảo, TL nhà mình làm ngon hơn nhiều. May mà nói nhỏ nên không bị ai để ý. 

Tại sao tôi nói vậy? Thịt gà không đến mức mùi vị của thức bị lôi ra từ tủ lạnh, nhưng thiếu thơm thiếu nộn thiếu ngon. Miến được chần/trụng liền lạc sợi nào ra sợi nấy không bị vón mảng vón cục nhưng lại chẳng có phong vị chi chi, tôi đơn giản nghĩ miến sợi không ngon. Sang bánh phở thì tệ, bị chần/trụng quá nước quá nhiệt thành ra nát. 

Điều hài hước là bà con ăn ăn uống uống trong bản tiệm mặt mày rất phỉnh, nói cười ầm ĩ như thể đang thưởng thức tinh tế tinh hoa của ẩm thực Hà thành. 

(2)

Món ngẫu hứng nhà làm thì sao?

Gà từ nhà Bắc Ninh đảm bảo gà quê, gà chạy bộ. Thịt gà luộc xé và thái miếng xóc với xíu bột gia vị cùng răm và bạc hà, trong đó bạc hà cũng đến từ vườn nhà quê. 

Cầu kỳ thức mỳ bún phở ăn kèm nên là mấy sợi miến, hay chí ít là dòng phở-bánh đa. Có vẻ như TL đứng bếp có chút lười nên tiện thỉnh luôn một đĩa nhỏ sợi bún tươi từ phần bún được chuẩn bị cho món bún cá rau cần sau đó. 

Sang đến nước chấm, theo yêu cầu của cô em, tôi chế ponzu sauce nhà làm. Vốn dĩ có nước sauce đóng chai của Nhật, nhưng tôi không thích lắm, muốn thêm chút đỉnh này đỉnh nó điều vị theo ý.

(3)

Tôi bỏ qua hết các công thức ponzu sauce đã đọc, đã ghi chép lại và đã học theo.

Lần này, ponzu sauce cải biên được chuẩn bị với chút tuỳ tiện thái độ.

- 5 thìa súp nước tương hiệu Kikoman chai nhỏ dành cho sushi và sashimi
- 1 thìa súp dầu mè Nhật
- 1 thìa súp dấm gạo Nhật + nước cốt của một trái chanh xanh không hạt-lime
- 3 thìa súp ponzu sauce đóng chai của Nhật
- đường tôi không dùng mà thay bằng bột rong biển - tính ra chừng 1 thìa cafe
- tỏi đôi ba tép, gừng thích nhiều ít tuỳ chỉnh - tôi dùng một miếng nhỏ cỡ lóng ngón tay cái, lại thêm xíu ớt bột Nhật cay dìu dịu

Cho hỗn hợp bột rong biển + gừng và tỏi đã được đập dập và bằm sơ + ớt bột rồi giã nhuyễn. Người ăn mặn có thể chêm xíu bột gia vị/muối. 

Sau đó, hoà nước cốt chanh vào dấm, đánh đều. Rồi lần lượt chêm dầu mè, ponzu sauce và nước tương. Khuấy kỹ để các gia vị hoà vị tạo nên một món nước sauce nhà làm. 

Dùng đầu lưỡi nếm náp rồi căn chỉnh, có thể thêm chút xíu cái này cái kia, tỷ như dầu mè đôi ba giọt bổ túc để tạo thơm, nước tương một đôi thìa vì e bát nước chấm mang ra bà con đảo tay một vòng liền hết sạch... đại loại thế.

(4)

Dùng sauce này thế nào ta?

Thanh thanh nhã nhã khều đũa gắp một miếng gà dính chấp mảnh xanh lá răm và bạc hà, khẽ lướt qua phần nước sauce đã được chia trong tách nhỏ trước mặt. Và thưởng thức!

Gà có mềm nộn của phần thịt cùng giòn của lớp da, lại có thơm hương rau gia vị, cùng đậm đà đủ mọi tầng vị từ cay hăng dìu dịu của gừng-tỏi-ớt đến thơm ngậy của mè, mặn mà dịu của nước tương. 

Chấm thịt là vậy. Sang món trộn thì rất phong phú đa dạng cách ăn.

TL đã chuẩn bị trước một phần hành tím chua ngọt bóp xổi. Đĩa bát nhỏ bày một miếng bún, để mấy lát hành tím, có thêm hành xanh chẻ càng hay, lại khều tay thêm vài lá rau thơm - có thể là bạc hà, mùi ta, húng Láng, răm tuỳ có gì dùng nấy -, một miếng thịt gà xé. Rồi rưới nước sauce và ăn chơi.

(5)

Nhà có khách trong đó có một bạn nhỏ đến từ Quế Lâm vốn quen mồm miệng đậm đà gia vị.

Bạn này dò hỏi, em thêm dầu ớt được không. 

Nhà không có dầu ớt bếp Hoa nhưng có chai nhỏ dầu ớt bếp Nhật. Tôi đưa cho khách, anh bạn định cứ thế chêm dầu vào bát nước sauce to. 

Tôi vội can ngăn ấy ấy không được. Như thế sẽ phá vị.

Thế là có một cảnh hài hước, bạn khách chế cho mình ponzu sauce cải biên tầng 2 với rất nhiều sắc óng ánh đỏ của dầu ớt. 

gà xé phay trộn rối: xíu gia vị lấy đậm,
răm và bạc hà lấy vị cùng hương

hành tím xóc mau với xíu dấm, xíu đường

tùng tiệm rau thơm: bạc hà vườn nhà cùng răm mua

không thể thiếu: ponzu sauce cải biên
điểm thêm chút hành xanh thái mịn

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

tiểu thanh cam: trà phổ nhĩ quýt

Tối qua khách qua nhà ăn cơm mang tới hộp nhỏ đựng mấy loại trà. Sau bữa tối chúng tôi bắt đầu màn trà nước với ô-long. Nước trà phai thì chuyển phỏm, mình pha trà quýt.

Trước đó, tôi quê mùa nhìn cái viên nhỏ bọc giấy vàng giấy bạc thì hí hửng tưởng là sô-cô-la. Chờ bạn nhỏ bóc bỏ lớp giấy bọc, à trái quýt khô.

Khách giải thích, món này gọi là tiểu thanh cam, thanh chỉ sắc xanh, nôm na hiểu là trà [trong] trái quýt xanh [khô].

Tôi nhấm nháp miếng nước trà đầu tiên, có vị giống trà phổ nhĩ nhể. Khách đáp lời, thì đúng vậy. Tôi lại thêm một tầng được giải ngố.

Sáng nay ghi lại note trải nghiệm uống trà quýt này, tôi ngó nghiêng mạng thấy có bài giới thiệu hay. Chờ bữa nào rỗi thì nhẩn nha đọc và tìm hiểu thêm: Trà phổ nhĩ quýt - 4 điều cơ bản nên biết của Tiến Vũ, đăng trên trang mạng nhện Danh trà.


tháng 3 nói chuyện cây tháng 2

Rosemary chính thức từ trần. TL cứ tiếc chuyện tôi mua cái cây to. Ý tứ ở đây là nếu bữa tới tôi cao hứng tìm mua một cây nho nhỏ thì sẽ không có lời can ngăn nào ở đây cả. Từ nhà cũ qua nhà mới, từ Hà Nội về Bắc Ninh, rõ rành rành là chúng tôi hết mực vô duyên với bạn hương thảo này. Giờ tôi phi thường nghiêm túc suy nghĩ, có nên thử thêm một lần nữa (?)

Chậu trúc xinh bữa mua trước Tết tôi đã ngờ ngợ mình bị hố. Sau kiểm tra thông tin, nói chính xác là bị lừa. Tôi tiếc tiền của là một chuyện, tiếc hơn nữa là cho/về cái lòng dạ con người. Vào cái thời ra ngõ không gặp anh hùng mà là gặp anh lừa [đảo], thì chuyện mua phải cái cây vừa mắc tiền vừa lởm của tôi chẳng có gì đáng nói. Nhưng mà tôi vẫn lẩn thẩn nghĩ, cái cây nó có sinh mệnh đấy, nhà kia treo biển hiệu ra dáng ra dàng mà làm ăn bậy bạ vậy, tính đâu có bền a.

Lúa cạn trồng trên tầng cao, mỗi lần tưới bẫm là một lần tôi lầm bầm, có trổ bông không nhể. Ngày cuối tháng buổi sáng ra hiên ngó đám cây, ơ kìa bông lúa. Cảm giác thật là tuyệt!

Chúng tôi chính thức khép lại chương hồi mua cây. Nếu có một khe hở nhỏ khả năng thì đương nhiên sẽ là chuyện phục thù cho chuỗi thất bại mang tên rosemary :-)