Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

đi nhà rừng 2023 (2)

hết rồi con đường đất lổn nhổn
(1)

Các đầu việc cho chuyến đi nhà trên núi lần này kha khá dài. Tiếp tục dọn rừng, dọn vườn Nhật Bản, tiếp ông thợ diệt côn trùng, gửi sửa cái máy cắt cỏ, và đón mấy món đồ gỗ mới.

Hai việc đầu tiên tiến triển tốt, dù còn lâu mới có thể nói là hoàn thành. Cho đầu việc cuối cùng, ông bán hàng tên Christ của cửa tiệm máy móc ở Pittsfield biến mất dạng. Phải đến khi ông chủ nhà gọi điện cho ông quản lý bán hàng thì ông Christ này mới xuất hiện trở lại trên điện thoại. Hôm qua tiệm cử người đến lấy máy đi. Hôm nay ông Christ báo tuần sau có máy. Như vậy là lịch đi nhà rừng lần tới đã có thể được xác định.

Coi như hoàn thành trọn vẹn có diệt côn trùng theo kế hoạch sáu tháng một lần; và đồ gỗ mới đến cũ đi. Nhân có ông chuyên gia côn trùng, tôi học được một mớ từ tiếng Anh về các loài gây hại cho nhà. Còn về đồ gỗ, thì là cảm giác thành tựu, cuối cùng cái nhà nhìn cũng ra dáng cái nhà. Vì có đồ đạc trong đó.

Nhà rừng sau khi sửa chỉ có một phòng ngủ được xem là đủ điều kiện, còn ba phòng khác thì gần như trống huơ trống hoác. Lý do là vì các món đồ có giá trị, trong đó có cả không ít bàn, gỗ và đèn cổ, đều đã được anh em đạo chích ẵm đi trong chuyến càn quét mấy năm trước. Lý do nữa là nhân dọn và sửa nhà thì chính ông chủ nhà cũng tiện tay bỏ đi kha khá đồ. Lần này đồ gỗ mới sắm có một giường gấp giấu mình trong một cái tủ với hộc bàn làm việc, một tủ cosmos và một bàn console. Đồ cũ chuyển đi là một cái tủ dạng cosmos bệ vệ có kèm một miếng gương to đùng bệ vệ không kém, được coi là do ông cố nội trong nhà làm ra. Bỏ thương vương tội, ông chủ nhà sau khi nói chuyện với ông chủ tiệm gỗ thì tìm ra giải pháp, gửi đồ đến tiệm rồi bản tiệm xem chừng ai quan tâm thì chuyển cho người ta. 

(2)

Từ một cuộc trò chuyện chẳng đầu chẳng cuối giữa tôi và bạn đời, kế hoạch làm vườn rau trên núi cứ thế mà hình thành và đã bắt đầu được triển khai. Ông lão nhà ta ới ông hàng xóm nhà trên núi nhờ mang cái máy cày xuống làm vài đường cơ bản. Ông kia sáng đi làm ở văn phòng bên Albany, chiều từ kiến trúc sư trưởng hoá thành nông dân, cưỡi máy cày xuống giúp hàng xóm. Đất được cào mấy đường thì cái máy khựng. Ông nhà dưới áy náy thì được ông nhà trên an ủi, không sao đâu, đằng nào tui cũng phải sửa. Rồi ông hứa, sửa xong tui xuống cày tiếp. 

Trong lúc đợi cái máy cày được sửa và làm đất tiếp, ông nhà dưới đã kịp mua gỗ và rào để quây vườn rau. Rào thì đi cửa hàng mua vác về nhà. Còn gỗ thì đến cửa hàng chọn, thanh toán rồi bên cửa hàng mang tới. Chủ quen, khách quen nên có chuyện chủ nhà tót đi đâu lúc về nhà đã thấy gỗ để ngoài sân. Nhân chuyện này tôi học được một điều, không phải cái gì cũng là Home Depot. Rất nhiều món liên quan đến việc sửa chữa nhà cửa vườn tược gặp vị nào khó tính đều được mua ở các tiệm riêng. Giá đắt hơn nhưng chất lượng cũng tốt hơn rất nhiều. Cái này gọi là tiền nào của nấy. 

(3)

Nhà hàng xóm trên núi có tá lả các loại xe và máy. Tôi hỏi, túm lại nhà ông có bao nhiêu machines, ông hàng xóm tính nhẩm hồi rồi bảo, rất nhiều. Hai vợ chồng ông cưỡi một cái mini pick-up siêu hầm hố coi chẳng khác chi bọn nhóc tuổi đi lớp mầm chơi đồ hàng. Lão Tiên sinh cười hỏi tôi, muốn không tui mua cho một cái. Tôi biết thừa ông lão đùa cợt, cười khì khì, nhà mình không có bò bê thì chẳng cần cái xe này.

Tôi quyết định gọi gia đình ông hàng xóm trên núi là nông dân tự do. Họ có nghề nghiệp và công việc kinh doanh tạo thu nhập rất tốt, nhưng phần lớn thời gian sống thì họ lại là nông dân tay mơ. Ngày trước mồ ma partner của D. có kể cho tôi về cuộc sống kiểu này, tôi nghe ú a ú ớ cái hiểu cái không. Giờ thì tôi nhìn thấy tận mắt. Công nhận là hay! Nhưng phải nói ngay là thứ nhất cần phải có điều kiện tài chính để "chơi"; và thứ hai là đừng nhìn bề ngoài hay ho mà tưởng bở, kể cả là làm trang trại vui vui vậy nhưng cũng phải lao động cật lực chứ chẳng chơi. 

(4)

Trong chuyến đi nhà núi lần này, tôi có dịp nói chuyện với hàng xóm Scott dưới đường cái to. Ông này bị tai nạn lao động xong thì thành người khuyết tật với tính tình rất quái. Ông tự tiện đi cắt cây lấy gỗ nhà hàng xóm làm củi đốt mùa đông, chẳng hàng xóm nào buồn trách, kiểu thôi kệ gã. Nhà ông nhìn khá hơn cái chuồng gia súc để hoang một tý xíu, nhưng trên mái lại hoành tráng một dàn pin mặt trời. Bà vợ, người tôi đến giờ vẫn chưa rõ mặt mũi ra sao, rất chịu khó trang trí sân nhà. Gọi là đủ hoa đủ hoét với một đống đồ trang trí chất liệu gỗ hay gốm gì đó, hôm nay con cú ngày mai con gấu. Mới đây nhất bên hông nhà còn xuất hiện một cái xe mô-tô nước cũ hoèn, chẳng rõ vợ chồng ông kiếm được ở đâu ra. 

Hôm kia gặp Scott, chúng tôi nghe ông hỉ ha khoe thành tích "Thu Cúc đi kiện" là được hứa hẹn khoản đền bù 10 triệu đồng tiền Mỹ. Tính ra sau thuế và phí luật sư thì ông được cỡ một phần ba món đó. Tôi tò mò, có tiền hẳn ông hàng xóm này sẽ xây nhà mới nhể. Còn bạn đời thì bĩu môi, nói thế thôi chứ biết bao giờ có tiền. Ừ thì cứ gọi là happy với một phóng tưởng, tại sao không.

(5)

Phần lớn thời gian, chúng tôi tự nấu nướng. Vì để tranh thủ thời gian làm việc ngoài trời.

Lần duy nhất đi ra ngoài là cho bữa trưa ngày mưa gió, ở Blue Berry Hill. Tôi tranh thủ kiểm tra kệ hàng, các chai tương Huy Fong đã biến mất dạng. Vậy là suy nghĩ của tôi về một cuộc "càn quét" tương ớt xem ra đúng a.

Tôi bị bạn đánh chén cười nhạo, đã bảo mua lại không mua, giờ tiếc a. Không, tôi đâu có tiếc. Vì cái bạn tương ớt lỏng trứ danh đó tôi đâu có chuộng. 

Nhân chuyện tương ớt này, tôi rất chi là hoan hỉ vì nếu đột nhiên lên cơn thèm cay, cụ thể là nhớ nhung tương ớt, thì tôi đã có địa chỉ học tập làm món. Đó là hai hướng dẫn làm tương ớt, loại lỏng ăn phở và tương ớt-tỏi, của bác nhà báo, văn sĩ kiêm chủ bếp Mạc Lâm: tương sriracha ăn phở và tương ớt tỏi.

(6)

Chuyện cuối cùng tôi muốn ghi lại về chuyến đi lên núi lần này là về một ông hàng xóm đặc biệt. Ông này là anh vợ của ông drone - người có niềm vui đi dán poster sang cây nhà hàng xóm để cảnh báo anh em trộm gỗ và săn lậu, và cũng là một kiểu "tai mắt" trong khu láng giềng.

Bà vợ quá cố của ông drone và người anh em trai của bà là con của nhà sản xuất nước hoa lớn nhất xứ cờ-hoa. Họ không nối tiếp kinh doanh gia đình, giàu có với tài sản thừa kế nhưng vẫn đi làm ăn lương như người bình thường. Điều duy nhất phản ánh túi tiền to của họ là đất đai họ sở hữu ở góc này của Massachusetts. Và cả hai gia đình anh chị em nhà này có niềm vui to là tích cực mua đất, mua rừng. Vì một lý do rất đơn giản: ngăn chặn đám phát triển tới phá huỷ cảnh quan.

Về căn bản là họ thành công. Vì trừ nhà bà vợ goá ông giáo sư dưới núi, chỗ gần đường lộ to, bán nhà và đất cho tay broker ở NYC thì còn lại chẳng ma nào treo biển bán nhà bán cửa cả. Nếu không nói là còn rỉ tai nhau kiểu, ông bà bán thì ới tui nhá. 

Vì không phải lúc nào cũng có đất có rừng bán để mà đàm phán nên ông anh em vợ ông drone, giờ đã nghỉ hưu, có niềm vui hàng ngày là dẫn chó đi dạo. Chó không phải vợ chồng ông nuôi mà là được foster. Tôi ú a ú ớ, nói nuôi/đỡ đầu bọn trẻ con thì tôi biết, còn với thú cưng, tôi chịu.

Ông này chỉ con chó nhỏ dễ thương và giải thích, bạn cún 6 tháng tuổi và bị chủ abuse. Giờ chủ dứt khoát không chịu ký giấy cho chó đi, và trong khi chờ phán quyết của toà thì ông bà thẩm phán đã đồng ý cho trung tâm chăm thú cưng bị bỏ rơi hay bị hành hạ tạm thời chăm sóc bạn cún này. Trung tâm này gửi chó tới những thành viên tự nguyện, người cam kết chăm sóc chu đáo chó cùng với các biện pháp trị liệu [tâm lý].

Bà vợ ông chăm chó lại nói thêm về tình trạng tâm lý của cún nhỏ khi mới tới nhà ông bà, rằng đêm đầu tiên bạn này sợ hãi và đã được để ngủ chung giường với ông bà chủ ra sao. Rồi chuyện quay sang thành ông bà cần không gian sân chơi cho cún. Hai mẫu đất bãi cỏ vốn định mặc cỏ lớn rồi cho hàng xóm trên núi đem máy đến cuộn rơm để nuôi bò bê giờ cần được cắt tỉa gấp để cún có sân chơi. 

Hai ông bà nói gì với nhà hàng xóm trên núi tôi không rõ. Chỉ biết là sau đó một ngày, ông lão nhà ta quay sang thông báo với tôi, đất cỏ không đủ nhiều để tốn công mang máy từ Vermont về đây xử lý. Như thế có nghĩa là ông hàng xóm trên núi không cần động đến trảng cỏ nhà dưới nữa. 

Và cũng vì thế mà trong chuyến đi tiếp theo, đầu việc to đầu tiên chúng tôi cần thực hiện chính là chạy máy cắt cỏ a :-)

xuống lạch lấy đá cho vườn Nhật

hàng xóm mang máy cày xuống giúp đánh luống

tủ gỗ ông cố làm giờ dành cho người quan tâm

đến Blue Berry Hill ngó tương ớt Huy Fong: hết rồi

cửa hàng tiện lợi trong resort gần nhà
cũng là điểm bưu điện cho những người sống trong rừng, trên núi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét