Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

đi nhà rừng 2023 (3)

(1)

Chúng tôi làm việc chăm chỉ. Cuối mỗi ngày có một ông kêu đau nhức hông và một bà kêu tay tê mỏi rã rời. Người ngợm là vậy, còn về kết quả lao động thì vườn Nhật Bản xem ra thêm phần tươi tắn nhưng vẫn chưa chạm đến đường chốt cuối cùng; về phần vườn rau, như kế hoạch các phiến gỗ đã được đặt định gần xong, và ngoài mong đợi là ông chủ nhà không cần gọi mua xe đất nữa sau khi nhận được một phần quà mà ông gọi là sh*t cocktail, từ ông hàng xóm drone.

Chuyện là bạn đời luôn nỉ non, ông ý ở một mình buồn lắm, bữa nào mình dứt khoát phải nấu vài món Việt Nam mời ông ý. Tôi chẳng ngại vào bếp, nhưng đúng là sau hơn hai năm ỷ lại vào TL ở nhà căn hộ Hà Nội thì giờ tay bếp của tôi thành lởm khởm. Chưa kể trên núi đụng vào cái gì thấy thiếu cái đó từ dụng cụ bếp tới nguồn nguyên liệu. Chúng tôi nghĩ một hồi thì mới chốt được một cái công thức làm bữa tươm tươm. Ơn Giời, với ông người Mỹ lần đầu tiên trong đời ăn món Việt, bữa tối tạm coi là ổn. Tôi rất khoái chí với chốt định nguyên tắc, với người chưa quen bếp Á, bếp Việt, mình làm món cứ nên nhẹ nhàng vừa phải đường gia vị, và thay vì ú hụ một hai đĩa bát thì nên phong phú gấp đôi số món, và tất cả đều ở lượng khiêm tốn. Kiểu phòng ngừa khách không quen không hạp cái này thì có thể rờ cái nọ. 

Quay lại chuyện quà của ông drone. Ông này, cũng như nhà hàng xóm liền kề trên đỉnh núi, có một cái có thể gọi là trang trại, với dê, với cừu, với ngựa, và với con gì nữa tôi không rõ lắm. Ông chở cho chúng tôi một wagon phân chuồng ủ lâu năm, hỗn hợp hoàn hảo từ nguồn thải của liền mấy loại con vật ở trang trại: từ ngựa, từ cừu, từ dê, và từ bò. Tôi mù tịt về trồng cấy, nhưng nhìn cái xe chất ủ đó thực là phấn chấn, cứ như thể một dàn cà chua béo múp míp đang nhảy nhót trước mắt tôi vậy.

Bạn đời cười phớ lớ bảo, nói lịch sự thì là manure cocktail. Tôi cười hì hì, cái lợi của kẻ ngu ngơ không biết tiếng người là đôi khi có nghe mấy từ tục chạy ngang tai thì cũng cứ đơ cái mặt vì chẳng hiểu gì. Thôi, tiếng Việt nhà cháu cứ thật thà tổng hợp phân chuồng ủ lâu năm

(2)

Trong chuyến đi nhà rừng lần này có vẻ như những chuyện nổi bật đều liên quan đến ông drone. Khi đến ăn tối ở chỗ chúng tôi, ông khoe sắp đi Pittsfiel kèm tiếng Anh cho người nhập cư. Ông kể đây là đăng ký tự nguyện, được huấn luyện 18 giờ về sư phạm và vài kỹ thuật dạy phát âm, rồi sau đó là dạy kèm một thầy một trò. Mấy hôm sau bữa tối mời cơm khách, khi qua nhà ông, chúng tôi nghe ông hào hứng kể về "học trò" của mình, một ông đến từ El Salvador, đã ở Mỹ hơn 10 năm, đã kịp có riêng cho mình một công việc kinh doanh landscaping, kiếm tiền tốt và giờ muốn cải thiện tiếng Anh để trao đổi thuận lợi hơn với khách hàng. Nghe thật thú vị!

Nhân chuyện này, hai ông, ông drone và bạn già yêu quý của tôi, quay sang phi thường nghiêm túc tính tính toán toán thu xếp cho tôi một người dạy kèm. Lão Tiên sinh được dịp xỏ xiên chê bai cái sự phát âm giọng Pháp và thói nuốt âm nơi cuống họng của tôi. Còn tôi thì được dịp trề môi, chả có ai aggressive như ông, người ta vừa mở miệng mà ông đã hằm hè uốn nắn. Mà nghĩ cũng hài, một ông điếc gặp một bà nói ngọng, đó mới chính xác là tình cảnh của chúng tôi. Đúng là tôi có rất nhiều khó khăn trong phát âm, trong việc nói tiếng Anh, nhưng trong không ít trường hợp, bạn đồng hành do tai nghễnh ngãng nên nghe chữ tác đánh thành chữ tộ rồi cứ thế mà cho là tôi nói sai. Cách giải quyết tốt nhất là tìm ra người thứ ba có thể giúp tôi đánh vật với món Anh ngữ!

(3)

Trong chuyến đi lần này, ông chủ nhà giống con thoi thoắt đi thoắt lại từ rừng xuống phố, địa chỉ luôn là mấy tiệm bán vật liệu hay máy móc dụng cụ, đồ ngũ kim. Tôi thi thoảng nhảy tót lên xe đi cùng, gọi là em đây đi thành phố. 

Mỗi lần đến hay đi qua Pittsfield tôi đều có cùng một cảm giác, một thành phố ma, một thành phố chết. Dù không thiếu vắng xe hơi chạy trên đường, dù không phải không có cảnh ở điểm đợi bus công cộng nào đó nhàn tản vài người hoặc đang hút thuốc hoặc đang nốc bia và tám chuyện ầm ĩ một góc phố thì về căn bản, ở mấy con phố chính, các mặt tiền cửa hàng hay lối vào toà nhà chung cư đều treo biển đóng cửa hay sẽ sớm mở.

Và hơn nữa là có một mẫu số chung không đổi cho cảnh quan thành phố, ở đến quá hai phần ba ngã tư đường luôn có một ai đó giơ tấm bìa xin được giúp đỡ [cho tiền]. Giới thiệu về bản thân của họ bắt đầu là cựu chiến binh hay vô gia cư. Và dòng chữ/hàng chữ cuối cùng trên tấm biển luôn là God Bless [You].

Bác thợ cả Joe vốn là một người ôn hoà về chính trị vậy mà có bữa cũng lắc đầu ngao ngán, rất không ổn. Tôi nghe kể có bữa ông bác động lòng trắc ẩn, dừng xe hỏi một vị homeless rằng thì là mà có muốn giúp bác mấy việc tay chân không. Người kia cám ơn và từ chối. Tôi nghe chuyện này, rồi cộng thêm nhiều mẩu vụn vặt khác thì tự hỏi, đây là do lười hay do lựa chọn lối sống. Bất luận thế nào thì hình ảnh những người đứng ở ngã tư đường hay túm năm tụm ba gần mấy điểm dừng xe bus đều đưa lại một phức hợp cảm giác, về sự nhếch nhác có, về chênh lệch xã hội cả, và không thiếu cả về một nguy cơ mất an toàn, hay thậm chí là phạm tội.

Pittsfield

mưa mịt mùng xứ Berkshires

trên núi dựng vườn rau

tiệc rừng - tổng hợp phân chuồng ủ lâu năm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét